trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
16.10.2008
Jonathan Littell
Ghi chép từ Gruzia
Phạm Toàn dịch
 1   2 
 
Ít ngày sau khi cuộc xung đột ngắn giữa Nga và quốc gia vùng Nam Kavkaz ngừng tiếng súng, nhà văn Pháp Jonathan Littell – tác giả cuốn tiểu thuyết đoạt giải Goncourt Les Bienveillantes – đã đi Gruzia theo đề nghị của Le Monde 2 (phụ trương cuối tuần của Le Monde). Ông đã đi khắp vùng, gặp gỡ các nhà chính trị, các tướng lĩnh Nga, cư dân và binh lính, thử tìm hiểu các quan điểm khác nhau của mọi người. Sau đây là bài viết của ông.
“Pishite pravilno! (= Hãy viết cho đúng!)” “Hãy viết về những gì đã thực sự xảy ra!” Ở đó, người ta luôn luôn nhắc nhở bạn như thế. Khắp Nam Ossetia và Abkhazia, và ngay cả ở Gruzia cũng thế, ai ai cũng muốn vậy, muốn báo chí viết cho đúng những gì đã thực sự xảy ra. Nhưng việc đó chẳng dễ dàng gì. “Mọi người đều đặt ra những câu chuyện để biện bạch cho các định kiến của mình,” đó là lời Dan Kunnin, cố vấn người Mỹ của Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili, tại văn phòng của ông đặt ở dinh tổng thống mới xây ở thủ đô Tbilisi. Ai là kẻ gây chiến, ai là nạn nhân? Với người Gruzia, họ có “toàn vẹn lãnh thổ”, và họ có cái quyền thiêng liêng bằng mọi cách giành lại sự kiểm soát đối với hai vùng ly khai. Với người Ossetia và nhất là với người Abkhazia, đó là chuyện bất công và láo toét, và cái ý tưởng có ngày bị sát nhập vào Gruzia cũng thô lậu như yêu cầu người Estonia nhập vào với nước Nga vậy. Nhà sử học Stanislav Lakoba, thư ký Uỷ ban An ninh Abkhazia có bận đã nói với tôi tại thủ đô Sukhumi của Abkhazia rằng: “Thật không hiểu nổi: vì sao phương Tây cứ luôn miệng nói chống Stalin, song lại muốn áp đặt cho chúng tôi những đường biên giới do Stalin vạch ra.”

Với người Abkhazia, đất nước của họ, cái xứ sở trường kỳ hục hặc với các quận huyện của Gruzia, vùng đất ấy chưa khi nào là một bộ phận của xứ Sakartvelo [1] , tức là nước Gruzia, một không gian hình học luôn luôn biến động trước khi người menshevik theo đường lối dân tộc chủ nghĩa rồi đến những người cách mạng bolshevik gán cho nó cái hình thù bây giờ. Rất nhiều người tin chắc rằng mặc dù bị các nhà nghiên cứu phản đối lại với lý do rằng thực tế phức tạp hơn nhiều, thì chính cái ông người Gruzia có tên Stalin đã “đem cho” Gruzia cái xứ Abkhazia vào năm 1931 với thể chế cộng hoà tự trị, mặc dù trước đó nó từng có thể chế độc lập chẳng kém gì Gruzia. Vào tháng Mười Hai năm 1991, ba ông tổng thống người Slav của Liên Xô là Boris Eltsin và các đồng nhiệm ở Belarus và Ukraina đã quyết định việc giải thể Liên Xô sẽ giữ nguyên đường biên giới của mười lăm nước cộng hoà Xô-viết, và không trao quyền gì cho các nước cộng hoà tự trị như Abkhazia, Chechnya hoặc Nagorno-Karabakh – tạm kể mấy nước đó thôi –; một quyết định đơn phương không tham khảo ý kiến các bên liên quan, song đã được cộng động quốc tế thừa nhận ngay tắp lự chỉ vì lo lắng: họ thậm chí vẫn còn bị cái chấn thương (chính đáng) từ Thế chiến II ám ảnh trước bất cứ một ý định thoáng qua nào muốn xét lại các đường biên giới, dù là những đường biên giới bị áp đặt sai lạc nhất hạng.

Về điều này, người Gruzia phản đối lại bằng sự kiện: năm 1991, người Abkhazia chỉ chiếm 17,8% dân số cái nước Abkhazia này (so với 45,7% người Gruzia), và ở đây người Gruzia có cái quyền do Liên Xô cũ đặt ra rằng Gruzia mới là “quốc gia thực thụ”. Người Abkhazia liền gọi đó là đường lối xâm chiếm thuộc địa của Beria, còn người Gruzia thì lên án cuộc thanh lọc chủng tộc (của chính quyền Abkhazia) sau cuộc chiến tranh năm 1993... Những cuộc cãi cọ không có hồi kết và không có lối ra mà tác dụng duy nhất cho tới nay là chặn được bạo lực và chí ít là cũng phơi bầy ra được các sự việc dù đó là những sự việc bi thảm. Nhưng đến lượt chúng, các sự việc đó lại tạo ra những cuộc cãi cọ mới xoay quanh những tranh chấp cơ bản để mọi chuyện lại cứ thế tiếp tục: Ai khởi đầu mọi chuyện? Ai là kẻ xâm lược và ai là nạn nhân? Ai phải bị lên án về tất cả những cái chết kia và tất cả những sự huỷ diệt nọ? Theo cách lý giải hiện đang được người Gruzia nêu lên, thì mọi việc họ làm chỉ là để tự vệ chống lại một cuộc xâm lăng của Nga được chuẩn bị từ lâu rồi. “Chỉ có lố bịch thì mới nghĩ khác thế,” Dan Kunnin tuyên bố. Kể từ đầu tháng Tám, tình trạng căng thẳng với Nam Ossetia, với việc lúc lúc lại có những cuộc tiến đánh và ném bom vào làng mạc người Gruzia sống quanh thủ phủ Tskhinvali của Ossetia đã lên đến đỉnh cao.

Cộng đồng quốc tế phản ứng lại một cách èo uột, bằng lòng với việc nhắc nhở người Gruzia “chớ để bị cuốn vào những cuộc khiêu khích”, nhưng lại không hề gây áp lực với người Nga để họ ghìm người Ossetia của họ lại. Những trận đánh quy mô lớn bắt đầu vào đêm mồng 7 rạng ngày mồng 8 tháng Tám, bắt đầu bằng việc phía Gruzia ném bom Tskhinvali, tiếp theo là những trận xung phong chính quy ào ạt. Người Gruzia nói họ tự vệ chính đáng, vì có hàng trăm xe tăng Nga đã qua đường hầm Roki nối Nam Ossetia với Nga để mở đầu cuộc xâm lăng, và mục đích các trận đánh của Gruzia chỉ để chặn đứng hoặc ít ra là kìm chân cuộc tiến công của người Nga lại. Một tháng sau những sự kiện đó, chính phủ Gruzia đưa ra một phần chứng cớ: những băng ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại giữa lính biên phòng Ossetia, vào khoảng 3 giờ sáng ngày 7 tháng Tám, nói đến những xe bọc thép trong đường hầm. Nhưng như tờ New York Times đã cho đăng các chứng cớ đó, thì ta vẫn không biết được có bao nhiêu xe bọc thép và cũng không biết được mục đích thực sự nhiệm vụ của chúng; về chuyện này, các băng ghi âm chẳng giải quyết nổi vấn đề gì.

Mà nếu đúng đấy là cuộc tự vệ, thì đó chỉ có thể là cuộc tự sát. Nhưng người Gruzia cãi lại: “Chúng tôi còn có cách nào hay hơn?” “Đó là lịch trình diễn tiến của một cuộc chiến tranh đã được tính sẵn,” Guiga Bokeria, thứ trưởng ngoại giao, một người thân cận của Saakashvili và có thể là một trong những chính khách có ảnh hưởng nhất Gruzia, trong lúc uống bia trong đại sảnh khách sạn Marriott ở Tbilisi đã nói như vậy vào một đêm sau đó. “Cứ như trong tiểu thuyết của Garcia Marquez ấy. Tất cả mọi người đều biết trước kịch bản.” Cái kịch bản đó mở đầu bằng những cuộc khiêu khích buộc người Gruzia phải tấn công, và cuộc phản pháo của Nga sẽ nhằm chiếm lấy hai nước cộng hoà ly khai, tiêu diệt quân đội Gruzia, và nếu có thể thì phá hoại hạ tầng cơ sở chính trị nước này và lật đổ chế độ hiện hành. “Không ai chờ đợi mọi diễn biến trên diện rộng, nhưng ai ai cũng biết mọi việc sẽ diễn ra như thế, và Gruzia sẽ thua,” Guiga nói tiếp. “Nhưng thua thì cũng phải bắt họ trả giá, và bây giờ thì họ phải trả rồi đấy. Họ đang trả giá cao trước cộng đồng quốc tế để đổi lấy mấy cái làng và mười cây số đó. Cuộc chiến thắng duy nhất với họ có lẽ là một cuộc đổi thay chế độ (ở Gruzia). Không làm nốt được điều này, thì họ chẳng được ăn gì cả.”


“Trước ngày mồng 8 tháng Tám, không thấy ai nói về chiến xa Nga…”

Điều có thể gây thắc mắc với câu chuyện vừa kể, ấy là nó mâu thuẫn với mọi tuyên bố của phía Gruzia vào lúc mọi chuyện xẩy ra. Vào đêm mồng 7 tháng Tám, khi bắt đầu tiến công vào Tskhinvali, tướng Mamuka Qurashvili tư lệnh lực lượng gìn giữ hoà bình của Gruzia tuyên bố trên truyền hình rằng Gruzia vừa mới tung quân ra “để vãn hồi trật tự hợp hiến tại Nam Ossetia”, Một lúc sau, Dmitri Sanakoev, một nhân vật ly khai lâu năm (với chính quyền Nam Ossetia) đã bỏ đi theo Tbilisi, lên tiếng bằng ngôn ngữ Ossetia với dân Ossetia để giải thích rằng Gruzia đang đem lại nền dân chủ cho họ.

Trước ngày mồng 8 tháng Tám, chẳng thấy ai công khai nói đến xe bọc thép Nga cả. (Nhưng) ở những chốn riêng tư thì (câu chuyện) phức tạp hơn nhiều: nếu như đại sứ Pháp ở Tbilisi Eric Fournier khẳng định như đanh đóng cột: “Người Gruzia không bao giờ báo cho các đồng minh Âu châu rằng người Nga đánh họ,” thì Matthew Bryza, một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ phụ trách hồ sơ Gruzia kể từ đầu nhiệm kỳ chính quyền Bush, lại giải thích cho tôi thế này: “Việc người Gruzia cởi mở với chúng tôi hơn là với người Âu châu là chuyện bình thường, vì quan hệ đặc biệt của chúng tôi với họ. Eka Tkeshelashvili, bộ trưởng ngoại giao của họ đã gọi cho tôi vào hồi 11 giờ 30 (giờ Tbilisi) và nói với tôi rằng: chiến xa Nga cùng hơn một nghìn quân sĩ của họ đã vào Nam Ossetia, chúng tôi không còn con đường nào khác, chúng tôi huỷ bỏ quy chế ngừng bắn (do Saakashvili tuyên bố lúc 19 giờ). Do chỗ tôi đã nhận được chỉ thị nên tôi đáp lại họ: ‘Tránh giao chiến với người Nga bằng mọi giá.’ Bất kể thế nào thì người Gruzia cũng tin chắc rằng mọi chuyện đã xảy ra đúng là như thế.”

Về phía Nga, cách họ giải thích sự kiện đáng khen ở chỗ nó sáng sủa hơn nhưng lại không đáng khen ở chỗ nó thiếu lương thiện hơn: “Saakashvili là một kẻ bị bệnh tâm trí, lại còn nghiện ma túy nữa, đã tung ra một cuộc tiến công diệt chủng mà nước Nga chỉ còn một con đường phải chống lại.” Dẫu sao, người Nga cũng không phải là những người duy nhất lên án về những chuyện của Saakashvili. Thực ra thì ngay từ khi lên nắm quyền vào năm 2004 sau cuộc “cách mạng hoa hồng”, Saakashvili bao giờ cũng có giọng gây gổ với hai vùng đất ly khai; đó là một giọng điệu dân tộc chủ nghĩa từa tựa như giọng ông Zviad Gamsakhurdia [2] , vị tổng thống đầu tiên của nước Gruzia độc lập, người đã coi dân Ossetia như là “những con lợn Ấn - Âu” [3] , những cư dân ngoại lai “không đáng được đồng hóa với dân Gruzia”, và là người từng phát động cuộc xung đột đầu tiên với Ossetia mà kết cục là Tbilisi đã thua.

Đi theo quan điểm gần như của Pháp về “quốc gia và dân tộc là một”, ở Saakashvili chủ nghĩa dân tộc không mang tính chất kỳ thị chủng tộc, nhưng con người này, người thích tự coi mình như Đại đế David - Người Dựng Nước [4] , ngay từ khởi thuỷ đã chẳng mơ tưởng giành lại các miền đất kia bằng sức mạnh đó sao? Trong vòng bốn năm, Saakashvili đã ngốn một tỷ lệ khổng lồ tổng sản phẩm quốc dân (GNP) ròng vào việc chi tiêu cho quân đội, cao hơn mức độ được NATO khuyến nghị. Và tại Irak, các đường phố bên trong căn cứ quân sự của Gruzia đều mang tên các thành phố Abkhazia như Gagra, Pitsunda, Gali; các bản kế hoạch tác chiến của những đội quân do người Mỹ huấn luyện đều có nội dung tái chiếm Abkhazia. “Từ đáy lòng mình, Misha (ở Gruzia mọi người, kể cả tổng thống, đều được gọi bằng tên thân mật như thế) lúc nào cũng ủng hộ một giải pháp quân sự,”một nhà báo nữ người Gruzia mà tôi quen biết từ hơn mười năm nay đã có lần nói với tôi như vậy tại Tbilisi.

Nhiều người tin chắc rằng chuyện tấn công Ossetia chẳng qua chỉ là khúc dạo đầu. “Nhiều quan chức khẳng định với tôi rằng họ hy vọng cứ đà đó sẽ chiếm gọn cả Abkhazia,” Erosi Kitsmarishvili, đại sứ Gruzia ở Nga đã tâm sự với tôi như vậy vào buổi tối hôm nọ. “Họ nghĩ đến chuyện quét sạch người Ossetia trong vòng 24 đến 36 giờ, sau đó thì từ căn cứ Senaki và đèo Kodori họ sẽ tiến công hai mũi vào Abkhazia.” Như vậy, chuyện đại quân Gruzia có mặt ở phía Tây đất nước vào ngày 7 tháng tám không phải là bằng chứng họ thiếu chuẩn bị, ngược lại là khác. Kitsmarishvili đâu có phải là một nhà quan sát vô tư: là chủ nhân của kênh truyền hình rất thế lực Rustavi 2, vào năm 2003 ông đã có vai trò chủ chốt trong cuộc “Cách mạng Hoa hồng”; tháng Giêng năm ngoái, ông đã là tư vấn cho Saakashvili trong chiến dịch tranh cử tổng thống trước khi được bổ nhiệm đại sứ tại Moskva, nơi đây cho tới khi bị triệu hồi vào tháng bảy, ông đã tìm cách xây dựng quan hệ với tổng thống Nga Medvedev và nhóm người có quan điểm tự do quanh ông này; kể từ khi xảy ra các sự biến tháng Tám, ông đã quyết định chuyển sang phe đối lập. Từ những điều đó, thật dễ nghĩ rằng Saakashvili đã bị rơi vào bẫy của Nga: một kịch bản tương tự như chuyện đã đưa viên tư lệnh người Chechnya Shamil Basaev thâm nhập vào Daghestan tháng tám năm 1999, nhờ đó mà đẩy được Vladimir Putin lên cầm quyền và làm bùng phát cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai.

Thật vậy, ai cũng nghĩ rằng người Nga đã chuẩn bị cái gì đó. Bản thân Putin đã phát đi tín hiệu ngay sau khi quốc tế công nhận nền độc lập của Kosovo, điều bị Moskva phản đối kịch liệt: “Đừng có mà bắt chước, ở đây cây nhà lá vườn...” “Chúng ta sẽ đáp trả mạnh gấp bội phần đó,” ông nói thêm. Nước Gruzia trong khi tuyệt vọng tìm mọi cách nhập vào với khối NATO, hiển nhiên là nằm trong tầm ngắm. Đầu tháng Năm, Nga vi phạm các hiệp định gìn giữ hoà bình, triển khai một nghìn lính dù ở Abkhazia, tiếp đó lại cử bốn trăm công binh đường sắt sang chữa con đường từ Sukhumi tới Ochamchiré chỉ cách đường ranh ngừng bắn vài cây số.

Ngày 15 tháng Bảy, khi những cuộc khiêu khích quanh Nam Ossetia ngày càng gia tăng về cường độ, Quân khu Bắc Kavkaz của Nga tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Kavkaz 2008”, một lý do hoàn chỉnh để tập trung trong vùng cả quân tinh nhuệ lẫn xe bọc thép và máy bay, những lực lượng này sau cuộc tập trận cứ thế lặng lẽ ém lại. Cuối tháng Bảy, nhà phân tích quân sự Nga Pavel Felgenhauer công bố bài viết trong đó nói chi tiết những gì sẽ thực sự diễn ra ở đây một tuần lễ sau đó. Khi đó, làm cách gì để Saakashvili và đám diều hâu quanh ông ta lại có thể nghĩ rằng người Nga sẽ để mặc cho họ tung hoành kia chứ? “Các bộ trưởng của Gruzia quen so sánh Nam Ossetia với một cái răng sữa,” đại sứ Eric Fournier giải thích. “Với người Nga bây giờ, chuyện bóng gió thật vô nghĩa, họ có gì nói toẹt hết.” Trong những ngày sắp nổ ra cuộc chiến, các quan chức Nga phụ trách hồ sơ Ossetia tăng cường tung ra các tín hiệu theo hướng này; họ tuyên bố công khai: “Người Ossetia càng ngày càng không kiểm soát nổi, họ không nghe chúng ta nữa, phát chán lên rồi.” Kitsmarishvili còn nêu câu hỏi, liệu cái chiến dịch gây không khí căng thẳng đó có được một kẻ nằm vùng nào trong đội ngũ Misha giúp cho căng thêm. Một cái bẫy tài tình và quy mô lớn được tạo ra để kích động vào khía cạnh dễ bị kích động của Saakashvili: như một đấu sĩ bò tót khua khăn đỏ và trông chờ tính hung hăng của con bò tót để đâm mũi kiếm vào cổ nó theo món võ recibiendo [đấu sĩ cầm kiếm đứng đợi con bò tót tự xông vào mũi kiếm]. Nhưng chỉ kể đến nguyên nhân là tính dễ bị kích động của dân Kavkaz thì có thỏa đáng không? Phải kể đến điều đó và kể cả đến sự bất lực của cả hai phía. Hẳn là chính người Gruzia có khi cũng không biết rõ chuyện gì đang thực sự xảy ra.


Kỹ nghệ tuyên truyền cao cấp

Những lối trình bầy đối nhau chan chát ấy với mục đích chính trị thực thụ được tiến hành bởi cả một bộ máy truyền thông ít nhiều tinh vi rắc rối, xưa kia được gọi là bộ máy tuyên truyền. Phía Nga, các phương tiện còn khá thô kệch. Nếu như đối với công dân Nga, nhờ quyền kiểm soát tuyệt đối của nhà nước đối với báo chí, gần như họ chỉ có thể nhận được cách giải thích chính thống, thì cách giải thích này lại ít thuyết phục đối với các nhà quan sát ngoại quốc, nhất là khi ngay từ đầu (guồng máy truyền thông Nga) đã nói đến “diệt chủng”. Phía Gruzia thì ngược lại, người ta sử dụng các kỹ thuật mũi nhọn vào việc này. Chính phủ đã thuê một phòng thông tin của Bỉ có tên Aspect Consulting để quảng bá lời giải thích của họ ra bên ngoài. Người sáng lập phòng thông tin này là Patrick Worms, mà người Nga đặt tên là “ông thầy người Bỉ của nghề quan hệ công chúng đen (tiếng Nga là chyorny PR)”, đã thiết lập luôn một hệ thống nhân viên ở từng thủ đô các nước châu Âu và hàng ngày chưng cất các tin tức rồi “găm lại” (“spin” lại) đặng cung cấp tư liệu cho ai dùng thì dùng.

Một trong những dự án quan trọng nhất của họ, tiến hành cùng với Guiga Bokeria, là xây dựng lại tiến trình chính thức các sự kiện để trao cho các nhà báo và nhà ngoại giao ở Tbilisi vào cuối tháng Tám. Nhưng bản báo cáo này cũng chỉ nói “chừng 150 xe bọc thép và vận tải quân sự của quân đội chính quy Nga đã vào đường hầm Roki và tiến về Tskhinvali vào ngày 7 tháng Tám.” Nói thế, nhưng không đưa ra bằng chứng nào. Patrick Worms gửi cho tờ Le Monde một bản thảo giải thích tài liệu kia, mở đầu bằng lời lẽ theo đúng ý đồ của Bokeria; nhưng đến đoạn này thì có chữ của ông ta ghi bên cạnh: “Nói CHÍNH XÁC đi, khi nào? Và làm sao biết chuyện đó? Và khi nào biết chuyện đó? Trước khi bọn này vào đường hầm Roki, hay là sau khi chúng ra khỏi Roki? Đây là điểm mấu chốt, mọi lời nói và mọi việc làm sẽ lệ thuộc vào đó!” Những câu hỏi thật hay, nhưng ở bản giải thích chính thức cuối cùng lại không thấy câu trả lời.

Xét như vậy thì chuyện phía Gruzia cởi mở trong quan hệ với báo chí nước ngoài là điều có thật. Mà nếu có chuyện thao túng thông tin, thì đó là thao túng ở một cực khác của lối làm ăn thô kệch kiểu phía Nga. Để thấy rõ nhận xét vừa rồi là đúng, ta chỉ cần so sánh hai cuộc “tham quan có hướng dẫn” vùng xung đột do mỗi bên tổ chức, một tuần sau khi Gruzia thua trận. Vào ngày thứ Hai 18 tháng Tám, tôi được tới Gori, một thành phố công nghiệp nằm cạnh Nam Ossetia, sau một nửa ngày khá kỳ cục đi cùng những ký giả khác và vừa đi vừa tránh các điểm chốt của quân Nga ngăn chặn chúng tôi vào nơi tham quan.

Tối đó, trên quảng trường lớn được án ngữ bởi pho tượng Joseph Stalin bằng đồng đen to tướng, trước toà thị chính có các cửa kính vỡ tan vì tiếng nổ của bom đạn tuần trước, tôi đã gặp lại Kakha Lomaia, thư ký Hội đồng An ninh Gruzia, người mà qua điện thoại đã đề nghị đưa tôi đi thăm các ngôi làng bị phá huỷ nằm ở mạn Bắc thành phố Gori. Trước đó, tôi từng gặp Lomaia vào năm 2004, khi ông mới được cử làm bộ trưởng giáo dục. Khi đó chúng tôi đã nói chuyện với nhau về sự hợp nhất các tộc người ở Gruzia, và Lomaia – người cho tới khi Cách mạng bùng nổ vẫn điều hành chi nhánh quỹ Open Society của George Soros tại Gruzia – có cách nói năng ôn hoà, xây dựng và cởi mở hơn nhiều so với tổng thống của ông ta.

Tuổi 45, đó là một trong những chính khách cao niên nhất đang cầm quyền ở Gruzia (Saakashvili mới 40 tuổi, và bộ trưởng quốc phòng của ông này chưa đến 30) và là một người được những người nước ngoài công tác ở Tbilisi đánh giá cao về tính cách phải chăng và chín chắn. “Câu trả lời của người Nga đối với cuộc Cách mạng Hoa hồng là thế này đây!” Ông nói khi tôi vừa tới. Song đến ngày hôm sau thì mọi việc khó giữ cho kín được so với dự kiến: có hàng chục nhà báo ào đến với Lomaia tại quảng trường trung tâm đòi được đi theo; Vyacheslav Borisov, viên tướng Nga chỉ huy khu vực này, hoà vào với đám đông trước khi biến mất cùng Lomaia trong toà thị chính. Sau đó, chậm trễ vài ba tiếng, một đoàn xe nối nhau lên đường: một đoàn xe cứu thương và xe buýt vàng chở đồ vứu trợ nhân đạo, cái cớ cho cuộc viếng thăm của chúng tôi, theo sau là một nửa tá xe chở đầy nhà báo.

Borisov cung cấp cho Lomaia bốn lính dù đi hộ tống; vùng bắc thành phố Gori nhung nhúc những tay súng không chính quy mà người Gruzia coi là phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra và chúng tôi sắp được thấy tận mắt. Nhờ toán lính dù mà đoàn xe đi qua các chốt kiểm soát không khó khăn; riêng tôi đi trong xe của Lomaia, vừa đi vừa thảo luận mọi điều. Tới các làng, ông ta để các nhà báo hoàn toàn tự do tác nghiệp; trong khi ông nói chuyện với dân chúng, quanh ông là các nhân viên bảo vệ riêng, các nhà báo tản đi thăm các nhà và hỏi han dân làng. Và như vậy, sau vài giờ, mọi người được thấy sự khủng khiếp thực sự của cuộc chiến tranh này đối với những ai sống gần biên giới với Ossetia, những gì xảy ra quá xa và quá bé nhỏ với những ai ngồi nhìn từ các quán cà-phê trên sân thượng ở Tbilisi.

Kể từ ngày 11 tháng Tám, ngày Gruzia thất trận, dân quân Ossetia thả cửa làm mọi điều mà không bị ai trừng phạt tại các làng không có chính quyền này, chúng cướp và đốt nhà, chúng giết những người dân thường nào không chịu chạy trốn. Lomaia cũng nói với chúng tôi về những vụ hãm hiếp mà chúng tôi không kiểm chứng được, mặc dù đó là những chuyện hoàn toàn lọt tai trong khung cảnh bạo lực và sự điên rồ đã xảy ra ở đây. Trong các nhà, đồ đạc bằng gỗ, chăn nệm, ngăn kéo đều bị lục tung, bị rạch thủng, những bức ảnh gia đình vung vãi trên mặt đất, tất cả cho thấy cuộc tháo chạy diễn ra rất vội vã. Ở sân chuồng, gà qué hoặc lợn đói ăn vẫn lang thang nháo nhác. Vườn cây trĩu trịt quả mà khi ăn vào, tôi thấy rõ vị đắng bởi niềm thương xót mông lung cho những cuộc đời bị huỷ hoại sạch sành sanh vô cớ kia. Đôi khi chúng tôi đi ngang một vũng máu tanh nồng, và ngoài vườn hoặc trong kho thấy một xác người được hàng xóm hoặc người thân lấp đất vội bằng vài ba nhát xẻng.

Tất cả những người chết trẻ hoặc già đều là nam giới: Koba Tskashavili, bị giết trước cửa nhà ở Tkviavi mới 37 tuổi; xa chút nữa, ông hàng xóm Mikael Melitauri bị giết cùng với người em trai Zakaria thì 71 tuổi; xác của họ nằm trong phòng khách đã năm ngày, được Gulo vợ của Mikael tưới dấm vào, vì bà đã 70 tuổi, quá yếu nên không thể mang mấy cái xác đó đi chôn; chính các anh bảo vệ của Lomaia đem mấy xác đó đi chôn hộ khi họ mới đi ngang đây. Chúng tôi đếm được tất cả mười nạn nhân ở Tkviavi. Trong các làng khác mà chúng tôi đến thăm hôm đó, chúng tôi thấy những ngôi nhà bị bom Nga phá huỷ như ở Karbi với tám dân thường bị chết, hoặc những ngôi nhà bị thiêu rụi bởi người Ossetia; họ làm việc hăng hái quá mức đến độ ngoài vườn cũng thấm đẫm xăng và vườn cây cũng cháy cùng với nhà, để lại những bộ xương sườn bò hoặc gà giữa đám cỏ cây đã cháy thành than.


Chiếc mi-ni-buýt trúng đạn

Những hành động huỷ diệt tỏ ra rất có chọn lọc. Họ đốt một cái nhà này, nhưng ba cái khác cạnh đó thì nguyên vẹn, hoặc chỉ bị cướp bóc ở bên trong thôi. Theo Lomaia, và theo lời chứng của dân làng, người Ossetia có danh sách chính xác chủ yếu nhằm vào những người có tên tuổi, những người quan trọng, giáo viên, công an viên, công chức làm ở xã. Những người sống sót đều mừng rõ khi nhận được hàng cứu trợ nhân đạo và thuốc lá do đồng nghiệp của Lomaia phân phát, nhưng không phải ai ai cũng vui vẻ khi nhận các thứ đó, và chúng tôi được chứng kiến những lời om sòm dài dòng của những người đã điên lên vì giận dữ, họ hét vào mặt Lomaia: “Misha bỏ rơi chúng tao! Chúng tao muốn có hộ chiếu Nga, như dân Ossetia ấy! Chắc người Nga chúng nó còn bảo vệ chúng tao, không như chúng bay.” Lomaia bình thản và kiên nhẫn đáp lại, luôn luôn giữ cái vẻ hiền lành giả vờ.

Tất cả những làng trên đường chúng tôi đi ngang đều thực sự nằm trên lãnh thổ Gruzia, trong “vùng an ninh” theo hiệp định đã được Nicolas Sarkozy thương lượng ở Moskva. Song đó chỉ là hiệp định an ninh cho người Nga thôi; phía bên kia biên giới còn đóng cửa đang diễn ra cuộc thanh lọc chủng tộc có hệ thống. Eduard Kokoity, viên tổng thống tự phong người Ossetia, đã công nhiên khẳng định điều đó: không một người dân Gruzia nào sẽ còn trở lại “lãnh thổ Ossetia”; và tại các làng chỉ toàn người Gruzia, dân chúng bị đuổi đi sạch, và theo những tin tức chúng tôi có được, nhà cửa của họ đều bị san bằng để ngăn họ khỏi trở lại.

Tại Mereti, các nhà báo phỏng vấn những người chạy loạn làng Ksuisi, một ngôi làng nằm xa bên ngoài đường biên, họ khẳng định làng họ chẳng còn một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Lomaia đề nghị đưa chúng tôi tới đó, nhưng các vệ sỹ của ông sợ có các tay bắn tỉa người Ossetia, và các lính dù Nga cũng tuyên bố rằng tới đó họ không dám bảo đảm an toàn cho chúng tôi. Và Lomaia đã không dám đi, mặc dù được nhiều nhà báo khuyến khích. Thay vào đó, ông cho đi thăm làng Tidzrnissi trên đường về Tskhinvali, một nơi cũng xảy ra mọi điều như ở Tkviavi. Ở lối vào làng, một xe buýt hạng trung trúng đạn liên thanh lỗ chỗ nằm nghiêng bên đường, xung quanh vung vãi giấy tờ tùy thân. Xác một hành khách vẫn còn đang nằm ở một chỗ thấp trong vườn rau. Các tay chụp ảnh và quay phim chen nhau chộp lấy những hình ảnh đã thành vô dụng, vì cái xác đó quá khủng khiếp không thể trưng ra được: nó hoàn toàn đen thui, nhung nhúc giòi, mùi hôi thối bốc lên không lời lẽ nào tả lại được.

Hai ngày sau, chuyến thăm Nam Ossetia do người Nga tổ chức lại hoàn toàn khác. Lomaia thì không can thiệp vào mọi chuyện, ông đáp lại các câu hỏi của các ký giả, nhưng không tìm cách đưa ra một bối cảnh chính xác nào: quang cảnh tự nó nói lên rồi. Còn cuộc tham quan do người Nga tổ chức thì được dắt dẫn bởi một sĩ quan phụ trách báo chí hết sức lắm lời tên là Aleksandr Machevsky, một người nhỏ thó lực lưỡng da ngăm đen, luôn mồm quát tháo và ngay lập tức được các nhà báo đặt cho biệt hiệu “thằng Goebbels [5] con”.

Tới ngôi làng đầu tiên, nơi mọi người đã đến thăm cùng với Lomaia, viên sĩ quan tổ chức họp báo ngẫu hứng và không ngần ngại tuyên bố trước các ống kính rằng những ngôi nhà bị huỷ hoại mà chúng tôi đang chứng kiến kia hoặc là do nổ đường ống ga, hoặc bị chập điện do chủ nhà bỏ đi không ai chăm sóc, hoặc đã bị các lực lượng đặc nhiệm Gruzia phá để đổ tội cho người Nga. Một nhà báo Anh hết kiên nhẫn, mắt nhìn qua cặp kính nhỏ, tay vẫn cầm cuốn sổ ghi chép mà ông đang tỉ mẩn ghi lại mọi điều viên sĩ quan nói, đặt câu hỏi: “Sasha, ông có tin một tí gì vào những điều ông vừa kể không?” “Ông cho là tôi nói dối hử?” Sasha gầm lên. “Trên thực tế, đúng là vậy,” nhà báo đáp lại nhỏ nhẹ, song lại gây ra một cơn điên dẫn đến việc viên sĩ quan Nga định đuổi nhà báo Anh ra khỏi đoàn tham quan.

Đi xa hơn nữa về mạn tây thành phố Tskhinvali, chúng tôi thăm một ngôi làng Ossetia bị tàn phá nặng, làng Khetagourovo: người Gruzia không chối là đã ném bom làng này, nhưng khẳng định rằng người Ossetia đã đưa pháo binh nặng vào đó. Theo những người dân chúng tôi được tiếp xúc, thì ở đó chỉ có dân binh ngồi trên xe tải, và những dân binh này đã chuồn ngay khi súng mới nổ, không bảo vệ ngôi làng này. Nhưng phải nói ngay rằng những lời làm chứng kiểu này thật khó tin: thường dân vẫn đang còn nấp trong hầm và rất sợ hãi. Những lời hò hét liên tục của [ông sĩ quan báo chí Nga] Sasha – “Go, guys, go! Go, go, go!!! Twenty minutes!” (“Đi thôi, các bạn, đi đi nào! Hai mươi phút rồi!”) – càng khiến cho khó có nguồn tin nào có vẻ hơi hơi nghiêm túc có thể được kiểm chứng.

Đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp khó khăn kiểu này. Ở Tskhinvali, một bé trai chừng mười tuổi khẳng định với tôi rằng người Gruzia trang trí xe tăng của họ bằng đầu lâu. “Cháu thấy thế à?” Tôi hỏi nó. “Không, bạn cháu bảo cháu thế.” “Bạn cháu thấy thế à?” “Không thấy, nhưng người ta bảo bạn cháu thế.” Nhưng không vì thế mà nó không tin điều đó như búa bổ, cũng như những người dân Gruzia làng Karaleti khi khẳng định với chúng tôi rằng người Nga, người Ossetia và người Chechnya đã giết hàng trăm người hàng xóm nhà họ, song lại không chỉ cho chúng tôi thấy một cái xác nào hết.

Ngay ở Tskhinvali, người ta đưa ngay chúng tôi đến một khu phố bị huỷ diệt nặng nề, gọi đó là “khu Do Thái”. Thực ra ngay từ những năm đầu tiên của chính quyền cộng sản, ở đây đã chẳng còn gì là Do Thái cả. “Họ mới moi cái tên đó ra đem dùng,” Patrick Worms ở Tbilisi giải thích, “điều này bao giờ cũng có lợi, vì đối với dư luận quốc tế thì một khu phố Do Thái ăn bom là rất hay.”


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Sakartvelo: Tên đất nước Gruzia do chính người Gruzia tự gọi. Để bổ sung, người Gruzia tự gọi cư dân cùng dân tộc của mình là Kartvelebi, và ngôn ngữ của mình là Kartuli. (Các chú thích là của talawas.)
[2]Zviad Gamsakhurdia (1939–1993): tổng thống dân cử đầu tiên của nước Cộng hoà Gruzia độc lập thời kỳ hậu Xô-viết. Gamsakhurdia nguyên là nhà ngôn ngữ học, nhà văn và nhà bất đồng chính kiến dưới chế độ Xô-viết. Ông thường bị chính giới Nga lên án là theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Nhiều quan sát cho rằng Gamsakhurdia – trên cương vị tổng thống Gruzia – đã bị các lực lượng thân Nga lật đổ vào tháng Mười Hai 1992, và bị ám sát vào ngày 31 tháng Mười Hai 1993.
[3]Có thể là một phản ánh được truyền tụng về quan điểm dân tộc chủ nghĩa của Zviad Gamsakhurdia. Về căn cước ngôn ngữ, tiếng Gruzia thuộc ngữ tộc Nam Kavkaz (South Caucasian family of languages), trong khi tiếng Ossetia thuộc ngữ tộc Ấn - Âu (Indo-European family of languages). Phản ánh này có thể tương đồng với việc Gamsakhurdia là chuyên gia ngôn ngữ học.
[4]David - Người Dựng Nước (tiếng Anh ‘David the Builder’, tiếng Pháp ‘David le Bâtisseur’, tiếng Gruzia ‘Davit Aghmashenebeli’, 1073–1125): vua Gruzia từ 1089 đến 1125, được chính sử Gruzia thừa nhận rộng rãi như một minh quân vĩ đại, đã từng xây dựng quốc gia Gruzia trở thành một đế quốc ở khu vực Nam Kavkaz vào đầu thế kỷ XII.
[5]Joseph Goebbels (1897–1945) là bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã.
Nguồn: “Carnet de route en Georgie”, Le Monde 2, 03-10-08