trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
3.7.2007
Vũ Ngọc Tiến
Thế là… chị ơi!
 
Thế là… ông Trời có mắt. Đời chị khổ nhiều rồi, khổ từ năm lên sáu, giờ ngoài bảy mươi xuân ông Trời mới cho chị thư nhàn an hưởng tuổi già. Con cái thảy đều thành đạt, bầy cháu nội ngoại xum vầy, đúng là “một cây cù mộc một sân quế hòe”… Cái căn hộ tồi tàn, ẩm mốc ở phố nhỏ gần nhà ga giờ bán đi nhờ cơn sốt nhà đất cộng với tiền thằng út bán tranh gửi từ Paris về đủ để chị mua căn biệt thự trên đại lộ vừa mở, rộng thênh và đẹp nhất khu đô thị mới. Nghe tin chị chuyển nhà, tôi mừng cho chị sao mẹ tôi lại khóc? Từng giọt cặn lệ ứa ra từ khoé mắt khô kiệt của mẹ mách bảo tôi rằng, mẹ xót thương đứa cháu ruột mồ côi bao nhiêu, càng nhớ người chị hồng nhan đoản mệnh. Thân gái dặm trường, mẹ chị phải theo chồng rời bỏ đô thành đi lánh nạn, ở lẫn với người Thái Đen tận bến Tà Chan, trên khúc sông Đà heo hút. Ngày ấy, các chí sĩ từng theo cụ Nguyễn Thái Học làm cuộc bạo động Yên Bái bất thành nếu không bị rơi đầu dưới máy chém tàn bạo thì cũng bị tù đày hoặc tan tác phiêu bạt sang Ai Lao, sang Xiêm. Chỉ riêng cha chị và người bạn chí cốt là ông Phán Hậu nảy ra sáng kiến đưa vợ con đi lánh nạn trên sông Đà. Thuyền ngược dòng đi được hai ngày bị khám xét dữ nên phải chia đôi, ông Phán Hậu neo lại bến Chợ Bờ, còn cha chị neo lại bến Tà Chan sinh sống qua ngày và thăm nuôi, tiếp tế cho bạn bè ở nhà tù Sơn La. Cái bến Tà Chan nhờ thế trở nên sầm uất, dân quanh vùng quen gọi là Bản Phố. Mẹ chị buôn muối, dầu hoả, vải vóc, kim chỉ… từ dưới xuôi lên và mua hàng lâm sản gửi thuyền về Hà Nội giao cho các chợ. Nó còn là nơi ẩn cư an toàn của gia đình chị bởi từ thị trấn Hát Lót đi xe ngựa vào Kiên Lao còn phải đi bộ một ngày đường qua hai quả núi cao chất ngất mới ra được bến Tà Chan. Song nếu cha chị muốn gửi quà tiếp tế cho bạn bè ở nhà tù Sơn La lại rất gần và thuận tiện. Có người lính khố xanh canh gác trại giam nhà ở Hát Lót sẵn lòng giúp ông làm việc nghĩa cử. Hễ có ai vượt ngục, bất kể thân sơ, không phân biệt tù Quốc dân Đảng hay tù cộng sản đều được ông hết lòng che chở. Và chị, cô gái dòng dõi trâm anh đất Hà Thành hoa lệ lại được sinh ra giữa nơi thâm sơn cùng cốc. Tuổi thơ chị gắn với rừng già, bến sông và những đứa trẻ lấm lem người Thái, người Mường. Thi thoảng chị mới được theo cha xuôi thuyền về bến Chợ Bờ thăm ông Phán Hậu, được chơi đùa thoả thích với anh, hồi đó lớn hơn chị dăm tuổi. Nhưng anh cũng sớm phải xa chị về quê Nam Định ở với ông nội để theo học tiếp bậc Thành Chung rồi Tú Tài. Mối nhân duyên giữa chị và anh khởi nguồn từ đó chứ phải đâu như sau này người ta kết tội anh là nhà thơ sa đoạ, gian díu với con phản động đội lốt Công giáo, chống phá cách mạng.

Thế là… chị ơi! Ông Trời có mắt. Cuối cùng thì thơ anh cũng được tôn vinh. Sau ngày anh mất, tập trường ca cuối cùng của anh được trao giải và hôm nay tôi lại nhìn thấy chị trên màn ảnh nhỏ, trong lễ trao Giải thưởng Nhà nước cho anh và những người bạn của anh. Song cái án oan kết tội ông Phán Hậu, nhà chí sĩ yêu nước giầu có, danh giá bậc nhất tỉnh Nam Định bị bôi nhọ là tên phản động Quốc dân Đảng, tay sai đế quốc Pháp ai rửa cho ông? Đêm trước ngày bị các Ông Đội sai cán bộ chuỗi, rễ đến nhà bắt trói ông đem đi đấu tố, ông lập bàn thờ giữa sân nhà, có bài vị Nguyễn Thái Học bằng chữ Nho, rồi ông đội khăn xếp, mặc áo the đen, lầm rầm khấn vái: “Tiên sinh năm nào lên máy chém vẫn để lại lời bất hủ rằng “không thành công cũng thành nhân”. Giờ độc lập thành công rồi, mai tôi lên đoạn đầu đài sẽ thành gì đây? Tiên sinh hỡi, tiên sinh!...” Cái án oan ấy khiến anh đang đi công tác cải cách ruộng đất ở Thái Bình bị triệu hồi về giam lỏng ở đơn vị. Ngày ấy, nếu lần anh tự tử bằng dao lam trót lọt thì còn đâu những tác phẩm sau này anh viết cho người đời chiêm ngưỡng, hậu thế tôn vinh? Mà anh đâu chỉ có thơ. Anh là nghệ sĩ đa tài. Hôm tôi đến mừng chị dọn sang nhà mới, chị mở cho xem cuốn Các danh hoạ Việt Nam hiện đại do Viện Hàn lâm Hội hoạ Pháp xuất bản tại Paris, có cả tác phẩm tranh của anh và tranh của thằng út nhà chị trong đó, được giới thiệu rất trang trọng. Mẹ tôi nhìn vào bức tự hoạ của anh, nghẹn ngào hồi nhớ những lần gặp đứa cháu rể như cái xác vô hồn, nửa điên nửa tỉnh trong gian gác xép tối tăm của căn hộ xập xệ, ẩm mốc thuở nào. Giờ chị có cả toà biệt thự sang trọng thì anh đã thành người thiên cổ. Đãi bôi anh chút danh hão làm gì khi cả đời anh đói ăn và đói viết. Chị đã cố tần tảo cắp thúng bán xôi, bê mẹt bán thuốc lá ngoài hè phố để nuôi anh và ba đứa con thơ ăn học, nhưng còn cái đói viết của anh, chị làm sao lo được. Là nhà thơ tiên phong cách tân, anh mắc phải vạ bút đã đành một nhẽ. Song khi “giậu đổ bìm leo”, người ta - những bạn viết của anh có người còn nỡ đổ lên đầu anh thêm cái vạ gian díu với con phản động đội lốt tôn giáo là chị. Giấy trắng mực đen, họ kết tội chị là tác nhân khiến anh sa đoạ. Có lần chị bảo tôi: “Đời chị suốt bao nhiêu năm sống âm thầm như bóng ma, chỉ có hai lần được thiên hạ nô nức đi xem mặt. Lần thứ nhất, người ta bu kín hội trường làm lễ cưới để xem con phản động sánh đôi cùng nhà thơ phản động. Lần thứ hai, người ta lại kéo đến vây kín phố nhỏ gần nhà ga để xem mặt vợ ông nhà thơ nổi tiếng nay đã lên bà, khi chị mặc áo xô đi sau chiếc quan tài của anh.” Tôi nắm tay chị, ngước nhìn lên bức tự hoạ bằng mực Tàu của anh treo trên tường, the thắt buồn.

Thế là… chị ơi! Nhắc đến nỗi oan của chị, mẹ tôi lại khóc và bảo: “Chung quy chỉ tại mẹ. Dì ruột vì thương cháu mà vô tình làm nó rơi vào cảnh ngang trái, chịu nỗi oan tày đình.” Lời mẹ kể cứ ám ảnh tôi nhớ về tuổi thơ và thời thanh xuân của chị. Ngày ấy Tà Chan nổi tiếng là nơi ma thiêng nước độc. Mẹ chị ngược xuôi trên sông buôn bán, sống kham khổ, tằn tiện dành tiền cho chồng tiếp tế, thăm nuôi các bạn trong tù nên kiệt sức ngã bệnh qua đời năm Bính Tý (1936). Cha chị gà trống nuôi con lận đận trên bến sông hiu hắt, nhớ vợ đã khuất, thương bạn trong tù, lại thêm nỗi đau vì cuộc khởi nghĩa Yên Bái bất thành, khổ luỵ đến bao người nên hai năm sau cũng qua đời sau cơn bạo bệnh. Chị sinh năm Nhâm Thân (1932) nên khi ấy (1938) mới 6 tuổi đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông Phán Hậu ngược thuyền từ Chợ Bờ lên Tà Chan chôn cất bạn rồi đưa chị về xuôi. Lúc này, anh Lâm, người anh lớn của chị thi đậu xong tú tài đã thoát ly đi hoạt động bí mật ngoài vùng mỏ, bà nội cũng đã già yếu. Ông Phán Hậu từ khi còn ở Chợ Bờ đã có ý nhắm chị làm dâu sau này nên muốn đưa chị về về quê Nam Định. Song một người bạn khác của cha chị là ông đốc tờ Chu khuyên ông gửi chị cho bà đốc chăm sóc, nuôi cho ăn học và dạy nghề. Ông Đốc Chu nổi tiếng vì có bằng bác sĩ ở Pháp về nên bà Đốc Chu mở nhà hộ sinh lớn nhất Hà Thành. Gửi chị vào nhà ấy ông Phán Hậu cũng thấy an lòng, không phải ân hận với người bạn đã khuất. Mẹ tôi bảo, cái duyên số anh chị cứ bén dần nhờ ông Phán Hậu vài tháng lại lấy cớ gửi tiền và ít quà quê, sai anh mang lên Hà Nội gặp chị. Cách mạng thành công, anh nổi tiếng là nhà thơ hực lửa chiến đấu, cổ xuý mọi người xả thân vì nền cộng hoà non trẻ. Chị đã sang tuổi 13, cái tuổi chớm thành thiếu nữ, mơn mởn xuân thì, lộng lẫy kiêu sa của cô gái Hà Nội. Nhưng vẫn còn quá sớm để… Thế rồi kháng chiến bùng nổ, anh vào bộ đội, cha mẹ tôi và nhiều gia đình trí thức như ông Đốc Chu đều hăm hở lên chiến khu theo chính phủ kháng chiến. Bà Đốc Chu nhận nhiệm vụ ở lại Hà Nội bám giữ nhà hộ sinh làm cơ sở tiếp tế thuốc men, nhu yếu phẩm ra vùng kháng chiến. Chị trở thành con thoi liên lạc tin cẩn và rất được việc của bà Đốc Chu. Ở chiến khu Việt Bắc, mẹ tôi cũng được giao nhiệm vụ liên hệ với chị nhận hàng tiếp tế, chuyển thư từ cho các gia đình trí thức gửi về Hà Nội. Mỗi lần dì cháu gặp nhau xiết bao mừng tủi. Bà sững sờ nhận ra chị càng lớn càng đẹp, đẹp từ vóc dáng đến nước da, xinh từ điệu cười đến lời nói, nhất là đôi mắt như phảng phất nét đẹp nguyên sơ của núi rừng Tây Bắc trên bến Tà Chan. Chiến tranh là tàn khốc, sống chết khôn lường. Mẹ tôi muốn anh được gặp chị, dù chỉ một lần kẻo lỡ không may chết trận khỏi phí đời trai. Vì thế, một lần nhận hàng tiếp tế, bà đã liều vi phạm kỷ luật, dắt chị vào sâu trong an toàn khu chờ dịp gặp anh. Chị ở lại nhà tôi trên chiến khu mấy ngày, nhưng lúc nào cũng đông như nhà có đám cưới. Lũ nhóc chúng tôi suốt ngày quẩn quanh bên người lớn để chờ túi kẹo từ Hà Nội gửi ra mà người nhận luôn hào phóng sẻ ra chia phần. Các anh lính trẻ tranh nhau thập thò ngoài cửa nhìn chị tán thưởng và ao ước một nụ cười duyên, một khoé nhìn thân thiện. Người từ khắp nơi băng rừng hàng chục, có khi hàng trăm cây số chỉ để nhờ chị chuyển một lá thư vào nội thành cho gia đình. Gã thủ trưởng Thịnh híp, cấp trên trực tiếp của anh ở an toàn khu vừa đến nhà gặp chị đã mê mẩn như kẻ mất hồn, lẵng nhẵng bám lấy mẹ tôi nhờ làm mối. Ngay đêm đó, hắn điều anh đi công tác gấp ngoài mặt trận. Ngày ngày hắn xun xoe tán tỉnh chị dai như đỉa đói, lại còn làm cả xấp thơ tình tặng chị, nhưng chị nào có thèm đọc. Chị bảo tôi: “Em đem nắm giấy lộn này đi mà chùi đít. Thơ hắn bốc mùi như lỗ mồm hắn bốc mùi vì bệnh viêm xoang, sao thuộc cấp của hắn cũng là nhà thơ có danh có giá lại hạ mình tâng bốc thơ hắn lên tận mây xanh?...” Tôi trẻ con nào có hiểu gì, chỉ thấy khoái chí, bô bô khoe với chúng bạn được chùi đít bằng thơ của thủ trưởng anh, thế thôi. Mẹ tôi đâu ngờ sau chuyến đi ấy, chị về Hà Nội được nửa ngày thì bị mật thám Pháp xông vào nhà hộ sinh, xích tay chị giải vào nhà giam Hoả Lò. Chị bị tra tấn dã man với đủ thứ cực hình thời trung cổ vẫn không khai nửa lời về đường dây tiếp tế thuốc men cho kháng chiến liên quan đến bà Đốc Chu và mẹ tôi. Ông Phán Hậu nghe tin dữ tất tưởi lên Hà Nội tìm cách cứu chị ra khỏi nhà giam. Ông tung tiền, vàng lo chạy khắp các cửa đều vô vọng. Tình cờ ông gặp một bạn văn chương người Pháp đang làm cha xứ nhà thờ Cửa Bắc. Nghe chuyện rồi gặp chị, dù thân thể bầm dập vẫn sáng lên vẻ đẹp rực rỡ giữa nhà tù nặng nề âm khí, cha chạnh lòng thương xót, hứa sẽ giải cứu cho chị. Để nhà thờ dễ bề can thiệp, cha khuyên chị nhận tên thánh do ngài đặt. Chị theo đạo từ đó, dù chưa hề đi lễ nhà thờ, nhưng chị là con nuôi cha xứ. Bí mật này chị muốn đào sâu chôn chặt. Tôi nói ra cũng chẳng để làm gì. Nói cho hả rồi quên. Người đời cũng sẽ quên như cái Bản Phố trên bến Tà Chan ấy, giờ có ai biết đâu. Nó đã chìm xuống lòng sông từ sau ngày xây đập thuỷ điện. Chỉ có thơ và tranh của anh sẽ còn mãi mãi.

Thế là… chị ơi! Anh đã thành người thiên cổ. Đêm nay đêm cuối tháng. Trời tối đen như vạt áo choàng của các bà xơ. Tôi nhìn ra ô cửa sổ của chung cư tầng 11 chợt thấy anh bước ra từ bức chân dung tự hoạ bằng mực Tàu thẫm đen. Tôi nhận ra anh vẫn như ngày nào đờ đẫn tản bộ từ phố gần nhà ga sang Kim Liên xem cha tôi nuôi ong, hay mượn cha tôi cuốn sách tiếng Pháp. Cả đời anh khát đọc, đói viết mới là điều uẩn ức, chứ đói cơm nào có đáng kể gì. Vả chăng anh ăn cơm có được là bao. Có bận nể lời mẹ tôi, anh nán lại ngồi vào mâm, nhẩn nha nhai từng hạt cơm. Ăn kiểu ấy thì tiêu chuẩn phiếu gạo của công dân hạng bét anh ăn cũng đâu có hết. Còn thịt cá ư? Anh ăn chay lâu rồi. Từ ngày bị treo bút, anh ngồi thiền quy y tại gia. Thiếu rau đã có cỏ mà cỏ thì vô thiên lủng. Vả chăng rau mậu dịch thời đó có hơn gì cỏ, thua xa mấy nắm lá cỏ lành anh vặt trên đường vào những chiều lang thang dọc đê sông Hồng ngắm cảnh. Bây giờ các đại gia vào nhà hàng đặc sản ăn gỏi cá, tái dê cũng thấy trên bàn la liệt các thứ cỏ nhậu với rượu Chivas 21 năm cơ mà.

Tôi đã thấy gương mặt đần độn, thớ lợ của gã nhà văn đàn em của anh, xưa từng viết bài kết tội anh sa đoạ gian díu với con phản động đội lốt Công giáo, nay ngồi trên bàn nhậu ấy với dăm ông chủ vũ trường tàng trữ thuốc lắc. Mẹ tôi thường bảo, nhờ có chị đảm đang tháo vát nuôi ba đứa con thơ không bị thiếu ăn, đói mặc nên anh không như mấy bạn văn bị treo bút khác, phải đi kéo xe bò than quả bàng, đi làm thợ mộc hay đi đóng gạch xỉ than kiếm ăn. Nhưng anh cũng thương chị lắm! Có lần anh bỏ nhà lên Xuân Mai, vào rừng kiếm củi, vác từng bó ra ngã ba quốc lộ 6, nhờ anh lái xe tốt bụng chở về chất đống trước cửa nhà làm chị phát hoảng. Chị phải gọi người bán tống bán tháo trước khi trời sáng để khỏi bị công an phạt vi cảnh vì tội lấn chiếm hè phố. Lại có bận chẳng hiểu vì nghe tiếng chị vét đáy thùng gạo sồn sột hay vì nhịn viết không nổi, anh bỏ nhà lên hang đá ở Bắc Cạn nhịn ăn, uống nước lã ngồi thiền hàng tháng trời. Ở nhà, chị bấn loạn, bổ đi gõ cửa khắp các nhà quen dò hỏi, tìm kiếm. Hôm anh về, chị chết lặng nhìn anh như nắm xương khô, râu tóc bù xù, áo quần mọc rêu, muốn oà khóc mà đôi tròng mắt chị chỉ đủ ứa ra vài giọt cặn lệ. Gặp tôi chị bảo: “Khổ mấy chị cũng thay anh gánh chịu tất cả. Nhưng là người viết như anh mà phải nhịn viết thì nỗi khổ ấy chị đành bất lực.” Nghe vậy, tôi mới hiểu vì sao anh Lâm ngày xưa dám từ bỏ mọi vinh quang, quyền chức đứng ra tổ chức lễ cưới cho anh chị.

Thế là… chị ơi! Anh Lâm bây giờ cũng đã thành người thiên cổ. Ngày anh Lâm hấp hối, vợ chồng tôi ra Hải Phòng thăm anh. Căn hộ cấp bốn, bề ngang ba mét, mái lợp thấp tè trong khu tập thể lâm nghiệp ở quận Lê Chân là nơi anh Lâm hưu trí tuổi già. Nó làm tôi nhớ tới khu nhà xưa của ông bà nội anh rộng hàng mẫu đất ở làng Mọc Đáy trong tổng Mọc Quan Nhân, được thiết kế như dinh thự của một hưu quan, có nhà chính, nhà ngang, vườn sau sân trước, bao quanh là dãy hàng rào bằng cây dâm bụt trổ đầy hoa đỏ. Khu nhà ấy hồi cải cách ruộng đất bị chia năm xẻ bẩy cho các bần cố nông, giờ họ lại bán sạch cho người trong phố cổ ra xây biệt thự. Tôi biết, trong số ấy có biệt thự của con gái Thịnh híp, kẻ được cha anh Lâm và ông Phán Hậu cưu mang những ngày vượt ngục Sơn La thủa nào. Anh Lâm bị lão Thịnh híp trù dập, đẩy đi làm cán bộ công đoàn vùng than Quảng Ninh, cuối đời về Hải Phòng tá túc trong căn hộ này theo tiêu chuẩn của vợ. Cái tội của anh Lâm là đã phớt lờ lời cầu xin làm em rể của Thịnh híp khi còn ở trên chiến khu Việt Bắc. Đã thế, sau ngày giải phóng thủ đô, bất chấp sự ngăn cản của hắn và cơ quan, đơn vị hai bên, anh Lâm lại ngang nhiên đứng ra tổ chức hôn lễ cho em gái với thằng nhà thơ phản động. Mấy chục năm công tác ngoài vùng than, anh Lâm không vượt nổi cái ngưỡng của thang lương cán sự để lên chuyên viên hạng bét. Tôi bùi ngùi cúi đầu qua dây thép ngoài sân phơi đầy bao tải gai lẫn quần áo đủ mầu, đủ cỡ, bước vào căn hộ tồi tàn, mắt cứ hoa lên vì ánh sáng thay đổi đột ngột. Khó nhọc lắm, tôi mới leo nổi cái thang gỗ dựng đứng dẫn lên gian gác xép áp mái. Một ông lão ngót tám mươi, không phải, một bó củi khô có cái đầu biết nhìn tôi và biết nói thều thào. Vợ tôi cứ lo anh Lâm nằm đó, lỡ khi anh đi thì biết khiêng áo quan xuống bằng cách nào! Nhưng bên dưới nhỏ hẹp, toen hoen hơn chục mét vuông ấy còn chiếc bàn con uống nước với mấy chiếc giường của bà vợ bẳn tính suốt đời không hợp với anh, của vợ chồng thằng con trai và hai đứa cháu nội, gia đình biết để anh nằm chỗ nào? Còn đâu hình ảnh oai phong của người chiến sĩ cách mạng nổi tiếng với bí danh Trần Quốc Bình ở vùng mỏ và chiến khu Đông Triều thời tiền khởi nghĩa! Nhắc tới bí danh của anh, tôi lại nhớ con đường rất đẹp ở quận Ba, thành phố Hồ Chí Minh mang tên Trần Quốc Thảo, có trụ sở Hội Nhà văn Thành phố. Anh Lâm là bạn chí cốt với Trần Quốc Thảo nên mới đặt cho mình bí danh ấy. Hai người đều yêu văn thơ, cùng hoạt động nhiều năm ở vùng mỏ và chiến khu Đông Triều. Sau ngày Nam bộ kháng chiến, ông Thảo được điều động theo tướng Nguyễn Bình vào Nam, còn anh Lâm bí mật lên Việt Bắc chuẩn bị cơ sở cho chính phủ kháng chiến. Giờ họ danh phận khác nhau cũng đều thành người thiên cổ. Và cả lão Thịnh híp thâm hiểm, độc ác giờ cũng đã về với cát bụi cả thôi. Đời người là kiếp phù du mà chị…

Thế là… chị ơi! Ông Trời có mắt. Nghe đồn, ngôi mộ xây bằng đá cẩm thạch của Thịnh híp ở nghĩa trang quốc gia không hiểu vì sao thiên hạ cứ bí mật đến đổ rác, thậm chí có người còn ỉa đái lên đó hay trát cứt vào bia mộ. Con cháu ông ta đã mang hài cốt về quê xây mộ khác. Mộ cũ bây giờ bên trong chỉ toàn là cát. Chị xây mộ cho anh không cầu kỳ, chỉ vỉa vài hàng gạch còn lại để nguyên nấm đất xanh mướt thảm cỏ, giống cỏ đặc biệt xanh quanh năm ở hoa viên Bảo tàng Mỹ thuật Paris mà thằng út nhà chị mang về nước gây giống nhân cuộc triển lãm tranh của nó. Chị muốn anh nằm xuống vẫn giao hoà với trời mây, trăng sao, cây cỏ. Giá hồi anh còn sống, người yêu thiên nhiên như anh mà theo gương bác Nguyên Hồng đưa vợ con lên Tà Chan có lẽ tốt hơn chăng? Một lần, trong chuyến đi theo đoàn làm phim lên Sơn La, mẹ tôi dặn: “Nếu có điều kiện con nhớ ghé thăm bến Tà Chan”. Xe lên tới Hát Lót, tôi tách đoàn, hỏi thăm đường vào Tà Chan. Dân địa phương khuyên tôi nên đi xe ôm ra cảng Tà Hộc rồi ngược thuyền lên Tà Chan sẽ đỡ vất vả. Đi hướng Kiên Lao qua Chiềng Chăn vào Tà Chan họ bảo leo núi cực lắm, sức tôi không chắc kham nổi. Song nếu đi đường sông, tôi không thể lần theo dấu chân xưa, cha chị hàng tháng mang đồ tiếp tế ra Hát Lót gửi vào nhà tù Sơn La qua tay người lính khố xanh. Trời đã quá trưa sang chiều. Gió từ cao nguyên Tà Khoa hiu hiu thổi vào lòng tôi nỗi buồn man mác. Tôi vào quán, nhân nha ly café toan tìm nhà trọ ngủ qua đêm, mai sẽ đi tiếp. Chị chủ quán mau chuyện, khoe với tôi rằng thị trấn này có ông già người Thái sống trên trăm tuổi vẫn minh mẫn khác thường, biết rõ nhiều chuyện ở đời. Tôi mua ít hoa quả, bánh kẹo vào thăm cụ. Thật lạ! Đã gần 120 tuổi mà cụ rất minh mẫn, chỉ đôi mắt hơi mờ và tai nghe hơi kém. Hỏi chuyện, tôi thêm bàng hoàng xúc động bởi cụ chính là người lính khố xanh coi tù năm xưa. Cụ tả rất rõ dáng người phong lưu, đĩnh đạc, cử chỉ nho nhã của cha chị. Cụ còn kể vanh vách Thịnh híp chỉ là thằng lưu manh móc túi ở nhà ga, bến xe dưới Hà Nội. Hắn được một cơ sở cách mạng thuê ăn cắp bộ chữ và mấy bản kẽm của nhà in Minh Sang cho họ in truyền đơn. Việc bị bại lộ, hắn bị bắt và nghiễm nhiên thành tù chính trị. Trong nhà giam, anh em tù Quốc dân Đảng rất khinh bỉ, tẩy chay Thịnh híp. Song không hiểu sao, nhóm anh em tù cộng sản lại bị hắn mê hoặc, kết nạp vào chi bộ nhà tù, được vài năm thì leo lên cấp lãnh đạo. Ngày hắn vượt ngục với mấy đồng chí nữa, chính cụ đã chỉ đường cho họ vào Tà Chan ẩn náu… Đêm ở nhà trọ, tôi không sao ngủ được, mong trời mau sáng. Đường từ Kiên Lao vào Chiềng Chăn quanh co uốn lượn, vắt qua hai ngọn núi cao sừng sững. Có lúc tôi đi men mép vực chênh vênh, nhìn xuống dưới mà thấy chóng mặt. Xa thế, khó thế mà cha chị vẫn kiên trì hết năm này tháng nọ đi tiếp tế cho bạn trong tù. Thịnh híp vào Tà Chan, được cha chị cưu mang tha hồ ăn no ngủ kỹ, chẳng lo bị bắt lại. Hồi anh Lâm còn sống kể rằng, Thịnh híp nấn ná ở Tà Chan hàng tháng. Hắn sai các bạn tù người xuôi thuyền xuống bến Chợ Bờ, người leo tắt đường núi đi Tà Khoa liên hệ, bắt mối với cơ sở, còn mình nằm khểnh uống rượu, tuyên truyền cách mạng cho cả nhà, nói như thánh tướng nên cha chị chỉ khinh khỉnh ngồi nghe, cười mát. Hôm ông Phán Hậu từ Chợ Bờ lên đón hắn về cơ sở cách mạng dưới Hoà Bình, cha anh ghé tai thì thầm: “Thằng này có tướng phản phúc. Mình cứu nó thoát nạn, chẳng biết sau này có gặp hoạ vì nó hay không?” Câu chuyện của cụ già trăm tuổi người Thái, lời kể của anh Lâm văng vẳng bên tôi suốt dọc hành trình leo núi. Lên đỉnh núi thứ hai, tôi đã nhìn thấy thấp thoáng xa xa dòng sông Đà và hai bản Chiềng Chăn, Tà Chan nằm men bờ nước như bức tranh thuỷ mạc. Chị ơi! Nếu anh còn sống, đi cùng tôi lên đỉnh núi này hẳn sẽ không thể rời chân, quên mọi khổ đau, uẩn ức, ngồi lỳ trên mỏm đá làm thơ và vẽ tranh. Còn tôi đứng trên đỉnh núi nhìn về Tà Chan lòng cứ miên man ngẫm ngợi. Ở cõi nhân sinh muôn thuở những kiếp người thì mọi thứ vinh-nhục, sướng-khổ, thiện-ác… vốn đều có cả. Chẳng cầu mà đến. Muốn tránh cũng phải gặp. Song tất cả rồi sẽ biến mất trên cõi đời, như Bản Phố chìm xuống lòng sông. Đời người đã là cõi tạm thì sống ngày nào phải được là chính mình, dù có bao đè nén, oan ức, khổ đau như anh Lâm, như anh và chị. Thế là… chị ơi! Tôi đã đến được Tà Chan, lội nước dò tìm dấu tích Bản Phố ngày xưa, cũng là nơi khởi nguồn một mối tình cao sang và những oan trái đời chị....

Lời cuối: Câu chuyện này tôi viết có thực có hư. Nửa thực tôi dành kính tặng chi K. và hương hồn anh D. Còn nửa hư kia, nó là hư cũng là sự thật, tôi gom nhặt từ những mảnh vụn của lịch sử bồi đắp thêm… Chuyện thường của nghề văn, chị ơi, tha lỗi cho cho em!

Hà Nội tháng 6/2007

© 2007 talawas