trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
1.10.2008
André Haudricourt
Trần Đức Thảo: Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức
(Bài điểm sách trên tạp chí La Pensée 1974)
Đinh Hồng Phúc dịch
 
Nhà triết học người Việt này không phải là một người xa lạ đối với các độc giả của tạp chí La Pensée. Các bài báo được ông công bố vào những năm 1960–70 trong các số 147, 148, 149 của tạp chí của chúng ta làm nên chương đầu của công trình mà chúng tôi đang điểm.

Tôi e rằng những bài báo này sẽ không có tiếng vang mà nó xứng đáng được như thế, và cái nhan đề quá nhã nhặn của công trình có thể hạn chế sự phổ biến của nó. Cuốn sách trình bày các giai đoạn của bước chuyển từ vượn người thuộc kỷ đệ tam đến con người thuộc thời kỳ đồ đá giữa bằng cách so sánh chúng với các giai đoạn [phát triển] của trẻ em trong khoảng từ một đến sáu tuổi.

Đối với nhân loại học, việc sử dụng quy luật tiến hoá loài lặp lại trong tiến hoá cá thể cung cấp một loạt các giả thuyết làm việc có thể được bàn luận trong từng bộ môn: nhân loại học tự nhiên, nhân loại học xã hội, nhân loại học tiền sử, nhân loại học ngôn ngữ. Tuy năng lực có hạn (tôi là một nhà ngôn ngữ học về các ngôn ngữ chứ không phải là về hoạt động ngôn ngữ) nhưng tôi cố gắng tóm tắt những gì mà Trần Đức Thảo trình bày cho chúng ta.

Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn đạt được tư thế đứng thẳng giải phóng cho bàn tay, tương ứng với giai đoạn của trẻ em từ mười hai đến mười sáu tháng tuổi. Tư thế đứng thẳng làm phát triển chức năng của thanh quản (nước bọt có thể chảy vào trong các lá phổi), nó gây ra các hiện tượng đẻ non, hoạt hoá sự tiến triển bằng sinh sản ấu thể. Các vượn người thuộc giai đoạn này (vượn người nam phương) bằng các bàn tay của chúng lựa chọn những hòn sỏi có thể dùng được và giao tiếp bằng những cử chỉ chỉ dẫn tương ứng với “từ-câu”... Những đứa trẻ sơ sinh “đẻ non” không thể đeo bám lấy người mẹ, và người mẹ này phải bồng nó trong tay, khởi đầu sự phân công lao động theo giới tính ở dân du mục. Bước đi thì bằng gan bàn chân: trước hết là gót chân.

Giai đoạn tiếp theo tương ứng với các công cụ đầu tiên được gè đẽo một mặt: “Kafouen” (thời kỳ tiền sử ở Đông Phi) và tương ứng với trẻ em từ 16 đến 18 tháng tuổi.

Ngôn ngữ thuộc giai đoạn “câu giả” (pseudophrase): sự kết hợp của hai ký hiệu - từ.

Sự thay đổi của xương chậu làm cải thiện bước đi – có thể bắt đầu trước tiên với đầu mũi chân – nhưng cũng làm gia tăng tỉ lệ tử vong ở phụ nữ trong thời điểm cử sinh nở.

Sự giảm sút phụ nữ độ tuổi hôn nhân làm tăng sự khác nhau giữa những người đàn ông chiếm hữu phụ nữ và những người đàn ông chưa vợ.

Giai đoạn thứ ba tương ứng với các công cụ được gè đẽo hai mặt: “Oldovien”, với Homo habilis (Người khéo), và với trẻ em trong độ từ 20 đến 24 tháng tuổi. Hoạt động ngôn ngữ bấy giờ là những câu thực sự và xuất hiện sự phân biệt danh từ - động từ. Hoạt động vui chơi của những người đàn ông chưa vợ là một nhân tố quan trọng của sự tiến bộ kỹ thuật.

Giai đoạn thứ tư là giai đoạn của các công cụ được gè đẽo trên toàn bề mặt, giai đoạn của người Homo faber primigenus (Người chế tác sơ thủy – Sinanthrope, Pithécanthrope) với bước đi bình thường (đối với chúng ta), tương ứng với trẻ em 2,5 tuổi (30 tháng tuổi). Những người đàn ông chưa vợ áp đặt việc sở hữu chung phụ nữ. Đó là thời kỳ Chelléen [1] , bắt đầu từ thời đại đá cũ thấp.

Tiếp theo sự tan rã của cộng đồng nguyên thủy, bởi sự xuất hiện của hôn nhân theo chế độ nội hôn, thuộc giai đoạn Moustérien (người Néanderthal, và Homo sapiens) tương ứng với trẻ em 3 tuổi và phức cảm æudip của nó. Các tên gọi họ hàng xuất hiện trong ngôn ngữ.

Đến thời đại đồ đá cũ cao, sự cải thiện của các điều kiện sống cho phép xuất hiện những người già, trong khi sự cạnh tranh tính giao của những người trẻ tuổi bị kìm hãm bởi việc cắt da bao quy đầu (hay cắt bỏ cơ thể): chế độ nhiều vợ nhiều chồng xuất hiện. Thời đại này tương ứng với trẻ em 5 tuổi và phức cảm bị thiến của nó.

Cuối cùng đến thời đại đồ đá giữa (tương ứng với trẻ em 6 tuổi), đó là thị tộc theo chế độ ngoại hôn.

Tôi thú thật là mình không biết làm thế nào mà các sự kiện tiến hoá xã hội ở thời đại đồ đá cũ lại có thể được ghi vào di sản truyền thừa của nhân loại để nảy sinh nơi trẻ em những phức cảm bị dồn nén. Tôi hy vọng tác giả giải thích cho chúng ta chi tiết hơn về các hiện tượng này, vốn hãy còn chưa rõ ràng đối với những người không chuyên môn thuộc loại như tôi.

Bản dịch hoàn thành tại Hiệp Bình Chánh, 15.08.2008


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Còn gọi là kỷ Băng hà, hay kỷ Abbevillien trong hệ thuật ngữ nhân loại học (tiếng Pháp), tương ứng với những di chỉ được tìm thấy ở các vùng Chelles và Abbeville (Pháp). (Chú thích của talawas)