trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
22.12.2007
Hoàng Dũng
Bức tranh mực tàu “Bi kịch con người” của Bửu Chỉ
(Kỉ niệm 5 năm ngày mất của hoạ sĩ Bửu Chỉ 14.12.2002 – 14.12.2007)
 
Tranh Bửu Chỉ, 1990
Những con người trần truồng to nhỏ khác nhau theo đúng luật viễn cận nhưng đều gầy gò và đều bò bốn chân. “Bò” ở đây là tư thế, chứ không hẳn là di chuyển: không có một cái chân nào nhấc lên khỏi mặt đất. Di chuyển, mà đông cứng.

Người đầu tiên chỉ là phần sau của cơ thể, còn người cuối cùng chỉ là phần đầu: bức tranh chỉ chộp một khúc đoạn của dòng người miên viễn, không biết bắt đầu ở đâu và kết thúc lúc nào.

Nhưng bò đi đâu? Không biết! Cái đích của người này chỉ là cái mông của người kia. Một đường chỉ rất mảnh dường như là chân trời và dòng người bò gần như là song song với nó, bỏ lại mặt trời sau lưng.

Tranh Bửu Chỉ, 1971
Và giả như có một con trong dòng người đó cả gan hay nhầm lẫn bò sang hướng khác, chứ chưa nói đứng dậy, ắt hẳn phải hứng chịu sự phẫn nộ chính đáng của bầy đàn, nhân danh bao nhiêu sự tốt đẹp của “truyền thống”.
Bằng sự kiện đứng thẳng, con vượn được xem là tiến một bước vĩ đại thành Người-đứng-thẳng (homo erectus), tổ tiên trực tiếp của Người-khôn-ngoan (homo sapiens) chúng ta ngày nay. Và bây giờ, cái gọi là Người-khôn-ngoan đó lại từ bỏ việc đứng thẳng, để sùng bái tư thế bò.

Nổi tiếng trong phong trào sinh viên học sinh ở đô thị miền Nam trước năm 1975 với những bức tranh phản chiến chỉ dùng hai màu đen trắng, và cũng vì những bức tranh đó mà phải bị tù giam từ 1972 đến 1975 với tội danh “nổi loạn và bất phục tùng”, đến cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, Bửu Chỉ lại về với tranh mực tàu. Nhưng lần này đau đớn hơn và bế tắc hơn, ông không giới hạn cái bi kịch mà ông muốn biểu đạt trong khuôn khổ một biên giới địa lí hay lịch sử, mà là một phổ quát qua cái tên do chính ông đặt cho bức tranh: “Bi kịch con người”.

© 2007 talawas