trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Pháp luật
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
19.6.2007
Thiên Nga
Quyền im lặng và quyền có luật sư
 
1. Dẫn nhập

Dân chủ có nghĩa rất rộng, bao gồm nhiều quyền mà những con người bình thường cần được hưởng, như quyền được bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, quyền công bằng trước pháp luật và xét xử tuân theo quy tắc của pháp luật. Tác giả bài viết này không dám lạm bàn về từ “dân chủ”, nhưng có một điều dễ nhận thấy là ở Việt Nam các quyền dân chủ được diễn giải cũng rất Việt Nam và khác với quốc tế.

Lấy ví dụ về quyền bầu cử. Ở các nước dân chủ, người ta thích bầu thì bầu, không thích thì thôi. Trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 85%, cao nhất trong vòng vài thập kỷ qua [1] . Ngược lại, ở Việt Nam không chịu đi bầu thì sẽ bị gay go vì bầu cử ngoài quyền còn là nghĩa vụ của công dân. Nghĩa vụ thì bắt buộc phải thực hiện, vì thế trong kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua có đến hơn 99% lượt phiếu bầu [2] . Có lẽ số người trực tiếp đi bầu không cao đến thế vì có nhiều người đi bầu hộ cho cả gia đình [3] .

Báo chí thì có hơn 600 tờ [4] , nhưng chỉ có báo nhà nước mới được hoạt động, và không một tờ báo tư nhân nào được phép phát hành. Có nhiều hội, nhưng tất cả các hội này đều phải trực thuộc sự quản lý của rất nhiều cấp nhà nước rất phức tạp [5] .

Có thể nói duy nhất một quyền dân chủ mà người Việt Nam được hưởng trọn vẹn mà pháp luật không thể ban hành một khuôn khổ nào để giới hạn, đó là quyền công bằng trước pháp luật và xét xử tuân theo quy tắc của pháp luật. Không một ai là công dân Việt Nam lại có thể bị tước quyền này, bị đối xử không công bằng trước pháp luật hay xét xử không theo quy tắc của pháp luật. Luật Việt Nam quy định như vậy.

Nhưng sự thật có như vậy hay không? Trong bài viết này tôi xin bàn về 2 quyền của bị can trong tố tụng: quyền im lặngquyền có luật sư.


2. Nói về (các) xứ người

“Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước toà án. Anh có quyền nói chuyện với luật sư, và có luật sư hiện diện trong quá trình xét hỏi. Nếu anh không thể thuê luật sư, anh vẫn sẽ được cung cấp một luật sư bằng nguồn tài chính của chính phủ.”

Có lẽ các bạn đã xem và nghe câu nói này nhiều lần trong các phim hình sự khi cảnh sát bắt nghi phạm (người bị nghi ngờ có tội). Câu nói này có tên là Miranda warning [6] (tạm dịch: Cảnh báo Miranda), với nguyên văn thường là như trên. Cảnh báo Miranda còn được cảnh sát Mỹ (nhiều nước khác cũng có các câu nói tương tự) đọc lên với nghi phạm trước khi họ tra hỏi về việc phạm tội. Nếu cảnh báo Miranda không được đọc cho nghi phạm thì những lời nói/khai của nghi phạm sẽ không được sử dụng như là các bằng chứng buộc tội trước toà án. Tuy nhiên, cảnh sát có thể hỏi các thông tin về cá nhân như tên, tuổi, hay địa chỉ mà không cần phải đọc cảnh báo Miranda.

Câu chuyện liên quan đến quá trình hình thành nên cảnh báo Miranda cũng khá dài dòng. Năm 1963, một người đàn ông tên là Ernesto Miranda bị bắt vì tội bắt cóc và hiếp dâm tại bang Arizona, Mỹ. Anh ta đã tự thú tội mà trước đó không được cho biết về quyền được im lặng và được có luật sư hiện diện trong khi bị cảnh sát hỏi cung. Khi ra trước toà, các công tố viên chỉ sử dụng lời thú tội của anh ta để làm bằng chứng phạm tội. Toà án Tối cao đã kết luận rằng Miranda đã bị đe doạ trong khi thẩm vấn và anh ta không hiểu rằng mình có quyền không buộc tội chính mình hay quyền có luật sư. Vì thế, họ đã huỷ bản án trước đó. Miranda sau đấy bị buộc tội trong một lần xử khác, với các nhân chứng và các bằng chứng mới.

Nói chung thì cảnh báo Miranda khẳng định cho nghi phạm biết các quyền họ được hưởng, bao gồm 2 quyền cơ bản: quyền im lặng và quyền có luật sư.

Hầu hết công dân các nước trên thế giới đều có đủ 2 quyền này [7] , [8] . Thông thường, nếu các quyền này không được tôn trọng thì các bản án sẽ bị huỷ bỏ vì không có giá trị.


3. Nói về xứ mình

Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 [9] , lần lượt các điều 48, 49, 50 nêu rõ: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Điều 56 nêu rõ: trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Rõ ràng câu “Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do” là có vấn đề: cơ quan công quyền có thể viện rất nhiều lý do để từ chối cấp giấy chứng nhận, và một khi đã bị từ chối thì khi nào người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mới được có người bào chữa? Câu hỏi này xem ra không có câu trả lời.

Điều 58 của bộ luật này trình bày về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 (bắt người trong trường hợp khẩn cấp) và Điều 82 (bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã) của bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì viện trưởng viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Trong điều 58, rõ ràng câu cuối cùng (Trong trường hợp cần… kết thúc điều tra) cũng có vấn đề. Điều 58 đã tước đi quyền nhờ người khác bào chữa trong quá trình điều tra của những người bị buộc tội xâm phạm an ninh quốc gia, và trong suốt quá trình điều tra xét hỏi những người này sẽ không thể có sự hiện diện của luật sư hay bất cứ ai để bảo vệ quyền lợi và bào chữa. Các nghi phạm Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã không được quyền có luật sư trong quá trình điều tra xét hỏi. [10] Riêng linh mục Nguyễn Văn Lý thì không hề có luật sư nào tham gia trong suốt các quá trình tố tụng cho đến khi bị xử tù. [11]

Ai là người bị buộc tội xâm phạm an ninh quốc gia? Tội nào (kinh tế, hình sự, chính trị) sẽ bị liệt vào loại tội xâm phạm an ninh quốc gia? Câu hỏi này cũng có nhiều cách trả lời mập mờ. Theo cách hiểu thông thường, các loại tội có tính chất chính trị, thường được gọi là chống đối Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thuộc loại xâm phạm an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, có nhiều vụ án khác mang tính chất của một vụ án kinh tế/hình sự nhưng luật sư cũng không thể tham gia vào quá trình điều tra xét hỏi. Điển hình của loại này là vụ Ban Quản Lý Dự Án 18 (PMU18) xảy ra đầu năm 2006 mà nghi phạm bị cáo buộc cầm đầu là ông Bùi Tiến Dũng. Đây là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng và đánh bạc. Do vậy các tội mà Bùi Tiến Dũng bị cáo buộc không liên quan gì đến tội xâm phạm an ninh quốc gia. Nhưng Bùi Tiến Dũng và một số bị cáo khác trong vụ án này không được có luật sư bào chữa trong suốt quá trình điều tra. Ông ta chỉ được quyền có luật sư bào chữa vào ngày 23/4/2007, hơn 1 năm 3 tháng kể từ khi bị bắt (20/01/2006). [12] , [13]

Có rất nhiều trường hợp luật sư tham phiền rằng họ bị cơ quan điều tra qua mặt, lấy lời khai của nhân chứng trước mà không có sự hiện diện của luật sư bảo vệ quyền lợi. Số luật sư được cơ quan điều tra đồng ý cho tham gia ngay từ giai đoạn điều tra trong những vụ án lớn là rất hiếm. [14]

Tác giả bài viết này không tìm thấy trong bất kỳ văn bản luật pháp nào của Việt Nam nói về quyền im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Họ chỉ có quyền trình bày lời khai. Nhưng trình bày lời khai còn là một nghĩa vụ, nghĩa là họ bắt buộc phải nói mà không được im lặng.

Chỉ phân tích 2 quyền cơ bản thôi, mà xem ra quyền của dân xứ mình được hưởng ít hơn quá nhiều so với dân xứ người.

© 2007 talawas


[1]http://www5.dantri.com.vn/Thegioi/2007/5/177852.vip
[2]http://www2.dantri.com.vn/Sukien/2007/5/179900.vip
[3]http://www.hanoinews.com.vn/vn/41/128354/
[4]http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=4&news_ID=17536454
[5]http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/06/579505/
[6]http://en.wikipedia.org/wiki/Miranda_warning
[7]http://en.wikipedia.org/wiki/Right_to_silence
[8]http://en.wikipedia.org/wiki/Right_to_counsel
[9]http://laws.dongnai.gov.vn/2001_to_2010/2003/200311/200311260010
[10]http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/04/23/UpdateCurrentStatusOfLawyerNguyenVanDai_VHung/
[11]http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/03/30/VnDissidentCatholicPriestJailedForEightYears_GMinh/
[12]http://www.dantri.com.vn/Sukien/2006/1/98827.vip
[13]http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=82265&ChannelID=12
[14]http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2006/08/3B9ECED4/