trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
1.2.2008
Nguyễn Thị Hoàng
Cuộc tình trong ngục thất
(Truyện dài)
 1   2   3 
 
Sáu giờ chiều. Trời mưa lớn. Đường phố ướt ẩm bẩn thỉu. Xe người qua lại vội vàng, kín mít, câm nín. Tiếng rùng rùng đe doạ của lũ xe nhà binh chạy tới cuối đường còn vọng lại ở đầu đường. Mưa rơi đều và nặng trên mái hiên buồn bã. Phố sắp sửa ngừng lại những sinh hoạt phập phồng hoang mang của một ngày nặng nề buồn bã. Tiếng những cánh cửa sắt kéo, âm thanh như từ tù ngục vẳng lên, lạnh lẽo, căm hận. Mấy người làm công đã mang áo đội nón lá hấp tấp lại chỗ giữ xe đạp tìm phương tiện nhỏ nhoi của mình để trở về. Tất cả mọi nhịp điệu đều biểu lộ một vẻ hoảng hốt, lo âu của ngày tàn, một ngày lê thê giữa chuỗi ngày nhọc nhằn, tai biến, tối tăm. Với một chút gì chìm ngập trong bất an, trong phiền muộn, trong rã rời tàn lụi.

Người đàn bà kéo mũ áo mưa che kín phần trên mặt. Nàng bước nhanh vào hãng máy bay, mong ước mỗi một điều thật là đơn giản, đừng bắt gặp một người quen nào cả. Sự mong ước cũng thừa, vì nàng đang tới, đang qua một vùng hoàn toàn xa lạ, cách biệt. Sẽ không có một người quen nào, từ xa tới, hoặc từ tuổi nhỏ tìm về nhận diện hỏi thăm. Nàng cảm thấy đủ an toàn để có thể lo liệu một mình mọi chuyện, không ai hay biết để ngăn trở hay quyết định, dứt khoát, và từ phút này thì không một động lực hay ý muốn nào khác, từ bên ngoài, có thể lay chuyển hay xê dịch được con đường đã chọn lựa.

Quanh cái quầy bán vé hình chữ U, hành khách đủ các giới đang đưa chân chen lấn, hỏi han lao xao. Mũ nón, áo mưa, sùm sụp bốn bề. Tiếng những cô nhân viên hàng không cất lên the thé, gay gắt. Tiếng cãi cọ loạn xạ giữa những tiếng ồn ào ong vỡ, từ mọi phía.

Người đàn bà xông xáo vào vòng đai kín mít quanh quầy bán vé. Nàng cảm thấy ngột thở vì hồi hộp và lo âu. Cảm thấy nao núng với lối tiếp khách hách dịch và nặng nề của nhân viên hàng không lúc gần mãn giờ làm việc. Nàng nghĩ thầm, mọi chuyện sẽ không dễ dàng như mình tưởng, nếu không có một may mắn, một phép lạ nào đó sẽ xảy ra.

Đám khách mua vé, đổi vé, hỏi giờ bay, vào ngày mai, hình như mỗi lúc một đông. Nàng nghĩ, tình trạng lộn xộn đôi khi lại là một cơ hội tốt cho những hoàn cảnh bất thường. Nàng cười, cố nghĩ đến một điều gì vui để trở lại thản nhiên can đảm. Khung cảnh xung quanh gợi nhớ những hình ảnh trong các phim gián điệp. Một người đàn bà chen lấn vào hãng máy bay. Lấy một cái vé. Chuyến bay bất ngờ và bất thường. Chuyến đi. Những săn đuổi. Theo dõi. Đoạn kết. Đoạn kết thế nào? Nàng cảm thấy nhói thắt nơi tim. Trong phim hình như một người đàn ông nằm phủ phục xuống mặt đất chập chùng mưa phủ, đầu gối lên cánh tay buông dài chới với quãng đường còn xa phía trước. Với những viên đạn ghim vào lưng, bắn đi từ phía sau, và những dòng máu. Lắc đầu, nàng quẩy mái tóc ướt còn phủ trùm cái mũ áo mưa. Không, đó chỉ là phim ảnh. Từ lâu, đã không được xem những loại phim hay như thế. Không biết bao giờ lại có nữa. Bây giờ Sài Gòn phim chưởng ngập tràn. Và đời sống thì ngập tràn những chưởng và chưởng. Đấu công khai. Đấu âm thầm. Võ đài thì cùng khắp.

Còn ta, ta gác kiếm rửa tay, lui về, chờ đợi…

*



Cánh tay cầm thẻ căn cước duỗi dài trên quầy để chiếm chỗ đã mỏi nhừ. Mấy người bán vé đẩy ghế lên đứng kẹp tóc, mặc áo mưa, nhìn ra ngoài trời. Chỉ còn có hai người siêng năng cầm cự với công việc.

Người đàn bà giả dại qua ải, năn nỉ cô nhân viên nhỏ bé đáng bằng con cháu mình ngồi ở góc quầy loay hoay ghi chép.

“Cô ơi, làm ơn chút đi, cô ơi.”

“Hết giờ rồi bà, để đến mai sớm đi.”

“Tôi biết là hết giờ rồi từ lâu, nhưng cô còn ngồi nán làm giúp bà con cô bác đó.”

Cô ta chừng như bị cái giọng dỗ dành ngọt ngào ru ngủ, ngẩng mặt lên nhìn, thoáng ngạc nhiên:

“Bà cần gì?”

“Có thế chứ. Tôi đứng đây từ trưa đến giờ, hỏi hoài mà các cô kia không thèm trả lời đó. Ít ra cả Hãng máy bay phải có một người tử tế như cô đây.”

Nàng đâu có đứng từ trưa. Mới tới, và mọi chuyện, vừa quyết định tức thì, như chiếc bánh, vừa gắp từ lò ra.

“Bà mua vé, đi đâu?”

“Sài Gòn, cô ơi.”

“Ngày nào?”

“Mai, cô à."

“Mai, hết chỗ.”

“Còn cô à, không hết đâu.”

“Tôi bán vé, bộ tôi không biết lúc nào còn hết à?”

“Việc nhiều, đôi khi cô không nhớ hết thật đấy. Tôi đã cho người đi hỏi trước, ngày mai còn.”

Cô gái quay mình nhìn lên tấm bảng ghi các chuyến bay trên vách. Các chuyến bay đi Sài Gòn, vào ngày mai, đều ghi hết.

“Bà thấy không, có thì đã ghi là còn.”

Người đàn bà cãi:

“Ngày mai có tới ba chuyến đi mà cô.”

“Ba chuyến, nhưng để chở mấy người trễ tàu từ cả tuần nay. Các vụ lộn xộn và đình công trong Sài Gòn ở hãng máy bay cả tuần trước, bà không biết sao? Hành khách đây chờ chực đọng lại đó. Bà để đến ngày kia, ngày kia thì hy vọng.”

Cô gái cúi xuống, hí hoáy ghi vé cho những người khác.

“Mai bà tới sớm, tôi sẽ dành cho vé ngày kia.”

Người đàn bà nghe ngực như khô đi, hơi thở đứt cụt. Hai tay nàng chuồi trên mặt quầy nhão ra như nến lụn.

“Trời ơi!”

Một lúc, nàng kêu:

“Này cô.”

“Để cho tôi làm việc, tôi đã nói không cách nào được đâu.”

Cô gái có vẻ gắt.

Nàng hết muốn năn nỉ, hết muốn tử tế, hết cảm tình ơn nghĩa gì nữa. Nàng nghĩ tới lá bài chót, đến bí mật cuối cùng mà một nhân viên của hãng đã tiết lộ riêng cho biết.

“Nhưng mà ngày mai có chuyến bay đặc biệt, chưa định giờ.”

Cô gái vứt bút, bực dọc cau mặt nhìn lên:

“Ai nói với bà?”

“Nhân viên trong hãng máy bay nói. Lấy cho tôi vé ở chuyến đặc biệt, ngày mai.”

Người đàn bà đã rút cánh tay về. Mặt nàng đanh lại. Cánh cửa sắt của hãng đã kéo bớt một bên. Chỉ còn vừa lối cho một người ra vào. Sắp đóng cửa hẳn. Những người mua vé mới hay ghi lại vé cũng cũng đã xong việc, bỏ ra ngoài hết. Chỉ còn lại có mấy người loay hoay mặc áo mưa, kiểm lại giấy tờ ghi, nhận ở quầy.

Có vé hay không có vé. Sống hay chết. Ra đi. Hay ở lại. Ngày mai, ngày kia, ngày mai. Ngày mai thôi. Không thể và không còn bất cứ một ngày nào khác trong suốt đời còn lại. Hãy bán vé cho tôi. Hãy dẫn đường sống cho tôi. Hãy chừa lối thoát cho tôi. Nàng nghĩ, triền miên, điên cuồng, như mưa không ngừng rơi bên ngoài mái trời chợt tối.

Cô gái hình như tạm xong mọi việc vội vàng lúc trước. Cô giãn mặt ra một chút, thở dài thật nhẹ.

“Bà làm gì gấp dữ vậy?”

“Tôi phải về ngày mai, nếu không là trễ.”

“Sao vậy? Nếu không có chuyến bay thực.”

“Là chuyện khác. Tôi hỏi cô, nếu một người thân trong gia đình, đã hấp hối, chờ cô về gặp mặt lần chót, từng phút, từng phút, liệu cô có cần vé sớm như tôi không?”

“A! Bà không nói sớm.”

Nàng cười, hy vọng chập chờn:

“Phải chờ đến lúc cô nghe tôi mới nói chứ. Vé chuyến đặc biệt còn nhiều mà, phải không cô? Thôi lẹ lẹ còn đi về. Gớm, ngày nào cô cũng làm việc nhiều hơn các cô khác thế này hay sao. Rồi hãng có tính tiền phụ trội hay không. Chắc là không. Ai chứng đâu mà ghi. Bậy thật. Phải chi người nào cũng như cô, dân chúng được nhờ. Ủa, này, xin lỗi cô, hỏi cô việc ngoài lề một chút nhé”, nàng nhỏ giọng xuống, “cô mua cái màu son môi này ở đâu vậy. Tôi kiếm muốn chết khắp Sài Gòn, không có đấy. Cứ dặn thằng Chà-và ở Tax mua hộ. Nó bảo dặn bên Xinh-ga-po rồi, chờ. Chờ hoài không thấy. Tôi có một thỏi, từ đó hết là chịu. Cái màu này quý lắm, hiếm lắm đấy cô ạ, biết điệu mới xài thành ra ít bán, khó mua.”

Người đàn bà bỗng mở máy tán, tán lia, và cô gái mắc lỡm, hớn hở mở cái nắp viết nguyên tử đã đậy, rút tập giấy tờ dưới hộc quầy ra xem lại. Hai gò má cô căng lên, ửng hồng, cảm thấy bị nhìn ngắm, trầm trồ, khen ngợi. Một lúc, không nhìn được, chừng quá thẹn, cô cắn nhẹ môi, chớp mắt, hỏi vọng lên phía khách:

“Này bà. Chuyến bay đặc biệt ngày mai, bay trễ lắm, chưa biết chắc giờ nào và còn được một số ghế, hy vọng là trống, vì khách bỏ không đến kịp không được thông báo đấy. Chứ không phải có ghế đàng hoàng thật sự đâu.”

“Tức là sao?"

"Nếu tôi cứ bán vé, bà cứ đi và chờ. May có người nào bỏ chỗ không đi chuyến ấy, thì ghế sẽ phần bà, được không? Bà bằng lòng như thế thì tôi sẽ ghi.”

“Lên sân bay chờ à?”

“Vâng, nếu không có, bà lại về. Hôm khác đi. Chỉ còn cách ấy. Như thế, có thể hy vọng được. Mà lại không mất vé. Bà có thể ghi lại ngày hôm sau.”

Nàng mím môi, hai bàn tay lạnh ngắt xoắn vào nhau. Tất nhiên là không có ngày mai thì hôm khác. Không mất vé. Nhưng mất thứ khác. Mất cơ hội. Mất đời người. Mất cái phút giây thấp thoáng cứu vớt cho một đời người tăm tối triền miên. Cái vé bình thường trị giá mấy ngàn đồng bạc. Nhưng cái vé ngày mai đáng giá bằng cả một đời người.

“Sao, bà có bằng lòng không?”

Người đàn bà nhăn mặt, chết đau quằn nơi bụng thật sự.

“Liệu ngày mai có người bỏ chỗ không cô?”

Nàng hỏi vào khoảng không, hỏi trời, hỏi mình. Một triệu người bán vé cũng không trả lời được câu hỏi đó. Nhưng cô bán vé chừng như cảm thấy vấn đề sống chết nào đó của người khách cuối cùng, cô uý lạo một câu:

“Mấy hôm trước thì có, vậy ngày mai, chắc cũng có. Nhiều người chờ lâu không được đi, đến khi có chuyến, làm như lẫy, hãng liên lạc mời đi, lại bỏ không đi nữa.”

Người đàn bà nhắm mắt:

“Vậy cô cứ ghi đi cô, nhanh cho ông già kia đóng cửa, ổng chờ.”

Người lao công của hãng đứng loay hoay chờ kéo khoảng cửa sắt cuối cùng. Nàng cảm thấy mình được xếp vào khúc chót của một sợi dây phao lênh đênh. Và cảm thấy được cứu lên, vớt khỏi cơn đắm tàu, bằng cách may mắn được xếp đặt kỳ diệu:

“Một vé, bà?"

Nàng nói nhanh:

"Hai, cô ạ."

Nàng nói nhanh thêm nữa:

"Cần căn cước không?"

Cô gái vừa ghi vé vừa xem đồng hồ tay:

"Thôi khỏi, mong cho bà đi kịp.”

Người đàn bà cười nhẹ tênh:

“Cô giúp thì chắc chắn là kịp rồi.”

“Không có chi, thưa bà.”

Nàng chuồi tay lên quầy, những ngón tay lạnh ngắt mở xòe, đón lấy hai cái vé như con mèo đòi vồ lấy miếng mỡ ngon trong tầm tay, cuốn chặt lại, bỏ vào ví, ôm chặt trong tay. Những xấp giấy bạc xòe nhanh trên quầy một ngàn hai ngàn ba ngàn… không biết bao nhiêu. Nàng hoa mắt. Nàng líu lưỡi. Nàng không đếm được nữa. Không tính được nữa. Tai nàng ù đi, mắt nàng hoa lên. Cả người lao đao, nhẹ tênh, nàng thoát ra khoảng cửa hẹp cuối cùng còn dành cho riêng mình.

Một phút, tiếng cửa sắt như rít lên phía sau lưng. Tiếng cửa sắt làm ớn lạnh, rùng mình, làm nhức nhối cả những khớp xương cũ mòn lỏng lẻo vì toan tính, vì lo âu, vì phập phồng, vì suy nghĩ trong đầu óc nhỏ bé, đáng lẽ chỉ mơ màng, chỉ ước ao, chỉ mường tượng đến những thứ tuyệt vời tình tứ.

Nàng ngửa mặt lên trời mưa, cười một mình. Nước mắt nước mưa chảy ròng rỏng xuống cổ vai bên trong áo mưa đã ướt đẫm lạnh ngắt.

*



Người đàn ông hình như nhảy xuống từ chiếc xe jeep mới ngừng ở lề đường, trước mặt người đàn bà. Hắn toan đi thẳng vào Hãng máy bay thì nhận ra hai cánh cửa sắt nặng nề đã đóng. Nàng nghe tiếng hắn kêu lên, reo vui:

“Kìa, chị. Chị đi đâu đây vậy? Chị mới ra?”

Nàng quay mặt lên. Mọi việc của buổi chiều đối với nàng như đã xong hẳn, êm ả, kín đáo, và bây giờ, có gặp người quen cũng chẳng sao. Nàng chào hắn, với nụ cười vui riêng với mình.

“Chào anh. Anh đi làm phóng sự chắc?”

“Vâng, nhưng xong rồi chị. Đánh dữ quá. Suýt thì tôi tiêu luôn trong trận sáng nay, hết về Sài Gòn.”

“Tình hình thế nào, anh?”

“Găng quá, địch đòi tấn công lớn. Ta mở vòng đai lên vùng tây nam thành phố. Chị thấy chuồn chuồn sáng nào cũng bay về phía ấy chứ?”

Nàng không muốn nói đến những thứ đó. Chuyến bay. Trận đánh. Hành quân. Trời mưa. Di chuyển. Tiếp vận. Địch. Ta. Đạn. Máu. Thù. Bây giờ, nàng không đủ sức để nghĩ đến bất cứ một điều gì nữa, ngoài hai cái vé ngày mai.

“Chị lấy vé máy bay à?"

"Vâng."

"Phí của, phải chi tôi gặp chị sớm một chút."

"Việc gì vậy anh?"

"Mai tôi về Sài Gòn, máy bay quân sự còn thừa mấy chỗ. Nếu chị muốn cùng đi. Máy bay thường, dạo này bất thường lắm chị ạ. Chị xem mấy người trong gia đình tôi mua vé cả tuần nay không đi được, chiều nay giận quá, tôi mang vé trả lại, mai họ đi cùng tôi luôn. Nếu chị cùng đi thì đỡ mất thì giờ, và cũng không có gì phiền chị."

Một thoáng, nàng nghĩ đến chuyến bay quân sự. Có thể được không?

Được, chứ sao lại không. Ném hai cái vé trong ví này đi. Nói với hắn thu xếp chỗ. Hắn sẽ đưa xe jeep lại nhà đón. Đến phi trường, sẽ theo hắn. Vậy là xong. Chuyến bay quân sự. Công tác phóng sự chiến trường.

Nàng hỏi:

"Mai anh đi à?"

"Tôi ra đây một tuần rồi, ghê quá chị ơi, nhưng bù lại, mấy cái phóng sự tuyệt vời. Còn chị, chị ra có việc, hay đi chơi?"

Nàng nhìn mưa còn bay xuống mang theo bóng chiều đã thấp ngoài kia mặt sông xám thẫm lạnh lùng.

"Thời buổi này thì còn ai chơi được. Tôi ra có việc."

"Dạo sau này không thấy chị. Thế chị ở đây?"

"Không, vẫn Sài Gòn, tôi ra có việc, tôi lại vào ngay."

"Nhiều người hỏi thăm chị. Suốt mấy tháng nay, không ai thấy chị cả."

"Tưởng là tôi mất tích cũng được."

"Có người cho như thế đó."

"Không đâu. Tôi không bao giờ mất tích. Chỉ thỉnh thoảng mất tăm."

"Chị về, cho bạn bè biết, họ lại thăm."

Giọng nói, câu chuyện của người quen nhắc lại từng khuôn mặt, từng tên người, từng việc làm nhộn nhịp của thành phố suốt đời ăn chơi huyên náo đó. Những ngày xấp tài liệu trên tay, bài vở trong cặp da, đồng hồ lớn luôn luôn đúng giờ, chạy từ nơi này qua nơi nọ. Dò hỏi, nghe ngóng săn tin. Những bộ mặt xám ngoẹt mực in của các toà soạn. Những chồng báo ngoằn ngoèo nham nhở. Những tiếng nói cười vui vẻ ồn ào quanh các tiệm cà-phê, đầu các xe mì phở. Những buổi sáng từ góc tiệm nước máy lạnh nhìn ra ngã tư đường phố đang dấy lên một cuộc xuống đường, một màn bầu cử, một cuộc đổi thay. Mọi sự chớp nhoáng, bất thần, ào ạt. Rồi lại lắng chìm, tan nguôi, lặng im. Đâu lại vào đấy. Những gì đáng mất đi vẫn còn. Những gì đáng lẽ còn đã phải mất. Những kẻ được, lại thua lỗ bỏ đi. Kẻ đáng thua lỗ, lại ngồi trì, ăn có. Mọi chuyện như cái con vụ. Con ếch nhường chỗ cho con gà. Con tôm nhường chỗ cho con heo. Cái vụ tròn bé thơ quay tít trong bao nhiêu con mắt khắc khoải đợi chờ.

"Ngày mai, chị đi với chúng tôi hay không? Tôi đưa xe lại đón."

Nàng nghĩ đến chuyến bay, thật an toàn, thật dễ dàng, nhanh chóng. Nhưng cũng nghĩ đến những chuyện trò phải nói. Những mặt người phải nhìn. Những thắc mắc phải giải đáp. Những lời lẽ phải giải thích. Thôi, mặc tôi, mình tôi. Hãy tự ráp nối lấy những xích sắt dắt dẫn đời mình, không ai giúp đỡ, không ai lay chuyển. Hãy nối và gỡ những vòng dây xích định mệnh, tuỳ lúc, và bước chân về phía những tiếng kêu trong mịt mờ im lặng của tâm can. Không chia sẻ ai. Không ai chia sẻ.

“Cám ơn anh. Nhưng tôi còn các cháu nhỏ, không đi máy bay quân sự được. Có một lần tôi đi nhờ như thế, nửa đường máy bay đổi hướng, định ném đám khách đi nhờ xuống rừng Ai Lao. Từ ấy đến nay, không muốn nghĩ đến con đường xuất ngoại kiểu đó nữa. Trẻ con không có nệm, không chịu ngồi lâu đường dài đâu.”

Nàng nín lặng, ngạc nhiên nghe thấy tiếng nói mình trơn tru như cháo chảy với những lời bịa đặt. Trẻ con nào đâu. Chuyến bay quân sự nào đâu. Hình như nghe loáng thoáng trường hợp những hành khách nào đó bị ném xuống rừng Lào để phi cơ kịp trở lại chuyển quân tới mặt trận. Hình như…

“Chắc chị thích tiện nghi. Thôi. Theo chuyến đi kham khổ của chúng tôi không xong đâu. Chừng nào có mặt chị ở Sài Gòn, chúng tôi đến gặp chị.”

“Để làm gì?”

“Chị viết cho báo tôi mấy bài.”

“Thôi, tôi gác bút từ lâu rồi. Tôi hết là ký giả. Đang muốn là ký thiệt đây."

"Chị định gì?"

"Thì ký thiệt."

Nàng nói, nghe mình nói, nhưng quả tình là không biết mình đang nói, với kẻ khác những gì. Chừng như con người nàng bị tách đôi. Một nửa để thờ ơ đón đợi, chống chọi với đời ngoài. Một nửa đắm chìm vào lo âu tính toán những nỗi niềm cay cực riêng tư. Người đàn ông nói gì nàng cũng không nghe. Hình như hắn ném ra hai chữ tiện nghi, hắn nói gì. Một chút phẩm bình. Một phần nhận định. Về mình. Tiện nghi. Có phải không? A, con đàn bà thứ nhất hãy nghe con đàn bà thứ hai nhìn ngắm lại mình. Có phải mình thích tiện nghi hay không? Khỏi bàn. Khỏi nói. Mày là thứ đòi hỏi những tiện nghi tột đỉnh. Tiện nghi trên tất cả mọi tiện nghi. Không phải tiện nghi của bàn dân. Mà tiện nghi của vương giả. Nhưng bây giờ, dù là của vương giả. Bây giờ thì sao. Có dấu vết gì tiện nghi trong tháng ngày, trong vóc dáng nữa. Hết rồi. Cái xe đã bán. Cái nhà đã tan. Tháng ngày đã cụt. Sức tàn đã hao. Bạc tiền cũng nhẵn. Không còn gì ngoài cái xác héo hon, cái hồn thoi thóp, cái quyết định cuối cùng điên đảo một đời. Nhưng cách nào khác. Này ông bạn, này mọi người, này thành phố, tôi sinh trưởng ở đây, tôi khôn lớn ở đây, tôi học hành vui chơi ngày tháng ở đây. Rồi ra đi rồi lớn khôn ròi thành công và thất bại theo những tiếng gọi vang lừng phía chân trời. Bây giờ hai chân trên thành phố cũ. Bây giờ hai tay ôm buổi chiều tăm tối cũ. Bây giờ con mắt buồn thiu mở xuống phía dòng sông cũ. Nhưng mà tôi đã thua liên miên. Đã hoà tấu tất cả những cung bậc cao nhất thấp nhất của nửa đời mình. Bây giờ làm người lạ, ta ghé qua đây. Ghé qua tìm kiếm cái kho tàng đời mình thất lạc đâu đây. Kho tàng của ta. Đời sống của ta. Nhưng mà ta không có quyền gì về đời sống ta. Không có quyền gì về liên hệ ta. Không gìn giữ được kho tàng trân quý của riêng ta tìm kiếm, nâng niu, giữ gìn. Vậy thì, không có cách nào khác hơn là phải đánh cướp. Cướp lấy đời ta. Lạy trời, nếu như quả có một định mệnh dẫn dắt đời người, xin giúp người đàn bà đứng ở lề đường, buổi chiều mưa bay thành phố đìu hiu, cướp lấy được đời nó, cướp lấy từng phút giây sống, từng trăm năm chết, cướp lấy nước mắt và nụ cười, cướp lấy hạnh phúc và thương đau, trong vòng quay vô tình của con tụ tôm cua rùa cá…

*



Người vợ tỉnh dậy, không biết vì một đánh thức lặng lẽ thầm kín nào, từ đâu. Căn phòng nhỏ hẹp phủ trùm bóng tối. Ngọn đèn chong dưới chân giường đã tắt, từ cơn gió lọt vào trong đêm qua ngõ khe cửa sổ. Nàng mở lớn mắt nhìn quanh. Cố tìm lại mình, có thật, trong vũng tối hoang vu im lặng, như dưới một đáy mồ mới đắp. Nàng đưa tay sờ soạng quanh mình. Chạm phải nền ván giường ọp ẹp dưới lưng nằm. Một tảng mùng căng sập sệu trên đầu. Tấm mền lên màu lính còn nặng trĩu trên ngực như tảng đá.

Đột nhiên sợ hãi, hoang mang, nàng nhắm mắt lại như khi đang ngủ. Mở mắt và nhắm lại, cảm tưởng về mọi sự vật xung quanh cũng không hề thay đổi. Tất cả đều mang nỗi gì vắng vẻ, hoang vu đến rợn người, đến thèm cất lên một tiếng kêu cầu cứu với người đời cách vắng trên kia xa tắp.

Nàng chợt nghe tiếng gió rì rào lùa qua rặng tre cao sau nhà. Tiếng gió lướt thướt, như một điệu đàn xưa não nuột vọng về qua thời gi an, không gian muôn kiếp.

Rồi là một con chó sủa lên vài ba tiếng ngắn ngủi vội vàng. Lẫn với tiếng gáy dài và cao của một con gà đánh thức ngày lên.

Nàng nghe tiếng mình tự hỏi trong im lìm.

"Đã ngày rồi sao?"

Nàng định nhỏm dậy, tìm hộp diêm, châm lại ngọn đèn chong, kéo dài một chút đêm an toàn còn lại. Mọi sự hình như sắp sửa, biến động, náo loạn, đổi thay, theo chiều hướng nào, theo may mắn hay rủi ro nào, không thể đoán biết. Nhưng ngồi dậy, bước chân xuống giường, chạm mặt với ngày, ngày lạ lùng, chậm chạp và dửng dưng đang dần tới ngoài kia chân trời xám mờ, là chút yên vui đầm ấm cuối cùng, chút hạnh phúc nâng niu ôm giữ trong kéo dài căng thẳng rồi sẽ tan hoang. Sau đó, những gì kéo tới. Như cơn giông. Như trận bão. Hay chỉ như một làn mưa. Một thoáng gió bất ngờ. Cái gì. Rồi sẽ là cái gì, cho từng phút giây chậm chạp, nín hơi, ngập ngừng, lén lút đang tới, đang tới.

Bỗng nàng thu tay lại trong mền, nằm yên, lắng nghe.

Ngoài hiên, có tiếng nước chảy từng giọt từng dòng róc rách từ chiếc gáo xuống mặt thau nhôm. Tiếng lách chách của bàn tay vỗ nhẹ nước vào mặt cổ. Một tiếng tằng hắng nhẹ và khô. Tiếng nhổ nước bọt xà-bông đánh răng xuống ngoài sân ướt. Nàng đặt tay lên bụng, mỉm cười, an vui tạm bợ.

Đứa con trong bụng, chưa là trai chưa là gái, đã nằm im sau buổi chiều lặn lội dầm mưa từ phố về. Nàng vuốt bụng nhẹ, và nhủ thầm, không sao đâu, sẽ không sao đâu con. Bào thai chừng như nghe, hiểu đã nằm im, từ tối.

Tiếng dép đã quay vào tới cửa lén lén vào phòng cố không gây một tiếng động nào đánh thức giấc ngủ. Người chồng, như một tảng bóng tối tách ra từ bóng tối, cúi xuống sờ tay lên mặt vợ. Bàn tay để yên trên má môi nàng một lúc. Nàng nín thở, nằm im. Vị nước mưa mát lạnh từ lòng bàn tay thấm vào môi, ngọt như một làn nước mắt.

Nàng rút ra tay ra khỏi mền, ấp lên bàn tay lạnh ngắt kia. Bàn tay từ xa xôi trở về. Từ cõi chết trở về, từ gian nguy trở về. Từ điạ ngục trở về. Và bây giờ. Một phút là của mình. Một thoáng qua nhấp nháy thời gian này thực sự của mình. Nhưng còn chốc nữa. Nhưng rồi đêm sẽ tan, trời sẽ sáng. Mọi điều rồi sẽ ra sao, cuộc đời rồi sẽ tới đâu.

Chưa bao giờ, trong suốt quãng đời vợ chồng với nhau, nàng cảm thấy tất cả nỗi mong manh trong gần gũi và sự mất mát hiện còn, nơi một bàn tay ấp ôm, như bây giờ.

"Em không ngủ nữa à."

"Em vừa thức dậy."

"Em có ngủ được không?"

"Một giấc ngắn, mà ngon. Cũng nhờ bữa tối hôm qua. Anh ngủ được không?"

"Được, nhưng nôn nao quá."

"Em cũng vậy. Anh ạ, nếu như…"

Chồng rút bàn tay ra khỏi mặt vợ, giở tấm mèn, nằm xuống thật êm, thật nhẹ, bên cạnh vợ.

"Em cứ thản nhiên, như những lần khác, bình thường đừng nghĩ gì hết."

Vợ nằm nghiêng người, tựa lưng vào cánh tay chồng. Đêm còn lạnh ngắt bên ngoài tấm mền dày. Bóng tối mịt mùng toả lan bốn phía.

Nàng chợt lịm đi trong nỗi lo âu căng thẳng.

"Nếu như…"

"Anh đã nói, đừng nghĩ gì nữa hết."

Vợ sờ tay quanh giường, tìm kiếm. Chồng hỏi:

"Em kiếm gì?"

"Diêm."

"Em đừng hút thuốc, mệt thai."

"Không."

"Làm gì?"

"Châm ngọn đèn chong cho em.”

“Em không thích nằm tối với nhau à?”

“Lờ mờ một chút thì được, tối quá, em sợ.”

"Gì?"

"Lúc này, sợ tất cả mọi thứ."

Chồng ngồi dậy, tìm hộp diêm, thắp ngọn đèn. Ánh sáng bằng hạt đậu xanh dưới chân giường, không soi nổi mặt nhau. Chồng nằm xuống, giữ vợ ở vị trí cũ. Hai người im lặng. Đêm tan dần và nhỏ giọt như nến tàn.

"Mấy giờ rồi anh?"

"Năm hơn."

"Anh dậy sớm thế!"

"Rửa mặt cho tỉnh táo, rồi vào với em. Em còn buồn ngủ không?"

"Không, nói chuyện gì đi anh, đừng im, em sợ."

"Đã bảo, đừng nghĩ đến gì cả."

Tiếng một que diêm thứ hai xòe bùng lên. Đốm thuốc đỏ hồng trên ngón tay chồng bên ngoài tấm mùng buông vẽ một điểm lấp lánh rực rỡ trong vũng đêm còn đặc quánh màu đen mực tàu.

Người chồng im lặng nằm hút thuốc. Khói thuốc trộn lẫn vào bóng tối những vòng tròn dự định im lìm. Bây giờ không thì giờ, không còn giây phút nào để nhìn lui nữa. Có lẽ sau này, xa lắm trong đời sống trong thời gian, rất thư nhàn rất thanh thản, có lẽ ta mới nghĩ lại, nhớ tới chặng đường mù mịt vừa qua. Bây giờ thì mọi sự phải được khởi đầu từ ngày hôm nay, khi bóng đêm cuối cùng dứt hẳn ngoài trời. Mình đã chọn lựa. Đã quyết định. Không phải một giây phút. Một phản ứng bất ngờ. Mà quyết định cho cả một đời. Và quyết định bằng cả một đời. Và trả giá bằng cả một đời. Vô định.

Người vợ muốn nói điều gì, nhưng lại thôi. Nàng sợ cả tiếng nói mình, dù nhỏ nhẹ, vẫn nghe rõ, vẫn khuấy động đêm tan mau, ngày tới gần, và những bước chân đi gần lại triền vực thẳm. Nàng đặt hai tay lên bụng, cố giữ một vẻ an nhàn, êm ái, vô tư, khoan thai. Như người nhà giàu tỉnh dậy, nằm chờ xem ý muốn của mình để gọi gia nhân tới gần hầu hạ. Không còn gì, không có ai đâu. Hãy nghĩ đến một chút gì trong tầm tay, vừa có, chưa mất, mà thực sự, dù mong manh. Hãy nghĩ tới tối hôm qua, hình như là đêm Giáng sinh, và những bước chân lưu lạc của đời người về xa vời, về ngục tối.

*



Con đường ven sông lờ mờ trắng như một tấm lụa mềm trải giữa bờ cây xanh đã ngả màu đêm. Những ngôi nhà nhỏ im lìm đóng cửa. Bốn bề quanh xóm, vắng ngắt không bóng dáng đàn bà trẻ con như những buổi tối trăng về. Mọi người đã quần áo chỉnh tề lũ lượt kéo nhau về phía nhà thờ từ chập choạng tối, sau bữa cơm chiều vội vã.

Buổi tối sau cơn mưa, trời đất trao nhau mùi thơm ngai ngái của lá cây và nước ẩm trong khu vườn bỗng dưng thanh tĩnh lạ thường. Không một tiếng động. Sâu bọ, chuồn chuồn, cóc nhái, chim chóc như để kéo nhau đi nhà thờ xem lễ từ đầu đêm. Chỉ còn lại, tiếng lá chao mình mơ hồ trong giỏ nhẹ, lẫn với tiếng một mái chèo nào trở về muộn màng, khua nước trên dòng đêm vắng ngắt chiêm bao.

Ngôi nhà mái hình thang cao cất lên nền trời đen một khối sáng đục thầm kín, phía dưới là những khung cửa đen ngòm soi vào bên trong tối mù không đèn đuốc.

Sau bữa cơm tối, thằng con trai chở bà chủ nhà đi xem lễ. Vợ chồng khách trọ một mình thừa hưởng trong vài giờ ngắn ngủi hoang sơ lạ lùng mênh mang bóng tối của khu vườn nhà tịch mịch ven sông.

Buổi chiều nồng nàn nhờ một chút xíu rượu còn lại. Với vài thức ăn tạm bợ mua từ chợ đầy ngập gió mưa bên kia sông. Người vợ thèm quay một con gà. Nhưng chợ không bán gà đã làm thịt, và phố không bán bơ. Đành nhớ món gà quay như nhớ bài Silent Night đêm Giáng sinh xa nhà buồn thảm và bấp bênh này.

"Hay là ta đi chơi một vòng."

"Thôi, em ngại lắm."

"Không sao mà."

"Ở nhà thế này, được rồi, còn hơn. Lẽ ra bây giờ cũng không được ở nhà thế này với nhau."

Nàng nói, nhìn trời đêm long lanh trên đầu, thèm nhớ những vùng đêm bát ngát đầy sao đã qua đi trong đời, đã phai màu trong hồn. Những ngón tay nàng chạm vào chiếc nhẫn cuối cùng còn mang trên tay. Nghĩ, chỉ còn lại ngần này. Một phút nào, đã thầm nguyện ước, đánh đổi vật quý giá cuối cùng còn lại này cho một ai, bất cứ ai, đem về lại trong tay mình mảnh vỡ hạnh phúc vừa lìa xa. Không ai đáp lại lời nguyền và người vợ đã liều thân vào miền mưa bay đi tìm mảnh vỡ của đời mình lưu lạc.

Bây giờ nàng đã tới chân vạn lý trường thành. Và nàng đã tìm thấy xương da hạnh phúc đời mình nguyên vẹn. Bây giờ… Không còn ao ước gì hơn. Ngày hôm qua đã qua rồi. Ngày mai chưa tới. Hãy mặc bóng tối qua rồi. Hãy mặc một ngày sẽ còn. Với long đong. Với gian nan. Hãy mặc. Đêm nay là Giáng sinh. Ta tới đâu đây? Khu vườn thơm ngát mùi hoa dạ hợp này. Mùi của cỏ cay và nước mưa này. Mùi của nước sông và gió tối này. Mùi của tóc mun và môi rượu này…

Vợ rùng mình với cơn gió nổi bàng hoàng trong vòm lá cây mọng nước mưa chiều.

“Em lạnh không.”

Nàng gật đầu, đứng sát vào chồng.

Bỗng nhiên, cả khu vườn như cháy sáng lên rực rỡ với ánh hồng của một ngọn pháo bông nào ai đốt từ phương xa chiếu tới. Rồi màu đỏ, màu vàng, màu xanh, chớp lên khắp cùng không gian mù thẳm đoạ đày lạnh lẽo.

Ánh sáng bất ngờ, rực rỡ làm lung lay chao chọng bóng giàn hoa lồng bóng vườn cây, in lên vách nhà im vắng, thỉnh thoảng, giữa những màu sắc nhẹ nhàng hư ảo và lộng lẫy của pháo bông, trộn lẫn những vệt sáng chói loà và mong manh của hoả châu từ những góc trời thấp tối. Một vài tiếng súng rời rạc nào xa. Tiếng súng vui như lẫn trong tiếng súng thù, tao loạn.

“Lẽ ra giờ này mình trôi trong dòng người đông nghẹt của đường phố Sài Gòn.” Chồng nói.

“Nhưng lẽ ra, giờ này, anh đang vượt đường cheo leo trên núi cao, hay đang bị vây ở giữa trận không chừng, bây giờ đang ăn cơm khô hay uống nước bùn giữa rừng muỗi. Chiều nay vẫn có từng đám trực thăng tải về đó.”

“Mình còn cả bao nhiêu đêm Noel khác.”

“Em chỉ tiếc đêm nay, thiếu gà quay cho anh và tí nhạc cho em.”

Lại thoảng trong gió đêm đưa mùi hoa dạ hợp nồng nàn.

“Thôi ta vào."

Vợ bước chậm theo chồng, vào ngồi nhà tối vắng. Cố nghĩ như đêm Noel này xa lìa thành phố, cùng tới một miền xa lạ với nhau, để vui chơi. Chỉ rủi, chỗ lạ bất an thiếu tiện nghi và mọi sự tình cờ rơi vào trong tình trạng khẩn trương, báo động.

Nhưng chao chọng trong hồn nàng những câu thơ não nùng của Chinh phụ ngâm, chàng từ đi vào nơi gió cát, đêm trăng này nghỉ mát phương nao, cùng với những viễn tượng thảm sầu, ly biệt.

*



Chiếc va-li nằm im chờ đợi bên ngưỡng cửa. Trong va-li, bây giờ, bên cạnh những chồng áo quần đồ đạc của vợ, xếp ngăn nắp và cẩn thận thêm những đồ cần dùng vặt vãnh của chồng. Găng tay da, dao cạo râu, kem chải tóc, mù-soa màu, cà-vạt, áo len chưa mặc lần nào mặc, cái đèn bấm nhỏ, dao rọc giấy, kéo tỉa râu, bàn chải đánh răng…

Bữa ăn sáng, bữa ăn sáng cuối cùng, được dọn lên tươm tất dù vội vã trên bàn khách gian nhà giữa. Những món quê mùa, nhưng ưa thích của hai người khách trọ. Xôi bắp thơm mùi hành mỡ và đậu xanh, cháo gạo đỏ huyết, bánh nậm, bánh bột lọc bánh ram bánh ít… Trời mưa lớn, bà chủ nhà từ sớm mờ trời đã lặn lội qua vùng chợ bên kia sông mua tạm tất cả những thức ăn có bán. Một bình trà nóng mới pha với hai cái ly nhỏ sạch sẽ dọn ngoài hiên.

Bà chủ nhà nhìn thấy hai người khách trọ đã quần áo chỉnh tề, đồ đạc xong xuôi, buồn bã và băn khoăn hỏi:

“Đi thực à."

“Không lẽ nằm ăn vạ đây sao.” Chồng đáp.

“Nếu không đi được thì cứ việc trở lại.”

“Hoặc đi được, hoặc không đi được thì lại không thể về đây nữa.”

Vợ không muốn nghe những lời nói gở như vậy. Hoặc đừng nói gì hết, hoặc chỉ những câu che giấu, trấn an chính mình là hơn.

Nàng nói:

“Nay ngày tốt, chắc không đến đỗi nào.”

Bà chủ nhà hỏi thăm:

“Hai vé chứ."

"Vé dự khuyết của chuyến đặc biệt mà."

"Trời mưa, chắc có người bỏ cuộc không đi, chắc chắn là còn chỗ trống."

"Mong thế. Và chắc chắn là sẽ phải như thế."

Chồng tin tưởng:

"Đừng bàn nữa, đã bảo có chỗ là có chỗ. Mình đã đi là tự nhiên máy bay phải có chỗ trống."

Bên ngoài hàng rào, tiếng rao lảnh lót của bà hàng bún bò ngon nhất xóm.

"Còn sớm, ăn thêm đã rồi đi", bà chủ trọ bàn.

Vợ lắc đầu:

"No quá."

Chồng nói theo:

"No thật, thôi để dành hôm nào về ăn."

Nói thế, nhưng chồng tự biết, là không bao giờ còn có lần thứ hai, dù mọi chuyện xảy ra cách nào, ăn hàng bún bò của bà hàng xóm quen thuộc mỗi buổi sáng thức dậy lạnh trời đói bụng đó nữa.

Trời bỗng rào rào trút thêm cơn mưa tầm tã. Vườn cây lảo đảo vặn mình dưới thác nước trắng xoá. Người vợ nhìn trời, cảm thấy yên tâm hơn.

"Mưa như thế này lại hay."

"Em lại nghĩ quẩn. Mưa nắng gì cũng vậy thôi. Em đừng nghĩ gì nữa hết, có được không."

Chồng rót cho vợ chén trà nóng, cho mình một, uống cạn rồi quả quyết đứng lên xách lấy chiếc va-li nặng trĩu.

"Bảy giờ mười lăm, đi được rồi."

Ông phu xích-lô dặn trước từ tôi hôm qua chờ chực cả hàng giờ ngoài cổng, thấy khách trong nhà đã đứng lên khỏi ghế, gạt mưa trên mặt, vội vã nhổm lên vén mui xe chờ sẵn.

"Không chờ hết mưa rồi đi à." Bà chủ nhà hỏi.

"Sợ trễ. Thôi đi."

Người vợ bước ra sân mưa. Chiếc áo mưa ngắn không che kín hết tay chân quần áo. Lối đi từ sân ra tới cổng chừng như dài hẳn ra, với tiếng mưa rào rào triền miên phả trên lá cây, như tiếng thóc rơi xuống sàn ván, với tiếng cánh non uốn mình lướt thướt như tiếng cáy tay áo phất phơ vẫy chào, và tiếng chân xê dịch từng bước đời quá khứ bỏ đi. Đột nhiên, nàng bùi ngùi đứng lại một thoáng trong sân mưa, trước khi quay mình đi thẳng về phía cổng. Một thoáng đủ thấy lại chập chờn trong làn mưa mù đặc những buổi hoàng hôn tím thẫm sông đầy, những đêm trăng long lanh bóng lá in lên vách tường trắng lờ mờ bóng người chen bóng tối. Bốn bề hàng tre cao vút đứng im bình thản ngạo nghễ dưới trời mưa gió dập vùi. Trời phía sau nhà hẩng cao lên, báo trước một ngày sáng đẹp sau cơn mưa bất thần mù mịt.

Đã tưởng một ngày thong thả rong chơi. Đã tưởng một ngày trở về dung dăng hạnh phúc tìm kiếm lại những góc đời cô tịch bỏ quên quá khứ ấu thơ thuở nào. Để trả thù đời. Để trả thù ta. Nhưng mây đã đưa, nước đã đẩy, con thuyền đâm vào giữa vùng nước xoáy mịt mờ, đã mong xa lánh, đã muốn quên nguôi.

Thôi đành, xem như đời chưa bắt đầu, tháng ngày chưa được sống, dưới những lớp đất đen dày, như loại côn trùng đày đoạ còn phải trăm ngàn năm sau mới thôi rên rỉ, mới tìm đường về mặt đất hồng thơm, phía trời trong sáng, phía người thênh thang. Hãy đào thêm đường hầm, thoát bằng những lối thoát không thể có, và gọi lên thân phận, ngoi lên đoạ đày, bất khuất.

Nàng nghe trong mình những tiếng nói thầm lãng lênh đâu đâu. Chiếc xe đã gài kín rèm che phía trước. Chồng ngồi tựa vào lưng xe, vợ ngồi chênh chếch phía trước trong cánh tay chồng. Chiếc xích-lô chòng chành lấy lại thăng bằng với sức nặng mới, một lúc, rồi thong thả trườn mình qua những vũng bùn con, những khúc đường nước đọng, những bờ cỏ chênh vênh, băng về phía cầu. Loáng thoáng đàng sau trông lại chỉ còn thấy tre trúc xanh xao, hàng rào mướt lá, bóng mưa loang loáng chạy theo người, như một bức màn trùng điệp của nước mắt trăm năm, của những người sống một ngày, chết một đời, và chịu chết cả một đời để được sống một ngày muốn năm như mong ước.
Nguồn: Cuá»™c tình trong ngục thất. Truyện dài của Nguyá»…n Thị Hoàng. Bìa Nguyá»…n Đồng. Nguyá»…n Đình Vượng xuất bản lần thứ nhất, in tại nhà in riêng của nhà xuất bản, 38 Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Phát hành ngày 1 tháng 4 năm 1974, số lượng ấn bản 3.00 cuốn, giấy phép xuất bản số 5630 PTUDV/KSALP/TP, Sài Gòn ngày 22 tháng 12 năm 1973. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.