trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
14.3.2008
Lý Đợi
Sự tích ảnh chụp Nhị Sa
 
Chuyện xảy ra chiều ngày 13-3-2008 tại cầu Thị Nghè, quận 1, Sài Gòn.

Cách đây ít lâu, khi cùng nhà văn Hoàng Khởi Phong đến thăm nhà thơ Nguyễn Quốc Thái tại tư gia, tôi mới được biết nhà văn Ngô Thế Vinh cần mấy hình chụp [kiểu du lịch bình thường] về bảng tên đường Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này đúng ra anh Nguyễn Quốc Thái sẽ làm, nhưng do anh đang bị trọng bệnh, phải vào ra bệnh viện đến mấy lần mà sự việc vẫn chưa khá hơn. Thấy thế, nên tôi xung phong làm giúp. Chụp hình một bảng tên đường là một việc “dễ thôi mà”, tôi nghĩ vậy, nên đâu có gì ngần ngại.

Dù chưa có dịp gặp hay liên lạc với anh Ngô Thế Vinh, nhưng vì quý những trang viết trong Mây bão (Sông Mã, 1963); Bóng đêm (Khai Trí, 1964); Vòng đai xanh (Thái Độ, 1971)… nên sốt sắng làm ngay.


Tôi chạy đến đầu đường Hoàng Sa (góc với Nguyễn Thị Minh Khai) trước, không hiểu vì lý do gì lại làm như thế, chắc do nó bị mất trước hay sao ấy. Khi vừa chụp được hai tấm ở hai góc độ, trong dự kiến là chụp khoảng 10 tấm thì nghe tiếng quát lớn: “Ê anh kia, không được chụp hình ở đây!” Như có linh cảm điều gì chẳng lành, ví như chuyện dân địa phương sinh sự, hoặc những người làm ăn bất chính, trái pháp luật… không ưa chuyện “hình ảnh”, tôi chuồn thẳng qua cầu Thị Nghè.

Vừa qua khỏi cầu, hướng đi ra Hàng Xanh, tôi rẽ trái, cập thành cầu để xuống bờ kênh Thị Nghè, dự kiến chụp bảng hiệu Trường Sa (góc với Xô Viết Nghệ Tĩnh). Cầu Thị Nghè nối liền hai con đường, nhưng không biết nó thuộc về Nguyễn Thị Minh Khai, hay Xô Viết Nghệ Tĩnh. Và khi vừa chụp được một tấm thì có hai thanh niên mặc thường phục đi xe máy [tôi nhìn lại, thấy xe Suzuki] ép tới sau lưng hỏi: “Ai cho anh chụp hình ở đây?”. Điềm bất an như linh cảm đã đến, tôi nắp ống kính, tháo thẻ nhớ bỏ túi quần, và cho ngay máy chụp hình vào giỏ xách.

Ngay đó, tôi đáp lại:

“Vì sao lại không được, chỗ này đâu có đề biển cấm quay phim chụp hình, và cũng không có ai đứng canh giữ việc ấy mà.”

“Không được là không được, xóa ngay mấy bức hình ấy đi!”

Tôi hỏi:

“Mấy anh là ai?”

Họ đáp:

“Không là ai cả!”

Tôi nói:

“Vậy thì sao lại yêu cầu dân du lịch xóa hình họ chụp?”

“Chụp ở đâu thì được, ở đây thì không, đang lúc nhạy cảm, mấy ông chụp rồi phóng lên mạng tùm lùm thì hỏng hết việc.”

Nghe vậy, vừa chống chân vừa cho chìa khóa vào xe để chạy.

Họ nói:

“Xóa ngay mấy bức hình ấy đi!”

Tôi đáp:

“Tôi đâu có chụp!”

“Mày vừa chụp bên kia hai tấm, đây một tấm nữa là ba, vậy mà còn chối hả!”

Tôi vô số 1 và chạy ngay vào hẻm, để tìm lối ra đường lớn, nơi có đông người hơn, dễ ứng xử.

Họ bất ngờ, nên khoảng 2-3 giây mới rượt theo, ra đến đường Phan Văn Hân, người ngồi sau túm lấy giỏ xách của tôi, đang móc phía trước. Tôi hô lớn: “Cướp, cướp, cướp…!” Rồi dùng chân trái tống một đạp thật mạnh vào đuôi xe của họ, xe loạng choạng, họ buông tay và giỏ xách tôi đập xuống đường nhưng không rớt, vì còn dính móc. Họ không té, mà nhanh chóng lấy lại được thăng bằng rồi chuồn thẳng.


Kết quả

Dường như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng thực tế, khi về nhà kiểm tra lại, tôi đã bị hư ống kính zoom, tuy không phải loại xịn, nhưng cũng là quá đắt đối với tôi, đó là ống Sigma 20-70mm, hàng “for” cho Canon kỹ thuật số.

Bài học rút ra
  • Thứ nhất, tôi rất tiếc là không kịp để ý và không kịp nhớ biển số xe của họ để trình bày với nhà chức trách. Tôi cũng không biết họ là ai, họ đeo kính đen, và không hiểu tại sao lại làm như vậy; du lịch bây giờ hiểm nguy đến thế hay sao?
  • Thứ hai, xin cảnh báo với tất cả khách du lịch đến Sài Gòn [và nếu có đi qua cầu Thị Nghè] là không nên chụp hình “bừa bãi”, vì hiện nay rất là “nhạy cảm”, nên rất là nguy hiểm.
  • Thứ ba, vì chỉ định gởi hình cho anh Ngô Thế Vinh, nhưng nay xin chia sẻ “kinh nghiệm” không có xương máu này với nhiều độc giả hơn, của talawas.

Mô-típ của truyện này

  • Nó thuộc vào kiểu truyện cổ tích đương đại của nước nhà.
  • Thỉnh thoảng cũng gặp mô-típ này ở những nước khác, nhưng thường gặp hơn là ở nhiều địa phương Việt Nam.
  • Có thể tìm thấy những chuyện kiểu tương tự trên nhiều website, nhiều blog… khác nhau.

Điểm đặc sắc của truyện này


Tôi không biết bằng cách nào, hay “nghiệp vụ” nào mà họ biết tôi chụp ba bức hình.


Ngụ ý chính của chuyện này
  • Ai và nơi nào cũng có đuôi, không riêng gì Roots (Cội rễ) của Alex Haley, hay One Hundred Years of Solitude (Trăm năm cô đơn) của Gabriel Garcia Marquez.
  • Đúng là ngày 13.
© 2008 talawas