trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
17.3.2008
Hà Cao Kỳ
Thư của một viện sĩ nước ngoài gửi viện sĩ Tôn Kiện
Dương Quốc Anh dịch
 
Tiến sĩ Tôn Kiện kính mến,

Phải trải qua đấu tranh tư tưởng rất lâu, tôi mới gửi bức thư này cho ngài. Tôi làm như vậy vì tôi biết 26 năm hữu nghị giữa chúng ta sẽ khiến ngài hiểu rằng tôi không hề có ác ý và động cơ đằng sau nào mà đây chỉ là những kỳ vọng từ đáy lòng đối với tương lai tốt đẹp của giới khoa học kỹ thuật Trung Quốc.

Kể từ năm 1979, lần đầu tiên tới thăm Trung Quốc đến nay, hầu như năm nào tôi cũng về Trung Quốc, đồng thời đã tự thân chứng kiến những tiến triển to lớn trên các lĩnh vực bao gồm cả khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, những điều đó là chưa từng có trong lịch sử. Không chỉ mỗi người dân Trung Quốc tự hào mà mỗi người Hoa trên toàn thế giới cũng chia hưởng niềm vinh dự đó.

Thế nhưng những tin tức gần đây và một số từng trải của tôi đã nói với tôi, về mặt đạo đức và chuẩn tắc, giới học thuật Trung Quốc đã có những việc làm không tốt lắm.

Mặc dù bối cảnh văn hóa và tập quán của Trung Quốc có chỗ khác với phương Tây, nhưng trong tiến trình toàn cầu hóa, nếu Trung Quốc muốn thể hiện mình một cách xuất sắc thì phải tuân theo các chuẩn tắc hành vi đã được tiếp nhận trên thế giới. Ngoài một số nguyên tắc cơ bản như quyền sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đạo đức đang được thi hành, việc coi thường những chuẩn tắc khác sẽ không được sự tiếp nhận của bất kỳ xã hội nào.

Tôi không muốn dùng những bàn luận trường giang đại hải để nói về ngọn nguồn và nguyên nhân của một số sự việc trái đạo đức đó, mà chỉ muốn đề cập tới hai nguyên nhân cơ bản làm phát sinh những sự tình đó tại Trung Quốc.


Thứ nhất, thể chế khen thưởng hiện hành của Trung Quốc đã ỷ lại quá trực tiếp vào số lượng của “thành tựu học thuật”.

Xem xét từ góc độ tiến hành đánh giá quan chức thì điều này có thể hiểu được. Chỉ tiêu định lượng (ví dụ như số lượng luận văn công bố) tương tự như chỉ tiêu định lượng cạnh tranh kỹ thuật thể dục (ví dụ như bạn nhảy cao được bao nhiêu), là dễ đánh giá vô cùng và khiến người ta tin. Thế nhưng mặt khác, việc đánh giá chất lượng là tương đối sâu xa khó hiểu, đòi hỏi tri thức chuyên nghiệp và sự lý giải sâu sắc. Thế nhưng trong công tác học thuật, “chất lượng” rõ ràng là chí cao vô thượng, giống như người ta không thể căn cứ vào số chữ để đánh giá một bài thơ Đường có hay hay không. Trước mắt, còn chưa có một hệ thống hoàn thiện để đánh giá chất lượng, vì thế sự đánh giá và thẩm tra của người cùng nghề là cơ chế được tiếp nhận phổ biến và duy nhất có thể được. Robert Oppenheimer (người cha của bom nguyên tử Mỹ) nói rất đúng: “Giá trị ròng của một người là tổng số những tôn kính mà người đó nhận được từ các đồng nghiệp”. Nhà toán học John Fritz của Viện Nghiên cứu Courant nói còn thẳng thắn hơn: “Tôi sống được là vì một số khâm phục bủn xỉn có được từ mấy người bạn toán học ở đây”. Khi bắt đầu bước vào hàng ngũ khoa học và vũ đài công trình thế giới, Trung Quốc nên lợi dụng nhiều hơn nữa hệ thống đánh giá thẩm tra cùng nghề quốc tế để đánh giá những cống hiến khoa học kỹ thuật của người Trung Quốc. Đương nhiên đối với những cống hiến kỹ thuật thực tế hơn, một chỉ tiêu khách quan khác là sự thành công trên thị trường quốc tế và trình độ được tiếp nhận. Tại Mỹ, Steve Jobes (người sáng lập và CEO công ty Apple) và Bill Gates (người sáng lập công ty Microsoft và là nhà khoa học hàng đầu) đều không học xong đại học nhưng đều được bầu làm viện sĩ khoa học kỹ thuật Mỹ, đó là vinh dự mà họ đáng được hưởng. Nếu như Trung Quốc vì sợ “mất thể diện” mà do dự không quyết trong việc mời các nhà khoa học nước ngoài không phải là người Hoa giúp đỡ đánh giá thẩm tra, thì vẫn còn các nhà khoa học gốc Hoa kiệt xuất tại các nơi trên thế giới, họ quen thuộc văn hóa Trung Quốc, đồng thời vô cùng nhiệt tình cung cấp những đánh giá khách quan các thành tựu khoa học của các học giả Trung Quốc mà không đòi hỏi thù lao.


Thứ hai, theo tôi biết, ở Trung Quốc những hành vi làm trái chuẩn tắc học thuật và đạo đức phải chịu trừng phạt rất nhẹ, thậm chí có lúc không bị trừng phạt, chỉ là một câu cảnh cáo “lần sau không được làm thế”.

Tục ngữ có câu “giết gà dọa khỉ”, ở phương Tây, trừng phạt việc ăn cắp và các hành vi học thuật xấu xa khác cực kỳ nghiêm, thường dẫn tới việc đương sự bị mất việc làm hoặc bị tước đoạt tư cách hành nghề suốt đời. Vì thế áp lực của đồng nghiệp và lòng tự răn thường đủ để làm cho tỷ lệ phát sinh các hành vi bất lương giảm tới mức thấp nhất. Chính phủ và lãnh đạo giới học thuật Trung Quốc phải thiết lập kỷ luật nghiêm khắc. Nếu không do kích thích của nguyên nhân thứ nhất nói trên cũng như hậu quả của sự coi nhẹ nguyên nhân thứ hai, mỗi người đều có thể có động cơ vì hành vi bất lương. Đó là bản tính của loài người, không giới hạn ở người Trung Quốc. Nhìn lại quá khứ thấy, một thể chế học thuật không lành mạnh sẽ có thể đưa tới hậu quả và danh tiếng không tốt đẹp cho cả giới học thuật. Điều này là không công bằng đối với đa số học giả tuân thủ qui tắc.

Khi trình bầy các vấn đề nói trên, tôi biết rõ hàm nghĩa của các câu nói cổ như “nói dễ, làm khó”… Xem xét về lâu dài thấy rất nhiều loại hành vi bất lương đó sẽ có thể tự mất đi (rốt cuộc thành La Mã không phải được xây xong trong một ngày). Tất nhiên do sự cố gắng của mấy thế hệ người, giới khoa học kỹ thuật Trung Quốc đã đi được một đoạn đường rất dài, mọi người đều cùng có thể giữ thái độ lạc quan đối với tương lai, điều khiến tôi lo lắng là hiện nay một thế hệ nhà khoa học và công trình sư đang được giáo dục, nếu nhìn thấy rất nhiều hành vi không bị trừng phạt và ràng buộc, tự bọn họ có thể bị truyền nhiễm. Thế là, thời gian tự khỏi sẽ kéo dài, thời gian Trung Quốc giành được địa vị ưu thế trên vũ đài khoa học kỹ thuật thế giới sẽ bị kéo dài hơn nữa.

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:

Một giáo sư hướng dẫn chỉ đạo quá nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ (30-100 người). Điều này có khả năng là một sản phẩm khác nữa của chỉ tiêu định lượng thành tựu học thuật. Chỉ đạo nghiều nghiên cứu sinh đến thế, khó có người nào hoàn thành nhiệm vụ. Nếu một giáo sư muốn tích cực công tác cùng học sinh, thông thường chỉ nên chỉ đạo tối đa năm, sáu nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Phát biểu nhiều lần một luận văn sau khi chỉ sửa chữa chút ít. Kết quả của việc làm này là số lượng luận văn phát biểu trong năm sẽ tương đối nhiều lên, nhưng không thể lừa được giới học thuật và đồng nghiệp. Làm như vậy không những làm cho danh dự của các học giả Trung Quốc bị tổn thất trong giới học thuật, xuất bản quốc tế mà xét về lâu dài, cũng chẳng có cống hiến gì cho địa vị học thuật của một người nào đó.

Một bản thảo, gửi đi nhiều nơi, nhằm gia tăng cơ hội phát biểu. Nhiều tạp chí đã nghiêm cấm việc làm đó, nhưng nhiều học giả Trung Quốc vẫn coi là không có qui định này.

Ăn cắp. Biểu hiện là đề tên mình trên tác phẩm của người khác với nhiều hình thức như không dẫn nguyên văn, rút ngắn hoặc thêm bớt đôi chút vào nguyên văn... Làm như vậy vì tin là người quản lý không thể biết được những sai khác đó, và cũng còn là vì trình độ giám sát học thuật kém.

Không bảo mật thư giới thiệu. Tại các nước phương Tây, khi bầu chọn người cho một chức danh hoặc một hạng mục khen thưởng, thông thường Ủy ban xét duyệt trực tiếp yêu cầu người giới thiệu viết thư và người viết phải hứa bảo mật. Nhưng cách làm của Trung Quốc là người ứng cử lại tự mình đi thu thập những bức thư đó về nộp cho Ủy ban xét duyệt. Hoặc trong trường hợp được Ủy ban xét duyệt yêu cầu giới thiệu, người giới thiệu cũng không hứa bảo mật. Điều này đã làm cho toàn bộ quá trình và ý kiến về chất lượng (đánh giá của đồng nghiệp) đối với thành quả học thuật quan trọng nhất về bản chất đã biến thành vừa vô dụng vừa mất ý nghĩa.

Đặc quyền và khen thưởng của viện sĩ. Ở nhiều nước phương Tây, gồm cả Mỹ, được bầu làm viện sĩ là một vinh dự, nhưng chỉ thế mà thôi - không có khen thưởng, bất kể là tiền bạc hay các mặt khác và cũng không có đặc quyền xã hội trực tiếp nào khác do có vinh dự này. Nhưng ở Trung Quốc, ngoài vinh dự của tên gọi ra, viện sĩ đã được nâng cao lên vị trí không bình thường. Sự thực là có tin đồn đã xuất hiện hoạt động tranh cử tích cực, thậm chí công khai hoặc ngầm hối lộ. Loại trực tiếp kết nối giữa vinh dự học thuật và lợi ích vật chất, giữa đặc quyền và quyền lực này đã dẫn tới có nhiều hơn nữa, động cơ không lành mạnh nói trên.

Rõ ràng là, trong giới khoa học kỹ thuật Trung Quốc còn tồn tại một số vấn đề về thể chế nữa và đang phải tìm kiếm một số biện pháp đối ứng, Tôi không phải là chuyên gia của mặt này. Nhưng điều quan trọng là tầng lớp lãnh đạo phải gánh lấy nhiệm vụ cải tiến thể chế này.

Bất kể là trong trường hợp công khai hay riêng tư, tôi luôn nói: cho dù bất cứ lúc nào người ta đều có thể nhìn thấy những việc không hợp lý và không hợp logic tại Trung Quốc, nhưng từ năm 1979 tới nay, những thành tựu mà Trung Quốc giành được là chưa hề có. Vì vậy mỗi khi nói ra cách nhìn của mình tôi đều tràn đầy nhiệt tình và phải qua dụng tâm gian khổ. Những ý kiến tôi đề xuất và mong được dùng đó nhằm làm cho Trung Quốc ít phải đi đường vòng trong tiến trình phát triển. Hơn nữa, tôi còn chút riêng tư, là mong rằng trong đời mình có thể thấy được Trung Quốc trỗi dậy trong rừng cây dân tộc thế giới. Đó là niềm tin của tôi và cũng là kỳ vọng của người Hoa trên toàn thế giới.

Xin gửi lời chúc tốt đẹp!

Ngày 27 tháng 11 năm 2005.


Tôn Kiện, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về ngành công nghiệp vệ tinh, tên lửa, được đào tạo từ Liên Xô. Là viện sĩ nước ngoài của Nga, Thụy Điển, Mỹ…

Hà Cao Kỳ, chuyên gia người Mỹ gốc Hoa, sinh năm 1934 tại Thượng Hải. Năm 1961 nhận bằng tiến sĩ toán học ứng dụng tại trường Đại học Harvard Mỹ, sau đó luôn dạy môn học này tại trường. Tháng 6 năm 2000 được bầu làm viện sĩ nước ngoài của Viện Công trình Trung Quốc

Xin chú ý ngày gửi bức thư (năm 2005) và thời gian công khai bức thư (2008).


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Tạp chí DuZhe số 2 năm 2008