Phần thứ nhất
Di sản bị mất giá của Cervantes
1.
Năm 1935, ba năm trước khi mất, Edmund Husserl đã có những cuộc nói chuyện nổi tiếng ở Vienne và ở Praha về sự khủng hoảng của nhân loại châu Âu. Tính từ “châu Âu” theo ông là nhằm chỉ cái bản sắc tinh thần mở rộng ra cả ngoài châu Âu địa lý (đến tận châu Mỹ, chẳng hạn) và được sinh ra cùng với nền triết học cổ Hy Lạp. Nền triết học này, theo ông, lần đầu tiên trong lịch sử, đã nhìn nhận thế giới (thế giới trong tổng thể của nó) như một câu hỏi cần giải đáp. Nó hỏi, không phải để thỏa mãn một nhu cầu thực tiễn nào đó, mà bởi vì “niềm ham muốn hiểu biết đã xâm chiếm con người”.
Cuộc khủng hoảng mà Husserl nói đến đó theo ông sâu sắc cho đến nỗi ông tự hỏi không biết châu Âu có còn sống sót được sau ông không. Ông cho rằng những cội rễ của khủng hoảng đó nằm ở buổi khởi đầu của Thời Hiện Ðại, ở Galilée và Descartes, trong tính chất đơn phương của các khoa học châu Âu, nền khoa học đã quy cả thế giới lại chỉ còn đơn giản là một đối tượng khảo sát kỹ thuật và toán học, và đã loại bỏ khỏi chân trời của nó cái thế giới cụ thể của sự sống,
die Lebenswelt, như ông gọi.
Sự phát triển của khoa học đẩy con người vào những đường hầm của các bộ môn riêng biệt. Càng đi tới trong sự hiểu biết của mình, con người càng bị mất đi cái nhìn tổng thể về thế giới và cả cái nhìn về chính mình, và như vậy bị rơi vào trong cái mà Heidegger, môn đệ của Husserl, gọi một cách thật đẹp và gần như thần diệu là “sự quên mất con người”.
Từng được Descartes ngày trước tôn vinh là “người chủ và người sở hữu cả tự nhiên”, con người nay trở thành một vật thể đơn giản đối với các lực lượng (các lực lượng kỹ thuật, chính trị, lịch sử) vượt qua nó, vượt lên trên nó, chiếm lĩnh nó. Ðối với những lực lượng ấy, cái tồn tại cụ thể của con người, cái “thế giới sự sống” (die Lenbenswelt) chẳng có giá trị gì sất mà cũng chẳng có lợi ích gì ráo: nó đã bị che khuất, bị quên lãng từ trước rồi.
2.
Tôi nghĩ sẽ là ngây thơ nếu ta coi sự nghiêm khắc trong cái nhìn về Thời Hiện Ðại trên đây chỉ là một lời lên án. Tôi muốn nói rằng hai nhà triết học lớn này đã vạch trần ra tính chất nước đôi của cái thời đại vừa là suy thoái, vừa là tiến bộ, và cũng như tất cả những gì thuộc về con người, ngay từ lúc mới ra đời đã mang trong nó mầm mống của sự kết thúc. Tính chất nước đôi này, đối với tôi, không hề hạ thấp bốn thế kỷ gần đây của châu Âu mà vì là nhà tiểu thuyết chứ không phải là nhà triết học, nên tôi càng thấy mình gắn bó. Quả vậy, đối với tôi, người sáng lập Thời Hiện Ðại không chỉ là Descartes mà còn là Cervantes.
Có lẽ hai nhà hiện tượng học lớn đã không coi trọng đúng mức Cervantes trong sự phán xét của họ về Thời Hiện Ðại. Tức là tôi muốn nói: nếu quả thật khoa học và triết học đã bỏ quên bản thể con người, thì càng rất rõ ràng là với Cervantes đã hình thành một nền nghệ thuật châu Âu vĩ đại mà thực chất không có gì khác hơn là khảo sát chính cái bản thể bị bỏ quên đó. Quả vậy, tất cả những đề tài hiện sinh lớn mà Heidegger phân tích trong tác phẩm
Bản thể và Thời gian, cho rằng chúng đã bị toàn bộ nền triết học châu Âu trước đó bỏ rơi, thì lại đã được khám phá, phô bày, soi sáng bởi bốn thế kỷ tiểu thuyết châu Âu (bốn thế kỷ hóa kiếp lại theo kiểu châu Âu của tiểu thuyết). Lần lượt từng cái một, tiểu thuyết đã khám phá, theo kiểu của nó, bằng logic riêng của nó, những mặt khác nhau của tồn tại: với những người đồng thời của Cervantes, nó tự vấn về ý nghĩa của sự phiêu lưu; với Samuel Richardson nó bắt đầu xem xét “điều gì đang diễn ra bên trong”, bóc trần đời sống bí ẩn của các tình cảm; với Balzac, nó khám phá ra những cội rễ của con người trong lịch sử; với Flaubert nó thám hiểm vùng đất đến lúc bấy giờ còn bỏ hoang của cái thường nhật; với Tolstoi nó chăm chú đến sự can thiệp của cái phi lý trong những quyết định và trong ứng xử của con người. Nó thăm dò thời gian: cái khoảnh khắc đã trôi qua không thể nào nắm bắt được với Marcel Proust; cái khoảnh khắc hiện tại không thể nắm bắt được với James Joyce; với Thomas Mann, nó đặt vấn đề về vai trò của những huyền thoại, từ trong sâu thẳm tận cùng của thời gian, dắt dẫn từ xa những bước đi của chúng ta hôm nay. Vân vân và vân vân.
Tiểu thuyết nhịp bước cùng con người thường xuyên và trung thành từ buổi khởi đầu của Thời Hiện Ðại. “Niềm say mê được hiểu biết” (mà Husserl coi như là tinh chất của đời sống tinh thần châu Âu) đã xâm chiếm lấy nó, khiến nó chăm chú dò xét cuộc sống cụ thể của con người và bảo vệ cuộc sống này chống lại sự lãng quên con người; khiến nó luôn giữ “cái thế giới sự sống” dưới một nguồn sáng rọi thường trực. Chính là trong ý nghĩa đó mà tôi đã hiểu và chia sẻ sự khăng khăng của Herman Broch khi ông lặp đi lặp lại: khám phá ra cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá được, đó là lẽ sống duy nhất của một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết nào không khám phá ra thêm được một mẫu sự sống trước nay chưa từng biết là một cuốn tiểu thuyết vô đạo đức. Hiểu biết là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết.
Tôi còn muốn thêm vào đó: tiểu thuyết là công trình của châu Âu; những khám phá của nó, dầu được thực hiện trong những ngôn ngữ khác nhau, là thuộc về châu Âu toàn vẹn.
Sự nối tiếp của các khám phá (chứ không phải số cộng của những cái được viết ra) làm nên lịch sử tiểu thuyết châu Âu. Chỉ trong bối cảnh siêu quốc gia đó giá trị của một tác phẩm (nghĩa là tầm mức khám phá của nó) mới có thể được nhìn nhận và thấu hiểu toàn vẹn.
3.
Khi Thượng đế từ từ rời khỏi vị trí của Người nơi từ đó Người đã điều khiển toàn vũ trụ và ngôi thứ của các giá trị trong vũ trụ đó, phân biệt cái thiện với cái ác và ban cho mỗi sự vật một ý nghĩa, Ðon Kihôtê bước ra khỏi nhà và không còn đủ sức nhận ra thế giới nữa. Cái thế giới này, thiếu mất vị Phán xét tối cao, đột nhiên hiện ra trong một tình trạng nhập nhằng đáng sợ. Chân lý thần thánh duy nhất bị tan rã thành hàng trăm chân lý tương đối mà những con người chia lấy cho nhau. Như vậy đấy, thế giới của Thời Hiện Ðại đã ra đời, và cùng với nó ra đời tiểu thuyết, hình ảnh và mô hình của nó.
Hiểu được như Descartes rằng
cái tôi biết suy tư là cơ sở của tất cả, do đó tồn tại đơn độc đối diện với vũ trụ, đó là một thái độ mà Hegel đã đánh giá rất đúng là thái độ anh hùng. Hiểu được như Cervantes rằng thế giới là nhập nhằng, phải đối mặt, không phải với một chân lý tuyệt đối duy nhất, mà với một mớ chân lý tương đối trái ngược nhau (những chân lý được nhập thân vào những
cái tôi tưởng tượng gọi là nhân vật), tức chỉ còn có một niềm tin chắc duy nhất là sự hiền minh của lưỡng lự; điều đó đòi hỏi một sức mạnh không kém.
Ý nghĩa cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Cervantes là gì? Người ta đã viết rất nhiều về đề tài này. Có người tìm thấy ở đây một sự phê phán duy lý chủ nghĩa đối với chủ nghĩa duy tâm tù mù của Ðon Kihôtê. Người khác lại thấy ở đây sự tán dương chính cái chủ nghĩa duy tâm ấy. Cả hai lối hiểu đó đều sai, bởi họ muốn tìm thấy ở nền móng của cuốn tiểu thuyết này không phải một câu trả lời mà là một khẳng định đạo lý.
Con người vẫn mong mỏi một thế giới trong đó cái thiện cái ác được phân biệt rõ ràng, bởi vì trong họ vốn có cái ham muốn được phán xét trước khi thấu hiểu. Chính các tôn giáo và các hệ ý thức đã đặt cơ sở trên niềm ham muốn đó. Chúng chỉ có thể dung hòa được với tiểu thuyết nếu chúng dịch được ngôn ngữ tương đối và nước đôi của tiểu thuyết trong các luận văn quyết định luận và giáo điều của chúng. Chúng đòi hỏi một người nào đó phải là đúng; hoặc Anna Karénine là nạn nhân của một tên độc tài thiển cận, hoặc Karénine là nạn nhân của một người đàn bà vô đạo đức; hoặc K. vô tội, bị một tòa án bất công dày xéo, hoặc đằng sau tòa án có ẩn giấu công lý tuyệt đối và K. có tội.
Trong cái “hoặc là - hoặc là” đó chứa đựng sự bất lực không thể chịu đựng tính tương đối cốt yếu của cuộc sống nhân thế, bất lực không dám nhìn thẳng sự vật mà không có một kẻ phán xét tối cao. Chính vì sự bất lực đó mà cái hiền minh của tiểu thuyết (cái hiền minh của sự lưỡng lự) khó chấp nhận và khó hiểu.
4.
Ðon Kihôtê ra đi vào một thế giới rộng mở trước mặt ông. Ông có thể tự do đi vào đó và trở về nhà lúc nào ông muốn. Những cuốn tiểu thuyết châu Âu đầu tiên là những cuộc du hành băng qua thế giới, dường như là vô tận. Mở đầu cuốn
Jacques, người theo thuyết định mệnh ta bắt gặp hai nhân vật đang ở giữa đường, ta không biết họ từ đâu đến và cũng chẳng rõ họ đi đâu. Họ ở trong một thời gian không có khởi đầu cũng không có kết thúc, trong một không gian không biên giới, ở giữa châu Âu tự cho rằng tương lai của mình không bao giờ chấm dứt.
Nửa thế kỷ sau Diderot, đến Balzac, chân trời xa xăm đã biến mất như một phong cảnh thiên nhiên biến mất sau những công trình xây dựng hiện đại tức là các thiết chế xã hội: cảnh sát, tổ chức tư pháp, thế giới tài chính và tội ác, quân đội, nhà nước. Thời Balzac không còn được biết đến cái nhàn rỗi sung sướng của Cervantes hay của Diderot nữa. Nó đã bị đưa lên một con tàu gọi là Lịch sử. Lên tàu thì dễ, xuống tàu thì khó. Tuy nhiên, con tàu ấy chưa có gì đáng sợ, thậm chí còn quyến rũ nữa, với các vị khách đi tàu nó hứa hẹn các cuộc phiêu lưu, và cùng đó cả chiếc gậy thống chế.
Về sau nữa, đối với Emma Bovary, chân trời bị thu hẹp đến mức tựa như một hàng rào. Các cuộc phiêu lưu là ở phía bên kia và nỗi nuối tiếc không tài nào chịu nổi. Trong nỗi buồn chán của cái thường nhật, các giấc mơ và các mộng tưởng trở nên quan trọng. Cái vô tận của thế giới bên ngoài được thay thế bằng cái vô tận của tâm hồn. Ảo tưởng lớn về tính duy nhất không thay thế được của cá nhân, một trong những ảo tưởng lớn nhất của châu Âu, bừng nở.
Nhưng giấc mơ về sự vô tận của tâm hồn mất đi ma lực của nó khi lịch sử hay những gì còn lại của lịch sử, thế lực siêu nhân của một xã hội toàn năng, xâm chiếm lấy con người. Nó không hứa hẹn cho con người cây gậy thống chế nữa, may lắm nó chỉ hứa hẹn cho con người một chân nhân viên đo đạc. K. đối mặt với tòa án, K. đối mặt với tòa lâu đài, liệu anh ta có thể làm được gì? Chẳng nhiều nhặn gì. Ít ra anh có thể mơ tưởng như Emma Bovary ngày trước chăng? Không được, cái bẫy của tình thế quá ư khủng khiếp và như một cái máy hút, hút hết trọi mọi suy nghĩ và tình cảm của anh: anh chỉ còn có thể nghĩ đến bản án của anh, cái chân nhân viên đo đạc của anh. Cõi vô tận của tâm hồn, nếu còn một cõi như vậy, đã trở thành một thứ ruột thừa gần như vô dụng của con người.
5.
Con đường của tiểu thuyết hiện ra như một lịch sử song hành của Thời Hiện Ðại. Thử quay lại để bao quát nó trong một cái nhìn, tôi thấy nó ngắn ngủi và bế tắc một cách kỳ lạ. Phải chăng chính thị là Ðon Kihôtê đấy, sau ba thế kỷ ngao du, nay trở về, cải trang thành anh nhân viên đo đạc. Ông đã ra đi ngày trước để tìm chọn những cuộc phiêu lưu của mình và bây giờ, trong cái làng dưới chân lâu đài này, chẳng còn có sự lựa chọn nào cả. Cuộc phiêu lưu đã được đặt sẵn cho ông: một vụ tranh chấp thảm hại với nhà cầm quyền về một nhầm lẫn trong hồ sơ của ông. Sau ba thế kỷ, đã xảy ra điều gì vậy với sự phiêu lưu, cái đề tài lớn đầu tiên ấy của tiểu thuyết? Như thế nghĩa là thế nào? Con đường của tiểu thuyết đã được đóng lại bằng một nghịch lý chăng?
Vâng, có thể nghĩ như vậy. Và không phải chỉ có một, có nhiều nghịch lý.
Anh lính Chveik gan dạ có thể là quyển tiểu thuyết dân gian lớn cuối cùng. Chẳng kỳ lạ sao khi cuốn tiểu thuyết hài ấy đồng thời lại là một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, sự việc diễn ra trong quân đội và ngoài mặt trận? Chiến tranh và những điều khủng khiếp của nó đã làm thế nào mà trở thành trò cười vậy?
Ở Homère, ở Tolstoi, chiến tranh mang một ý nghĩa hoàn toàn rõ ràng: người ta chiến đấu vì nàng Hélène xinh đẹp hay vì nước Nga. Chveik và các đồng đội của anh ra trận mà chẳng biết vì sao và, còn tệ hơn, chẳng quan tâm gì đến chiến tranh.
Như vậy thì động cơ của một cuộc chiến tranh là gì nếu không phải là nàng Hélène mà cũng chẳng là tổ quốc? Là quyền lực đơn giản muốn tự khẳng định là quyền lực chăng? Là “cái ý chí của ý chí” ấy như sau này Heidegger nói đến chăng? Song le, chẳng phải đã từng luôn là vậy đằng sau tất cả các cuộc chiến tranh xưa nay? Dĩ nhiên, đúng thế. Nhưng lần này, ở Hasek mọi sự biện luận phải lẽ bị lột trần hết. Chẳng còn ai tin ở những lảm nhảm tuyên truyền, ngay cả những kẻ tuôn ra chúng. Quyền lực trần trụi, cũng trần trụi như trong các tiểu thuyết của Kafka. Quả vậy, tòa án chẳng được lợi lộc gì trong vụ hành quyết K., cũng như tòa lâu đài chẳng được lợi lộc gì khi phiền nhiễu gã nhân viên đo đạc. Vì sao nước A hôm qua, nước B hôm nay muốn thống trị thế giới? Ðể cho mình giàu có hơn lên chăng? Không. Tính hung hăng của quyền lực là hoàn toàn vô tư, vô cớ; nó chỉ muốn cái nó muốn; nó là cái phi lý thuần túy.
Như vậy Kafka và Hasek đối mặt chúng ta với một nghịch lý mênh mông: trong Thời Hiện Ðại, lý tính Descartes chủ nghĩa lần lượt gặm mòn hết tất cả các giá trị được thừa kế từ thời Trung Cổ. Nhưng đến thời điểm toàn thắng của lý trí, thì cái phi lý thuần túy (quyền lực chỉ còn muốn cái nó muốn) lại xâm chiếm cả thế giới, bởi không còn một hệ thống giá trị được chấp nhận chung nào có thể ngăn trở nó nữa.
Nghịch lý ấy, được soi sáng một cách thần tình trong
Những kẻ mộng du của Herman Broch, là một trong những cái mà tôi muốn gọi là
cuối kết. Còn những nghịch lý khác: chẳng hạn: Thời Hiện Ðại nuôi mộng tưởng về một nhân loại, được chia thành nhiều nền văn minh cách biệt, một ngày nào đó sẽ tìm được sự thống nhất, và cùng lúc, một nền hòa bình vĩnh cửu. Ngày nay, lịch sử của hành tinh chúng ta cuối cùng đã trở thành một thể thống nhất không thể chia cắt. Sự thống nhất của nhân loại có nghĩa là: không ai còn có thể trốn thoát đi đâu được nữa.
6.
Những cuộc nói chuyện của Husserl về cuộc khủng hoảng của châu Âu và khả năng biến mất của nhân loại châu Âu, là di chúc triết học của ông. Ông nói chuyện ở hai thủ đô vùng Trung Âu. Sự trùng hợp này mang một ý nghĩa sâu sắc: quả vậy, chính ở vùng Trung Âu này, lần đầu tiên trong lịch sử, châu Âu có thể nhìn thấy cái chết của châu Âu, hay chính xác hơn, một bộ phận của nó bị cắt cụt mất khi Varsovie, Budapest và Praha bị nuốt chửng mất. Tai họa này được sinh ra từ cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất, do đế quốc Hadsbourg phát động, dẫn đến sự kết liễu của chính đế quốc này và mãi mãi làm chao đảo châu Âu đã bị suy yếu.
Thời bình yên cuối cùng khi con người chỉ phải chiến đấu chống lại lũ ác quỷ trong chính tâm hồn mình, thời của Joyce và của Proust, đã qua rồi. Trong các tiểu thuyết của Kafka, của Hasek, của Musil, của Broch, ác quỷ đến từ bên ngoài và người ta gọi nó là Lịch sử. Nó không còn giống con tàu của những kẻ phiêu lưu, nó là phi nhân cách, không điều khiển được, không đo đếm được - không hiểu được - và không ai thoát được tay nó. Ðó là lúc (vào ngày hôm sau của cuộc chiến tranh 1914) khi chòm sao sáng của những nhà tiểu thuyết lớn Trung Âu nhận ra, sờ thấy, nắm bắt được
những nghịch lý cuối kết của thời hiện đại.
Nhưng không nên coi tiểu thuyết của họ như một thứ tiên tri xã hội và chính trị, như một kiểu Orwell
[1] trước hạn. Ðiều Orwell nói với chúng ta cũng có thể được diễn đạt tốt như vậy (thậm chí còn hơn) trong một tiểu luận hay một bài văn đả kích. Trái lại, các nhà tiểu thuyết này khám phá ra “cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá ra được”, họ chỉ ra, trong những điều kiện của những “nghịch lý cuối kết”, các phạm trù cốt yếu đã đột ngột biến đổi ý nghĩa như thế nào:
sự phiêu lưu còn là gì khi tự do hành động của một anh chàng K. hoàn toàn là hão huyền?
Tương lai còn có nghĩa gì khi những người trí thức trong
Người không có phẩm chất không hề nghi ngờ chút nào rằng ngày mai chiến tranh sẽ quét sạch hết cuộc sống của họ?
Tội ác còn là gì nếu Huguenau của Broch không chỉ chẳng hề hối tiếc mà còn quên bẵng mất cả tội ác y phạm phải? Và nếu cuốn tiểu thuyết hài lớn nhất của thời này, cuốn của Hasek, lại viết về chiến tranh, vậy thì điều gì đã xảy đến với cái
hài vậy? Ðâu là sự khác biệt giữa cái
riêng tư và cái
công cộng nếu anh chàng K. ngay trên giường ngủ với vợ, không bao giờ không có hai phái viên của tòa lâu đài ở cạnh? Và, trong trường hợp đó,
cô đơn là gì? Một gánh nặng, một mối kinh hoàng, một sự trừng phạt, như người ta từng muốn chúng ta tưởng, hay ngược lại, đó là giá trị quý báu nhất đang bị nghiền nát bởi cái tập thể hiện diện khắp nơi?
Những thời kỳ của tiểu thuyết là rất dài (chúng chẳng liên quan gì đến các biến đổi dai dẳng của các kiểu mốt) và được đặc trưng bởi dáng vẻ này hay dáng vẻ khác của sinh linh mà tiểu thuyết ưu tiên khảo sát. Như vậy đấy, những khả năng chứa đựng trong khám phá của Flaubert về cái thường nhật chỉ được khai triển hoàn toàn 60 năm sau trong sự nghiệp đồ sộ của James Joyce: thời kỳ được khai trương, cách đây 50 năm, bởi chòm sao sáng các nhà tiểu thuyết Trung Âu (thời kỳ của những nghịch lý cuối kết) theo tôi còn lâu mới kết thúc.
7.
Người ta đã nói nhiều và từ lâu về sự kết liễu của tiểu thuyết: đặc biệt là các nhà tương lai chủ nghĩa, các nhà siêu thực, hầu như tất cả các nhà tiên phong chủ nghĩa. Họ nhìn thấy tiểu thuyết biến mất trên con đường của tiến bộ, vì lợi ích của một tương lai mới về căn bản, vì lợi ích của một nền nghệ thuật chẳng có chút gì giống như những gì thường có trước đó. Tiểu thuyết đã được chôn vùi nhân danh công lý lịch sử, cũng như sự khốn cùng, các giai cấp thống trị, các kiểu xe cũ và những cái mũ chóp cao.
Song le, nếu như Cervantes là người khai sinh ra Thời Hiện Ðại, thì sự kết thúc di sản của ông hẳn không chỉ là một chặng chuyển trạm tiếp sức đơn thuần trong lịch sử các thể loại văn học; nó sẽ báo hiệu sự kết thúc của Thời Hiện Ðại. Vì vậy tôi thấy cái cười ngoác mồm ra khi người ta tuyên bố cái chết của tiểu thuyết thật là phù phiếm. Phù phiếm bởi vì tôi đã nhìn thấy và sống qua cái chết của tiểu thuyết, cái chết bất đắc kỳ tử của nó (bằng những cấm đoán, bằng kiểm duyệt, bằng áp lực ý thức hệ), trong cái thế giới mà tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời tôi và ngày nay người ta gọi là thế giới toàn trị. Như vậy, rất rõ ràng là tiểu thuyết có thể tàn lụi, cũng có thể tàn lụi như phương Tây Thời Hiện Ðại. Là khuôn mẫu của cái thế giới ấy, đặt nền móng trên tính tương đối và tính nước đôi của cõi người, tiểu thuyết không thể tương hợp với thế giới toàn trị. Sự xung khắc này còn sâu sắc hơn cả xung khắc giữa một người ly khai và một kẻ thuộc bộ máy cầm quyền, giữa một người đấu tranh cho nhân quyền và một tên chuyên tra tấn người, bởi vì nó không chỉ có tính cách chính trị hay đạo đức, mà có tính cách bản thể. Ðiều đó có nghĩa là cái thế giới cơ sở trên chân lý duy nhất và thế giới nước đôi và tương đối của tiểu thuyết được nhào nặn theo những cách thức hoàn toàn khác nhau. Chân lý toàn trị loại trừ tính tương đối, sự hoài nghi, nghi vấn, và nó mãi mãi không thể dung hòa với cái tôi muốn gọi là
tinh thần tiểu thuyết.
Nhưng ở một nước Nga cộng sản, chẳng xuất hiện hàng trăm hàng ngàn cuốn tiểu thuyết với số lượng bản in khổng lồ và thành công to lớn đó sao? Vâng, nhưng những quyển tiểu thuyết ấy không thể nối dài thêm được cuộc chinh phục của con người. Chúng không hề khám phá thêm được chút gì mới của sinh tồn, chúng chỉ khẳng định những cái đã được nói rồi... Không khám phá được gì cả, những cuốn sách ấy không tham gia vào quá trình
thừa kế những khám phá mà tôi gọi là lịch sử tiểu thuyết; chúng nằm ngoài lịch sử ấy, hoặc giả: đó là
những quyển tiểu thuyết sau lịch sử tiểu thuyết.
Ðã gần nửa thế kỷ lịch sử tiểu thuyết dừng lại trong đế chế cộng sản. Ðấy là một biến cố khổng lồ, chiếu theo tầm mức vĩ đại của tiểu thuyết Nga từ Gogol đến Biely. Như vậy, cái chết của tiểu thuyết không phải là một ý tưởng ngông cuồng. Nó đã từng có rồi. Và bây giờ thì chúng ta biết tiểu thuyết chết
như thế nào: nó không biến mất; nó bị rơi ra ngoài lịch sử của chính nó. Cái chết của nó như vậy diễn ra lặng lẽ, không ai thấy, chẳng làm rầy ai cả.
8.
Nhưng có phải tiểu thuyết đã đi đến mút đường của nó bởi chính logic nội tại của nó? Phải chăng nó đã khai thác hết các khả năng, các tri thức và các hình thức của nó? Tôi đã từng nghe ví lịch sử của nó như là lịch sử của những hầm mỏ đã cạn kiệt từ lâu. Song phải chăng nó giống hình ảnh cái nghĩa địa của những cơ hội bị bỏ lỡ, những tiếng gọi không được nghe thấy hơn? Tôi đặc biệt nhạy cảm với bốn tiếng gọi sau đây:
Tiếng gọi của trò chơi: đối với tôi bây giờ
Tristram Shandy của Lawrance Sterne và
Jacques, người theo thuyết định mệnh của Denis Diderot là hai tác phẩm tiểu thuyết lớn nhất của thế kỷ XVII, hai cuốn tiểu thuyết được sáng tạo như một trò chơi kỳ vĩ. Ðấy là hai đỉnh cao của sự bay bổng mãi mãi không ai đạt đến được cả trước đây và sau này. Tiểu thuyết về sau đó bị trói buộc bởi đòi hỏi phải giống thật, bởi bối cảnh hiện thực, bởi sự chặt chẽ của lối biên niên. Nó đã bỏ phí mất những khả năng chứa đựng trong hai kiệt tác này, những khả năng có thể tạo nên một cách tiến hóa khác của tiểu thuyết (vâng, ta có thể tưởng tượng một lịch sử tiểu thuyết châu Âu khác...).
Tiếng gọi của giấc mơ: sự tưởng tượng bị ngủ quên trong thế kỷ XIX được Franz Kafka thình lình đánh thức dậy, và ông đã thành công trong cái việc mà những nhà siêu thực sau ông đã cố sức nhưng không thật sự làm được: trộn lẫn cái mơ và cái thật. Quả vậy, đó là một tham vọng mỹ học lâu đời của tiểu thuyết, đã từng được Novalis tiên cảm, nhưng nó đòi hỏi nghệ thuật phải thực hiện một thuật luyện đan mà một trăm năm sau chỉ Kafka mới khám phá ra được. Khám phá vĩ đại này là cuộc khai mở bất ngờ chứ không chỉ là bước hoàn thiện của một quá trình tiến hóa, nó chứng tỏ rằng tiểu thuyết là nơi sự tưởng tượng có thể bùng nổ như trông một giấc mơ và tiểu thuyết có thể vượt qua đòi hỏi trông chừng có vẻ tất yếu phải giống thật.
Tiếng gọi của tư duy: Musil và Broch đưa vào tiểu thuyết một trí năng tối thượng và rực tỏa. Không phải để biến tiểu thuyết thành triết học, mà là để huy động trên cơ sở cốt truyện tất cả các phương tiện, lý tính và phi lý, tự sự và nghiền ngẫm, có thể soi sáng bản thể con người; để làm cho tiểu thuyết trở thành sự tổng hợp tinh thần tối cao. Chiến công của họ là sự hoàn thành lịch sử tiểu thuyết, hay đúng hơn, là lời mời vào một cuộc du hành dài lâu?
Tiếng gọi của thời gian: thời kỳ của những
nghịch lý cuối kết giục nhà tiểu thuyết không chỉ giới hạn vấn đề thời gian trong bài toán của Proust về ký ức cá nhân mà mở rộng nó đến cái bí ẩn của thời gian tập thể, thời gian của châu Âu, cái châu Âu đang ngoái nhìn lại quá khứ của mình để mà tự tính sổ, để nắm bắt lấy lịch sử của mình, hệt như một người già thâu tóm cả cuộc đời đã qua của chính mình trong mỗi một cái nhìn. Từ đó nảy sinh ý muốn vượt qua những cái giới hạn nhất thời của một cuộc đời cá nhân mà tiểu thuyết trước nay vẫn trú ngụ ở đấy và đưa vào không gian tiểu thuyết nhiều thời đại lịch sử (Aragon và Fuentes từng thử làm thế).
Nhưng tôi không muốn tiên đoán những con đường tương lai của tiểu thuyết mà tôi chẳng biết gì sất; tôi chỉ muốn nói: nếu tiểu thuyết phải biến mất, thì không phải vì nó đã kiệt sức mà vì nó ở trong một thế giới không còn là thế giới của nó nữa.
9.
Sự thống nhất trong lịch sử của hành tinh, giấc mơ nhân văn chủ nghĩa mà Thượng đế đã ác độc cho phép hoàn thành, được kèm theo một quá trình cạn kiệt chóng mặt. Quả là lũ mối của sự cạn kiệt xưa nay vẫn gặm nhấm cuộc sống con người: ngay cả tình yêu lớn nhất cuối cùng cũng cạn kiệt chỉ còn lại một bộ hài cốt những hoài niệm còm cõi. Nhưng tính chất của xã hội hiện đại càng làm đậm cái tai họa đó lên một cách quái dị: cuộc sống con người bị rút cạn lại trong mỗi một chức năng xã hội của nó; lịch sử một dân tộc được rút cạn lại trong vài biến cố, những biến cố này đến lượt chúng lại bị rút cạn trong một lối giải thích thiên kiến...
Song, nếu lẽ sống của tiểu thuyết là thường xuyên soi sáng “thế giới sự sống” và bảo vệ chúng ta chống lại sự “lãng quên con người”, thì phải chăng sự tồn tại của tiểu thuyết lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết?
Theo tôi thì quả vậy. Nhưng, than ôi, chính tiểu thuyết cũng bị lũ mối của sự rút cạn gặm mòn, chúng không chỉ rút cạn ý nghĩa của thế giới mà còn rút cạn ý nghĩa của những tác phẩm. Tiểu thuyết (cũng như cả nền văn hóa) ngày càng rơi vào tay các phương tiện truyền thông đại chúng; những phương tiện này, là tác nhân của sự thống nhất lịch sử hành tinh, khuếch đại và quy tụ quá trình rút cạn; chúng phân phối trên toàn thế giới những sơ đồ giản lược và công thức, có thể được số đông nhất, được mọi người, được toàn thể nhân loại chấp nhận. Và chẳng quan trọng gì việc các cơ quan khác nhau của truyền thông đại chúng thể hiện những lợi ích chính trị khác nhau. Chỉ cần giở qua các tuần báo Mỹ hay Âu châu, phe tả cũng như phe hữu, từ tờ
Time cho đến tờ
Spiegel: tất cả chúng đều có chung một cách nhìn cuộc sống, được phản ánh trong những trật tự giống nhau, các hình thức báo chí giống nhau, ngôn ngữ giống nhau và văn phong giống nhau, trong các thẩm định nghệ thuật giống nhau khi sắp xếp cái gì là quan trọng và cái gì là không đáng kể. Tinh thần chung đó của các phương tiện thông tin đại chúng giấu sau vẻ đa dạng về chính trị của chúng, đó là tinh thần của thời đại chúng ta. Tôi thấy tinh thần đó là trái ngược với tinh thần tiểu thuyết.
Tinh thần tiểu thuyết là tinh thần của sự phức tạp. Mỗi cuốn tiểu thuyết nói với độc giả: “Sự vật ở đời phức tạp hơn anh tưởng.” Ðó là chân lý vĩnh cửu của tiểu thuyết, nhưng càng ngày càng ít được nghe thấy trong mớ hỗn độn những câu trả lời giản đơn và lẹ làng đi trước cả câu hỏi và loại trừ câu hỏi. Ðối với tinh thần của thời đại chúng ta, thì hoặc là Anna hoặc là Karénine đúng, và sự hiền minh của Cervantes nói với chúng ta về cái khó khăn trong việc hiểu biết và về sự thật không thể nắm bắt được, trở nên rầy rà vô ích.
Tinh thần của tiểu thuyết là tinh thần liên tục: mỗi tác phẩm là câu trả lời cho những tác phẩm trước đó, mỗi tác phẩm chứa đựng toàn bộ kinh nghiệm trước đó của tiểu thuyết. Nhưng tinh thần của thời đại chúng ta thì chăm chắm vào cái hiện tại, kềnh càng, lụng thụng đến nỗi nó đẩy lùi mất quá khứ khỏi tầm mắt chúng ta và rút gọn thời gian vào mỗi giây hiện tại. Bị đặt vào trong cơ chế này, tiểu thuyết không còn là
tác phẩm (là cái nhằm để sống lâu dài, nối liền quá khứ với tương lai) mà chỉ là một biến cố thời sự như những biến cố khác, một hành vi không có ngày mai.
10.
Có phải như vậy có nghĩa là trong “cái thế giới không phải của nó nữa” tiểu thuyết sẽ biến mất chăng? Nó sẽ để mặc cho châu Âu chìm nghỉm vào sự “lãng quên con người” chăng? Sẽ chỉ còn lối lảm nhảm bất tận của trò chơi chữ, chỉ còn
những quyển tiểu thuyết sau lịch sử của tiểu thuyết chăng? Tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng tiểu thuyết không thể chung sống hòa bình nữa với tinh thần của thời đại chúng ta nếu nó muốn tiếp tục khám phá ra cái chưa được khám phá.
Phái tiền phong chủ nghĩa nhìn sự vật cách khác; họ đầy tham vọng hòa nhịp với tương lai. Các nghệ sỹ “tiền phong chủ nghĩa” sáng tạo ra những tác phẩm, quả thật dũng cảm, khó khăn, khiêu khích, bị la ó, nhưng họ sáng tạo ra chúng với niềm tin chắc rằng “tinh thần của thời đại” đứng về phía họ và ngày mai sẽ chứng tỏ họ đúng.
Ngày trước, tôi cũng vậy, tôi đã xem tương lai là vị quan tòa duy nhất tinh tường phán xét các tác phẩm và các hành vi của chúng ta. Về sau tôi hiểu ra rằng lối ve vãn tương lai là lối xu thời tệ hại nhất, là sự nịnh hót đê hèn kẻ mạnh. Vì tương lai bao giờ cũng mạnh hơn hiện tại. Quả là chính nó sẽ phán xét chúng ta. Và chắc chắn không chút tinh tường nào cả.
Nhưng nếu tương lai chẳng có giá trị gì đối với tôi, vậy thì tôi gắn bó với ai: với Thượng đế? với tổ quốc? với nhân dân? với cá nhân?
Câu trả lời của tôi lố lăng mà chân thành: tôi gắn bó với di sản bị mất giá của Cervantes.
[1]Orwell (Eric Plain): nhà văn Anh chuyên viết những chuyện châm biếm và viễn tưởng chính trị.