trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
29.3.2005
Hoàng Khởi Phong
Đặng Thái Sơn: công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy
 


Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra


1. Cái tên anh mang trên người tất nhiên do ông cụ thân sinh anh đặt

Chữ Thái Sơn có hai nghĩa. Một tượng trưng cho núi Thái Sơn, hai trong đó còn có chữ Thái, là họ của bà mẹ anh. Anh ra đời năm 1958, trước đó một hai năm bão tố đã ập đến nhà anh. Trận bão không phải do ông Trời làm nên, người cộng sản đâu có hữu thần để tin vào Trời Đất. Trận bão kết thành do những suy nghĩ thủ cựu và thiển cận của những con người. Giống như bất cứ một trận bão nào khi được phát giác, người ta cũng đặt cho nó một cái tên, thường là một tên phụ nữ. Tôi tạm gọi tên trận bão đời đã ập đến nhà Đặng Thái Sơn là trận bão Nhân văn. Đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua, mà ảnh hưởng của nó vẫn còn làm nhiều người rùng mình, mỗi khi nhớ tới. Ấy là chưa kể đến những người đã nằm xuống trong cơn bão này. Có người chết ngay lập tức, có người vài năm sau. Có người sống mãi trong lòng người và thiếu gì người chết ngay từ khi còn sống, còn ăn uống và hít thở khí trời.

Khi trận bão xẩy ra vào năm 1956, ông cụ thân sinh ra anh, một người cầm bút nơi đất Bắc có tên là Đặng Đình Hưng, tham gia một phong trào được gọi là Trăm hoa đua nở, là chữ viết tắt, dịch rất sát từ Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng, một thành ngữ Trung Hoa mà trước đó nước Trung Hoa cộng sản đã dùng làm khẩu hiệu cho một phong trào của họ. Chính ông Hồ ủng hộ phong trào này. Nương vào đó, những người cầm bút đích thực ở ngoài Bắc đã đứng lên, đòi hỏi một điều rất giản dị là chính trị chẳng những không được chỉ huy văn nghệ, mà còn phải đứng ngoài văn nghệ. Lão tướng của những người cầm bút là Phan Khôi, kiện tướng là Trần Dần, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Quán, Hữu Loan... Và tất nhiên Đặng Đình Hưng có mặt từ những ngày đầu trong hàng ngũ của những người cầm bút làm nên tập họp của tờ báo Nhân văn, cái mắt bão tạo bởi con người. Tuy tờ báo chỉ ra được vài số, nhưng ảnh hưởng của nó làm rung rinh chế độ, cho dù đó là một trong những chế độ bạo tàn nhất của nước Việt suốt năm ngàn năm lập quốc.

Cường độ của trận bão rất lớn, nhưng vấp phải những khối óc đã chai lại của những con người chỉ biết dạ và vâng, những con người mà tấm lòng đã hóa thạch, tạo nên một tòa thành chắc chắn. Tới một lúc nào đó những cơn gió cuồng nộ dịu lại, cộng thêm vào những thủ thuật chính trị, những o ép áo cơm. Cho tới nay chúng ta không thể kiểm chứng được những ai đã chết trực tiếp và gián tiếp do vụ án Nhân văn-Giai phẩm này. Chỉ biết rằng năm 1957 Đặng Thái Sơn còn ở trong bụng mẹ. Mẹ anh, bà Thái Thị Liên, cũng là một trong những cơn gió này. Chính bà đã đọc những bài viết của chồng, những bài viết của các danh tính đã nêu ở trên. Không phải đọc trong nhà, mà là nơi công cộng. Do đó tai họa đối với gia đình Đặng Đình Hưng lớn hơn một tầng. Trước những lời buộc tội của hàng trăm cặp mắt cú vọ, Đặng Đình Hưng khẳng khái nhận hết mọi tội trạng. Cho dù có khổ ải tới đâu chăng nữa, ông cũng không oán thán một điều nếu vợ con ông được để yên.

Năm 1958, Đặng Thái Sơn ra đời trong hoàn cảnh đó. Trận bão Nhân văn thì đã tan, nó để lại cho gia đình nhà thơ Đặng Đình Hưng và nhạc sĩ dương cầm Thái Thị Liên cuộc sống chia lìa. Đó là một trong những nghịch cảnh hoàn thành con người Đặng Thái Sơn sau này. Đó là một cái nền đất nện, mà ở đó một loài kỳ hoa dị thảo sẽ đâm chồi.

Năm tuổi, Đặng Thái Sơn bắt đầu học nhạc với mẹ, vốn là giáo sư dương cầm số một của Hà Nội. Năm anh bẩy tuổi, năm 1965, chiến tranh Việt Nam bước vào một khúc rẽ mới. Quân đội Bắc Việt vượt sông Bến Hải mỗi ngày một gia tăng, và để chống đỡ cho miền Nam đứng vững, quân đội của tám nước đồng minh hiện diện tham chiến ở miền Nam. Năm đó Đặng Thái Sơn chính thức vào học đàn ở trường. Chính trong thời điểm ấy những trận không chiến xẩy ra trên vòm trời miền Bắc, máy bay của không lực Hoa Kỳ và không lực Việt Nam Cộng Hòa bay vần vũ như những bầy ong trên không phận Bắc Việt.

Trường âm nhạc Hà Nội sơ tán lên phía Bắc. Mẹ anh bắt tay cho anh, những nốt nhạc đầu đời, trong lúc bom rơi dậy đất, và đạn đại bác phòng không đan thành những lưới lửa loang loáng trên nền trời xanh. Có một dạo anh được ở cùng khu với ba đứa trẻ khác, mà sau này anh biết đó là những người con của nhà thơ Trần Dần, người đồng hội đồng thuyền với cha anh. Cả hai khi đó là những con người không được sống như những con người. Thời thơ ấu đó anh muốn quên đi, nhưng hình như khi người ta muốn quên điều gì thì có nghĩa là điều đó mạnh, nó cứ lẩn quất trong đầu anh, thỉnh thoảng ngoi lên. Và mỗi lần như vậy lòng anh lại chùng xuống như một sợi dây đàn lạc điệu.


2.

Anh có một đôi tay bắt được của trời, nhưng không phải vì thế cứ đứng yên chờ thời gian qua là có một nhạc sĩ dương cầm hàng đầu trên thế giới. Mẫu thân anh là người hiểu rõ điều này hơn ai hết, khi dậy anh những nốt nhạc đầu đời. Tất cả những năng lực còn sót lại sau khi trận bão đã tan, bà dồn hết cho người con, mà biết chắc là nếu Trời để cho làm người, thì sau này ắt hẳn sẽ có ngày từ trong bóng tối mênh mông bước ra vùng ánh sáng chan hòa. Biết con không ai bằng mẹ. Bà hiểu rằng, chỉ cần hội đủ một hai điều kiện, con bà sẽ mang vinh quang về để tẩy sạch những tăm tối trong hiện tại mà gia đình bà đang gánh chịu. Vả lại trong thời gian đó bà Thái Thị Liên còn biết làm gì hơn cho khuây khỏa những đau đớn uất kết trong lòng.

Năm 1965, khi Đặng Thái Sơn được thâu nhận chính thức là một học sinh sơ cấp âm nhạc, thì chiến tranh bùng ra mãnh liệt nhất. Trường âm nhạc Hà Nội dời lên huyện Yên Dũng, thuộc tỉnh Hà Bắc, trong địa phận tỉnh Bắc Giang cũ. Tuy chỉ cách Hà Nội 70 cây số, nhưng phải vượt qua bốn con sông. Phương tiện chuyên chở không có, những cây đàn dương cầm được di chuyển trên những chiếc xe bò, thành thử khi tới nơi chẳng cây đàn nào còn nguyên vẹn hình hài. Chiếc thì rụng phím, chiếc thì long bàn đạp, dây thì chùng. Thôi thì trăm thứ bệnh cho mỗi cây đàn, có chiếc chuột bọ làm tổ, có khi người ta bắt được cả ổ chuột con còn đỏ hon hỏn, chưa mở mắt. Với những người học các nhạc cụ khác có lẽ không đến nỗi bi đát bằng các học sinh theo đuổi bộ môn dương cầm. Có tới hàng trăm học sinh, mà người ta chỉ có thể sang qua sớt lại và hoàn tất được vài cây đàn hữu dụng, nên mỗi học sinh chỉ có vỏn vẹn 20 phút thực tập cho mỗi ngày.

Sơn cho biết trong những ngày đầu khi mới dời lên Yên Dũng, thầy cũng như trò phải túa đi tìm chỗ ở tạm trong nhà dân, những cây đàn được đưa vào tạm trú trong những căn nhà khang trang nhất, rộng rãi nhất để có thể làm chỗ dậy học. Phải một năm sau, việc thiết lập ngôi trường tạm mới hoàn thành. Để tránh tai họa của bom đạn, ngôi trường này được làm nổi nửa chừng trên mặt đất, nửa chôn ngầm như những cái hầm tăng xê. Năm 1969, khi Đặng Thái Sơn leo lên bậc trung cấp của ngành âm nhạc, hòa đàm ở Paris tuy không mang lại hòa bình thực sự cho Việt Nam, nhưng mang được ngôi trường mà Đặng Thái Sơn theo học trở về Hà Nội.

Sơn trở về Hà Nội, nơi chôn nhau cắt rốn của anh để thấy rằng Hà Nội như một thành phố đang chết dần, chết mòn do những hậu quả của chiến tranh. Nhiều hôm trong lúc tập đàn, anh nhìn thấy những con chuột to tướng đuổi bắt nhau trên sàn nhà. Những con đường còn nguyên dấu tích của bom đạn, những ngôi nhà cháy dở nám đen, những thân cây trốc gốc nằm ngổn ngang trên mặt lộ. Người Hà Nội như lịm đi, đời sống lúc nào cũng như tranh tối, tranh sáng. Từ năm 1969 cho tới năm 1972, bầu không khí của Hà Nội lúc nào cũng có những điều bất tường. Anh học nhiều thầy, nhưng người thầy tận tâm nhất vẫn là mẹ anh, thành thử trong tận cùng bất hạnh, Sơn hơn được những bạn học đồng trang lứa chỉ một điều duy nhất là lúc nào anh cũng có một người thầy kèm sát bên mình.

Năm 1972, trận chiến bùng lên một cách dữ dội, hệt như một cơn cuồng phong thổi khắp mọi nơi. Trong năm đó những chiếc máy bay đã có một thời biến mất trên bầu trời xanh lại đột ngột xuất hiện trên vòm trời miền Bắc. Mức độ oanh tạc lần này khủng khiếp hơn trước nhiều lần, bởi vì Hoa Kỳ muốn tìm cho bằng được một giải pháp kết thúc trận chiến tranh dây dưa nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Phải tìm được bằng mọi giá một nền hòa bình, cho dù đó chỉ là hòa bình giả, trong một thời hạn ngắn ngủi đủ cho Hoa Kỳ có cớ, rút quân đội của họ ra khỏi chiến trường Việt Nam. Vì thế mà Hoa Kỳ tận dụng hết sức mạnh hỏa lực của họ. Oanh tạc trên trời chưa đủ thì phong tỏa mặt biển, những chiếc oanh tạc cơ khổng lồ B52 hối hả đi về giữa Việt Nam và Thái Lan, thả những chùm bom chi chít như những chùm sung, ấy là chưa kể hải pháo từ những chiến hạm của Đệ thất Hạm đội không ngừng oanh kích trong một tháng trời ròng rã. Trường âm nhạc Hà Nội, nơi Đặng Thái Sơn mài nanh giũa vuốt, một lần nữa trở lại chốn rừng xanh, núi đỏ.

Lần sơ tán này chỉ kéo dài có một năm. Năm 1973, chiến tranh Việt Nam được định đoạt tại Paris, trong nhà hàng Majestic. Trước đó, mùa hè năm 1972, những người ở vào lứa tuổi đàn anh của Đặng Thái Sơn, cả hai miền Nam Bắc, gặp nhau trong tầm một viên đạn. Cho tới nay, không một nhà viết sử nào có thể ước lượng một cách tương đối con số tổn thất nhân mạng của cả hai miền trong thời khoảng ngắn ngủi của mùa hè năm 1972. Những cái chết tức tưởi đó sau cùng chỉ hoàn tất được một vài cảnh, trong hồi cuối của vở kịch 1975. Tuy nhiên trong năm 1973, hòa ước Paris một lần nữa mang trường âm nhạc trả về Hà Nội.

Chính nơi đây vào năm 1974, Đặng Thái Sơn bắt gặp được điều may mắn thứ hai trong đời anh. May mắn thứ nhất khởi đi từ bà mẹ, cùng ông bố đã dính líu vào cái mắt bão Nhân văn-Giai phẩm, để tạo nên những bất hạnh đầu đời cho người con, khiến gia đình ly tán. Nhưng cũng chính những bất hạnh này lại là cái cớ cho Đặng Thái Sơn vươn lên trong nghịch cảnh. May mắn thứ hai đến với Đặng Thái Sơn là một giáo sư âm nhạc người Nga, gốc Do Thái tên là Isaac Katz, khi sang dạy cho trường âm nhạc Hà Nội đã tình cờ phát hiện ra một học sinh năm nào cũng đứng đầu lớp. Sau vài lần chứng nghiệm khả năng của người học sinh này, giáo sư Isaac Katz chính thức yêu cầu trường âm nhạc Hà Nội cho ông được đích thân truyền dạy cho người học sinh xuất sắc này, mặc dù trên nguyên tắc ông Issac chỉ dạy những học sinh năm chót trước khi thi tốt nghiệp, và người học sinh đó phải một năm sau mới hội đủ điều kiện này. Người học sinh xuất sắc đó là Đặng Thái Sơn.

Năm 1975, chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt trong bàng hoàng của cả thế giới. Không một người Việt Nam bình thường nào tưởng ra hồi đại kết cuộc này. Tuy nhiên đó là vấn nạn của cả dân tộc. Riêng Đặng Thái Sơn, trong cơn bất hạnh bao trùm toàn thể đất nước không phân biệt Bắc Nam này, anh có một chút nhỏ may mắn mà nhà văn Thế Giang đã viết thành truyện ngắn Cây đắng nở hoa.

Năm 1975 giáo sư Isaac Katz về nước. Trước đó ông đã đề nghị cho Đặng Thái Sơn được theo học dương cầm tại Nga. Lời đề nghị này không được chấp thuận ngay, bởi vì dưới con mắt của những con người thừa thủ đoạn và thiếu trái tim, trong một xã hội đầy kèn cựa, một xã hội mà tính ác bao trùm toàn thể mọi sinh hoạt, thì sự thành công của bất cứ ai ra ngoài vòng kiềm tỏa của guồng máy là một điều không thể chấp nhận được. Người ta chiếu ống kính hiển vi trên hồ sơ của Đặng Thái Sơn, và thấy ngay anh là con của một người đã dính vào Nhân văn-Giai phẩm. Cho dù có đôi tay bắt được của Trời, Đặng Thái Sơn có một ông bố lý lịch đen như mực tầu, một loại phản động cực nguy hiểm, đã không bị triệt là may lắm rồi, còn cho xuất ngoại thì ra guồng máy không có mắt sao? Lời đề nghị đầu tiên của giáo sư Isaac Katz rơi vào khoảng không. Nhưng đối với những người đã coi âm nhạc là lẽ sống của đời họ, thật không dễ gì có được một học trò đúng ý. Giáo sư Isaac Katz yêu cầu lần thứ hai, kèm theo lời đề nghị này là thái độ khó khăn với những du học sinh con ông cháu cha, thiếu khả năng thật sự. Ông tạo một sức ép đủ mạnh để người học trò ông chọn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn.

Năm 1976, Đặng Thái Sơn được phép đi học âm nhạc tại Nga. Anh tạo thành tích ngay lập tức là thi đậu vào học viện âm nhạc Tchaikovsky. Trước anh chưa có một người nào vào được học viện này mà không qua một năm dự bị. Những bậc thầy âm nhạc ở đây sẽ không lấy làm lạ, nếu họ biết rõ gốc gác cũng như hoàn cảnh trưởng thành của Đặng Thái Sơn. Năm đó anh mới 18 tuổi. Trước khi đi, anh có gặp cha đôi lần. Trong những dịp ngắn ngủi cha con gần gũi, anh học được ở cha anh nhiều điều. Ông cụ ít nói trực tiếp với anh, chỉ là những câu đối đáp thông thường, nhưng anh bắt được vô số những gửi gấm chí thành, những khuyến cáo hữu ích. Sơn cho biết cha anh hay nhắc tới chữ “nhân”. Giữa hai cha con sự thấu hiểu chỉ qua những ánh mắt, những ý nhạc, những lời thơ không đọc cho người ngoài nghe bao giờ.

Khi vào học tại học viện âm nhạc Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn bắt gặp một vị danh sư khác. Đó là giáo sư Natanson. Nếu như Isaac Katz là người khám phá ra tiếng đàn Đặng Thái Sơn, tìm mọi cách mang anh về Nga để có thể tìm đúng thầy, thì Natanson chính là ông thầy này. Đặng Thái Sơn được ông dốc túi truyền hết những kỹ thuật tuyệt kỹ, những ngón đàn thượng thặng. Chính Natanson là người sau này đã đẩy Đặng Thái Sơn đi suốt cuộc hành trình từ một sinh viên âm nhạc trở nên một dương cầm thủ hàng đầu trên thế giới. Chính Natanson là người mở rộng cánh cổng thành công, cho học trò của mình đĩnh đạc đi vào. Bốn năm sau trong kỳ thi âm nhạc quốc tế tại Ba Lan, Đặng Thái Sơn đã không làm cho bất kỳ ai liên hệ đến con đường tiến thủ của mình phải thất vọng.

Anh được cấp học bổng 60 rúp một tháng. Số tiền này chẳng nhiều nhặn gì, nếu tính theo hối đoái thời đó thì chỉ tương đương với khoảng 20 đô la Mỹ. Anh có hai người bạn thật thân trong thời gian này, cả ba góp gạo thổi cơm chung, dè sẻn từng đồng mới tạm có thể đủ ăn. Anh phải đi làm thêm để kiếm tiền chi dụng hàng ngày. Ấy là chưa kể khi gặp cha những lần cuối trước khi lên đường du học, anh biết thật rõ ông cụ đã bắt đầu có những triệu chứng suy nhược do những năm tháng trong tù, do những công việc của một người bị cưỡng bách lao động. Phận anh là con, cha anh đã hy sinh cho anh được ra đời như một đứa trẻ bình thường, phần ông cụ đã gánh chịu không biết bao nhiêu hậu quả. Anh phải cố học cho hơn người, và đồng thời kiếm việc làm thêm gửi về đỡ cho cha anh được đồng nào hay đồng ấy.

Anh đã từng đi làm thợ tiện trong một cơ xưởng về đồ điện, tiện những cơ phận của quạt máy, của những đồ dùng gia dụng. Anh ngâm tay trong hóa chất giải nhiệt một ngày nhiều giờ, đến độ tay anh chai ra, nhăn nheo, sần sùi, khiến cho giáo sư Natanson nghĩ rằng anh đã bị cưỡng bách làm việc khi được du học nước ngoài. Đặng Thái Sơn cho biết có dạo anh phải đi nhặt những cái chai không mang về chùi rửa sạch sẽ, rồi bán lại cho các hãng làm nước ngọt. Khi nói về những kinh nghiệm đau thương này anh thản nhiên như không có gì, anh chép miệng nói: “Thật đúng là của một đồng, công một nén”.


3.

Trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát đó Đặng Thái Sơn lớn lên, cả phần xác cũng như phần hồn. Sơn cho biết anh có một chút máu... mê tín trong người. Ngay trong phòng học của anh, ngay trong lòng nước Nga, đất thánh của những người vô thần, Sơn thiết lập một trang thờ ông bà. Anh thắp hương những ngày rằm và mồng một. Trên trang thờ ông bà, anh có để một cái ảnh của... Chopin. Chẳng biết Chopin có thiêng không, nhưng bốn năm học âm nhạc của Sơn tại Nga, và mười một năm học trong nước anh chưa bao giờ bị sắp hạng... nhì. Mà hình như cái khoảng cách nhất nhì này có hơi xa. Suốt bốn năm học ở Nga, Sơn là một sinh viên thầm lặng. Anh lặng lẽ đi về như một cái bóng. Chỉ có một số rất ít người như cha anh đang bị chỉ định cư trú, cưỡng bách lao động nơi một vùng quê trong tỉnh Hải Dương, như mẹ anh đang dậy dương cầm ở Hà Nội, như giáo sư Isaac Katz lúc này đã trở về Israel, và tất nhiên giáo sư Natanson, người đang truyền hết ngón nghề của mình cho Đặng Thái Sơn, biết là anh đã đi từ đâu và anh sẽ tới đâu.

Năm 1980, anh tốt nghiệp học viện âm nhạc Tchaikovsky. Tốt nghiệp nơi đây tự nó đã là một bằng chứng cho khả năng về ngành nhạc, huống hồ Sơn tốt nghiệp hạng tối ưu. Vậy mà hình như những người trong Đại sứ quán của cộng sản Việt Nam tại Mạc Tư Khoa coi những thành tích Đặng Thái Sơn đạt được như là những... xúc phạm đến chế độ. Suốt bốn năm học của Sơn, với những thành quả rực rỡ như thế mà anh không hề được một khích lệ nào từ phía chế độ, thậm chí người ta cũng không nghĩ đến việc cử anh đi thi bất cứ một kỳ thi có tầm vóc quốc tế nào, cho dù thi chỉ để mà thi không mà thôi, hễ cứ là con cháu Nhân văn thì đừng có hòng ngóc đầu, ngóc cổ lên được. Thật không thể để cho những con người chỉ có chuyên, không có hồng này được đằng chân lân đằng đầu.

Anh tốt nghệip trong lặng lẽ, cũng hệt như khi anh đi học trong học viện Tchaikovsky. Chính giáo sư Natanson thúc đẩy anh hoàn tất thủ tục xin dự thi, nhân kỷ niệm Chopin hàng năm tại Ba Lan, quê hương của người nhạc sĩ lớn trong thế kỷ 19. Phải công tâm mà nói, nếu không có giáo sư Natanson thì dù có muốn dự thi Đặng Thái Sơn cũng không biết đường nào mà mò. Trong bản tiểu sử gửi đi xin dự thi, anh không có một thành tích nào để ghi vào làm vốn. Bởi vì suốt bốn năm liền, anh cắm đầu cắm cổ vào học, hết học là làm thêm, anh cũng chẳng có một bộ quần áo tử tế để đi thi nơi này, nơi nọ. Nước Nga trước khi gửi các thí sinh của mình đi thi ở Ba Lan đã tổ chức một kỳ thi cho các sinh viên Nga, trong hàng trăm người lấy có vài người đầu mang chuông đi đánh xứ người. Sơn với danh nghĩa là một nhạc sĩ tốt nghiệp học viện âm nhạc Tchaikovsky, xin thi ké nước Nga trong kỳ tuyển lựa này. Anh được chấm cao điểm nhất, nhưng không có hạng vì anh là người Việt. Đôi lúc anh cũng cảm thấy tủi thân, khi đơn thương độc mã, tự biên, tự diễn nơi xứ người. Anh biết rõ khả năng anh, anh đúng là một cái hỏa tiễn mà không có giàn phóng.

Ban tổ chức kỳ thi ở Ba Lan đã toan bác đơn xin dự thi của Đặng Thái Sơn, vì đơn dự thi của anh trống trơn như một tờ giấy trắng, nhưng rồi họ cũng thông qua, vì Sơn là người Việt Nam đầu tiên xin dự thi từ trước đến giờ. Vả lại anh có sau lưng cả một học viện âm nhạc Tchaikovsky làm chứng cho khả năng của mình, một khả năng hạng tối ưu khi ra trường. Sơn không có tiền mua vé máy bay, anh dè sẻn từng đồng và chỉ đủ tiền mua vé xe lửa hạng nhì. Anh không có một người thân nào ra tiễn tại sân ga Mạc Tư Khoa, anh cũng chẳng có một người bạn nào đến đón khi tới Warszawa. Hành lý của anh thì thật nhẹ, vài bộ quần áo tạm lành lặn. Anh không có cả một bộ đuôi tôm để lúc hữu sự dùng đến. Phải, ai mà biết được cờ sẽ rơi vào tay ai. Các cụ đã nói chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.

Sơn tự tin vô cùng. Được đến đây tham dự trong kỳ thi này đã là một vinh dự cho riêng anh, nếu anh đoạt được ngao đầu mới thật là không phụ lòng cha mẹ nuôi nấng và các bậc thầy dạy dỗ. Nếu thua, anh chẳng mất gì ngoại trừ một cái vé xe lửa khứ hồi Nga-Ba Lan. Nhưng nếu ông Trời có mắt, Chopin... linh thiêng và với khả năng của anh, Sơn tin là anh sẽ không ra về tay trắng. Ít nhất cũng là một giải hạng nhì, hạng ba nào đó. Tệ nhất thì là một giải an ủi. Anh không thể ra về trắng tay. Anh không thể đi không rồi lại về không. Anh bước vào phòng thi với cái đầu ngẩng cao, nhìn tới trước. Ai người ta cũng có cha, mẹ, anh, em, bằng hữu đưa đón tấp nập, ai người ta cũng quần là áo lượt, mặt mũi hớn hở. Chỉ có riêng Đặng Thái Sơn, người Việt Nam một thân, một bóng bước vào phòng thi. Khi nhấn xuống những nốt nhạc đầu, anh quên ngay lập tức mọi hệ lụy ở đời. Anh chỉ thấy có một hàng phím trước mặt, và rồi đôi tay anh lướt đi trên những phím ngà này.

Anh qua được vòng loại một cách dễ dàng. Gọi là vòng loại nghe thì tưởng chừng như giản dị, nhưng thật ra Sơn đã phải thi bốn lần. Anh bước vào vòng chung kết cũng lại lặng lẽ như anh đi học. Chỉ phiền một điều trong vòng chung kết này các thí sinh phải mặc áo đuôi tôm. Anh có hai ngày chuẩn bị cho vòng thi gay go nhất đời anh từ trước tới nay, thế mà anh đã gặp khó khăn ngay từ đầu. Cái khó nào có lớn gì cho cam, chỉ là một cái áo. May mà anh còn có giáo sư Natanson không lúc nào ngớt coi chừng đường đi nước bước của Sơn. Giáo sư Natanson lôi anh đến một cái tiệm, sắm cho anh một bộ, nhưng tìm cả nửa ngày không có một chiếc nào vừa với thân thể nhỏ thó của anh. Thế là may ngay một chiếc, lấy trong vòng 24 giờ. Anh bước vào phòng thi với cái áo còn chưa đựoc nhặt sạch chỉ.

Anh cho biết thế mà ông Trời có... mắt và Chopin quả là... linh. Chẳng những chiếm ngao đầu, anh còn đoạt thêm 11 giải phụ nữa, trong đó có một giải của hãng truyền hình NHK của Nhật Bản, chính hãng NHK sau này mở cho anh một con đường ra khỏi nước. Tin Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin ở Warszawa như một làn sóng chấn động giới âm nhạc cổ điển toàn thế giới. Khi nó loan về tới Việt Nam thì báo Nhân Dân vồ lấy, chạy tin lớn nơi trang nhất, suốt ba ngày liền. Có một ông nhà báo nào đó tên là Thép Mới mà nhà văn Thế Giang rên lên là thép rỉ quá rồi, viết bài ca tụng Sơn như thánh sống. Ca tụng đến nỗi cả tháng sau, khi về nước thăm ông cụ thân sinh, anh hơi ngượng khi đọc những dòng chữ quá độ này. Truyện của Thế Giang có nhắc tới Huy Du, Tổng Thư ký Hội Nhạc hơi oan uổng. Sự tởm lợm thì có thật, nhưng người làm những hành động đó không phải là Huy Du, là một người khác mà anh cũng chẳng thèm nhớ tên làm gì.

Có một điều quan trọng nhất là anh về nước kịp thời. Cha anh bị bệnh đã khá lâu và không được điều trị một cách đúng mức. Cha anh cần phải mổ ngay, một cái bướu trong phổi. Anh về nhà hôm trước, vài ngày sau cha anh nhập viện, một bệnh viện dành cho các cán bộ cấp cao cỡ thứ trưởng trở lên. Cha anh được bác sĩ Tôn Thất Tùng, người bác sĩ số một của y khoa Hà Nội khám bệnh và được giải phẫu bởi một bác sĩ lừng danh về phẫu thuật. Nhờ vậy mà anh cứu ông cụ sống thêm được mười năm nữa. Cha anh, nhạc sĩ và nhà thơ Đặng Đình Hưng được nhìn thấy con ông như một con cá kình, quẫy thủng cái lưới mà thoát ra biển khơi. Còn chính ông, không gặp may như con ông, nên cam phận là một con cá trong ao tù. Điều đó có xá kể gì khi ông tưởng rằng sẽ không bao giờ thấy được một chút ánh sáng nào lóe lên trong đời từ sau vụ Nhân văn Giai phẩm, nào ngờ ông được chứng kiến những vinh quang của con ông trong vòng mười năm. Ông chết vào năm 1990, năm ngoái khi mãn hạn đại tang ba năm, chính Đặng Thái Sơn đã về bốc mộ cho cha.

Cũng trong năm 1993 đó, một người thân khác đã ra đi về chốn vô cùng. Giáo sư và ân nhân của Đặng Thái Sơn, ông Natanson cũng đã đi vào lòng đất. Năm ngoái, trên đường đi trình diễn một vòng Âu Châu, Đặng Thái Sơn về đứng lặng nơi mộ ông thầy. Anh thấy đời người ta sao mà ngắn, còn con đường nghệ thuật thì dài lê thê. Có biết bao nhiêu người đã gục chết vô danh bên lề của con đường nghệ thuật này. Cha anh chẳng hạn, nếu như sau này người ta có biết đến ông cũng chỉ vì vụ Nhân văn Giai phẩm, cùng chuyện thành công của chính anh. Trên những con đường khác của những bộ môn nghệ thuật khác dường như nhan nhản những nấm mồ. Cái chết của cha anh và thầy anh là những mất mát lớn nhất trong đời anh.
Nguồn: Thế ká»· 21, 1995. Bản đăng trên talawas có má»™t số sá»­a đổi vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.