trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
12.4.2008
Nguyễn Ước
Ba mươi triết gia Tây phương
(“Phần đọc thêm” của cuốn sách Ðại cương Triết học Tây phương, sắp xuất bản)
 1   2   3 
 
7. Bacon (1561–1626)

Triết gia, nhà nghị luận và chính khách người Anh. Tên đầy đủ: Francis Bacon.

Bacon chào đời tại Luân Ðôn, theo học Ðại học Cambridge và trường luật Gray’s Inn.Phụ thân ông là nhà quí tộc Nicholas Bacon, chưởng quản của nữ hoàng Elizabeth I. Trong khi làm nghị sĩ quốc hội, Nicholas chống chính sách thuế của nữ hoàng nên sự nghiệp chính trị bị trục trặc. Mãi về sau, Nicholas mới được tái bổ dụng, nhưng chỉ cho làm thành viên không chính thức của Hội đồng Luật gia.

Sự nghiệp chính trị của Francis Bacon bắt đầu năm 1601, khi ông đặt nhiệm vụ quốc gia lên trên tình bằng hữu, chống lại một ân nhân và là bạn thiết. Liền đó ông được bổ nhiệm một vai trò tích cực trong công tố viện, và quá trình ấy khiến ông bị nhiều người chê trách. Khi James I lên kế vị, vận mệnh của Bacon tăng tiến. Ông được phong hiệp sĩ năm 1603, chưởng quản năm 1617 và chánh thẩm tòa án tối cao năm 1618. Cùng năm đó, ông được phong Nam tước Verulam và ba năm sau, 1621, Tử tước St. Albans.

Nhưng vừa nhận tước Tử tước, Bacon liền bị cáo giác nhận hối lộ khi làm chánh thẩm — một tệ nạn thông dụng thời ấy. Ông nhận tội, bị phạt 40.000 bảng, loại khỏi pháp đình, cấm tham chính và tống ngục Tower. Sau đó, hình phat bằng tiền và tù được tái xét. Tuy thế, sự nghiệp chính trị của Bacon chấm dứt. Ông về hưu, dành trọn phần đời còn lại để viết.

Bacon viết cả triết học lẫn văn chương. Ông dự trù một công trình lớn lao. Ðó là bộ sách Instauratio Magna, nhưng chỉ hoàn tất hai phần, cuốn The Advancement of Learning (Tăng tiến kiến thức, 1605) về sau được ông triển khai ra tiếng La-tin thành cuốn De Augments Scientiarum (1623), và cuốn Novum Organum. Người ta còn đồn rằng có một số vở kịch mang tên Shakespeare là do ông viết vì trong đó, có nhiều chi tiết liên quan tới sinh hoạt cung đình trong khi Shakespeare chỉ là dân giả.

Ðóng góp của Bacon vào triết học chính là việc ông áp dụng phương pháp qui nạp của khoa học hiện đại vào triết học, đối lập với phương pháp tiên nghiệm của kinh viện học trung cổ. Ông thúc giục sự thẩm tra triệt để vào mọi trường hợp và tránh việc đặt lý thuyết trên các dữ liệu không thỏa đáng. Nhiều người phê bình Bacon là quá máy móc, không thành công trong việc tiến hành những thẩm tra của chính ông cho tới tận cùng luận lý của chúng, và không bắt kịp kiến thức đương thời.

Tới thế kỷ 19, Thomas Macaulay (1800-1859), sử gia và nhà nghị luận người Anh, phát động phong trào phục hồi uy tín cho Bacon như một nhà khoa học. Ngày nay, những đóng góp của ông được đánh giá với lòng tôn kính đáng kể. Cuốn The New Atlantis (Lục địa Atlantis mới, 1627) là một loại tưởng quốc Utopia khoa học. Các chi tiết của nó được phần nào thực hiện bởi tổ chức Hiệp hội Hoàng gia năm 1660, ba mươi tư năm sau khi tác giả qua đời. Các luận văn Essays (1567–1625), phần lớn có tính cách giảng huấn cách tiếp nhân xử thế, là những bài viết được đại chúng ưa thích nhất. Chúng nổi tiếng nhờ bút pháp sinh động, những quan sát tinh tế và phát biểu đánh động lòng người. Cho đến nay, chúng vẫn được nhiều người dùng làm sách ‘học làm người’.


8. Descartes (1596–1650)

Triết gia và nhà khoa học người Pháp. Tên đầy đủ: René Descates.

Thuở nhỏ, ông theo học trường của Dòng Tên (Jesuits). Sau khi tốt nghiệp Ðại học Poitiers, ông gia nhập quân đội của Hoàng thân Maurice of Nassau. Tới năm 32 tuổi, ông giải ngũ, sống ở Hà Lan. Tại đó, ông dành trọn thời gian để nghiên cứu khoa học, suy tưởng triết học và viết về những thành quả của mình.

Năm 1649, Descartes sang Stockholm để làm gia sư cho nữ hoàng Thụy Ðiển Christina, nhưng không chịu đựng nổi bầu khí nghiêm ngặt của cung đình và khí hậu khắc nghiệt phương bắc. Qua năm sau, ông từ trần vì bệnh sưng phổi, thọ 54 tuổi.

Trước ngày đi Hà Lan, Decartes đã bắt đầu công trình vĩ đại của đời mình. Các tiểu luận về Ðại số và Compendium musicae (Bản tóm lược về âm nhạc) có lẽ nên ghi lùi thời điểm, trước năm 1628. Thế nhưng cả hai xuất hiện năm 1637 với một nhóm các tiểu luận lần đầu tiên được Descates ký bằng tên của ông. Các tiểu luận ấy gồm văn bản danh tiếng Discours de la méthode (Luận về phương pháp), các luận văn về khúc xạ, về sao băng, về hình học phân tích.

Toán học là sở thích lớn nhất của Descartes. Ðược xây dựng trên công trình của những người khác, ông tạo ra các tọa độ Descartes, các vòng cung Descartes, và ông thường được cho là người sáng lập hình học phân tích. Ðối với đại số, Descates đóng góp vào việc giải căn số âm và qui ước ký hiệu mũ. Chính do bởi dự tính mở rộng phương pháp toán học tới mọi lĩnh vực của tri thức mà Descartes triển khai phương pháp luận của ông, và đó là khía cạnh chủ yếu của triết học Descartes.

Vứt bỏ hệ thống thế giá và thẩm quyền của triết học kinh viện, Descartes bắt đầu với sự hoài nghi mọi cái, kể cả những gì ông trải nghiệm vì ông cho rằng các giác quan thường đánh lừa ông. Nhưng có một cái ông không thể hoài nghi, đó là chính sự hoài nghi. Ðây là cốt lõi được ông trình bày trong câu nói danh tiếng của mình: Cogito, ergo sum Je pense dons je suis: Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.

Từ tính chất chắc chắn do sự hiện hữu của hữu thể tư duy, Descartes lần bước tới sự hiện hữu của Thượng đế. Ông biện hộ cho sự hiện hữu ấy bằng cách đưa ra bằng chứng dựa trên luận cứ mang tính bản thể luận của Anselm và bằng chứng dựa trên nguyên nhân đệ nhất, cái chắc chắn tạo ra trong người tư duy ý tưởng về Thượng đế. Như thế, trong khi đạt tới sự hiện hữu của Thượng đế, Descartes cũng với tới thực tại của thế giới vật lý thông qua Thượng đế, đấng không lừa dối tâm trí đang tư duy bằng các tri giác vốn là ảo giác.

Do đó, thế giới ngoại tại mà chúng ta đang tri giác phải hiện hữu. Như thế, Descartes rơi trở lại sự chấp nhận là thật những cái được chúng ta tri giác một cách rõ rệt và riêng biệt. Và ông nghiên cứu thế giới vật chất bằng cách tri giác các nối kết của nó. Ông nhìn thế giới vật chất như có tính máy móc chủ nghĩa, hoàn toàn cách ly với tâm trí, cái độc nhất nối kết giữa hai hữu thể bằng sự can thiệp của Thượng đế. Tới ngang đây, quan điểm của Descartes gần như hoàn toàn mang tính nhị nguyên luận.

Trong khoa học, Descartes vứt bỏ truyền thống. Bằng cuộc cách mạng ấy, ông ủng hộ phương pháp giống y như của Francis Bacon, nhưng ông nhấn mạnh sự hợp lý hóa và luận lý học chứ không nhấn mạnh kinh nghiệm. Trong lý thuyết vật lý, các học thuyết của Descartes được đề ra như một thỏa hiệp giữa đức tin Công giáo — ông suốt đời mộ đạo — và các phương pháp khoa học vốn bị người giáo hội thời đó chống đối. Ông viết Traité de l’homme et de la formation du foetus (Luận về con người và sự hình thành bào thai, 1664), một văn bản về sinh lý học.

Thao tác trong tâm lý học, ông khẳng định rằng cuối cùng, cảm xúc đặt nền tảng trên sinh lý học, và ông cho rằng sự phô diễn vật lý của các cảm xúc tự chúng kiểm soát chúng. Tác phẩm chính của Descartes về tâm lý học thì có Traité de passions de l’âme (Luận về những đam mê của linh hồn, 1650); triển khai triết học thì có Meditations de prima philosophia (Trầm tư triết học, 1641); cuốn Principia philosophiae (Nguyên lý triết học, 1664) cũng rất quan trọng.

Ảnh hưởng của Descartes trên triết học thật mênh mông. Người ta thường gọi ông là cha đẻ của triết học hiện đại. Thế nhưng, trong những năm giữa thế kỷ 20, địa vị quan trọng của ông bị thách đố vì có vài học giả chứng minh rằng ông mắc các nhà kinh viện học một món nợ lớn. Bước sang thế kỷ 21, khi tinh thần nhất nguyên của triết học Ðông phương thâm nhập văn hóa Tây phương, Descartes lại bị thách đố sâu sắc hơn.

Descartes ảnh hưởng lên người duy lý chủ nghĩa. Spinoza cũng phản ánh học thuyết Descartes tới một mức độ nào đó. Các môn đồ trực tiếp hơn của Descartes, các triết gia mang bản sắc Descartes tận tụy với vấn đề quan hệ của thể xác và linh hồn, của vật chất và tâm trí. Từ đó, đưa tới học thuyết về cơ hội chủ nghĩa (occationalism), được triển khai bởi triết gia Pháp Nicolas Malebranche (1638–1715) và triết gia Bỉ, Arnold Geulincx (1624–1669). Descartes cũng ảnh hưởng rất rộng trong lãnh vực luật pháp và thần học.


9. Spinoza (1632–1677)

Triết gia người Hà Lan. Tên đầy đủ: Baruch hoặc Benedict Spinoza.

Spinoza thuộc một cộng đồng Do Thái từ Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha di cư sang, để lánh nạn Tòa án Dị giáo. Ðược giáo dục theo phong cách Do Thái giáo chính thống, ông cũng học tiếng La-tin và đọc các tác phẩm của Descartes cùng các nhà văn thuộc thời kỳ khác. Sự độc lập tư tưởng của Spinoza dẫn tới việc ông bị khai trừ khỏi cộng đoàn Do Thái năm 1656.

Cho tới khoảng năm 1660, Spinoza sống gần hay ngay trong thủ đô Armsterdam, nơi sinh quán, và sau đó tại Rijinsburg, Voorburg, và La Hague. Bằng khả năng mài tròng kính tuyệt giỏi, ông sống khiêm tốn, dành thời giờ để triển khai triết học của mình. Dù sống ẩn dật, ông học hành liên tục, trao đổi thư tín rộng rãi, và được nhiều triết gia ghé thăm. Năm 1673, Spinoza được mời làm giáo sư Ðại học Heidelberg nhưng ông từ chối để tiếp tục được sống an tĩnh. Ông qua đời năm 42 tuổi vì bệnh lao, mà rõ ràng ngày càng trầm trọng thêm vì bụi kính khi ông mài.

Các tác phẩm chính của Spinoza đều đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, v.v. kể cả một bản ông viết lại một phần những thuật ngữ được dùng trong công trình của Descartes (1663), cuốn Treatise on Religious and Political Philosophy (Luận về triết học tôn giáo và chính trị, 1670), và tác phẩm quan trọng của ông Ethics (Ðạo đức học), có lẽ viết xong năm 1665 nhưng chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời (1677). Tác phẩm Opera Posthuma của ông gồm cả Political Treatise (Luận văn chính trị), Treatise on the Improvement of Understanding (Luận về cải thiện tri thức), Letters (Thư từ) và Hebrew Grammar (Văn phạm tiếng Do Thái Hi-bru).

Spinoza bắt đầu bằng việc dịch Kinh thánh tiếng Hi-bru, và đó là bản đầu tiên nêu lên những câu hỏi cao cấp về Kinh thánh. Ðược triển khai trong cuốn Ðạo đức học, hệ thống triết học của ông đặt cơ sở trên thuyết duy nhất thể trong đó toàn bộ hiện hữu được gồm trọn trong một bản thể duy nhất, đó là Thượng đế. Ðấng thiêng liêng này, đôi khi được gọi là Thiên nhiên hoặc Tự nhiên, có vô lượng thuộc tính, nhưng chúng ta chỉ biết được có hai: tư tưởng và sự dàn trải.

Do đó, toàn bộ hiện hữu như chúng ta biết, được lĩnh hội trong hai khía cạnh ấy của cuộc sống thiêng liêng. Thuyết phiếm thần của Spinoza không dành chỗ cho tự do, cơ hội hoặc các ý tưởng truyền thống về sự bất tử. Cái đánh động tâm trí con người như cái ác, trong thực tại, là một thành phần của sự hoàn hảo của Thượng đế. Con người được tự do theo ý nghĩa rằng nó có thể hiểu và chấp nhận sự dự phần của nó vào trật tự thiêng liêng, nhưng nó không được tự do khi nó, phát xuất từ mù lòa cá nhân vị kỷ, kháng cự sự thiết yếu đó. Qua ‘tình yêu Thượng đế, có tính trí huệ’, người khôn ngoan đi tới nỗi hân hoan, nhưng Spinoza tin rằng các tôn giáo đại chúng và Kinh thánh có thể thành tựu hạnh phúc phù hợp với con người thông thường.

Spinoza là người sáng lập chế độ dân chủ và thúc giục giáo hội phải lệ thuộc vào quốc gia. Ông bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến và trên tất cả, tìm cách giải phóng con người khỏi sự sợ hãi. Trong thời của ông, thuyết phiếm thần dường như là một sự báng bổ, và khi ông còn sống, một số tác phẩm của ông bị cấm xuất bản. Qua các triết gia Gotthold Lessing (1729–1781), Johan G.Herder (1744–1803) và Johann Goethe (1749–1832), Spinoza ảnh hưởng lên chủ nghĩa duy tâm của Ðức.


10. Hume (1711-1776)

Triết gia và sử gia người Tô Cách Lan, Anh. Tên đầy đủ: David Hume.

Là nhân vật dẫn đầu trong thời Khai sáng tại Tô Cách Lan, Hume theo học luật tại Ðại học Edinburgh. Tới năm 1734, ông sang ở La Flèche tại Anjou, Pháp.

Tại Pháp, Hume viết đại tác phẩm A Treatise of Human Nature (Luận văn về bản tính con người, 1739–1740), trong đó ông đúc kết và triển khai di sản thực nghiệm của Locke và Berkeley. Tuy thế, quan điểm của ông chỉ được biết tới rộng rãi khi ông viết hai cuốn Essays on Moral and Political (Tiểu luận về đạo đức và chính trị, 1741–1742), và bản tóm lược cuốn luận văn có nhan đề Enquiry concerning Human Understanding (Thẩm tra liên quan tới hiểu biết của con người) trong đó ông khiêu khích Kant và những người duy tâm chủ nghĩa đang phản bác chủ nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa hoài nghi của ông.

Trong thập niên 1750, Hume viết tác phẩm, được xuất bản sau khi ông qua đời, Dialogues Concerning Natural Religion (Những đối thoại liên quan tới tôn giáo tự nhiên). Chủ nghĩa vô thần của Hume gây trở ngại cho những lần ông thỉnh cầu học hàm giáo sư tại các Ðại học Edinburgh và Glasgow. Ông trở thành gia sư, thư ký, thủ thư tại Thư viện Advocate ở Edinburgh, nơi ông viết cuốn sách có tính đại chúng Political Discourses (Các nghị luận chính trị, 1752) và bộ sách 6 quyển History of England (Lịch sử xứ England, 1754-1762).

Từ năm 1763 tới 1765, Hume làm thư ký cho đại sứ Anh tại Paris, và là khuôn mặt nổi bật trong xã hội Pháp. Sau đó ông về lại Luân Ðôn năm 1766 rồi ở Edinburgh từ năm 1768 cho tới ngày qua đời.


11. Kant (1724–1804)

Nhà siêu hình học Ðức, một trong những khuôn mặt vĩ đại nhất trong triết học. Tên đầy đủ Emmanuel Kant.

Ông chào đời tại Konigsberg, lúc đó là Phổ, nay là Kaliningrad thuộc Nga. Ông theo học và gần như sống suốt đời ở đó. Bắt đầu làm gia sư cho vài gia đình, tới sau năm 1775, ông giảng dạy tại Ðại học Konigsberg về triết học cùng vài môn khoa học khác nhau. Tới năm 1770, ông nhận được qui chế giáo sư luận lý học cùng siêu hình học, và nổi tiếng rộng rãi qua các bài giảng và bài viết.

Các tác phẩm xuất bản sớm sủa của Kant thuộc lãnh vực khoa học tự nhiên, cách riêng thiên văn học và khoa học vật lý. Suốt cuộc đời mình, ông xuất bản rất nhiều tác phẩm với các đề tài trong một phạm vi rộng lớn.

Cuốn đầu tay phản ánh những nghiên cứu của ông về Christian von Wolff (1679–1754), và Leibniz, được tiếp theo bằng một giai đoạn triển khai, cuối cùng đạt kết quả trong Critique of Pure Reason (Phê phán lí tính thuần túy, 1781). Tác phẩm cung cấp các luận cứ đánh phá chủ nghĩa duy nghiệm của Hume và trở thành kinh điển ấy, đánh dấu cho cái được hậu thế gọi là ‘giai đoạn chủ chốt’ với những văn bản chính.

Trong số đó, những cuốn quan trọng gồm Prolegomena to Future Metaphysics (Lời giới thiệu siêu hình học tương lai, 1783), Foundations of the Metaphysics of Ethics (Cơ sở siêu hình học của đạo đức học, 1785), Critique of Practical Reason (Phê phán lí tính thực tiễn, 1788), và Critique of Judgment (Phê phán óc suy xét, 1790). Cuốn Religion within the Limits of Reason Alone (Tôn giáo trong các giới hạn của riêng lý trí, 1793), kích động lệnh của chính phủ cấm không cho ông xuất bản thêm sách về tôn giáo. Ông còn viết về chính trị học, và cuốn Perpetual Peace (Hòa bình vĩnh cửu, 1795) cổ vũ một hệ thống toàn cầu của các quốc gia tự do.

Theo Kant, việc ông đọc Hume đã đánh thức ông ra khỏi cơn mê ngủ giáo điều và đặt ông lên đường đi làm một ‘triết gia phê phán’, có thể xem như một tổng hợp đề của chủ nghĩa duy lý của Leibniz-Wolff và chủ nghĩa hoài nghi của Hume. Kant gọi đó là cái nhìn thấu suốt vào bản tính của tri thức, ‘Cuộc cách mạng Copernic trong triết học’.

Thay vì giả định rằng các ý tưởng của chúng ta nếu đúng thì phải phù hợp với thực tại ngoại tại độc lập với sự hiểu biết của chúng ta, Kant đề nghị rằng thực tại khách quan chỉ được biết tới trong chừng mực nó phù hợp với cấu trúc cốt tủy của tâm trí đang hiểu biết. Ông quả quyết rằng các đối tượng của kinh nghiệm — tức là các hiện tượng — có thể được biết tới, nhưng ông cho rằng những sự vật nằm bên kia cảnh giới có thể kinh nghiệm — đó là các bản thể hoặc các vật tự thân — thì không thể biết tới dù sự hiện hữu của chúng là một tiền giả định thiết yếu. Hiện tượng có thể được tri giác theo các hình thức thuần khiết của nhạy cảm, không gian và thời gian, nhưng để được am hiểu, nó phải sở hữu những đặc tính lập nên các phạm trù am hiểu của chúng ta.

Do đó, các nhà khoa học có thể chắc chắn rằng các sự kiện tự nhiên — mà chúng ta quan sát — có thể được am hiểu trong tương quan với các phạm trù. Như thế, lãnh vực tri thức của con người được giải phóng khỏi chủ nghĩa hoài nghi của Hume, nhưng vẫn bị giới hạn đối với thế giới hiện tượng. Mọi nỗ lực thuần lý thuyết nhằm am hiểu các vật tự thân đều bắt buộc phải thất bại. Sự thất bại không tránh khỏi ấy là chủ đề của cuốn Critique of Pure Reason, dưới tiểu đề ‘Transcendental Dialectic – Biện chứng pháp siêu nghiệm’. Trong đó, Kant trình bày rằng có ba vấn đề siêu hình học lớn lao: Thượng đế, tự do và sự bất tử. Cả ba vấn đề ấy đều không thể giải quyết bằng suy lý. Chúng ta không thể khẳng định hoặc phủ định sự hiện hữu của chúng dựa trên các cơ sở thuần lý thuyết, cũng không thể chứng minh chúng bằng khoa học, nhưng Kant thấy sự hiện hữu của chúng là thiết yếu trong triết học đạo đức của ông.

Ðạo đức học của Kant tập trung trong ‘mệnh lệnh vô điều kiện’ của ông (hoặc gọi là luật đạo đức): Hãy hành động như thể châm ngôn — hoặc nguyên tắc — mà bạn hành động theo đó, sẽ qua ý chí của bạn, trở thành luật phổ quát [cho mọi người trong cộng đồng]. Ðây là định luật có nguồn gốc trong sự tự quản của hữu thể có lý trí, và nó là công thức lập thành thiện chí tuyệt đối. Tuy nhiên, vì con người là thành viên của hai thế giới, một có thể cảm nhận bằng giác quan và một có thể nhận thức bằng trí óc, nên nó có thể hành động sai lầm, không theo định luật đó, mà thường hay theo thiên hướng hoặc sở thích cá nhân của y. Như thế, cái thiết yếu khách quan, nghĩa là ý nguyện tuân theo định luật, lại tình cờ chủ quan, và vì lý do đó, luật đạo đức mà con người đối mặt chính là hành động mà con người cảm thấy mình ‘nên’ làm. Thí dụ, thay vì làm điều kia theo sở thích thì vì đối mặt với luật đạo đức, ta cảm thấy mình ‘nên’ làm điều này.

Trong cuốn Phê phán lí tính thực tiễn, Kant tiếp tục phát biểu rằng đạo đức đòi hỏi phải tin vào sự hiện hữu của Thượng đế, tự do và sự bất tử, vì không có sự hiện hữu của cả ba cái đó thì không thể có đạo đức.

Trong cuốn Phê phán óc suy xét, Kant áp dụng phương pháp phê bình của mình vào các phán quyết có tính cứu cánh luận và mỹ học. Kant lập luận rằng mọi phán đoán mỹ học, dù phổ quát, cũng không tùy thuộc vào bất cứ đặc tính nào của đối tượng, thí dụ cái đẹp hoặc tính thoát tục. Chủ đích của Kant trong cuốn này là khám phá cho ra chiếc cầu nối giữa thế giới có thể cảm nhận bằng giác quan với thế giới có thể nhận thức bằng trí óc. Ðây là chiếc cầu được tìm thấy trong các khái niệm về cái đẹp và về cứu cánh, và ít nhất nó cũng gợi cho thấy cả hai thế giới ấy, tối hậu, có khả năng hiệp nhất.

Không thể nào tính hết các kết quả do công trình của Kant mang lại. Ngoài sự thúc đẩy triển khai thêm các thuyết duy tâm tại Ðức của Johann G. Fichte (1762–1814), Friedrich von Schelling (1775–1854) và Hegel, triết học Kant còn ảnh hưởng lên hầu hết các lãnh vực tư tưởng. Trong số những kết quả tự nhiên do ảnh hưởng của Kant có thuyết tân Kant vào cuối thế kỷ 19. Phong trào này có nhiều chi nhánh ở Ðức, Pháp và Ý. Hai chi nhánh chính là trường phái Marburg tại Ðức, được thành lập bởi Hermann Cohen (1842–1918) và gồm có Ernst Sassirer (1874–1945) và trường phái Heidelberg cũng tại Ðức với áp dụng của Kant vào các môn học văn hóa và lịch sử. Nối kết mật thiết với phái sau là Wilhelon Dilthey (1833–1911).

Kant ảnh hưởng lên tư tưởng Anh Mỹ qua triết học của William Hamilton (1788–1856) và Thomas H. Green (1836–1882), và một số tư tưởng mang bản sắc Kant được tìm thấy trong chủ nghĩa thực dụng của Williams James và John Dewey. Trong thần học, có thể tìm thấy ảnh hưởng của Kant trong các văn bản của Friedrich Schleirmacher (1768–1834) và Albrecht Ritschl (1822–1889); các ý tưởng của ông trong sinh học được triển khai bởi Hans Driesch (1867–1941), và trong tâm lý học Gestalt bởi Wolfgang Kohler (1887–1967).


12. Hegel (1770–1831)

Triết gia Ðức. Tên đầy đủ Georg Wilhelm Friedrich Hegel.

Hegel chào đời tại Stuttgard và là con của một công chức thư ký. Ông theo học thần học ở Tubingen rồi làm phụ giảng tại các Ðại học Bern và Frankfurt; tới năm 1805, làm giáo sư Ðại học Jena. Cùng Schelling, ông là biên tập tờ Kritische Journal der Philosophie (Tạp chí Phê bình Triết học, 1802–1803). Dù được xem là môn đồ của Schelling, ông vẫn công kích chủ trương của thầy mình, triển khai hệ thống do ông phác thảo, nhấn mạnh lên lý trí chứ không trên trực giác lãng mạn như Schelling, và lần đầu tiên trình bày nó trong Phenomenology of Mind (Hiện tượng học tâm trí, 1807).

Trong thời gian Napoléeon chiếm đóng, Hegel biên tập một tờ báo (1807–1808), sau đó, ông thôi làm để giữ chức hiệu trưởng một trường giáo dục và rèn luyện thể lực, theo mô hình Gymnasium Hi Lạp, tại Nuremberg. Kế đó, ông quay về làm giáo sư tại các Ðại học Heidelberg (1816–1818) và Berlin (1818–1831), nơi ông càng ngày càng nổi tiếng.

Trong các bài giảng tại Berlin, Hegel đề ra một hệ thống được ông trau chuốt tỉ mỉ trong những tác phẩm sau đó của mình. Chủ yếu là các cuốn Science of Logic (Khoa học lô-gích, 1812–1816), Encyclopedia of the Philosophical Science (Bách khoa khoa học triết lý, 1817), một phác thảo toàn bộ triết học của ông, và Philosophy of Right (Triết học về cái đúng, 1821). Ngoài ra, còn có các cuốn về đạo đức học, mỹ học, lịch sử và tôn giáo.

Các quan tâm của Hegel rất rộng, và chúng quyện vào nhau làm thành triết học đồng nhất của ông. Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối của Hegel đương đầu với ‘Linh hồn thế giới’, triển khai từ đó và qua đó ông trình bày cái được gọi là ‘Biện chứng pháp Hegel’. Theo biện chứng pháp ấy, một khái niệm (chính đề) đương nhiên phát sinh cái đối lập của nó (phản đề), và cả hai đề ấy tương tác dẫn tới một khái niệm mới (hợp đề). Tới lượt cái thứ ba này trở thành chính đề của một bộ ba mới.

Hegel đánh giá nghiên cứu của Kant về các phạm trù là chưa đầy đủ. Ý tưởng về hữu thể thì có tính nền tảng nhưng nó gợi ra phản đề phi hữu thể của nó. Tuy thế, hai cái đó không hỗ tương loại trừ nhau vì nhất thiết chúng tương tác ra hợp đề, là cái chúng phải trở thành. Vì thế, hoạt động là cơ bản, tiến bộ là phải lẽ và luận lý là căn bản của tiến trình thế giới. Nghiên cứu thiên nhiên và tâm trí đều vén lộ cho thấy lý trí nhận biết chính nó trong vũ trụ luận và lịch sử. Tiến trình thế giới thì có tính tuyệt đối, và nguyên lý tích cực ấy không vượt lên trên thực tại nhưng hiện hữu qua thực tại và trong thực tại. Vũ trụ triển khai bằng một kế hoạch tự tạo, tiến lên từ các thiên thể tới thế giới này, từ lĩnh vực khoáng vật tới thực vật, từ lĩnh vực thực vật tới sinh vật.

Có thể phát hiện trong xã hội một quá trình diễn tiến y như thế. Hoạt động của con người dẫn tới của cải và của cải dẫn tới luật pháp. Từ mối quan hệ giữa cá nhân và luật pháp phát triển tổng hợp đề của đạo đức, ở đó, sự tương thuộc và tự do của cá nhân tương tác tạo thành quốc gia. Do đó, quốc gia là một tổng số ở bên trên mọi cá nhân, và vì thế, nó là một đơn vị. Sự phát triển cao nhất của đơn vị ấy là nền cai trị bằng chế độ quân chủ. Một quốc gia như thế là hiện thân của ý tưởng tuyệt đối. Trong nghiên cứu của mình về lịch sử, Hegel duyệt lại lịch sử của các quốc gia, tuần tự từ các nước ít có ảnh hưởng lên nhân dân cho tới các nước đại diện cao hơn cho cái tuyệt đối. Dù phần lớn triển khai ấy của ông đáng ngờ, nhưng khái niệm của ông về sự xung đột giữa các nền văn hóa kích thích người ta phải phân tích lịch sử.

Hegel xem nghệ thuật như một lối tiếp cận gần cái tuyệt đối hơn là chính quyền. Hegel chia lịch sử nghệ thuật thành ba thời kỳ: thời Ðông phương, thời Hi Lạp và thời Lãng mạn. Ông tin rằng hình thức lãng mạn nghệ thuật hiện đại không dung chứa nổi tính chất trọng đại của lý tưởng Kitô giáo.

Hegel giảng dạy rằng tôn giáo chuyển dịch qua một chuỗi cấp bậc, từ sự bái lạy thiên nhiên tới Kitô giáo, nơi Ðức Kitô biểu hiện sự hiệp nhất của Thiên Chúa và con người, của linh hồn và vật chất. Triết học đi quá bên kia tôn giáo khi nó làm cho con người có khả năng lĩnh hội sự phơi mở của cái tuyệt đối trong toàn bộ lịch sử.

Hegel ảnh hưởng lên nhiều triết gia đi sau ông. Chủ nghĩa duy tâm hậu Hegel, chủ nghĩa hiện sinh của Kierkegaard và Sartre, chủ nghĩa xã hội của Marx và Ferdinand Lasalle (1825–1864) và chủ nghĩa công cụ của John Dewey. Lý thuyết của ông về quốc gia là sức mạnh dẫn đạo cho Phong trào Thanh niên Hegel tìm cách thống nhất nước Ðức.

Sau khi Hegel qua đời, các bài giảng của ông về triết học, tôn giáo, mỹ học và lịch sử được kết tập thành một bộ sách tám cuốn.


13. Marx (1818–1883)

Triết gia xã hội và là người thành lập chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Tên đầy đủ Karl Marx.

Marx sinh tại Ðức, con của một luật sư Do Thái cải từ đạo Do Thái sang Kitô giáo hệ Thệ phản Luther. Trong lịch sử triết học thế giới, Marx là một triết gia với động cơ không chỉ là nhu cầu tri thức hàn lâm mà còn giấc mơ cứu thế, suy tưởng và trực tiếp ứng dụng hệ thống triết học của mình nhằm, theo quan điểm của Marx, đẩy nhanh hơn diễn biến tiến hóa của thế giới. Các sử gia viết về thế kỷ 20 không thể không nhấn mạnh vai trò của Marx trong cả chính trị lẫn triết lý.

Marx học luật tại Bonn và Berlin, nhưng chuyển sang học triết, cách riêng học thuyết Hegel và chủ nghĩa duy vật của Luwig Feurbach (1804-1872). Năm 1841, ông nhận văn bằng tiến sĩ của Ðại học Jena. Năm 1842-1843, ông làm biên tập viên – chủ bút, cho tạp chí cấp tiến Rheinnische Zeitung (Báo miền sông Rhein).

Sau khi tờ báo bị đàn áp và phải đóng cửa, Marx sang ở Paris (1843) và Brussell (1845). Ở đó, cùng với Friedrich Engels (1820-1895) như một cộng sự viên thân thiết, đệ tử và là người bảo trợ, ông tái tổ chức Liên minh của người công chính theo chủ nghĩa xã hội, về sau dược đặt lại tên là Liên hiệp những người Cộng sản, hội họp nhau ở Luân Ðôn năm 1847.

Năm 1848, kết hợp với Engels, Marx kết thúc bản Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, trong đó thông giải lịch sử là của đấu tranh giai cấp và công kích nhà nước là công cụ áp bức. Nó cũng tiên đoán cuộc cách mạng xã hội được lãnh đạo bởi giới vô sản, và đồng thời tấn công chủ nghĩa tư bản, quyền tư hữu, gia đình, tôn giáo và đạo đức là những hệ tư tưởng của giới trưởng giả.

Bị trục xuất khỏi hầu hết các nước ở lục địa châu Âu, Marx sang Anh, định cư tại Luân Ðôn năm 1849. Ở đó, ông nghiên cứu kinh tế và viết quyển thứ nhất của tác phẩm chính là Tư bản luận (1867), hai quyển sau do Engels kết tập từ bản thảo của Marx, được xuất bản sau khi Marx qua đời, vào các năm 1884 và 1894.

Trong ba quyển ấy, Marx triển khai lý thuyết về cuộc cách mạng chính trị và toàn cầu, là kết quả tất yếu của cuộc xung đột giữa giai cấp lao động và giai cấp trưởng giả. Mục đích của Marx là đoàn kết mọi người lao động trên thế giới nhằm mục đích nắm quyền lực chính trị và vượt lên trên biên giới giữa các quốc gia.

Marx là nhân vật hàng đầu trong Quốc tế Ðệ nhất từ năm 1864 cho tới khi nó thoái chuyển năm 1872. Người ta có thể tìm thấy trong các văn bản của Marx những luận giải về đủ loại vấn đề văn hóa, lịch sử, tôn giáo, xã hội, v.v. Thập niên sau cùng của đời ông bị đánh dấu bởi đau ốm bệnh tật ngày càng tăng. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Highgate ở Luân Ðôn.

Chủ nghĩa Marx là một bộ phận của tư tưởng chính trị và xã hội được thấm nhuần từ các văn bản của Karl Marx. Theo Marx, toàn bộ lịch sử loài người bị thúc đẩy bởi lịch sử đấu tranh giai cấp. Với Marx, sức mạnh lèo lái cuộc đổi thay xã hội là tính chất mâu thuẫn giữa cấu trúc của ‘các lực lượng sản xuất’ và thứ bậc xã hội. Những mâu thuẫn ấy tăng dần, nhiên hậu chỉ có thể bị thủ tiêu bởi cuộc cách mạng xã hội lật đổ giai cấp thống trị và thay vào đó bằng một giai cấp khác. Tối hậu, chỉ có giai cấp lao động đánh bại giai cấp tư bản để cuối cùng thiết lập xã hội cộng sản vô giai cấp.

Theo thông giải của chủ nghĩa cộng sản, duy vật biện chứng pháp nằm ở cấp bậc cao hơn chủ nghĩa duy vật, đặt cơ sở trên chủ nghĩa xã hội không tưởng mang bản sắc Anh, thí dụ Thomas More (1478-1535), chính khách và học giả Anh, tác giả cuốn Utopia, cũng như trên triết học duy vật, chủ yếu được định nghĩa bởi Feurbach, và trên biện chứng pháp, tuy duy tâm, của Hegel.

Chủ nghĩa Marx do đó, chủ yếu là sự phân tích mang tính phê phán xã hội tư bản, cuộc cách mạng vô sản và sự chuyển thể sang chế độ xã hội chủ nghĩa.

Phần lớn tác phẩm của Marx, đặc biệt bộ Tư bản luận, đều liên quan tới động lực kinh tế của xã hội tư bản, nhìn nhà nước như công cụ của giai cấp thống trị nhằm hỗ trợ tư bản cá thể và áp bức tập thể quần chúng. Vì nhu cầu tư bản cá thể là thu lợi nhuận hoặc bòn rút giá trị thặng dư, nên nó phải giữ lương bổng ở mức tối thiểu để tồn tại. Tình trạng ấy làm phát sinh các mâu thuẫn kinh tế vì nó cản trở sức mua của người lao động trong việc tiêu thụ các hàng hóa sản xuất. Chủ nghĩa tư bản do đó bất ổn một cách cố hữu, và là chủ thể gây nên những cuộc khủng hoảng khiến ngày càng tăng thêm sự đình trệ.

Marx cho rằng những khủng hoảng ấy càng lúc càng tồi tệ, cuối cùng dẫn tới cuộc cách mạng qua đó giai cấp lao động nắm lấy nhà nước, thiết lập nền độc tài của người vô sản, sức mạnh sản xuất nằm trong tay của nhân dân và trong xã hội xã hội chủ nghĩa, không còn tình trạng khác biệt giai cấp. Xã hội vô giai cấp ấy cuối cùng sẽ dẫn tới sự tàn lụi của nhà nước, sản sinh xã hội cộng sản.

Chủ nghĩa Marx tìm cách mở rộng phương pháp phân tích ấy tới các tình huống đương đại. Ðặc biệt, chủ nghĩa Marx phương Tây xem xét khả năng can thiệp của nhà nước nhằm làm dịu hẳn các cuộc khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa và thiết lập tính chính thống hợp pháp cho trật tự tư bản hiện hành thông qua sự kiểm soát của nó trên giáo dục và truyền thông. Trong các xã hội chưa phát triển mạnh kỹ nghệ, chủ nghĩa Marx được thích nghi nhằm giải thích các cuộc cách mạng tại những xứ sở mà chủ nghĩa tư bản chưa phát triển rộng rãi, tương phản với quan điểm lịch sử của Marx.

Nói chung, có sự thừa nhận rằng các văn bản của Marx có liên quan tới sự chuyển thể sang một xã hội mang tính xã hội chủ nghĩa, nhưng chúng thiếu các chi tiết về bản tính của xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nó đưa tới hậu quả là chủ nghĩa Marx lôi cuốn một qui mô lớn rộng những thông giải của các nhà lý thuyết chính trị trong tình trạng thiếu sự đồng thuận phổ quát.


14. Nietzsche (1844–1900)

Triết gia người Ðức. Tên đầy đủ Friedrich Wilelon Nietzsche.

Ông chào đời tại Saxony, là con của một mục sư và thuở bé rất ngoan đạo. Nietzsche học tiếng Hi Lạp và La-tin tại Bonn và Leipziz. Là sinh viên cực kỳ sáng chói, ông được bổ nhiệm vào ghế giáo sư môn triết học cổ điển tại Ðại học Basel năm 25 tuổi (1869) dù lúc ấy chưa hoàn tất học trình tiến sĩ.

Trong những năm đầu đời, Nietzsche kết tình bằng hữu thắm thiết với Richard Wagner, mà ông đánh giá rằng với các bản hợp xướng, Wagner là kẻ kế thừa chân chính bi kịch Hi Lạp. Nhưng về sau ông quay sang đối nghịch đầy cay đắng với nhà đại nhạc sĩ ấy; cả hai tuyệt giao năm 1876.

Những rối loạn thần kinh và khủng hoảng thị lực buộc Nietzsche phải rời Ðại học Basel năm 1879, rồi viết và sống trôi nổi khắp các nhà trọ ở châu Âu, trong nỗ lực vô vọng cải thiện sức khỏe. Cho tới năm 1889, tâm thần ông không bao giờ còn có khả năng hồi phục, và ông qua đời năm 56 tuổi.

Nói chung, Nietzsche không phải là triết gia có hệ thống, nhưng đúng hơn, ông là một nhà đạo đức học nhiệt liệt bác bỏ nền văn minh trưởng giả Tây phương. Câu nói thời danh của ông là ‘Thượng đế đã chết’. Ðánh giá văn minh Kitô giáo là suy đồi và thay vào ‘đạo đức nô lệ’ của nó, Nietzsche giới thiệu và đưa mắt hướng tới ‘siêu nhân’, kẻ sẽ phát động một nền đạo đức anh hùng mới, trong đó cuộc sống và giá trị cuộc đời sẽ được khẳng định với đầy đủ ý thức. Siêu nhân của Nietzsche sẽ biểu hiện niềm đam mê và cơn sáng tạo cao nhất, và sẽ sống ở cấp bậc kinh nghiệm, vượt quá bên kia những định chuẩn qui ước của thiện và ác. ‘Ý chí quyền lực’ có tính sáng tạo của siêu nhân sẽ khiến cho y tách biệt với ‘bầy đoàn’ của loài người thấp hèn.

Tư tưởng của Nietzche tạo được ảnh hưởng lan rộng và có tầm quan trọng cách riêng tại Ðức. Những người cổ vũ cho chủ nghĩa Quốc xã Ðức nắm lấy phần lớn văn bản của ông như lời biện hộ triết học cho lý thuyết của họ về quyền tối thượng của quốc gia và chủng tộc cùng sự khinh rẻ thể chế dân chủ và bình đẳng chính trị. Một số học giả đánh giá hành động ấy là xuyên tạc tư tưởng của Nietzsche; họ vạch ra chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ của Nietzsche và thái độ của ông coi thường định chế quốc gia, đặc biệt tại nước Ðức.

Trong số các tác phẩm nổi tiếng của Nietzsche có On the Genealogy of Morals (Bàn về phả hệ của đạo đức, 1887), The Birth of Tragedy (Ngày sinh của bi kịch, 1872), Thus Spoke Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế, 1883–1891), Beyond Good and Evil (Bên kia thiện và ác, 1886), cuốn tiểu sử tự thuật Ecce Homo (1908), v.v. Tác phẩm của Nietzsche đang càng ngày càng được nhiều người tìm đọc và đào sâu. Ông là một trong những nguồn ảnh hưởng chính lên chủ nghĩa hiện sinh.

(Còn 1 kì)

© 2008 talawas