trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
6.2.2004
Lê Đạt
"Phản đề" dành cho người Việt trẻ
 
Nhà thơ Lê Ðạt, dù tuổi đã ngoài 70 vẫn là một người trẻ lạ lùng. Trẻ, ở trong tâm hồn và tính cách lẫn những cách tân trong thơ ca Việt - cho dù cuộc đời ông như chính nhà thơ thừa nhận là rất "li kỳ" và chịu nhiều thăng trầm dâu bể. Trẻ, ở chính cái cách mà ông nhìn nhận rất "thiện chí" và cởi mở về lớp trẻ, về thế hệ trẻ hiện nay...

Báo Sinh viên Việt Nam (SVVN) đã có cuộc trò chuyện cùng ông trong một ngày đông cuối năm ở một ngôi nhà phố cổ Hà Nội về những câu chuyện của người Việt trẻ trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá đồng thời phát triển những giá trị truyền thống dân tộc.Và làm sao để loại bỏ được những lực cản khách quan và chủ quan, những "tảng đá" giáo điều đeo đẳng trên lưng, những mặc cảm nhỏ nhen, những kiến thức và tình cảm vụn vặt để những người Việt trẻ sẵn sàng cho một cuộc "leo núi" đỉnh cao như nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn từng ao ước. Câu chuyện bắt đầu từ khát vọng và ước mơ của những người trẻ.



Nếu không có khát vọng, chúng ta trở thành những đứa trẻ chết già!

SVVN: Tất nhiên tuổi trẻ ai cũng đầy mơ mộng và khát vọng, nhưng có nuôi được và biến nó thành thực tế không mới là chuyện đáng nói. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn về thế hệ trẻ, nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đưa ra một câu hỏi chưa có trả lời "Trên thực tế, có được bao nhiêu người biến ước mơ hoài bão của mình thời tuổi trẻ thành hiện thực? Và bao nhiêu người đã bội ước với tuổi trẻ của mình?" Trong thơ ông, tôi cũng đọc được: "Những ước mơ xưa/ Như con chim gãy cánh/ Rũ đầu chết ngạt trong bùn/ Năm tháng mài mòn/ Bao nhiêu khát vọng"...

: Tôi cho rằng để sự mơ mộng và khát vọng trở thành hiện thực phải đòi hỏi rất nhiều ở sự can đảm và kiên trì. Ở đó, không có "đất" cho sự thực dụng và những toan tính tầm thường, ở đó cũng không có cơ hội cho những người thiếu lòng đam mê và dũng cảm. Ðể nuôi khát vọng, nó đòi hỏi sự đam mê thành thật, thậm chí vác cả sự đam mê trên vai mà trèo đèo lội suối để biến nó thành sự thật. Với những người trẻ tuổi, tôi có một lời khuyên chân thành: đừng bao giờ sống 50%, đừng bao giờ yêu 50% và cũng đừng bao giờ làm 50%. Sự nửa vời cũng là một trong những lý do để người trẻ phản bội lại ước mơ của mình.

SVVN: Nhưng đôi khi họ không dám sống 100% còn vì nhiều lý do, những định kiến từ bên ngoài họ. Và có những trả giá đôi khi là quá đắt nếu mạo hiểm "đặt cược" cả 100% "số vốn" mà họ có?

: Phá bỏ những định kiến với chính mình mới quan trọng chứ không phải là định kiến của người khác. Và định kiến đáng sợ nhất là sợ khác người, sợ mọi người coi mình là rồ dại. Với người trẻ, dù lao đi mà trượt chân vài cái còn hơn là ngồi một chổ để tính toán hết đời mình, nó tạo cho người trẻ một sự khôn ngoan không cần thiết. Còn lý do khách quan thì bao giờ cũng có, khó khăn bao giờ cũng có, nó chỉ biến đổi hình thái theo từng giai đoạn thôi chứ chẳng bao giờ có một môi trường lý tưởng nào cho giới trẻ cả. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nuôi khát vọng. Tuổi trẻ mà không có khát vọng tức là chưa kịp trẻ họ đã già hay ngược lại là đã già ngay từ khi còn trẻ, nói như cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương - Họ là những đứa trẻ chết già.

SVVN: Nhưng dù sao thì cũng phải "thực tế khát vọng" phù hợp với năng lực của mỗi người. Nhiều người chỉ cần nuôi những giấc mơ nhỏ và khi đạt được họ bằng lòng với nó?

: Tôi không nói đến những "giấc mơ con" và những "cuộc đời con". Còn những người trẻ có chí tiến thủ và giàu hoài bão bao giờ cũng đặt mình trong sự đối sánh với người khác. Biết người quan trọng hơn biết mình. Từ đó có những cái nhìn phê phán, tôi nghĩ rằng sự phê phán (để biết được những nhược điểm của mình) chính là bước đầu tiên của tri thức.

Một trong những điều nữa hạn chế sự tiến thủ của những người trẻ là căn bệnh chủ quan quá mức và dễ hài lòng với chính mình. Cuộc đời là một quá trình trôi chảy và đấu tranh liên tục, nếu anh hài lòng với những kết quả ban đầu và dừng lại coi như anh đã "chết" ở chính điểm dừng ấy và sau đấy trở thành một kẻ "ăn mày dĩ vãng" hay "xác ướp trở lại" mà thôi!

SVVN: Những khát vọng nào của tuổi trẻ đáng được biểu dương nhất, thưa nhà thơ?

: Có rất nhiều khát vọng đẹp, nhưng tôi thích nhất ở những người bạn trẻ tuổi là khát vọng lên đường, khát vọng đi tìm những miền đất mới, những lĩnh vực mới. (Xã hội nên có những động thái tốt đẹp dành cho những người tìm đường). Và tôi nghĩ, càng có nhiều khát vọng lên đường, tuổi trẻ càng dễ phá bỏ được những định kiến, những cái cũ ở ngay trong chính bản thân họ cũng như xã hội bên ngoài...


Tuổi trẻ hãy lên án một cách nghiêm khắc sự giả dối

SVVN: Ngoài chuyện thiếu khát vọng, sự dễ hài lòng và sống 50%, theo ông có những lực cản nào nữa kéo sự phát triển của người trẻ lại?

: Có những tính cách xấu lâu ngày biến thành những khuyết điểm của người Việt Nam, đó là không có ý thức về sự hoàn chỉnh, thói quen không có kỉ luật, không đi đến tận cùng cái mình đang có, dễ hài lòng và chấp nhận thực tại, căn bệnh tiểu nông, tiểu thủ công nghiệp manh mún, giật gấu vá vai... Ðiều này dẫn đến một thói ứng xử xấu nữa là dễ tặc lưỡi cho qua. Một người già chép miệng hoặc tặc lưỡi cho qua đôi khi còn thông cảm được vì sự "lực bất tòng tâm" nhưng với một người trẻ thì rất nguy hiểm. Tại vì khi chép miệng là lúc anh bước từ một cõi thực tế sang một "cõi" ảo, một "cõi" đầu hàng, buông xuôi. Khoảng cách giữa chúng rất nhanh nhưng lâu dần nó cuốn anh đi rất xa. Nếu nói, điều tôi ghét nhất trong tính cách của người Việt là thói chép miệng, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra khi anh chép miệng, phần nhân tính trong anh đã bị buông xuôi và anh đã dễ dàng "đồng hoá" với sự thất bại, với thói xấu.

SVVN: Gần đây, xã hội nói nhiều đến căn bệnh giả dối bằng cấp, đặc biệt là trong giới trí thức trẻ. Nhà văn Nguyễn Khải thì lên tiếng về căn bệnh công chức hoá ở lớp trẻ...Theo ông, điều nào đáng lo ngại hơn?

: Chuyện bằng cấp và thói quen công chức hoá đều bắt đầu từ hậu quả của thời phong kiến và quan liêu bao cấp - đó là học để làm quan. Xã hội mới thì tôn trọng đến sự thành đạt ở bề ngoài (tiền, danh vọng) mà chưa chú ý đến giá trị tinh thần. Chính cơ chế đó đã khuyến khích thói công chức hoá ở trong nhiều người. Họ coi nhà nước như là chỗ an dưỡng hơn là nơi để cống hiến và sáng tạo. Lâu dần, họ mất đi sức mạnh của tinh thần mà chỉ còn lại sức mạnh của cái ghế. Thói xấu này không chỉ có ở trong những người trẻ mà phần lớn là để lại từ các lớp đàn anh đi trước. Thái độ của xã hội cũng phải chịu lỗi về điều này. Chính môi trường của xã hội nhiều khi khuyến khích sự giả dối. Giới trẻ cần phải lên án một cách nghiêm khắc sự dối trá, bắt đầu từ chính bản thân mình. Và phải tập cho mình một thói quen biết xấu hổ trước cái xấu. Tôi cho rằng, sự biết xấu hổ là sự bắt đầu nhân tính của con người.


Ðừng nhìn hiện tại bằng con mắt của quá khứ

SVVN: Những người lớn tuổi "kêu" là lớp trẻ đang quay lưng với những giá trị truyền thống và thuộc sử Tàu hơn sử Ta. Thực ra với lớp trẻ, truyền thống có những vai trò gì? Và họ nên "đối xử" với truyền thống như thế nào để "hợp lý hợp tình"?

: Vế đầu, tôi nghĩ một phần do nền giáo dục và nền văn hoá nghệ thuật của chúng ta chưa đủ sức để hấp dẫn giới trẻ. Truyền thống, hay nói giản dị hơn là quá khứ cũng có quá khứ tốt và quá khứ xấu, cần được nhìn nhận lại một cách khách quan. Có những giá trị tốt cần được phát huy như truyền thống tương thân tương ái, sự độ lượng...nhưng cũng có những truyền thống trở thành lực cản vì sự trì trệ và bảo thủ cần loại bỏ.

"Ðối xử" với truyền thống, tôi nghĩ lớp trẻ đừng bao giờ nhìn hiện tại và tương lai bằng đôi mắt của quá khứ, đừng để những "lực chết" kéo ta lại với quá khứ, hay để những người sống đi cãi nhau với người chết (ông dẫn thơ - Thưở ấy tôi rất già/ Mở miệng khuôn tổ tiên rập nói). Với truyền thống, cũng cần phải nhìn nhận một cách tinh tế. Bảo tồn truyền thống không quan trọng bằng phát huy truyền thống để tìm ra một truyền thống mới. Ví dụ có những giá trị truyền thống rất xấu như "Ta về ta tắm ao ta" hay "Phép vua thua lệ làng" "Chó cậy gần nhà"..., nó thể hiện sự lạc hậu và xã hội không thông suốt từ trên xuống dưới, mang nặng tư tưởng bè phái, địa phương, gia đình... Hay bia Quốc Tử Giám không chỉ thể hiện tính hiếu học mà còn lộ ra tính hám văn bằng có ngay ở trong truyền thống.

Nhìn nhận truyền thống, mỗi người trẻ nên định giá bằng đôi mắt của mình chứ không theo sự định giá của người khác.


"Ðạp đổ thần tượng" hay "đứng trên vai thần tượng"?

SVVN: Trong một lần trò chuyện, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng lớp trẻ ngày nay có vẻ hơi "vô thần, vô đạo", thực ra thì theo ông, lớp trẻ có nên nuôi trong mình những "tín điều" không?

: Vô thần thì nên, nhưng vô đạo thì không nên. Con người nên có những tín điều nhưng không nên thờ thần tượng vì thần tượng là sự xuống cấp của tín điều. Nhìn lịch sử tiến triển của loài người mình phải đứng trên vai của quá khứ mới thấy được tương lai chứ núp bóng quá khứ thì tương lai không bao giờ thấy được.

SVVN: Vậy thì theo nhà thơ, lớp trẻ nên "núp bóng thần tượng", "đạp đổ thần tượng", hay "đứng trên vai thần tượng"?

: Bản thân của sự phát triển văn hoá là chống lại thần tượng. Nói như Trang Tử là "vứt trí bỏ thánh" để trở lại suy nghĩ của chính ta. Nói đạp đổ thần tượng thì nghe có vẻ hơi phạm thượng nhưng tôi nghĩ rằng không sai và nói gì thì nói, nếu được coi là thần tượng tức là họ đã ghi được dấu ấn giá trị trong lịch sử, hiện tại và tương lai nên để lớp trẻ khai phá. Tốt nhất, là đứng trên vai thần tượng vì ở trong hoàn cảnh đó, thần tượng đã làm được một việc có ích là giúp lớp trẻ có một cái nền cao ráo và vững chắc.


Sống thật với chính mình thì sẽ khác

SVVN: Trước đây, nhà thơ Lưu Quang Vũ than "Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới". Gần đây, cả Văn Cầm Hải và Phan Huyền Thư đều nói đến "Những giấc mơ của lưỡi". Nhà thơ Dương Tường thì nhận xét "Có nhiều người nghĩ khác, nhưng ít ai sống tận cùng với cái khác của mình"...Một trong những điều mà giới trẻ tự chán mình là họ đang càng ngày càng cũ, càng nhạt? Ông có cảm thấy điều đó?

: Tôi chống lại sự nhàm chán nhưng không có nghĩa là tôi sống khác với tôi. Hãy sống thật với chính anh thì anh sẽ khác với những người khác chứ không phải "chủ trương" để sống khác. Vì nếu khi anh sống khác anh tức là anh không thật với chính mình. Còn nếu khi anh tự chán mình, chán bạn bè mình là lúc anh đang khao khát để thay đổi, khao khát sự "vận động" của lưỡi.

SVVN: Vậy ông "khuyến khích điều gì trong cách sống của giới trẻ"

: Tôi khuyến khích sự lao động cần cù và kiên trì của lớp trẻ, từ bỏ cách nghĩ cách làm việc "ngắn hạn", "ăn xổi" và bệnh "khoa trương", "ồn ào". Tập cho mình những tầm nhìn "dài hạn" và đi đến tận cùng cái "tư duy dài hạn" ấy. Trong cuộc sống, thư giãn hãy "bình thường tâm", đừng "phân thân" nhiều quá. "Khi đói ta ăn, khi mệt ta nghỉ" như lời dạy của một thiền sư, chứ đừng khi ăn lại nghĩ đến chuyện khác và khi nghỉ cũng nghĩ đến những chuyện khác.

SVVN: Và trong tâm hồn, trong thơ ca? Là một nhà thơ không ngừng cách tân thơ Việt, cuối cùng ông nghiệm ra điều gì quý giá nhất ở thơ ca?

: Thơ là mỹ học và đạo đức học. Cái đẹp trong câu thơ kêu gọi sự cao thượng. Và nên hiểu thơ ca cũng là một sự lao động ngôn ngữ đầy gian khổ chứ không chỉ là cảm xúc thẩm mỹ thuần tuý (Chữ bầu nên nhà thơ). Nhà thơ, nhất là các nhà thơ trẻ hãy tập cho mình một cách sống gian khổ (chứ không phải cực khổ), một sự "li kỳ" trong tinh thần. Nhưng đáng buồn nhất cho những nhà thơ "li kỳ trong đời thật nhưng lại tẻ nhạt trong đời chữ"!

SVVN: Sự "li kỳ" trong đời người, đời chữ của ông, nếu được nói bằng thơ..?

: Thơ ca, cuối cùng với tôi vẫn là cảm xúc mỹ học và cái đẹp của sự cao thượng. Tôi thích những câu thơ giàu cảm xúc: Vườn thức, một mùa hoa đi vắng/ Em ở đây mà em ở đâu? Hay Tim lặng lạnh góc bồ đề mưa cũ/ Chim gõ mỏ kiếp xưa, chưa rũ hết luỵ tình...

SVVN: Ðiều cuối cùng, nhân dịp mùa xuân mới, mùa như các nhà thơ nói "ươm mầm, chồi xuân, lọc nõn...", nhà thơ có một lời chúc nào dành cho những người bạn trẻ?

: Tết ở ta có một tục lễ cổ truyền rất hay là xông đất. Tôi chúc các bạn trẻ đầu năm mới hãy "xông đất" nhiều hơn, "xông đất" nhiều lĩnh vực mới hơn nữa...




Phụ lục

Lê Đạt
Xuân 17


Thí xinh số báo xuân 17

Xuân một năm đi đâu
Chiều xinh xuân xịch đến
Không kịp ai đón tầu

Hoa cửa tha thẩn đèn
Chả quen mà cũng hẹn
Ô muốn đèo bé đời
sau xe đạp xoan chơi
Phố thi thì con gái

Chiều qua còn khép nụ
Nào hay xuân chớm về
Sớm đã hoa bùng lửa
Thắp hồng lên má đê

Ngực no căng ngược gió
Thơm mãi mùi dậy thì

2003

Nguồn: Báo Sinh viên Việt Nam, số Xuân 2004