trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
11.9.2008
Tiêu Dao Bảo Cự
talawas, trí thức và bài học về quá khứ
(Thư gởi talawas)
 
Vừa qua, chung quanh bài viết của Phùng Nguyễn về Lữ Phương đã phát sinh nhiều tranh luận, đặc biệt với Trần Văn Trạng, trong đó một số “Ý kiến ngắn” đặt lại vấn đề liên quan đến trí thức và vai trò của talawas. Bài viết này, cũng xin được coi như một thư gởi talawas, được gợi ý từ cuộc tranh luận đó.

Mấy năm gần đây, talawas nổi lên như một trang web được nhiều người tìm đọc, đặc biệt là giới trí thức trong và ngoài nước, vì tính trí tuệ và tính chất tạm gọi là tính luận chiến. Từ nhiều bài viết mang nặng chất học thuật, hàn lâm, talawas đã chuyển mạnh sang những đề tài thời sự, sát sườn với cuộc sống và tình hình đất nước nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định với những vấn đề đấu tranh chính trị cụ thể.

Bài viết trên talawas phần lớn đều giá trị. Đó là những bài nghiên cứu công phu, những chính luận sắc bén, những kiến giải mới mẻ, những tư liệu quý hiếm (đặc biệt hồ sơ về Nhân văn – Giai phẩm, tác phẩm miền Nam trước 1975), những bài dịch sáng sủa có chủ đề hữu ích… Độc giả có thể học hỏi nhiều, mở rộng kiến thức khi đọc talawas trong từng ngày.

Nhiều chuyên mục, chủ đề có ý kiến tranh luận sôi nổi với chính kiến khác nhau, đôi khi mâu thuẫn, đối nghịch như chiến tranh nhìn từ nhiều phía, chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa cộng sản, phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam, hòa giải hòa hợp dân tộc, giao lưu và hội nhập văn học… Bên cạnh những bài viết dài, mục “Ý kiến ngắn” cũng ngày càng phong phú, nhiều người tham gia và mang tính tranh luận cao, tức thời, làm cho độc giả thích thú theo dõi.

Ban đầu các cuộc tranh luận có tính nghiêm túc, nặng phần lý luận, thái độ ôn hòa, tương kính nhưng dần dần ban biên tập đã mở rộng hơn việc chấp nhận nhiều loại ý kiến, nhiều thái độ và giọng điệu (đặc biệt trong phần Ý kiến ngắn), kể cả thái độ và giọng điệu đôi khi cay độc, tục tĩu. Tôi cũng thừa nhận điều đó cần thiết vì cuộc đời muôn màu muôn vẻ, nhưng tôi nghĩ mỗi người có tính cách riêng và vì tôi thích hòa nhã nên xin tránh những tranh luận quá gay cấn và những lời lẽ quá cay độc, còn người khác như thế nào, dĩ nhiên là quyền của họ. Tuy nhiên dù sao cũng cần có một giới hạn nào đó vì rõ ràng không thể có tự do tuyệt đối, nhất là khi quyền tự do của mình lại làm thương tổn người khác.

Trên đây chỉ là những nhận xét chủ quan, vắn tắt của tôi một cách khái quát về những khía cạnh tôi quan tâm chứ thực ra talawas còn nhiều nội dung phong phú hơn nữa.

Có lẽ phần đông người viết và người đọc talawas đều là trí thức. Định nghĩa về trí thức cũng đã có nhiều tranh luận, ở đây xin được hiểu trí thức là những người có kiến thức về nhiều lãnh vực hay một số lãnh vực, có suy nghĩ sâu sắc và độc lập, có tinh thần sáng tạo và đi tìm chân lý, có trách nhiệm với xã hội. Trí thức cũng có đủ mọi tính tốt và xấu như bất cứ thành phần nào khác: Lương thiện và lưu manh, dũng cảm và hèn nhát, trung thực và trá ngụy, khí tiết và luồn cúi, có lý tưởng và tùy thời, thanh cao và vị đồng tiền, háo danh và khiêm tốn…, nhưng có lẽ điều khác biệt là người trí thức hay suy nghĩ, phản tỉnh và trong tranh luận có nhiều lý lẽ.

Nhiều cuộc tranh luận trên talawas giúp làm sáng tỏ vấn đề nhưng cũng có những cuộc hầu như “bất phân thắng bại” và người đọc thấy bên nào cũng có lý, cũng có khi dẫn đến kết quả đáng buồn, chẳng biết ai đúng ai sai, chỉ thấy chia rẽ và nỗi buồn. Vậy thì chân lý nằm ở đâu hay chân lý vốn có nhiều khuôn mặt? Tranh luận không phải vì vô công rỗi nghề, muốn đùa chơi, khích bác nhau mà để truy tìm chân lý như một đặc điểm của trí thức. Tranh luận không vô bổ mà lại vô cùng cần thiết nhất là khi cần rút ra những bài học cho cuộc sống.

Ở đây tôi muốn nói về những bài học từ quá khứ để áp dụng cho hôm nay và ngày mai của đất nước, trong đó những vấn đề liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, đến hai chế độ, là đặc biệt quan trọng. Tiếc thay trong những vấn đề này, lập trường của nhiều người trong cuộc ngày trước hình như vẫn giữ nguyên không có gì thay đổi. Cuộc tranh luận hôm nay chỉ là tiếp tục cuộc chiến tranh hôm xưa trên lãnh vực tư tưởng.

Thông thường ai cũng tự hào về quá khứ nhập cuộc, dấn thân, chiến đấu của mình. Cứ thử nghe một vài cuộc gặp mặt kỷ niệm của những thành phần tham gia cuộc chiến đứng về hay ủng hộ phía miền Bắc trước đây được tổ chức và chiếu vô số lần trên truyền hình Việt Nam. Từ những người tham dự trận chiến Điện Biên Phủ, cựu tù Côn Đảo, cho đến các đơn vị bộ đội hải, lục, không quân thời chống Mỹ, thanh niên xung phong, đặc công đô thị, học sinh sinh viên thanh niên tranh đấu…, chẳng ai không tự hào về mình và lên án kẻ thù. Đối với phía Việt Nam Cộng hòa, một chính thể không còn tồn tại, người ta vẫn tự hào về chính nghĩa quốc gia, về chế độ dân chủ tự do, lên án tội ác của cộng sản và như tựa đề một cuốn sách, kiêu hãnh vì đã “Can trường trong chiến bại”. Cũng như cuộc xung đột hiện nay quanh chuyện “cờ vàng cờ đỏ”, kỳ lạ thay, mọi việc hầu như vẫn còn y nguyên, như chưa có 33 năm qua kể từ khi cuộc chiến tranh súng đạn kết thúc.

Di sản quá khứ vẫn còn rất nhiều mà mọi người có thể nhìn thấy, cảm nhận được. Những vết thương trên cơ thể còn hằn dấu sẹo hay hình hài què cụt tàn phế. Những số phận người dị tật bi thương vì di chứng chất độc màu da cam. Những mất mát tang tóc khi người thân yêu, đồng đội, đồng chí, đồng bào đã tan nát thịt xương trong lửa đạn. Những tủi nhục ê chề trong các trại cải tạo. Những thảm cảnh, tuyệt vọng, đau đớn khi làm thuyền nhân bấp bênh vô định trên biển khơi… Và cả những tác phẩm văn học nghệ thuật sản sinh từ miền Bắc bây giờ vẫn còn đó, hay của miền Nam, từng bước được khôi phục ở hải ngoại hoặc ngay chính trên talawas và một vài trang web văn nghệ khác như Tạp chí Da Màu.

Tôi nhớ câu chuyện người cha dạy con bằng cách bảo khi con làm điều sai, hãy đóng một cái đinh lên tường, khi làm điều tốt, nhổ một cái đinh ra. Cuối cùng khi đứa con đã làm được nhiều điều tốt, nhổ được hết đinh, ông nói: Đinh đã được nhổ ra, nhưng vết đinh vẫn còn đó, không sao xóa được. Tôi thấm thía bài học này không phải chỉ cho trẻ con. Những vết đinh này người gây ra có thể không chú ý lắm nhưng người bị thương tổn không bao giờ quên, không bao giờ lành. Mặc dù có những lời khuyên minh triết về cuộc sống hạnh phúc là sớm quên đi những điều không may, những gì bị thương tổn trong quá khứ để sống cho hôm nay và ngày mai nhưng mấy ai có thể thực hiện được lời khuyên khôn ngoan này. Dân tộc Việt Nam lại là dân tộc bị “đóng đinh” nhiều nhất.

Trong văn học, thời gian gần đây, người ta thường nhắc đến hai trường hợp sám hối, đó là những bài thơ di cảo của Chế Lan Viên và Nguyễn Khải với bút ký “Đi tìm cái tôi đã mất”. Dù đứng ở phía nào để nhìn nhận, tán đồng hay không, chắc ai cũng thấy trong thái độ của hai nhà văn này có yếu tố tích cực, dù muộn màng đối với chính họ nhưng không bao giờ muộn đối với lịch sử.

Đó là hai nhà văn phản tỉnh, tự nói về mình, nhưng nếu người khác đứng ra kết án thì vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta thử tưởng tượng bây giờ đem phân tích lại tác phẩm chống Mỹ của miền Bắc và chống cộng của miền Nam trước đây để lên án các tác giả thì tình hình sẽ như thế nào, nếu không phải là một cuộc hỗn chiến, “xáp lá cà” lần nữa trên trận địa văn học, tư tưởng và sẽ mang lại ích lợi gì.

Bài học lớn nhất khi nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam không phải là chiến lược, chiến thuật mà phải chăng là dù ai thắng, ai thua thì nhân dân đều là kẻ chiến bại. Nếu chiến tranh là lỗi lầm của lịch sử thì trách nhiệm của trí thức hôm nay là gì? Trí thức để làm gì nếu không góp phần mang lại hạnh phúc cho nhân dân và phồn vinh cho đất nước? Bài học về quá khứ để làm gì nếu không giúp xây dựng tốt hơn hiện tại và tương lai?

Vấn đề quả thực không đơn giản. Phân tích về quá khứ là việc phải làm, và như Phùng Nguyễn nói rất đúng, không được đồng lõa với cái ác, phải công bằng đối với mọi phía nhưng quả thật khó khăn khi phân tích quá khứ mà không gây ra xung đột mới cho hôm nay. Cách làm tốt nhất phải chăng là phân tích, khêu gợi phản tỉnh; có thể phê phán, nhưng không kết án, trừ những trường hợp hiển nhiên là tội ác; đứng trên lập trường dân tộc và nhân bản chứ không trên một phía của chiến tranh? Ở đây ranh giới rất mong manh và người ta thường dễ vượt qua dù đã có chủ ý chỉ để truy tìm chân lý. Ở đây có lẽ phản tỉnh tốt hơn truy bức, cảm thông và bao dung tốt hơn lên án. Ai có đủ tư cách đứng trên cao để làm quan tòa trong giai đoạn hỗn mang máu, nước mắt và hận thù kinh hoàng nhất của lịch sử, nhất là đối với người trong cuộc?

Hình như đã có lần tôi đề nghị talawas, bên cạnh “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” nên mở thêm chuyên mục “Việt Nam hôm nay và ngày mai”. Dĩ nhiên tôi hiểu những vấn đề đặt ra trong “Điểm nóng chính trị Việt Nam” chẳng hạn cũng bao hàm ý hướng đó nhưng nên chăng cần tập trung và có định hướng hơn. Từ “định hướng” đúng là có thể gây dị ứng khi người ta liên tưởng đến “định hướng xã hội chủ nghĩa” nhập nhằng nửa thật nửa giả, nửa thánh nửa ma, nhưng từ ngữ là do chúng ta sử dụng và xác định nội hàm, làm cho nó trở nên phổ biến và được hiểu đúng.

Những vấn nạn lớn của hiện tại như chế độ độc tài toàn trị, nạn tham nhũng, tình trạng đói nghèo, sự bất công và chênh lệch giàu nghèo, sự suy thoái của nền giáo dục và đạo đức toàn xã hội… là những đề tài bức thiết, thường trực. Một vấn đề lớn nữa đang đánh động mọi người là ý đồ xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam mà gần đây rộ lên với những động thái của nhà cầm quyền và bài viết trên các trang web của Trung Quốc. Những vấn đề đó đòi hỏi sự phân tích sâu sắc và thống nhất quan điểm trong đông đảo trí thức nói riêng và nhân dân nói chung nhằm đạt được sự đồng thuận, vượt qua chia rẽ của quá khứ để hành động cho hôm nay và hướng đến ngày mai.

Thư gởi talawas này xin được hiểu là gởi ban biên tập, tác giả và độc giả của talawas. Mấy lời chân tình, mong được chỉ giáo.

Đà Lạt 8-9-08

© 2008 talawas