trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
6.9.2008
Trần Hoàng, Hữu Vinh
Giáo dục Việt Nam: cải cách nửa phần
 
Nhiều năm nay, trong các trường phổ thông ở Việt Nam, câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã trở thành quen thuộc. Nhưng không rõ liệu có bao nhiêu thầy, trò tự giải thích cái ý nghĩa của câu ngạn ngữ ấy, và họ giải thích ra sao? “Văn” thì có vẻ dễ hiểu, nó là tri thức, nhưng còn “lễ” là cái gì thì không dễ giải thích.

Trong cuốn Nho Giáo của cụ Trần Trọng Kim về chữ Lễ được phân tích rất cầu kỳ, kỹ lưỡng, chỉ xin trích một đoạn tóm lược, gồm bốn ý:
  1. Hàm dưỡng tính tình;

  2. Giữ tình cảm cho thích hợp đạo trung.

  3. Định lẽ phải trái, tình thân sơ và trật tự trên dưới cho phân minh.

  4. Tiết chế cái thường tình của người ta.
Nhưng một khẩu hiệu mang hơi hướng đạo lý Nho giáo, được áp dụng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong một xã hội với nền kinh tế thị trường và bang giao quốc tế rộng mở, hiểu biết và quan niệm trong lớp trẻ về các quyền tự do cá nhân đã thay đổi rất nhiều so với chỉ mươi năm về trước, thì sẽ càng khó thêm để hiểu cho đúng, ngay cả với thầy chứ chưa nói tới trò.

Cho nên, nếu tìm một khái niệm cho đơn giản dễ hiểu, thì “học lễ” là rèn lối sống sao cho thành người tử tế, văn minh. Nhưng quan niệm về dạy chữ “lễ” ở mỗi người mỗi khác nhau. Có người thì cho là dạy theo đúng lễ giáo phong kiến xưa; người khác muốn phải như thời ở miền Bắc cách nay nửa thế kỷ; lại có người cho là phải học theo lối sống văn minh phương Tây (mà như Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia châu Á cũng có truyền thống Nho giáo lâu đời đã làm được).

Trên thực tế trong nhiều năm qua đã nổi lên hai mối nguy lớn qua việc soi chiếu vào câu khẩu hiệu này. Đó là: quá chú trọng “văn”, tức là trí dục, trong khi với “lễ” – đức dục – lại vừa quá coi thường, vừa tiếp tục đi theo lối mòn nguy hiểm. Điều này dễ thấy ngay trong các chương trình gọi là cải cách, hoàn toàn tập trung vào nội dung, chương trình dạy, học, thi cử. Nhiều kiến nghị của các bậc trí thức, nhà giáo uy tín, có kinh nghiệm cũng đều tập trung nói về trí dục, tức học văn, còn chữ lễ có nói tới cũng thường được lồng trong chương trình học, không có tính hệ thống. (Có chăng người ta chỉ sửa nội dung môn Giáo dục Công dân. Song, đâu phải chỉ môn này là tác động tới tư cách con người học sinh trong suốt 12 năm học?)

Không khó để giải thích vì sao. Đó chủ yếu là do tính nhạy cảm của vấn đề.

Bài này xin gợi mở một vài điều quanh khái niệm học lễ – đức dục – trong trường phổ thông. Nó liên quan tới một hệ thống từ tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm của bộ máy quản lý giáo dục, của thầy cô, cho tới những nguyên tắc quản lý học sinh, tổ chức hoạt động của trường lớp,... rồi cả một hệ thống chính trị gồm Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, tổ chức bộ máy trường lớp, tiêu chí đánh giá thầy cô, học sinh... Tầng tầng lớp lớp rất nặng nề, với vô vàn những quy định tùy tiện (tựa những văn bản dưới luật trong điều hành bộ máy nhà nước) kìm hãm sự phát triển tự nhiên từ trẻ thơ cho tới trưởng thành, thậm chí là căn nguyên lớn cho lối sống đạo đức giả, dối trá mà ngành giáo dục trong hơn một năm qua phát động tuyên chiến.

Tuy nhiên, để tiện hình dung, so sánh, rút kinh nghiệm, phần hai của bài sẽ dẫn chứng phương pháp dạy, học liên quan tới đức dục của nền giáo dục miền Nam trước 1975 và một vài dẫn chứng đối chiếu với giáo dục Mỹ (môi trường mà Chính phủ Việt Nam mới đây đã rất quan tâm và có những bước đi mạnh mẽ tìm sự trợ giúp).


Phần Một

1. Hạnh kiểm: đánh giá đạo đức học sinh.

Lớp mẫu giáo: đã có phương pháp sơ khai là phiếu bé ngoan được phát vào ngày cuối tuần. Trên thực tế phiếu bé ngoan có ít nhất năm điều tai hại:
  • Rất hình thức, gần như các cháu đều được.

  • Mang tính hù doạ (ít khóc, ít tè dầm- ị đùn... là được), tạo tâm lý lo sợ mỗi ngày, mỗi cuối tuần, thui chột bản chất hồn nhiên.

  • Trao quyền sinh sát quá lớn cho cô giáo khi không có tiêu chuẩn, cơ chế đánh giá gì rõ ràng, tạo dần thói quen e sợ cấp trên cho trẻ ngay từ bé.

  • Gây cảnh bất công phi lý (khi chỉ có hai loại: được hoặc không được phiếu, tức là “hư” hoặc “ngoan”).

  • Tác động xấu tới cả cha mẹ trong phương pháp giáo dục con cái.
Cấp 1, cấp 2, và cấp 3:

Từ lớp một đến mười hai, hạnh kiểm xếp theo 4 tiêu chuẩn: tốt, khá, trung bình, và yếu. Cách xếp loại này cũng khá hình thức, tuỳ thuộc nhận thức và tùy tiện ở thầy cô. Tai hại nhất là một quan niệm rất phổ biến: hễ học sinh nào hiền lành, ít đùa nghịch, không “cãi lại” thầy cô thì thường được gọi là “ngoan”, dễ được hạnh kiểm tốt. Trong khi việc đánh giá hạnh kiểm lại vô cùng quan trọng và đôi khi trở thành ác mộng cho các em vì ảnh hưởng việc chuyển cấp, chuyển trường, và vào đại học...

Hậu quả của vấn đề đánh giá hạnh kiểm này ở cấp 1, 2 , 3 là nảy sinh dối trá và tiêu cực. Thêm vào đó, việc đánh giá hạnh kiểm hoàn toàn bất công và không khách quan. Điển hình là một mình giáo viên chủ nhiệm mà được trao quyền quyết định sinh mệnh chính trị của năm sáu chục con người, trong khi với chính họ và đội ngũ công chức, để đánh giá tư cách phải có quy trình bình bầu rất công phu.

Đề xuất chung là nên bỏ hoàn toàn cách đánh giá hạnh kiểm này.


2. Quy chế. Kỷ luật:

– Học sinh lớp mẫu giáo được dạy phải ngồi im và khoanh tay nghe cô giảng, hát đồng ca, vỗ tay khi cô yêu cầu, cô hỏi thì phải thưa đồng loạt, ít được tự do chạy chơi vui đùa hồn nhiên. Phương pháp dạy dỗ này một phần bị ảnh hưởng bởi điều kiện dạy, học, đời sống giáo viên thấp kém.

– Vào trường phổ thông là hàng loạt quy định nghiêm ngặt từ nhà trường cho tới thầy cô chủ nhiệm, từ quy chế nhà trường cho tới quy định riêng tùy hứng của thầy cô. Học sinh có được biết, học và kiểm soát việc thi hành Luật Giáo dục để được tự bảo vệ mình không? E rằng điều này quá xa lạ với các em, trong khi những thứ dưới luật thì vô thiên lủng. Xin đơn cử:
  • Hàng tuần có buổi xếp hàng nghe đọc điểm thi đua rất chi tiết, nêu tên lớp, học sinh vi phạm... Mức độ nhiều ít, coi trọng tới đâu đều tùy trường – nông thôn hay thành phố, trường điểm hay bình thường, tư thục hay công lập – nhưng tóm lại là rất tùy tiện. Việc này vừa mất thì giờ, vừa gây tâm lý nặng nề, ý thức ganh đua hình thức, sinh bất công, thậm chí xúc phạm nhân phẩm học sinh.

  • Thầy cô (thường là chủ nhiệm lớp) hầu như được tuỳ ý đưa ra quy định đánh giá hoặc hình phạt với trò, từ không được nhuộm tóc; tóc ngắn quá / dài quá thì bắt kiểm điểm, đuổi về, xỉ vả; cho đến vui chơi đùa nghịch gây khó chịu cho thầy cô đều có thể bị nhận hình phạt dưới đủ mọi hình thức tùy theo tâm trạng, tính cách, thái độ yêu/ghét thầy cô, và cả “sáng kiến” một khi họ tự cho là mình “bất lực”, phải tìm phương pháp mới. Những hiện tượng hành hạ học sinh mà báo chí mấy năm nay đưa rất nhiều là minh chứng rõ nhất.

  • Một hiện tượng khá nghiêm trọng hiện nay liên quan tới vấn đề kỷ luật học sinh là: do hệ thống giáo dục Việt Nam từ nhiều năm không khuyến khích phát triển tư thục, nên nó như một thứ doanh nghiệp nhà nước độc quyền (bán một thứ hàng hóa quá ư đặc biệt, khách hàng không bao giờ được nắm đằng chuôi, như “đâm lao phải theo lao”) nên việc xin học, chuyển trường/lớp rất gian nan, phản ánh những sai trái của giáo viên, nhà trường là đối mặt với nguy hiểm. Từ đó, nảy sinh thái độ cửa quyền từ thầy cô, nhà trường.
Một khi học sinh bị vi phạm với mức độ nào đó, lớp, nhà trường có thể tìm cách ép dưới mọi hình thức để học sinh đó phải chuyển đi, đảm bảo không khí trong lành cho riêng mình. Đây là một thứ như “hù doạ” cho cả phụ huynh lẫn trò, từ đó họ phải chịu sức ép để mà ngoan ngoãn dưới mọi hình thức.

Muốn sửa căn bản thói quen lâu đời làm mụ mị lớp trẻ này, phải đảo ngược các quy định, đó là thay vì để cho giáo viên tự có quyền dường như vô hạn, thì nay hãy dần dần đặt ra các hình phạt với giáo viên nếu trong phương pháp giáo dục có biểu hiện xúc phạm hay hạn chế khả năng phát triển tính tự chủ của học sinh. Đồng thời có cơ chế thích hợp để học sinh được có ý kiến riêng của mình, tốt nhất là mở diễn đàn trên blog hoặc web cho trường, lớp, giao cho học sinh tự quản. Cách làm này cũng sẽ hạn chế phần nào tiêu cực từ phía thầy cô (ép học thêm, bạo hành...)


3. Hệ thống quản lý: quá nhiều, gồm có giáo viên chủ nhiệm, ban lãnh đạo lớp, giám thị, sao đỏ, sổ liên lạc, ban phụ huynh.

– Giáo viên chủ nhiệm: tình cảm của các em học sinh vui, buồn sướng khổ phụ thuộc vào giáo viên chủ nhiệm. Học sinh không được cãi lại thầy cô giáo, không biết nơi nào để có thể phản ánh những sai trái và bày tỏ sự tín nhiệm hay không với giáo viên chủ nhiệm. Trong khi đó, lương, điều kiện sống, làm việc của giáo viên lại kém so với rất nhiều ngành nghề khác, đem tới hậu quả tiêu cực dưới nhiều hình thức. Từ đó có hiện tượng tập trung quyền “sinh sát” trong tay của giáo viên chủ nhiệm. Trước hết liên quan tới hạnh kiểm – một vấn đề rất hệ trọng với học sinh, nhưng lại rất mơ hồ về cách xếp loại. Cần có thay đổi ngay quyền hạn, trách nhiệm của vị trí này. Tốt nhất giáo viên chủ nhiệm chỉ nên là người chăm sóc tinh thần cho học sinh, tuyệt đối không có quyền đánh giá hạnh kiểm. Việc này đi đôi với hủy bỏ chế độ đánh giá hạnh kiểm học sinh.

– Ban lãnh đạo lớp: nếu tính tất cả những học sinh có chức vị trong lớp thì có thể chiếm tới 1/4 sĩ số (lớp trưởng/phó, tổ trưởng/phó, cán bộ đoàn/đội, sao đỏ,...). Số này thường được thầy cô chủ nhiệm cử, nếu có được học sinh bầu cũng chỉ là hình thức. Tâm lý háo danh, ham quyền lực, tình trạng bất bình đẳng, mất đi chất hồn nhiên tuổi trẻ dễ phát sinh từ đây.

– Giám thị: nhiều năm nay có thêm hệ thống này, thường là các thầy giáo đã nghỉ hưu đảm trách, lãnh trách nhiệm như cảnh sát trật tự, nhưng quyền hạn không rõ ràng, hành xử hầu như theo cảm tính. Họ cần được hạn chế tối thiểu quyền, tốt nhất chỉ nên đóng vai trò quan sát, nhắc nhở chung.

– Sao đỏ: là những học sinh thường “ngoan”, có năng lực phát hiện và chịu mách thầy cô những vi phạm kỷ luật của bạn bè. Đội ngũ này hình thành trong hàng chục năm qua, góp phần giữ không khí kỷ luật trong trường, lớp. Thế nhưng, mặt trái của nó dường như chưa bao giờ được xem xét. Đó là gây không khí căng thẳng, ganh đua không cần thiết, mất hồn nhiên của tuổi trẻ, nghi kỵ lẫn nhau, kích thích thói đam mê quyền lực, cậy quyền cậy thế, nịnh hót, dò xét thóc mách... giữa học sinh với nhau. Cần bỏ hoàn toàn.

– Ban phụ huynh: nhiều năm nay, do những đặc thù nêu trên, nên vai trò như cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh / học trò của tổ chức này rất yếu. Hầu như họ được cô chủ nhiệm chỉ định, chỉ làm nhiệm vụ giải quyết chính sách chế độ với thầy cô; khá hơn thì vài lần tổ chức cho trò đi cắm trại. Họ thường không dám phản ứng với thầy cô, nhà trường. Lý do có nhiều, từ thói quen chung của xã hội, sợ con bị trù úm, cho tới ảnh hưởng từ hệ thống quản lý, kỷ luật dễ nảy sinh tùy tiện như nêu trên.

– Sổ liên lạc: đây cũng là thứ rất hình thức, làm giáo viên mất nhiều thì giờ vô ích, song thêm tâm lý gò bó cho học sinh.

– Một cách gián tiếp, hệ thống quản lý giáo viên nhiều tầng nấc và khắt khe từ soạn giáo án, bình bầu, thanh tra... mang tư duy cũ cũng gây áp lực không tốt cho những thầy cô muốn mày mò tự cải tiến phương pháp dạy dỗ học sinh theo hướng chống lối hình thức giả tạo, khích lệ tính tự chủ hơn. Vậy cần giảm bớt quyền lực, tăng khả năng hướng dẫn cho các cấp quản lý giáo dục – từ Bộ cho tới nhà trường.


4. Phong trào: có quá nhiều đợt phát động phong trào thi đua trống dong cờ mở, mất thì giờ, tiền của. Nó tựa một bước tập dượt để sau này như ta thấy ở các cơ quan, địa phương cũng áp dụng, gây tốn kém hình thức, thậm chí giả tạo. Kể cả các cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi các cấp, các giờ dạy mẫu v.v... cũng nặng tính hình thức, thầy trò công khai hành động đối phó là rất phổ biến.

Để thay đổi, cần lưu ý vấn đề này có liên quan mật thiết với việc đánh giá hạnh kiểm và quy chế kỷ luật, do đó, phải có những thay đổi đồng bộ theo hướng giảm bớt dần. Thêm nữa, việc phát động phong trào cũng nằm trong cả hệ thống quy định của các cơ quan đoàn thể; vậy cần có quy định thí điểm áp dụng riêng cho ngành giáo dục.


5. Hệ thống chính trị: cụ thể là Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên.

Đây là nét đặc thù và có lẽ là nhạy cảm nhất mà hiếm có nhà giáo dục nào muốn nêu ra.

Đội, Đoàn trước hết là những tổ chức xã hội tự nguyện. Nhưng hàng chục năm nay đã như thành lệ, ít nhất đó là nơi đánh giá hạnh kiểm học sinh, coi việc gia nhập như là lẽ đương nhiên để tiến thân, tới một lúc nào đó mà không được đeo khăn quàng, không có huy hiệu đoàn là trong con mắt mọi người, đó là kẻ chậm tiến, chưa nói tới sẽ ảnh hưởng việc lên lớp, vào lớp nào, thậm chí như bị cô lập. Ngược lại, với uy quyền này, những người có trách nhiệm trong tổ chức dễ nảy sinh thái độ ban ơn, quyền uy, đương nhiên bản chất thực của tổ chức bị mất nhiều.

Không hiếm chuyện khôi hài về lối “đánh trống ghi tên”, hoạt động rất hình thức. Hậu quả khó có thể kể hết, nhưng lớn nhất là thói đạo đức giả.

Không dễ để thay đổi thực trạng này, nhưng không thể cứ như vậy mãi. Thay đổi theo hướng nhỏ mà mạnh, chứ không phải lớn, đông mà yếu, thiếu thực chất (xin chớ lo sợ).

Nên trước tiên cần thay đổi từ điều lệ Đoàn, Đội để căn bản giảm bớt cơ cấu tổ chức trong nhà trường (ví dụ: bỏ chi đoàn lớp, chỉ có tổ chức đoàn của trường, chấm dứt vai trò vừa là giáo viên vừa làm lãnh đạo đoàn – giáo viên không nên tham gia cùng cơ cấu tổ chức đoàn với học sinh; tham khảo mô hình “hướng đạo sinh” đã có từ thời Pháp thuộc). Tiếp đến là những quy định trong ngành giáo dục, và cao hơn là đưa vào Luật Giáo dục liên quan tới hoạt động này.


6. Luật Giáo dục: Cũng như nhiều bộ luật, Luật Giáo dục Việt Nam có rất nhiều điều khoản quá chung chung như hô khẩu hiệu, giống với đường lối, chính sách trong các nghị quyết của Đảng, không có chế tài cụ thể cho những hành vi vi phạm mang tính đặc thù trong lĩnh vực này. Ví dụ: một số hình phạt nhục hình với học sinh như nhốt vào nhà xí, bắt học sinh tát lẫn nhau, bắt liếm ghế,... trong Bộ Luật Hình sự không có chế tài, vậy Luật Giáo dục phải có (cụ thể như trong những trường hợp này, giáo viên sẽ phải chịu những hình phạt từ phạt tiền, đuổi việc, cấm bao nhiêu năm không được đứng lớp, cải tạo lao động...) Hiện tượng học sinh tự vẫn, trò / phụ huynh đánh thầy cô một phần có lý do từ đây. Nói đơn giản là một khi luật nhà nước thiếu, không nghiêm, họ phải tự giải quyết bằng “luật rừng”.


7. Các trường sư phạm: Đây là khâu rất quan trọng, vì dù có những văn bản quy định, điều luật thích hợp để cải cách về đức dục như nói ở trên mà không thay đổi sớm nội dung, phương pháp đào tạo đội ngũ giáo viên thì cũng vô ích. Trong khi toàn bộ hệ thống giáo dục đại học hiện nay đang cực kỳ lạc hậu mà ngành giáo dục loay hoay nhiều năm vẫn chưa tìm được / chưa muốn tìm lối ra.

Trong những thay đổi thuộc hệ thống sư phạm liên quan tới đức dục này, một yêu cầu quan trọng là phải giảm nhẹ nhiều đòi hỏi không cần thiết, quá cũ kỹ cho giáo viên (như việc soạn giáo án), từ đó giảm áp lực trách nhiệm lên vai họ hơn, họ sẽ có nhiều thì giờ, tâm trí hơn để học hỏi cách dạy trò về đức dục theo phương pháp mới. Tốt nhất cần tham khảo phương pháp giáo dục tiên tiến, không phải chỉ phương Tây, các nước đi trước ở châu Á, mà cả dưới chế độ Sài Gòn trước 1975, thời Pháp thuộc.


8. Hậu quả: tất cả những điều nêu trên đã ăn sâu vào thói quen, quan niệm xã hội trong hàng chục năm của thế kỷ trước, đi vào bộ máy quản lý giáo dục, nhận thức, chương trình đào tạo của các trường sư phạm một triết lý giáo dục xuyên suốt chỉ nằm trong một chữ “ngoan” duy nhất khi nói về đức dục. Và chữ “ngoan” này luôn được hiểu là gọi dạ bảo vâng, đặt đâu ngồi đó, ít đùa nghịch, miễn sao càng tập trung vào “học gạo”, “thầy đọc trò chép” càng tốt. Thái độ này đi liền với cái được gọi là “bệnh thành tích” mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi mới nhận chức đã phát động tuyên chiến.

Quả tình, trong giai đoạn chiến tranh, thứ nguyên lý giáo dục này có tác dụng nhất định, tạo sự ổn định chính trị xã hội, đồng tâm hiệp lực phục vụ chiến tranh, trong khi nhu cầu phát triển tài năng, cá tính không quan trọng bằng yêu cầu đồng thuận. Thế nhưng chúng ta đã qua chiến tranh hơn 30 năm rồi, chế độ chính trị đã vững vàng, lại thêm mở cửa ra với thế giới, thực tế học sinh được chứng kiến từ ngoài xã hội cho tới các nước khác trái ngược với lối giáo dục trong nhà trường rất nhiều, nên không thể tiếp tục lối giáo dục cũ với nhu cầu cần những con người giỏi nghe mệnh lệnh hơn là biết chủ động sáng tạo, phát hiện và phản ánh những điều phi lý. Tình trạng thua kém mọi mặt trên thương trường, trong giao lưu quốc tế, trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là sự băng hoại đạo đức, tham nhũng tràn lan một nguyên nhân quan trọng là từ cái nguyên lý giáo dục coi trọng chữ “ngoan” này.

Còn một hậu quả rất lớn không thể coi nhẹ, đó là chính sự méo mó trong giáo dục nhân cách này lại tác động xấu ngay vào kết quả học tập, có nghĩa trí dục và đức dục luôn có mối quan hệ chặt chẽ, không thể quan niệm thô thiển là miễn sao nhồi được nhiều chữ vào đầu là tốt. Cũng như bởi chương trình học quá nặng, méo mó, không sát thức tế đang cùng với phương pháp rèn trí dục quá cũ kỹ làm khổ cả thầy lẫn trò. Và cải cách giáo dục phải là sự song hành cải cách cả phương pháp đào luyện trí dục lẫn đức dục, nó cũng là tiền đề cho những bước đổi mới kinh tế phải đi liền với đổi mới trong cơ cấu chính trị, xã hội.

Trong lúc việc cải cách từ nhiều năm nay chỉ toàn những giải pháp chắp vá, nửa vời, thiên về trí dục, mà nửa phần còn lại này - đức dục - rất cần cải cách nhưng cũng vô cùng khó khăn, đụng chạm nhiều đến nền tảng thiết chế chính trị, xã hội, nên nếu không có quyết tâm chính trị thực sự (và phải từ những cấp cao nhất), chắc chắn nền giáo dục nước nhà sẽ ngày càng đi xuống, tác động xấu ngay tới phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Vẫn còn chưa nói tới một điều, là nếu chấp nhận khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là coi chữ “lễ” (đức dục) phải đi trước, thì chúng ta đang đi ngược – chỉ lo cải cách trong trí dục, còn đức dục lại như bị lờ đi.

Như một hệ quả tất yếu, chúng ta đang rộng cửa giao lưu, mời gọi đầu tư, khuyến khích kinh tế tư bản tư nhân để hòng xây lên một tòa lâu đài nguy nga, nhưng lại trên cái nền móng là hệ thống giáo dục cũ kỹ kéo theo cả một lớp nhân công, công chức yếu kém. Đương nhiên tai hoạ kinh tế ập đến, song chắc chắn cũng chỉ mới như vài vết nứt rạn ban đầu của tòa lâu đài này.


Phần Hai

Từ trước năm 1975, trong mỗi lớp học ở miền Nam, hàng chữ “tiên học lễ, hậu học văn” nằm trang trọng trên tường, ngay trên bảng đen của mỗi lớp.

Để dạy được chữ “lễ” cho học sinh, thiết tưởng nên viết sơ lược về cách đào tạo thầy cô, trường đại học sư phạm, và các giáo sư ở miền Nam theo mức độ hiểu biết của tác giả bài này.


1. Sau khi thi xong tú tài 1 (cuối năm lớp 11), và đậu luôn tú tài 2 (cuối năm lớp 12), muốn dạy trường tiểu học hay trung học thì phải nộp đơn vào đại học. Trước năm 1960, muốn dạy tiểu học chỉ cần học xong tú tài 1 và nộp đơn vào Trường Sư phạm ở Qui Nhơn. Về sau, phải có tú tài 2 mới vào được trường này. Các thầy cô giáo phần lớn được đào tạo tại trường Sư phạm Qui Nhơn, hoặc đại học sư phạm Sài Gòn, hoặc Đại học Sư phạm Huế, và Sư phạm Cần Thơ (sau này mới có). Cũng có nhiều thầy cô được đi tu nghiệp về giáo dục ở Hoa Kỳ trong giai đoạn 1955–1974 và cũng có rất nhiều các cô giáo thầy giáo tốt nghiệp ở Hoa kỳ, Pháp, Úc, Canada, Tân Tây Lan, và các quốc gia Âu châu. Ngoài ra, các sinh viên học xong đại học ban cử nhân có thể lấy thêm chứng chỉ sư phạm và được đi dạy tại các trường trung học.

Các giáo sư giảng dạy đại học sư phạm miền Nam là các nhà giáo chuyên nghiệp thật sự được đào tạo ở nước ngoài, hoặc là những nhà giáo dục quá nổi tiếng và kỳ cựu và nhận được sự kính trọng của sinh viên và các thầy cô đang dạy ở trung và tiểu học. Mục đích duy nhất trong đời họ là giáo dục, sinh viên, và gia đình. Tài trí và đạo đức của các giáo sư đại học để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong thế hệ các sinh viên được đào tạo trong giai đoạn trước năm 1975.


2. Chương trình học là sự cân bằng giữa Đông phương và Tây phương. Các môn khoa học, toán, tâm lý và triết lý giáo dục phương Tây, tâm lý học sinh được giảng dạy chung với các môn học thuần của phương Đông và của nước ta. Chương trình học của sinh viên không có môn chính trị hay ngợi ca chính phủ đương nhiệm.

Tất cả các trường Đại học đều được quyền tự trị. Tất cả các viên chức chính quyền hầu như không thể gây ảnh hưởng gì đến tiến trình tuyển chọn, thi tuyển, nhập học ở các cấp tiểu học, trung học, và đại học. Gần như các sĩ quan cao cấp trong quân đội, các tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng không thể ra lệnh cho các hiệu trưởng làm việc theo ý muốn của họ. Tất cả các hiệu trưởng đều không làm việc theo chỉ thị của các đảng phái. Nên thực tế con cái của các viên chức cao cấp ở các quận, các tỉnh, và thành phố lớn, nhỏ đều học chung trường với con cái của các nhân viên có cấp bậc thấp nhất. Các kỳ thi tú tài hầu như không thể quay cóp, đề thi không thể lộ ra ngoài trước, thí sinh không thể nhận được sự trợ giúp của bất cứ ai. Việc xét đơn nhập học vào trường đại học rất công bằng và hầu như không gây những tai tiếng trên báo chí và dư luận. Chuyện học sinh được xuất ngoại du học căn cứ trên tài năng thật sự. Con cháu của các nhân viên cao cấp, các nhân viên của bộ giáo dục, các trường đại học không thể lợi dụng chức vụ để chiếm lấy các học bổng của các đại học nước ngoài dành cho học sinh. Vì vậy, một số rất nhỏ các gia đình khá giả, đa số là các thương gia hoặc nhà giàu, phải gửi con đi du học dạng tự túc và trả học phí 100%. Con cái của tất cả các sĩ quan cao cấp và các nhân viên cao cấp trong chính phủ đều học ở trong nước vì hầu hết không đủ tiền để chi trả học phí đại học ở nước ngoài.

Học sinh tiểu học và trung học không đem chức vụ cha mẹ ra khoe với nhau, và bản thân mỗi học sinh cũng không có thói quen nói về cha mẹ của chúng trong các câu chuyện thường ngày với bạn bè ở lớp. Nói chung, bầu không khí học hành trong mỗi lớp, mỗi trường là thuần túy giáo dục.


3. Hạnh kiểm: đánh giá học sinh ở 4 mức: giỏi, khá, trung bình, và xấu.

– Ở lớp mẫu giáo chắc chắn là không có thầy cô nào đánh giá học sinh nhỏ ở lứa tuổi này và lấy tiêu chuẩn hạnh kiểm để xét nhập học vào một trường nào đó. Học sinh mẫu giáo không có phiếu khen thưởng hàng tuần.

Mục tiêu chính của trường mẫu giáo là làm cho các em thích đến lớp để học, vui chơi, đếm số, đọc các chữ cái a, b, c,... tập vẽ, tô màu, và về sau tập đánh vần khi học sinh sắp vào lớp một. Không có tiêu chuẩn thi đua trong lớp, giữa các lớp, và giữa trường này với trường kia.

Ở Mỹ, lớp mẫu giáo cũng không có đánh giá, không có phiếu khen thưởng, chỉ có nụ cười mà em nào cũng vẽ được trên giấy và các hình ảnh, huy hiệu (sticker) có nụ cười thân thiện cô giáo vẫn phát cho các em dán vào áo hay đem về nhà dán cho cha mẹ.

– Cấp 1, 2, 3: Từ lớp 1 đến lớp 12, ở miền Nam, việc đánh giá khả năng học tập (trí dục) của học sinh là chính và mỗi tháng một lần.

Hạnh kiểm của học sinh cũng được đánh giá tốt, khá, trung bình, xấu. Những đánh giá về hạnh kiểm của giáo viên chỉ dành riêng cho cha mẹ của học sinh biết con em của mình ra sao và tìm hiểu con cái của minh để khuyên và giúp chúng sửa đổi. Việc đánh giá này không phải là một tiêu chuẩn có một ảnh hưởng gì đến chuyện nhập học, chuyển trường, khi cha mẹ di chuyển đến một nơi khác.

Việc chuyển trường, xin nhập học trường mới thuộc về một qui định hành chính của địa phương quận, huyện kết hợp với ty giáo dục (hay sở giáo dục) của tỉnh hoặc thành phố.

Trong tổ chức hành chính điều hành không có phòng giáo dục quận hay phòng giáo dục huyện, chỉ có ty giáo dục của tỉnh và xuống thẳng đến hiệu trưởng của trường trung học, tiểu học.

Theo đúng qui định hành chính nói trên, cha mẹ hoặc học sinh có địa chỉ ở đâu, thì trường học ở nơi ấy phải thu nhận con em của họ. Chuyện này đã được phân định rõ ràng theo văn bản hành chính, nên nhân viên văn phòng của trường chiếu theo đó mà làm và cũng không có ai có thể làm khác được ngay cả hiệu trưởng (trừ trường hợp trường tư).

Vì qui định hành chính nghiêm ngặt và được tất cả tôn trọng, nên trên thực tế, hiệu trưởng của chính trường ấy và các giới chức cao cấp của tỉnh, thị xã, quận, phường và ngay các thầy cô giáo, nhân viên của trường cũng không thể dùng sự quen biết hay quyền lực gây ảnh hưởng về việc nhập học của bất cứ ai.

Tóm lại, vì cách tổ chức nói trên, tiêu chuẩn hạnh kiểm không có chỗ đứng trong việc xem xét nhập học. Thầy cô giáo không vì thế mà có cơ hội làm những chuyện tiêu cực.

Ở trường tiểu học (lớp 1 – lớp 5) không có danh xưng giáo viên chủ nhiệm. Không có thi đua giữa các lớp ở trong một trường. Có lẽ cách dạy và phương pháp dạy ở đại học sư phạm đã đào tạo ra đúng các nhà giáo dục thật sự. Và trường học không nhằm mục đích để phục vụ cho một đảng phái chính trị hay chính quyền đương nhiệm, và cũng không làm theo lệnh các viên chức các đảng chính trị, hoặc hành chính.

Ở Mỹ, việc cứu xét nhập học của các em học sinh, trường học không nhằm mục đích để phục vụ cho một đảng phái chính trị hay chính quyền đương nhiệm, và cũng không làm theo lệnh các viên chức các đảng chính trị, hoặc hành chính (giống y như miền nam Việt Nam). Trong trường học, cũng như trường học ở miền Nam Việt nam, trường học ở Mỹ không có sự thi đua giữa các lớp với nhau trong một trường, hoặc thi đua giữa trường này và trường kia.

Hiện nay, kể từ lớp 2 đến lớp 6, mỗi lớp có 6 thầy cô phụ trách dạy các môn khác nhau. Cô giáo chính của lớp, người phê hạnh kiểm thường là cô giáo dạy môn toán, Anh văn, khoa học, các môn học xã hội (social study). Từ lớp 7 đến lớp 12, cũng có đánh giá về hạnh kiểm, đạo đức, thói quen trong lớp, cách học tập của các em, cách cư xử của các em với bạn bè và trong lớp có tuân theo hướng dẫn của thầy cô hay không. Nhưng các đánh giá ấy cũng chỉ có mục đích giúp cho cha mẹ hiểu con cái của họ chứ không được nâng lên thành một tiêu chuẩn cho bất cứ chuyện gì khác hoặc ảnh hưởng đến chuyện nhập học vào trường này trường kia.


4. Quy chế. Kỷ luật:

Học sinh mẫu giáo 3, 4 tuổi đến trường chủ yếu là chơi đồ chơi trong lớp, vui vẻ với bạn bè, và được dạy ca hát. Chương trình lớp học như sau. Buổi sáng, khi mới vào lớp, các em được tập hát, tập đếm số, hoặc nhận ra các chữ a, b, c,... sau đó được tô màu, và chơi đồ chơi. Mỗi lớp có hàng trăm món đồ chơi. Mỗi cô trông nom 8 học sinh, và mỗi lớp có hai cô, 16 học sinh. Sau khi ăn trưa xong, các em được ngủ trưa 1 giờ hoặc 1 giờ 30 phút. 2 giờ, các em được đánh thức dậy, được xếp hàng đi tiểu, sinh hoạt đếm số hoặc vẽ hoặc chơi đồ chơi. Khoảng 2 giờ 30 các em được ăn thức ăn nhẹ, bánh và được uống nước trái cây và được ra sân chạy nhảy chơi đùa chờ cha mẹ hoặc gia đình đến đón vế nhà. Buổi sáng, sau khi ăn sáng, các em được vui chơi trong sân trường trước khi vào lớp học.

Ở trường tiểu học Mỹ, mỗi lớp có 16–20 em. Hợp đồng của thầy cô giáo và phòng giáo dục quy định mỗi lớp có dưới 25 học sinh.

Các cô giáo đứng lớp làm nhiệm vụ giảng dạy. Nếu trong lớp có học sinh quậy, phá, nói tục, đánh nhau... cô giáo bấm vào đường điện thoại liên lạc với văn phòng thư ký, và ban cố vấn học sinh (counselor). Cô giáo đứng lớp không phải là người xử phạt các trường hợp vi phạm nghiêm trọng của học sinh.

Các trường hợp nhẹ như nói chuyện trong lớp, làm ồn, hình thức kỹ luật rất đơn giản. Cô giáo nhắc nhở học sinh ấy không làm nữa, hoặc yêu cầu em ấy ra đứng ngoài hành lang ngay cửa ra vào trong 1 phút, hoặc cho em ngồi sát bàn của cô giáo, hoặc dời em đến ngồi một chỗ khác xa chỗ cũ.

Nếu các em không vâng lời, cô giáo gọi điện thoại xuống văn phòng trường và sẽ có nhân viên cố vấn giáo dục lên mời em ấy xuống văn phòng nói chuyện. Như vậy, cô giáo không phải là người làm chuyện xử phạt và sẽ dành toàn bộ thời gian để dạy các em khác, và học sinh bị phạt cũng không cảm thấy mất mặt trước các bạn.

(Mỗi 300 em học sinh, trường phải thuê 1 cố vấn về giáo dục, và 1 bảo vệ. Cố vấn giáo dục (high school counselor, tốt nghiệp đại học ngành tâm lý giáo dục) nhằm giúp học sinh chọn lớp học, ngành nghề, và lắng nghe lời giải thích của các em học sinh vì sao quậy phá, và đưa ra lời khuyên, đóng góp ý kiến giúp em chọn một lối cư xử hợp lý hơn và liên lạc với gia đình, mời phụ huynh đến trường để báo cho biết con cái của họ quậy như thế nào, và đề ra các biện pháp giúp đỡ. Cố vấn giáo dục tìm hiểu lỗi lầm của học sinh vi phạm kỷ luật, tìm phương cách giải thích cho học sinh hiểu vấn đề, và hiệu phó sẽ quyết định xử phạt đuổi học 1 ngày hoặc 3 ngày.

Trong trường học ở Mỹ, không có chuyện đánh đập, đá, bạt tai học sinh, không được hỏi với tính cách điều tra, hạch hỏi và kết tội. Thiển nghĩ, những chuyện ấy nằm ngoài lĩnh vực của trường học, không nằm trong số các môn học mà các thầy các cô đã được học ở trường sư phạm.

Như vậy, cô giáo, thầy giáo dạy các môn học khác và giáo viên của lớp (tương đương với giáo viên chủ nhiệm) chỉ việc chuyên tâm làm nhiệm vụ giảng dạy. Và giáo viên này không đưa ra các hình thức kỷ luật học sinh.

Từ lớp 1 đền lớp 12, tất cả đều diễn ra theo hệ thống kỷ luật như trên.

Thầy giáo cô giáo ký hợp đồng làm nhiệm vụ giảng dạy, ban cố vấn và hiệu phó làm nhiệm vụ kỷ luật. Hình thức kỷ luật là gửi em học sinh về nhà 1 ngày, 3 ngày.

Không có chuyện hiệu trưởng hay bất cứ ai ép cha mẹ phải chuyển học sinh đến trường khác. Vị trí địa lý nhà em ở đâu trong vùng ấy, đã được khoanh lên bản đồ, và mỗi cha mẹ cứ chiếu theo bản đồ ấy để chuyển con mình đến đấy học.

Nhân viên bảo vệ không mang súng, chỉ trang bị bằng điện thoại và trông coi học sinh trong giờ ra chơi, giải tán và can thiệp nếu các em đánh nhau.


5. Hệ thống quản lý:

Từ lớp 1 đến lớp 12, có bầu trưởng lớp và phó trưởng lớp, trưởng ban học tập của lớp. Vì mỗi lớp có 45–50 học sinh, chia làm 4 hoặc 5 đội, có đội trưởng và đội phó.

Mục đích chính và duy nhất là xếp hàng chào cờ ở sân trường vào mỗi sáng. Trưởng lớp đứng đầu trước mỗi lớp 1 bước, các đội trưởng đứng đầu hàng và sau lớp trưởng, đội phó đứng cuối hàng.

Các em này chỉ có nhiệm vụ giúp bạn bè xếp hàng khi chào cờ buổi sáng. Nhờ vậy các thầy cô được rảnh tay chuẩn bị giảng bài. Ngoài nhiệm vụ chào cờ ra, các em nói trên không có họp hành gì với nhau, và cũng không giúp thầy cô giữ nhiệm vụ kỷ luật của lớp. Học sinh quá kính trọng thầy cô giáo, ham học, các học sinh yếu kém và ở hạng trung bình các môn học thường có hạnh kiểm tốt để bù đắp cho học lực không có gì nổi bật, và số học sinh đi học hàng ngày gần như 100%, trừ khi bị bệnh. Chuyện đến lớp muộn cũng rất hiếm. Nên chỉ cần 2, 3 thầy giám thị trông coi việc kỷ luật học sinh cho cả trường. Thậm chí nhiều trường không cần có giám thị.

Thứ hạng của học sinh được chấm điểm và cộng lại hàng tháng. Các em học giỏi được phát bảng danh dự. Trong một lớp 50 em, 5 em có điểm hàng tháng cao nhất được phát bảng danh dự, từ hạng 6 đến hạng 10 được bảng tưởng lệ. Ngoài ra, các em có nhiều cố gắng trong một tháng nào đó, thí dụ tháng trước đứng hạng 30 hay 40, tháng sau lên hạng 15, thầy cô giáo sẽ phát cho em ấy một bảng-tưởng-lệ để khen thưởng và ghi nhận sự cố gắng. Mỗi em cũng có sổ điểm hàng tháng đem về nhà cho cha mẹ xem, ký tên, và học sinh đem trở lại nộp cho thầy giáo.

Ở Mỹ, ở bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 6, không có lớp trưởng hoặc lớp phó và cũng không có ban lãnh đạo lớp.

Ở Mỹ, mỗi 3 tháng có phiếu điểm một lần. Vào ngày có phiếu điểm, các em học sinh sau giờ ăn trưa được về nhà sớm. Thầy, cô giáo không phải dạy vào buổi chiều hôm ấy. Tất cả thầy cô ngồi trong lớp và chuẩn bị tiếp phụ huynh bắt đầu lúc 2 giờ đến 6 giờ chiều. Phụ huynh đến trường và từng người một được mời vào lớp nói chuyện 5–15 phút với thầy cô dạy con em của mình. Ai đến trước vào trước, ai đến sau thì đứng ngoài lớp chờ đợi phiên mình. Phiếu điểm được phát tận tay phụ huynh và phụ huynh có thể hỏi thêm về khả năng học tập của con cái mình. Phụ huynh thường ghé thăm 4 thầy hoặc cô giáo và hỏi điểm từng môn học, sự tiến bộ của con mình. Ngay từ lớp 2, lớp 3, các em đã học các môn toán, khoa học, tiếng Anh, môn học xã hội (social study như địa lý nước Mỹ, lịch sử nước nhà, các nước láng giềng, văn hóa nước nhà, sinh hoạt hay các hoạt động trong cộng đồng, kinh tế... mỗi cô giáo chỉ đánh giá hay ghi điểm môn mà họ giảng dạy.

Đánh giá về cá nhân của học sinh nhiều chi tiết như sau:

– Thói quen và thái độ: A = giỏi; B = Khá; C = trung bình; D = không đạt; F = failing; N = cần sửa đổi.

Trong đó có việc đánh giá cá tính của học sinh như:

– Hạnh kiểm, đạo đức, cách cư xử (conduct):
  • tự kìm chế
  • tôn trọng
  • tham dự các hoạt động trong lớp
  • luôn luôn có thái độ biết suy nghĩ đến người khác
  • tôn trọng quyền của người khác
  • tôn trọng của cải và đồ dùng của người khác

– Ý thức học tập (work and study habits):

  • Biết cách tổ chức công việc
  • Hoàn tất công việc
  • Học tập độc lập không nhờ bạn bè, cô giáo giúp đỡ
  • Theo đúng sự hướng dẫn cách làm bài
  • Hoàn thành các bài học, bài làm ở nhà và nộp đúng thời hạn
  • sử dụng thời gian có hiệu quả
  • sử dụng và bảo quản sách vở sạch sẽ và bàn học sạch sẽ
Hạnh kiểm và đạo đức cũng chỉ để dành riêng cho cha mẹ hiểu biết thêm về con mình, yếu tố này không ảnh hưởng gì đến việc chuyển trường và nhập học (giống như miền Nam Việt Nam trước 1975).


6. Hệ thống chính trị: Trong trường học không có chương trình học tập chính trị. Không có học về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản và các học thuyết.

Trường học chỉ thuần túy là giáo dục. Vì giáo dục và chính trị là hai lĩnh vực khác nhau.

Ngoài giờ học, vào ngày thứ bảy và chủ nhật, các em học sinh có thể tham gia Hướng Đạo Sinh Việt Nam hoặc Phật tử, hoặc các phong trào sinh hoạt của thanh thiếu niên công giáo như đoàn Thánh Thể. Các em tham gia với tinh thần tự nguyện. Không ai đề nghị hay ép buộc phải tham gia. Các phong trào này chủ yếu là sinh hoạt cắm trại, ngủ đêm trong các lều, thăm các thắng cảnh trong nước, giúp các em yêu thích cuộc sống và sinh hoạt ngoài trời. Các phong trào này dạy cho các em các trò chơi, các môn thể thao lành mạnh, các bài ca cộng đồng vui tươi và nhiều sức sống, tập cho các em làm việc với tinh thần đồng đội và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc.

Sâu xa hơn là tạo cho các em thói quen tháo vát và chia sẻ với cha mẹ mọi việc trong gia đình. Nhờ vậy việc học tập của các theo các phong trào này cũng cải thiện hơn. Ngoài ra, các phong trào còn giúp các em sống hướng thiện, nhân ái, giúp đỡ người gặp hoạn nạn, giúp phân phối các vật phẩm cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai, bão lụt, cháy nhà, chiến tranh.

Mặt lợi ích mà phong trào này đem lại cho các em là không hút thuốc, không uống bia, rượu, không nói tục, nói dối, ngay thẳng và chính trực. Trường học nào có nhiều em tham gia các phong trào thường được các phụ huynh tin tưởng và yêu thích. Các em theo các phong trào này khi lớn lên trong xã hội thường trở thành các công dân gương mẫu trong gia đình, nơi làm việc, và thành đạt trong đời sống. Người thanh niên và thiếu nữ Việt Nam nào có tham gia các phong trào Hướng đạo, Phật tử, các phong trào Công giáo hầu như về sau khi lớn lên ít phạm pháp, nhất là luật hình sự. Có thể nói các phong trào này là những nơi sinh hoạt lành mạnh nhất, làm cho họ trưởng thành hơn, có nhiều trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Đó cũng là những nơi hun đúc lòng yêu nước, xây dựng nền tảng gia đình và tạo nếp sống lành mạnh của các thanh thiếu niên miền Nam.

Những trao đổi trên đây chỉ mới xới lên một vấn đề rất hệ trọng mà hầu như chưa được bàn tới, từ một góc nhìn của người “ngoài cuộc”, chắc chắn còn hạn chế nhiều, chúng tôi mong rằng sẽ có thêm những ý kiến của chính các học sinh, phụ huynh, nhà giáo và các học giả.


© 2008 talawas