Và i suy nghÄ© vá» dá»± án “Má»—i ngÆ°á»i chúng tôi Ä‘Æ°a ra má»™t Ä‘á» nghịâ€
1. Nghệ thuật công cộng Có lẽ một trong những vấn đề lớn của nghệ thuật đương đại - cụ thể hơn, là của những dự án nghệ thuật mang tính phá cách, vượt ra ngoài khuôn khổ của bốn bức tường gallery – chính là mối quan hệ của nó với công chúng.
Thật vậy, nhìn một cách bản thể luận - sự ra đời của nghệ thuật đương đại theo cảm thức nói trên - bắt đầu từ sự khám phá ra nghệ thuật thực địa (Land Art), nghệ thuật tối giản (Minimal Art) và tới một cấp độ nào đó, nghệ thuật Pop (Pop Art) - chính là nhằm mục đích tìm cách vượt ra khỏi các phòng đựng thánh cốt mang tính định chế để dấn bước vào một cuộc đối thoại với thế giới và xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Đức Matzner, dạng nghệ thuật này, trong lịch sử phương Tây, không có gì mới mẻ, bởi nó đã từng tồn tại trong kỷ nguyên Baroque, khi tranh giá vẽ, tranh tường, nghệ thuật trang trí nhà cửa, điêu khắc, nghệ thuật giải trí, âm nhạc, văn chương và kịch nghệ tồn tại như một thể thống nhất trong cái gọi là
Gesamtkunstwerk (tác phẩm tổng hợp). Matzner cho rằng sự chia tách của điêu khắc, kiến trúc và hội họa chỉ là sản phẩm của các ý niệm mang tính tư sản vào hậu thế kỷ 19 khi có sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật – mà lõi cốt của nó nằm ở sự khu biệt các hình thái nghệ thuật khỏi nhau. Thế nhưng, vào hậu bán thế kỷ 20, một lần nữa lại đã có một xung lực kết hợp lại các hình thái nghệ thuật với nhau. Từ góc nhìn mang tính chính trị, xã hội, nhà nghiên cứu nghệ thuật Mỹ Iving Sandler lý giải hiện tượng này tại nước Mỹ như sau:
“
Vết thương Việt Nam đã khai tâm cho cả một thế hệ mới, thế hệ ấy đã sống trong sự tưởng tượng ra những thảm họa đang tạo thành thế kỷ 20. Chiến tranh Việt Nam, chiến tranh lạnh, nguy cơ tàn phá của bom nguyên tử, mối họa sinh thái tăng nhanh, các ký ức về những cuộc thảm sát của Thế chiến Hai, chủ nghĩa Quốc xã, phát xít, chủ nghĩa Stalin. Hiện tại lạnh lẽo và tương lai không khá hơn. Nghệ sĩ chẳng thể làm gì, trừ việc - hắn có thể phản ứng, tin vào cái gì đây? Chất châm biếm mỉa mai trong nghệ thuật bắt đầu tăng dần, thậm chí còn lên đến mức cố chấp, ương bướng. Sự loạn trí được cảm nhận bởi rất nhiều nghệ sĩ trẻ đã được chia sẻ với khối lượng lớn của những công chúng cùng thế hệ. Ðầu thập kỷ 60, những người trẻ tuổi đã tin vào lời hứa của nước Mỹ, thế nhưng từ sau 1965, cùng với sự leo thang chiến tranh và những vấn đề chủng tộc tại ngay chính các thành phố của nước Mỹ, rất nhiều người đã mất đi niềm tin của họ vào nước Mỹ và trở nên coi thường những chuẩn mực xã hội. Họ lập tức tạo ra một ứng xử mới, những niềm tin mới, cùng nhiều thứ khác. Những hục hặc với quá khứ, được ghép đôi cùng với sự mất lòng tin vào tương lai đã chính là nguyên nhân cho sự bất mãn của thế hệ trẻ dẫn tới việc chỉ chấp nhận hiện tại: ý nghĩa của cuộc sống là bây giờ và ở đây, trong trải nghiệm cụ thể này và của riêng tôi.” Theo Sandler, chính cái không khí ấy đã tạo nên việc
“nhiều nghệ sĩ khước từ loại nghệ thuật object và thay vào đó ủng hộ cái loại nghệ thuật tiến trình (process) không kết thúc trong sản phẩm. Sử dụng những chất liệu không bền vững hoặc hoàn toàn phi chất liệu (body art). Từ chối việc làm nghệ thuật theo cách truyền thống, họ săn tìm những trào lưu mới, những trào lưu sẽ được hình thành thông qua chính kinh nghiệm của họ. Cảm thức của họ về sự loạn trí đã chính là sự cứu rỗi của họ. Nghệ thuật của họ đã bắt nguồn từ những điều đó, phi quy ước, phi trung lưu, và bởi thế, có căn cội chính trị...” Sự biểu lộ toàn hảo của thái độ chống đối này đã từng được thể hiện qua tác phẩm conceptual art của Hans Haacke trong cuộc triển lãm “information” tại MOMA năm 1970. Trong tác phẩm ấy, Haacke đã mời những xem trong bảo tàng bỏ phiếu để không bầu lại Nelson Rockefeller, thống đốc New York, nhà sưu tập đáng chú ý và nhiều quyền lực trong lĩnh vực bảo tàng vào chức vị thống đốc, bởi vì ông này đã không lên án chiến tranh Việt Nam. Việc từ khước tạo nên dạng nghệ thuật hướng về tiêu thụ như tranh, tượng (art as object/ Nghệ thuật như là vật thể) cũng đã dẫn tới những hành động mang tính biểu tượng cao như của Piero Manzoni - nghệ sĩ Italia – khi tổ chức cuộc trưng bầy để bán các tác phẩm là những hộp đóng kín từng 30 gam, đựng phân của chính mình, hoặc John Baldessari vào năm 1970, đã cho đốt toàn bộ tác phẩm ông từng thực hiện giữa tháng 5 năm 1953 và tháng 3 năm 1966, những tác phẩm thuộc quyền sở hữu của ông.
Về mặt hình thức, sự trở về của hình thái
Gesamtkunstwerk, nơi nghệ phẩm trở thành một sự can thiệp hẳn vào không gian công cộng, đã thể hiện qua sự thành lập của một liên hoan gọi là Sculpture Projects (các dự án điêu khắc) bắt đầu vào năm 1977 và được tổ chức luân phiên 10 năm một lần tại Münster, CHLB Đức. Đây là một thử nghiệm sáng giá và đã cung cấp một không gian mở cho các cuộc tranh luận công cộng. Mục đích của liên hoan độc nhất vô nhị trên thế giới này là tạo nên một địa chỉ nơi các nghệ sĩ có thể dấn thân vào các khu vực tâm lý, xã hội, lịch sử, chính trị, kiến trúc và đô thị. Ngay chính tại đây, khái niệm, nghệ thuật trong không gian công cộng, hay gọi là nghệ thuật công cộng (public art) kiểu mới đã ra đời - không phải là: “các vườn tượng, các tượng đài, hay các đại lộ được trang trí sặc sỡ - nơi nghệ thuật bị giảm thiểu để chỉ còn là những vật trang trí gỡ tội cho các nhà quy hoạch đô thị hay các kiến trúc sư, cũng không phải là các dự án kiến trúc mà các công ty bảo hiểm, nhà băng, các định chế tài chính cảm thấy họ phải thí ra cho công chúng”, mà lõi cốt của nó nằm ở ngay chính
mối giao tiếp cụ thể và năng động (tôi nhấn mạnh) của các thực hành nghệ thuật (dù nằm dướt bất kỳ hình thức nào)với công chúng và không gian.
2. Dự án “Mỗi người chúng tôi đưa ra một đề nghị” Tóm lược ý tưởng: Thực hiện một triển lãm nhiếp ảnh cho những người không chuyên, thậm chí chưa từng cầm máy ảnh lần nào. Không chú trọng nhiều vào kỹ thuật chụp.
Đề tài: Tự do. Mỗi người đều có quyền nghĩ ra đề tài của riêng mình, người lập dự án không can thiệp.
Cách thực hiện: Sau khi mọi người gặp nhau bàn luận, sẽ bốc thăm để đi đến thống nhất nên làm những ý tưởng, những đề tài nào. Dự án sẽ cho mượn máy ảnh, hướng dẫn cách sử dụng, mọi người tự thực hiện ý tưởng đó trong vòng tối đa một ngày, hoặc một đêm.
Ngoài việc cho mượn máy ảnh, dự án cũng tài trợ tiền café các buổi gặp mặt, mỗi lần đi chụp ảnh sẽ có 30.000 VNĐ tiền tiêu vặt, 20 ngàn tiền xăng. Kế hoạch sẽ có hai lần gặp mặt chung, và hai lần đi chụp.
Khi chụp xong, người chụp chỉ cần giao file nguyên gốc. Dự án sẽ đem file đi rửa ra hình khổ lớn, làm khung, làm thông tin tác phẩm. Buổi triển lãm ra mắt, giới thiệu công chúng, họp báo…
Những người tham gia dự án (10 người) sẽ được in hình, kèm tiểu sử ngắn vào catalog, sách, thư mời, và các thông tin nghệ thuật đại chúng khác.
Dự án này cũng được in thành catalog cùng các bài viết nhận định, được giới thiệu trên một số website về nghệ thuật. Và có thể, sẽ đưa vào giới thiệu trong những workshop chuyên đề tại Việt Nam, và bên ngoài Việt Nam.
Người tham gia dự án cũng sẽ được tặng catalog, số lượng là 02 cuốn, kèm 1 VCD phim tài liệu về dự án, có hình ảnh và phát biểu của người tham dự.
Ý nghĩa dự án: Nghệ thuật là một cách làm, một thao tác có tính cộng đồng. Qua mối quan hệ cộng đồng, cái Tôi của mỗi người sẽ lộ ra, và được tôn trọng.
Cam kết: Nếu bạn đồng ý tham gia, chỉ cần hồi báo ngắn gọn: Đồng ý. Bản thông tin này thay cho thoả thuận và các điều kiện để hình thành nên một triển lãm chung.
Người lập dự án: Lý Đợi và Lê Quý Anh Hào
3. Vài nhận xét ngắn Trên đây là nguyên văn dự án “Mỗi người đưa ra một đề nghị”, khai mạc vào ngày 13 tháng 10 năm 2007, tại Titan Visual Café, 153 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TPHCM, của hai nghệ sĩ Lý Đợi và Lê Quý Anh Hào. Dự án này thuộc dự án
Việt dã nghệ thuật, là một trong bốn sự kiện nghệ thuật diễn ra trong vòng hai tháng tại TPHCM (mà sự kiện đầu tiên là triển lãm sắp đặt, kết hợp video và trình diễn của nghệ sĩ Bảo Ngọc “Thế giới mã vạch”, 22-29 tháng 9 năm 2007 tại Himiko Visual Saloon) Có thể nói, trong mặt bằng nghệ thuật đương đại Việt Nam gần đây, theo quan sát của cá nhân tôi, dường như không nhiều những dự án nghệ thuật công cộng mang tính phá cách như dự án nói trên.
|
Ảnh của Dũng Zon, làm nghề bán vé số |
|
Ảnh của Hiền, làm nghề sửa vi tính |
|
Ảnh của Hoa, sinh viên |
|
Ảnh của Hòa, làm nghề thầu xây dựng |
|
Ảnh của Minh, làm nghề sửa chìa khóa |
|
Dũng xù, làm nghề đầu bếp, đang phát biểu về các kinh nghiệm khi đi chụp ảnh |
|
Công chúng đang xem bộ phim tài liệu Lê Quý Anh Hào quay về quá trình thực hiện dự án |
|
Một khách đến uống café xem album ảnh của một người tham gia dự án |
Sự phá cách quan trọng nhất của dự án này, với tôi, nằm ở chỗ, bằng việc đảo chuyển vai trò của mình, từ vị trí là những nghệ sĩ chuyên nghiệp (khái niệm chuyên nghiệp ở đây nên được hiểu trong môi trừơng Việt Nam - là những người mà, đồng thời với các công việc lao động kiếm sống khác, thực hành chủ yếu làm nên tên tuổi của họ trong xã hội, cho tới nay, là những dự án và tác phẩm nghệ thuật) được dự án
Việt dã nghệ thuật chọn và tài trợ để thực hiện một tác phẩm nghệ thuật của riêng mình thành ra hai giám tuyển độc lập, những người tự đứng ra để thiết kế và giám tuyển một triển lãm khác, dành cho những người dân lao động ngoài xã hội - cả hai nghệ sĩ Lý Đợi và Lê Quý Anh Hào đã thẳng thừng đặt câu hỏi vào các dạng thực hành nghệ thuật theo trục dọc (vertical) kiểu cũ – ở đó, mối quan hệ giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng, chỉ là một mối quan hệ có tính độc tài, đóng khép một chiều.
Và rồi cũng chính qua thao tác đặt lại câu hỏi này, cả hai nghệ sĩ cũng đồng thời trình ra một khả năng khác cho các mối quan hệ ấy - khả năng của một môi trường đồng bộ (overrall) – nơi có thể mở ra và liên thông nhiều chiều cho mọi thành tố quan hệ trong việc hình thành nên tác phẩm.
Nói cách khác, ngay khi mô hình và cấu trúc của mối quan hệ theo trục dọc và một chiều thông thừơng được các nghệ sĩ - bằng những câu hỏi của mình - tháo tung ra, chính bản thân nội dung thực hành nghệ thuật của dự án cũng đã thoắt chuyển thành một khu vực diễn ngôn vô cùng mới mẻ - khu vực của sự chuyển hóa và thông giao vô cùng năng động giữa mọi mối quan hệ mang mầu sắc chủ thể và đối tượng, khu vực của một thực hành nghệ thuật công cộng phá cách kiểu mới
Ở nơi đây, trong khu vực diễn ngôn này, nơi tác phẩm nghệ thuật không thể phân biệt được với công chúng nghệ thuật, nơi vai trò nghệ sĩ lẫn trộn vào vai trò giám tuyển, nơi không gian của một quán café thông thường trở nên một khu vực trung gian đem các thực hành nghệ thuật trực tiếp tới công chúng, nơi các tác phẩm nghệ thuật - bởi được thực hành từ những tay máy nghiệp dư - chuyển hóa thành những góc nhìn trực tiếp, nguyên gốc tiền diễn giải vào hiện thực, nơi một triển lãm nghệ thuật đương đại – trong môi trường Việt Nam - thường được coi là một địa điểm vinh danh Tính Hiện Đại và luôn mang tới cho số đông công chúng những cảm giác hối lỗi bởi cảm thấy trạng thái lạc hậu và thấp kém của mình trước những thực hành tiền phong sáng lóa kêu lanh lảnh như chập chỏa vang tiếng - bỗng hóa thân thành một cuộc gặp gỡ, một buổi thông công, một sự giao tiếp vô cùng năng động giữa nghệ sĩ, công chúng, tác phẩm, đô thị và các góc nhìn vào hiện thực vào xã hội.
Khách quan mà nhìn nhận, dự án “Mỗi người chúng tôi đưa ra một đề nghị” không phải là một thực hành công cộng kiểu phá cách đầu tiên tại Việt Nam. Chúng ta có thể kể tới dự án độc lập của một nghệ sĩ ở Hà Nội, dự án của nghệ sĩ Minh Phước, trong đó, anh mời những dân lao động từ chợ lao động vỉa hè vào gallery để viết lên tường những ước mơ của họ, hay dự án của đài truyền hình Việt Nam mời nghệ sĩ Trần Lương dạy vẽ cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa, dự án G.A.S (Grafity in Art School) - sử dụng dạng thực hành nghệ thuật grafity, có xuất xứ Âu Mỹ, theo các nhu cầu cụ thể từ (và cho) cộng đồng địa phương - của nhóm nghệ sĩ trẻ Huế do nghệ sĩ Hải Bằng cùng một số nghệ sĩ khác khởi lập v.v.
Có thể nói, các dự án nghệ thuật công cộng phá cách kiểu này, dù có những mặt mạnh và yếu khác nhau, và tôi cho rằng rất cần được khảo sát kỹ càng trong thời gian tới, đều đã tạo ra những hướng mới mẻ cho nghệ thuật đương đại Việt Nam, để chuyển hóa nó - không chỉ là một màn nối dài của cuộc chiến hình thức muộn (và ảo) mang mầu sắc hiện đại giữa cái mới và cái cũ, giữa các nhà cách tân với những kẻ bảo thủ, giữa nghệ thuật cao với đám đông ngu si, giữa cái tiền phong và cái rởm (avant garde and Kitsch) – mà trở thành các nỗ lực độc lập rất đáng khích lệ của các nghệ sĩ địa phương trong quá trình tái định nghĩa, tái văn cảnh hóa các mô hình nghệ thuật đương đại (có quá khứ và) được du nhập từ phương Tây, nhằm dung hợp hay phối kết chúng vào chính các hoàn cảnh cụ thể tại địa phương - và rồi qua đó, tái định nghĩa ngay chính vai trò và căn tính nghệ sĩ của họ – như một phần không thể tách rời khỏi cộng đồng
Tài liệu tham khảo - Art of the Postmodern Era: From the Late ’60 To the Early ’90, Irving Sandler, Westview Press 1998
- Public Art , A Reader, Florian Matzner ed., Hatje Cantz Verlag 2004
© 2007 talawas