Bài viết bởi Inrasara giới thiệu tập thơ
Xáo Chộn Chong Ngày [1] của Bùi Chát gợi ý cho tôi vài suy nghĩ về "thơ trẻ" hiện nay.
Giới thiệu thơ Bùi Chát, Inrasara viết:
"Thứ thơ rác (rưởi) đặc hiệu này có lẽ đây là lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Nó mang trong mình làn gió thối thổi vào không khí thơ chúng ta. Nó buộc chúng ta quay lại nhìn nó. Và nhìn lại cả mình nữa! - Lâu nay, mình có quá thơm, quá diêm dúa lắm không!?" Ðúng là những bài thơ của Bùi Chát gần đây trên Tienve (mà tôi đoán cũng được in trong tập thơ vừa tự xuất bản), chứa rất nhiều từ ngữ tục tĩu, tục đến độ cỡ
Linda mặt ngang của Ðỗ Kh cũng phải lép vế. Xin nói ngay tôi không có ý lên giọng đạo đức. Và tôi cũng mong chúng ta có thể nói về chuyện này một cách khách quan, hơn là chụp cho những người có ý kiến khác mình chiếc mũ bảo thủ.
Tôi không nghĩ văng tục là điều quá xấu xa, hay văn chương phải luôn đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh của sách giáo khoa. Tôi chỉ có cảm giác trong "thơ trẻ" hiện nay, người ta đang lạm dụng sự tục tĩu. Cũng như trong đời sống, nơi chửi thề và nói tục tồn tại, trong văn chương đôi khi người ta có thể chêm vào dăm ba tiếng "Ðan Mạch". Nhưng không nên lạm dụng. Ðối với tôi, vấn đề không nằm ở phạm trù đạo đức, mặc dù những lý do đạo đức cũng rất quan trọng, mà xuất phát từ những yêu cầu nội tại của thơ ca. Như một nghệ thuật ngôn từ, thơ ca đòi hỏi những nỗ lực diễn đạt phong phú, trong khi sự tục tĩu, cho dù vì những lý do "cách mạng" nghệ thuật nào, cũng chỉ cung cấp cho người làm thơ một phương tiện rất giới hạn.
Sự tục tĩu khiến người làm thơ mau chóng rơi vào những hạn chế ngôn từ và hình ảnh. Chỉ cần đếm những từ tục như "cặc, lồn, đụ, đéo, địt, xụt, ỉa, đái...", người ta thấy số lượng của chúng không quá mười đầu ngón tay. Một người làm thơ trông cậy vào sự tục tĩu, rốt cuộc sẽ phải lập đi lập lại cái vốn từ nghèo nàn này. Về mặt hình ảnh, cho dù cố gắng giăng đèn kết hoa đến đâu, rốt cuộc anh ta cũng chẳng có gì hơn ngoài các bộ phận sinh dục/ bài tiết trưng ra cho người đọc. Hãy quan sát những kẻ du thủ du thực ít học trong đời sống. Những người này, vui cũng chửi thề, buồn cũng chửi thề, không vui không buồn cũng chửi thề. Khi "đụng chuyện", thay vì phản ứng có đầu có đuôi, họ thường chỉ văng tục. Chửi tục biểu thị thái độ, nhưng nó cũng cho thấy sự nghèo nàn và bất lực trong khả năng diễn đạt. Sự lập đi lập lại một số từ ngữ hay hình ảnh trong thơ, cho dù tục hay không, là điều nên tránh, nếu không muốn rơi vào sáo mòn. Khi đã quen với sự tục tĩu, các nhà thơ sẽ không còn hứng thú tìm kiếm những phương cách diễn đạt khác, vì tất cả đều có vẻ "diêm dúa" và "nhẹ đô" so với cách diễn đạt tục tĩu. Ðã quen cởi truồng đi tồng ngồng, quần áo nào cũng sẽ rườm rà đáng chán!
Tôi trân trọng nỗ lực làm mới của Bùi Chát và những nhà thơ trẻ trong nhóm "Mở Miệng". Nó đem đến năng lượng cần thiết cho sự ra đời (nếu thành công) của một thế hệ thơ mới. Thơ trẻ nào cũng ít nhiều chống lại những giá trị văn chương truyền thống. Nhưng người ta có nhất thiết phải phản ứng bằng những phương cách tục tĩu không? Ðó là điều tôi tự hỏi. Tôi thấy Bùi Chát và Phan Bá Thọ đã có thể viết những câu thơ hay mà không nhất thiết phải tục tĩu.
Bùi Chát:
Tôi ném nước bọt lên tường
tôi yêu những người đàn bà đang là chuột dưới cống
tôi thấy em mặc quần lót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè
sách không làm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật
tôi nhìn tôi bay trên trời
("Ðâm ra")
Phan Bá Thọ:
tôi thấy anh ta, một đô vật xứ nghệ cõng tờ giấy bạc
phăng phăng trên đường phố sài gòn
làm sao cõng nổi một one dollar trên lưng chạy
nhanh đến thế nếu không chơi doping
("Giấy bạc và cừu")
Trong khi đó, tôi thật sự không hiểu tại sao Bùi Chát phải đặt tựa cho một bài thơ là
Mưa móc lồn... dân tộc. Một cái tựa vừa to tát vừa tục tĩu như vậy có liên hệ gì với nội dung bài thơ (dở) thuật lại câu chuyện tiếu lâm cũ kỹ về người đàn bà hứng tình và con cóc. Phải chăng đây chỉ là thói quen văng tục dễ dãi?
Tôi mong các nhà thơ trẻ hướng năng lượng của họ nhiều hơn vào việc mô tả đời sống nhố nhăng, thiếu dưỡng khí của xã hội Việt Nam hiện nay. Sea Games vừa qua, trong khi báo chí đăng những bức hình cảnh người ta đập nón cối lên đầu nhau giành mua vé ở sân vận động Mỹ Ðình, tôi đã rất thú vị khi đọc những câu sau của Phan Bá Thọ:
những ngày việt nam seagames, à không
những ngày cầm cái một sòng bài cào
ăn thua bạc lẻ với bọn láng giềng
để đảm bảo sức khỏe cho trâu vàng [cái biểu tượng
nhảm nhí của sòng bạc]
mọi cái liên hệ dính dáng tới i đều bị bóp cổ
internet, in ấn tài liệu phản động, hay in - - > nhà đá
("I & E")
[2]
Những câu thơ như vậy phản ánh được thực trạng tinh thần của một đất nước đầy trẻ ăn xin (đã bị tống ra khỏi thành phố nhân dịp Sea Games) nhưng đang học đòi trưởng giả, và cũng sẵn sàng tàn bạo.
Văn chương hiện nay cũ kỹ, có thể, nhưng cách tốt nhất để làm mới văn chương là viết những tác phẩm chân thực, với một không khí tinh thần mới, chứ không phải thi nhau tỏ ra "bản lĩnh" bằng những trò tục tĩu. Hãy học biết các lý thuyết văn chương. Vâng, cần thiết phải học biết, càng nhiều càng tốt, nhưng không nên cạo đầu quy y vào bất cứ chùa chiền nào. Thời buổi này, chẳng có lý thuyết nào đủ mới để các nhà thơ phải hy sinh mái tóc của mình. Và quan trọng hơn cả những lý thuyết văn chương, các nhà thơ cần học trực tiếp từ tác phẩm của những người viết giỏi. Bùi Chát tự nhận làm thơ theo lối Hậu Hiện Ðại
[3] , nhưng nếu Bùi Chát có dịp đọc các nhà thơ đương thời nổi tiếng của Hoa Kỳ chẳng hạn, có thể anh sẽ thấy rằng không cần thiết phải tục tĩu để trở thành Hậu Hiện Ðại.
Tôi thấy hay cái cung cách làm thơ rồi tự in tay của những nhà thơ Sài Gòn như Bùi Chát. Nó xa lạ với trò xu nịnh kiếm danh hoặc bù khú trưởng giả mà một số nhà thơ trẻ khác hiện đang chạy theo. Tuy vậy, trong bất cứ trường hợp nào, tôi nghĩ thơ trẻ cũng không nên là "làn gió thối". Tôi không tin như Inrasara, rằng khi có "làn gió thối" thổi đến, người khác sẽ tự xem lại mình "có quá thơm" hay không. Ở chốn đông người, nếu bạn đánh rắm, tôi e rằng phần đông sẽ chỉ bày tỏ thái độ kinh tởm hoặc quay lưng bỏ đi trước khi kịp nghe bạn nói gì.
Sự tục tĩu chỉ làm nghèo nàn thơ ca.
Sau cùng, xin chúc mừng việc "nhà xuất bản" Giấy Vụn cho ra đời tập "Xáo Chộn Chong Ngày" của Bùi Chát. Nó cho thấy sự chuyển động ngầm của văn chương Sài Gòn, một nền văn chương vốn bắt rễ rất sâu trong truyền thống "tự do sáng tạo".
© 2003 talawas
[1]Inrasara,"Sáo Chộn Với Bùi Trát (Giới thiệu tập thơ Xáo Chộn Chong Ngày của Bùi Chát)", web site TienVe,
www.tienve.org
[2]Các đoạn thơ trên đây trích từ web site TienVe,
www.tienve.org.
[3]Xem phần tiểu sử của Bùi Chát trên web site eVan,
http://evan.vnexpress.net