trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
10.11.2007
Nguyễn Mạnh Tuấn
Ngồi vào bàn với Hollywood
Tô Hoàng thực hiện
 
Những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2007, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin Hãng phim Bigfoot Entertainment (Mỹ) hợp tác với Hãng phim Giải Phóng, sản xuất phim Nước mắt phương xa, kịch bản của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, đồng thời ký hợp đồng đặt ông viết tiếp kịch bản thứ hai Mastermind (tạm dịch Ông chủ trí tuệ).

Mừng và tự hào vì điện ảnh Hollywood đã “chọn đúng người giao việc”, vì có thể xem nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là nhà biên kịch phim viết nhanh, viết nhiều, viết có hiệu quả nhất của điện ảnh nước ta hiện nay; còn mừng hơn nữa vì ông là nhà biên kịch Việt Nam đầu tiên được thực sự đặt chân vào guồng máy làm phim của một siêu cường điện ảnh...

Xin ghi lại dưới đây cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Nguyễn Mạnh Tuấn.


*

Tô Hoàng: Xin ông cho biết về Hãng phim Bigfoot Entertainment của Mỹ...

Nguyễn Mạnh Tuấn: Bigfoot Entertainment (B.E.) thuộc tập đoàn Bigfoot của Mỹ, trụ sở chính ở Los Angeles, Hồng Kông, Singapore, Philippines. Riêng ở Philippines, hãng này đã có 6 phim trường lớn, một Học viện Ðiện ảnh Quốc tế. Về lĩnh vực điện ảnh, B.E. chỉ bắt đầu sản xuất phim từ năm 2001, nhưng những người điều hành và chủ chốt đều có tên tuổi ở Hollywood như tổng giám đốc Kacy Andrews, Matt Lubetich, Loraine A. Garcia, Timm Doolen, Dan Shor, Mark Gary, Tim Crur... B.E. có 5 nhà biên kịch chuyên nghiệp chuyên viết phim cho hãng. Trung bình mỗi tháng, BE nhận 35 đến 40 kịch bản văn học từ khắp nơi gửi tới.

Tô Hoàng: Vì sao kịch bản Nước mắt phương xa lại được Bigfoot Entertainment chọn sản xuất?

Nguyễn Mạnh Tuấn: Kịch bản này - về bi kịch của cô gái Việt lấy chồng Ðài Loan không xuất phát từ tình yêu - tôi viết theo đặt hàng của Hãng phim Giải phóng, hồi tháng 5/2007. Khoảng giữa tháng 8, người của B.E. liên hệ, đặt tôi viết một kịch bản cho Bebe Pham (tức BB Minh Thúy), người mẫu độc quyền, đồng thời là một trong số diễn viên được B.E. chọn đào tạo thành diễn viên triển vọng của hãng trong tương lai, (thời điểm đó Bebe Pham vừa đóng xong phim Deep Gold của hãng). Khi tiếp xúc với Bebe Pham, tôi giới thiệu kịch bản Nước mắt phương xa, có vai nữ chính hợp với cô. Bebe Pham chuyển kịch bản về cho B.E. Tổng giám đốc Bigfoot, ông Michael Gleissner, lập tức bay sang Việt Nam làm việc với tôi và ông Thái Hòa, giám đốc Hãng phim Giải Phóng; sự hợp tác bắt đầu.

Tô Hoàng: Và họ mời ông sang Cebu (Philippines) để chỉnh sửa thêm?

Nguyễn Mạnh Tuấn: Nước mắt phương xa theo dự định của B.E. sẽ làm hai bản, cùng vai chính nữ do Bebe Pham đóng. Bản lấy chồng Ðài Loan sẽ phát hành ở Việt Nam và các nước châu Á, do đạo diễn Việt Nam thực hiện; bản lấy chồng Mỹ do đạo diễn Mỹ thực hiện, vì vậy họ cần hiểu biết thật cặn kẽ về tinh thần kịch bản. Tôi được mời sang Cebu một tháng để trao đổi và chỉnh sửa Nước mắt phương xa, đồng thời bàn thảo viết tiếp kịch bản thứ hai.

Tô Hoàng: Ông có đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến đi đó không?

Nguyễn Mạnh Tuấn: Ðược một hãng phim Mỹ tín nhiệm, mời hợp tác và sự hợp tác diễn ra tương đối thuận lợi, cũng là một thước đo giá trị, nhưng cần nói rõ, đây là một cơ hội tham gia chứ không phải sự gia nhập vào làng phim Hollywood, vì điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ còn cách nhau một khoảng quá xa. Ðiều quan trọng nhất với tôi trong chuyến đi là được mắt thấy, tai nghe, tay làm những điều trước đây chỉ nghe và đọc về Hollywood.

Tô Hoàng: Xin hỏi ngay một trong những điều ông đã chứng kiến “tận mắt, tận tai”. Trong nghề viết kịch bản phim vẫn song hành hai lối viết. Viết theo kiểu Xôviết, tức là chú ý nhiều đến việc chuyển tải cốt kịch, tính cách các nhân vật, lưu tâm nhiều đến chất văn học; viết theo kiểu Hollywood, nghĩa là phải tính ngay trên kịch bản văn học số giây của mỗi dòng, số phút của mỗi trang, kèm những chỉ dẫn về cỡ cảnh, nội ngọai rành rõ...

Nguyễn Mạnh Tuấn: Kịch bản Nước mắt phương xa không viết theo lối Mỹ, nên khi làm việc với B.E., cụ thể là trưởng ban biên tập Timm, một biên kịch có tên tuổi với 19 năm trong nghề, tôi cũng lường tới điều này, nhưng trong các cuộc tiếp xúc, vấn đề kỹ thuật hoàn toàn không “bị” đụng tới. Tôi hỏi: Tại sao? Timm nói: Ðó là chuyện nhỏ. Họ quan tâm nhiều đến sự hài hòa, nhất quán về cấu trúc, tính cách nhân vật, tầm cao, chiều sâu câu chuyện.

Tô Hoàng: Ðược biết trong một tháng ở Cebu, ông được tạo điều kiện xem rất nhiều phim mới của Hollywood. Ông có nhận xét gì về việc lựa chọn đề tài của họ?

Nguyễn Mạnh Tuấn: Với những phim đã xem, tôi thấy dòng phim đề tài hiện đại Âu, Mỹ phần lớn không thoát khỏi các mô típ cũ và không hay hơn các phim kinh điển cùng mô-típ, nhưng những phim khai thác đề tài ở các nước châu Phi, châu Á đều có hơi thở mới. Họ rất quan tâm đến những đề tài mang tính thời sự, những vấn đề đang gây cảm xúc mạnh với xã hội. Nước mắt phương xa được chọn có lẽ cũng nhờ sự “tình cờ” gặp nhau này. Phải xem những phim kinh phí trên dưới 5 triệu đô–la, mỗi năm Hollywood sản xuất hàng trăm phim, sẽ có cái nhìn thực tế hơn vớI Hollywood vẫn thường được thấy qua những phim bom tấn, kinh phí vài chục triệu đến hàng trăm triệu đô la, mỗi năm chỉ ra một, hai phim. Họ cũng đầy khó khăn, biến động, và cạnh tranh khốc liệt, từ khâu sản xuất đến khâu phát hành chứ không chỉ có thuận lợi và thắng lợi rực rỡ.

Tô Hoàng: Ông có nhận xét gì về công tác biên tập kịch bản tại B.E.?

Nguyễn Mạnh Tuấn: Ở B.E., biên tập là linh hồn của hãng phim. Bộ phận biên tập của B.E. tập hợp các biên kịch nhiều thành tích hoặc lâu năm trong nghề. Kịch bản qua phòng biên tập phải hoàn chỉnh về nội dung, kỹ thuật, rành rẽ về bản quyền với tác giả, mới chuyển sang khâu sản xuất. Nói gọn lại, trách nhiệm về chất lượng kịch bản và hiệu quả sản phẩm đặt lên vai người biên tập rất nặng.

Tô Hoàng: Và như vậy ông đã nói tới tính chuyên nghiệp của những nhà làm phim Hollywood?

Nguyễn Mạnh Tuấn: Ở nước ta, nói về tính chuyên nghiệp, thường hướng về tư duy lao động, cách điều hành và tổ chức sản xuất, vân vân... Ở B.E., tất cả mọi thứ gói gọn vào một chữ “Luật”. Trưởng ban biên tập Timm muốn sửa một câu thoại trong kịch bản cũng trao đổi với tác giả. Tôi hỏi: Có cần quá kỹ như thế? Timm bảo: Ðó là luật. Khi kịch bản đã được pháp lý hóa cao nhất, sẽ không ai, kể cả đạo diễn có quyền tự ý thay đổi. Luật càng chặt chẽ, khoa học, chi tiết , tính chuyên nghiệp càng cao.

Tô Hoàng: Tiêu chí của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 này là “Vì một nền Ðiện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”. Ðổi mới thì là yêu cầu vĩnh hằng rồi, còn yêu cầu hội nhập – thưa ông?

Nguyễn Mạnh Tuấn: Hai tiếng “Hội nhập” – theo tôi, không đơn giản là việc có phim mang đi tham dự các Liên hoan phim năm châu bốn biển; tìm kiếm giải thưởng bằng mọi giá, rồi về tự khen và tuyên truyền ầm ĩ, mà phải mở rộng khả năng tiêu thụ phim ở nhiều nước trên thị trường phim ảnh khu vực và thế giới. Ðiện ảnh Việt Nam chưa có các hãng phim thương hiệu lớn và tiềm lực mạnh, việc hội nhập ở góc độ thị trường chỉ vẫn là ước mơ. Theo quan điểm của tôi, với thực tế hiện nay của điện ảnh Việt Nam, cách tốt nhất và con đường ngắn nhất để điện ảnh Việt Nam hội nhập với thế giới chính là quay trở về chinh phục 80 triệu người xem trong nước. Con đường này tưởng là khó, nhưng không đến nỗi vô vọng như ước mơ chinh phục thế giới.

Tô Hoàng: Nói như vậy, có mâu thuẫn khi ông đã bước chân ra ngoài biên giới?

Nguyễn Mạnh Tuấn: Mặc dù đây là chuyến đi thành công, tôi vẫn khẳng định, tình cờ có cơ hội thì “đi” cho biết, chứ với một Hollywood đầy biến động cả vinh quang lẫn bất trắc, không phù hợp với những người đã ở tuổi cần yên ổn như tôi. Sự hội nhập thật sự của điện ảnh Việt Nam vào điện ảnh thế giới có lẽ thuộc về thế hệ tương lai.

Tô Hoàng: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn này!

Sài Gòn đầu tháng 11 năm 2007

© 2007 talawas