trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
3.1.2005
Nguyễn Trọng Văn
Trí thức không cộng sản
 1   2 
 
Gần đây có hai cuốn nói về trách nhiệm chính trị của trí thức: Một của Mark Lilla nhan đề The Reckless Mind: Intellectuals in Politics, cuốn kia của Richard Wolin, đề tựa Heidegger’s Children: Hannah Arendt, Karl Lowith, Hans Jonas and Herbert Marcuse. Cả hai cuốn đều nói về trách nhiệm chính trị của Heidegger và về những người trí thức gốc Do Thái theo tư tưởng Heidegger. Là triết gia và nhà thần học vĩ đại của thế kỷ 20, Heidegger ủng hộ Hitler và hô hào mọi người theo chủ nghĩa Ðức Quốc Xã. Trong bài điểm sách ngắn gọn và súc tích “The Responsibility of Intellectuals”, giáo sư triết lý chính trị Mark Blitz đã đưa ra những nhận xét rất đáng lưu ý, và cũng cần được trao đổi. [1]

Nói về chế độ toàn trị, người ta thường nhắc tới Ðức Quốc Xã và Cộng sản, coi đây là hai mô hình tiêu biểu. Vấn đề trách nhiệm của trí thức Ðức Quốc Xã đã được đặt ra, dù khá muộn. Thế còn trí thức Cộng sản? Và không-cộng sản? Vai trò và trách nhiệm của họ như thế nào? Tại sao ta không chủ động, khi biết rằng sớm muộn “người khác” cũng sẽ đặt ra, với những cách lý giải chắc không như ý muốn của mình?


1.

Trên nguyên tắc, chúng ta không nên định nghĩa một khái niệm bằng cách dùng những từ phủ định, vì từ được định nghĩa bằng những phủ định sẽ mơ hồ, không rõ nghĩa, mặt khác lượng thông tin cũng rất ít, nếu không phải là không. Em tên là gì? Em không tên là Loan, không tên là Hạnh, không tên là Yến, không tên là Tuyết, v.v... Vậy em tên là gì? Ðịnh nghĩa bằng những phủ định nổi tiếng trong lịch sử triết học phương Ðông là về ÐẠO của Lão Tử: “Ðạo là cái mắt không thấy, tai không nghe, tay không nắm được, đón nó thì không thấy đầu, đuổi nó thì không thấy đuôi.” Vậy Ðạo là cái gì? Ðạo là cái năm không? Hồi học Triết ở Trung học, tôi rất “tâm phục khẩu phục” định nghĩa kỳ lạ trên, hãnh diện vì mình được tiếp cận với một định nghĩa lạ lùng, “khó hiểu” như vậy. Về sau, tôi dần dần nhận ra không phải chỉ có đạo Lão mới có những đặc tính trên. Bất cứ một khái niệm nào cũng có những thuộc tính như vậy. Hãy thay chữ Ðạo bằng chữ Hạnh phúc, Cái chết, Khoái lạc, Cộng sản, hoặc bất cứ một chữ nào khác, bạn cũng sẽ thấy những thuộc tính phủ định của Ðạo tương thích một cách kỳ lạ với những chữ trên. Như vậy nghĩa là thế nào? Mọi vật cụ thể ngoài thực tế (mặt trời, sông, núi, lửa) hoặc ý nghĩ trừu tượng trong tư tưởng (buồn, yêu, ghen), trước khi được trừu tượng hóa, khái quát hóa thành những khái niệm trừu tượng, vô hình, ảo, đều không có tên gọi. Gọi tên sự vật tức là gán cho nó một cái “tên”, một từ, một chữ (chữ mặt trời, chữ sông, núi, chữ lửa, chữ ghen). Sự vật và tên gọi sự vật khác nhau. Lửa đốt cháy và làm phỏng da, còn chữ lửa thì không thể đốt cháy và làm phỏng da. Chữ chỉ là những ký hiệu trừu tượng thay thế một thực tại, để chỉ một thực tại vắng mặt. Khái niệm nào cũng vô hình, trừu tượng, nghĩa là “mắt không thấy, tai không nghe, tay không nắm được, không đầu, không đuôi”. Trước khi là triết gia, Lão Tử chắc hẳn là một nhà ngôn ngữ học! Chữ nghĩa giúp chúng ta gọi tên thực tại, nhưng chữ nghĩa cũng giúp ta che giấu thực tại, làm ta “chệch hướng”, lẫn lộn, tưởng cái có thực là cái ảo, tưởng cái ảo là cái thực.


2.

Giữa hai khái niệm trí thức cộng sảntrí thức không – cộng sản khái niệm nào rõ nghĩa hơn? Theo quan điểm Aristote, trí thức cộng sản có ý nghĩa rõ ràng hơn; đúng ra, vẫn theo tác giả bộ Organon, không nên dùng chữ trí thức không-cộng sản vì cụm từ phủ định này không làm rõ nghĩa cho từ trí thức, nó cũng chẳng đem lại một lượng thông tin mới mẻ nào. Theo cái nhìn hậu hiện đại thì khác: chúng ta đang tháo gỡ các khái niệm, lắp ghép, tái cấu trúc lại chúng theo cách của mình, do đó quan điểm lôgích hình thức của Aristote không còn tương thích nữa. Nói cách khác, từ trí thức cộng sản là một lắp ghép gượng gạo, không có thực, không phản ánh thực tiễn Việt Nam và các nước cộng sản khác, nó chỉ có tác dụng đánh lừa (vì trí thức là cởi mở, phê bình, sáng tạo, còn từ cộng sản là gò bó, giáo điều, khép kín); trí thức không - cộng sản, dù được làm rõ nghĩa bằng một phủ định, một lắp ráp (bị coi là) vô nguyên tắc, lại có thực, hơn thế, phản ánh đúng thực tiễn Việt Nam và các nước cộng sản, nó không có tính lừa dối, ngoài đời thường cũng như nơi thực tế “ảo” trong óc.


3.

Với vài mảnh xương, các nhà cổ sinh vật học có thể khôi phục lại nhiều loài khủng long. Hơn thế, họ còn có thể khôi phục lại đựợc những triều đại từ cách đây hàng triệu năm. Với những khái niệm được lắp ghép một cách vội vã, vụng về, cũng có khi tinh xảo, khéo léo, chúng ta hoàn toàn có thể tái dựng lại một tấm khảm muôn màu đời sống của những sinh vật có lý trí, có ngôn ngữ, da trắng, da vàng, biết chế tạo chất độc da cam, biết dùng khí giới địch để đánh địch, trong khoảng mấy chục năm trở lại đây. Thí dụ những khái niệm như: yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội/ yêu nước là xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh/ trí thức cộng sản/ trí thức không-cộng sản/ các nước không-liên kết/ những bóng ma của Mác/ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản/ tout anti-communiste est un chien (Sartre), thà sai với Sartre còn hơn đúng với Aron, v.v...


4. Nhà nho, sĩ phu, trí thức và trí thức cách mạng

  1. Cùng là nho sĩ tôn thờ giáo lý Khổng Mạnh, có người cho rằng học để làm quan, phục vụ triều đình, ý nghĩa cuộc đời là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; nhưng có người lại cho rằng học để làm người, ý nghĩa cuộc đời là phải trị quốc bình thiên hạ trước, hoặc song song với việc tu thân tề gia, vì đất nước dưới ách thống trị của ngoại bang thì đâu còn thân mà tu, nhà mà tề? Sự phân biệt nho sĩ và sĩ phu dựa trên việc biết hoặc không biết sử dụng kiến thức của mình: làm quan hay làm người, vì cá nhân, gia đình, hay vì đất nước, dân tộc.

  2. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mô hình trí thức xuất hiện. Trí thức là người kế tục truyền thống nhà nho và sĩ phu của dân tộc. Những người có học, biết chữ nghĩa thánh hiền, có hai con đường tiến thân: một là thi đỗ thành đạt thì làm quan, lên kinh đô, hưởng bổng lộc triều đình; hai là nếu lận đận về đường khoa cử thì về làng làm thầy đồ, thầy lang, sống với làng xóm, với nhân dân. Khi người Pháp tới, triều đình chịu khuất phục, những (nho sĩ) quan chức “tai to mặt lớn” của triều đình (phải) hợp tác với Pháp, trở thành”tay sai”, “bán nước”. Những thấy đồ, thầy lang, xưa dạy học bốc thuốc, nay trở thành những sĩ phu yêu nước, lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống Pháp, cãi lệnh triều đình. Trong giới trí thức Tây học, một số theo truyền thống (nho sĩ) quan lại, hợp tác với Pháp (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Quảng Hàm), số khác theo truyền thống sĩ phu yêu nước, lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, giành độc lập chủ quyền cho dân tộc (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc).

  3. Trí thức cách mạng, ngoài những nét chung với trí thức Tây học, còn có những nét đặc trưng như sau:

    1. Kế tục truyền thống chống ngoại xâm: Hệ tư tưởng Khổng Mạnh giữ vai trò thống trị, còn đạo Phật, đạo Lão, triết lý dân tộc ở thế bị trị. Thực dân Pháp tới, tất cả các hệ tư tưởng trên cùng bị dồn vào thế bị trị, hệ tư tưởng Tây phương Thiên chúa giáo trở thành thống soái. Hệ tư tưởng Mác-Lênin - phản đề đối với hệ tư tưởng Tây phương Thiên Chúa giáo- ở vị thế bị trị, và theo truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

    2. Tính cách quốc tế: Chủ nghĩa yêu nước, giải phóng dân tộc được nâng cấp lên thành chủ nghĩa quốc tế vô sản, không những giải phóng dân tộc mà giải phóng toàn thể nhân dân nô lệ, bị áp bức trên toàn thế giới.

    3. “Tri và Hành” mới: Các triết gia từ trước đến nay đã giải thích thế giới một cách khác nhau, vấn đề giờ đây là cải tạo nó đi (K. Marx). Tri và hành mới khác lạ hơn ở khâu thực hiện, tổ chức quần chúng, biến lý thuyết thành hiện thực một cách hiệu quả.

    4. Sức mạnh vật chất và tinh thần đủ mạnh để đánh thắng kẻ xâm lược, bảo vệ chính nghĩa dân tộc. Chiến tranh Việt Nam là sự va chạm của hai nền văn minh: phương Ðông - phương Tây/ Nho, Phật, Lão - Thiên Chúa giáo/ cung tên giáo mác - vũ khí tối tân. Có nhân dân, có chính nghĩa dân tộc là một chuyện, có sức mạnh để bảo vệ chính nghĩa lại là một chuyện khác. Việt Nam hội đủ cả hai điều kiện này.

    5. Trí thức là người lao động trí óc nên thường nói giỏi hơn làm, ưa an nhàn sung sướng, sợ gian khổ, khó khăn, cá nhân chủ nghĩa, ưa tự do, sợ kỷ luật, xa cách quần chúng, v.v...; trí thức cách mạng tránh được những mặt yếu đó, họ sống hòa mình vào quần chúng, nói và làm, làm tới nơi tới chốn, làm bằng được. Họ cũng thích an nhàn sung sướng, nhưng họ không ngại khó khăn, gian khổ; với niềm tin sắt đá, họ sẵn sàng sống và chết vì dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.


5.

  1. Tĩnh từ không-cộng sản có thể đi với nhiều danh từ khác như trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, dân thường, VIP, công nhân, nông dân, cán bộ công nhân viên, v.v... (trí thức không-cộng sản, giới văn nghệ sĩ không-cộng sản...) 2 triệu cộng sản/ 80 triệu không-cộng sản.

  2. Nó có thể áp dụng cho người Việt Nam trong và ngoài nước (trí thức (Việt Nam) không-cộng sản, trí thức Việt Nam hải ngoại không-cộng sản), và cả người nước ngoài (trí thức Pháp không-cộng sản...).

  3. Trong bài này, chúng ta tập trung nói về trí thức không-cộng sản. Trí thức có thể hiểu như một danh từ (các nhà trí thức Việt Nam) hoặc tĩnh từ (thái độ trí thức, phong cách trí thức). Bài này vừa nói về trí thức như một danh từ (người trí thức), vừa như một tĩnh từ (thái độ trí thức).

  4. Gọi trí thức yêu nước là để phân biệt với trí thức không yêu nước hoặc trí thức yêu nước ngoài, hoặc đúng hơn là những người trí thức ít quan tâm tới vấn đề đất nước, dân tộc. Những người trí thức này mơ ước một đời sống no đủ, bình thường, tách khỏi thứ chính trị như hiện nay, bị coi là lừa lọc, nguy hiểm, có thể được mời “bóc lịch” như chơi.


6.

Không-cộng sản được hiểu theo nghĩa nào?

  1. Thứ nhất, không-cộng sản là không theo chủ nghĩa cộng sản, có thể là theo tư bản hay không-tư bản; không theo nhưng cũng không chống cộng sản (trí thức và cộng sản có một mẫu số chung là truyền thống yêu nước, chống thực ngoại xâm, giải phóng dân tộc, đây là điều cần ghi nhớ).

  2. Thứ hai, không-cộng sản là không phải đảng viên cộng sản, nghĩa là không vào đảng, không vào vì không được vào, đúng ra là không muốn vào (thời bình, đảng tiêu biểu cho xôi thịt, tham nhũng, làm quan phát tài, nhất là mất tự do, điều tối kỵ của trí thức), không muốn vào trong nhưng cũng không muốn hoàn toàn tách khỏi cộng sản, chỉ muốn ở bên cạnh, bên ngoài, thậm chí vượt trên cộng sản thì tốt nhất.

  3. Thứ ba, trí thức không-cộng sản không chấp nhận những biểu hiện tiêu cực cộng sản đang trở thành phổ biến trong xã hội, cụ thể như sau:

    1. Tham nhũng có hệ thống, từ trên xuống dưới, kiểu “tư sản đỏ”. Cần có một Guinness Việt Nam về tham nhũng;

    2. Dân chủ hình thức: một quan niệm lệch lạc về dân chủ, theo đó “dân chủ là dân có chủ”;

    3. Khả năng lãnh đạo yếu kém, hứa cuội, đùn đẩy trách nhiệm;

    4. Hành chánh cồng kềnh, phiền hà, cố tình nhũng nhiễu dân;

    5. Sống trên luật pháp, bao che xã hội đen;

    6. Tham ô, lãng phí ngoài sức tưởng tượng;

    7. Chủ nghĩa lý lịch kiểu mới, chuyên chính vô học kiểu mới;

    8. Giáo điều, độc quyền chân lý, độc quyền tư tưởng (trong khi chủ trương nhiều thành phần kinh tế, sẵn sàng giao tiếp với các nước “bạn”, các hệ tư tưởng “khác” với mình);

    9. Coi nhân dân như được sinh ra là để phục vụ Ðảng và Nhà nước;

    10. Bệnh phô trương “giàu mới”, bệnh kiêu ngạo “tư sản đỏ”;

    11. . Chiếm của công làm của tư một cách tràn lan, kiểu “tư sản đỏ”;

    12. Lý luận cách mạng, hành động phản-cách mạng;

    13. Làm giàu phi pháp, xử lý nội bộ, bè phái, COCC (con ông cháu cha);

    14. Chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy “quota”;

    15. Bằng gian, bằng giả, báo cáo giả, thành tích giả, người giả;

    16. Học lóm, học lỏi/ khôn vặt, khôn lỏi, từ tiểu học tới đại học, nhất là đại học;

    17. Thái độ vô cảm, vô trách nhiệm, vô lương tâm, vô đạo đức;
      v.v... và v.v...


  4. Thứ tư, trí thức không-cộng sản, trong nước cũng như ở nước ngoài đều có một mẫu số chung là hướng tới dân chủ, tự do và những giá trị nhân bản đích thực:

    1. Phát huy truyền thống yêu nước không- cộng sản (và cộng sản);

    2. Phát huy óc phê bình và sáng tạo;

    3. Phát huy tinh thần đại đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, chính kiến, trong nước–nước ngoài, trong đảng-ngoài đảng;

    4. Ðề cao lòng can đảm, trung thực, liêm khiết trí thức;

    5. Phát huy những giá trị nhân bản đích thực, vượt cả tư bản lẫn cộng sản;

    6. Phấn đấu thực sự xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

    7. Bước vào hội nhập, toàn cầu hóa, mơ ước vượt lên trên những chuẩn mực sẵn có của cả tư bản lẫn cộng sản, để có thể tuyên dương những điều tốt đẹp và phê phán những điều sai lầm của cả tư sản lẫn tư sản đỏ;

    8. Quán triệt tinh thần UNESCO về văn hóa-giáo dục thế kỷ 21. Thực sự kết hợp tri và hành: Học để biếthành động, học để làm người, hoc để sống với người khác;

    9. Muốn trở thành lương tâm thức tỉnh của cả tư bản lẫn cộng sản;
      v.v... và v.v...


7. Trí thức và thái độ trí thức

  1. Trí thức

    Trí thức không phải là một nghề mà là một thái độ. Triết gia, nhà tư tưởng, chuyên viên, nhà văn, thầy giáo... nói chung là những người sống bằng nghề: nghề triết lý (triết gia, nhà tư tưởng), nghề chuyên môn (chuyên viên điện toán), nghề viết văn, làm thơ (nhà văn, nhà thơ), nghề dạy học (“godautre”, từ của Nguyên Sa). Xã hội hiện nay thường gặp “hai trong một” (thầy giáo+thi sĩ), “ba trong một” (nhà điêu khắc+họa sĩ+thi sĩ), “bốn trong một” (giáo sư+nhạc sĩ+thi sĩ +bấm tử vi). Trí thức không phải là một nghề, trí thức là một thái độ, một phong cách. Khi nhà văn viết một cuốn tiểu thuyết, ông là nhà văn, nhưng khi ông lên tiếng về chiến tranh Việt Nam hay chiến tranh Algérie thì ông là nhà trí thức (E.Morin); Tương tự, Bertrand Russell là triết gia, nhà toán học, nhà văn (Nobel 1950), nhưng khi ông lập Tòa án Chiến tranh để kết tội đế quốc Mỹ thì ông là nhà trí thức; cũng vậy, Jean Paul Sartre là triết gia, nhà biên kịch, nhà văn (từ chối Nobel 1964), nhưng khi ông đăng đàn nói về Tội diệt chủng của Mỹ [On genocide (1968)], nhất là khi tổ chức Un bateau pour le Viet Nam (1979) thì ông là nhà trí thức. Các đặc điểm nổi bật của nhà trí thức là:

    1. Tinh thần cởi mở, phóng khoáng, rất “triết học”, khác với tinh thần gò bó, khép kín của chuyên gia, chỉ biết phạm vi chuyên môn hạn hẹp của mình.

    2. Có óc phê bình, sáng tạo, tìm kiếm cái mới. Phê phán bất cứ điều gì cản trở sự sáng tạo, kìm hãm sự ra đời của cái mới.

    3. Ðộc lập, dân chủ, tự do. Những lý tưởng này phải thường xuyên được thay đổi, nâng cấp để thích ứng với quá trình hội nhập, toàn cầu hóa.

    4. Có lương tâm trăn trở và muốn tạo lương tâm trăn trở cho mọi người, tư bản cũng như cộng sản; chống lại lương tâm tự mãn,cái mà một vài quan chức về hưu, cao tuổi, thường gọi là “kiêu ngạo cộng sản”.


  2. Thái độ trí thức

    1. Bày tỏ một thái độ trước một tình huống cụ thể, không bình thường luôn luôn hàm chứa một ý hướng đánh giá và phê phán. Tình huống cụ thể ở đây phải hiểu là một tình huống ít nhiều bị che dấu, làm sai lệch; lên tiếng đòi hỏi làm sáng tỏ tức là đòi chấm dứt tình trạng không bình thường, sửa sai vụ việc bất công, bị che dấu. Tình huống rất cụ thể, chi tiết (vấn đề nhân quyền, đàn áp, bạo động, tham nhũng), được đặt trong một toàn cảnh bao quát (chiến tranh, hòa bình, giải phóng, cải tạo, dân chủ).

    2. Dám nói, dám viết, dám đòi hỏi những điều người khác có thể cũng biết, nhưng vì một lý do nào đó, không muốn, không dám nói ra, viết ra. Thái độ trí thức đòi hỏi một sự can đảm, trung thực trước vụ việc. Người trí thức ủng hộ việc làm chính đáng và phê phán, tố cáo việc làm không chính đáng của bất cứ chế độ chính trị, xã hội nào, chứ không phải là người chỉ biết ca ngợi hoặc chống đối một cách mù quáng một chế độ chính trị, xã hội nhất định, chỉ có trong lý thuyết, không cần biết thực tế nó biến chuyển, tốt xấu như thế nào.

    3. Vượt trên lợi ích cá nhân, đảng phái: việc bày tỏ thái độ của trí thức luôn liên hệ tới lợi ích của một tập thể, một quần chúng đông đảo, có khi của tất cả “mọi người” (cả tư bản lẫn cộng sản). Khi J. P. Sartre, cùng B. Russell, lập Tòa án Chiến tranh xử tội đế quốc Mỹ, hoặc khi ông tuyên bố “tout anti-communiste est un chien” thì ông đã đứng về phía cộng sản; trái lại, khi lên tiếng về vụ đàn áp dân chủ tại Poznan (1954) hay vụ “thuyền nhân” tại Việt Nam (1979) thì ông đã đứng về phía tư bản. Bài học rút ra từ trường hợp của Sartre và những người trí thức khuynh tả: vừa là tư bản vừa vượt trên tư bản, vừa là cộng sản vừa vượt trên cộng sản, thân cộng nhưng không vào đảng, không trong đảng nhưng cũng không hoàn toàn ngoài đảng, quyền lực của trí thức chính là tự do và trách nhiệm trong đánh giá cả tư bản lẫn cộng sản.


8. Trí thức cộng sản và không-cộng sản

Ðối chiếu với các tiêu chí ở phần 7, ta có bảng so sánh như sau:

Bảng 1: Những điểm tương đồng và khác biệt căn bản giữa trí thức cộng sản và không-cộng sản
Tiêu chí (A)Cộng sản (B)+/-Không-cộng sản (C)+/-
1. Cởi mở, phóng khoáng?Trí thức cộng sản được đào tạo như chuyên gia, nặng về chuyên môn, thường gò bó, khép
kín, hiếm khi có tinh thần cởi mở, phóng khoáng.
+-Nhìn chung, có chuyên môn sâu, đồng thời cũng có tinh thần cởi mở, "triết học.” Sẵn sàng đối thoại với những người có ý kiến khác mình.++
2. Óc phê bình, sáng tạo?Trong đấu tranh cách mạng, óc phê bình sáng tạo rất phát triển. Khi trở thành đảng nắm quyền, hệ thống Mác Lê-nin được coi là một khối hoàn chỉnh; không được phê bình, không dám sáng tạo gì thêm, sợ mang tiếng xét lại, tay sai thực dân, đế quốc, chệch hướng, diễn biến hòa bình.+-Ðây là đặc tính đương nhiên phải có của trí thức, triết gia tư sản. “Triết lý là luôn luôn trên đường. Trong triết học, câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời, và mỗi câu trả lời phải trở thành một câu hỏi mới.”(K.Jaspers). ++
3. Ðộc lập, dân chủ, tự do?Trong đấu tranh cách mạng, lý tưởng cộng sản giống lý tưởng yêu nước. Khi có chính quyền, chủ nghĩa cộng sản phát triển lên thành chủ nghĩa quốc tế, toàn trị và giáo điều, chứ không thành độc lập, dân chủ, tự do. +Trên nguyên tắc, chủ nghĩa yêu nước phát triển lên thành độc lập, dân chủ, tự do. Ðích tới của chủ nghĩa yêu nước (độc lập, dân chủ, tự do) và chủ nghĩa xã hội (quốc tế, toàn trị, giáo điều) hoàn toàn khác nhau.++
4. Lương tâm trăn trở?Chủ nghĩa Mác Lê-Nin chứa những chân lý tuyệt đối như trong kinh thánh, người trí thức cộng sản thường có lương tâm tự mãn hơn là lương tâm thắc mắc. Lương tâm trăn trở (nói ra) còn bị mang tiếng giao động, không kiên định lập trường.-Trí thức không-cộng sản thường thắc mắc làm sao tư duy đúng hơn, hành động tốt hơn, mọi công việc sao hoàn thiện hơn. Số người có lương tâm tự mãn cũng không phải là ít.+-
5. Bày tỏ thái độ, đánh giá, phê phán.Thường không lên tiếng, bày tỏ thái độ trước việc làm của Ðảng và nhà nước (các vụ tham nhũng lớn thường do báo chí và nhân dân phanh phui,
sau khi được những tiết lộ từ “trên”). Thái độ vô cảm, vô trách nhiệm ngày càng phổ biến.
--Coi việc làm của Ðảng và Nhà nước có mặt tốt, mặt chưa tốt cần phải được nhân dân đánh giá, phê phán khách quan, công bằng. Thái độ dửng dưng, phê phán một chiều cũng không phải là không phổ biến nơi trí thức trong nước và ở nước ngoài.+-
6. Thái độ liêm khiết, cương trựcMột thiểu số có đặc tính này, đại đa số có chức có quyền không có đặc tính này.+-Một thiểu số có đặc tính này, một thiểu số không có đặc tính này.+-
7. Muốn vượt cả tư bản lẫn cộng sản.Một số trí thức cộng sản có đặc tính này, tuy điều kiện để đạt đặc tính này (trí thức cộng sản trong nước) chưa phải là phổ biến. Ðại đa số không có đặc tính này.+-Một số trí thức không-cộng sản có và một số không có đặc tính này. Về bản chất, những điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi để đạt đặc tính này cũng đã hội đủ (nhất là với trí thức không-cộng sản ở nước ngoài).+-


Qua bảng so sánh trên, một cách rất khái quát, ta có thể nói:

  1. Ðặc tính 1,2,3: những điểm khác biệt. Ðặc tính số 3: đặc tính này giúp chúng ta nhận ra sự khác biệt rất sâu sắc về bản chất mà chúng ta thường bỏ qua, không nhận ra. Cho rằng chủ nghĩa xã hội Việt Nam là “chuyên quyền”, “toàn trị” là sai (vì nó có yếu tố yêu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập, chủ quyền) cũng như cho rằng nó là “của dân, do dân, vì dân, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” cũng không hoàn toàn đúng (vì về bản chất, nó hướng tới toàn trị và giáo điều). Trong quá trình đổi mới hiện nay, chủ nghĩa xã hội Việt Nam ở giữa hai cực nói trên; những khẩu hiệu hành động của chủ nghĩa xã hội thực ra là mượn từ chủ nghĩa yêu nước, trong tương lai nó sẽ như thế nào là vấn đề khác, và phải được hiểu theo nghĩa khác.

  2. Ðặc tính 4,5,6: những điểm giống nhau. Có vẻ như đặc tính 4 chỉ dành cho trí thức không-cộng sản. Nhưng thực ra, nó cũng là đặc tính của trí thức cộng sản. Nếu không trăn trở, phê bình, tự phê trước câu hỏi "ÐỔI MỚI HAY LÀ CHẾT” thì không thể có đường lối đổi mới năm 1986, và chúng ta không thể có thành quả một chủ nghĩa xã hội tương đối “dễ thở” như hôm nay.

  3. Ðặc tính 7: đây là phần giao nhau, hỗ trợ, bổ túc nhau, chứ không phải đặc tính của sự khác biệt. Trí thức cộng sản và không-cộng sản, tuy không nói ra, đều cảm thấy cần vượt qua cả tư bản lẫn cộng sản. Ðó cũng là đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Tất cả những đặc tính kia, xét cho cùng, đều hướng tới đặc tính thứ 7 này.


© 2005 talawas



[1]http://www.claremont.org/writings/crb/fall2002/blitzintel.html