trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
23.5.2008
Phan Xuân Sinh
Chuyến về quê nhà
 1   2   3   4 
 
I. Đến Sài Gòn

11 giờ đêm máy bay mới đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Ngày cận Tết người về tấp nập, nên khi nhận hành lý và kiểm soát của hải quan phải mất 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, sự chậm chạp nầy không làm cho tôi bực mình, mà ngược lại, tôi cảm thấy dễ thở và thoải mái hơn cái hồi tôi về lần trước (1993) sau khi Ba tôi mất. Phi trường bây giờ rộng rãi hơn, được tân trang quy mô hơn nhưng có một cái gì đó không ổn dưới con mắt của tôi, không được lộng lẫy bằng phi trường Đại Hàn hay Thái Lan. Vào phòng restroom của phi trường ta cảm thấy nghèo nàn quá, đồ đạc và cách cấu trúc âm u không sáng sủa. Tại sao thế? Có tốn kém gì thêm bao nhiêu đâu mà không làm được?

Khi đẩy xe ra khỏi thềm chính của phi trường, nhìn lên bầu trời về hướng Sài Gòn ban đêm, khu Sài Gòn sáng rực ánh đèn chiếu lên, tôi giật mình, bụi mù mịt. Mọi người hằng ngày phải sống trong một không khí quá ô nhiễm như vậy sao? Lâu quá tôi không nhìn thấy bầu trời như vậy. Một người bạn mang xe ra đón tôi, chiếc xe Toyota (van) Sienna LE mới toanh, giống như chiếc xe của tôi đang chạy ở Mỹ. Đi xe mới giữa rừng người chen lấn nhau như vậy không sợ xe bị trầy trụa thì cũng lạ thật. Ngồi trên xe, tôi hỏi giá của chiếc xe nầy ở Việt Nam là bao nhiêu. Người bạn trả lời là hơn 60 ngàn dollars, lại thêm một lần nữa tôi giật mình. Ở Mỹ xe nầy tôi mới mua 26 ngàn dollars, cách biệt giá cả thật khủng khiếp mà cũng có nhiều người mua, thì đủ biết người giàu cũng nhiều. Đời sống phần đông của dân chúng có phần khấm khá hơn trước, dễ thở hơn ngày tôi về lần thứ nhất cách đây 15 năm. Thành phố Sài Gòn ngập xe gắn máy, mặc dù lúc đó đã một giờ khuya, mọi người đi xe phải đội nón bảo hộ và phần đông mang khẩu trang. Nửa khuya mà xe cộ đông đúc như vậy thì ban ngày chắc phải nhiều hơn gấp bội…

Đoạn đường từ phi trường về chợ Bà Chiểu, hai bên phố xá liền khít nhau, cái cao cái thấp, kiểu cọ, cầu kỳ tạo nên Sài Gòn có một bộ mặt vừa khang trang và cũng vừa lủng củng, trông thật buồn cười. Nhận xét của tôi về quê hương như vậy có vẻ độc địa, nhưng đó là một sự thật mà những người sống ở nước ngoài khi về quê đều thấy như vậy. Có lẽ tôi đã quen con mắt nhìn phố xá của các nước mà tôi đã đi qua. Nhiều thành phố của họ trông rất đơn sơ, nghèo hơn Sài Gòn, nhà cửa không lớn, nhưng trong một quần thể chung chung, ta thấy rất mỹ thuật, rất sang trọng. Nhà cửa sát nhau chỉ có ở khu downtown buôn bán, ra khỏi đó, nhà ở của dân chúng rời rạc. Sài Gòn thì ngược lại, nơi nào cũng buôn bán, nơi nào cũng ở được, nên người ta phải chen chân làm nhà mặt tiền, bao giờ nhà mặt tiền cũng có giá, mặc dù xe cộ gây nhiều ồn ào, nhiều chấn động. Từ ngoại ô vào thành phố nhà san sát nhau, ta không phân biệt được ranh giới giữa ngoại ô với thành phố.

Thỉnh thoảng tôi đọc được vài tấm biểu ngữ bằng vải treo ngang đường, đại khái “Mừng Chiến thắng Tết Mậu Thân”. Mới đó đã 40 năm rồi! Một cái Tết đau thương, khổ nạn của dân tộc mà không một ai còn muốn nhớ lại nó, muốn nó chìm mãi vào quên lãng. Thế mà người ta vẫn muốn nhắc lại một hành động không mấy tốt đẹp, chà đạp lên lời hứa ngưng bắn để tấn công vào dịp Tết, làm cho người dân sửng sốt, ụp lên đầu tai họa biết bao nhiêu gia đình. Cho đến bây giờ mà vẫn hô hào cho đó là một chiến thắng, nghĩ cũng lạ thật. Một kiểu tuyên truyền chiến thắng thần thánh, mấy chục năm cứ sao đi sao lại. Lâu quá tôi không nghe luận điệu nầy, bây giờ nghe lại thấy nó lạc điệu, đượm một chút gian dối mà nhà nước cứ làm, hình như họ không cần nghe thấy gì cả. Không cần biết dân trí bây giờ đã cao hơn, những truyền thông trên internet đã làm cho họ hiểu ra những vấn đề chính trị, lịch sử v.v… một cách thấu đáo. Không thể bưng bít những sai trái mãi được. Sau 33 năm, sự thật cũng chưa được vén lên, thù hằn vẫn âm ỉ, vẫn còn chia cách. Người bạn ngồi trên xe nói với tôi: “Ở đây mầy có thể làm bất cứ chuyện gì cũng được, ngoại trừ chính trị. Lãnh vực nầy không có chỗ cho người dân tham gia, lén phén đụng vào thành trì nầy, sẽ bị trừng phạt ngay.” Có lẽ phải dựng dậy người thi sĩ cộng sản Chế Lan Viên đã làm một bài thơ về Mậu Thân:

Ai? Tôi

“Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?
Tôi!

Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính là tôi!

Người lính cần một câu thơ
giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.”

Chế Lan Viên

Về đến nhà của người bạn đúng 2 giờ sáng, tôi không ngủ được vì trái với giờ giấc bên Mỹ. Tôi ngồi xem TV, chương trình suốt đêm. Đêm đầu tiên về Sài Gòn tôi tìm được cách giải trí nầy cũng đỡ phần nào, chứ nếu không có nó thì chẳng biết làm gì suốt đêm. Sáu giờ sáng, một người bạn khác đến chở tôi đi uống café, không quên mang cho tôi cái nón bảo hộ để ngồi phía sau xe honda. Ra đến đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh. Tôi mới thấy lượng người nhiều vô số kể đi xe gắn máy trên đường, tôi không biết người ở đâu mà nhiều vậy? Chen lấn, lạn lách một cách tài tình. Ngồi phía sau xe, tôi ôm cứng người bạn. Tôi nghĩ trong đầu bây giờ tôi không còn cách nào chạy xe một mình như cách đây 20 năm trước được nữa. Đến quán café, tôi thấy người ngồi chật, quán tương đối rộng và thuộc loại trung lưu. Người bạn cho biết buổi sáng thì quán café, buổi chiều thì quán nhậu. Đó là sinh hoạt chính của dân Sài Gòn. Một cách nói mỉa mai mà ta thường bắt gặp, nó vừa thật vừa hư.

Sài Gòn bây giờ phần đông những anh em lớn tuổi, họ ăn uống cũng kiêng kỵ, sáng tập thể dục và thuốc lá cũng giảm rất nhiều. Họ theo dõi tình hình tranh cử trong Đảng Dân chủ của Mỹ một cách say sưa, thấu đáo hơn những người Việt hiện sống trên đất Mỹ. Hillary hay Obama sẽ thắng trong cuộc chạy đua nầy? Đó là đề tài sáng nào cũng được bàn thảo bên tách café buổi sáng. Tôi vẫn thấy một chút dễ thương trong sinh hoạt hằng ngày của người Sài Gòn, ngoài café và nhậu còn mọi chuyện đều tà tà. Người bạn kể cho tôi nghe về cuộc sống bây giờ ở Việt Nam, có nhiều người giàu không tưởng tượng được, họ order một chiếc xe ở Anh Quốc trên hai triệu dollars, thử hỏi Việt kiều có ai giàu như vậy không? Chỉ trong vòng 15 năm trở lại đây thôi, nhiều người phất lên như diều, xe hơi tư nhân toàn mới toanh. Tuy nhiên cũng có nhiều thành phần còn quá nghèo khó, mua gánh bán bưng, cũng có kẻ sống lây lất bên vệ đường thiếu một túp lều che mưa, một chiếc giường để ngủ…

Người bạn chở tôi đi một vòng Sài Gòn. Tôi không thể tưởng tượng được nhiều quán nhậu rộng lớn có nhiều tầng, quán nào khách khứa cũng đầy nghẹt, ăn nhậu rôm rả. Cái cảnh ăn chơi như vậy rất bình thường với người Sài Gòn. Thú thật, tôi hoàn toàn là môt người xa lạ với thành phố nầy, đường sá mở thêm ra nhiều quá, building cao tầng, nhà lầu xây dựng nhiều. Tôi không thể hình dung ra được nơi nầy tôi đã sinh sống trước đây. Những khách sạn lớn, những nhà hàng lộng lẫy, những siêu thị sang trọng v.v… tạo nên Sài Gòn mang một bộ mặt lạ lẫm. Rất tiếc nhà nước không có kế hoạch giản dân ngay từ lúc đầu, nên Sài Gòn bị nạn dân số gia tăng khủng khiếp. Người ta không thể chịu đựng được cảnh ra khỏi nhà là bị nạn kẹt xe. Chính chỗ nầy gây ra nhiều trở ngại và phiền phức khác cho người dân trong cuộc sống. Bây giờ taxi là một phương tiện cần thiết cho mọi người, xe mới và lượng xe taxi đủ cung ứng cho hành khách khi cần đi lại. Gọi xe chừng 5, 10 phút là xe tới ngay. Thành phố Sài Gòn, chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán, trên đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ rực rỡ hoa đèn, những người làm việc ngày đêm cho kịp Tết đang gấp rút lo cho xong việc.

Khuôn mặt văn nghệ mà tôi gặp đầu tiên là Lý Đợi, thường trao đổi với nhau trên email, lần đầu tiên chúng tôi mới gặp mặt nhau ngoài đời, một nhà thơ trong nhóm Mở Miệng ngoài luồng. [1] Đây là một người còn quá trẻ, thông minh và hiểu biết nhiều, cùng dân Quảng Nam với tôi. Anh em mới gặp nhau là thân thiện nhau ngay. Lý Đợi chở tôi đi đây đó, uống café và gặp một số bạn bè cũ của tôi. Một lần, Lý Đợi báo cho tôi biết có anh Hoàng Khởi Phong ở Mỹ, đang có mặt tại Sài Gòn. Tôi có quen với anh Hoàng Khởi Phong vì có một lần anh đến Boston cùng với anh Nguyễn Mộng Giác ghé nhà tôi chơi, cùng một số anh em văn nghệ ở Boston. Tôi, Lý Đợi và Hoàng Khởi Phong hẹn gặp nhau ở quán ăn của nhà thơ Huy Tưởng. Trước năm 75, Hoàng Khởi Phong và Huy Tưởng cùng sinh hoạt văn nghệ ở Sài Gòn nên quen nhau từ trước. Còn tôi biết Huy Tưởng vì sau 75, anh Huy Tưởng có mở một quán café ở đường Bà Lê Chân. Tôi, Đynh Trầm Ca và Phan Nhự Thức thỉnh thoảng đến đó uống café, tụi tôi quen với anh Hà Nguyên Thạch hơn, vì anh Hà Nguyên Thạch ngụ tại nhà anh Huy Tưởng, nên có ra quán phụ giúp vợ chồng anh Huy Tưởng. Hơn mấy chục năm không gặp, mấy thằng bạn thân ra phi trường đón tôi mà nhận không ra tôi, thì anh Huy Tưởng chỉ gặp nhau có vài lần, làm sao nhận ra tôi cho được. Tôi cũng không mhắc lại chuyện nầy với anh Huy Tưởng làm gì, vì tôi thấy cũng không cần thiết phải làm điều đó. Tôi thấy anh bây giờ cũng già đi rất nhiều, đầu tóc bạc, thân hình hơi mập, nên đi trên đôi nạng có phần khó khăn. Chắc tôi thua anh khoảng chừng 5,6 tuổi, thế mà đã thấy mình già đi nhiều, huống gì anh. Anh thuộc lớp đàn anh văn nghệ cùng thời với Luân Hoán, Chu Tân… ở Quảng Nam thời đó.

Quán ăn của anh Huy Tưởng toàn đặc sản Quảng Nam, được nấu nướng và trình bày khéo léo, thức ăn ngon, sạch sẽ. Quán nằm trong một con hẻm cụt, thuộc loại “sang”. Có lẽ dành cho những người khách chọn lọc thân quen của anh, các người Quảng Nam sống ở Sài Gòn khá giả hoặc Việt kiều. Sau buổi trưa đó, chúng tôi chia tay với Anh Hoàng Khởi Phong, anh còn ở lại Việt Nam lâu. Anh dự trù ra Tết sẽ đi Cao Nguyên, ra Miền Trung rồi ra Bắc... Trong tiệm ăn nầy, tôi gặp anh Điếu Cày, người có Blog trên internet, chống đối mạnh mẽ vụ Hoàng Sa - Trường Sa. Đã vô tù ra khám nhiều lần, tôi đã vào xem những Blog nầy cũng nhiều lần nên quen mặt. Thấy anh tôi biết ngay, bên ngoài anh trẻ hơn những tấm hình trên internet. Anh biết là tôi đã nhận ra anh, anh đến bắt tay tôi một cách thân mật.

Người đến tìm thăm tôi là anh Phương Tấn, một nhà thơ của Đà Nẵng trước năm 75. Anh Phương Tấn học trước tôi một, hai lớp. Anh đã cộng tác với mấy tờ báo văn nghệ ở Sài Gòn thuở đó. Khi còn học sinh, tôi có đến nhà anh mấy lần. Hơn 40 năm không gặp nhau. Tôi và anh chỉ liên lạc trên email, bây giờ mới có dịp gặp lại thì đã già, ngồi nói chuyện kể cho nhau nghe nhiều chuyện về những người bạn còn ở lại quê nhà và những người đang định cư ở Mỹ, chuyện sáng tác, chuyện sinh hoạt văn nghệ, chuyện cuộc sống v.v… Luôn tiện tôi biếu anh mấy quyển sách của tôi mang về. Những người làm thơ thuở đó, phần nhiều các anh nổi tiếng là khi còn ngồi trên những chiếc ghế của thời trung học. Thế mà thơ các anh đã chững chạc, đã thành danh, đã khẳng định được tài năng của mình. Thế mới biết tài năng không phân biệt tuổi tác. Để khỏi lầm lẫn, tôi xin xác định, lúc còn đi học tôi cũng mon men vào chiếc chiếu văn nghệ, cũng làm thơ ba lăng nhăng, cũng quen biết với nhiều anh văn nghệ. Thế nhưng tài hèn sức mọn, tôi bị bật ra khỏi chiếc chiếu nầy. Cho đến bây giờ cũng vậy. Cho nên xin quý vị có đọc được những gì tôi viết về những người làm văn nghệ thành danh, đừng cho rằng tôi ngang hàng với họ. Tôi chỉ đáng làm người xách cặp cho họ thôi.

Lê Văn Trung – Phan Xuân Sinh – Phương Tấn – Cung Tích Biền
Buổi chiều, anh Lâm Chương tới chơi, cùng một lúc có Hạ Đình Thao, Trương Được và một vài người bạn nữa. Tôi nhờ anh Được mời giùm anh Thiếu Khanh tới nói chuyện chơi, vì tôi thường liên lạc với anh Thiếu Khanh bằng email nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Anh Lâm Chương đang sống tại Boston, một nhà thơ trước đây và một nhà văn nổi tiếng bây giờ tại hải ngoại. Trước đây tôi cũng sống ở Boston, nên anh em thường gặp nhau, tửu lượng của Lâm Chương thuộc loại cừ khôi. Bây giờ sức yếu, anh không còn giữ được danh hiệu nầy, tuy nhiên anh uống vẫn còn bỏ xa tôi. Trước năm 75, thơ của anh đã đăng trên các tờ báo văn nghệ ở Sài Gòn. Anh có xuất bản tập thơ “Khi Loài Cây Nhớ Gió”. Ra hải ngoại anh làm thơ ít lại và viết truyện nhiều hơn, anh cộng tác phần nhiều các tạp chí văn nghệ hải ngoại, Anh đã xuất bản được các tâp truyện: “Đoạn Đường Hốt Tất Liệt”, “Lò Cừ”, “Đi Giữa Bầy Thú Dữ”, “Những Đoản Văn Rời”. Quê anh ở Tây Ninh, khi về nước phần nhiều anh sống tại quê nhà với một gia đình người em trai, có việc gì anh mới xuống Sài Gòn. Hạ Đình Thao là người bạn của tôi thời trung học, Thao học ở Hội An còn tôi học tại Đà Nẵng. Lúc đó cùng sinh hoạt văn nghệ học sinh nên quen nhau. Hạ Đình Thao có thơ đăng trên Bách Khoa và một vài tờ báo khác tại Sài Gòn trước 75. Hiện giờ Thao sinh sống với gia đình tại Phương Lâm (nằm trên đoạn đường đi Đà Lạt). Sau cuộc bể dâu 75, Hạ Đình Thao gác bút đi làm rẫy nuôi con. Bây giờ các con đã khôn lớn, nên anh cũng gác lại tất cả để nghỉ ngơi. Trong tất cả những người bạn, Hạ Đình Thao là một trong những người thân nhất của tôi, lúc còn đi học, khi nào có dịp ra Đà Nẵng là Thao sống với gia đình tôi tại đó. Anh Trương Được là dân Khoa học, là người bạn của tôi. Bây giờ anh đang dịch thơ Đường và anh sắp sửa xuất bản tập thơ mà anh đã dịch mấy năm nay. Bút hiệu anh lấy trong các bản dịch đăng trên các website hải ngoại là Laiquangnam. Và người cuối cùng trên bàn thuộc giới văn nghệ là anh Thiếu Khanh, người Phan Thiết. Anh là một nhà thơ, nhà văn, dịch giả, trước 75, anh cộng tác với các tạp chí văn nghệ tại Sài Gòn (phần nhiều anh là cộng tác viên cho nguyệt san Thời Nay). Anh là một mẫu người đứng đắn, đàng hoàng, ít nói. Anh có một nụ cười rạng rỡ dễ thương. Anh cho biết anh mới dọn nhà lên vùng Hốc Môn, nên bận túi tụi, nhưng nghe tôi mời nên anh đến thăm. Anh hỏi tôi về một vài sinh hoạt văn nghệ hải ngoại, tôi thì hỏi anh về những anh em văn nghệ trong nước.

Đây là những con người một thời có chỗ đứng trên văn đàn Miền Nam. Sau cơn lốc 75, họ không được quyền cầm bút, mà có viết lại cũng không có nơi nào đăng hoặc xuất bản các sáng tác của họ. Ba mươi ba năm sau, ai còn nhớ tới họ? Chỉ có những người sống trong Miền Nam trước đây, tha thiết với văn chương chữ nghĩa họa hoằn lắm mới nhớ đến tên của họ, nhưng số người nầy nay đã già, đã cằn cỗi. Rồi tên tuổi của họ cũng rơi vào quên lãng. Những năm gần đây tại hải ngoại, nhà văn Trần Hoài Thư đã nhìn thấy được viễn ảnh nầy, nên anh vào các thư viện Quốc Hội Mỹ, thư viện Đại học Cornell lục soạn lại những tạp chí Miền Nam cũ, những tác giả cũ, rồi photocopy, về nhà đánh máy lại, in lại bằng phương tiện bán thủ công, đóng thành tập đồ sộ như Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến – 2 tập, Một Thời Lục Bát Miền Nam. [2] Và vài tác phẩm khác anh in lại. Những tác giả miền Nam được anh nhắc lại thật trang trọng, để những người yêu văn chương gìn giữ, để những tác giả còn thấy mình được anh em nhắc tới, an ủi được một phần nào. Họ là những người oan ức bị những người thắng trận vùi dập. Tác phẩm của họ bị bức tử theo chính kiến của những người làm chính trị, mặc dù họ thuần chất văn chương.

Khi còn ở hải ngoại, tôi dự trù về trong nước sẽ phỏng vấn một số anh chị cầm bút cũ của miền Nam, để biết được những u uất họ phải gánh chịu trong mấy chục năm không được cầm bút trở lại. Nhưng tôi phải bỏ đi ý định nầy vì việc làm của tôi không chừng sẽ liên lụy tới họ. Cho đến bây giờ người ta vẫn không dám nói lên cái oan khuất, cái thô bạo, cái bạc đãi, mà chính quyền dành cho họ. Nói ra thì đụng tới chính trị, đó là điều cấm kỵ mà những người yên phận không ai dám đụng tới. Tôi phải tự gạt bỏ ý định nầy đã nẩy sinh từ lúc đầu. Đúng ra tôi phải đi Phan Thiết với anh Đặng Tiến để thăm anh Nguyễn Bắc Sơn (thật tình tôi chỉ đọc anh, chứ tôi không quen biết anh) nhưng sau khi suy nghĩ, tôi cũng bỏ, vì đi mà không ghi được những điều ẩn giấu của các người làm văn nghệ thì chuyến thăm viếng nó trở thành thù tạc cho vui thì vô lý quá. Sau khi đọc Lý Đợi phỏng vấn anh Cung Tích Biền, tôi thấy thật lý thú. Nhưng không phải ai cũng can đảm như anh Cung Tích Biền. Đó là một mẫu người mà tôi rất thích, dám trả lời những điều ai cũng biết mà không dám há miệng.

Ngày hôm sau, tôi đi Phương Lâm, lên thăm gia Hạ Đình Thao. Trước đây khi còn ở Việt Nam, tôi cũng thường hay lên đây, vì có vài người quen như Lê Đình Phạm Phú, Nguyễn Tịnh Đông (2 nhân vật nầy trước đây có thơ đăng trên các tạp chí văn nghệ ở Sài Gòn) cũng ở quanh đây. Bây giờ thì Lê Đình Phạm Phú đang ở Mỹ, Nguyễn Tịnh Đông đang ở Sài Gòn, chỉ còn lại Hạ Đình Thao. Tôi thích quang cảnh Phương Lâm, vì nơi đây khí hậu tương đối dễ chịu. Tụi tôi đi bằng xe hơi của một người bạn, ra đến xa lộ thì bị kẹt xe. Vì thế nên có mấy người bạn phải chờ quá lâu tại nhà Hạ Đình Thao. Trong bữa cơm ở nhà Thao có Lê văn Trung từ Long Khánh lên. Lâm Anh từ Suối Tiên xuống. Trung trước đây học một lớp với Thao, cũng là bạn của tôi từ thời trung học. Trung có thơ đăng trên các tạp chí văn nghệ tại Sài Gòn trước 75, vừa rồi mới xuất bản tập thơ Cát bụi phận người… Lâu quá, mới gặp lại Trung, già đi nhiều và ốm. Khi Trung ở trại cải tạo về, có xuống nhà tôi mấy lần khoảng năm 1985, 1986, từ đó về sau tôi đi Mỹ nên không gặp được. Trong bàn, cách nói chuyện của Lê Văn Trung có đượm một chút chua cay và u uất, tôi biết hoàn cảnh cuộc sống của bạn không được trôi chảy. Phải sống ở vùng kinh tế mới, vợ chồng cực khổ, nghèo khó nuôi các con ăn học. Bây giờ các con đã thành danh, nhưng vợ chồng vẫn bám trụ nơi đó. Cuộc sống vẫn không thay đổi đã làm cho Trung càng u uất thêm, nên có cái nhìn khắc nghiệt, đay nghiến với cuộc đời.

Thường thường chúng tôi gặp nhau, người làm văn nghệ cũng như người ngoài lãnh vực nầy, sau khi uống vào vài chai bao giờ cũng phê phán chế độ, chê bai đủ thứ đường lối của chế độ. Đây là cái bệnh chung cho những người dân thấp cổ bé miệng. Dĩ nhiên những người thân quen ngồi chung thì họ mới phát biểu như thế. Chứ có người lạ họ im lặng, biết sợ, vì công an hiện diện bất cứ chỗ nào, chìm nhiều hơn nổi. Thế nhưng đôi lúc ấm ức quá cũng xổ toẹt, tới đâu hay đó. Tôi đi thăm vài người bạn mà ngày xưa cùng làm ăn chung với tôi, cùng quen biết với tôi trong chuyện làm ăn. Phần đông anh em đó bây giờ giàu có, đời sống sung túc, nhà cửa xe cộ khang trang. Tôi cũng mừng.

Ở Sài Gòn 6 ngày, tôi về Đà Nẵng ăn Tết với gia đình. Gần 34 năm tôi không về được. Mỗi lần Tết đến, tôi nhớ nhà ray rứt. Tôi muốn nhìn lại cái không khí Tết đầm ấm của gia đình.

(Hết phần I)

© 2008 talawas



[1]Ở trong nước, giới cầm bút mặc nhiên công nhận có hai thành phần:
  • Phần chính thống gồm văn nghệ sĩ là những thành viên trong Hội Nhà Văn.
  • Phần ngoài luồng gồm những văn nghệ sĩ không ở trong Hội của Nhà Nước.
[2]Các tác phẩm của Thư Ấn Quán: Thơ miền Nam trong thời chiến tập I&II, tổng cộng 1600 trang. Một thời lục bát Miền Nam 608 trang. Những tác phẩm in lại: Thơ Vũ Hữu Định, Thơ Hoài Khanh. Thơ Nguyễn Bắc Sơn. Thơ Linh Phương, Một thời ý thức, Tuyển truyện Y Uyên, Thơ Phan Nhự Thức, Vũ Trụ Thơ I&II của Đặng Tiến .