trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
21.9.2004
Margie Mason
“Một thế giới không có đàn bà” lên TV Việt Nam
Lê Trần Huy Phú dịch
 
Một vụ giết người hàng loạt mà nạn nhân là những người đồng tính luyến ái dẫn cảnh sát đến một hành trình đau lòng, vào một thế giới ngầm mà họ chưa từng biết tới sự tồn tại của nó. Trách nhiệm của viên sĩ quan Lân là phải giải quyết sự việc trước khi có một nạn nhân khác. Nhưng anh trước tiên lại phải đối diện với thành kiến của mình đối với người em ruột đồng tính luyến ái mà anh không chấp nhận.

Câu chuyện nghe nóng sốt kiểu Hollywood này lại xẩy ra chính ở Việt Nam.

“Cảnh sát hình sự”, chương trình truyền hình được yêu thích ở Việt Nam, mở màn đợt phim mới của tháng bằng một đụng chạm thẳng thắn tới một vấn đề cấm kỵ và nêu một bài học về lòng khoan dung, ở một quốc gia cộng sản mà tình dục chỉ được đề cập theo kiểu rỉ tai, đồng tính luyến ái vẫn bị phần đông xem là một căn bệnh, và nhà nước thì kiểm soát chặt chẽ ngành xuất bản và truyền thông.

Câu chuyện dài 10 tập, được phóng tác từ “Một thế giới không có đàn bà” [1] , một tiểu thuyết được giải thưởng. Cuốn sách đã gây ngạc nhiên tại Việt Nam khi trở thành cuốn đầu tiên nói đến vấn đề gay với thái độ ngiêm chỉnh.

Tác giả Bùi Anh Tấn, 38 tuổi, tin rằng Việt Nam cuối cùng cũng cho phép vấn đề này được thảo luận trên truyền hình quốc gia. “Tôi tin xã hội rồi sẽ chấp nhận thực tế này”, anh nói, “Họ không thể chối bỏ nó, vì nó đã và sẽ tồn tại”.

Sự thân mật giữa đàn ông với nhau, như tay nắm tay, hay ngồi choàng tay ôm nhau, được xã hội chấp nhận trong nền văn hóa Việt Nam, nhưng đồng tính luyến ái vẫn bị coi như là một “tệ nạn xã hội” [2] , cùng với mãi dâm và ma túy.

Câu chuyện truyền hình theo chân sĩ quan Lân khi anh cố gắng tháo gỡ chi tiết của ba vụ án giống nhau, xảy ra với những người gay trẻ khi đang làm tình. Lân đấu tranh với tội phạm và tìm kiếm sự giúp đỡ của một người bạn nhà báo chuyên viết về đề tài đồng tính luyến ái.

Trong khi đó người em gay của Lân, người đã bị Lân đánh và đuổi đi, lại có tình yêu với một sĩ quan khác cũng đang điều tra các vụ án này. Trước khi bắt tên giết người, Lân cuối cùng đã nhận biết vấn đề hơn, và chào đón em trai mình trở về nhà, hy vọng anh này từ bỏ người sĩ quan kia và cưới một phụ nữ, nhưng cũng chấp nhận em dù anh ta chọn đối tượng là ai.

Đó là kết thúc mà Tấn không thực hiện được trong hai lần xuất bản đầu của cuốn sách. Nhà xuất bản Công an nhân dân, dưới sự kiểm soát của Bộ Công an đã thay đổi kết thúc ban đầu của anh, để cho người em trai của Lân trở về nhà và quyết định sống như một người dị tính luyến ái. Tấn nói rằng anh đã đấu tranh khó khăn để có được kết cục như ban đầu trong lần xuất bản thứ ba gần đây, và anh tin rằng chiến thắng của anh cho thấy thái độ của xã hội đang thay đổi.

Tác giả cũng là một sĩ quan cảnh sát, đã được những người gay Việt Nam chú ý khi đưa tin về tội phạm cho tờ báo công an tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh nói anh đã gặp rắc rối khi viết cuốn sách, nhiều người coi anh là gay và dùng áp lực ép anh từ bỏ đề tài. Nhưng anh nói đã đến lúc phải thành thật bàn đến vấn đề này.

Người viết kịch bản Trần Thùy Linh nói rằng rất khó đưa vấn đề đến với người xem truyền hình, vì họ luôn xem nam giới là người có sức mạnh tối cao và là người trụ cột của gia đình, và không thể chấp nhận họ có “xu hướng giống phụ nữ”. Phần lớn diễn biến của phim tập trung vào tình tiết hình sự, chỉ đôi cảnh ẩn chứa tế nhị về tình cảm gay.

Tấn nói rằng cuốn sách và phóng tác truyền hình là một khởi đầu tốt. Anh đang thảo luận về một phim truyện dài và một cuốn sách khác nhan đề “Đối thoại với Một thế giới không có đàn bà”, in những thư từ gửi đến tác giả từ những người đồng tính luyến ái, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ), là nơi tự do hơn, mà ở khắp Việt Nam và cả hải ngoại.

“Họ là những bác sĩ, những nghệ sĩ bình thường”, anh nói, “Họ bày tỏ lòng biết ơn đối với tôi, vì họ nói rằng tôi nói lên câu chuyện của họ, nhân danh họ, và cũng làm cho người khác hiểu biết về người đồng tính luyến ái”.

Tấn nói rằng cuốn sách của anh đã hỗ trợ cho việc xây dựng Hội Thế giới không có Đàn bà, một nhóm hỗ trợ gay ở thủ đô Hà Nội bảo thủ. Anh hy vọng loạt phim truyền hình có tác động không chỉ ở các thành phố, mà cả ở các miền quê, nơi 81 triệu người Việt Nam sinh sống.

“Phần lớn người đồng tính luyến ái ở Việt Nam phải che giấu mình, họ không thể cho người khác biết họ là gay”, anh ta nói, “Tôi không biết khi nào xã hội sẽ thay đổi thái độ đối với người đồng tính luyến ái, nhưng tôi nghĩ họ sẽ thay đổi. Chúng ta cần thời gian”.

© 2004 talawas



[1]Người dịch chưa đọc tác phẩm này dù từng nghe nó gây xôn xao rất lớn. Đã thấy cuốn sách được đăng tải miễn phí tại http://www.boyvn.com, nhưng chỉ các thành viên mới truy cập được. Nhân đây, nếu nhà văn Bùi Anh Tấn không vướng bận quá nhiều về chuyện bản quyền, với thành ý sẵn có, thì việc cung cấp cuốn sách đến bạn đọc tại talawas là một việc nên làm và hết sức đáng quí (mong rằng những dòng này được anh đọc).
[2]Thật ra việc coi đồng tính luyến ái là một “tệ nạn xã hội” xuất phát từ vài năm trước đây, khi một số nhà báo ồ ạt khai thác đề tài giật gân này với thái độ bêu xấu, khuyếch đại một số hiện tượng tình dục của các “gay hở” và một bộ phận gay khác, trong khi đời sống tâm lý đầy xung đột và uẩn ức kép dài, tại phần chìm của tảng băng thì không được soi tới. Phần đông người Việt, dù còn chưa chấp nhận, thì vẫn chỉ xem đồng tính luyến ái là bệnh, không phải là “tệ nạn xã hội” cần phải tẩy trừ như mãi dâm, ma túy. Nhận định của Margie Mason, thường được thấy từ người nước ngoài, có lẽ vào thời điểm này là hơi quá (người dịch).

Nguồn: Margie Mason viết cho Associated Press (AP). Bài này nguyên tá»±a là “Hit Vietnam TV Show Tackles Gay Issues”, viết từ TP. HCM, ngày 11 tháng Chín 2004.