Ðúng là trong bài viết “
Nguyễn Ðức Vân: một người xứ Nghệ” đăng trên
Tạp chí Văn hoá Nghệ An số 124 ra ngày 10 tháng 5 năm 2008 vừa qua tôi đã nói đến công phu sưu tầm dịch thuật
Thơ văn Lý - Trần của nhạc phụ tôi cùng với bác Ðào Phương Bình mà trong
Lời mở đầu sách
Thơ văn Lý - Trần tập I xuất bản năm 1977
[1] , ông Huệ Chi với tư cách trưởng nhóm kiêm chủ biên đã ghi rõ:
"Hơn 10 năm qua, kể từ sau ngày thành lập, Viện Văn học đã để ý tìm hiểu văn học của thời đại Lý - Trần. Năm 1960, tổ Hán Nôm của Viện được giao nhiệm vụ Sưu tầm và phiên dịch ra tiếng Việt toàn bộ thơ văn từ đời Hồ trở về trước trong các sách vở chữ Hán còn lưu trữ tại các thư viện và trong một số tài liệu bị ký còn nằm rải rác ở các đình chùa miền Bắc. Các đồng chí Nguyễn Ðức Vân, Ðào Phương Bình, cán bộ trong tổ đã trực tiếp tiến hành công việc đó. Nhờ nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, lại có sự giúp đỡ tận tình của các anh em khác trong tổ nên công việc đã tiến hành tương đối thuận lợi, mỗi năm khối lượng thơ văn tập hợp được phong phú dần. Ðến năm 1965 thì việc sưu tầm cũng như phiên dịch bước đầu đã hoàn thành" [2] . Sự thật đã được ghi trên giấy trắng mực đen là thế. Nhưng sau ngày cụ Vân qua đời (1974), từ năm 1977, đến năm 1989, bộ sách
Thơ văn Lý - Trần 3 tập lần lượt ra đời, gồm 2.421 trang khổ lớn có 914 đơn vị văn bản lớn bé, phần của cụ Vân chỉ có 34,5 đơn vị. (Tập I: 9,5/136. Tập II, quyển thượng: 06/363. Tập III: 19/415). Trong ba tập, hai tập I và III ra trước thì còn có tên cụ Vân trong nhóm biên soạn. Nhưng đến tập II (quyển thượng) lúc cụ Vân đã qua đời 15 năm thì không còn tên cụ Vân trong nhóm biên soạn
[3] .
Trong bài viết “Nguyễn Ðức Vân: một người xứ Nghệ”, tôi cũng nói đến thái độ của hai người con trai của cụ là nhà văn Nguyễn Ðức Ðàn và nhà thơ Anh Ngọc đều có biết chuyện nhưng chỉ nhếch mép cười khẩy và nói với nhau: “Thôi, vua nước Sở mất cung, người nước Sở được". Còn tôi, con rể có điều kiện biết chuyện nhiều hơn thì cũng chịu im mặc dù đã bị một vài người bạn chê trách, thậm chí như là mắng rằng hèn, nhát. Lần này, viết bài về cụ, tôi cũng chỉ nêu hiện tượng như thế, chứ không đụng đến ai đó đã làm cái điều không hay này. Mà thực ra, những gì tôi đã viết ra lần này thì cách đây 14 năm, nhân dịp 20 năm ngày giỗ cụ, trong bài “Nguyễn Ðức Vân: nhà Hán học” đăng trên báo
Người Giáo viên Nhân dân (1994) tôi đã nói và cũng không đụng đến tên ai. Ngay lần này, gửi bài cho
Tạp chí Văn hoá Nghệ An, vốn không muốn làm to chuyện, vốn cứ nghĩ dù mình nói đúng sự thật nhưng sẽ xấu mặt người thì mình cũng chẳng sướng gì, nên tôi đã vội yêu cầu toà soạn tạm ngưng đăng để tôi "hạ giọng" hơn
[4] . Tôi cũng đã nói với toà soạn tạp chí là tôi không muốn ai đó tham gia vào chuyện này nữa. Nhất là, cùng một dịp với bài viết của tôi, còn có bài “Vu khống chính trị mập mờ học thuật” của ông Mai Quốc Liêu đăng trên
Hồn Việt hai số liền
[5] , trong đó có chuyện về
Thơ văn Lý - Trần của cụ Vân, nên tôi lại càng muốn ngừng mọi chuyện lại vì sợ ai đó cho là có sự "hợp đồng tác chiến".
Nhưng không ngờ, tôi đã nhận được hai cú điện thoại của ông Huệ Chi và giữa hai bên đã có sự đối đáp với nhau. Và rồi tôi cũng nghĩ là mọi chuyện sẽ dừng lại ở hai cuộc điện thoại này mà thôi.
Nhưng lại không ngờ, tôi được nghe nói lại là ông Huệ Chi đã nói với một vài người rằng giữa ông và tôi đã có sự ổn thoả với nhau. Thậm chí, lại còn nói với vài người rằng: ông Chú đã xin lỗi mình (?!). Nghe thế, tôi đã hỏi lại xem sao thì một người nói em chẳng nghe gì cả, một người khác nói là có trực tiếp nghe thì chỉ nói là giữa hai bên đã ổn thoả với nhau, chứ không có chuyện là tôi xin lỗi ông Huệ Chi. Do đó, tôi lại coi như là xong chuyện.
Nhưng rồi lại rất không ngờ là ông Huệ Chi, trong bài viết “
Những năm tháng với Phong Lê” (Hà Nội ngày 9 tháng 6 năm 2008) đăng trên talawas
[6] nói về tình bạn sâu nặng giữa hai ông, nói về cuộc đời và sự nghiệp sáng giá của mình, cũng lại nói chuyện làm sách
Thơ văn Lý - Trần mà ngay khi vừa ra mắt tập I đã được người trong nước, ngoài nước kể cả người nước ngoài "viết những lời khích lệ" làm ông "ấm lòng". Trong đó, có đoạn liên quan đến cụ Vân và bác Ðào Phương Bình như sau:
"Rồi đến cuối năm 1968, khi lớp Ðại học Hán học kết thúc, tổ văn học cổ cận đại được bổ sung thêm dăm bảy biên chế là sinh viên mới tốt nghiệp, Viện quyết định thành lập nhóm Văn học Lý - Trần để làm tiếp công việc của hai cụ Nguyễn Ðức Vân và Ðào Phương Bình làm từ năm 1960 (hai cụ là những bậc Hán học lão thành đã khai phá một bước đi đầu rất quan trọng. Tuy thế, bản dịch các cụ để lại cũng chỉ dịch xuôi mà rất ít dịch thơ, chép nguyên từ một bản mà không khảo chứng và bỏ hẳn phần thơ Phật giáo không làm, dịch văn bia mới có vài bài, hẳn vì thế Viện chưa in được phải bắt chúng tôi tiếp tục..." Rõ ràng là tôi đã muốn để chuyện rơi vào im lặng. Nhưng ông Huệ Chi đã không cùng im lặng nên buộc tôi phải nói thêm với ông và cũng là với bạn đọc trong và ngoài nước. Nếu không tôi sẽ bị coi là người không biết điều, cố vơ quàng vơ xiên về cho ông bố vợ.
Câu chuyện nói thêm đây không gì khác mà chỉ là tường thuật lại nội dung hai cuộc đối đáp qua điện thoại giữa ông Huệ Chi và tôi mà trên đã nói. Nội dung hai cuộc đối đáp này không được ghi âm. Nhưng với lòng tự trọng tôi bảo đảm rằng nói đúng với những gì đã có. Nếu ông Huệ Chi thấy chỗ không đúng, xin ông cứ nói lại. Có điều nói lại thì cứ nói những vẫn phải trả lời những vấn đề mà tôi nêu lên trong cuộc đối đáp với ông để bạn đọc xa gần cùng rõ thực hư thế nào. Ở đây, cùng với lời đối đáp, cố gắng ghi theo nguyên trạng nhưng để bạn đọc, kế cả ông Huệ Chi hiểu rõ vấn đề, tôi sẽ có thêm phần chú giải. Sau đây là nội dung hai cuộc đối đáp và viết tắt.
Cuộc thứ nhất Nguyễn Huệ Chi: A lô! Anh Chú à! Tôi Huệ Chi đây mà.
Nguyễn Đình Chú: Ông Huệ Chi à.
NHC: Anh Chú ơi! Anh là người từ trước tới nay tôi vẫn quý mọi mặt, vừa rồi đọc bài của anh viết về cụ Vân, tôi càng quý thêm cụ và cũng quý cái tình của anh đối với cụ. Nhưng tôi buồn là trước khi viết, anh không trao đổi với tôi. Sự thật chẳng có gì là khuất tất ở đây. Bởi cụ Vân làm ít, chỉ dịch nghĩa mà không dịch thơ, cũng không dịch văn thơ Phật giáo, không khảo đính.
NÐC: Thôi được rồi, thái độ của tôi là thực sự cầu thị. Nếu cần tôi sẽ nói lại. Nhưng để thực sự cầu thị, tôi đề nghị ông trả lời tôi câu hỏi này: Tại sao trong "Lời nói đầu" sách
Thơ văn Lý - Trần tập I in khi cụ Vân mới qua đời 3 năm với tư cách trưởng nhóm và chủ biên, ông đã ghi: "... Ðến năm 1965
[7] thì việc sưu tầm cũng như biên dịch do hai đồng chí Nguyễn Ðức Vân và Ðào Phương Bình trực tiếp tiến hành bước đầu đã hoàn thành" mà trong bộ sách
Thơ văn Lý - Trần 3 tập, cụ Vân chỉ còn 34,5 đơn vị văn bản?
NHC: (Im lặng)
NÐC: Ông nói cụ Vân chỉ dịch nghĩa mà không dịch thơ thì ông biết đấy, với thơ cổ, cái khó nhất là dịch nghĩa, rồi mới đến phần dịch thơ. Không dịch được nghĩa thì đừng nói chuyện dịch thơ. Có người không biết chữ Hán mà vẫn dịch được thơ cổ sau khi đã có người dịch nghĩa cho. Trường hợp nhà thơ Phùng Quán với bọn tôi năm 1956 là thế đấy. Hiện tượng này không hiếm.
NHC: (Im lặng)
NÐC: Chuyện thứ hai là tôi yêu cầu ông hãy cung cấp đầy đủ văn bản
Thơ văn Lý - Trần mà cụ Vân đã dịch do ông bảo quản để tôi xem sự thật là thế nào?
NHC: Hồi đó, ngoài phần việc của tôi, tôi còn đưa văn bản cho các anh Trần Lê Sáng, Trần Nghĩa, bây giờ cũng khó mà lấy lại.
NÐC: Tôi chả biết ông đưa cho ai, chỉ biết hỏi ông là trưởng ban cổ cận và là trưởng nhóm
Văn thơ Lý - Trần.
NHC: (Im lặng)
NÐC: Chuyện tiếp theo là ông hãy trả lời tôi câu hỏi này: Tại sao năm 1977, trong "Lời nói đầu" sách
Thơ văn Lý - Trần tập I, ông đã viết: Công trình "sưu tầm cũng như dịch thuật" các đồng chí Nguyễn Ðức Vân và Ðào Phương Bình trực tiếp tiến hành đến năm 1965 đã bước đầu hoàn thành, mà đến năm 2007 vừa qua khi cụ Vân đã qua đời 33 năm trong đề cương làm sách
Tuyển tập Thơ văn Lý - Trần ở Nhà xuất bản Hà Nội, ông lại viết là: "Việc sưu tầm nghiên cứu được đặt ra từ năm 1968"?
[8] NHC: Tôi sơ suất - xin lỗi.
NÐC: Huệ Chi mà cũng sơ suất thế à?
NHC: Ðược rồi, rồi đây tôi sẽ đưa tên các cụ lên đầu.
NÐC: Ông không đọc thư tôi gửi ông Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội về chuyện này à?
[9] NHC: Chưa.
NÐC: Ðiều thứ 4 tôi phải nói thẳng với ông là trong bài viết tranh cãi giữa ông với ông Nguyễn Văn Hoàn từ chuyện về bác Trần Thanh Mại, ông bác ý kiến ông Hoàn cho là trước khi có lớp Ðại học Hán văn ở Viện Văn học, trong số cán bộ trẻ chỉ có ông Kiều Thu Hoạch là người đọc được cổ văn. Ông cãi lại mà nhận mình đã biết. Ấy là ông nói với ai, chứ với tôi là không xong rồi. Bởi lẽ: Ông nói là ông đã học Trung văn 3 năm ở khoa Văn, Ðại học Tổng hợp thì tôi xin nói rằng: Tôi biết 3 năm không chuyên đó, các ông học được tới đâu, và cho dù có qua chuyên Trung 4 năm, 5 năm trong nước hay ở Trung Quốc thì vẫn chưa thể dịch được cổ văn đâu. Ông còn nói là ở thời gian đó (quãng 1960 - 1965) trong khi làm sách về Nguyễn Trãi, ông đã tìm đọc
Ðại Việt sử ký toàn thư và
Việt sử thông giám cương mục những đoạn nói về Nguyễn Trãi để đối chiếu. Ừ thì tôi cứ cho là ông đọc được các thứ đó, nhưng đó cũng chỉ là mấy dòng. Vả chăng, ông còn phải biết rằng trong cổ văn, giữa sử bút và văn bút vẫn có khoảng cách khá rõ. Với sử bút, cú pháp và từ vựng nói chung là đơn giản, dễ đọc chứ với văn bút, cổ văn thì không dễ gì dịch đâu.
NHC: (Im lặng)
NÐC: Thôi! Chúng ta tạm ngừng ở đây đã nhé.
Cuộc thứ hai (Cách một ngày sau)
NHC: Alô! anh Chú à.
NÐC: Vâng, tôi đây!
NHC: Hôm qua, tôi đã đến Viện Văn lục lạo những văn bản của cụ Vân. Nhưng cô Lan và cô Yến nói tất cả đã phôtô đưa anh rồi.
NÐC: Ðúng thế! Trước khi biết bài về cụ Vân, tôi và cả nhà tôi đã đến xin phôtô tất cả những gì mà cụ Vân đã dịch ở Viện để lưu niệm cho con cháu lâu dài thì tình hình là thế này. Những gì do thư viện bảo quản thì cơ bản còn đủ cả. Còn phần do Ban cổ cận của ông bảo quản thì chỉ còn lại rất ít
[10] . Ðặc biệt, trong đó có một mẩu cụ Vân đã dịch nghĩa, dịch thơ và khảo đính mà ông đã pha chế thì chẳng ra gì, thậm chí còn là hao hụt, rồi đề thêm tên mình cùng cụ Vân.
[11] NHC: Hồi bấy giờ, cụ Nam Trân cũng làm thế.
NÐC: Tôi chả biết cụ Nam Trân có làm hay không, chỉ biết ông làm thế.
NHC: (im lặng rồi nói) Còn đề cương ở Nhà xuất bản Hà Nội thì không phải tôi viết mà là người khác viết.
NÐC: Tôi chả biết ai viết, chỉ biết là trong văn bản mà tôi đang có trong tay ghi rõ: “Chủ nhiệm đề tài: Họ và tên: Nguyễn Huệ Chi”.
NHC: Im lặng.
NÐC: Thôi! Ta lại ngừng ở đây nhé.
Bạn đọc kính mến!
Như thế là tôi đã đưa đến quý vị một câu chuyện buồn mà với tôi cũng chẳng vui vì nó là chuyện nhếch nhác, lẩm cẩm giữa trần gian. Như quý vị biết đấy, tôi đã muốn để nó rơi vào im lặng cho rồi. Nhưng rồi lại phải đành lòng, cầm lòng vậy mà phải nói thêm như vậy. Không biết quý vị sẽ nghĩ thế nào về hiện tượng này. Chỉ mong quý vị trong suy nghĩ vẫn giữ cho sự công bằng. Công bằng với người bị mất công bằng, nhưng cũng công bằng với cả người làm mất công bằng. Cuộc đời cần sự công bằng, nhưng cũng cần sự khoan dung. Hãy dành chỗ cho người ta nghĩ lại, phải không thưa quý vị.
Hà Nội tiến tới ngày rằm tháng bảy năm Mậu Tý. © 2008 talawas
[1]Tức 3 năm sau ngày cụ Vân qua đời
[2]Sinh thời cụ Vân nói với tôi là cụ dịch khoảng 600 và bác Ðào Phương Bình dịch khoảng 100 đơn vị văn bản. Những con số đó phù hợp với "Lời nói đầu": "bước đầu đã hoàn thành". (Những chỗ in đậm là do Nguyễn Ðình Chú.)
[3]Nhân dịp
Thơ văn Lý - Trần tập 2 (quyển thượng) phát hành, tôi được bà Tú Châu chuyển sách tặng. Không thấy tên cụ Vân trong nhóm biên soạn, tôi đã hơi nóng mặt. Thấy vậy, bà Tú Châu nói: Có gì anh nói chuyện với anh Huệ Chi trưởng nhóm. Hôm sau, tại Văn Miếu Hà Nội, ông Huệ Chi đã chủ động gặp tôi với vẻ mặt hơi ngượng. Tôi nói ngay: "Sao các vị ăn ở thế?" Ông Huệ Chi nói: "Ðược rồi, anh thông cảm, nếu tái bản tôi sẽ đưa tên cụ vào." Tôi nói: "Chuyện này các ông đừng bịt mắt tôi nhé."
[4]Văn bản lần thứ nhất hiện có ở tòa soạn
Tạp chí Văn hóa Nghệ An.
[5]Hồn Việt: Số 10 tháng 04 năm 2008 và số 11 tháng 05 năm 2008.
[6]Có người cho biết là còn đăng trên website Trần Nhương mà tôi chưa có điều kiện tiếp xúc.
[7]Năm 1965 là năm cụ Vân bắt đầu nghỉ hưu.
[8]Xin được trích lời đề cương thuộc văn bản
Thuyết minh tổng thể đề tài nghiên cứu, biên soạn Tủ sách Thăng long ngàn năm văn hiến, mà tôi hiện có do được mời tham Hội đồng thẩm định.
I. Thông tin chung về đề tài
1. Tên đề tài:
Tuyển tập thơ văn Lý - Trần ...
6. Chủ nhiệm đề tài:
Họ và tên: Nguyễn Huệ Chi. Năm sinh: 1938.
Học hàm: Giáo sư. Năm được phong giáo sư: 1991.
II. Nội dung khoa học của đề tài:
8. Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ.
... Việc sưu tầm nghiên cứu được đặt ra từ 1968 sau bốn mươi năm đã công bố sơ bộ được ba tập lớn nhưng còn đề tại nhiều mảng trống, nhiều sai sót quá lớn về dịch thuật và khảo đính, chú giải. Nay chính là lúc bổ sung... để có thể công bố một công trình tinh tuyển, đạt chất lượng cao cả về nghiên cứu cũng như dịch thuật là một di sản tình thần trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. (Những chỗ in đậm do Nguyễn Ðình Chú.)
[9]Nhà xuất bản Hà Nội mời tôi tham gia Hội đồng duyệt đề cương sách
Tuyển tập thơ văn Lý - Trần, nhưng vì có chuyện như bạn đọc đã biết, nên tôi đã viết thư trực tiếp đưa cho ông Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội từ chối không tham gia Hội đồng. Tôi nói với Nhà xuất bản chuyện chối từ là của tôi, còn chuyện làm sách là của nhà xuất bản, tôi không có ý kiến gì. Nói thế là bởi tôi nghĩ: Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long phải có sách
Thơ văn Lý - Trần. Ðược biết là sau đó, ông Tổng giám đốc nhà xuất bản đã không đọc thư tôi trước Hội đồng. Do đó ông Huệ Chi không biết.
[10]Cứ vào phần đã phô tô lại được từ Ban cổ cận của Viện Văn thì còn hơn 50 đơn vị văn bản.
[11]Cụ thể: Bài “Thị tịch” -
Bút tích cụ Vân "Phiên âm: Thị tịch
Vạn duyên (1*) tiệt đoạn nhất thân nhà,
Tứ thập niên du mộng ảo gian.
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Ná biên (2*) phong nguyệt cánh hoàn (3*) khoan.
Dịch nghĩa: Thị tịch
Cắt đứt vạn duyên, một thân nhàn hạ,
Hơn bốn chục năm qua chỉ là trong ảo mộng.
Trân trọng nhắn mọi người đừng nên gạn hỏi,
Trăng gió ở (thế giới) bên kia lại càng mênh mông.
Dịch thơ:
Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,
Bốn chục năm dư những hão huyền.
Nhắn nhủ người đời xin chớ hỏi,
Bên kia trăng gió ấy vô biên.
Nguyễn Ðức Vân dịch Khảo đích: Các di bản: VATT, HVTT, TVTL1, TVTL2, TTTL.
(18) VATT, HVTT, TVTL1 đoan
(2*) TTTL Truy
(3*) VATT, HVTT, TVTL1 mại
TVTL2 hoàn
TTTL: man
Ông Huệ Chi đã ghi "bỏ" lời dịch thơ và dịch lạc với bút tích như sau:
Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,
Hơn bốn mươi năm những hão huyền.
Nhắn bảo các người đừng gạn hỏi,
Bên kia trăng gió rộng vô biên.
Nguyễn Ðức Vân và Nguyễn Huệ Chi Tôi xin dành sự bình luận cho quý bạn đọc. Tôi chỉ nói qua thế này: pha chế lại như thế không thêm gì mà còn hụt đi đấy. Ở câu 3 làm mất cái nhã của lời thơ. Ở câu 4, đã "vô biên" thì sao lại còn phải "rộng". Trong khi "ấy vô biên" mới gây được ấn tượng đậm về sự vô biên, sự mênh mông chứ. Còn nói cụ Vân không khảo đính thì chỗ khác chưa biết thế nào chứ ở bài "Thị tịch" này làm thế không phải là khảo đính sao?