trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
4.5.2006
Bùi Kha
Alexandre de Rhodes, chữ Quốc ngữ và quan điểm chính trị
 1   2 
 
Một ngày sau khi bài “Ðối luận với tác giả Hoàng Hưng” của tôi xuất hiện, (talawas, 20.4.06), các ông Phạm Quang Tuấn, Nguyễn Tấn Hưng, Hòa NguyễnDương Phẩm đã có các ý kiến tranh luận đăng trên talawas. Những bài viết của các tác giả nói trên chủ yếu nhằm thảo luận về hoạt động và quan điểm chính trị của linh mục A. de Rhodes (cũng gọi là Ðắc Lộ) hơn là đề cập đến việc linh mục này có phải là người đầu tiên có sáng kiến phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh hay không, ngoại trừ tác giả Hòa Nguyễn.

Ông Phạm Quang Tuấn dùng những định nghĩa (tổng quát) trong thông tin điện tử Google để biện luận cho nghĩa ngữ trong hai cụm từ “plusieurs soldats” & “la conquête de tout l’Orient”, thao tác này không giúp giải thích rõ quan điểm chính trị của linh mục A. de Rhodes.

Ông Nguyễn Tấn Hưng cho rằng Bùi Kha đã “quên” chú thích 35 (trang 289) của Hồng Nhuệ “Nói chiến sĩ Phúc Âm tức các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm cứ xâm lăng.” Thực ra, tôi không phải quên hoặc lờ đi câu chú thích này, nhưng tôi thấy chú thích như vậy là hoàn toàn sai nên tôi không công nhận (tôi có viết sơ về chú thích này trong bài trước). Trong những trang tiếp, tôi sẽ trình bày rõ hơn để ông Hưng thấy đồng quan điểm với ông còn có linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, giáo sư Chương Thâu, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu và giáo sư sử học Ðinh Xuân Lâm. [1] Vì chỉ căn cứ vào đoạn chú thích sai lầm của Hồng Nhuệ nên Nguyễn Tấn Hưng viết tiếp: “Kết tội Alexandre de Rhodes và các nhà truyền giáo Gia tô thế kỷ XVII là ‘những người mở đường cho các đạo quân xâm lăng’ thật là một sự sai lầm mù quáng, phủ nhận lịch sử và tôn giáo Âu châu thời đó.”

Ông Hòa Nguyễn cho biết trong tạp chí Ðịnh Hướng số 17, 1998 có đăng bài viết của ông Roland Jacques về Alexandre de Rhodes cũng cho rằng các cụm từ “plusieurs soldats” và “la conquête de tout l’Orient” là “một lối nói bóng bảy”, và “thế mà có những học giả cấp đại học từng giải thích các hình ảnh tỉ dụ trong ngôn ngữ sùng đạo ‘chiến sĩ’ và ‘chinh phục’ theo nghĩa đen của chúng.” Tiếp theo, ông Hòa Nguyễn dẫn vài cụm từ trong Tân Ước như mở rộng “Thiên quốc” (nước trời) để Jesus sẽ là “vua của các vua”, chỉ có ý nghĩa ẩn dụ. Theo ông, “gán cho Rhodes có ý định kêu gọi vua Pháp (đem quân) mở mang thuộc địa ở Á Ðông trong đó có Việt Nam thì e chưa đủ chứng cứ, xét theo sử liệu còn lại...”. Thí dụ của ông đưa ra chỉ đề cập một cách tổng quát về bản chất của Kitô Giáo (Christianity) hơn là bàn về hai cụm từ quan trọng (“plusieurs soldats” và “la conquête de tout l’Orient”) trong cuốn Hành trình và truyền giáo của LM. Rhodes. Tuy nhiên, Hòa Nguyễn có lẽ là người đầu tiên trong số những người bênh vực A. de Rhodes đã thừa nhận “Chuyện chữ ‘Quốc ngữ’ là công trình của nhiều người, trong đó các giáo sĩ Bồ Ðào Nha đóng vai trò tiên phong rất quan trọng, thì đã được nhiều người công nhận.” Việc xác nhận này cho thấy ông Hòa Nguyễn khách quan và được cập nhật thông tin hơn so với nhiều người trước đây như linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, người luôn luôn gán cho Ðắc Lộ là người đầu tiên có sáng kiến phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh.

Ðể độc giả (cũng như ông Hòa Nguyễn) có thêm tư liệu, tôi xin trích nguyên văn câu viết của chính giáo sĩ Ðắc Lộ trong cuốn Từ điển Việt-Bồ-La dưới tiểu đề “Cùng độc giả”:

“...Tuy nhiên trong công việc nầy (phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự La-tinh, BK) ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại Cô-sinh và Ðông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina... tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một hội dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ Ðào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn.” [2]

Vì không thấy, hoặc thấy mà không chấp nhận, vai trò thứ yếu này của A. de Rhodes trong quá trình khai sinh chữ Việt bằng mẫu tự La-tinh này, nên vẫn có người nhầm lẫn vinh danh thay vì lên án một người mà quan điểm chính trị của ông là bước dẫn khởi cho chính sách thuộc địa của Pháp trên quê hương Việt Nam.

Tuy vậy, ông Hòa Nguyễn có vẻ vẫn còn vướng bận tình cảm với giáo sĩ Ðắc Lộ nên đã viết lại những điều sai lầm đúng ra không nên có. Trong bài viết trên talawas, tôi đã chứng minh chính giáo sĩ Ðắc Lộ, chứ không phải người nào khác, đã xác nhận ông ta chỉ thêm phần La tinh vào cuốn Từ điển Việt-Bồ và Bồ-Việt đã có sẵn mà thôi, chứ ông không phải là tác giả toàn bộ cuốn từ điển ấy như nhiều người đã hiểu nhầm qua nhiều thập niên. Rất mong ông Hòa Nguyễn lưu ý để tránh mất thì giờ trong lúc thảo luận với nhau. Cũng vì muốn bênh vực quan điểm của mình nên ông (Hòa Nguyễn) viết, “Chuyện chữ ‘Quốc ngữ’ là công trình của nhiều người, trong đó các giáo sĩ Bồ Ðào Nha đóng vai trò tiên phong rất quan trọng”, rồi cũng chính ông lại viết “Từ điển Việt-Bồ-LaPhép giảng... của tác giả Alexandre de Rhodes, và qua đó chữ viết tiếng Việt bằng mẫu tự la-tinh đã chính thức thành hình.” Chỉ trong một đoạn văn rất ngắn, ông đã đưa ra hai ý tưởng đối nghịch nhau: Một mặt, ông cho rằng chữ “Quốc ngữ” là công trình của nhiều người, trong đó các giáo sĩ Bồ Ðào Nha (ông Hòa không nhắc đến những tác phẩm của họ, BK) đóng vai trò tiên phong rất quan trọng”, nhưng lại không làm cho cách viết chữ Việt... được “chính thức thành hình”. Trong khi đó, nhờ có Alexandre de Rhodes (tuy vai trò thứ yếu hơn và chậm hơn) thì chữ Việt mới... “chính thức thành hình”. Vì lý luận thiếu nhất quán, ông Hòa Nguyễn đã đưa đến một kết luận sai lầm như bao nhiều người cố tình bênh vực A. de Rhodes trước đây.

Hai cụm từ quan trọng trong phần kết của ông Hòa Nguyễn khi đánh giá A. de Rhodes là “góp công sáng tạo” và “đại biểu xứng đáng” nhờ 2 tác phẩm Từ điển Việt-Bồ-LaPhép giảng tám ngày xuất bản năm 1651. Nhưng ông Hòa Nguyễn lại quên rằng hai tác phẩm này vốn được trước tác sau và chủ yếu nhờ công trình của Francisco de Pina, Gaspa de Amaral, và Antonio Barbosa. Hai tác phẩm này có thể xem như một cái nhà xây trên một cái nền đã có sẵn. Nhưng dứt khoát không phải chính hai tác phẩm đó đã tạo ra cái nền. Sau đó, cũng trên cái nền thô sơ này, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Bút tre, Nguyễn Huy Thiệp, Ðỗ Hoàng Diệu,... cũng góp phần sáng tạo và đại biểu xứng đáng trong quá trình hoàn chỉnh chữ viết tiếng Việt trong từng giai đoạn biến thiên của ngôn ngữ nước ta.

Ông Dương Phẩm đề nghị: “Muốn chứng minh linh mục Hồng Nhuệ dịch sai câu trích dẫn của Alexandre de Rhodes thì trước hết phải trích dẫn nguyên văn toàn câu bằng tiếng Pháp (nên như vậy nhưng không đủ, BK). Hãy đặt câu ấy trong hoàn cảnh và văn cảnh mới hiểu thấu đáo được” (tôi tán thành quan điểm này, BK). Cũng chính vì Hồng Nhuệ, và một vài người mà tôi kể tên ở trên, đã không trích nguyên ý và theo sát tư duy trong ba đoạn văn gần nhau trong hơn một trang sách, và nhất là không lồng các đoạn văn của giáo sĩ Ðắc Lộ vào hoàn cảnh và bối cảnh thời bấy giờ (Thế kỷ XVII) mà chỉ dựa vào cảm tình tôn giáo hay khuynh hướng chính trị thời đại mình (?) nên đã dịch sai tư tưởng của Ðắc Lộ.

Phần còn lại của bài viết này, tôi muốn dành bàn về quan điểm chính trị của linh mục A. de Rhodes. Có thể nói đây là vấn đề rất quan trọng, đã từng, và có lẽ còn, cần được bàn cãi thêm để tìm hiểu đích thực tư duy chính trị của linh mục A. de Rhodes qua hai cụm từ đã và đang gây sôi nổi trong cuốn hồi ký của ông.


Alexandre de Rhodes và quan điểm chính trị

Quan điểm chính trị hay tội của A. de Rhodes được căn cứ vào một đoạn văn chính yếu của chính Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) viết trong cuốn Divers voyages et missions (p. 79) như sau:

“J’ay creu que la France, eftant le plus pieux Royaume du monde, me fourniroit plufieurs foldats qui aillent à la conquefte de tout l’Orient, pour l’affuiettir à Iefus-Chrift, & particulierement que i’y trouucrois moyen d’auoir des Euefques, qui fuffent nos Peres, & nos Maiftres en ces Eglifes, ie fuis forti de Rome à ce deffein le vnziefine Septembre de l’année mil fix cens cinquante deux apres auoir baifé les pieds au Pape.”

Hồng Nhuệ dịch: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương (35), đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý nghĩ đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Ðức Giáo hoàng.” (Hành trình và truyền giáo, Ủy ban Ðoàn kết Công giáo, Thành phố Hồ Chí Minh, 1994: tr.263).

Ðoạn văn trên, linh mục Hồng Nhuệ dịch khá rõ nghĩa, ngoại trừ (a) “J’ay creu” thì nên dịch là “Tôi tin rằng” (chứ không phải “tôi tưởng”, ít tính xác định hơn); và (b) hai chữ “plusieurs soldats” phải dịch là nhiều binh lính, Hồng Nhuệ lại dịch “mấy chiến sĩ”. Ông còn chú thích (số 35 trang 289): “Nói chiến sĩ phúc âm tức các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm cứ xâm lăng.”

Khoảng hai năm trước lúc có hiện tượng dịch và chú thích tùy tiện này, giáo sư Hoàng Tuệ, trong cuộc Hội thảo Quốc tế về “Nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam”... tổ chức tại Hà Nội các ngày 3, 4, 5 tháng 12. 1992 có đọc bản tham luận “Về sự sáng chế chữ Quốc ngữ”. Trong tham luận này, giáo sư Hoàng Tuệ “nghĩ là chữ Quốc ngữ, ngoài ý nghĩa thực tiễn, còn có ý nghĩa chính trị nhất định trong phạm vi các Giáo hội khác ở Việt nam...”. Giáo sư Hoàng Tuệ đã “bị” Giáo sư Chương Thâu phê bình: “Qua đoạn vừa trích trên đây, người đọc có cảm tưởng Giáo sư Hoàng Tuệ đã ám chỉ A. de Rhodes là thân Pháp, xúi Pháp đem binh lính xâm chiếm phương Ðông và chữ Quốc ngữ còn có ý nghĩa chính trị.” và “Giáo sư Hoàng Tuệ không trích trực tiếp từ cuốn Hành trình và truyền giáo mà gián tiếp trích của De Francis mới viết năm 1977, và cũng không trích trọn câu đủ ý.” [3]

Cũng theo Gs. Chương Thâu (Hiệp Nhất, đã dẫn), nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu bác bỏ ý kiến của Gs. Hoàng Tuệ và đồng ý với linh mục Hồng Nhuệ nghĩa của cụm từ “plusieurs soldats” là lính thừa sai và “la conquête de tout l’Orient” là nước cha trị đến chứ không phải đến thống trị phương Ðông. Giáo sư Chương Thâu viết tiếp:

“Cũng vào thời gian cuối tháng 3.1993 tại cuộc Hội thảo “Tưởng niệm Alexandre de Rhodes, nhân 400 năm ngày sinh nhật của ông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, có nhiều nhà khoa học tham dự, đọc tham luận. Trong đó Giáo sư sử học Ðinh Xuân Lâm, một lần nữa lại đề cập “câu chữ” trên đây của A. de Rhodes và dịch lại (theo đúng văn cảnh bối cảnh lịch sử thế kỷ 17) cụm từ “plusieurs soldats” là “chiến sĩ” truyền giáo...”. Chính trong cuộc Hội thảo đó của Hội Sử học đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa v.v…) nhằm khôi phục vị trí xứng đáng cho linh mục A. de Rhodes”. (Chương Thâu, Hiệp Nhất, đã dẫn).

Tôi dẫn chứng dài dòng những người không đồng ý với tôi, kể cả các cấp có thẩm quyền về sử học để nhằm, một lần nữa, biện chính với tất cả những ai còn nhầm lẫn nghĩa ngữ các cụm từ “plusieurs soldats và la conquête de tout l’Orient” để đưa đến tình trạng vinh danh kẻ cần lên án. Trước lúc đưa ra 6 luận điểm để chứng minh sự dịch thuật tùy tiện vì thiếu sử liệu, vì có thể vướng mắc tình cảm tôn giáo hoặc theo chiều hướng chính trị giai đoạn, nên chúng ta đã nhìn lịch sử không phải như nó là mà muốn nó phải là, tôi xin tóm lược vài ý sau đây để tạo thêm cơ sở cho việc biện chính của chúng ta:


A. Các tôn giáo Tây Phương, nói chung, thường ít nhiều nhuốm màu sắc chính trị, thậm chí đôi khi còn gây đổ máu trong lúc truyền bá đức tin. Vì vậy, mới có những cụm từ như “đạo binh Ðức Mẹ, đạo binh của Chúa, đạo binh Thập tự giá, Thánh chiến, v.v…” như ông Phạm Quang Tuấn có nhắc đến. Các tôn giáo Ðông phương không bao giờ có các từ đạo binh của Khổng Tử, đạo binh của Lão Tử, đạo binh của Thích Ca, và cũng không có các cuộc gọi là “Thánh chiến”. Chiến tranh thì đổ máu, chết chóc, đau thương, tàn ác, dã man, chứ làm gì có thánh thiện trong đó mà gọi là thánh chiến. Một tôn giáo mà lại dùng nhiều thuật ngữ quân sự như thế thì lịch sử truyền đạo của nó (hoặc ngay cả nền thần học của nó được biểu hiện trong chính Kinh Thánh) nhiều lúc cần phải được hiểu một cách thế tục hơn.


B. Tình hình chính trị - tôn giáo trong thế kỷ XVII, những ưu đãi và khó khăn mà linh mục Alexandre de Rhodes gặp lúc truyền đạo tại Việt Nam:

a. Theo Cao Huy Thuần trong Christianisme et Colonialisme au Vietnam 1857-1914 (Ðạo Công giáo và Chủ nghĩa Thực dân Pháp tại Việt Nam 1857-1914) [4] :

“Các con tàu đó cũng đã đưa các nhà truyền giáo Châu Âu đến Việt Nam. Chiếc đầu tiên là tàu Ignatio có lẽ cập bến năm 1533 để giảng đạo ở Nam Ðịnh, Miền Bắc. Ðầu thế kỷ 17, các phái bộ truyền giáo đầu tiên được thành lập tại Việt Nam do các Tu sĩ Dòng Tên bị đuổi khỏi Nhật do lệnh trục xuất của nhà Tokugama (giữa khoảng 1612 và 1614). Ngày 18-1-1615 một người xứ Gêne tên Buzomi và một người Bồ tên là Carvalho đến Ðà Nẵng. Họ dựng lên tại Hội An Phái bộ Nam Kỳ, lúc đầu gồm nhiều nhất là Tu sĩ Dòng Tên người Ý và người Bồ. Thành công của phái Bộ đã khuyến khích cấp trên của họ mở rộng cố gắng truyền giáo ra miền Bắc. Năm 1622 họ phái Baldinotti ra đó. Liền sau báo cáo của ông ta, việc thành lập một phái bộ tại Bắc Kỳ được quyết định. Người ta giao nhiệm vụ này cho Alexandre de Rhodes người Avignon, ông được xem là người truyền giáo tiên phong có tiếng nhất tại Việt Nam vừa là người Pháp đã dẫn nước Pháp vào đây.

Ðến Bắc Kỳ năm 1627, Linh mục de Rhodes nhận được ân huệ của Chúa Trịnh Tráng ngoài Bắc, ông dâng cho Chúa một đồng hồ trái quít có bánh xe và một quyển sách toán mạ vàng đẹp đẽ. Trịnh Tráng cho ông nhiều dễ dàng khi mới bắt đầu giảng đạo ở Bắc. Linh mục đã viết trong các báo cáo gởi về cấp trên như sau: “Vua xứ Bắc cho chúng tôi xây cất nhà cửa và nhà thờ gần hoàng cung. Tại đó chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiều trong khi thi hành phận sự.”

Cuối năm 1629; ông rửa tội cho 6.700 người, trong số đó có một vài công nương của triều đình và ông cũng thiết lập các phái bộ Dòng Tên Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha mà sau đó các Linh mục Pháp của Hội Truyền giáo nước ngoài đã gia nhập vào.

Nhưng ở đây, cũng đã xảy ra những phản ứng như ở Trung Quốc và Nhật Bản. Chính phủ lo lắng khi thấy đạo mới tấn công thẳng vào các nguyên lý đạo đức và chính trị Nho giáo vốn là nền tảng của xã hội cổ truyền Việt Nam.

Thật vậy, toàn thể cơ cấu chính trị và xã hội của nước Việt Nam xây dựng trên quan niệm đạo đức của Nho giáo: lòng hiếu thảo, sự thờ cúng ông bà, lòng trung với vua. Nhưng đạo mới từ Tây Phương đến lại muốn phế truất các quy luật tín ngưỡng cũ. Không những việc thờ cúng ông bà bị kết án quyết liệt mà lòng sùng đạo của con chiên phải đứng trên lòng hiếu thảo và lòng trung với vua. Chính phủ lại càng sợ hoạt động của các nhà truyền giáo khi họ muốn tạo nên tổ chức Gia Tô không cần biết đến uy quyền nào khác hơn là uy quyền các lãnh đạo tinh thần của họ.

Vì thế Chúa Trịnh đã đuổi Alexandre de Rhodes vào năm 1630. Triều đình nhà Nguyễn cũng ban hành những sắc lệnh cấm đạo. Ẩn náu tại Macao, Linh mục de Rhode trở lại Nam Kỳ năm 1640 và cho đến cuối năm 1645 thì vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam.

Khi đó, cấp trên triệu hồi ông về Châu Âu để xin viện trợ vật chất và người truyền giáo mới. Ông đến La Mã năm 1649, đúng lúc tòa Thánh đang muốn tách việc truyền giáo tại Châu Á ra khỏi quyền hành thế tục của Bồ Ðào Nha. Ông trình bày trước Hiệp hội Truyền giáo Congregation Propaganda Fide kế hoạch thiết lập tại Việt Nam một giáo đoàn thoát khỏi sự bảo trợ của Bồ Ðào Nha. Ðược Giáo hoàng hân hoan tiếp nhận, vị tu sĩ Dòng Tên xứ Avignon được phép lựa chọn các giám mục cho mục đích đó. Ông trở về Pháp (ba năm sau đó).
...

“Về Paris, Alexandre de Rhodes gặp một nhóm linh mục trẻ đang có quyết tâm biến việc đào tạo các linh mục này thành một công việc của Pháp. Ðó là thời kỳ chính trị Pháp bắt đầu chịu ảnh hưởng sự thu hút của biển cả. Ðược Hoàng hậu Pháp và một vài nhân vật cao cấp ủng hộ, nhưng kế hoạch này bị Bồ Ðào Nha công kích mạnh mẽ, họ viện dẫn sự bảo trợ hoàn toàn mà Giáo hoàng Alexandre Borgia cho họ từ năm 1493.

Alexandre de Rhodes chết năm 1660 khi chưa thấy được kế hoạch của mình thực hiện. Nhưng các cố gắng của ông đã thành tựu. Năm 1658 La Mã bổ nhiệm hai vị đại diện Tông Toà người Pháp, Francois Pallu và Lambert de Motte đại diện trực tiếp cho Giáo hoàng”. [5]

b. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ, một cựu viên chức của Bộ Ngoại giao Pháp, trong Les Débuts de L’Installation du Système Colonial Francais au Vietnam (1858-1897) [6] , tiểu mục “Những chỉ thị của La Mã’’, trích từ sách của ông Brunetière:

“Những chỉ thị của La Mã: Trong lời tựa cho cuốn Lịch sử các hội truyền giáo, Ferdinand Brunetière viết:

‘Tại phương Ðông và Viễn Ðông, chính các giáo sĩ chúng ta là những người hiểu rõ chiều sâu của những vấn đề mà các nhà ngoại giao ta chỉ thấy được bề mặt. Ở đó, họ là những người thông tin tốt nhất và những tay chân đáng tin cậy nhất của các nhà ngoại giao.

‘Chính Giáo hoàng Alexandre VII đã sáng lập những hội truyền giáo ở Ðông Dương, và ngày 8-6-1658 đã chỉ định hai vị Khâm mạng toà Thánh, Francois Pallu, cho Bắc Kỳ, và P. Lambert de la Motte, cho Nam Kỳ. Sự thành lập hai địa phận Công giáo này là kết quả nhiều cuộc vận động và cổ vũ của các giáo sĩ đầu tiên, đặc biệt là các giáo sĩ Dòng Tên (Jésuite) Alexandre de Rhodes; họ đã xây dựng được một cộng đồng Gia Tô giáo nho nhỏ ở Việt Nam.’

‘Tuy vậy, không phải các giáo sĩ Dòng Tên được vinh dự xây dựng các địa phận Công giáo tại Ðông Dương, mà là một đặc biệt, nảy sinh trong những năm tiếp theo 1658, dưới sự thúc đẩy của các bạn bè Francois Pallu: “Hội Truyền giáo nước ngoài”, có trụ sở tại Paris.

‘Những chỉ thị, năm 1659, cho hai vị Khâm mạng Toà Thánh của “Thánh hội Truyền bá Ðức tin” biểu hiện khá cụ thể học thuyết chính trị truyền giáo của nhà thờ, của thế kỷ XVII, một học thuyết mà, về mặt lý luận, sẽ không bao giờ thay đổi. Sau khi nhắc lại những nguyên tắc riêng của đức tin, những chỉ thị này định nghĩa mục đích của các hội truyền giáo là: đào tạo một đội ngũ linh mục bản xứ trong lòng các cộng đồng Công giáo đã hiện hữu. La Mã yêu cầu các linh mục dân tộc đó phải qua một cái, mà chúng ta gọi lúc này, là một sự “huấn luyện chuyên môn cấp tốc”: “… Ðể dễ dàng cho việc phong chức các linh mục bản xứ, chúng tôi trao cho các ngài cái chức năng được miễn cho các linh mục mới khỏi phải học biết tiếng La Tinh …” v.v… Rome mời các giáo sĩ đừng bao giờ làm cái việc tuyên truyền chủ nghĩa quốc gia ở những nước mình đang truyền đạo: “Không phải cái đó, mà là đức tin mới là điều các ngài cần nhập cảng”. Cấm không được Âu hoá nước người ta” (để dễ dụ vào đạo lúc đầu, BK).

‘… Sự cộng tác tích cực của các giáo sĩ Pháp với công cuộc chinh phục Việt Nam là một vấn đề mà người ta biết quá rõ. Những người lãnh đạo nhà nước của Ðệ tam Cộng hoà đã biểu dương sự kiện này một cách trịnh trọng; các giáo sĩ đã đề cao điều đó.”

Diễn tả về ý định thầm kín của giáo sĩ Dòng Tên A. de Rhodes, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ trích dẫn lời của Ðô đốc Charles Meyer như sau:

“Các giáo sĩ đã đến Việt Nam rất lâu trước khi có cuộc chinh phục.

Ðến Bắc Kỳ ngay từ 1624, Alexandre de Rhodes đã để lại xứ sở này những trang miêu tả hào hứng, ông ta viết:

‘Ðây là một xứ sở thần tiên, đẹp, phì nhiêu, khí hậu tuyệt vời, và lụt lội thì mang lại những điều bổ ích’, ông ta viết. ‘Dân chúng rất giàu và những thầy thuốc của họ rất giỏi giang khéo léo: công lý ngự trị khắp nơi và tội ngoại hình thì bị nghiêm trị…’” (NXT, sách đã dẫn, trang 359).

Ðoạn 5, chương I cũng cho thấy:

“Nước Pháp đã rất nhanh chóng thay chân Bồ Ðào Nha trong sự nghiệp truyền đạo tại Ðông Dương (tức Indochine), nhờ sự hoạt động cá nhân của Linh mục Alexandre de Rhodes, thuộc dòng Jésuites (Dòng Tên), đã không ngừng làm công tác tuyên truyền tại Rome, rồi tại Pháp, với những nhân vật thân cận của Richelieu, và từ 1625 đến 1630, đã phát triển Kitô giáo tại Nam Bộ và Bắc Bộ. Chẳng bao lâu, những bài ký sự của vị giáo sĩ, Giám mục “Vùng ngoại đạo” Francois Pallu, đã làm cho người ta chú ý nhiều đến các dân cư Việt Nam.”

c. Stanley Karnow trong Việt Nam, A History. The First Complete Account of Việt Nam at War, [Việt Nam, Lịch sử. Mô tả đầu tiên đầy đủ về cuộc chiến Việt Nam] viết về A. de Rhodes như sau:

“Chẳng bao lâu Linh mục Alexandre de Rhodes nhận thấy rằng uy tín ngày càng phai nhạt nên Bồ Ðào Nha không còn ích lợi cho Gia Tô giáo ở Á Châu. Ông cũng toan tính rằng có thể chinh phục được “con tim và khối óc” con người một cách có hiệu quả bằng các giáo sĩ người Việt Nam hơn là người Âu Châu. Ông đến La Mã vận động xin hủy bỏ sắc lệnh của Giáo hoàng có từ thế kỷ 15 cho phép Bồ Ðào Nha độc quyền tại Á Châu. Nhưng ông gặp phải sự chống đối quyết liệt của người Bồ và khó lòng chinh phục được các giới chức ở La Mã, thế rồi ông trở về Pháp, quê hương ông, để xin giúp đỡ. Ðể thành công được chương trình dự định, ông thuyết phục các lãnh tụ tôn giáo và thương gia Pháp bằng một hình ảnh là nước Việt Nam đã đến giai đoạn chín muồi để dân chúng theo Công giáo, và là một quốc gia thần tiên với tài nguyên vô tận, ngay cả người đánh cá cũng dùng lưới làm bằng tơ lụa.

Cuối cùng, Vatican chấp thuận kế hoạch của Rhodes, mặc dầu ông chết trước lúc kế hoạch đó được thực hiện. Năm 1664, bốn năm sau lúc ông chết, các nhà lãnh đạo tôn giáo Pháp và những người ủng hộ thương mãi thành lập Giáo đoàn Hải ngoại để tiến hành việc truyền đạo ở Á Châu”. [7]

d. Avro Manhattan, trong Vietnam: Why Did We Go? The Shocking Story of the Catholic “Church’s”Role in Starting the Vietnam War [Việt Nam: Tại sao chúng ta đến đó. Chuyện chấn động về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam] có quan điểm về A. de Rhodes như sau [8] :

“Giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes đến Ðông Dương năm 1610. Một thập niên sau, ông gửi về cho Vatican và Pháp một bản phúc trình mô tả rất chính xác về tiềm năng thương mại, chính trị và chiến lược.

Nhiều giáo sĩ Dòng Tên Pháp được tuyển mộ ngay và gửi sang giúp ông ta thực hiện hai công tác: đổi đạo theo Công giáo và bành trướng thương mại. La Mã và Ba Lê xem những hoạt động này như những bước khởi đầu không thể tách rời khỏi sự dẫn đến việc chiếm đóng về chính trị và quân sự trên các quốc gia này.” [9]

Qua bốn dẫn chứng trên, chúng ta có thể nhìn cái khung lịch sử thời bấy giờ và cái cảnh được ưu đãi cũng như bị ngược đãi trong những năm mà Alexandre de Rhodes truyền đạo tại Ðông Phương. Sau đây, chúng ta sẽ xem xét một số đoạn trong cuốn Hành trình và truyền giáo chứa đựng nghĩa ngữ của hai cụm từ “plusieurs soldats”, “la conquête de tout l’Orient” để tìm hiểu nghĩa ngữ hai cụm từ này, nhằm làm sáng rõ quan điểm chính trị của giáo sĩ A. de Rhodes.


© 2006 talawas


[1]Theo bài viết của Gs. Chương Thâu có tựa đề “Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau”, đăng trong Nguyệt san Công giáo trong nước, sau đó cũng được đăng trong Nguyệt san Hiệp Nhất số 43, tháng 7, 1996, California, Hoa Kỳ, từ nay xin gọi là Hiệp Nhất.
[2]Từ điển Việt Bồ-La, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 3, phần Việt ngữ – Phần chữ đậm là nhấn mạnh là của BK.
[3]Chương Thâu, “Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau”. (Hà Nội 14.12.1995). Ðăng trong Nguyệt san Hiệp Nhất số 43, tháng 7.1996, California.
[4]Luận án tiến sĩ của giáo sư Cao Huy Thuần do đại học Yale, Hoa Kỳ, in lại năm 1990, dưới hình thức cuốn sách, với tựa đề mới: Les Missionnaires et la Politique Coloniale Francaise au Việt Nam 1857-1914. Bản in này bỏ sót 62 trang đầu so với bản cũ, in theo lối ronéo (khổ lớn), PARIS, 1968. Phần Pháp văn tôi trích và dịch ở đây là căn cứ vào bản cũ lưu trữ trong thư viện Pháp. Trang 50-52, bản Roneo.
[5]Les mêmes navires avaient amené au Việt Nam les missionnaires Européens. Le premier est un cerisin Ignatio qui serait entré en 1533 pour prêcher dans la province de Nam Ðịnh au Nord. Au début du 17è siècle, les premières missions furent fondées au Việt Nam par des Jésuites chassés du Japon par la proscription des Tokugama (enter 1612 et 1614). Le 18 janvier 1615, débarquent à Tourane, le gênois Buzomi et le Portugais Carvalho. Ils fondent à Faifo la mission de Cochinchine qui, au début, comprend surtout des Jésuites Portugais et Italiens. Le succès de la mission encouragea les supérieurs Jésuites à étendre l’effort d’évangélisation au Nord. Ils y envoyèrent Baldinotti en 1626. A la suite de son rapport, la création d’une mission du Tonkin fut décidée. On confia cette tâche à l’Avignonais Alexandre de Rhodes qui devait être considéré à la fois comme le plus illustre des pionniers de l’Evangile au Viet Nam et comme le Francais qui y a introduit la France.
Arrivé au Tonkin en 1627, le père de Rhodes parvint à s’insinuer dans les bonnes grâces de Trinh Trang, le segneur du Tonkin à qui il avait offert une montre-horloge à roues et un beau livre de mathématiques fort bien doré. Trinh Trang lui donna beaucoup de facilités dans ses débuts évangélisation au Tonkin.“ Le Roi du Tonkin, écrivait le Père de Rhodes dans les rapports adressés à ses supérieurs, nous fait bâtir près de son palais maison et église où nous faisons nos fonctions avec grand concours”!
(Taboulet, La geste francaise en Indochine, Paris, Andrieu-Maisonneuve, Tome I, p. 15).
A la fin de 1629, il avait baptisé 6.700 personnes, parmi lesquelles quelques princesses de la Cour, et établi des missions de Jésuites Portugais et Espagnols que devaient bientôt rejoindre les pères Francais de la Société des Missions Etrangères.
Mais it se produisit ici les mêmes réactions qu’en Chine et au Japon. Le gouvernement s’inquiéta de voir la nouvelle religion s’attaquer directement aux principes moraux et politiques confucéens qui constituaient la base même de la société traditionnelle Vietnamiene.
En effet, toute la structure sociale et politique de l’ancien Viet Nam reposait sur les concepts moraux du confucianisme - la piété filiale et le culte des ancêtres dans la famille, le culte impérial dans l’Etat. Or la nouvelle religion venue d’Occident voulait renverser les règles de l’ancienne croyance. Non seulement le culte des ancêtres fut formellement condamné, mais encore l’attachement des chrétiens à leur foi devait l’emporter sur leur piété filiale et leur fidélité au prince. Le gouvernement redoutait d’autant plus l’activité des missionnaires qu’elle tendait à former un parti catholique ne connaissant d’autres autorités que celles de ses chefs spirituels .
Aussi, Alexandre de Rhodes fut-il expulsé par les Trinh en 1630. La Cour des Nguyen rendit également des édits de prohibition. Réfugié à Macao, le père de Rhodes allait retourner en 1640 dans le Sud pour s’abandonner définitivement le Viet Nam qu’en 1645.
Ses supérieurs le firent alors rentrer en Europe pour demander l’aide matérielle et de nouveaux missionnaires. II arriva à Rome en 1649, à un moment où la papauté tentait de détacher l’évangélisation des pays de l’Asie du pouvoir temporel Portugais. II présente à la Congrégation Propaganda Fide un plan d’établissement au Viet Nam d’un épiscopat dégagé du patronat Portugais. Recu avec faveur par le Pape, le Jésuite avignonais fut autorisé à recruter à cet effet des évêques missionnaires. II se tourna alors vers la France.
...
Revenue à Paris, Alexandre de Rhodes y trouva un groupe de jeunes prêtres décidés à faire de la création des évêques une affaire Francaise. Cétait le temps où la politique Francaise commencait à subir I’attraction de la mer. Appuyé par la Reine de France et par quelques hauts personnages, le projet était vivement combattu par le Portugal qui invoquait le patronage exclusif que lui avait concédé en 1493, le Pape Alexandre Borgia. Alexandre de Rhodes mourut en 1660 sans avoir vu réaliser ses projets. Mais ses efforts aboutussaient. En 1658 Rome nomma deux vicaires apostoliques francais, Francois Pallu et Lambert de la Motte, représentants direct du Pape.
[6]Bản dịch Việt ngữ có tựa đề: Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), California, 1994.
[7]Rhodes soon realized that its waning prestige no longer made Portugal a credible patron of Christianity in Asia. He calculated, too, that “hearts and minds” could be won more effectively by Vietnamese priests than European missionaries. He went to Rome to plead, arguing in effect for the abrogation of the fifteenth-century papal edicts that had granted Portugal its Asian domain. But he ran into stiff Portuguese opposition and the intractable Vatican bureaucracy, and he returned to his native France for help. To succeed, however, he would have to persuade French religious and commercial leaders to underwrite his project. Thus he lobbied with both, depicting Việt Nam as ripe for Christian conversion and portraying it as an Eldorado of boundless wealth where, as one of his accounts put it, Vietnamese fishermen wove their nets of silks.
The Vatican finally accepted his program, though Rhodes died before it went into action. In 1664, four years after his death, French religious leaders and their business backers formed the Society of Foreign Missions to advance Christianity in Asia” (P. 60).
[8]Jesuit priest Alexandre de Rhodes arrived in Indo-China in 1610. A decade later he sent back to the Vatican and to France a very accurate description of the commercial, political and strategic potential.
French Jesuits were promptly recruited and sent to help him in his double work of converting to Catholicism and commercial expansion. Rome and Paris considered these activities as inseparable stepping stones leading to eventual political and military occupation of these countries. (p. 139)
[9]Có thể xem thêm cuốn Tên gián điệp Alexandre de Rhodes, Văn Sử Ðịa, Chu Văn Trình.