trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.1.2006
Nhã Ca
Giải khăn sô cho Huế
Hồi ký (1969) 14 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Chương 6
Đi về trong lửa đạn

Chúng tôi chạy qua mấy cánh đồng bỏ không, ngập nước, qua vài khoảng đất trống cây cỏ mọc hoang vu thì dẫn tới một xóm nhỏ. Vài mái nhà thưa thớt ven đường. Thái mừng rỡ kêu lên:

“Có quân đội mình đóng đây rồi.”

Thấp thoáng sau đoàn người chạy loạn, tôi nhận ra bóng một vài quân nhân đang đeo súng đứng lấp ló trước một cổng rào. Thôi, thế là thoát nạn, chúng tôi đã đến vùng bình yên. Má tôi trong một cái quán chạy ra:

“Má đây nì, má đây nì.”

Thái kéo tôi vào hàng hiên của cái quán. Quán bỏ không, ở giữa quán một cái hầm cát to tướng, choán hết cả gian nhà. Bên cạnh chiếc quán là một cái nhà gạch bỏ không, lính Mỹ và lính Việt đang gác ở đó. Người lính Mỹ và hai anh lính Cộng Hòa đi soát giấy từng người. Tôi không nhớ là cái thẻ căn cước để ở đâu nữa, nhưng rồi cũng tìm ra.

Vợ Bé đặt gánh xuống, ngồi ôm đứa con nhỏ thở dốc:

“Thôi, sống rồi.”

Nhưng Thái và Bé vẫn có vẻ e dè lắm. Một toán người dừng lại ở quán, họ khiêng theo một người đàn bà bị thương, đạn phá tung cả nửa mảnh ngực, chỉ còn thoi thóp thở. Mấy anh lính chạy tới, rồi một người Mỹ khác chạy tới dỡ chiếc chăn đắp kín người đàn bà lắc đầu. Tuy nhiên người Mỹ cũng vội vã đi trở ra, nói cho xe chở. Mấy người lính Mỹ khác lắc đầu, đưa tay ra dấu tuyệt vọng. Chiếc xe bò chở hai người bị thương cũng đã tới nơi. Một người đã chết, một người ngắc ngoải. Người đàn bà vật mình vật mẩy khóc lóc. Bà ôm lấy xác chết, bà bò lê dưới đất:

“Ông ơi, con chết, cháu chết, tui còn mình ông, ông cũng bỏ tui ông đi.”

Người đàn bà cùng đẩy xe bò với người kia cũng khóc:

“Ông ơi, ông khoan chết, ông chết răng cho đành ông ơi.”

Bà ta mở chiếu, sờ tay vào đầu kẻ hấp hối, mở banh đôi mắt lờ đờ đã khép kín, cứng lại:

“Đừng ông ơi, ông đừng bỏ tui.”

Hai tiếng khóc, một của người tuyệt vọng, một của người còn bám lấy chút hy vọng mong manh bật lên, người này cố gào lớn hơn người kia. Cuối cùng, một trong hai người đàn bà chạy tới cầm tay một trong mấy người lính đứng coi cùng mấy người Mỹ, lạy lục:

“Lạy anh, anh mần ơn chở chồng tôi xuống dưới Phú Bài.”

“Không có xe. Xe mô mà chạy qua đồng dưới nó là họ bắn liền. Chịu.”

“Cứu giùm chồng tôi ông ơi. ”

Bà ta lại nắm tay một người Mỹ. Người Mỹ lắc đầu. Thái cũng lăng xăng:

“Hay có thuốc chi đem rịt vết thương cho họ may ra...”

Người lính người Việt, như đã quen với không khí này lâu lắm:

“Ôi, công cốc. Không kịp mô mà làm...”

“Thì kệ...”

“Mà mần chi có thuốc. Thuốc tiên lúc ni cũng chịu...”

Người đàn bà xô người Mỹ ra rồi chạy lại chiếc xe. Bà dở chiếc chiếu, rồi trợn mắt, nghiến răng và ngã vật xuống:

“Thôi rồi...”

Bà đập đầu xuống đất, bà đập tay xuống đất, bà ngẩng mặt lên trời:

“Trời cao, đất dày nì, chồng tui... trời cao đất dày nì...”

Bà lăn lộn, rồi bà lại chồm dậy:

“Thôi đi, thôi đi đi mụ Tứ. Mình lên thành phố lại.”

Người đàn bà nọ đang khóc lóc muốn ngất đi, nghe tiếng gọi, lau giòng nước mắt:

“Đi lên phố hỉ?”

“Đi lên trên nớ chết chung với nhà với cửa, với chồng với con luôn. Sống mần chi nữa trời.”

Mọi người đổ lại khuyên can. Nhưng không làm lay chuyển được lòng hai người đàn bà đã tuyệt vọng đến cùng cực. Họ nhìn về phía súng nổ, lửa cháy, chỉ tay la hét:

“Cháy hết. Cháy hết đi. Tui căm gan tím ruột rồi đây. Trời ơi là trời.”

“Đi đi. Họ không thương mình mô. Ai mà thương mình lúc ni, hả trời...”

Ông trời cũng đã động lòng, sụt sùi. Những hạt mưa bay lất phất, bầu trời lam chì đã chảy nước.

Hai người đàn bà vừa đẩy xe trở lại thành phố vừa khóc lóc. Họ không nhìn lui nhưng tiếng khóc của họ còn quyện mãi trong làn mưa, trong không khí căng tràn buồn thảm. Chiếc xe bò xa dần, hai bóng người ỳ ạch đẩy xe nhỏ dần trên đường dài, tiến mãi với vùng lửa đạn. Một người lính nói theo:

“Mấy mụ đó điên mất rồi.”

Không ai phê bình gì nữa. Hai người đàn ông khiêng cái cáng có người bị thương chợt hỏi một người lính:

“Trong làng có trạm cứu thương không?”

“Chở vô đi, có dân vệ trong nớ.”

Hai người đàn ông vội vã đứng dậy khiêng cáng đi. Một đứa nhỏ chạy lúp xúp theo. Một người đàn ông nói:

“Mai, đi cháu.”

Thằng nhỏ không trả lời, nó cắm cúi chạy. Một giọng đàn bà cất lên:

“Chắc con của người đàn bà đó.”

“Thằng nhỏ chưa biết gì hết, tội ghê.”

Thái họp cả gia đình lại bàn chuyện ăn ở. Vợ chồng Bé nói sẽ đi bộ xuống Phù Lương nhưng Thái ngăn lại. Trời chiều rồi, đi cũng không kịp nữa. Đoàn người dừng chân bên quán cũng đã tản mát vào trong xóm hết. Tôi hỏi Thái đây là đâu, Thái nói vô trong một chút nữa là thôn Thủy Dương Hạ. Vợ chồng Bé điều đình với chủ quán xin ở đậu một hôm. Người chủ quán nói:

“Ở đây thì nằm ngoài hè chớ hầm chật rồi.”

Bé sực nhớ có người quen. Thái nói:

“Em cũng có người quen, thôi mình chia ra làm hai để bớt phiền họ phần nào.”

Thái có ông cậu, ông anh của má nó. Vậy là má tôi, chú tôi, tôi với Thái tách ra để đến nhà cậu Giáo. Vừa thấy mặt chúng tôi, cậu Giáo đã chạy ào ra:

“Trời đất ơi, răng chạy được về dưới ni rồi. Nam mô A Di Đà Phật. Phước đức may mắn quá. Vô đây, vô đây đã chị...”

Má tôi bật khóc:

“Tưởng chết hết rồi chớ mô nữa anh ơi. Chuyến ni là hết rồi...”

“Ôi người còn là được. Chị vô đây, vô đây đã...”

Tôi hỏi:

“Cậu, dưới ni yên không?”

“Ôi, có chi mà không yên. Mấy bữa ni, họ về dưới ni biết cơ man mô mà noái cho hết. Họ chạy ngang đây rồi họ về Phù Lương hết. Về dưới Phù Lương, Phú Bài nghe yên lắm.”

Má tôi lại đổi ý:

“Hay mình về Phù Lương.”

Thái can:

“Không được, phải ở đây để dò tin tức của anh Lễ, mần răng cũng có người ở Từ Đàm về. Họ về tới là mình chận hỏi thăm liền. Bác để con.”

Chúng tôi vừa ngồi yên ở bộ phản thì bỗng có tiếng nổ ình long trời lở đất. Không ai bảo ai, má tôi, chú tôi, tôi và Thái cũng nhào xuống đất. Nhưng kìa, mọi người vẫn ngồi im. Cậu Giáo cười:

“Chi rứa. Trên đồi họ bắn đi đó mà.”

Tôi chợt hiểu, ngọn núi phía trong ở bên kia đường là nơi đặt đại bác bắn vào thành phố. Những quả đại bác bắn đi ở đây đã gây bao nhiêu chết chóc ở trong thành phố kia. Nhưng tôi cũng hiểu là không còn làm thế nào hơn được. Tôi leo lên phản gỗ ngồi mà vẫn chưa hết run. Một vài tiếng súng bắn lẻ tẻ trong xóm. Cậu Giáo nói dân vệ đi tuần họ bắn. Tôi hỏi ở đây Việt cộng có về tới nơi không, mợ Giáo nói:

“Đêm họ về hoài, mà kệ họ, mình ở trong nhà, đêm đừng mở cửa. Họ đi ngoài vườn kệ họ.”

“Họ có soát không?”

“Ở xóm dưới họ có về bắt, ở đây thì không. Đây gần đồn, có lính gác mà sợ chi.”

Nhưng cậu Giáo cẩn thận:

“Kể ra mình cũng phải để tâm chớ. Đêm tuyệt đối đừng có nói chuyện, cựa mình chi hết. Họ vô đó.”

Thái đề nghị đào thêm hầm. Tối hôm đó, mọi người lăng xăng sửa lại hầm. Nhà dựng được thêm một cái hầm nổi nữa. Trời chạng vạng là cậu Giáo bắt mọi người không được ra sân hay lấp ló ngoài cửa. Ngoài đường không còn một bóng người đi lại, kể cả lính Việt và Mỹ cũng rút vào những nơi an toàn. Tôi bỗng linh cảm như sắp có chuyện gì xảy ra. Giữa cảnh yên lặng như đang lắng lòng chờ đợi một chuyện gì đó.

Nhưng đêm đầu tiên ngủ ở Thủy Dương Hạ không có chuyện gì xảy ra hết. Sáng sớm hôm sau, ngủ dậy, tôi nghe tiếng chim hót. Tôi lần ra sân rửa mặt súc miệng, rồi cùng với người con dâu của cậu Giáo đi ra ngõ coi tình hình. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường, trước cửa nhà, bên kia đường, nơi đình, chợ vẫn đông. Nhưng sự đông đúc có một vẻ gì khác thường. Lài kéo tôi sang phía chợ, nơi hàng bán cháo lòng, người đứng người ngồi, họ ăn uống xô bồ. Bên cạnh đoàn người đang ngồi đứng đó, còn những đống đồ cao ngất, những thúng gióng. Hình như họ mới tản cư về sáng nay. Tôi lại hỏi thăm. Nhưng ai cũng chỉ biết chuyện người đó. Nhiều người ở An Cựu, nhiều người ở tận dốc cầu Nam Giao, nhưng họ cũng chả cho tôi biết gì hơn ngoài những tin tức đã nhận được. Một người nói cho tôi biết là ở trên kia, còn nhiều người bị thương. Lài kéo tôi bảo lên coi. Cô nàng chưa bị chạy loạn, từ hôm Tết đến nay, ở Thủy Dương Hạ yên ổn quá, chả biết sợ là gì. Nhưng tôi thì khác, một tiếng súng, một tiếng động lạ cũng làm tôi giật mình. Má tôi đứng ở trong sân, thấy chúng tôi đi xa thì gọi lại bảo đừng có đi. Tôi nói vài câu cho má tôi an tâm. Câu mà má tôi bằng lòng nhất là khi tôi nói may ra ở trên đó có người ở Từ Đàm về.

Trời vẫn mưa bay, nếu không phải chạy loạn, những ngày đầu xuân mưa phùn thế này thật tuyệt diệu. Nhưng lúc này tôi không còn đủ sức để ngắm phong cảnh nữa. Những đoàn người từ Huế tản cư về vẫn là cảnh chính đập vào mắt tôi. Tôi nôn nao, gặp ai cũng hỏi thăm dù biết là những câu trả lời của họ giống nhau hết.

“Bác ở mô về đó?”

“Ở An Cựu.”

“Bến Ngự.”

“Ở cầu Nam Giao.”

“Trên đó ra răng rồi chị? rồi mệ? rồi bác? rồi anh?”

“Tan nát hết. Tan hết rồi.”

Câu nói chạy vút theo những bước chân. Đoàn người nào cũng vừa đi vừa chạy như sợ tiếng súng sẽ theo kịp. Lài kéo tay tôi:

“Thôi đi, hỏi ai cũng như nhau hết.”

Tôi đi theo Lài, nhưng hễ gặp là hỏi. Kẻ trả lời, kẻ không buồn mở miệng. Kệ, tôi như nhiễm một thói quen khó bỏ và dù những câu trả lời rất giống nhau mà mỗi lần nghe tôi vẫn còn bỡ ngỡ, lạ lùng như khám phá thêm một điều lạ nữa.

Chúng tôi đi qua một khoảng đất trống, cái quán nhỏ và khu đồn binh hiện ra. Ở đây thật là một cảnh hỗn độn, người ngồi người nằm la liệt bên đường, trong sân, trước quán. Mấy anh lính, mấy anh dân vệ lăng xăng soát giấy người này, hỏi thăm người nọ. Mấy người Mỹ đứng ngắm đoàn người rồi nhe răng cười vô duyên, chả hợp tình hợp cảnh chút nào. Những người bị thương được sắp một nơi và đã có mấy y tá trong vùng ra băng bó. Hỏi thăm mới biết là đoàn người này từ nhiều nơi đổ về. Họ cho biết cầu Tràng Tiền đã sập, cầu An Cựu cũng đã sập. Có người ở bên phố thoát được nhờ mạo hiểm đi đò. Mỗi chuyến đò chở một người sang sông phải trả trên năm ngàn đồng.

Nhờ hỏi thăm những người mới về sáng nay, mà tôi biết Huế đã đánh nhau khắp nơi, bên phía Quốc gia chưa chuyển quân mà mới bắn đại bác và thả bom. Máy bay liệng suốt ngày. Máy bay còn kêu gọi dân chúng cố dồn về phía hữu ngạn để thoát tay Việt cộng nữa. Tôi được biết là ở trường Đồng Khánh, Quốc Học và trường Kiểu Mẩu đã trở thành những nơi tạm cư cho đồng bào. Họ ở những nơi này cũng như đùa giỡn với tử thần vì những trái đại bác bất chừng hoặc bị kẹp giữa hai phe đánh nhau, ngày nào cũng có người chết. Tôi cố hỏi thăm tin tức vùng anh tôi ở, nhưng họ lắc đầu hoặc cố mò đoán trả lời thì cũng càng bi quan hơn, chả hạn như:

“Trên đó nát hết rồi, thành bình địa rồi.”

Có người còn nói y như mình đã chứng kiến tận mắt:

“Trên đó thì chỉ có Việt cộng chớ dân thì còn ai nữa. Nội đại bác bắn ngày đêm, mười mấy ngày nay cũng đủ chết rồi, đừng nói súng đạn, đừng nói chuyện họ đấu tố. Tui ở Bến Ngự mà thấy mùi hôi bốc xuống nì. Chó nó lên tha cả cánh tay, cả khúc chân còn đầy thịt, rùng rợn lắm.”

Một người còn thêm:

“Trên nớ chết không ai chôn, không còn cái nhà mô nguyên vẹn. Mấy hôm trước có người trốn về nói cho tui nghe rứa đó.”

Thôi, như vậy tôi còn hy vọng gì gia đình anh tôi còn sống nữa. Cả cô em gái mà khi ba tôi từ giã cõi đời, mắt vẫn dán chặt vào khuôn mặt nó như muốn gởi gắm những người ở lại. Mấy đứa cháu nhỏ nữa, mấy năm nay tôi mới về, bận việc tang chưa kịp bế kịp bồng.

Nước mắt tôi muốn trào ra, và lòng tôi không còn chút hy vọng nào nữa. Nhưng lúc đó, tôi lại nghe một giọng khác trả lời một người nào đó đang hỏi.

“Trên Từ Đàm hả? Cũng có người thoát chớ. Họ đi lên ngả Tây Thiên, trên đó yên lắm, nhưng khổ là ở đó lại đầy quân giải phóng. Bộ chỉ huy của họ mà. Nhiều người mắc kẹt nhưng mần răng chẳng có người thoát được.”

“Bà đừng có lo. Tui ở dưới dốc mà cũng thoát được nì, cái nhà của tui không còn hòn gạch mô còn nguyên hết.”

Tôi lại hy vọng:

“Nhất định là gia đình anh tôi sẽ thoát được.”

Nhưng nghĩ tới bà chị dâu yếu đuối, một bầy cháu nhỏ với đứa em gái thơ dại, tôi lại lo lắng. Ông anh tôi cũng yếu đuối lắm, cuối năm, cái tang lớn làm anh tôi chết đi sống lại mấy lần. Cả mấy ngày đám, anh tôi không ăn được một bát cơm và hôm đưa đám tang ba tôi, anh đã ngất xỉu trước mộ.

Thấy tôi đứng lặng người, Lài kéo tay tôi:

“Thôi mình về đi, ở đây trông ớn quá trời.”

Giữa đường tôi gặp vợ chống Bé, nó nói là nó ở lại đây đến ngày mai nó sẽ đi xuống Phù Lương, ở đây mà yên ổn gì. Tôi không trả lời. Thật ra, tôi cũng không còn có thể đoán ra nơi nào yên ổn hơn nơi nào nữa.

Má tôi đợi tôi ở đầu cổng, bà hỏi:

“Có tin gì không?”

Tôi nói cho má tôi yên lòng:

“Có người cho biết trên Từ Đàm họ tản cư lên Tây Thiên, Trúc Lâm nhiều lắm.”

“Rứa anh con răng không tản cư, đi lên Trúc Lâm rồi vòng ngả núi Ngự Bình về An Cựu được chớ.”

“Chắc anh còn kẹt chuyện chi đó.”

Má tôi thắc mắc:

“Người ta tản cư hết, răng nó chưa đi.”

Rồi bà nhất định ở lại đây để chờ. Khi vào nhà, mợ Giáo mua cho tôi một tô cháo lòng.

Tô cháo lòng nóng hổi, thơm phức, nhưng khi nuốt miếng cháo vào cổ họng, tôi lại thấy đắng ngắt.

Lúc này mà tôi còn muốn ăn ngon, muốn sung sướng, quả tôi là một người ích kỷ. Tôi đang nhớ con tôi, chồng tôi. Tôi đang lo cho anh chị tôi, em gái tôi cùng lũ cháu nhỏ. Tôi có thật được sống rồi không? Và sống có mỗi mình.

Nước mắt tôi trào ra. Lài hỏi:

“Răng không ăn đi, nóng há. Ừ, tô của mình nhiều tiêu quá, ăn nóng chảy cả nước mắt đây nì.”

Lài lại cười. Tôi quay đi dấu đôi giòng lệ. Má tôi vẫn còn ngồi ngẩn ngơ trước tô cháo. Tôi lau nước mắt nói:

“Ăn đi má.”

Má tôi nói:

“Con ăn đi con. Tội nghiệp con quá, mười mấy ngày nhịn đói nhịn khát.”

Tôi chớp mắt, màn nước mỏng nhòa dần và tôi nhìn thấy rõ khuôn mặt má tôi. Bà đang nhìn tôi chằm chặp. Bát cháo còn đặt trước mặt và làn khói đã mỏng dần, sắp nguội lạnh. Mấy miếng huyết heo nổi lều bều.

Tôi bỗng rùng mình, miếng huyết heo giống những vết máu bầm mà tôi đã nhìn thấy. Tôi đẩy tô cháo ra xa. Má tôi ôm mặt òa khóc:

“Mình thoát về đây ăn sung sướng, còn con cháu ra răng hở trời?”

Má tôi lại kêu trời. Không biết đã bao người nhớ tới ông trời để mà kêu trong những ngày biến loạn. Lài an ủi:

“Thôi bác, bác có khổ sở thì chuyện đã xảy ra. Còn có may rủi mà bác.”

Thái đã ăn hết tô cháo của nó. Nó lại đẩy tô cháo về phía tôi:

“Ăn đi chị. Có mà ăn, người ta chết về súng đạn, chết đói đầy đường.”

Tôi cố nuốt vài muỗng cháo cho má tôi và Thái vui lòng. Nhưng mỗi miếng cháo nuốt vào cổ, tôi nuốt theo cả sự xót xa bất nhẫn. Lúc ở ngoài đường, tôi đã nhìn thấy một đứa bé nhìn chằm chằm vào bà hàng cháo, nó đòi ăn nhưng bà mẹ cứ gạt đi, bế chạy về phía con đường dài. Đứa bé chòi đạp hai chân và khóc nhưng tiếng nó đã khản đặc, không còn ra hơi nữa.

Mợ Giáo kể chuyện ngóng được ở những người chạy loạn cho cả nhà nghe.

Cậu Giáo lo lắng:

“Không biết mình có lấy lại Huế được không. Trên đó mất thì dưới ni mình cũng không sống nổi!”

Mợ Giáo nguýt dài:

“Cái miệng của ông coi chừng đó. Túi qua họ về họ bắt đi mấy người đó tề. Có một hai người chỉ ở trên Huế về trốn họ cũng bắt. Người ta điềm chỉ đó nghe, cứ tin mà chết khi mô không biết.”

Má tôi lo lắng:

“Rứa mình ở nơi ni không được rồi.”

Thái tin tưởng:

“Bác cứ yên trí đi, họ không biết mình là ai mô. Chạy đi mô cũng rứa hết, ở mô cũng có họ rồi.”

Thái cố làm cho má tôi yên trí mà ở lại đây, chớ đọc qua đôi mắt nó tôi hiểu là nó đã quá mệt mỏi, liều đến đâu hay đó. Cậu Giáo mắng nó ăn mặc sạch sẽ, biểu lấy quần áo nhà quê mà mặc. Mợ Giáo cũng đưa cho tôi bộ đồ đen rộng thùng thình. Má tôi dặn tôi phải bối tóc kiểu Huế lên cho cao, lỡ đêm họ có vào hỏi thì nói là dân làm rẫy. Tôi soi người trong tấm kiếng và bỗng thấy mình xa lạ hẳn, tôi nhìn tôi cũng không còn nhận được nét quen thuộc nữa.

Từ giờ phút đó cho tới trưa chiều, tôi không rời mắt khỏi đường cái. Những đoàn người chạy loạn về càng lúc càng đông. Có hỏi họ chỉ khoát tay chỏ lại đàng sau với một câu nói vội vàng: Đánh nhau sau nớ, chết hết. Đến trưa chiều thì tôi thấy có người chở cả xác chết trên xe đạp mà chạy về.

Một gia đình ông bác sĩ ở đâu dưới dốc Nam Giao chạy về được Thủy Dương Hạ, họ đem theo được một chiếc xe Honda để tải đồ. Mấy cô con gái mặt không còn hột máu, ngơ ngơ ngác ngác ngồi nghỉ chân bên lề đường. Ông bác sĩ gọi gánh cháo lòng, mỗi người ăn tới bốn năm bát, vừa ăn vừa thở, nét mặt đang khổ đau rạng rỡ dần.

Một gia đình khác cũng chạy về tới đây thì kiệt sức, họ dọn dẹp một góc đình để ở tạm qua đêm. Bà mẹ lên cơn suyễn, chiều hôm đó bà chết. Người ta bu lại coi đông như kiến. Xác người đàn bà to béo nằm chình ình trên chiếc chiếu, mắt trợn ngược, hai tay còn nắm chặt gỡ không ra. Người chồng ngồi bên xác vợ thở ra thở vô, lâu lâu lại nhìn về phía thành phố Huế, những đụn khói cao ngất đang đùn mãi lên bầu trời màu chì như chiếc lưỡi xám của con quái vật. Xế chiều họ dọn đi đâu mất, khi tôi trở ra thì thấy nơi góc đình chỉ còn bỏ lại có chiếc chiếu. Tức thì một gia đình khác thay ngay vào chỗ đó. Chiếc chiếu thành nơi nằm ngồi của cả một gia đình mười mấy mạng người.

Lài kể cho tôi nghe một chuyện đã trông thấy. Hắn nói, vẻ mặt vừa cảm động vừa tức cười:

“Hồi chiều có một cô gái mặc đồ cao bồi, ôm cái áo măng tô mà khóc sướt mướt. Cô ta đi vô xóm, giơ áo măng tô ra đổi lon gạo mà không ai đổi. Cô khóc. Mình hỏi chuyện cô nói cái áo măng tô của bồ cô mua bên Mỹ, gửi về tặng. Cô đói quá, muốn đổi lon gạo mà không ai đổi. Mình định vô lấy gạo đổi mà mạ mình không cho. Nói để cái áo nớ trong nhà lỡ họ vô họ nói mình thân Mỹ, họ bắn luôn. Cô nớ đi gạ hoài, vừa khóc vừa năn nỉ mà chả ai đổi hết.”

Thời buổi này cả vàng bạc, châu báu, ngọc ngà cũng không quý giá gì hơn, miếng đất còn có ích để chôn xác chết chớ vàng bạc đâu có no được. Hột gạo lúc này là hột châu, quý giá hơn tất cả mọi thứ trên đời. Mợ Giáo đã dặn dò là nấu cơm phải cho nhiều nước để ăn mau no và nhớ hà tiện gạo.

Ngay chiều hôm đó, Thái đi vận động bà con mua hoặc xin mỗi nhà năm ba lon, nó kiếm được gần nửa bao gạo. Thấy Thái vác gạo về, mắt má tôi sáng rỡ:

“Thằng ni tài quá.”

Thái vất bao gạo xuống đất:

“Ăn hết chừng ni mà chưa yên là chết đói luôn. Không ai dám cho hay bán thêm một hột thóc.”

Dì Vạn của Thái chạy tới hỏi:

“Có ai mua vàng không? Ngoài đường, đoàn người tản cư về, họ bán một lượng vàng có mấy trăm bạc hoặc đổi lấy gạo.”

Mợ Giáo cười cay đắng:

“Một cục vàng đổi một hột gạo cũng không được. Có mà điên.”

Thái nhìn làn mưa bụi, than thở:

“Mưa ri khó đánh lắm. Bên mình có hơi cay nhưng mưa như ri làm răng mà thả được, nước mưa sẽ làm trôi hết.”

Cậu Giáo lắc đầu:

“Thôi, có người ta có mình, mi than thở làm chi.”

Mấy đứa con nít bỗng từ ngoài đường chạy ùa vào, mặt mày hớt hơ hớt hải. Rồi tiếng cả một đoàn xe rầm rộ kéo tới. Tôi nhìn ra đã thấy một đoàn xe Mỹ chạy từ phía Phú Bài lên. Nhiều người Mỹ nhảy xuống xe, nằm sát hai bên đường và bắn chỉ thiên ròn rã. Họ bắn cả vào rẫy, vào núi. Cậu Giáo hét mọi người vô hầm. Tất cả các cửa ngõ đều được đóng chặt lại.

Tiếng súng nổ như bắp rang từng loạt rồi xa dần. Đoàn xe rần rật chạy qua, có nhiều người chạy vào nhà, không kịp nằm mọp ngoài sân nơi chiếc bể cạn đợi đoàn xe chạy qua hết, tiếng súng xa dần mới đập cửa rầm rầm. Má tôi thì thầm:

“Má thấy ở nơi ni cũng không yên chi hết. Răng mà má lo quá con ơi.”

Má tôi lại có ý định đi tản cư nữa. Lần này thì chính má tôi đề nghị. Nhưng tôi đổi ý. Tôi biết là có chạy đi đâu thì tình cảnh cũng chả khá hơn. Má tôi làm thinh.

Ngoài đường đã hoàn toàn vắng vẻ. Bóng tối ập xuống rất nhanh. Mưa bụi dày dần và không khí lạnh toát. Má tôi ngồi bó gối trong góc phản gỗ, nhìn ra ngoài bầu trời đang đen dần. Bữa cơm hồi chiều tôi ăn được lưng một bát, còn má tôi ăn xong một bát thì lại khóc, những giọt nước mắt lăn xuống bát cơm và má tôi vội vàng bỏ đũa.

Hai chiếc hầm nổi đầy nhóc người, không có chỗ cựa quậy nữa. Tôi muốn qua bên o U ngủ nhờ, nhưng không dám bước ra sân. May quá, Hiền gõ cửa và gọi. Tôi theo Hiền qua nhà bên cạnh. Hiền là một sinh viên mỹ thuật, bà con bên ngoại của Thái. Căn nhà của Hiền ở khuất mặt đường hơn và đã đào được cái hầm sâu xuống nhà khá rộng. Hiền đốt ngọn đèn chỉ cho tôi coi mấy bức tranh mới vẽ. Nhưng tôi chả thưởng thức được gì, chả nhận được gì, đầu óc tôi căng thẳng tột độ. Tôi đang lo sợ nay mai tiếng súng sẽ tới đây, và chắc chúng tôi không còn sức để chạy nữa.

Hiền nói:

“Có mấy thanh niên tìm chị, họ hỏi em mà không biết ý chị ra răng!”

Tôi mỉm cười: Thôi, em tha cho chị, bây giờ mặt mũi chị thế này, quần áo rách bươm thế này. Để một dịp khác, nếu còn được sống. Thủy Dương Hạ là nơi chị ghi ơn trong những ngày chạy loạn. Tôi nhớ tới những hột vịt lộn Hiền bỏ trong túi giấm dúi đưa cho tôi ăn, tôi nhớ một vài khuôn mặt trẻ nhìn tôi nửa thương hại nửa buồn cười. Phải, tôi buồn cười lắm. Nhưng điều đó đâu có quan trọng gì, miễn là tôi sống được.

Đêm đó, tôi không nằm hầm mà nằm nơi chiếc giường rộng với o U, với cô con dâu của o U và đứa cháu nhỏ. Trời lạnh buốt, tôi trùm chăn kín đầu. Chiếc áo măng tô của ba tôi, tôi vẫn mang kè kè bên mình, kể cả lúc ngủ.

Thôn xóm im vắng một cách khác thường, không có cả tiếng chó sủa. Không có một tiếng súng nhỏ. Chỉ có tiếng đại bác trên ngọn đồi nhỏ bắn đi đều đều và tiếng ình ình một nơi xa vọng lại. Nơi xa đó là thành phố Huế, là Thành Nội, Từ Đàm, An Cựu, Nam Giao... Mỗi tiếng ình như xoáy tim tôi, tôi biết rằng, khi tôi được nằm yên ổn ở nơi đây thì trong thành phố đó, bao nhiêu người đang chết súng chết đạn, chết đói chết khát. Bao nhiều lồng ngực muốn vỡ tung, bao nhiêu giọt nước mắt hòa lẫn với máu.

Thao thức mãi rồi tôi cũng thiếp đi. Tôi chìm vào một cơn mơ dữ dội. Tôi thấy tôi chạy loạn cùng khắp các ngả đường trong thành phố. Những khuôn mặt các anh giải phóng như những người khổng lồ, luôn luôn muốn nuốt chửng tôi. Những trái đạn rơi đằng sau lưng, rơi đằng trước mặt. Và tôi cứ chạy, y hệt như những cảnh tôi sống qua. Sau lưng tôi những xác chết bật tiếng khóc đuổi theo, cả những bàn tay, khúc chân cũng chạy theo níu nữa. Dưới chân tôi máu chảy như suối. Nào xác Việt cộng, xác trẻ em, xác lính, xác Mỹ, xác bà già nằm ngổn ngang bít kín đường. Mặc, tôi bước qua xác họ và chạy tới đằng trước. Nhưng tôi bị kẹt giữa hai đụn khói khổng lồ. Trước mặt tôi cháy, sau lưng tôi cháy. Những đoàn người chạy loạn xuôi ngược, đạp bừa lên nhau. Tôi nhận ra trong đoàn người có cả đoàn người cầm cờ trắng chạy qua sông một ngày nào. Có cả má tôi, em Thái, anh Lễ, bé Hà chạy tít đằng xa và bỏ cách tôi.

Ở bên này cầu, một anh lính giải phóng bắc tay làm loa: Đồng bào hãy ở trong nhà, đừng ra đường. Ở bên kia, một anh lính quốc gia gào lớn: Hãy về phía hữu ngạn. Tản cư về phía hữu ngạn. Tôi không còn nhận ra phương hướng nào nữa. Nơi nào là hữu ngạn? Nơi nào là tả ngạn? Những dòng máu đã chảy ra tới bờ sông và mặt nước lạnh buốt có những làn chỉ hồng. Đống khói đằng sau lớn dần, đống khói trước mặt lớn dần. Khói bao bọc tôi, che kín mắt tôi, rồi những tiếng súng lớn nhỏ bắt đầu thi nhau nổ. Đoàn người kêu khóc, kẻ vượt chạy, người ngã xuống. Tôi cũng chạy theo. Nhưng không kịp nữa rồi. Một tiếng nổ lớn. Cả thành phố nổ tung theo. Người tôi như tan trong những mảnh gạch cát. Tôi còn kịp nghe tiếng kêu của tôi rú lên, bay vút lên bầu trời màu chì xậm.

Có bàn tay kéo tôi dúi xuống đất: Chạy vô hầm. Mau lên. Tôi chợt tỉnh. Một tiếng nổ rất gần rung chuyển cả căn nhà, mấy cánh cửa sổ bị bật tung cứ đánh ra đập vào liên tiếp. Tôi lăn tròn dưới đất mấy vòng thì tới miệng hầm.