trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
31.7.2006
Nguyễn Hữu Liêm
Ở vùng nguội lạnh và từ trong bóng hình quá khứ
(Viết về Hội thảo Hè 2006)
 
BERKELEY: Thứ Bảy, 29/7. 2 PM. Hai ngày “Hội thảo Hè” lần thứ Chín của nhóm trí thức Việt kiều đã đi vào hồi kết thúc. Trong căn phòng City Club cao rộng và đẹp cổ kính của một căn building xây dựng bởi Julie Morgan, khoảng ba mươi anh chị em, phần lớn là trên 50 tuổi, đang cố trình bày hết cái cảm nghĩ của mình về chuyện Việt Nam. Khi những người trên tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” phát biểu, ngôn ngữ của họ mang một chiều sâu hơn từ suy tưởng, phát xuất từ một chuỗi dài của những lịch sử cá nhân thăng trầm với nhiều biến cố. Không như Hội thảo năm ngoái ở Đà Nẵng với một không khí đông đúc và sôi nổi như lễ hội, năm nay, trong thời tiết nguội lạnh giữa mùa hè của vùng vịnh San Francisco, không khí Hội thảo là của trầm tĩnh, và cái phong thái chậm rãi của mọi người đã là cái âm nhịp chính.

Đây là một tập hợp trí thức “từ phía trái” trên phương diện lịch sử của cuộc chiến tranh ở Việt Nam ba mươi năm trước. Những tên tuổi nổi tiếng và quen thuộc: Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Ngọc Giao, Cao Huy Thuần, Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng, Hà Dương Tường, Trần Quốc Hùng, Vũ Xuân Hân... Đây là những trí thức “thiên tả” và “phản chiến” lừng danh một thời. Nhưng khi đọc kỹ những bài viết và lắng nghe phần nói chuyện của họ cho các Hội thảo Hè hằng năm, nhất là năm nay, tôi không thấy cái nhiệt tâm sùng sục lửa của những năm thời họ còn trẻ; thay vào đó là cái ngôn ngữ học giả và phân tích của các giáo sư đại học cố gắng tách rời quan điểm và lịch sử cá nhân dấn thân để dành chỗ cho những suy tưởng quân bình về những vấn đề Việt Nam. Những ai lên website của Hội thảo này (viet-studies.org) để đọc các bài của Ngô Vĩnh Long hay Vũ Quang Việt hay Nguyễn Ngọc Giao, sẽ không tìm ra một giấu vết “thiên tả” hay “thân cộng” nào. Có thể là tính khoa học và khách quan của ngôn ngữ học thuật đã làm cho nội dung các bài tham luận của các giáo sư này đứng tách biệt ra với một quá khứ sôi nổi của họ, của những tâm hồn “rực sáng với nỗi căm hờn xưa cao đẹp”. Không phải hoàn toàn như thế. Nó là vầy: Lịch sử Việt Nam sau 1975 và cái bản chất của chế độ chính trị liên hệ đã buộc họ phải tách rời cái nhiệt tâm của những tâm hồn “thiên tả” cũ ra khỏi bóng hình quá khứ của mình.

“Lịch sử” nào? Dạ thưa, đó là một khoảng thời gian hậu chiến vẫn chưa hoàn tất cho đến giờ phút này, ở Việt Nam, với sự cai trị của một cơ chế chính trị và chính quyền khủng khiếp, dù đã thay đổi rất nhiều, đã từng đối xử với sinh mệnh dân tộc như là một thử nghiệm cho một thứ giáo điều ngu xuẩn, mang bản chất bạo hành bất nhân, với một tập thể nhân sự vừa quê mùa, tục tĩu, vừa bất tài, thô kệch nhưng không thiếu điều kiêu hãnh cực đoan, tham lam, vơ vét. Không ai, vâng tôi nhấn mạnh, không ai, khi đứng trước và đối diện với bản chất chính trị trong khoảng lịch sử dân tộc này, mà không tự nhìn lại chính mình, và dù có lịch sự, kiên nhẫn đến đâu, dù có thiên tả hay là mang lòng hòa giải đến đâu, cũng không thể tự tách rời chính mình ra khỏi quá khứ chống chiến tranh để có một thái độ đúng đắn về cơ đồ Việt Nam. Các trí thức trong buổi Hội thảo này đã từng vật lộn với một bối cảnh suy thức như vậy. Họ là những anh hùng từ trong và bên lề cuộc chiến với thái độ và hành động can đảm, từ niềm tin và tư duy trong sáng để thiên tả và phản chiến một thời; và họ cũng là những anh hùng để thật tâm nhìn lại chính mình và lịch sử một cách khách quan để không tiếp tục duy trì một lập trường thiên tả không còn một giá trị khả dĩ nào nữa.

Tôi nhớ đến câu nói của Hegel, “Đánh mất chính mình để tìm ra chính mình là con đường của đời sống tinh thần”. Khi tìm lại chính mình không có nghĩa là quá khứ đã là sai lầm; nhưng, như từ aufheben mà Hegel cho ý nghĩa, hiện tại đã vươn ra khỏi quá khứ nhưng vẫn bảo tồn được tinh hoa của cái đã bị phủ nhận để thăng hoa thành một thể tính cao hơn. Những trí thức thiên tả này có một quá khứ oai hùng của những trí thức dám sống cho niềm tin lý tưởng; do đó, họ có nhiều chất liệu tinh thần của cái bị phủ định để được chuyển hóa cao hơn. Họ đã không sợ quá khứ và họ sẽ không sờn tương lai.

3PM: Hội thảo bước vào hai giờ cuối cùng. Cựu đại sứ Nguyễn Trung, thuộc Ủy ban Nghiên cứu của Văn phòng Thủ tướng (vừa mới bị giải tán hai ngày trước đó), người đã viết loạt bài “Thời cơ vàng và Thảm hoạ đen” trên báo Tuổi Trẻ về Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, đang trình bày “Vài suy nghĩ về Đại hội X.” Ngôn ngữ và nội dung của Nguyễn Trung là của một nhà ngoại giao, một đảng viên, một người đại diện chính phủ tham dự Hội thảo, đầy lịch sự và cân nhắc, nhưng cũng muốn chuyên chở một thông điệp nhẹ nhàng về những bế tắc lớn trong những gì mà Đại hội X đã làm được. Chỉ cần hợp thức hóa điều lệ cho đảng viên làm kinh tế, một sự kiện thực tế đã trên hai mươi năm, Nguyễn Trung nói, mà vẫn còn khó khăn như vậy, huống gì nói đến chuyện đổi tên Đảng, hay sửa Hiến pháp, hay chính thức công nhận quyền tư hữu của nhân dân. Khi viết bằng ngôn ngữ văn kiện cho có nghi thức, “nhà nước pháp quyền” mà cũng phải kèm theo bốn chữ “xã hội chủ nghĩa”, như thể là một câu chú sợ đọc sai âm điệu.

Tôi ngồi lắng nghe mà suy tưởng theo bài nói chuyện của Nguyễn Trung: Rằng cái bế tắc của con người và cơ chế của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là ở chỗ “quốc nạn” tham nhũng, thối nát, với những khẩu hiệu “kiên quyết loại trừ” mà ai cũng nghe đã nhàm. Hãy nhìn thấy điều này: Cái cơ chế Đảng và nhà nước hiện nay mà chống tham nhũng thì cũng như một chàng say rượu vác cây chổi đứng giữa trưa hè muốn quét đi cái bóng đen của mình đang in đậm trên sân. Không. Cái bế tắc nằm ở chỗ rằng người cộng sản Việt Nam vẫn coi mình là kẻ chiến thắng, hãnh diện với quá khứ oai hùng, và từ đó vẫn kiêu hãnh to miệng, lớn chữ biện minh và chứng tỏ rằng trong hiện tại mình vẫn là đúng - nhưng thực tâm thì họ không còn tin như vậy. Những ai công bằng và khách quan với lịch sử đều công nhận quá khứ của những người cộng sản Việt Nam trong chiến tranh thực là oai hùng. Tuy nhiên, nói như Hà Dương Dực, người phát biểu nhẹ nhàng nhưng cương quyết ngay sau khi Nguyễn Trung chấm dứt, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “không công bằng với dân tộc bằng cách tiếp tục tiêu xài ‘cái xác chết’ của chiến thắng ba mươi năm trước”. Khi người trí thức tả phái đã phải nói lên như thế, người cộng sản Việt Nam phải lắng nghe để thấy được điều gì.

Vào giờ tranh luận, nhà báo Thanh Thiện của RFI từ Paris đứng dậy khuấy động: “Có phải các ông bà của Hội thảo này đang bị ‘no cơm rửng mỡ’ bàn chuyện dân chủ, công lý, phát triển, ổn định, khi mà người dân Việt trong nước họ đâu có quan tâm hay suy nghĩ đến những chuyện này”. Đại sứ Nguyễn Trung đứng dậy và ôn tồn, “Không phải đâu. Dân chúng trong nước rất là quan tâm và bức xúc về các vấn đề này, nhất là vấn đề thối nát của đảng viên, vấn đề bất công của xã hội. Đây là vấn đề sinh tử, vấn đề tối hệ trọng của Đảng CSVN, nó quyết định sự sống còn nay mai, rất gần của Đảng.” You bet. Thưa đại sứ, không phải là hệ trọng với Đảng, mà là cho cả dân tộc. Bởi vì, nói như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, một lãnh tụ tối cao và là một nạn nhân bi đát của cái cơ chế Đảng mà ông là một anh hùng, “Mỗi công dân Việt Nam là một chủ nhân ông của đất nước Việt Nam”, chứ không phải Việt Nam là tài sản riêng của Đảng mà đảng viên là chủ nhân ông tối cao. Khi tiếp tục dùng quá khứ chiến thắng oai hùng để biện minh cho tư cách lãnh đạo hư hỏng hiện nay, Đảng CSVN đã phản bội quá khứ, vi phạm nguyên tắc chủ nhân, phản bội lịch sử, bị quá khứ và ảo tưởng bỏ tù, ôm cái xác chết của dĩ vãng làm chiếc áo hiện tại.

5: 15 PM, bế mạc. Khi Trần Quốc Hùng tuyên bố chấm dứt Hội thảo Hè 2006 và hẹn gặp năm tới, hoặc là ở Việt Nam, hay là ở Âu châu, chưa bao giờ tôi thấy cái ý nghĩa của khái niệm aufheben của Hegel rung lên theo hoàn cảnh con người và lịch sử Việt Nam như bây giờ: Hãy vượt qua quá khứ kiêu hãnh của mình để tìm ra được chính mình, hỡi những người cộng sản Việt Nam.

© 2006 talawas