trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
25.10.2008
Phạm Phú Đức
Barack Obama sẽ chuyển hoá
 
Trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chỉ còn vỏn vẹn 2 tuần nữa là kết thúc, hầu hết kết quả của các cuộc thăm dò dư luận quần chúng Hoa Kỳ đều thống nhất rằng thượng nghị sĩ Barrack Obama luôn dẫn đầu thượng nghị sĩ John McCain (có lúc 5 đến 10 phần trăm, có khi 10 đến 14, tuỳ mỗi tổ chức thực hiện và tuỳ thời điểm mà kết quả khác nhau). Sau bốn lần tranh luận, ba dành cho ứng viên Tổng thống và một dành cho ứng viên phó Tổng thống, McCain không những không quay ngược được tình thế trong lần cuối mà còn bị thua đậm hơn. [1] Cho nên, trừ khi có chuyện phi thường xảy ra, xác xuất liên danh Obama - Biden sẽ vào Nhà Trắng vào đầu năm 2009 là điều khó có thể bị đảo ngược bởi liên danh McCain - Palin.

Nhìn thoáng qua trên phương diện báo chí và dư luận quần chúng Hoa Kỳ lẫn quốc tế, Obama đã vượt McCain khá xa. Theo tổng kết của tạp chí thương mại The Editor and Publisher [2] thì sau khi hai nhật báo lớn hàng đầu của Mỹ The Washington Post and The Los Angeles Times chính thức trình bày quan điểm ủng hộ Obama có đến 51 tờ báo lớn ủng hộ Obama trong khi chỉ có 16 ủng hộ McCain; đây là lần đầu tiên tờ The Chicago Tribune, kể từ khi thành lập năm 1847 đến nay, đứng ra ủng hộ một ứng viên Đảng Dân chủ. Ngoài ra, Obama là người có khả năng thu hút các đám đông lớn kỷ lục trong và ngoài Hoa Kỳ. Thí dụ, vào thứ bảy 18/10 vừa qua, có hơn 100.000 người tại thành phố St Louis, tiểu bang Missouri, nơi từng ủng hộ Đảng Cộng hoà và Tổng thống George W Bush hai kỳ bầu cử trước đây, và hơn 75.000 người tại Kansas City đến nghe Obama diễn thuyết. [3] Đây là những đám đông lớn nhất tại Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử này, chỉ sau con số 200.000 người tại Berlin (Đức quốc) đến nghe Obama diễn thuyết vào tháng 7 năm nay. Theo thống kê mới nhất, khoảng 2/3 dân Úc sẽ ủng hộ Obama trong khi chỉ có 1/3 ủng hộ McCain, và trung bình thì trên thế giới, số lượng ủng hộ Obama cao gấp 4 lần McCain. [4] Ngoài Hoa Kỳ, các tạp chí uy tín như The Economist của Anh hay nhật báo hàng đầu của Úc The Age, [5] và còn rất nhiều cơ quan truyền thông ngôn luận trên khắp thế giới, đặc biệt tại châu Âu, đã chính thức hoặc bán chính thức bày tỏ sự ủng hộ dành cho Obama.

Nếu công dân Mỹ hồi hộp mong chờ kết quả bầu cử kỳ này bao nhiêu thì, ở một khía cạnh nào đó, người dân ở khắp nơi trên thế giới cũng nóng lòng không kém cho một kết quả, theo Obama hay McCain. Thật vậy, tình hình chính trị, kinh tế cũng như chính sách ngoại giao, thương mại và an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ mang tầm ảnh hưởng quốc tế kể từ đầu thế kỷ 20, đặc biệt từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, cho nên từ Hà Nội đến Bắc Kinh, từ Paris đến London, v.v… đều mong muốn ứng cử viên với các chính sách thuận lợi cho mình đắc cử (hay bất lợi… hơn khỏi đắc cử), dù đó là vì lý do kinh tế, chính trị, an ninh hay các vấn đề môi trường, ngoại viện v.v… Do đó các cuộc tranh luận chính trị để phân định ứng viên Tổng thống nào là người thông minh và nhạy bén, bản lãnh và điềm đạm, tầm nhìn và hùng biện v.v… đã được khắp nơi theo dõi một cách kỹ lưỡng.

Quan sát bốn cuộc tranh luận vừa qua, thì đúng như tạp chí The Economist nhận định, cuộc tranh luận lần ba ngày 15/10 thu hút hơn nhiều so với hai lần đầu khá buồn ngủ: lần này hai ứng viên bàn những vấn đề có chất lượng, trao đổi những cú đòn sắt bén, và phần lớn không lặp đi lặp lại những điểm đã nói. [6] McCain, vì là người bị bỏ đằng sau vào thời điểm đó và vì đây cơ hội tốt nhất cuối cùng để thuyết phục những thành phần đang phân vân, lưỡng lự thay đổi quan điểm, đã tận dụng thời cơ để tấn công tới tấp vào Obama. Chẳng hạn, McCain luôn tìm cách quy cho Obama các điều như sau: một, Obama chủ trương tăng thuế, trong khi McCain tin rằng tăng thuế trong nền kinh tế khó khăn hiện nay không những không cần thiết mà còn gây thêm khó khăn cho mọi người; hai, Obama nghĩ rằng chính quyền là lời giải cho những vấn đề của Mỹ hiện nay, trong khi McCain luôn đề cao vai trò và khả năng của người dân để cùng giải quyết. Cũng vì thế nên McCain cho rằng lời giải của Obama là rất tốn kém vì phải luôn chi tiền, vân vân.

Trong khi đó, mặc dầu bị McCain tấn công liên tục, Obama luôn giữ thái độ bình tĩnh và không hề bối rối. Khi bị quy oan một cách quá đáng, Obama chỉ mỉm cười, nhưng chính vì phong cách điềm đạm như thế nên Obama chiếm được cảm tình của khán thính giả và duy trì thế thượng phong. Chiến lược của Obama, trong ba lần tranh luận, cũng như trong hầu hết các chiến thuật tấn công McCain, là quy McCain liên hệ mật thiết với Tổng thống George W Bush, đặc biệt về chính sách kinh tế. Cũng cần nhớ là một năm về trước, điểm khác biệt lớn giữa McCain và Obama chủ yếu là về vấn đề Iraq; còn các vấn đề khác như môi trường, năng lượng, ngoại giao v.v… tuy khác nhau rõ rệt nhưng không nổi bật bằng. Quan điểm của Obama là nếu được đắc cử Tổng thống sẽ rút quân khỏi Iraq trong một thời gian ngắn nhất định, và cần phải tăng quân viện cho chiến trường Afghanistan, nơi Obama khẳng định là tiền đồn của quân khủng bố Al-Qaeda gây ra biến cố 11/9. Trong khi đó, McCain quả quyết là dù mất bao lâu đi nữa Hoa Kỳ cũng sẽ phải chiến đấu ở Iraq và trở về với chiến thắng chứ không thể chiến bại. Nhưng thế trận đã đổi hướng đáng kể kể từ khi khủng hoảng thị trường tài chánh Hoa Kỳ rồi lan rộng sang tầm quốc tế vào những tuần qua, và nay thì vấn đề Iraq không còn là mối bận tâm lớn của người Mỹ. Cơ hội có một không hai đã đến, cho nên Obama và Đảng Dân chủ tập trung tấn công McCain và Đảng Cộng hoà bằng cách thuyết phục dân chúng Hoa Kỳ rằng thêm một nhiệm kỳ McCain chính là sự kéo dài của triều đại Bush thêm bốn năm nữa, mà đó là biểu tượng của sự thất bại về kinh tế và ngoại giao. Và chiến thuật này dường như rất hiệu quả. Chính vì thế, trong cuộc tranh luận lần ba, McCain đã bực mình cãi chính rằng Obama đã không công bằng khi giả bộ như không có sự khác biệt nào giữa ông và Tổng thống Bush. McCain nói: “Tôi không phải là Tổng thống Bush. Còn nếu như ông (Obama) muốn tranh cử với Tổng thống Bush thì nên ra cách đây 4 năm”.

Tóm lại, trước làn sóng bất mãn và phẫn uất của người Mỹ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ đang bước vào tình trạng suy thoái và chưa thật sự bước ra khỏi sự khủng hoảng thị trường tài chánh quốc tế, Obama khôn khéo lợi dụng mọi cơ hội để mang đề tài kinh tế ra nói và luôn tìm cách ám chỉ sự liên hệ mật thiết giữa McCain và chính phủ Bush. [7] Dù có tài giỏi cách mấy thì McCain cũng khó thoát được những ảnh hưởng dây chuyền chính trị như thế này.

Nhìn chung, có rất nhiều điều rất đáng học và đáng bàn về cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ trọng đại lần này. Riêng tôi cảm nhận rằng theo dõi cuộc đua vào Nhà trắng từ phương xa cũng có nhiều cái hay lẫn dở. Dở, là vì nếu chỉ theo dõi các cuộc vận động và tranh luận qua các cơ quan truyền thông trong và ngoài Hoa Kỳ, đặc biệt đối với trường hợp của tôi là từ Úc, thì tất nhiên luôn có những giới hạn của nó, về số lượng lẫn chất lượng. Hơn nữa, khi đứng từ phương xa thì luôn có những vấn đề hay tình tiết mà khó thấy hay nghe nếu ở gần. Tuy nhiên, cũng chính trong cái dở như thế thì lại có cái hay. Đó là vì không là công dân Mỹ nên không nhất thiết phải có thái độ, đặc biệt là thái độ chọn lựa bằng lá phiếu, vì thế cho nên không bị lôi kéo. Hơn nữa, tôi lại có cơ hội nhìn sự kiện ở mức độ tương đối khách quan hơn. Với cái nhìn như thế, tôi xin được bàn về ba vấn đề: một, là về các cuộc vận động tranh cử tiêu cực; hai, là về tính trung thành đối với đảng; và ba, là về một phong cách lãnh đạo Hoa Kỳ cần phải được sự yểm trợ của quốc tế.

Về vấn đề thứ nhất, giống như mọi cuộc tranh cử chính trị ở mọi nơi, các hình thức vận động tranh cử đều không miễn nhiễm tính tiêu cực; nghĩa là luôn có các trò chơi xấu, ít hay nhiều. Vì bên nào cũng chủ quan cho mình là xứng đáng hơn đối thủ của mình do đó một mặt đề cao các sở trường của mình, mặt khác, hạ thấp đối thủ cũng như tấn công vào các sở đoản của đối thủ. Ở các xã hội dân chủ văn minh thì các trò chơi xấu có thể nói tương đối ít hơn nhiều so với các nơi chuyên dùng các thủ đoạn chính trị, kể cả thủ tiêu và đàn áp phía đối lập một cách tàn bạo, chẳng hạn như tại Zimbabwe và nhiều nơi khác. Nhưng trong thể chế dân chủ lâu đời, nơi người dân đủ hiểu biết để đóng vai trò quyết định và trọng tài thật sự (nghĩa là không dễ gì qua mặt họ bằng những cáo buộc, chụp mũ rẻ tiền), và nơi mà các cơ quan truyền thông đóng vai trò thông tin độc lập đúng đắn, thì chơi xấu sẽ bị phản tác dụng hay phỏng tay.

Trong kỳ bầu cử này, các quảng cáo chính trị đối với cả hai bên trên đài truyền hình Mỹ cũng mang nhiều thông điệp tiêu cực và những cáo buộc hàm hồ. Vì thế nên trong cuộc tranh luận lần ba, người điều hợp chương trình ông Bob Schieffer (thuộc CBS News) đã đặt thẳng câu hỏi với hai ứng viên Obama và McCain về (tư cách) lãnh đạo: với thượng nghị sĩ Obama, Schieffer hỏi tại sao chiến dịch vận động lại dùng những từ như thất thường, láo, giận dữ v.v… để ám chỉ thượng nghị sĩ McCain; và tương tự với thượng nghị sĩ McCain, thì tại sao các quảng cáo lại dùng những từ như bất kính, nguy hiểm, đáng hổ thẹn cũng như “giao du với mấy tên khủng bố” (từ miệng Sarah Palin, nguyên văn “palled around with terrorists”) v.v… để ám chỉ thượng nghị sĩ Obama? Schieffer hỏi Obama và McCain: “Tối nay mỗi người có sẳn sàng ngồi xuống bàn này để nói thẳng vào mặt nhau về những gì chiến dịch của mình và nhân sự trong chiến dịch của mình đã nói về nhau không?” [8]

Tôi cho rằng đây là câu hỏi rất thích đáng, rất thẳng thắn và cũng rất cần thiết mà trước mặt nhau, và nhất là trước mặt hàng trăm triệu người theo dõi trên khắp thế giới, thì nếu còn liêm sĩ và tư cách, phải có những lý do chính đáng lắm mới trả lời một cách thoả đáng.

McCain là người trả lời trước. Ông đã nói vòng vo, và đó là điều dễ hiểu, bởi câu hỏi quá thẳng mà trả lời thật thì không xong, trả lời giả cũng … không xong, trong khi khán thính giả đang nghe là những cử toạ rất hiểu biết và trình độ. Ông xác nhận đây là một chiến dịch rất gay go. Rồi ông cho rằng vì không tranh luận tại nhiều nơi theo kiểu Townhall mà ông có đề nghị, vừa thân mật vừa chi tiết, nên có những đáng tiếc xảy ra. Rồi ông trưng bằng chứng về dân biểu John Lewis vu khống ông và Palin có liên hệ đến chương lịch sử tồi tệ nhất của Hoa Kỳ, nhưng thượng nghị sĩ Obama lại không bác bỏ những lời đó, và điều đó làm ông đau lòng. Trong khi đó, McCain cho rằng khi có bất cứ một lời quá đáng nào từ phía Cộng hoà thì ông luôn bác bỏ nó. Ngoài ra, McCain nói: “Thượng nghị sĩ Obama đã chi tiền cho các quảng cáo tiêu cực hơn bất cứ cuộc vận động chính trị nào trong lịch sử Hoa Kỳ, và tôi có thể chứng minh điều đó”.

Obama phản bác lại lập luận của McCain. Trước hết, Obama khẳng định rằng qua cuộc thăm dò dư luận trên chính hệ thống truyền hình CBS News thì kết quả xác định là hai phần ba người Mỹ nghĩ thượng nghị sĩ McCain thực hiện cách vận động tiêu cực trong khi chỉ có một phần ba nghĩ như thế đối với chiến dịch của ông. Obama cũng bác bỏ ý kiến về Townhall vì dù với lý do gì đi nữa thì nó không biện minh được những hình thức tiêu cực đã xảy ra. Đặc biệt Obama đã chiếm được ưu thế bằng cách: một, cho rằng người dân Mỹ ít quan tâm đến những cảm xúc bị tổn thương của chúng ta (tức của Obama và McCain) mà chỉ muốn nghe những gì ảnh hưởng sâu sắc đối với họ; hai, khẳng định nếu ông có bị tấn công thì cũng chẳng sao, nhưng điều mà người dân Mỹ không thể chịu nỗi là thêm 4 năm nữa với chính sách kinh tế tồi bại và dường như không có gì thay đổi cả.

Tất nhiên sau đó là tranh cãi qua lại mà mỗi người đều tìm cách trưng bằng chứng và lý cớ khác nhau, và đương nhiên không ai chịu nhường ai. Tuy vậy, cái khôn ngoan và nhạy bén của Obama là ở chỗ ông không bị sa lầy và lôi cuốn vào trận địa mà chưa chắc gì thuyết phục hay chiếm được cảm tình người nghe. Ngược lại, ông luôn tìm cách mở lối để vượt qua những đôi co như thế và khéo léo mang đề tài kinh tế trở lại để tấn công McCain. Tuy tranh luận với McCain, Obama không nhắm đến chuyện ăn thua với McCain mà chủ yếu nhằm thuyết phục khán thính giả. Obama kết luận: “Điều quan trọng ở đây là, mặc dầu người Mỹ trở nên rất hoài nghi về chính trị, bởi vì tất cả những gì họ thấy là ăn thua đủ với nhau (tit-for-tat) và lập đi lập lại (back and forth). Và điều họ muốn là khả năng tập trung (giải quyết) những thử thách thật là to lớn mà chúng ta đang đối diện”. Rõ ràng, về tài hùng biện và nhạy bén, Obama chứng tỏ ông trên tay McCain. Ngay cả khi McCain mang sự quan hệ trước đây của Obama, đặc biệt với một người từng là khủng bố như Bill Ayers hay tổ chức ACORN thì Obama đã điềm tỉnh trả lời một cách thoả đáng, hơn nữa, quay ngược thế thủ thành thế thắng, làm cho McCain trở nên hơi nhỏ nhen khi mang đề tài đó ra nói.

Về vấn đề thứ hai, nói đến hoạt động chính trị là nói đến quyền lực và sự trung thành đối với đảng hay phe cánh hay một thiểu số đang nắm quyền lực trong tay. [9] Do đó, một nhà khoa học chính trị hay một lý thuyết gia chính trị có thể tương đối đứng độc lập, nhưng một nhà hoạt động chính trị thì không thể. Họ phải chịu lắm ảnh hưởng từ nhiều khuynh hướng và nhân vật khác nhau, nhất là đối với đảng họ tham gia. Do đó, trong nền dân chủ nơi người dân mới thật sự nắm quyền quyết định số mệnh của các chính trị gia, chứ không phải đảng như trong các chính thể độc tài, thì thế đu dây hay cân bằng giữa đảng và quần chúng là một nghệ thuật quan yếu đối với các chính trị gia lão luyện. Họ cần phải chứng tỏ, một mặt, là một đảng viên trung thành và, mặt khác, là người có tư duy độc lập, không phải đảng nói gì cũng nghe (bởi nếu đảng nói gì cũng nghe thì chỗ đứng của người dân ở đâu!). Vào lúc mà kinh tế đi xuống, an ninh bất ổn, người dân bất mãn muốn thay đổi nguyên trạng, nghĩa là khi họ không mấy thiện cảm với đảng cầm quyền lúc đó và muốn thay đổi một đảng mới lên nắm quyền, thì đối với một ứng viên của đảng đang cầm quyền, muốn lật ngược ván cờ quả là gian nan. Nó đòi hỏi một người có bản lãnh cao, thành tích lớn và có khả năng thuyết phục người dân tin tưởng và tín nhiệm mình. Hơn nữa, cũng phải can đảm phê bình đảng, một số chính sách của đảng, hay một số nhân vật gạo cội trong đảng, khi cần. Thượng nghị sĩ McCain là người ở trong trường hợp này, cho nên đang lao đao vất vả thuyết phục người dân Hoa Kỳ tín nhiệm ông.

McCain thừa biết sự ủng hộ của người Mỹ dành cho Tổng thống Bush, cũng như dành cho đảng Cộng Hoà, đã xuống rất thấp qua cuộc chiến Iraq, và thê thảm hơn nữa qua cuộc khủng hoảng thị trường tài chánh vừa rồi. Cũng vì thế nên một trong những điểm then chốt ông muốn nhắn gửi đến cử tri qua cả ba cuộc tranh luận rằng ông và thống đốc Palin đều là những người cải cách (reformer), cho nên luôn quan tâm làm sao có thể canh tân cho tốt hơn. Như thế cũng có nghĩa là luôn sẵn sàng làm việc với nhân sự từ các đảng khác (Dân chủ), tức phải cố gắng thoả hiệp, cộng tác để đi đến một kết quả chung có lợi cho các bên. Và như thế thì McCain cũng hàm ý rằng ông là người phóng khoáng, thông thoáng, không bảo thủ, không giáo điều, không cứng ngắt ý thức hệ và cũng không dễ bảo “tuyệt đối trung thành với đảng”. Vì vậy, trong cuộc tranh luận lần đầu, McCain nói rằng ông không phải là người được ưa chuộng gì đối với chính phủ hiện nay hay với Đảng Cộng hoà. Ông khẳng định đã từng phản đối lại cách chi tiêu của Tổng thống (Bush), cũng như phản đối các chính sách về thay đổi khí hậu, về sự ngược đãi đối với tù nhân chính trị tại Guantanamo Bay, hay về cách thi hành chiến tranh Iraq. [10] Ông tự hào là người có tư duy độc lập và là một nhà hoạt động tự do (maverick) ở thượng viện. Trong cuộc tranh luận lần hai, [11] McCain đã nhiều lần nhấn mạnh yếu tố tin tưởng, tín nhiệm (trust), và khẳng định rằng người Mỹ có thể tin ông qua những thành tích mà ông đã đạt được, nhất là tinh thần không phe phái (tức lưỡng đảng) cũng như khả năng, kinh nghiệm và quan điểm của ông về vấn đề kinh tế, năng lượng - dầu hoả, môi trường v.v... Trong cuộc tranh luận lần ba, vì Obama luôn mang đề tài kinh tế ra thách thức McCain, đối chiếu những lần bầu bán ở thượng viện về chính sách kinh tế của Tổng thống Bush trước đây, cụ thể là McCain đã tán thành 4 trên 5 ngân sách này, nên McCain cũng “tố” lại rằng chính Obama đã bầu cho ngân sách hai năm qua mà trong đó tổng chi đã nhiều hơn 24 tỷ đô la ngân sách chính phủ Bush đề nạp. Sau đó McCain khẳng định ông là người chống lại chi tiêu (thái quá), chống lại các quyền lợi đặc biệt, luôn tranh đấu để cải tổ, và thách thức Obama kể ra được một lần mà Obama đã chống lại lãnh đạo đảng của mình trên một vấn đề lớn. Tuy Obama có kể ra được vài điều nhưng so với McCain thì hiển nhiên không có gì nổi bật lắm.

Nói chung, về mặt có gan, có chí, dám nói và dám làm thì McCain đúng là một người khó ai sánh kịp. Bằng chứng về đức tính này của ông thì quá rõ ràng, kể cả thời gian ông bị giam trong tù cộng sản Việt Nam. Tóm lại, về khía cạnh này, McCain chứng tỏ là người có khả năng hơn Obama.

Về vấn đề thứ ba, mặc dầu cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ lần này mang tính cách quan yếu đối với các vấn đề quốc nội, nghĩa là ưu tiên vẫn là phải vực dậy nền kinh tế, ổn định thị trường tài chánh, thay đổi chính sách về năng lượng, môi trường, giáo dục, y tế v.v…, nhưng vấn đề đối ngoại cũng vô cùng quan trọng để xây dựng lại uy tín và tư thế của Hoa Kỳ trên thế giới.

Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống vừa qua, chủ trương đơn phương hành động (unilateralism) của Tổng thống Bush, đặc biệt qua cuộc chiến Iraq, đã gây lắm thiệt hại đối với các định chế quốc tế và cho uy tín của Hoa Kỳ, mặc dầu nó đã giúp cho người dân Iraq cơ hội để chấm dứt độc tài và xây dựng dân chủ. Cũng xin nhắc lại là kể từ đầu thập niên 1940 cho đến thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ cùng với các đồng minh (đặc biệt từ Châu Âu) sáng lập các định chế quốc tế, từ Liên hiệp Quốc đến Ngân hàng Thế giới (World Bank) đến Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đến Liên minh Bắc đại Tây dương (NATO) v.v… Các định chế này đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát huy tự do, dân chủ và nhân quyền, mở rộng nền kinh tế thị trường cũng như kiết thiết xây dựng lại các quốc gia đã suy sụp sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Sau khi Liên Xô sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt, các định chế này vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng để duy trì hoà bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu cần thiết mà ai cũng thấy là phải cải tổ cho phù hợp với tình thế ngày nay. Nói cách khác, kiến trúc của các định chế này có thể thích hợp vào thời chiến tranh lạnh, nhưng giờ đây thế giới đã thay đổi rất nhiều. Cho dù nó có bó buộc các hành động của Hoa Kỳ thì không phải vì thế mà coi thường nó, bởi thái độ này dễ dẫn đến một tiền lệ nguy hiểm, bất chấp luật pháp quốc tế từ các nước khác. Vì thế, dù gì đi nữa cũng phải nỗ lực duy trì tính cách cộng tác ở tầm quốc tế bởi rất nhiều các thử thách của nhân loại hiện nay, từ môi trường sống đến năng lượng đến các vấn đề tự do dân chủ và nhân quyền đều cần tính hợp tác xuyên quốc gia. Thế nhưng, một chính phủ Mỹ, dù mục tiêu có đúng mấy đi nữa, nhưng coi thường Liên Hiệp Quốc và đơn phương hành động, thì rất nhiều người, không riêng gì Châu Âu, không chịu thái độ như thế. Nhiều người quan niệm rằng dù có mục tiêu đúng, nhưng cách làm không đúng, thì vẫn không chính đáng và, hơn nữa, có thể đưa đến những tiền lệ không tốt về sau.

Cũng vì một số chính sách và hành động đơn phương từ chính phủ Bush trong những năm qua nên quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, vốn là đồng minh thân thiết thời chiến tranh lạnh, đã trở nên lạnh nhạt hơn và tệ hại hơn dưới thời Tổng thống Bush. Nhà khoa học chính trị Robert Kagan đã viết bài “Sức mạnh và sức yếu” (power and weakness) [12] để biện luận quan điểm khác biệt về quyền lực và chính sách ngoại giao của hai bên bờ Đại Tây dương, và ví von rằng “Người Mỹ là từ sao Hoả, người Âu Châu là từ sao Kim” (Americans Are From Mars, Europeans From Venus). Thế nhưng những nhận định như thế cũng chỉ gây thêm tranh luận một thời, bởi khi thượng nghị sĩ Obama viếng thăm châu Âu thì được đón chào một cách rất đặc biệt. Tại Berlin, như đã nói trên, có hơn 200,000 người đến nghe Obama diễn thuyết. Điều này cho thấy người Âu Châu không có lý do gì để thù ghét hay ác cảm đối với người Mỹ, ngược lại vẫn còn mang ơn Hoa Kỳ đã có công lớn trong chiến lược ngăn chặn và bảo vệ an ninh trước sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản thời Sô Viết.

Tất nhiên, rõ ràng thượng nghị sĩ McCain không là Tổng thống Bush. Nhưng ông có nhiều quan điểm mà người Mỹ cũng như đa số dân Châu Âu cảm thấy ít nhiều liên hệ đến hai nhiệm kỳ qua: một phần vì chính McCain bỏ phiếu chấp thuận đánh Iraq, hơn nữa giữ vững lập trường duy trì quân đội ở đó cho đến khi ổn định (tuy đây là một quan điểm đứng đắn); phần khác, ông cũng là đảng viên Đảng Cộng hoà, được xem là bảo thủ hơn Đảng Dân chủ, và có một số quan điểm tương đồng với chính phủ Hoa Kỳ hiện tại. Do đó, mặc dầu về mặc ngoại giao và an ninh quốc phòng, thượng nghị sĩ McCain được xem là người có kinh nghiệm và khả năng hơn thượng nghị sĩ Obama, đặc biệt là 21 năm kinh nghiệm ở thượng viện trong khi Obama chỉ có 4 năm, thế nhưng quan điểm về chính sách ngoại giao của Obama mang tính cách đa phương (multilateralism), nên được nhiệt liệt tán thành ở ngoài nước Mỹ. Nghĩa là, theo ngôn ngữ chính trị, Obama là người theo trường phái chủ nghĩa quốc tế phóng khoáng (liberal internationalism), khác hẳn với chủ nghĩa hiện thực chính trị (political realism) hay chủ nghĩa tân bảo thủ (neo-conservative) mà Tổng thống Bush là một hiện thân. Chủ nghĩa quốc tế phóng khoáng đề cao sự hợp tác xuyên quốc gia, nhấn mạnh tính tương quan quyền lợi, và duy trì và phát huy các định chế quốc tế (như UN và WTO), luật pháp quốc tế v.v… Cũng vì thế nên không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ người ở ngoài Mỹ ủng hộ thượng nghị sĩ Obama gấp bốn lần thượng nghị sĩ McCain, như đề cập ở trên.


Vài điều kết luận

Cuộc đua vào Nhà trắng kỳ này mang nhiều tính lịch sử. Thứ nhất, nếu liên danh McCain - Palin đắc cử thì sẽ có người phụ nữ đầu tiên làm phó Tổng thống, và nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra cho McCain thì không chừng Hoa Kỳ sẽ có vị nữ tổng tư lệnh đầu tiên. Thứ hai, giữa Đảng Dân chủ với nhau, nếu thượng nghị sĩ Obama có thua hay thắng thượng nghị sĩ (Hillary) Clinton đi nữa thì, hoặc một người phụ nữ đầu tiên làm ứng viên Tổng thống và có khả năng làm nữ Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ ngày thành lập đến nay nếu thắng McCain; hoặc là người da đen gốc Phi châu (chứ không phải con cháu của người da đen nô lệ như tuyệt đại đa số dân Mỹ gốc Phi châu khác tại Hoa Kỳ) đầu tiên làm Tổng thống Hoa Kỳ.

Rõ ràng đây là bước ngoặc lịch sử lớn của Hoa Kỳ, điều mà chỉ cách đây bốn thập niên vẫn chỉ là một giấc mơ không tưởng, lúc mà vấn đề phân biệt chủng tộc vẫn còn bao trùm xã hội. Vậy mà cũng thế hệ đó, thế hệ thanh niên của thời 1960, cùng thời với thượng nghị sĩ McCain, và cũng có người từng chiến đấu bên cạnh McCain thời chiến tranh Việt Nam, giờ đây muốn một khuôn mặt mới, một làn gió mới tại Washington DC. Ngay cả đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng hoà và là cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bush, Colin Powell, trên chương trình NBC “Meet the Press” đã tuyên bố rằng thượng nghị sĩ Obama đã hội đủ tiêu chuẩn để trở thành vị tổng tư lệnh bởi vì có khả năng động viên người Mỹ ở mọi lứa tuổi, sắc tộc và sắc thái chính trị. [13] Powell đã bày tỏ sự lo ngại đối với Đảng Cộng hoà đã rẽ hướng quá nhiều sang phía hữu, trong khi đó Powell cho rằng Obama lại vượt qua thử thách trong nhiều tuần qua để biểu lộ phong cách của một Tổng thống: “Ông ấy (Obama) chứng tỏ một sự chín chắn, một sự hiếu kỳ rất trí thức, một chiều sâu kiến thức và một phương pháp nhìn vào các vấn đề (kinh tế) như thế này, và đã chọn người phó Tổng thống (Joseph Biden) mà tôi nghĩ là sẵn sàng để trở thành Tổng thống trong ngày đầu”.

Ngoài ra, bản lãnh chính trị, tài năng hùng biện cũng như phong cách của Obama cũng được thể hiện một cách đầy ấn tượng qua các kỳ tranh luận. Obama lắng nghe một cách lễ phép, tương kính khi đối thủ mình phát biểu, và cho dầu có vài điểm tranh luận của Obama không ấn tượng hay có thể hơi yếu ớt, nhưng tác phong (body language) của Obama, theo The Economist, là không thể chê vào đâu được.

Tất nhiên, trong chính trị chuyện gì cũng có thể xảy ra, và không có gì chắc chắn hoàn toàn cả. Thăm dò dư luận không phải là khoa học hoàn toàn, theo ý nghĩa là lúc nào cũng đúng, mà thỉnh thoảng cũng có sai, kể cả cái gọi là hiệu ứng Bradley (Bradley effect). Nếu chuyện này xảy ra thì điều giải thích hợp lý nhất là người Mỹ vẫn còn kỳ thị người da đen. Dù sao từ đây đến ngày bầu cử 4/11, là người kiên cường như McCain thì không dễ gì bỏ cuộc. Chẳng hạn, mới đây McCain còn quy chụp chính sách của Obama có xu hướng “chủ nghĩa xã hội”. [14] Khi bị hỏi vặn có nghĩ Obama là người theo chủ nghĩa xã hội (socialist) không thì McCain nhún vai trả lời: “Tôi không biết”. Nhưng một phát ngôn viên của McCain bảo rằng phân chia của cải tức là chủ nghĩa xã hội (spreading the wealth around is socialism), mặc dầu trên thực tế Obama chỉ dự định tăng thuế đối với các nguồn thu nhập cao hơn 250,000 Mỹ kim. Nhưng một chính sách thuế khoá như vậy cùng lắm chỉ theo chủ trương phúc lợi xã hội (social welfare), chứ hoàn toàn không theo chủ trương phân chia tài sản “đồng đều” gì hết, và nói chung thì khác xa một loại xã hội chủ nghĩa mà người Việt Nam không may nếm thử. Và mới đây nhất, thượng nghị sĩ McCain cảnh báo người Mỹ rằng ông đã từng sống trong thời bom đạn, thời nguyên tử, nên ở trong tư thế sẵn sàng để lãnh đạo Hoa Kỳ, không cần thời gian để thử nghiệm nữa (ý ám chỉ thượng nghị sĩ Obama thiếu kinh nghiệm đó, nên Obama sẽ thất bại khi gặp những thử thách to lớn như thế). [15] Tuy nhiên, cách so sánh như thế thiếu tính thuyết phục, bởi thế giới ngày nay đã khác rất nhiều so với thời chiến tranh lạnh.

Riêng quan điểm cá nhân tôi, khi quan sát thượng nghị sĩ Obama trải qua 18 tháng không ngừng nghỉ vừa qua để tranh đua với bao nhiêu đối thủ thượng thặng cho thấy một sự quyết tâm cao độ, một sự tự tin vững chắc, và một niềm tin sắt đá vào tương lai mà ông tin có thể đóng vai trò quan trọng trong đó. Thành thật mà nói lúc đầu tôi không phải là người ủng hộ thượng nghị sĩ Obama. Một trong những nguyên do chính yếu là vì chủ trương ban đầu của ông là rút quân khỏi Iraq trong một thời gian biểu nhất định (như từ 1-2 năm) một cách vô điều kiện, nghĩa là không cần biết tình hình an ninh tại Iraq ra sao. Tôi thấy đây là một quan điểm vừa thiếu đúng đắn vừa vô trách nhiệm. Tôi tự hỏi chẳng lẽ Hoa Kỳ không học được bài học gì hết sao khi đã tháo chạy như thế sau Hiệp định Paris (1973), để lại một đồng minh trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, không biết làm sao xoay xở khi quân đội miền Bắc đang cùng khắp miền Nam Việt Nam, để rồi sau đó đưa đến thảm nạn thuyền nhân, tù cải tạo và bao nhiêu thứ khác. Nhưng gần đây, dù sao đi nữa, thượng nghị sĩ Obama cũng đã thay đổi ít nhiều quan điểm, và bắt đầu nhìn nhận các vấn đề trong giải pháp mình đưa ra. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, một Tổng thống Hoa Kỳ như Obama tôi tin là sẽ mang lại một luồng gió mới, một phong cách mới, một niềm tin mới cho người Mỹ lẫn thế giới rằng Hoa Kỳ luôn thay đổi không ngừng, phần lớn cho tốt hơn, cho cơ hội bình đẳng hơn, vì thế bất cứ ai có năng lực và bản lãnh, dù nguồn gốc đến từ đâu, đều có thể đứng ra đảm nhiệm vai trò quan trọng hàng đầu của quốc gia này. Ở trên bình diện đó, tôi cũng tin rằng chính Obama cũng sẽ góp phần xây dựng lại uy tín và tư thế của Hoa Kỳ trên thế giới cũng như góp phần cải tổ các định chế quốc tế và củng cố quan hệ ngoại giao ở khắp nơi, đặc biệt giúp cho các nước chậm tiến ở Phi Châu được phát triển một cách bền vững hơn.

Tóm lại, thượng nghị sĩ Obama là người phải có tài năng đặc biệt lắm, nếu không làm sao có thể có những nhân vật gạo cội như cựu Tổng thống Bill Clinton hay chính phu nhân thượng nghị sĩ Hillary Clinton trước đây từng tranh cử gắt gao với ông mà bây giờ đang ráo riết vận động cho ông. Nếu không đặc biệt thì làm sao vừa được Đảng Dân chủ tín nhiệm làm ứng viên Tổng thống, vừa chiếm được cảm tình của đa số giới trí thức và được đa số dân chúng ủng hộ (theo tỷ lệ 53-39 hoặc 52-38). Nếu không đặc biệt thì làm sao cựu ngoại trưởng thuộc Đảng Cộng hoà Colin Powell lại dám “xé rào” hay nói theo một loại ngôn ngữ là “phản đảng” để công khai ủng hộ một ứng viên thuộc đảng đối lập với mình.

Nói như Powell thì thượng nghị sĩ Barack Obama quả là một nhân vật chuyển hoá (transformational figure). Và nếu thắng cử, việc Tổng thống Obama sẽ làm được gì cho Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung lại là một chuyện khác, bởi nó còn tuỳ thuộc rất nhiều vào lắm yếu tố phức tạp chằng chịt ảnh hưởng lên nhau. Dù sao, nếu thượng nghị sĩ Obama được người dân Hoa Kỳ tín nhiệm kỳ này, vết nhơ của chế độ nô lệ trong lịch sử Hoa Kỳ phần nào đã được phai nhoà, tuy sự bất công và những hệ lụy của nó sẽ cần một thời gian dài mới phần nào được san bằng. Ngày 4/11 tới đây, người Mỹ chắc sẽ chính thức lật sang một trang sử mới với nhiều hứa hẹn cho một tương lai hy vọng cho chính mình và thế giới.

Melbourne, 22/10/2008

© 2008 talawas



[1]Trước cuộc tranh luận lần thứ ba vào tối thứ tư 15/10, cũng là lần cuối, Obama đã dẫn đầu McCain khoảng 10 điểm (tức phần trăm chỉ số thăm dò dư luận toàn quốc Hoa Kỳ). Sau tranh luận, khoảng cách điểm ủng hộ dành cho Obama so với McCain tăng lên gần 14 điểm, theo thăm dò của CBS and nhật báo the New York Times. Nhìn lại cuộc tranh luận lần thứ nhất thì khoảng cách giữa Obama và McCain không bao nhiêu, chênh lệch vài ba điểm, và sau kỳ hai thì tăng lên vài điểm nữa. Hiện tại Obama đang dẫn đầu McCain trung bình trên 10 điểm, tuỳ theo mỗi cơ quan thăm dò dư luận mà số điểm khác nhau.. Xin đọc the Economist, “In poll position”, Oct 17th 2008,
http://www.economist.com/world/unitedstates/displayStory.cfm?story_id=12448053&source=features_box2.
[2]Theo thông tấn xã AFP. Bản tin này được đăng trên báo The Age, “US newspapers endorse Obama for president”, October 18, 2008, http://www.theage.com.au/world/us-election-2008/us-newspapers-endorse-obama-for-president-20081018-53gc.html?page=-1.
[3]Theo thông tấn xã AFP. Bản tin này được đăng trên báo The Age, “Obama tells 175,000 supporters: change is coming”, October 19, 2008, http://www.theage.com.au/world/obama-tells-175000-supporters-change-is-coming-20081019-53v8.html?page=-1.
[4]AFP, “Two-thirds of Aussies want President Obama: poll”, October 22, 2008, http://www.abc.net.au/news/stories/2008/10/22/2398181.htm.
[5]Đọc kỹ các bài bình luận và quan điểm của The Economist và The Age thì sẽ nhìn ra được quan điểm của các tờ báo này dành cho Barack Obama. Thí dụ, xin đọc The Age, “Tense times in Tennessee as the campaign hots up”, October 9, 2008, http://www.theage.com.au/opinion/editorial/tense-times-in-tennessee-as-the-campaign-hots-up-20081008-4ws4.html?page=-1.
[6]The Economist, “The last word”, Oct 16th 2008, http://www.economist.com/displaystory.cfm?source=most_commented&story_id=12414271&CFID=27265383&CFTOKEN=78810173.
[7]CNN, “McCain, Obama go head to head in last debate”, October 15, 2008, http://edition.cnn.com/2008/POLITICS/10/15/debate.transcript/index.html.
[8]Bản ghi từ cuộc tranh luận thứ ba giữa TNS Obama và TNS McCain (trên CNN và nhiều cơ quan truyền thông khác). CNN, “McCain, Obama go head to head in last debate”, October 15, 2008, http://edition.cnn.com/2008/POLITICS/10/15/debate.transcript/index.html.
[9]Ở đây, chúng ta có thể thấy rằng trong trường hợp Việt Nam, vì chỉ có một Đảng (Cộng sản Việt Nam), mà Đảng lại tự ban cho mình quyền lãnh đạo tối cao của nhà nước, của dân tộc, cho nên khi có một ai đó từ bỏ Đảng, đi tố cáo những sai lầm của Đảng, thì bị cho là phản Đảng, và rồi cũng bị ghép luôn tội phản bội dân tộc, tổ quốc v.v… Trong khi đó, nếu có đa nguyên đa đảng, và khi tất cả các đảng đều hoạt động vì dân, vì nước, thì một khi có ai đó đi vạch trần những điều sai trái trong đảng thì không có đảng nào lại dám hàm hồ bảo rằng người đó đã phản bội dân tộc, tổ quốc gì cả. Cho nên độc đảng nó nguy hiểm và tai hại như thế đó.
[10]CNN, “Transcript of presidential debate”, September 26, 2008, http://edition.cnn.com/2008/POLITICS/09/26/debate.mississippi.transcript/index.html.
[11]CNN, “Transcript of second McCain, Obama debate”, October 07, 2008, http://edition.cnn.com/2008/POLITICS/10/07/presidential.debate.transcript/index.html.
[12]Robert Kagan, “Power and weakness”, Policy Review, No. 133, June 2002
[13]The Age, “Obama wins Colin Powell's endorsement”, October 20, 2008, http://www.theage.com.au/world/us-election-2008/obama-wins-colin-powells-endorsement-20081020-544k.html?page=-1.
[14]CNN, “McCain, Palin hint that Obama's policies are 'socialist'", October 18, 2008, http://edition.cnn.com/2008/POLITICS/10/18/campaign.wrap/index.html.
[15]The Age, “McCain raises spectre of nuclear war”, October 22, 2008,
http://www.theage.com.au/world/us-election-2008/mccain-raises-spectre-of-nuclear-war-20081022-55qi.html.