Với nhan đề này tôi hoàn toàn không có ý nói đến ngày nhạc sĩ Phạm Duy quay trở về định cư trên đất nước Việt Nam. Tôi cũng không muốn nói đến đĩa CD
Ngày trở về trình bày của những ca khúc của người nghệ sĩ tài ba này, mà trong đó vẫn còn vài ca khúc mà ca từ lẫn giai điệu vẫn chưa hoàn toàn được diễn đạt một cách trọn vẹn và tương xứng. Đương nhiên tôi cũng không muốn nói tập hồi ký của ông đi kèm với đĩa CD, mà theo tôi là khá nhạt đối với những ai đã từng yêu nhạc Phạm Duy, và do đó, đã tìm hiểu ông từ trước năm 1975. Tập hồi ký quá ngắn đó và đĩa CD chưa nói được gì về âm nhạc của một người nhạc sĩ đầy tài năng đã từng làm say đắm nhiều thế hệ ở miền Nam. “Ngày trở về” tôi muốn nói ở đây chỉ đơn giản là “ngày trở về của âm nhạc” trong lòng những ai thật sự thích âm nhạc thuộc thể loại ca khúc, trong nền âm nhạc Việt Nam.
Đĩa CD nhạc Phạm Duy dù chưa thật đạt (dĩ nhiên là chỉ theo cảm nhận chủ quan, và ắt hẳn, phiến diện của tôi), nhưng vẫn như một trận mưa rào tưới xuống mảnh đất âm nhạc khô cằn, quá đỗi khô cằn hiện nay. Chưa bao giờ một nền văn hóa luôn tự hào về quá khứ bốn ngàn năm văn hiến của chúng ta lại phải chứng kiến một sự sa sút đến thế về văn hóa, cụ thể là âm nhạc, như thời hiện đại. (Tôi chỉ muốn nói đến loại âm nhạc được sáng tác chủ yếu từ sau “Thời mở cửa” và được phổ biến tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng). Bao nhiêu năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn cứ nhan nhản những ca khúc thời thượng mà dường như tác giả của nó chưa hiểu gì cả về âm nhạc lẫn tiếng Việt! Các ca khúc với ca từ ngô nghê và giai điệu đầy dung tục nhưng được ưa chuộng này, cùng với sự trợ lực vô tình của nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đã góp phần đẩy nền âm nhạc Việt Nam lún vào hố sâu ngày càng tệ hại.
Dĩ nhiên vẫn có một số ca khúc nghiêm túc, sâu lắng được sáng tác trong khoảng hai thập niên gần đây, mà đến bây giờ vẫn còn làm cảm động người nghe. Nhưng tiếc thay những ca khúc đó lại quá hiếm hoi và không được công chúng đón nhận đúng mức. Càng đáng tiếc hơn nữa khi những ngọn lửa sáng tạo kia lại quá yếu ớt, cứ chập chờn như muốn tắt đi, hoặc đã tắt hẳn, giữa bóng đêm mù mịt phủ vây của loại ca khúc đầy dung tục.
Trước đây, trong điều kiện bắt buộc của lịch sử, chúng ta luôn lo “đánh” những loại âm nhạc mà ta xếp vào loại “nọc độc văn hóa” vì sợ nó tác dụng xấu đến đời sống xã hội. Nhưng giờ đây, theo tôi, chính những loại nhạc thời thượng đầy sự dung tục dễ dãi, một khi lan truyền rộng rãi trong đời sống văn hóa mới thực sự là loại hình văn hóa nguy hiểm trong việc tàn phá sức cảm thụ âm nhạc chân chính của thế hệ trẻ. Nó đang gây hoang phế cho nền văn hóa và sẽ làm tê liệt mọi suối nguồn sáng tạo. Tôi có cảm tưởng nó như là một loại “sa mạc văn hóa” đang ngày càng lan rộng dần. Trận lũ quét qua dù tàn phá lớn, nhưng vẫn có ích để con người cày bừa canh tác trên đám phù sa để lại. Còn sa mạc chỉ có thể đem lại sự cằn cỗi đầy chết chóc. Nó làm xơ cứng đời sống văn hóa hiện tại đã đành, lại còn có nguy cơ hủy diệt luôn mọi mầm mống sáng tạo trong mai sau. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm xét từ góc độ văn hóa. Đừng để khu vườn âm nhạc Việt Nam trong tương lai chỉ có toàn những loại xương rồng dị dạng!
Sức cảm hóa của âm nhạc, tự ngàn xưa, đã được người xưa lưu tâm và dùng làm công cụ giáo dục. Người xưa cho rằng thông qua âm nhạc có thể đoán được phần nào sự thịnh suy của một nền văn hóa. Sự đơn bạc, hời hợt của thể loại ca khúc hiện nay khiến cho bất kỳ ai quan tâm đến văn hóa đều không khỏi cảm thấy đau lòng. Thể loại khí nhạc là điều quá xa vời với một nền văn hóa chưa có bề dày lịch sử về âm nhạc như Việt Nam, nên chúng ta chỉ còn trông chờ vào các ca khúc. Và ta thấy được gì từ phần lớn các ca khúc phổ biến hiện nay? Giai điệu thì hời hợt, ca từ thì thô ráp, ngớ ngẩn như những bài văn xuôi của trẻ con mới tập đặt câu hoặc như lời dịch vụng về từ một ca khúc nước ngoài. Tây không ra Tây, mà Tàu cũng chẳng ra Tàu.
Ca khúc là để hát. Mà hát, suy cho cùng, cũng chỉ là cách diễn đạt những gì ta muốn nói bằng ngôn ngữ, qua phương tiện nghệ thuật. Cho nên lối trình diễn chân chính trong nhạc Việt luôn nhẹ nhàng, khác hẳn với kiểu trình diễn “lên gân”. Chỉ những ca sĩ cảm thụ được điều này mới lột được phần hồn của bản nhạc. Ca từ luôn giúp người nghe cảm thụ nhiều hơn về phần sâu lắng trong ca khúc, phần sâu lắng mà thông thường ta chỉ cảm thụ được một cách mơ hồ qua giai điệu. Chính vì trong ca khúc, giai điệu không đủ sức diễn tả nội dung như các thể loại nhạc không lời, nên phải nhờ tới ca từ. Ngôn ngữ của mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có một linh hồn riêng, cho nên giai điệu và ca từ trong mọi ca khúc phải thể hiện được phần hồn đó thì mới có thể đi vào lòng người, mới có được sắc thái riêng. Ca khúc chân chính phải hòa quyện vào và nâng cao được nhạc tính hàm ẩn trong ngôn ngữ, nhất là một ngôn ngữ giàu nhạc điệu như tiếng Việt. Đó là phần đang thiếu trầm trọng trong ca khúc hiện nay. Có nhiều ca khúc có ca từ quá bóng bẩy và giàu nhạc điệu dễ làm ta lóa mắt trong buổi gặp ban đầu, nhưng sau vài lần nghe, nó dễ cho ta cảm tưởng sáo rỗng, sự sáo rỗng bị cái tài hoa của người nghệ sĩ che lấp đi. Cũng như khi còn đi học, ngôn ngữ của
Cung oán ngâm khúc dễ làm ta bị mê hoặc hơn cả
Truyện Kiều. Nhưng khi đọc nhiều lần, ta thử bóc lớp vỏ phù hoa của ngôn ngữ để tìm vào bên trong thì lại dễ dàng thất vọng:
nó thiếu chất sống của ngôn ngữ đời thường. Tôi luôn thích những ca từ đơn sơ mà tinh tế, mượt mà mà không sa vào sáo rỗng, phù phiếm. Và chính trong rất nhiều các ca khúc Phạm Duy (không phải tất cả), tôi đã tìm được điều ấy.
Điểm qua khối lượng đồ sộ các ca khúc Phạm Duy là điều vượt quá khuôn khổ của một bài báo. Tôi cũng không bàn đến một Phạm Duy có tài thả nhạc vào thơ để nhiều bài thơ bình thường bỗng biến thành châu ngọc; hoặc thổi hồn tiếng Việt vào các giai điệu của những nhạc sĩ vĩ đại như F. Schubert, R. Schumann, J. Strauss… để tiếng Việt được chắp cánh bay cao hơn nữa trên nền các giai điệu bất tử đó. “
Chiều buông nhẹ xuống đời, người tình tìm đến người, thấy run run trong chiều phai… Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu…”
[1] . Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc qua một vài ca từ trong dăm ca khúc đã gây cho tôi những ấn tượng sâu đậm ngay từ ngày còn đi học. Như là kỷ niệm êm đềm thời quá khứ.
Từ ngày còn là cậu bé lớp đệ thất (tức lớp 6 bây giờ), tôi đã phải bao lần gục đầu thẫn thờ cùng ca khúc “Chiều về trên sông”, giữa những buổi chiều rất mênh mang ở một chốn quê xa. Nơi đó cũng có dòng sông, dù không lớn lắm nhưng vẫn rất mênh mông trong tâm hồn cậu học trò mới lớn.
“
Chiều buông trên dòng sông Cửu Long, như một cơn ước mong ơi chiều. Về đâu ơi hàng cây gỗ rong, nghiêng mình trong bóng sông yêu kiều? Buồn tôi không vì sao bỗng dưng, theo đò ngang quá giang thương chiều… Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn, hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo…” Và bóng chiều rơi trên sông Cửu Long đó có lẽ vẫn mãi mãi là bóng chiều rơi trong hồn những bạn thuộc thế hệ tôi, trên mọi dòng sông quê nhà. Ca từ trôi theo giọng mineur nghe như bàng bạc không khí ngậm ngùi trong hồn thơ Huy Cận: ”
Nắng xuống sầu lên sâu cao chót vót, sông dài trời rộng bến cô liêu … Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa. Hồn quê dờn dợn vời con nước. Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (“Tràng giang” - Huy Cận).
Ca khúc đó, lời thơ đó đã giúp tôi tìm được “hồn quê” theo cách của riêng mình. “Hồn quê” đó vẫn luôn có một cái gì đó làm ta lưu luyến đến lạ lùng, trên những bờ lúa nương khoai, trên những chiếc áo sờn vai, trên những tia nắng chiều hôm.
“Ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày… Chiều rơi thoi thóp trên vài luồng khoai, hiu hắt tiếng bà mẹ cười, vui vì nồi cơm ngô đầy.” Và hình ảnh quê hương càng ngọt ngào và tha thiết hơn trong tôi, qua hình ảnh ánh đèn dầu treo bóng mẹ gầy lên vách:
“
Con thấy mẹ yêu đã già, hẳn là miền quê những năm vừa qua, chiếc bóng in trên vách nhà, một ngày một sương tóc chưa phai mờ”. Rồi giờ Việt văn, cô giáo lại làm chúng tôi lặng người khi nghe cô hát bản “Tình ca”:
“
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời… Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui khóc cười theo vận nước nổi trôi, nước ơi… Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi”. Tiếng Việt đã theo giai điệu ngọt ngào trôi bềnh bồng vào tâm hồn chúng tôi, để mỗi khi đến giờ Việt văn nghe cô giảng, chúng tôi lại nhớ đến “
mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời… Một yêu câu hát truyện Kiều, lửng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta ”.
Tuổi trẻ chúng tôi đã tìm đến với Phạm Duy lúc ban đầu một cách giản dị như thế đó. Như những cậu bé nhà quê rong chơi trên đường thôn để tìm những đóa hoa dủ dẻ. Mộc mạc nhưng thơm lựng. Rồi về sau chúng tôi lại cùng theo ông đi qua những bản tình ca nồng nàn đau đớn,
Hoan ca trong sáng vui tươi,
Mẹ Việt Nam, Con đường cái quan chất ngất tình quê và hồn sông núi… Còn nhiều thể loại nữa mà tôi không thể trình bày ra đây trong khuôn khổ một bài báo. Nhưng điểm xuyên suốt qua mọi ca khúc đó vẫn là sự mộc mạc và tinh thuần trong phần hồn tiếng Việt đã được ông kết hợp một cách hài hòa, sâu lắng. Đó là sự thiếu vắng đáng đau xót trong ca từ của phần lớn ca khúc hôm nay.
Các ca khúc Phạm Duy được phép trình bày trở lại, dù với số lượng chưa nhiều và chưa phải toàn là những bài hay nhất, nên chắc chắn không đủ sức tưới thấm cho một vùng đất quá đỗi khô cằn, nhưng với tôi đó là dấu hiệu đáng mừng cho thể loại ca khúc chân chính đang hồi sinh, một thể loại âm nhạc đã từng tồn tại và phát triển tuyệt vời tại Việt Nam từ thời tiền chiến, trong buổi ban đầu tiếp xúc với âm nhạc phương Tây. Tôi chỉ mong rằng, cùng với sự xuất hiện của ca khúc Phạm Duy, sẽ là “ngày trở về” của phần hồn tiếng Việt trong các ca khúc mới của Việt Nam, trong những ngày gần đây nhất.
© 2008 talawas
[1]Tất cả những lời trích dẫn trong bài này, nếu không chua xuất xứ, đều được lấy từ các ca khúc của Phạm Duy.