trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
28.3.2008
Hai Trầu
Bèo giạt
 
Thế là mùa hè lại qua rồi! Bây giờ là những ngày rừng thu bắt đầu nhuốm màu vàng. Thấm thoát, ba chị em cá thác còm chúng tôi đã sống ở đây gần hết một năm dài. Chúng tôi thảnh thơi bơi lội trong hồ kiếng nhà ông Hai, nước trong vắt đến độ thấy rõ từng hạt sỏi. Và cũng kể từ những ngày có ý kiến của bà Hai về việc "cá nhỏ làm mồi cho cá lớn", ba chị em chúng tôi mỗi ngày có thêm món ăn mới là các con tép được ướp đá vừa vặn miếng mồi để thay thế cho những con cá nhỏ vô tội.

Theo một thời khắc biểu gần như không mấy thay đổi, vào mỗi buổi chiều, lúc ông Hai vừa đi làm về, chúng tôi được ông Hai mang ra cho một con tép cắt làm sáu miếng nhỏ. Mỗi miếng vừa bằng đầu ngón tay và khẩu phần mỗi đứa chúng tôi là ba miếng nhỏ như vậy. Nhưng thực tế không đơn giản chỉ là ba miếng mồi ngon. Lý do một phần chúng tôi tuy cùng là một giống cá như nhau, nhưng mỗi đứa một ý thích khác nhau. Chị thác còm lớn nhứt hảo món tép này như mèo gặp mỡ. Chị kế lại không hạp khẩu vị cho mấy, nên có lúc vì đói quá, chị ngậm miếng tép định nuốt cho đỡ khổ, nhưng rồi suy nghĩ thế nào, chị lại nhả ra. Kiếm quanh quất, ngoài lớp đá trứng lót đáy hồ và mấy chú ốc bươu lò mò theo vách kiếng với lớp vỏ quá dầy, không cách nào ăn được, chị thác lác còm vừa vừa này lại ngậm lại miếng mồi vừa nhả ra, và cố nuốt vào nhưng miễn cưỡng lắm. Chính vì hơi kén ăn như vậy nên hai chị này hồi trước lớn bằng nhau, nhưng nay chiều dài, chiều ngang mỗi chị lại cách xa nhau một trời một vực. Còn cô bé út thì, ôi thôi, kén ăn quá là kén, thành ra về sống trong hồ nước này có đến gần nửa năm rồi, mà vẫn còn nhỏ xíu như "lưỡi dao thằng hề" với bộ xương sườn, xương sống lộ rõ ra ngoài lớp da mỏng vánh như bộ xương cách trí.
Nhìn ba con cá nuôi chung hồ, cùng một môi trường sống, cùng một loại thức ăn giống nhau mà lại mang ba dáng hình khác nhau quá rõ như vậy, ông Hai suy nghĩ nhiều lắm về dòng sống của nhiều loài. Có hôm, chúng tôi nghe ông Hai ngồi thở dài bên chiếc ghế dựa nhỏ, ra chiều trầm tư về dòng đời... Những tiếng thở dài của một người nhà quê già trôi giạt nơi xứ người nghe sao quá mệt mỏi, chua xót. Chị em chúng tôi dạo này ít lội tung tăng như mấy tháng trước, một phần vì dường như mỗi ngày mỗi lớn nên đứa nào đứa nấy lại đâm ra trầm ngâm. Nhất là chị cá lớn nhứt, có bề dài gần giáp với bề ngang cái hồ kiếng rồi, trong khi đó, bề ngang cái hồ ba mươi galon này lại không dài lắm, nên việc xoay trở hơi nặng nhọc khó khăn. Thành ra, chị cá lớn thường nằm yên trong các bụi rong đuôi chồn như người già ẩn dật. Ngặt một nỗi là càng ít bơi lội chừng nào, xem chừng thân hình chị lại càng lớn thêm ra. Chị cá vừa vừa vốn tính bẩm sinh, kén ăn nên cũng kén lội. Tối ngày như một nhà hiền triết, chị cứ ẩn vào gốc cây mục lấy từ dòng suối nhỏ róc rách chảy qua một khu rừng nguyên sinh mà ông Hai có bận đã lên đó mang về, nơi có cụ già gần tám mươi tuổi đang sống ẩn nhẫn nơi góc làng hẻo lánh.

Hôm qua, không biết sao mà ông Hai buồn bã quá mạng. Đến chiều, khi những vệt sáng từ ngọn đèn đường gần cửa sổ hắt nhẹ vào lớp kiếng dày, chúng tôi nhận ra nét mặt ông Hai càng ưu tư lạ. Như mọi bữa, chiều nay ông Hai lại ngồi gần bên hồ cá nhìn những nhánh rong đang thả xuống những chiếc rễ non trắng mượt. Ông Hai cho chúng tôi một bữa ăn chiều như thường lệ. Mấy miếng tép cắt nhỏ từ từ chìm xuống đáy hồ. Với dáng vẻ thong dong, chúng tôi mỗi đứa vờn vờn quanh miếng mồi, rồi ngậm vào miệng mình một miếng nhỏ như mọi khi mà không suy nghĩ gì theo thói quen thường ngày.

Nhìn người chủ già đang suy tư, chúng tôi không dám hó hé lội mạnh hay phá phách những bụi rong mà ông Hai đã cắc ca cắc củm mang từ trên hồ Avon về hoạn dưỡng mấy tháng trời nay. Nào là bụi mã đề lá non xanh mơn mởn, nào là những nhánh rong đuôi chồn tha thướt trôi theo dòng chảy của giọt nước nhẹ đưa. Nào là những nhánh lá gạc nai vươn mình vượt thẳng lên khỏi mặt nước, trong lúc các chùm rễ như râu người già lướt thướt chìm trong đáy hồ, hút chất đạm nuôi lá xanh. Mỗi mỗi mầm sống từ trong hồ kiếng là mỗi mỗi chút đời đầy hi vọng. Ở đó đang có sức sống vươn lên với những cây đời xanh tươi, một màu xanh biêng biếc của mỗi loài rong cỏ.

Ông Hai để lộ nét say sưa chiêm nghiệm trên gương mặt lấm chấm đồi mồi trước vẻ xanh tươi của những loài rong rêu đang bừng khai sức sống. Chợt ông Hai ngồi vào chiếc ghế bằng cây tạp, rót cho mình tách trà mà bà Hai vừa mới châm hồi nãy. Ông bưng tách trà nóng đang bốc hơi, đưa lên mắt như xông hơi nóng bốc từ tách trà cho sáng thêm đôi mắt vốn đã mờ đi ít nhiều vì tuổi đời. Chị thác lác còm lớn nhứt lội lờn vờn bên mấy miếng mồi còn lại. Chị ngậm thêm miếng tép thứ hai ra chiều bụng còn đói. Nước trong hồ vẫn trong vắt. Tiếng nước chảy từ cái bơm phía sau bức bình phong vẫn đều đều róc rách. Những lá rong mảnh mai, dịu dàng đưa đẩy thật nhẹ nhàng theo dòng nước đang luân lưu chầm chậm...

Nghe tiếng chuông bấm nhẹ, ông Hai bước ra cửa. Thì ra người bạn nhỏ cùng thích nuôi cá như ông Hai ghé thăm. Họ ngồi vào bàn và mỗi người nâng lấy tách trà nóng hổi vừa mới rót ra thơm phức. Nhìn cái bình trà bằng sành có tráng lớp men mỏng mua ở Lái Thiêu mà ông Hai đã mang theo qua bên này từ hồi xa cố hương, ngót nghét có tới gần mười năm dài, ông Hai hỏi người bạn nhỏ:

"Chú em thấy trà ướp bông lài mà châm trong bình sành Lái Thiêu ngon hay dở vậy chú em?"

Được ông Hai hỏi đột ngột, người bạn trẻ đâm ra lúng túng, đành hẹn lại dịp khác. Thật ra, hơn ai hết, người bạn trẻ biết ông Hai là người điềm tĩnh, thích nhìn sự vật qua cái lòng, nên việc ngon dở không nhất thiết là bình tích bằng sành hay bằng loại bình kiểu đời xưa bên Tàu, nên người bạn trẻ biết ý mà không trả lời liền theo câu hỏi. Thế rồi, chủ và khách lại nói qua vài câu chuyện về cá, về rong. Ông Hai hỏi người bạn nhỏ:

"Chú em nghĩ sao về đêm hôm qua ở nhà ông Bảy Cù Lao? Buồn hay vui?"

Người bạn nhỏ nhớ lại chuyện hồi hôm với những giọt rượu làm ấm lòng người, bèn trả lời người lớn tuổi:

"Buồn có, vui có, ông Hai!"

"Chú em nói rõ cái ý mình được không? Ông Hai hỏi gặng lại."

Người bạn trẻ đặt tách trà xuống bàn rồi từ tốn đáp:

"Buồn là mình buồn một đời người không quá trăm năm! Vui là vui cái tình tri ngộ giữa những mảnh đời lưu lạc, bỗng gặp nhau ở một bến sông đời xa xứ, xa nhà. Việc một người đã không còn ở cõi đời này, mà nhân gian còn bận bịu khen chê là việc quá hẹp mà cũng quá dư. Hẹp là vì lòng người đời thiếu độ lượng. Dư là việc chẳng cần. Ông Hai thấy sao?"

Nghe người bạn nhỏ nói vậy, chúng tôi để ý thấy ông Hai gật gù ra chiều hợp ý. Nhắp thêm chút trà, ông Hai mới nhẹ giọng:

"Ở đời qua cứ lầm hoài chú em à! Số là sáng nay qua thấy trong mình không khoẻ, nên có đến phòng mạch một người thầy thuốc bắc để kê toa hốt mấy thang thuốc bắc về uống. Nhưng khi qua tới đó rồi, qua mới bật ngửa. Thì ra việc bắt mạch kê toa buổi sáng này là việc phụ chú em à! Mà cái chánh là người ta nói về một người đã chết. Thế mới đau! Ông thầy thuốc chuyển mạch qua chuyện thế thái nhân tình. Chưa nghe, qua đã dội ngược rồi, cho nên càng nghe ông thầy thuốc nói, qua lại càng ngán ngẩm sự đời. Thật ra, qua nghĩ chỉ có mình qua là hẹp lượng thôi. Còn kỳ dư ai ai có học hành tới mức cao rồi đều có cái bụng bao dung, độ lượng hết trơn. Nhưng sáng nay, qua nghe ông thầy giảng cho một chặp mà đâm ra buồn quá là buồn chú em à! Thật sự qua không ngờ. Mà chữ ‘ngờ’ là chữ có từ hồi nào rồi, mình làm sao biết được cũng như làm sao thấu hết lòng trần..."

"Rồi ông Hai có ý kiến gì không khi nghe ông thầy thuốc nói vậy?" Người bạn trẻ hỏi.
"Ý kiến, ý cò gì chú! Mình là rong rêu bèo giạt mà! Làm sao dám đưa ra ý kiến gì. Vả lại bá nhơn, bá tánh mà! Khen chê là tuỳ bụng mỗi người, mình cứ giữ lòng mình cho ngay thẳng là quí lắm rồi. Cái chính trực của những kẻ nhà quê là cái chính trực từ trong bùn trong đất, trong lúa trong lung, trong rong trong cỏ là vậy chú em à! Nó không xưng tụng, không khoa trương, không sôi nổi mà bền bỉ một lòng cho dù có những lúc cuộc đời đưa đẩy nó chìm tận đáy hồ"

Ông Hai uống thêm chút nước trà còn ấm rồi kể tiếp:

"Chú có biết dưới đáy hồ, đáy lung có bao nhiêu mầm sống trồi lên không chú? Những trái ấu già rụng, chìm trong bùn, nhưng rồi đến một ngày, trái ấu vẫn nẩy mầm cho bông, cho trái xum xuê để người nghèo ăn đỡ đói. Những củ bông súng, củ sen chìm lỉm dưới đáy hồ sâu, đến mùa hè, mùa thu lại tốt tươi hoa lá. Những chiếc lá tròn phơi mình trên mặt nước mướt rượt. Những cánh bông màu trắng nhụy vàng ai mà không khen cái nét sắc sảo tài tình. Cho nên chớ vội khen chê một mảnh trăng già vừa lặn ở bên kia rừng phong đang thay màu, thêm tội lắm thế nhân! Biết đâu chừng ánh trăng lại lung linh trên dòng suối nhỏ hay chìm lỉm dưới đáy hồ mà vẫn sáng một màu trăng.

Trăng già vừa khuất bên sông,
Ai ơi! Chớ vội bưởi bồng thêm đau!

Ba chị em chúng tôi lội nhè nhẹ cặp theo gốc cây mục có vài về rong xanh bám chặt. Và tình cờ nghe được câu chuyện giữa hai người. Chị em tôi nghi nghi là ông Hai đang nói về ông lão bên dòng suối kế bìa rừng, mà có lần ông Hai đã lên con suối nhỏ ấy tìm rong, tìm cây mục về để nuôi dưỡng, hầu tạo cho chúng tôi có một cảnh đời gần với đời sống nơi ruộng đồng sông rạch, thay vì mỗi ngày cứ phải lội lòng vòng hoặc dựa lưng vào những nhánh rong ảo hoá trong bức bình phong dán phía sau vách hồ. Chúng tôi rất thương người chủ già của mình về cái nét nhà quê đặc thù bất di bất dịch. Người nhà quê nào mà không yêu mảnh vườn, vạt lúa trúng mùa, bờ kinh giăng giăng những rặng tre vút lên trời cao cùng với khói nấu cơm chiều. Họ cũng ghiền cái mùi khói đốt đồng cùng ánh lửa đỏ rực nổ giòn của những lớp rơm dày, cỏ mục sau mỗi vụ mùa tháng hai, tháng ba. Lửa cháy, gió nổi lên, lửa lại cháy dữ dội hơn. Phía dưới gió, những đàn chim ốc cao, chằn nghịt, rắn rùa từ trong cỏ lác hè nhau ba chân bốn cẳng lủ khủ chạy ra khỏi biển lửa như cảnh chạy giặc.

Sau mỗi buổi chiều đồng khô lửa cháy như vậy là những bữa nhậu linh đình bày bên bờ mương hay trại ruộng mà nghe thắm tình đất, tình người. Mồi nhậu không gì ngoài mấy con chuột cơm với cái bụng trắng phau, mấy chú chim ốc cao mập thù lù cái ức, mấy con rắn bông súng, rắn vi cá ngắn ngủn mà bụng đầy những cặp trứng sắp đến mùa đẻ chửa. Đọt bằng lăng, đọt sắn, đọt lụa, đọt xoài non, cộng thêm mớ rau cần gai, lá quế, cải trời, rau đắng, rau dừa cơm bò bên mé nước, thứ nào cũng ngon, cũng hấp dẫn... Rồi cuộn với mồi xào sả ớt chấm nước mắm bầm xoài, làm một bữa cây nhà lá vườn đưa cay với rượu nếp để lãng quên đời... Làm sao họ có thể quên được một chút gió mang theo mùi khói rơm rạ thơm thơm của những năm tháng cày bừa chứa chan tình tự như vậy...

Họ cũng yêu cánh đồng mùa nước lên ngập tràn bờ với những vạt rong đuôi chồn đầy cá mè vinh, cá vảnh, cá linh. Họ thương những vạt lung sâu lúp xúp mấy ổ le le, gà nước đầy trứng trên đọt năn, đọt lát dầy bịt. Họ mê những đàn cò ma, cò ráng, cò trâu kéo nhau từng đàn, từng đàn từ trong đồng sâu ra đứng bên bờ mương khi nước chớm giựt để đón cá bắt mồi.

Nhiều thứ lắm. Họ mê khi còn thức và cả trong giấc ngủ sau những ngày nắng mưa mệt nhọc. Cả đời họ, dường như không ai tự nói rằng mình nhà quê hơn ai, nhưng không ai bắt họ bỏ được cái chất ruộng đồng trong tâm tưởng họ được. Lòng thủy chung là cái thước đo lòng người với người, với cảnh sắc chung quanh, với ruộng đồng nơi mình sinh ra và lớn lên. Quên những nơi chốn quê hương ấy là quên cái gốc gác của đời mình, nghĩ mà buồn lắm!"

Uống thêm chút trà, ông Hai trầm ngâm nhắc lại câu chuyện vua nước Lỗ là Ai Công hỏi Tể Ngã về việc lập đàn xã để thờ Thần Đất. Tể Ngã mới đáp rằng: "Nhà Hạ trồng cây tùng ở đàn xã, nhà Ân trồng cây bá, nhà Chu trồng cây lật, là có ý khiến dân phải sợ hãi." Khổng Tử nghe được câu chuyện, mới bảo: "Thành sự bất thuyết, toại sự bất gián, kí vãng bất cưu." [1] Sợ người bạn trẻ chưa rõ nghĩa lắm, nên ông Hai mới giải nghĩa thêm: "Việc đã thành thì không nên nói nữa, việc đã xong rồi (hoặc không tránh được) thì không nên can nữa, việc đã qua rồi thì không nên trách nữa."

Nghe ông Hai kể lại câu chuyện xưa, người bạn trẻ ra chiều hiểu ý người già, nên nâng tách mời ông Hai uống thêm chút nước trà như thầm cảm ơn ông về điều vừa nhắc, ai cũng thấy nhưng lại khó mở lòng ra, "kí vãng bất cưu" vậy.

Ba chị em chúng tôi lúc thì nằm yên ở dưới bóng mát một bụi rong, lúc thì bơi nhè nhẹ kế bên chùm gạc nai xanh mơn mởn với những cánh lá răng cưa phơi mình trên mặt nước. Lớp đá sỏi nằm dưới đáy hồ vẫn một màu xanh của rêu phủ nhẹ. Cảnh vật chỉ chừng ấy, với tiếng nước chảy róc rách từ cái máy bơm gắn ở phía sau vách hồ, sao mà thân thiết quá! Chúng tôi nghe muốn ghiền cái âm điệu đều đều róc rách ấy. Nhiều lúc chúng tôi nhận ra ông Hai ngồi có đến hằng giờ để nhìn vào hồ cá đầy rong. Làm sao chúng tôi hiểu hết những gì ông đã nghĩ ngợi trong đôi mắt sâu hun hút ấy? Và có ai là người đồng cảm với ông về một nỗi mê đắm với chút cỏ nội hương đồng lạc loài giữa cái lạnh tê hồn?

Nhìn vào hồ nước trong vắt, ông Hai thấy một chiếc lá mã đề đã rời mình mẹ đang nằm im dưới đáy hồ. Chiếc lá mã đề vốn đã mỏng, nay nó lại biến từ màu xanh lá mạ ra màu bạch kim trong suốt, để lộ rõ từng đường gân, càng làm ông Hai nghĩ ngợi nhiều hơn về một chu trình chuyển đổi. Bụi mã đề vẫn xanh và đang cho ra nhiều lá non, nhưng chiếc lá cũ thì vẫn nằm im trên lớp sỏi nơi đáy hồ như một phần đời đang rời khỏi căn cội.

Cá vẫn lội. Nước vẫn trong. Rong rêu vẫn buông những chùm rễ dài như những sợi tóc tiên dịu dàng, mềm mại. Dòng sống vẫn trôi qua theo tiếng róc rách của giọt nước rót đều đều. Ở đáy nước còn có khúc gỗ mục từ một bờ suối nhỏ giữa rừng phong, nơi ẩn dật của cụ già tóc bạc, giờ đang phủ lên mình một lớp rêu xanh... Chỉ có lớp sỏi đã phủ màu rêu là nằm im lìm nghe mọi mảnh đời đang sống quanh, mà không một lời than trách sao mình lại phải chìm sâu dưới đáy hồ nước nhỏ trong veo này từ mùa đông năm trước! Ông Hai chợt hỏi người bạn nhỏ:

"Qua hỏi thiệt, mà em cũng trả lời thiệt nghe: tại sao em lại thích nuôi rong và cá quá mạng vậy?"

"Dạ, cái tính mỗi người là do bẩm sinh ông Hai. Trong sách Nho có nói "Thiên mệnh chi vị tính". Còn cái sở thích lại do cái tính mà có. Tôi thích rong và cá có lẽ do cái tính một phần mà cũng do cái tình nữa. Cái tình ruộng rẫy mà ông Hai lúc nào cũng nhắc là cái tình mà tôi một thời mang nặng lúc thiếu thời. Rồi dần dà sau này, khi đời sống trôi nổi quá, mình lại quên. Bây giờ lúc tuổi đời gần năm mươi rồi, bỗng lại biết mạng trời và lại nhớ mình có khác gì rong rêu cỏ rác, thành ra, tôi mới tìm tới rong là để tìm một chỗ ẩn thân khi tuổi sáu mươi sắp trờ tới... Cá làm mình vui. Rong làm mình yên. Yên vui là một đạo sống rồi ông Hai! Chỉ có yên mình mới vui được và ngược lại."

Ông Hai nghe người bạn trẻ nói vậy, ông rất mừng có được người cùng nhìn sâu vào đáy hồ. Nơi đáy nước ấy, mọi loài đều sống thầm lặng theo cái cách của mình mà toả ra nhiều điều lý thú. Hớp thêm chút nước trà, ông Hai bèn nói ra cái ý của ông:

"Còn qua, qua thích rong và cá là để nhớ về những ngày lênh đênh trên cánh đồng mùa nước nổi. Nơi ấy cơ cực lắm mà cũng thú vị lắm. Có những lúc gió chướng làm chiếc xuồng nhỏ trôi lướt lên những đám rong đuôi chồn đầy bông vàng để biết đời mình đang cuốn trôi theo gió. Có những lúc nằm trên mũi xuồng lần theo viền lưới, lòng rạo rực biết chừng nào khi con cá mè vinh cườm lấp lánh cái vẩy dưới một bụi mã đề, rồi con cá lại quậy mạnh quá, tuột khỏi bàn tay cằn cỗi, để biết rằng nhiều lúc cái muốn rất gần đâu phải dễ dàng: bắt được con cá mè vinh giữa lúc mình nghèo hàn. Có những lúc đứng lút mình trong biển nước để ủi từng mảng rong nổi lềnh bềnh trên mặt nước, môi xanh dờn vì mưa lạnh để biết đời làm ra hột lúa, hột gạo không dễ như người ta tưởng. Người ta có thể quên nhiều thứ, nhưng quá khứ là cái bóng chập chờn. Khó quên lắm chú! Có điều khác nhau là người này nhớ quá khứ là đời vui thêm, người khác nhớ quá khứ là để buồn thêm!"

Người bạn trẻ nghe ông Hai nói vậy, tỏ vẻ vui lắm. Ông Hai chỉ cái gốc cây mục, rồi lại hỏi nhỏ như tâm sự:

"Cái gốc cây này chú có thấy nó giống căn nhà của ba con cá thác lác còm không chú? Chú có thấy mấy con cá cứ lội lờn vờn quanh gốc cây hoài không? Cá dựa vào gốc. Người dựa vào cái bóng quá khứ là vậy. Không để làm gì, chỉ muốn yên vui thôi. Cũng như chú, tìm một ít rong, nuôi vài con cá, sắp xếp những hòn đá làm thành hang, rồi tưởng tượng như dãy Trường Sơn nơi chú dừng quân ngày nào. Chú lại đặt một pho tượng đức Phật cạnh bên hang đá. Chỉ có vậy thôi, nhưng rồi những lúc quên chuyện áo cơm ngoài đường tất bật, quên chuyện thằng Steve càu nhàu, thô lỗ trong xưởng mỗi khi cái máy đóng sách bị trục trặc, là chú thấy lại cái bóng của chú ngày xưa trên chiếc võng bằng vải dù treo dưới gốc cây sim già bên dòng suối nhỏ, khi con chim thằng chài có lớp lông màu tím, cái mỏ màu vàng từ trên cao sà xuống bắt con cá lòng tong mương kiếm miếng mồi. Hoặc đôi lần chú lại bắt gặp con rắn lục xanh dờn đang nằm ngay nơi bàn chân chú vừa co lại gần một hang đá. Trong cái hang đá bây giờ nằm khuất mình dưới lớp rong kia là cái bóng mà ngày xưa chú lẩn khuất trong dãy Trường Sơn. Cái bóng tuổi trẻ của chú trở về vào lúc khi mình gần già, nó tha thiết quá mạng. Một tuổi trẻ băng rừng vượt suối giữa bom đạn mà vẫn có lúc nhìn được con chim thằng chài, nhìn con rắn lục màu xanh dờn trừng trừng đôi mắt cà na bị chú thôi miên. Nhanh như chim thằng chài, chậm như rắn lục, hai trạng thái trong cùng một hoàn cảnh đã cho chú nhận ra tuổi trẻ của chú, để có dịp hiểu thêm về cái lẽ của chậm và nhanh giữa rừng núi Trường Sơn. Và rồi con chim thằng chài và con rắn lục đều bị người lính trẻ thử nghiệm một lần mưu sinh thoát hiểm. Miếng thịt chim thằng chài và miếng thịt rắn lục mà chú cặp gắp nướng chồn thơm phức ngày xưa ấy giữa rừng núi âm u, đã nói hết cái lẽ chậm và nhanh của vạn vật rồi chú à! Bây giờ, chú nghĩ kỹ coi, đời sống có khác gì nhau!"

Nghe ông Hai nói vậy, người bạn trẻ ra chiều trầm tư dữ lắm. Chúng tôi lội men theo gốc một bụi mã đề, rồi từ đáy hồ, chị cá lớn nhứt vọt lên mặt hồ ụp móng rất mạnh, kêu thành tiếng. Ông Hai vui trong mắt và chỉ cho người bạn trẻ tấm lịch treo tường với cảnh hồ bông súng lá xanh dờn vươn lên khỏi mặt nước trong ngần làm phông, bên dưới có trích lời của Lão Tử từ thế kỷ thứ 6, trước Công nguyên, được dịch ra tiếng Anh : "Who is there that can make muddy water clear? But if permitted to remain still, it will gradually become clear of it self.” (The Way of Virtue).

Hai người bạn, một già, một trẻ, cùng mời nhau nhấp thêm hớp nước trà nóng với đôi mắt vui, ra chiều trầm trồ lời nói thánh nhân từ hơn hai ngàn sáu trăm năm trước, bàn về “nước đục, nước trong”, mà ngày nay một dân tộc hiếu động như người Mỹ ở đây mà còn mượn lời thánh nhân làm lời dặn lòng mình...

Từ đáy hồ trong ngần, chỉ vài ba con cá nhà quê, vài bụi rong đuôi chồn, năm ba bụi mã đề, vài bụi gạc nai, và một lớp sỏi, một gốc gỗ mục đóng rêu bỗng hiện ra bao điều thú vị... Cánh cửa mở. Gió lạnh tràn vào. Tiếng người khách chào tạm biệt chủ nhà. Chúng tôi nghe tiếng đáp lại của ông Hai:

"Thôi, chú về."

Cánh cửa khép nhẹ. Căn phòng ấm lại...

© 2008 talawas



[1]Luận ngữ, bản dịch và chú thích của Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ (Hoa Kỳ), năm 1994