Lời toà soạn báo Văn nghệ − "
Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" là bài nói chuyện của đồng chí Lục Định Nhất, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì khuôn khổ tờ báo, chúng tôi chỉ trích đăng một phần để giúp cho việc nghiên cứu của các bạn văn nghệ. Những đoạn nói về khoa học, chúng tôi lược qua [1] *
Vì sao nêu ra chính sách đó? Vì sao ngày nay mới nhấn mạnh chính sách đó? Nước ta muốn giàu mạnh, ngoài việc củng cố chính quyền nhân dân, phát triển kinh tế, phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường quốc phòng, còn phải phát triển dồi dào công tác văn nghệ và khoa học, thiếu điều này là không thể được.
Muốn cho công tác văn nghệ và khoa học được phát triển dồi dào, cần phải thi hành chính sách "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng". Nếu công tác văn nghệ "một hoa riêng nở" (
nhất hoa độc phóng) thì dù cho đóa hoa đẹp chừng nào, công tác văn nghệ cũng không thể dồi dào được. Nói ngay ví dụ trước mắt, tức là kịch. Mấy năm trước, còn có người phản đối kịch. Lúc đó Đảng quyết định thi hành chính sách "trăm hoa đua nở, phủi cũ thấy mới" (
bách hoa tề phóng, thôi trần xuất tân). Ngày nay, chúng ta đều thấy chính sách đó là đúng, chính sách đó đã thu được kết quả to lớn. Vì giữa các loại kịch có sự thi đua tự do và học tập lẫn nhau, nên ngành kịch tiến bộ rất nhanh.
……………………………………………………………………………………………………………….
Chúng ta lại càng thấy rằng, trong xã hội có giai cấp, văn học nghệ thuật và công tác khoa học tất phải là vũ khí đấu tranh giai cấp.
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, vấn đề này tương đối rõ ràng. Trong văn học nghệ thuật có những cái rõ ràng là có hại. Hồ Phong là một ví dụ. Những tiểu thuyết "màu vàng" trộm cướp dâm ô là một ví dụ nữa. "Đánh bàn mạc chược, việc nước mặc mẹ bay", "mặt trăng Mỹ tròn hơn mặt trăng Trung Quốc", những cái mang danh là tác phẩm văn học đó lại là những ví dụ khác. Coi loại văn nghệ nọc độc ấy như ruồi, muỗi, chuột, chim sẻ, để tiêu diệt đi, đó là việc rất nên làm. Làm như vậy chỉ có lợi không có hại gì cho văn nghệ. Cho nên, chúng ta nói rằng, có văn nghệ phục vụ công nông binh, có văn nghệ phục vụ đế quốc, địa chủ và tư sản. Văn nghệ chúng ta cần, là văn nghệ phục vụ công nông binh, văn nghệ phục vụ đại chúng nhân dân.
………………………………………………………………………………………………………………..
Chúng ta còn cần thấy rằng, văn học nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, tuy quan hệ chặt chẽ với đấu tranh giai cấp, nhưng rút cục, nó vẫn không hoàn toàn giống với chính trị. Đấu tranh chính trị là hình thức biểu hiện trực tiếp của đấu tranh giai cấp, văn nghệ và khoa học xã hội có thể biểu hiện đấu tranh giai cấp một cách trực tiếp, cũng có thể biểu hiện đấu tranh giai cấp tương đối quanh co? Cho rằng văn nghệ và khoa học không liên quan với chính trị, có thể "nghệ thuật vị nghệ thuật", "khoa học vị khoa học", đó là một lối nhìn phiến diện hữu khuynh, đó là sai lầm. Trái lại, coi văn nghệ và khoa học hoàn toàn như chính trị, thì sẽ dẫn tới một lối nhìn phiến diện khác, sẽ phạm sai lầm đơn giản "tả khuynh".
Chúng ta chủ trương "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" tức là chủ trương trong công tác văn học nghệ thuật và công tác nghiên cứu khoa học có tự do suy nghĩ độc lập, có tự do biện luận, có tự do sáng tác và phê bình, có tự do phát biểu ý kiến của mình, kiên trì ý kiến của mình và giữ ý kiến của mình.
……………………………………………………………………………………………………………….
Tự do của chúng ta chủ trương, khác với tự do chủ nghĩa dân chủ tư sản chủ trương. Tự do của giai cấp tư sản chủ trương là tự do của một thiểu số người, nhân dân lao động không có phần hoặc rất ít có phần. Giai cấp tư sản thực hiện chuyên chính với nhân dân lao động. Ngày nay, bọn hiếu chiến Mỹ đang rêu rao về cái "thế giới tự do", trong "thế giới" đó, bè lũ phản động hiếu chiến có đủ thứ tự do, còn vợ chồng Rô-sơn-bơ
[2] thì bị xử tử vì hai ông bà chủ trương hòa bình. Chúng ta chủ trương không cho phần tử phản cách mạng có tự do, chúng ta chủ trương nhất định phải thực hiện chuyên chính với phần tử phản cách mạng. Nhưng trong nội bộ nhân dân, chúng ta chủ trương phải có tự do dân chủ. Đó là một ranh giới chính trị: về chính trị, phải phân rõ địch, ta.
Chúng ta chủ trương "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" tức là tự do trong nội bộ nhân dân. Chúng ta chủ trương mở rộng tự do đó theo với đà củng cố chính quyền nhân dân.
Nội bộ nhân dân vừa nhất trí lại vừa không nhất trí. Nước ta đã có hiến pháp, tuân theo hiến pháp là nghĩa vụ của nhân dân, đó là tính chất nhất trí trong nội bộ nhân dân. Như thế nghĩa là, nhân dân toàn quốc đều cần nhất trí yêu Tổ quốc, ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Nhưng, trong nội bộ nhân dân cũng có chỗ không nhất trí, về tư tưởng thì có sự phân biệt giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, khi giai cấp tồn tại có sự phân biệt đó, giai cấp tiêu diệt rồi cũng vẫn có, cho đến xã hội cộng sản chủ nghĩa cũng vẫn còn có. Khi giai cấp tồn tại, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật biểu hiện ra mâu thuẫn giai cấp; khi giai cấp tiêu diệt rồi, nhưng chỉ còn tồn tại mâu thuẫn giữa tiến bộ và lạc hậu, tồn tại mâu thuẫn giữa sức sản xuất xã hội và quan hệ sản xuất, thì trong xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật cũng sẽ vẫn tồn tại. Giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật là có đấu tranh và sẽ đấu tranh lâu dài. Người cộng sản là người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, dĩ nhiên chủ trương tuyên truyền chủ nghĩa duy vật, phản đối chủ nghĩa duy tâm, điều đó không thể nào lay chuyển. Nhưng, chính vì theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, chính vì muốn tìm hiểu quy luật phát triển của xã hội, nên người cộng sản chủ trương phải phân biệt nghiêm khắc giữa đấu tranh tư tưởng trong nội bộ nhân dân với đấu tranh chống phần tử phản cách mạng. Trong nội bộ nhân dân, không những có tự do tuyên truyền chủ nghĩa duy vật, còn có cả tự do tuyên truyền chủ nghĩa duy tâm. Miễn không phải là phần tử phản cách mạng, thì dù tuyên truyền chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa duy tâm, đều có tự do. Sự biện luận giữa duy tâm và duy vật cũng là tự do. Đây là đấu tranh tư tưởng trong nội bộ nhân dân, khác đấu tranh với phần tử phản cách mạng. Đối với phản cách mạng, cần phải trấn áp, cần phải đánh đổ. Đối với tư tưởng duy tâm lạc hậu trong nội bộ nhân dân, cần phải đấu tranh, sự đấu tranh này cũng sâu sắc, nhưng nó xuất phát từ đoàn kết, nó nhằm khắc phục lạc hậu, tăng cường đoàn kết. Đối với vấn đề tư tưởng, nếu muốn dùng biện pháp mệnh lệnh hành chính để giải quyết, thì không có hiệu quả. Chỉ có trải qua biện luận công khai, tư tưởng duy vật mới có thể dần dần khắc phục được tư tưởng duy tâm.
Trong những vấn đề có tính chất nghệ thuật, những vấn đề có tính chất học thuật, những vấn đề có tính chất kỹ thuật, cũng có thể còn ý kiến khác nhau. Hoàn toàn được phép có những ý kiến khác nhau đó. Trong những vấn đề thuộc loại này, phát biểu ý kiến khác nhau, biện luận, phê bình và phản phê bình, dĩ nhiên là tự do.
Nói tóm lại, chúng ta chủ trương về chính trị, phải nhận rõ địch ra, chúng ta lại chủ trương trong nội bộ nhân dân nhất định phải có tự do. "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" là biểu hiện của tự do trong nội bộ nhân dân ở lĩnh vực công tác văn nghệ và công tác khoa học.
Chúng ta ngày nay đã hoàn toàn có điều kiện để thi hành chính sách "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng".
Tình hình của chúng ta ngày nay như thế nào?
1. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành được những thắng lợi có tính chất quyết định về các mặt trong các khu vực chính của toàn quốc, vài năm nữa, chế độ bóc lột sẽ bị tiêu diệt ở những miền này. Tất cả những kẻ bóc lột trước đây đều sẽ được cải tạo thành người lao động tự làm lấy mà sống. Nước ta sẽ thành một nước xã hội chủ nghĩa không có giai cấp bóc lột.
2. Tình hình chính trị, tư tưởng trong giới trí thức đã có thay đổi về căn bản, và đang dẫn tới những thay đổi căn bản hơn nữa. Điều này đã được trình bày rất kỹ trong bản báo cáo về vấn đề trí thức của đồng chí Chu Ân Lai. Ở đây, chúng tôi xin nhắc qua lại một cuộc đấu tranh gần đây.
Cuộc đấu tranh gần đây là cuộc đấu tranh chống tư tưởng duy tâm tư sản. Trong cuộc đấu tranh này, đông đảo trí thức biểu hiện rất tốt, tiến bộ rất nhiều.
Trong cuộc đấu tranh này, mũi nhọn chủ yếu của giới học thuật chúng ta là chĩa vào hai tên phản động Hồ Thích và Hồ Phong, chúng không những là những kẻ duy tâm về tư tưởng, mà còn là những tên phản cách mạng về chính trị. Ngoài ra, còn phê phán quan điểm triết học và quan điểm chính trị xã hội của Lương Thâu Minh tiên sinh… Ngày nay, chúng ta đều có thể thấy, những cuộc đấu tranh như vậy cần thiết cho sự thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phát triển, do đó, đấu tranh như vậy là đúng.
Trong cuộc đấu tranh này, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng chỉ thị là phải kiên quyết phản đối những tư tưởng trở ngại cho việc mở rộng phê bình và thảo luận về học thuật, những tư tưởng ấy biểu hiện ở sự sùng bái mù quáng đối với những "danh nhân" tư sản, cho rằng họ là "quyền uy", không phê bình được; sợ thái độ quan lớn quý tộc lối tư sản đối với những người công tác học thuật mác-xít trẻ tuổi, áp chế họ, một số đảng viên vỗ ngực vội "quyền uy", không cho người khác phê bình mình, không tự phê bình, một số đảng viên "sợ vỡ mặt trận thống nhất", "sợ ảnh hưởng đến đoàn kết", không dám phê bình người khác, một số đảng viên vì tình bè bạn cá nhân hoặc vì sĩ diện, không dám phê bình, thậm chí còn che chở sai lầm của người khác. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch rõ rằng, cần phải giữ vững nguyên tắc này: trong việc phê bình và thảo luận về học thuật, không một ai có đặc quyền gì hết: vỗ ngực với "quyền uy" áp chế phê bình, hoặc là thấy tư tưởng tư sản sai lầm cũng bỏ mặc, có thái độ tự do chủ nghĩa hoặc thái độ đầu hàng, đều là không đúng. Đồng thời, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lại chỉ thị rằng, việc phê bình và thảo luận về học thuật nên là nói lẽ phải, nên thực sự cầu thị. Như thế nghĩa là, cần phải đề xướng sự tranh luận sâu sắc về học thuật xây dựng trên cơ sở khoa học. Phê bình và thảo luận cần lấy công tác nghiên cứu làm cơ sở, phản đối lối dùng thái độ giản đơn, thô bạo. Cần theo phương pháp tự do thảo luận, phản đối phương pháp hành chính mệnh lệnh. Cần để người bị phê bình được phản phê bình, không áp chế phản phê bình. Cần để cho thiểu số người có ý kiến khác được giữ ý kiến của mình, không phải là thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Đối với những người phạm sai lầm về vấn đề học thuật, sau khi đã phê bình và thảo luận, nếu không muốn đăng bài kiểm thảo cái lầm của mình, thì cũng không nhất định yêu cầu viết bài kiểm thảo. Trong giới học thuật, khi một vấn đề học thuật đã được kết luận, nhưng lại có ý kiến khác, thì vẫn để cho thảo luận. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lại chỉ thị: Khi phê bình tư tưởng tư sản sai lầm và khi phê bình và thảo luận vấn đề văn học, cần giữ vững chính sách mặt trận thống nhất và chính sách đoàn kết cải tạo trí thức của Đảng. Cần phân biệt đối xử với những người, trên tư tưởng, kiên trì quan điểm tư sản sai lầm, và những người tuy có quan điểm sai lầm nhưng có ngả về chủ nghĩa duy vật. Cần phân rõ phần tử phản cách mạng về chính trị với người phạm sai lầm về tư tưởng học thuật. Những người công tác học thuật có quan điểm tư sản sai lầm nghiêm trọng về tư tưởng học thuật, nhưng chỉ cần về chính trị không phải là phần tử phản cách mạng, thì đều nên đảm bảo cho họ có cương vị công tác thích hợp, đảm bảo cho họ có thể tiếp tục tiến hành công việc nghiên cứu hữu ích cho xã hội, tôn trọng và phát huy sở trường hữu ích đối với xã hội của họ, truyền thụ sở trường đó cho thanh niên, đồng thời khuyến khích họ tích cực tham gia phê bình và thảo luận về học thuật, để tự cải tạo.
Những chỉ thị đó bảo đảm cho chúng ta không phạm sai lầm nghiêm trọng trong công tác chống tư tưởng duy tâm tư sản và đẩy mạnh phê bình về học thuật. Ngày nay, kiểm tra lại, cuộc đấu tranh đó về cơ bản là đúng, về mức độ nói chung cũng nắm vững được đúng. Nhưng vẫn có sai lầm và khuyết điểm. Ví dụ: Du Bình Bá tiên sinh, về chính trị là một người tốt, chỉ phạm sai lầm về tư tưởng học thuật trong công tác văn nghệ. Phê phán tư tưởng sai lầm về học thuật của ông là cần thiết, trong những bài phê phán Du Bình Bá tiên sinh lúc đó, thực sự là có một số bài viết hay. Nhưng cũng có một số bài viết không được khá lắm, thiếu sức thuyết phục; lời lẽ cũng có phần quá mạnh. Còn như có người nói ông "độc quyền sách cổ" thì đó là lời nói vô căn cứ. Chúng tôi xin giải thích rõ trường hợp đó ở đây.
Chúng ta hãy hồi ức một chút rồi sẽ nhìn vào hiện tại. Tình hình ngày nay đã khác trước đây rất nhiều; nếu như một hai năm trước đây, chủ nghĩa duy tâm tư sản còn có thị trường rất lớn, phái Hồ Phong còn tấn công điên cuồng trên mặt trận tư tưởng, nhiều trí thức chưa nhận rõ được thế nào là tư tưởng duy vật, thế nào là tư tưởng duy tâm, không biết tư tưởng duy tâm tư sản nguy hại như thế nào đối với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, thì ngày nay giới tư tưởng đã tiến bộ rất nhiều.
Hiện nay, kế hoạch đã định về công tác phê phán tư tưởng Hồ Phong - Hồ Thích chưa làm xong, công tác quét sạch phần tử phản cách mạng lẩn lút cũng chưa làm xong. Nơi nào chưa làm xong, thì cần triệt để tiến hành đến cùng, không thể giữa đường bỏ dở. Vì chỉ có làm tốt những công tác đó, mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều công tác từ nay về sau. Trong cuộc đấu tranh, còn cần nhấn mạnh việc đoàn kết những người tốt chiếm quá 90%, kể cả những người lạc hậu; để cùng đấu tranh chống phần tử phản cách mạng.
3. Chúng ta còn có kẻ thù, trong nước cũng còn đấu tranh giai cấp, nhưng kẻ thù, nhất là kẻ thù trong nước đã suy nhược nhiều.
Kẻ thù là ai? Ngoài nước thì có thế lực đế quốc xâm lược do bọn hiếu chiến Mỹ cầm đầu, trong nước thì có bè lũ Tưởng Giới Thạch chiếm cứ Đài Loan, và có những phần tử phản cách mạng tàn dư khác. Đó là kẻ thù của chúng ta. Đối với những kẻ thù đó, ta vẫn cần tiếp tục kiên quyết đấu tranh; không thể lơ là.
4. Sự nhất trí về chính trị, về tư tưởng của nhân dân đã tăng cường rất nhiều, và đang tiếp tục tăng cường.
Chính vì đánh giá tình hình như vậy, nên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay nhấn mạnh chính sách "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", tức là muốn rằng về công tác văn nghệ và công tác khoa học, chúng ta cũng động dụng mọi nhân tố tích cực để phục vụ nhân dân được tốt hơn, và cố gắng làm cho nền văn học nghệ thuật nước ta được phong phú, cố gắng làm cho công tác khoa học nước ta đuổi kịp mứ tiền tiến của thế giới.
[3]
[1]Đây là lời toà soạn báo
Văn nghệ nói về bản dịch chữ Việt. Các đoạn bị lược bỏ có lẽ đã được toà soạn
Văn nghệ thể hiện mỗi chỗ bằng một dòng chấm lửng (L.N.A.).
[2]Ethel và Julius Rosenberg, bị Hoa Kỳ kết tội làm gián điệp cho Liên Xô (cung cấp bí mật về bom nguyên tử) và xử tử ngày 19.6.1953 (talawas).
[3]Toà soạn báo
Văn nghệ không ghi chú xuất xứ nguyên bản chữ Hán (trên báo chí Trung Quốc) của bài này, cũng không ghi tên người dịch bài này ra chữ Việt (L.N.A.).