trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
10.5.2007
Nguyễn Khắc Viện
Câu chuyện Nhân văn–Giai phẩm và vấn đề trí thức trong cuộc cách mạng ngày nay
 
Lời toà soạn (tạp chí Văn nghệ) – Thời gian vừa qua, không những trong nước, mà kiều bào ở nước ngoài, nhất là giới trí thức, rất chăm chú theo dõi và ủng hộ cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm. Ngày 22 tháng 6 năm 1958, tại hội quán Liên hiệp Việt kiều ở Pa-ri, bạn Nguyễn Khắc Viện đã trình bày những ý kiến của mình về hoạt động thù địch của bọn Nhân văn–Giai phẩm, đồng thời nêu lên nhiệm vụ cấp thiết cải tạo tư tưởng của giới trí thức để phục vụ Tổ quốc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Bộ mặt thực của nhóm Nhân văn

Sách báo đế quốc thường đề cao vai trò của nhóm Petofi, tuyên dương nhóm ấy đã phất cờ khởi nghĩa ở Budapest. Mặt khác lại muốn người ta hiểu rằng nhóm Petofi chỉ là một nhóm văn nghệ sĩ, vô chính trị, chỉ ngây thơ đòi hỏi chút tự do cho văn chương nghệ thuật mà bị Chính phủ Hung-ga-ri khủng bố.

Đứng xa mà xét, như Việt kiều ở Pháp chẳng hạn, chỉ mang máng nghe tin đồn thổi qua lại, và ngây thơ mà xét, thì nhóm Nhân văn cũng chỉ là một hội tao đàn, cùng nhau tập hợp lại ngâm thơ vịnh nguyệt, đòi hỏi chút không khí tự do cho văn chương nghệ thuật, rồi chỉ vì vậy mà bị Chính phủ miền Bắc và Đảng Lao động khủng bố ghê gớm.

Đọc kỹ báo Nhân văn và các tập Giai phẩm, ta thấy rõ văn thơ nhóm ấy tung ra không phải ngây thơ như đôi người tưởng, mà nhằm một mục đích rõ rệt.

Sau 15 năm chiến tranh, miền Bắc đã xây dựng lại: lần đầu tiên trong lịch sử dân đủ gạo ăn, hơn một triệu con em được cắp sách đi học, những nhà máy từ xưa đến nay chưa từng thấy nhả khói đó đây, 600 cây số xe lửa làm lại trong ba năm, những điều ấy Trần Dần không thấy:

Tôi bước đi
Không thấy phố
Không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ

Hòa nhịp với tuyên truyền kẻ địch, Trần Dần kêu la, miền Bắc đang quằn quại trong cảnh đói rét, đến một con chó cũng không sống nổi:

Con chó mực nghe mưa là rú
Nó thiếu ăn. Hay là giết nó ư?
Nó đỡ khổ? Cả em đỡ khổ.

Phan Khôi không thấy nhà máy cơ khí Liên Xô mở đầu cho kỹ nghệ kim khí ở Việt Nam, nhà máy xay gạo của Trung Hoa giúp cho dân ta đỡ ngày quay cối, thuyền máy của Đông Đức khởi phát nghề câu máy, nhà máy ép gỗ của Tiệp Khắc dựng bên sông Đuống, và bao nhiêu kỹ sư, thợ chuyên môn các nước bạn đang giúp ta khôi phục hỏa xa, dựng nhà máy, đang huấn luyện cho chuyên viên, tự lập vun trồng lấy nền khoa học kỹ thuật nước nhà. Phan Khôi chỉ biết lặp lại câu của đài phát thanh Sài Gòn: gạo miền Bắc chở nuôi Trung cộng.

Lẽ tự nhiên Phan Khôi phụ họa tuyên truyền của Diệm, về vấn đề tự do, ví người công dân miền Bắc như con lợn:

Đánh đùng một cái
Kêu éc éc ngay
Bịt mồm bịt miệng
Trói chân trói tay

Lúc Chính phủ và Đảng Lao động đang cố gắng sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất để ổn định tình hình nông thôn, rồi dần dần giúp cho nông dân tiến lên thành lập tổ đổi công, hợp tác xã, Phan Khôi tung ra:

Sửa sai sửa lại sửa đi
Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai.

Trong lúc sửa sai, một số người oan uổng được bồi thường, nhưng một số địa chủ cũng ngóc đầu dậy, định nắm thời cơ gây hoang mang trong nông dân, và rối loạn trong làng mạc, Phan Khôi muốn đổ dầu lên lửa.

Trăm tội vì đâu? Vì lãnh đạo, vì những người lãnh tụ không tim, không óc; ừ thì ngày xưa họ cũng có chút công trạng đấy, họ có đánh Tây thật, nhưng ngày nay họ đã thành những bình vôi. Phan Khôi viết: “Cái bình vôi nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bịt lại ngồi cú rũ trên tường thành cũng như pho tượng đất hoặc gỗ, không nói năng, không nhúc nhích thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông”. Lê Đạt họa thành thơ:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Ỳ như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại

Lúc những thợ in sắp chữ thấy những văn thơ như vậy họ phẫn nộ phản đối, nhiều người không chịu làm việc. Có nhiều người bảo việc thợ in phản đối, chỉ là một mánh khóe sắp đặt sẵn của Đảng Lao động.

Xin hỏi các bạn: bạn làm thợ in, cố gắng góp phần vào công việc xây dựng văn hóa, thức khuya dậy sớm làm sao cho số triệu con em cắp sách vào trường đủ sách học, làm sao cho hàng triệu công nông mới tập đọc có sách báo bổ túc văn hóa, bạn có thể bỏ công ra sắp chữ in mấy hàng trên kia không? Thợ in Hà Nội họ không lầm đâu. Văn chương của Nhân văn–Giai phẩm là một thứ văn chương phá hoại, chửi vào chế độ, chửi vào sự cố gắng của đồng bào. Diệm dùng báo Nhân văn trưng bày ở giữa thành phố Sài Gòn, dùng văn thơ ấy đọc lên đài phát thanh, không biết có đánh lừa được ai, chứ những người thợ in, họ không mắc lừa đâu.

Dụng ý của nhóm Nhân văn là phá hoại, không một chút liên quan gì với tự do, với văn nghệ cả. Ngây thơ mà xét, có thể lầm tưởng trong nhóm chỉ có những nhà thơ, những triết gia mà thôi. Ai cho tiền ra báo in sách? Ai chạy vạy mua chuộc lôi kéo người này người nọ? Trong nhóm có một “văn sĩ” cả Hà Nội đều biết tiếng. Đó là mụ Thụy An, một phóng viên xưa của báo chí thực dân. Thụy An trước kia thường khoe khoang đi lại thân cận với tướng tá của địch, đã từng cưỡi máy bay lên Điện Biên Phủ rồi về viết phóng sự kích thích tinh thần đang suy sụp của những tay sai thực dân. Thụy An là nhân tình của tên Việt gian Đỗ Đình Đạo, lúc quân Pháp rút lui, Thụy An, muốn tự bào chữa, đã chính tay mình giết Đỗ Đình Đạo. Sau đình chiến, nhờ chính sách khoan hồng của Chính phủ, thực hiện đúng đắn Hiệp định Genève, không trị tội những người theo Pháp, Thụy An đã được ở lại Hà Nội. Cài tay sai lại, cho tiền để phá hoại cách mạng là một hành động thường của đế quốc. Thụy An ở lại Hà Nội tìm liên lạc với những văn nghệ sĩ bất mãn, khi giúp người này chút quà cho vợ con đỡ túng bấn, lúc kích người nọ chống lại cơ quan lãnh đạo, dần dần thành lập được nhóm Nhân văn.

Nhà xuất bản Minh Đức, cùng một số nhà buôn Hà Nội đóng góp cho sách báo in ra và tổ chức phát hành. Những bữa chiêu đãi cơm nước của cả nhóm, cũng được các nhà buôn Hà Nội cung cấp. Cái ngây thơ của nhóm Nhân văn chỉ có bề ngoài thôi.


Chiến lược chiến thuật của nhóm Nhân văn

Nhân văn không dại gì chống thẳng chính sách thống nhất bằng phương pháp hòa bình, xây dựng xã hội chủ nghĩa của Chính phủ và Đảng Lao động.

Trương Tửu, chính trị viên của nhóm, thời trước có chân trong nhóm tờ-rốt-skít Hà Nội, cũng không dám hé ra ý phản đối chính sách thống nhất bằng phương pháp hòa bình. Nhưng Trương Tửu, theo đường lối chính sách của tờ-rốt-skít nhằm đánh lạc hướng quần chúng che lấp tội ác của đế quốc, cố làm sao cho quần chúng chỉ thấy một điều: tội lỗi của lãnh đạo. Mâu thuẫn cốt yếu hiện nay không phải là giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ, không phải giữa một nhóm phong kiến và con buôn tập hợp chung quanh Ngô Đình Diệm và toàn dân Việt Nam đang mong mỏi thống nhất. Mâu thuẫn trong việc kiến thiết miền Bắc không phải là giữa xu hướng của tư sản muốn thành lập chế độ tư bản, và công nông tiến lên xã hội chủ nghĩa. Theo Trương Tửu, mâu thuẫn cốt yếu là giữa nhân dân và lãnh đạo.

Trần Dần diễn ý ấy lên thành thơ:

Em biết đâu
Mỹ miếc Ngô nghê gì
Khổ thân em mưa nắng
đi về lủi thủi.

Không phải lần này là lần đầu tiên mà những người tờ-rốt-skít khoác áo cách mạng, để thực sự chĩa mũi nhọn vào lãnh đạo cách mạng. Thời thực dân, họ nhằm phá tan Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, họ la ó lên Chính phủ ấy phản bội dân tộc, thỏa hiệp với Pháp. Nhóm tờ-rốt-skít ở Pháp năm 1946 kêu gọi anh em công binh biểu tình chống Hồ Chủ tịch sang đàm phán ở Pháp. Năm 1953, tờ Tiếng thợ cả gan mở của cho người viết rằng nhân dân Việt Nam phải chĩa súng bắn vào các nhà lãnh tụ mới hoàn thành được cách mạng, hoàn thành được nhiệm vụ cấp bách của kháng chiến chống lại bọn họ mà họ gọi là quan liêu.

Nước Việt Nam chưa thống nhất, lỗi không phải vì Mỹ-Diệm gì đâu, tại lãnh đạo. Kinh tế ta còn thấp kém, phải cố gắng chịu đựng lâu năm mới xây dựng được đời sống phong phú, cũng vì lãnh đạo. Đế quốc, phong kiến tư bản, trong bất cứ một sách báo gì của tờ-rốt-skít, ta chỉ thấy nói đến vài ba câu làm vì, mũi nhọn của toàn bộ lý luận, bài vở của họ chĩa vào Đảng lãnh đạo, vào những người lãnh đạo. Theo họ, đế quốc sẵn sàng ngoan ngoãn nhượng bộ cho cách mạng tiến tới, phong kiến tư bản trong nước chỉ là những bóng ma không sức lực phá hoại gì, nhân dân chỉ vùng lên hất bộ máy lãnh đạo, hất cái đảng lãnh đạo cồng kềnh nặng nề kia là nước nhà sẽ thống nhất, xã hội chủ nghĩa xẽ xây dựng trong chốc lát.

Áp dụng lý thuyết cách mạng thường xuyên, Trương Tửu định nghĩa làm cách mạng là thường xuyên chống lại hiện tại, trong lúc hiện tại là nhân dân đang xây dựng chế độ mới, cố sức tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Để phụ họa thuyết “lỗi vì lãnh đạo”, Trần Đức Thảo đem phổ biến ý kiến là trong đảng lãnh đạo, ngày nay có hai hạng, hạng người “mềm”, và hạng ương ngạnh, có thể dựa vào mâu thuẫn nội bộ ấy mà làm tan rã lãnh đạo. Rồi Trần Đức Thảo để chứng minh thuyết của mình lượm lặt những báo Pháp, France-Observateur, Express, Temps modernes đem luân chuyển cho người này người nọ xem và học hỏi.

Cũng nhằm mục đích đả kích lãnh đạo ấy, Trần Đức Thảo nêu lên thuyết nhiệm vụ căn bản của cách mạng không phải là tổ chức, nhìn nhận kỷ luật tranh đấu để hủy bỏ chế độ cũ thiết lập xã hội mới, nhiệm vụ căn bản của cách mạng là phát triển tự do cá nhân.

Đả kích lãnh đạo, kích thích lòng dân chống lại lãnh đạo, đánh lạc hướng quần chúng bằng cách dìm che những mâu thuẫn cốt yếu, những vấn đề quan trọng, làm cho nhân dân không thấy rõ ai là thù ai là bạn, đó là chiến lược chung của nhóm Nhân văn.

Chiến thuật đem áp dụng hàng ngày là nhằm những chỗ yếu trong nhân dân mà hoạt động, và nhân những khó khăn hàng ngày, khơi sâu những xích mích, những mâu thuẫn phụ, nuôi dưỡng tinh thần vô kỷ luật, hằn học. Trương Tửu và Trần Đức Thảo lôi kéo sinh viên đại học chống lại chế độ. Không phải ngẫu nhiên mà những kẻ chống cách mạng đều nhắm biến đại học thành một pháo đài của họ, theo chữ của Thảo. Họ cũng kích thích thanh niên, cũng vì thanh niên thường có tính hăng hái, nhưng kinh nghiệm còn ít, dùng thuyết cách mạng giả hiệu mà lừa bịp.

Một giới hạn mà bọn phản cách mạng hay tìm lôi kéo là giới văn nghệ sĩ. Lê Đạt đã thú nhận vì sao anh ta đã chịu cộng tác với một người như Thụy An, mà lúc đầu mới gặp anh ta không khỏi ghê tởm. Thụy An bảo rằng thơ của Lê Đạt nếu dịch ra ngoại văn, thì có kém gì thơ các nhà văn hào nổi tiếng trên thế giới, từ ngày ấy, Lê Đạt đã tha lỗi cho mụ gián điệp kia. Kích vào lòng tự cao của một số văn nghệ sĩ, thấy mình có chút tài nghệ, đã tự cho mình có quyền vượt ra ngoài xã hội thường, bọn đầu cơ chính trị khêu gợi cho văn nghệ sĩ chỉ lấy nội tâm của mình làm lãnh đạo, không cần phục vụ một cái gì ngoài văn nghệ hết.

Sau một thời gian đả kích lãnh đạo, và khiêu khích tinh thần vô kỷ luật, đòi hỏi tự do tuyệt đối, bồi dưỡng lòng bất mãn của một số người, lôi kéo một số sinh viên, Trần Đức Thảo chỉ đường cho nhóm, bảo rằng, nay phải vượt qua ngoài phạm vi văn nghệ, tiến lên những hành động thiết thực hơn. Số 6 báo Nhân văn định kêu gọi dân chúng biểu tình.

Vì nhóm Nhân văn tưởng rằng thời cơ đã đến. Thời cơ như thế nào?

Từ tháng 6-1956, Chính phủ và Đảng Lao động, sau khi kiểm điểm công tác cải cách ruộng đất, nhận thấy có nhiều sai lầm, đã tiến hành việc sửa sai. Trong một thời gian, ở nông thôn, phần thì địa chủ lợi dụng thời cơ nắm cướp lại quyền lợi cũ, phần thì một số nông dân hoang mang, nên Đảng đã phải tập trung lực lượng về nông thôn. Nông thôn sống qua một thời gian căng thẳng. Lúc ấy các thương gia Hà Nội và các thành phố thừa dịp đã phát động một cuộc đầu cơ rộng rãi, tích trữ hàng hóa, làm cho giá hàng lên vùn vụt. Tình hình ở thành phố cũng gay go. Thêm vào đó sau tháng 11-1956, vụ loạn Hung-ga-ri xẩy ra. Ngóng theo đài phát thanh của Tây phương, nhiều người tưởng phe xã hội chủ nghĩa đang suy sụp, bị tư bản Âu Mỹ đè bẹp. Nông thôn không ổn định, thành thị rối ren, tình hình quốc tế xem chừng thuận lợi.

Những người cầm đầu nhóm Nhân văn tưởng chừng thời cơ đại sự đã đến. Nhưng thực sự họ không thấy rằng quần chúng không ai hưởng ứng những hành động khiêu khích của họ. Họ chỉ quanh quẩn giao thiệp trong một số giới nhà buôn thành thị chống mậu dịch nhà nước, một nhóm văn nghệ sĩ bất mãn, và một ít sinh viên dại dột, họ mù quáng cho rằng những tình ý chống đối chế độ của những nhóm nhỏ ấy phản ánh ý nguyện của quảng đại quần chúng. Quần chúng Việt Nam không dại như họ tưởng. Nông dân Việt Nam không quên rằng nhờ Đảng Lao động mà họ có ruộng cày. Công nhân Việt Nam đã thấy rõ rệt ai giải phóng họ khỏi tay thực dân tàn bạo. Và số đông sinh viên trí thức dù có xuất thân gia đình phong kiến hay tư sản cũng không quên ngày Điện Biên Phủ, cũng đồng tình với mục đích cao cả thực hiện thống nhất, kiến thiết xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy mà câu chuyện Nhân văn đã không thành “đại sự” như những người cầm đầu của nhóm ấy mơ tưởng. Tờ Nhân văn bị cấm. Thụy An, Minh Đức và Nguyễn Hữu Đang bị bắt. Trương Tửu mất chức giáo sư đại học. Trần Đức Thảo bổ sang một cơ quan khác trong Bộ Giáo dục.

Chính phủ chỉ lấy pháp luật trừng trị những bọn Thụy An, Minh Đức cố tâm mưu mô phá hoại. Đối với những văn nghệ sĩ, trí thức, dù có những hành vi khiêu khích đi nữa, cũng không buộc tù tội gì. Nhưng những người văn nghệ sĩ, trí thức chủ chốt trong nhóm Nhân văn đã bị cảnh báo phê bình nặng trước dư luận.


Vấn đề tư tưởng

Thái độ không trừng trị, nhưng phê bình nặng có nhiều lý do. Lúc đã loại những phần tử tay sai của địch ra rồi, có thể bảo trong những người trí thức đã lầm lỗi, dù có đi xa đến đâu, vẫn có thể khêu gợi lại được lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân của họ. Đây là một vấn đề giáo dục hơn là trị tội. Phê bình nghiêm khắc tức đánh thức tỉnh họ, và ngăn cản họ không rơi vào hố phản bội. Phê bình một số cá nhân trước quần chúng cũng không phải cố tình mạt sát cá nhân của họ, mà mục đích là giáo dục số đông. Giáo dục cho quần chúng đông đảo không mắc vào những tư tưởng nguy hại mà những ông văn sĩ thạc sĩ đã tung ra. Giáo dục cho đa số trí thức đang dày công tìm đường lối tư tưởng để phục vụ cách mạng, nhận rõ thêm nhiệm vụ của mình.

Vì rằng nhóm Nhân văn, muốn phá hoại chế độ cũ, đã dựa vào một số tư tưởng còn rơi rớt trong tâm trí nhiều người. Nhiều người, một mặt vì muốn tham gia cách mạng, giúp nước giúp dân, mặt khác, lại bị những tư tưởng thời xưa vướng víu, ngăn cản bước đường tiến bộ.

Sau lúc giải phóng, nước ta ở miền Bắc thoát khỏi lệ thuộc ngoại bang. Cải cách ruộng đất lại mở thêm thị trường quốc gia, đem lại cho các công thương các thành thị hàng triệu khách hàng mới. Kinh tế miền Bắc có thể tiến lên hai ngả, hoặc tiến thành tư bản, hoặc thiết lập xã hội chủ nghĩa.

Đòi hỏi căn bản của tư sản thành thị là tự do. Thả cho mỗi người kinh doanh, mạnh ai nấy làm, lời lãi không ai kiểm soát, buôn gì, chế biến gì cũng được, vốn có sức, có mưu có chước thì làm giàu đến mức nào cũng được, đó là yêu sách thiết thân của tư sản. Mỗi cá nhân có quyền nắm lấy bao nhiêu tài sản cũng được, không thể giới hạn. Chủ nghĩa tự do đi đôi với chủ nghĩa cá nhân. Tất cả lịch sử phát triển kinh tế tư sản dựa trên tự do chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa.

Trong giai đoạn chớm nở, tư sản dùng hai vũ khí đó đánh vào những tổ chức của chế độ phong kiến. Lúc đánh đổ phong kiến rồi, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân lại dùng để ngăn cản thợ thuyền tổ chức đòi hỏi quyền lợi và tiến hành cuộc cách mạng của giai cấp mình. Xin phép nhắc lại, tư sản Pháp, ngay sau khi đánh đổ phong kiến trong năm 1971, mượn cớ bảo vệ tự do, đã ra đạo luật Le Chapelier, cấm những người làm trong nhiều ngành lập hội để bảo vệ quyền lợi chung. Công nông muốn cướp chính quyền lại trong tay kẻ thống trị, muốn xây dựng một xã hội công bằng, không thể noi theo tư tưởng tự do chủ nghĩa, mạnh ai nấy làm, tư tưởng cá nhân, mỗi người có quyền lấn áp lên quyền lợi của kẻ khác, nếu đủ tinh khôn xảo quyệt. Tinh thần tập thể, tôn trọng tổ chức kỷ luật, có lãnh đạo hướng dẫn làm tư tưởng của công nông muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh kinh tế chính trị đi song song với đấu tranh tư tưởng. Nuôi dưỡng chủ nghĩa tự do, vô trách nhiệm, đòi hỏi cho cá nhân quyền tuyệt đối, tức đi ngược lại quyền lợi của công nông.

Trong toàn bộ kinh tế miền Bắc hiện nay, những xí nghiệp lớn như mỏ, nhà máy, công trường lớn, có tính cách xã hội chủ nghĩa, chiếm phần rất ít. Đại bộ phận kinh tế của ta còn là sản xuất cá thể. Sản xuất cá thể, như nước chảy xuôi dòng, nếu để nó tự phát tất hướng về tư bản. Một người buôn nhỏ muốn làm lời nhiều thành nhà đại thương; anh nông dân muốn dần dần có thêm ruộng thêm đất. Trong hoàn cảnh ấy, muốn cho những bộ phận nhỏ xã hội chủ nghĩa, lôi kéo được toàn bộ kinh tế lên một trình độ tổ chức công cộng hoàn hảo, phải luôn luôn cố gắng trong một thời gian khá lâu. Kinh tế của ta tiến lên chủ nghĩa xã hội như một chiếc xe nặng lên dốc cao, hễ sơ ý chốc lát là xe lại tuột xuống dốc. Sao nhãng tổ chức, sơ hở kỷ luật chút nào là mở đường cho tư bản tiến lên chút ấy. Thật là một cuộc chạy đua. Câu hỏi, ai thắng ai, tư bản sẽ thắng, hay chủ nghĩa xã hội, đặt ra hàng ngày.

Thắng hay bại ở trong tay quảng đại quần chúng công nông. Quần chúng công nông thả lỏng bỏ xuôi, phó mặc cho mạnh ai nấy làm, thì tư bản sẽ thắng. Quần chúng công nông tăng cường ý thức tổ chức tập thể, vươn lên được thành giai cấp thống trị, diệt trừ được những tư tưởng cam phận thời phong kiến, tư tưởng vô chính phủ của tiểu tư sản, tất nhiên chủ nghĩa xã hội sẽ thắng.

Vấn đề tư tưởng vô cùng quan trọng. Đấu tranh tư tưởng là một cuộc đấu tranh hàng ngày. Nhiều nông dân còn sợ động long mạch, còn cầu mưa lúc gặp hạn. Nhiều nông dân vào hợp tác xã rồi còn lại ra, mấy lần như vậy, chỉ vì cứ cân đi nhắc lại lời lỗ. Công nhân của ta phần lớn cũng ở nông thôn mới ra còn mang nặng nhiều lối suy nghĩ của dân quê. Nước còn nghèo, kỹ thuật còn non kém, đa số nhân dân mới thoát vòng phong kiến ba bốn năm nay, trong hoàn cảnh ấy kiến thiết chủ nghĩa xã hội không những đòi hỏi phải cố gắng, mà còn đòi hỏi một sự lãnh đạo chặt chẽ trong từng bước một, ở từng cơ sở một. Lãnh đạo đây không phải chỉ vạch ra một đường lối chung, mà còn phải giúp quần chúng thực hiện từng bộ phận từng chi tiết. Đảng Lao động là cơ quan lãnh đạo ấy.

Ta không lạ gì lúc thấy nhân dân đông đảo được Đảng dìu dắt huấn luyện từng bước như vậy đưa trình độ từ người nô lệ xưa lên thành một chiến sĩ cách mạng, đã tỏ lòng mang ơn sâu sắc đối với Đảng. Trái lại, trong xã hội Việt Nam ngày nay ai muốn phá hoại, ai muốn mở đường cho tư bản, ai trốn thuế, chống mậu dịch, ngăn cản phong trào hợp tác trong nông thôn, nhằm lợi riêng cho cá nhân mình hơn là lợi ích chung đều vấp phải trở lực của Đảng Lao động. Đả kích Đảng, đả kích sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng là mục đích cứu cánh của tất cả bọn phản cách mạng. Cách mạng quần chúng đối với bọn phản cách mạng, như một con rắn phải đập vào đầu, và chỉ có đập vào đầu mới trừ được.

Trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Đảng Lao động không thể bỏ lơ vấn đề giáo dục tư tưởng cho quần chúng, không thể phó mặc cho ai, khoán trắng việc ấy cho ai cả. Hàng triệu công nhân, nông dân, thành thị mới biết đọc, đang tìm sách báo học hỏi, thơ ca để ngâm nga, tìm xem phim, kịch tranh ảnh. Thả tự do cho mạnh ai nấy làm, tức là một mặt bỏ lỏng cho bọn con buôn làm giàu, mặt khác để cho họ đầu độc nhân dân với những tư tưởng ươn hèn. Tư sản nhất định sẽ nắm lấy tự do ấy lợi dụng lung lạc tinh thần của công nông, ngăn cản công nông tiến lên. Đảng của công nông không đứng ngoài cuộc xây dựng đấu tranh trong văn nghệ, khoa học triết lý. Tư tưởng dành riêng văn nghệ, triết lý, khoa học cho những người trong nghề không thể thành tư tưởng của giai cấp công nhân đang tiến lên đảm nhận lấy nhiệm vụ lịch sử của mình.


Trí thức và cách mạng

Nước nhà đang xây dựng kinh tế văn hóa mới, công nông đang cố gắng thiết lập một xã hội phù hợp với quyền lợi của giai cấp, rất cần khoa học, kỹ thuật, văn chương, nghệ thuật. Công nông, Đảng Lao động rất kính chuộng trí thức. Biết bao nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, chuyên viên trong cuộc cách mạng của dân tộc đã được nhân dân trọng vọng, và đang giữ những cương vị then chốt trong công cuộc xây dưng nước nhà. Riêng về Việt kiều ở Pháp, chúng ta cũng có thể tự hào, đã có nhiều bạn, học xong ở Pháp, đã ra về đảm nhận nhiều trọng trách trong nước. Nhân dân lao động xem các nhà trí thức như những bạn quí.

Nhưng trong lúc chủ trương trọng dụng, đoàn kết rộng rãi với trí thức, Đảng Lao động cũng không bao giờ vì nể nang, mà không nói thật nói thẳng với trí thức vạch rõ những tư tưởng lỗi thời còn ăn sâu trong tâm trí một số người. Trí thức có thể giữ một vai trò quan trọng trong cách mạng với điều kiện là định rõ lập trường của mình. Xã hội ta ngày nay đặt rõ câu hỏi: ai thắng ai? Nhân dân Việt Nam hay đế quốc Mỹ? Tư bản hay chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa? Trí thức Việt Nam cũng phải dứt khoát đứng vào phe nào. Trí thức thường xuất thân các tầng lớp trên, thường dễ mắc vào tư tưởng muốn vừa lòng cả đôi bên, muốn vị nể cả cây rau cải cả con dê đang rắp tâm ăn cây cải. Không muốn làm mất lòng bên nào cả, trí thức thường làm trở ngại những cải cách cần cho đời sống của nhân dân lao động, và nhất là rất dễ mất cảnh giác, không thấy mưu mô của địch phá hoại. Họ nhiều lúc không phân biệt nổi những người thành thật còn thắc mắc, hoặc thành thật phê bình với bọn phá hoại cố tâm khiêu khích, lợi dụng phê bình để đả kích vào cách mạng, để chia rẽ nhân tâm.

Tội lỗi của nhóm Nhân văn phóng đại ra những xu hướng tư tưởng mà mỗi chúng ta, không nhiều thì ít, đều có. Vì những xu hướng ấy do địa vị xã hội và phương pháp tư tưởng của trí thức trong chế độ cũ gây nên; có trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài, có chịu khó chân thành tự chữa lấy mình mới dần dần tự gột bỏ được.

Thời cuộc sôi nổi, ai lại không muốn tham gia góp phần vào cuộc cải tạo lớn lao của đất nước. Nhưng muốn “trị quốc” mà không muốn “tu thân” là một lối suy nghĩ rất thông thường. Nhìn vào đời, nhìn vào xã hội thấy rất nhiều việc cần thay đổi, mà nhìn vào mình thì không thấy cần cải tạo mảy may nào. Nhiều người cứ điềm nhiên cho toàn bộ học vấn tư tưởng mình đã thu nhập trong xã hội cũ vẫn trọn vẹn giữ nguyên giá trị, và nghĩ rằng có thể biến cải xã hội tùy theo những tư tưởng ấy. Ai nói đến việc cải tạo tư tưởng thì khinh bỉ bảo là tẩy rửa óc não. Làm quân sư cho cách mạng, thì rất sẵn sàng, nhưng đến lúc phong trào cách mạng yêu cầu sửa chữa bản thân mình thì vùng vằng không chịu.

Đề cao vai trò của mình, đề cao cá nhân của mình nhiều lúc đưa đến chỗ mù quáng. Được tán ngợi về thơ văn, Lê Đạt quên bẵng rằng mụ Thụy An là gián điệp của địch. Được tâng bốc là người kế nghiệp của Các Mác, Trần Đức Thảo tự cho mình là nhà triết lý độc nhất của Việt Nam, và mơ tưởng một cuộc cách mạng thứ hai, trong đó Thảo sẽ là người dẫn đường chỉ lối. Mỗi cá nhân đề cao chủ quan của mình làm quy luật cho cách mạng thực sự đang tiến diễn trước mắt, để học tập trong cuộc cách mạng ấy, họ đem một số ý tưởng chủ quan làm cân thước đo lường thời cuộc. Lúc thời cuộc không phù hợp với chủ quan nữa, lúc cách mạng đòi hỏi chịu đựng, hy sinh lòng tự ái, những lúc cách mạng vấp nhiều trở lực, là những lúc mà một số người chỉ thấy vai trò của mình, công lao của mình, không thấy vai trò của quần chúng, công lao của toàn thể Đảng lãnh đạo. Tâm trạng ấy đã diễn ra sau khi Đại hội thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô nêu ra chống tệ sùng bái cá nhân, sau khi Đảng Lao động Việt Nam đưa ra chính sách sửa sai; những biến cố ở Budapest đã đưa xu hướng ấy lên đến cực độ.

Những lúc ấy, một số người không có kiên nhẫn, không chịu ở lại cùng anh em trong phong trào cách mạng, thành thật nhận xét sai lầm, khẩn trương sửa chữa; trái lại họ ruồng bỏ phong trào cách mạng, vội vàng nhảy ra ngoài, như người rơi vào thùng vôi, để tuyên dương công trạng riêng của mình, xét lại đến cả gốc rễ của cách mạng.

Công việc làm của các văn nghệ sĩ, triết gia dễ dìm họ vào trong tâm trạng chủ quan. Văn nghệ sĩ, triết gia lấy đề tài, ý hướng trong đời, nhưng đến lúc sáng tác, bao nhiêu tài liệu ấy thông qua cảm tính riêng, thật chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Thắng trận là công lao của tập thể quân đội, nhưng một bài thơ hay, một bức tranh tả chiến thắng, văn nghệ sĩ có cảm tưởng như riêng mình đã từ hư vô khai thác tất cả cái hay cái đẹp ấy. Lúc thành công thì cho rằng riêng mình đã “độc đáo”, đạt đến mức cao vời phủ nhận sự đóng góp của đoàn thể đã cống hiến đề tài, của lãnh đạo của hướng dẫn cho nghệ sĩ gần gũi thêm quần chúng, đi sâu vào cuộc đời trăm đường nghìn mối. Lúc thất bại, đổ lỗi cho quần chúng, cho lãnh đạo đã ràng buộc thiên tài của mình, chèn ép sức sáng tạo của mình.

Giáo dục của xã hội nuôi dưỡng trong lòng trí thức cái thói tự cao tự đại. Văn thơ của nhóm Nhân văn đều toát một chữ “Tôi” ráo riết. Họ viết rằng, văn nghệ sĩ là “lương tâm của thời đại”.

Tôi muốn Đảng gọi tôi đến nơi
Hội ý về cuộc sống
Điều động tôi vào bộ tâm hồn quần chúng
Giúp trung ương xây dựng những con người
(Lê Đạt)

Tôi có thể mắc nhiều tội lỗi
Chẳng bao giờ quá ngu si mắc lỗi; nằm ì.
Tôi có thể mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn
Trừ tiếng chửi: sống không sáng tạo.
(Trần Dần)

Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
(Phùng Quán)

Kháng chiến mới đây, chung quanh các nhà văn nghệ sĩ, biết bao con người mới đang hiện lên, toàn thể nhân dân đang tiến lên, đang sáng tạo, bao nhiêu chiến sĩ cán bộ đã không thèm danh lợi, không sợ súng đạn, việc gì phải hô hào lớn tiếng.

Cách mạng do hàng triệu người thực hiện trong một quá trình đấu tranh gian khổ, lâu dài. Bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu ý niệm hay đẹp đều phải xuất phát từ thực tế ấy. Tâm chí riêng, chủ quan của một người dù giỏi đến đâu cũng không thể bao quát hết cuộc tiến triển lịch sử. Muốn suy nghĩ, muốn sáng tác nhiệm vụ đầu tiên của trí thức không phải là đóng cửa phòng lại bóp trán rút từ trong nội tâm của mình tài chí hướng.

Tham gia cách mạng, và hơn nữa học tập được tinh thần chí hướng mới của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động là nhiệm vụ trước mắt của trí thức, một nhiệm vụ rất khó thực hiện. Vì hàng nghìn năm, xã hội cũ đã đem đối lập lao động chân tay với nghề nghiên bút. Trong những ngày kháng chiến, các văn nghệ sĩ lăn lộn trong nhân dân, đã bắt đầu tự cải tạo, gần gũi với nhân dân lao động. Đình chiến, trở về Hà Nội, một số lại dần sống tách rời nhân dân lao động, chỉ quanh quẩn với sách vở, giao du trong giới trí thức hoặc tư sản với nhau. Một số, nhờ chút tài năng, lãnh tiền nhuận bút khá hậu, bị lối sống xa hoa ở thành thị cám dỗ. Họ quay lại với “đời nghệ sĩ” ngày xưa, ngụa quen đường cũ, nếm lại mùi rượu chè, thuốc phiện ngày trước. Lúc Đảng bảo trở về nông thôn, đi các hầm mỏ, ra tát nước chống hạn, đắp đê cùng anh em lao động, họ không muốn nữa. Trong đám văn nghệ sĩ ấy, Thụy An, Minh Đức đã dễ dàng tuyển dụng người để thực hiện âm mưu.

Ngay những người không mắc vào cám dỗ của đời nghệ sĩ lối xưa cũng khó chuyển tâm hồn mình thông cảm với nhân dân lao động. Trong những ngày chiến tranh rầm rộ, việc thông cảm với tâm hồn đại chúng dễ dàng hơn. Nhưng đến ngày kiến thiết trong hòa bình, đòi hỏi những cố gắng vụn vặt trong bóng tối, một số trí thức hết thông cảm, hết thấy công cuộc vĩ đại, nhưng không rầm rộ của hàng triệu người, đang xây dựng, tựa hồ cả một tổ kiến lớn. Trần Dần, giữa quang cảnh xây dựng ấy, đi qua không thấy phố không thấy nhà. Rồi quay về với những tâm trạng thời xưa. Người lao động có ý thức ghét cay ghét đắng thời phong kiến thực dân, và muốn dứt bỏ hết liên hệ với thời ấy. Văn nghệ sĩ, trí thức cũng không yêu chuộng gì phong kiến thực dân. Thời ấy họ cảm thấy cô đơn lạnh lẽo. Nhưng họ không khỏi mến chuộng, quyến luyến tâm trạng ấy, vì thời thực dân, những tác phẩm toát ra niềm cô đơn ấy, biểu dương giá trị “độc đáo” của con người đa tình đa cảm.

Có người bị giáo dục cũ ảnh hưởng đến nỗi không thông cảm được chút nào với nguyện vọng tình cảm, hào hứng của nhân dân lao động. Trần Đức Thảo thú nhận rằng, ngay thời kháng chiến, ở Pháp ra về với một tâm trạng rất bi đát. Ở lại Pháp thì cũng không thấy triết lý của mình đưa đến đâu, nhưng về theo nhân dân đi kháng chiến cũng tựa hồ đi vào sa mạc. Trần Đức Thảo ra về để thoát cảnh bế tắc ở Pháp, còn về để làm gì, cũng không thấy ra. Đáng thương thay cho những con người bị xã hội cũ nhồi luyện đến nỗi, khô héo hết tâm hồn, không thông cảm nổi với nhiệt tình của cả một dân tộc đang lăn mình vào kháng chiến! Thời kháng chiến còn vậy, không trách rằng đến lúc kiến thiết, trong cuộc đời hàng ngày, những người ấy không nhận ra con đường cách mạng chân thực, rồi dấn mình những mơ tưởng phiên lưu. Giữa cuộc cách mạng sôi nổi họ chỉ thấy một chữ “Tôi” to tướng.

Chỉ thấy cá nhân của mình, đòi hỏi tự do tuyệt đối, không thông cảm nổi nguyện vọng chí hướng của nhân dân lao động, không nhận thấy mình có trách nhiệm gì đối với quần chúng, không nhận cần thiết cải tạo tư tưởng, không nhận cần thiết có lãnh đạo, bao nhiêu khía cạnh ấy thực ra cũng chỉ một nguồn gốc.

Bọn phản cách mạng thường đem “con người” ra để che lấp mục đích của họ là bảo vệ quyền lợi của giai cấp cá nhân của mình. Các nhà cách mạng thường vạch rõ quyền lợi giai cấp, đường lối chính trị để cho quần chúng không lầm đường. Nhưng không phải vì thế mà không quan tâm đến con người. Không có trường học nào, giáo hội nào đào tạo con người mới bằng phong trào cách mạng ngày nay. Con người mới không phải là ông quân tử, làm cha mẹ dân, không phải là người anh hùng siêu quần bạt chúng nữa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày nay nhằm đào tạo cho toàn thể nhân dân lao động thành những con người sống với quần chúng, học tập ở quần chúng. Chủ nghĩa nhân đạo ngày nay không thể tách rời lao động, tách rời cách mạng tiến lên xã hội chủ nghĩa. Có tài giỏi đến đâu mà tự mình xa rời cách mạng, chóng chầy cũng khô héo đi như hoa lìa cành. Trái lại thành khẩn mà gia nhập hàng ngũ cách mạng, sẽ mở rộng con đường nhân đạo chủ nghĩa, nhân văn chân chính cho mỗi người.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 16, tháng 9, năm 1958, trang 56-67. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.