Tiếp theo
ý kiến do Ðặng Phùng Quân nêu ra trên talawas ngày 19.10.2004 về việc dịch sang tiếng Việt chữ
déconstruction hiểu theo nghĩa của Jacques Derrida, tôi cho rằng chưa có sự thống nhất ý kiến vì những lý do sau đây:
- Ðể nắm bắt được tư tưởng của Derrida trình bày trong những tác phẩm của ông bằng một thứ ngôn từ rất phong phú hàm ẩn tầng tầng những vết tích triết lý Kant, Hegel, Nietszche, Husserl, Heidegger (chỉ kể một số ít) không phải là điều đơn giản. Nghĩa là không hiểu Derrida cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Ngay như một số lớn những sách triết lý và phê bình văn học viết bằng Anh văn của cả hai phía những người theo-Derrida lẫn những người chống-Derrida nhiều khi cũng cho thấy hoặc sự lúng túng, hiểu lầm hoặc chưa đạt trong việc nắm bắt tư tưởng Derrida.
- Déconstruction không phải là một phương pháp tổng quát như hiện-tượng-học hay tâm-phân-học mà trước hết là một đường lối đọc, tư tưởng, và viết.
- Ðặng Phùng Quân đã chỉ rõ sự xuất hiện khái niệm déconstruction do chính Derrida tiết lộ trong “Bức thư gửi một người bạn Nhật”, trong mạch triết lý Derrida đối thoại tư tưởng Heidegger về vấn đề sự chấm dứt Siêu-hình-học Tây Phương. Derrida cũng tiết lộ, “khi tôi chọn chữ đó, hoặc chữ đó đã buộc tôi phải dùng nó trong quyển De la grammatologie...” (De la grammatologie, Nxb Minuit Paris, trang 21. [1]) Ở đoạn này Derrida cẩn thận viết từ này có cái gach nối dé-construction, và nhấn mạnh khái niệm này không có nghĩa là triệt hủy (démolition) nhưng tương tự với dé-sédimentation. Sau này khi đã trở nên thông dụng, từ này không còn vết tích cái gạch nối lần đầu Derrida sử dụng.
- Tôi nghĩ rằng muốn dịch cho sát nghĩa từ déconstruction trước hết phải hiểu đường lối đọc, tư tưởng, viết này như thế nào. Một cách khái quát, Derrida thực hiện bốn bước gồm ba bước hủy và bước cuối là biến cải và tái tạo. Ta cũng không nên quên điểm xuất phát suy luận triết lý của Derrida là những cặp khái niệm đối nghịch ông tìm thấy cùng khắp trong toàn bộ văn hóa, tư tưởng, tôn giáo...Tây Phương. Chẳng hạn trong Hữu-thể-học và Siêu-hình-học suốt từ thời Socrate cho đến nay ta luôn thấy các hệ thống tư tưởng triết lý trong một khung khổ lý thuyết do mỗi triết gia qui định được xây dựng trên cơ sở là những cặp khái niệm đối nghịch như tinh thần/vật chất, phổ quát/cá biệt, vĩnh cửu/thay đổi theo thời gian, thiện/ác, hiện diện/vắng mặt, nam/nữ v.v... Trong một hệ thống triết lý, những cặp đối nghịch bất khả qui giảm này đã được xếp đặt, xây dựng, tạo dựng, cấu tạo, gắn cứng lại với nhau theo một cách thế nào đó. Những cặp khái niệm này chỉ ra hai vấn đề: Trước tiên, vì chúng dính chặt vào nhau cứng ngắc nên hậu quả là những gì không thích hợp trong mối tương quan đối nghịch đó liền bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại bỏ. Sau đó, tương quan đối nghịch này thiết định một trật tự, một mức thang giá trị. Chẳng hạn, tinh thần quan/đáng trọng hơn vật chất, nam đáng trọng hơn nữ, vân vân và vân vân. Trong khuôn khổ học thuyết của Platon (có ảnh hưởng sâu đậm trên tư tưởng Thiên-chúa-giáo) thì chân, thiện, mỹ trùng hơp với tinh thần, phổ quát, vĩnh cửu, nam giới; còn giả, ác, xấu xa thuộc vào phía đối nghịch.
Vậy đọc/tư duy/viết triết lý là tuần tự thực hành,
can thiệp vào đối tượng nghiên cứu theo bốn bước:
Bước đầu: nhận ra sự xây dựng đối tượng khu vực nghiên cứu (văn học, triết học, tôn giáo, xã hội, chính trị,) đã sử dụng, đặt cơ sở trên những cặp đối nghịch nào.
Bước thứ hai: nêu rõ cái trật tự, hệ thống lớp lang trên dưới các cặp đối nghịch được gắn vào nhau. Một cách tổng quát, khi ta
deconstruct, nghĩa là ta can thiệp vào cái công trình xây dựng nào đó, ta sẽ nhận thấy sự xếp đặt theo một lớp lang, trật tự nào đó không dưa trên những bản chất đích thực của từng cặp nhưng ngược lại nó phản ánh một sự chọn lựa chiến thuật, dựa trên một ý thức hệ chủ trì nào đó.
Bước thứ ba: Ðảo nghịch/lộn cái trật tự đã được thiết định của hệ thống bằng cách chỉ/trình bày cho thấy rằng khái niệm ở vế dưới (thể xác, vật chất, cá biệt, ác, nữ...) có thể có lý do chính đáng để được xếp lên trên, vào chỗ những khái niệm từ lâu vẫn nằm trên, đè nén áp đảo. Và bước cuối cùng: lập ra một vế/khái niệm thứ ba cho mỗi cặp đối nghịch, vế mới này biến đổi hẳn cấu trúc nguyên ủy của cặp trước, và đồng thời cũng tái tạo chúng, khiến cho cặp đối nghịch nguyên thủy không còn thể nhận diện được nữa.
Như vậy ta thấy trong bốn bước của hủy-tạo (đến đây thì dùng từ này để dịch chữ
déconstruction có lẽ là hợp lý, khá gần với nghĩa của Derrida) rõ ràng ba bước đầu là
hủy và bước cuối cùng là
tạo.
20.10.2004
© 2004 talawas
[1]Jacques Derrida,
De la grammatologie, p21: “La rationalité – mais il faut peut- être abandoner ce mot pour la raison qui apparaitra à la fin de cette phrase – qui commande l’ écriture aussi élargie et radicalisée, n’est plus issue d’un logos et elle inaugure la destruction, non pas la démolition mais la dé-sédimentation, la dé-construction de toutes les significations qui ont leur source dans celle de logos”