trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
13.6.2008
Phan
Nỗi đau thân phụ
 
Sống, và làm việc chung với một đám tiếng Anh ba mứa mới thấy người giỏi tiếng Anh bị thiệt thòi. Tôi để ý anh bạn trẻ tên Hoàng ở xóm vỉa hè này thường bị mọi người, bất chấp anh ta đang rảnh hay bận, giờ nghỉ hay giờ làm, xồng xộc đến hỏi han về một giấy tờ gì đó mà đương sự không hiểu hoặc không hiểu hết những từ ngữ tiếng Anh trong đó.

Hoàng chưa từ chối giúp đỡ ai bao giờ nên tôi nể. Từ sự nể mặt tới thân mật không xa nên đôi khi tôi cũng phải lên tiếng bênh vực cho Hoàng với (trước) những người quá quắt! Hỏi rồi, xong được việc mình thì quên cảm ơn, nhưng lỡ không xong do mình không hiểu hết những lời giải thích của Hoàng thì trách ngược là giúp không tận tình. Hoàng chỉ cười hiền. Người tinh tế một chút mới nhận ra cay đắng, xót xa và cả vị tha trong nụ cười ấy.

Thời buổi hải ngoại, lưu vong, có cất công đi tìm một người tha nhân mà tuổi đời còn trẻ để làm thuốc cũng đỏ mắt như đi tìm linh chi ngàn năm trong phim Tàu. Tôi quý anh bạn Hoàng hồi nào cũng không nhớ nữa! Chỉ biết những tờ báo Việt ngữ mà tôi là người cung cấp chính cho khu thương mại này, khi bà con đọc báo “chùa” xong lại không trao tiếp cho người khác mà lẳng lặng cất đi để đem về nhà. Ai tra hỏi gắt lắm (Người tra hỏi cũng phải thuộc loại có máu mặt) thì đương sự mới giả vờ tìm quanh… Có thể bạn đọc đọc đến đây thấy buồn buồn cho tình đời hải ngoại. Nhưng với tôi thì ngược lại, tôi vui vì những gì mình và đồng nghiệp viết ra chưa hết người đọc. Nhưng cũng chính người tôi nể mặt lại phân tích cho tôi một khía cạnh ít ai nhìn thấy! Theo Hoàng, người không dám bỏ ra vài đồng mua báo là người sẵn sàng mua băng sang lại cho rẻ. Thà họ không thưởng thức văn chương, văn nghệ còn hơn là thưởng thức kiểu đó! Chính họ giết chết văn hoá hải ngoại chứ không phải họ còn đọc, còn coi là văn hoá còn.

Tôi phục cái tầm nhìn chiến lược của Hoàng nên từ đó… tôi không còn tốt với mọi người như xưa - nghĩa là đọc xong tờ báo thì bỏ ra bàn cho ai muốn làm gì làm. Tôi thường thả nhẹ tờ báo đã đọc xong vô xe Hoàng cho Hoàng tùy nghi di tản. Tờ nào hay, bài nào hay… tôi bỏ nhỏ để gỡ vốn mua báo chứ cũng không tốt lành gì! Gỡ vốn nghĩa là có người để bàn luận về những vấn đề mà mình quan tâm.

Sáng nay, tôi ghé tòa báo làm nhiệm vụ (Nói dóc chờ báo về. Báo về thì y chang tới giờ em đi làm. Lần nào cũng vậy mới ngộ!) Sáng nay, chị chủ xị nhắc nhở. Tới Father’s Day (Ngày của Cha) rồi nha cưng. Số tới, viết bài chủ đề cho chị được không? (Chị biết thằng-em-vỉa-hè! Nói Đông thì nó viết Tây; nói gà thì thể nào cũng có bài vịt gởi về. Nhưng không nói thì chỉ làm anh tôi thôi chứ sao làm chị được!)

Trên đường đi làm, tôi không chủ đích viết bài về Father’s Day bởi không biết viết gượng. Viết gượng thường làm cho văn chương táo bón, đọc chán lắm! Tôi đang viết bài về vụ người mình bán vé máy bay “lụi” cho đồng hương trong dịp hè ở những nơi công cộng như Nhà thờ, Chùa. Nhưng… Ý trời không bằng sắp tới lương. Cho bà chị lên kí chút đi để lương thêm bổng cũng đỡ lắm lận. Nhưng tôi rặn không ra bài Father’s Day vì đời tôi gặp “thằng Cha” nhiều hơn gặp “ông Bố”. Không ngờ Father’s Day năm nay - tôi gặp cả hai nên mới có bài viết này.

Người tôi gặp cũng không xa lạ. Tôi biết Hoàng thương cô con gái rượu tới tuổi… đi học của mình hơn tất cả trên đời. Con gái út không xinh, không ngoan còn được cưng như (?) nói gì con bé như thiên thần. Vì lẽ đó nên Hoàng say sưa kể cho tôi nghe tác phẩm đang hoàn thành của cô bé ở nhà là bức tranh như tất cả những đứa con nít thường vẽ cho ba má, ông bà khi có dịp. Tôi nhớ đoạn kể hay nhất của Hoàng về bức tranh như sau: “Đêm qua, bà xã tôi thỏ thẻ, rồi tuột xuống giường, len lén qua phòng con bé đánh cắp bức tranh dở dang, đem về master bedroom (phòng ngủ chính) cho tôi xem. Mẹ tấm tắc khen tài con đã đành, nhưng không hiểu sao nó vẽ ba nó 3 chân? Tôi thử trí thông minh của anh được không? Vì tôi cũng xém không hiểu”.

Bạn đọc đoán ra chưa? Tôi không đoán nhưng biết rồi, vì tôi đã từng là nạn nhân ba chân của con trai tôi. Con trai tôi vẽ bố có hai chân thôi. Chân giữa là để bố đi xì. Nhưng ba chân bằng nhau mới hết hồn ông địa. Còn con gái cưng của Hoàng thì do mẹ giải thích vì sao con đi xì ngồi mà thằng anh họ của con thì đi xì đứng! Đó là một bước nhảy vọt của những bà mẹ Việt Nam đã ra nước ngoài. Ngoài chuyện lo cho con miếng ăn, giấc ngủ chu đáo, có giáo dục giới tính đàng hoàng nữa lận.

Chúng tôi ngồi cười hả hê về trẻ thơ-niềm vui-nghị lực cho anh em mình đi cày. Bỗng Hoàng sa sầm nét mặt, mắt nhìn mông lung trên tàn cây mà hậu cảnh phía sau là mây bay vô định, chấm phá đôi cánh chim trời - thỉnh thoảng vụt qua bức tranh trưa hè trong vắt thiên thanh.

Tôi không còn nghĩ người ngồi bên cạnh tôi là Hoàng, là người mà tôi từng nghĩ có xuất thân đáng kính. Tôi như nghe, như đọc, như thấy… chân dung một người cha nghiện ngập và đã để lại muôn năm trong đầu đứa con tội nghiệp một nỗi buồn thân phụ tới thiên thâu…

“Anh tưởng tượng nổi về ông già tôi không! Sau ‘giải phóng’, ông đi lính về nên thất nghiệp. Sống với bên nội không xong vì bên nội tôi cũng không giàu có gì. Anh chị em tôi bữa đói bữa no, má tôi buôn bán linh tinh thời đó, cũng không đủ sống. Cuối cùng, ông ngoại tôi gọi về quê ngoại làm ruộng. Được một mùa ruộng duy nhất thì ruộng phải vô hợp tác xã nông nghiệp. Má tôi đi làm tính công để chia lúa, nhưng đi làm thì có mà chia lúa thì không, vì ruộng hợp tác xã chỉ có úng phèn do thủy lợi. Ba tôi cứ tàng tàng ăn lúa ông già vợ ngày ba bữa, chiều lai rai ba sợi, nói chuyện chỉ huy ngày xưa như danh tướng trong khi ông già chỉ là lính trơn. Tới tụi địa phương nó ghét thì cho vô tù để điều tra xem xưa ông cấp bậc gì.

Ông ngoại tôi thông cảm cho lính rã ngũ nên không trách. Ngoại mở quán cà phê ngay nhà cho má tôi buôn bán để kiếm sống. Ngoại tôi già rồi mà phải đi vác lúa, gạo thuê ngoài bến sông để nuôi cháu. Tôi mới mười tuổi đầu mà đã biết nhịn ăn, nói dối: Con no rồi để nhường cơm cho ông ngoại. Má tôi với bà ngoại tôi hình như không thấy ăn gì hết. Chị hai tôi nghỉ học đi làm cho Hợp tác xã tươi sống - tức là bán rau trái, khoai ngô… Chị ba tiếp nối con đường bỏ học nhưng đi bụi vì thích ăn chơi. Anh Tư tôi theo cậu đi vượt biên - bị bắt ở tù. Anh Năm cũng lừng khừng làm biếng, học dở mà thích ăn diện trong trường cho chúng ghét.

Ba tôi ở tù hết hơn năm, phải đi đắp đê thủy lợi lung tung nên khi được về thì có lý do kiệt sức, không chịu làm gì nữa! Ngày mấy bữa ăn không ngon còn chửi đánh má tôi. Không đưa tiền cho ông đi cà phê, nhậu nhẹt, ông không để yên cho gia đình. Má tôi kiệt sức. Qua đời. Ông bà ngoại đuổi ba tôi đi đâu thì đi, nuôi cháu thôi chứ không nuôi ba tôi. Ba đi dăm hôm rồi về ở lì thì bà ngoại cũng cho ăn cơm. Hồi đòi tiền đi nhậu thì ông ngoại nổi xung. Ba bỏ đi.

Anh Tư tôi ở tù vượt biên về, anh đi nữa thì thoát. Qua đảo, anh Tư với cậu tôi làm thuê đủ thứ để có tiền gởi về cho ông bà ngoại. Ông ngoại tôi già lắm rồi. Bây giờ, ra hải ngoại rồi tôi mới biết! (Ở đảo đã không có thân nhân ở nước ngoài gởi tiền cho xài mà còn phải kiếm tiền gởi về nhà bên Việt Nam thì phải kể là cậu tôi với anh Tư tôi giỏi thiệt.) Ba tôi sống lang thang, đầu đường xó chợ. Mới đầu, ba mướn xích lô đạp kiếm sống qua ngày. Tôi thương ông già nên ưa lén chia cơm sẻ áo. Tôi biết buồn sớm khi thấy ba tôi nhậu rượu đế với mấy ông bạn ngoài chợ chiều. Toàn những người chẳng ra gì là đương nhiên. Ăn nhậu thì cóc, ổi nên ông nào cũng ốm tới trơ xương. Tôi hoàn toàn sụp đổ khi thấy ba tôi chích xì ke. Ông già bỏ nghề xích lô rồi, vì đạp gì nổi nữa! Chuyển nghề ăn cắp vặt - tôi cũng thấy luôn. Ông ăn cắp cái xe đạp của con nhỏ học chung lớp với tôi. Nó vừa dựa xe vô vách tường tiệp tạp hoá để mua gì đó. Ngoài này, ba đẩy xe nó đi. Tôi nói theo: ‘Xe bạn con đó ba…’ Nhưng ông già cứ phóng lên, đạp mất.

Đêm đầu tiên trong đời, tôi không tài nào ngủ được. Hôm sau vô lớp, mình mảy con nhỏ bạn bầm tím tùm lum… nó bị đòn vì làm mất xe đạp. Tôi không bao giờ quên những vết bầm trên mặt, trên tay bạn tôi.

Từ đó, tôi thành thằng ăn cắp. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi ăn cắp của người tôi ghét còn hơn lấy của bạn bè, người quen. Tôi chạy vù vù vô bất cứ nhà ai trong xóm, có người hỏi thì tôi kiếm đứa nào đó, rủ đi chơi. Không có ai ở nhà thì tôi ăn cắp bất cứ cái gì nhỏ gọn mà thấy có giá trị. Tôi đem ra chợ cho ba tôi bán đi để mua rượu uống, chích xì ke. Ba tôi cứ lang thang ngoài khu chợ vì ở đó có cơ hội trộm cắp hơn trong xóm. Tôi biết là không tốt nhưng tôi chịu không nổi khi thấy ba tôi đi không vững, té chúi nhủi, trầy mặt trầy mày, máu với nước dãi nhễu nhão… Người qua đường nói là: ‘Thằng xì ke lên cơn ghiền.’ Tôi xấu hổ lắm chứ!

Hôm tôi thấy lần thứ… hết nhớ. Tôi đi ăn cắp thì bị bắt. Chị thằng bạn tôi bắt được tôi lẻn vô phòng chị nó và đang lục bóp. Chị ấy là người tốt nhất trong đời mà tôi được gặp. Chị lôi hết số tiền trong bóp ra cho tôi. Nói: ‘Chị biết nhà em khó khăn. Nhưng… sao không nói chị. Từ nay đừng ăn cắp nữa nha cưng.’ Tôi đem tiền ra cho ba tôi. Tôi nói: ‘Từ nay, con không ăn cắp nữa đâu nha ba.’ Ba tôi khóc.

Lần tôi đi học về, nghe tiếng con nít khóc trong nhà. Thì ra, chị ba tôi đi bụi, giờ ẵm con về nhà. Ðứa bé đang bệnh nên khóc om xòm. Ông ngoại tôi nằm một chỗ. Bà ngoại dậy không nổi… Chị hai tôi lui cui dưới cái bếp dột tứ tung vì mưa giông. Cây đòn tay trên chái bếp chịu không nổi gió mưa - sụp ầm xuống nồi cháo đang sôi. Hết. Hết cách. Hai chị em ôm nhau khóc hơn mưa. Cuối cùng, chị hai tôi nói: ‘Mày qua bà Tám hụi mượn cho chị hai hai lon gạo…’ Tôi biết không mượn được vì nợ nhiều lắm rồi, ai cho mượn nữa! Nhưng tôi đi. Cứ đi.

Tôi ướt như chuột lột, tay cầm cái rổ ny-lon không có hột gạo nào mà không được về vì phải nghe bà Tám giảng đạo, nhắc nợ tổng cộng đã là bao nhiêu. Chị Lan con bà Tám là bạn với chị hai tôi, bạn thân. Hai người cùng thương một anh nên nhường nhau tới khi người ta đi lấy vợ. Hai người ít qua lại từ đó. Chị Lan cự nự bà Tám, rồi như dẫn, như đuổi tôi ra cổng rào. Chị nói nhỏ và giúi vô tay tôi: ‘Nói chị hai mày xài đỡ đi…’

Tôi cầm đôi bông tai của chị Lan ra chợ. Nói ba tôi nghe hết chuyện nhà. Tôi nhờ ba bán để chị hai đong gạo, chứ đưa về cho chị hai thì chị hai không nhận đâu. (Tôi tính khôn là mình con nít mà vô bán vàng thì một là ăn cắp, hai là nhặt được. Chắc chắn tiệm vàng không bao giờ trả đúng giá.) Ba tôi khen tôi lớn khôn rồi. Ba tôi đi bán ở tiệm vàng, tôi đi theo sát bên. Vậy mà ba lừa tôi để trốn luôn từ đó!

Lần cuối cùng tôi gặp ba thất thểu trên đường. Tôi biết cơn ghiền đang lên. Nhưng trong tôi không còn một chút gì thương xót. Tôi đi luôn. Nước mắt tôi mờ hết. Mà tôi cứ đi luôn. Tôi thấy ba tôi lần đó cũng là lần cuối.

Bây giờ, mỗi lần nhận quà Father’s Day từ con cái, tôi vui vẻ tiệc tùng với gia đình, cảm ơn các con - cảm ơn ngầm bà xã đã giáo dục tụi nhỏ chu đáo. Nhưng khi mọi người đã ngủ, tôi thường ngồi im lặng trong bóng tối. Mình tôi.”

© 2008 talawas