trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 80 bài
  1 - 20 / 80 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
21.11.2007
Phong Uyên
Về những cuộc tranh luận về Karl Marx trên talawas
 
Từ 2 năm nay trên diễn đàn talawas Marx luôn luôn được đem ra làm đề tài cho những cuộc tranh luận giữa bên ca tụng Marx và bên phản biện Marx. Năm ngoái bên ca tụng Marx có Đông La và Đoàn Tiểu Long, bên phản biện Marx có Hà Sĩ Phu. Năm nay bên phản biện Marx đem những bản dịch có nói đụng chạm tới Marx của Richard Pipes và van den Haag để châm ngòi khai pháo. Bên thân Marx phản pháo lại một cách mãnh liệt với sự hỗ trợ của ông Lữ Phương, một người có nhiều kiến thức về Marx. Nhân vật có tác phẩm dịch bị đả kích đầu tiên là R. Pipes, nguyên giáo sư Harvard. Ông Lữ Phương cho là R. Pipes đã viết "bậy bạ" về Marx trong cuốn Chủ nghĩa cộng sản: một lịch sử, in năm 2001 mà Phạm Minh Ngọc dịch từ bản tiếng Nga. Theo sau Lữ Phương là hai ông Trần Thiện Huy và Đinh Viết Tứ: Hai ông này tiếp tục đả kích R. Pipes và chỉ trích luôn van den Haag với bài "Tính giả khoa học của chủ nghĩa Marx" viết năm 1987 mà La Thành dịch. Những tác giả Việt Nam như Hà Sĩ Phu, Nguyên Trường... có viết bài phản biện Marx cũng được ông Trần Thiện Huy gộp chung vào với hai ông giáo sư Mỹ kể trên, như cùng nằm trong một tổ chức mà ông Trần Thiện Huy gọi là "bộ môn phản biện Marx bao gồm những người nhận lãnh những kinh phí khổng lồ hàng năm".

Câu nói trên đập vào tai tôi như một lời cáo buộc khiến tôi không thể không liên tưởng đến những lập luận về âm mưu "diễn biến hoà bình". Những ai phản biện Marx đều nằm trong âm mưu ấy cả? Những tác giả, dịch giả chống Marx hay bênh Marx có ẩn ý gì khi gây ra những cuộc tranh luận?


1. Richard Pipes

R. Pipes, sinh năm 1923, gốc Do Thái Ba Lan. Khi Ba Lan bị Hitler chiếm, gia đình ông trốn được qua Mỹ năm 1940. Học Harvard rồi làm giáo sư lịch sử Nga và Liên Xô ở Harvard từ 1950 đến 96. Viết cả thẩy 21 cuốn sách về Nga và Liên Xô nên được coi là người hiểu biết nhất về lịch sử Nga và Liên Xô. Ông cho rằng chế độ độc tài Liên Xô chỉ tiếp tục truyền thống độc tài của Nga hoàng từ thế kỷ thứ XV coi cả nước Nga cũng như dân Nga là của cải riêng của mình. Ông bị nhiều người Nga quốc gia cực đoan ghét. Đặc biệt, Solzhenytsin cho ông là người Ba Lan, không thể viết đúng lịch sử Nga được (Ba Lan coi Nga là kẻ thù truyền kiếp). Ông cũng coi Lenin là nguồn gốc của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa này lại là tấm gương cho Mussolini và Hitler noi theo. Bush cha khi làm giám đốc CIA đã lập ra một bộ phận gọi là Team B, đề cử R. Pipes làm trưởng ban vì cho ông là có kiến thức nhiều về chiến lược Liên Xô và cũng có chủ ý dùng Team B đối kháng với Team A đã có từ trước. Trong cuốn Communism: a History, R. Pipes chỉ nói về Marx rất ít, góp lại nhiều lắm là một trang trong lời đầu để tạo khung cảnh nói về Lenin. Ông Lữ Phương đã thái quá khi nhận định rằng R. Pipes là một nhân viên cao cấp của CIA "với tư cách diều hâu chống cộng cực đoan: qui tội cho Marx... đã đẻ ra chủ nghĩa cộng sản Liên Xô cần phải xoá sổ". Phê phán R. Pipes viết "bậy bạ" về Marx với cái nghĩa là ông này "không biết nhiều về Marx, không đi sâu vào lịch sử triết học Marx" có thể đúng. Nhưng những gì R. Pipes nói về Lenin trong phần chính của cuốn sách, tôi thấy cũng không khác gì những phân tích của ông Lữ Phương trong "3 bài viết về chủ nghĩa xã hội Marxist" mà tôi được đọc. Cũng cần biết là R. Pipes rất được tôn vinh ở Ba Lan và nhiều nước khác và là giảng viên mùa xuân của Học viện Nobel (giải Hoà bình) Na uy.


2. Van den Haag

Van den Haag, sinh năm 1914 mất năm 2002. Người gốc Hà Lan nhưng ăn học ở Ý. Bị phátxít cầm tù trước khi trốn được qua Mỹ năm 1940. Giáo sư Đại học Fordham (New York) chuyên về luật và xã hội học. Được biết tiếng qua nhiều bài bảo vệ án tử hình. Chỉ nói về Marx trong một tiểu luận in năm 1987. Cảm tưởng của tôi khi đọc bài này là ông van den Haag chỉ giảng giải một cách sơ đẳng vài khái niệm của Marx về kinh tế mà cơ bản là sức lao động tất nhiên là đã lỗi thời, và nói lại một sự hiển nhiên là tính giả khoa học của học thuyết Marx. Giả thử có ai nói triết học Platon không phải là khoa học, những người thích Platon cũng không vì vậy mà phải chu choa! Marxisme là một học thuyết, trong đó có triết học, đã bị Lenin chính trị hoá thành một chủ nghĩa chứ không phải là một khoa học.

Thật ra những quan điểm của trí thức Mỹ về Marx không khác nhau mấy dù thuộc thành phần bảo thủ hay tự do. Người Mỹ không biện luận triết lý như người Pháp: Căn bản triết học của lý thuyết Marx ra sao không cần biết, chỉ biết khi đã bị lợi dụng và đưa tới hậu quả không tốt thì phải loại bỏ. Mỹ không cống hiến cho thế giới nhiều triết gia nổi bật. Trái lại đa số người đoạt giải Nobel kinh tế hàng năm là người Mỹ. Nếu Marx sống ở thời có giải Nobel chắc chắn cũng được giải. Nhưng nếu không bị biến thành một chủ nghĩa chính trị thì vài năm sau chắc cũng đã bị quên lãng.

Tôi đã đọc nhiều bài viết của La Thành đăng trên talawas. Tôi thấy ông có những nhận xét rất xác đáng, chứng tỏ tác giả có kiến thức rộng. Tôi cũng hiểu chủ ý của La Thành là muốn phản biện Marx để phản biện chủ nghĩa cộng sản Việt Nam. Có thể tôi không đồng ý vì trong giai đoạn này cần phải tách rời lý thuyết Marx khỏi chủ nghĩa cộng sản kiểu Lenin. Như tôi đã có nhiều dịp nói, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ lấy Marx để làm phông dàn cảnh. Không phê phán Marx cũng là cách giúp cho những thành phần tiến bộ trong Đảng bám vào Marx như một cái phao để có thể tự chặt cái đuôi Lenin.

Tôi chưa có dịp đọc những bài viết của ông Phạm Minh Ngọc, nhưng việc ông dịch cuốn sách của R. Pipes từ một bản tiếng Nga cho thấy: có thể ông đã học ở Nga, được nuôi nấng trong lòng chế độ Marx-Lenin từ trong trứng, nên khi đọc cuốn sách của R. Pipes về chủ nghĩa cộng sản, ông thấy ngay có những điều phù hợp với những kinh nghiệm của ông về chủ nghĩa Lenin và vì vậy đã dịch nó. Tôi cũng có cái nhận xét là những sách của R. Pipes nói về lịch sử nước Nga từ thời Sa hoàng bị một số người Nga coi là nói xấu nước họ, vẫn được dịch ra để phổ biến, chứng tỏ người Nga đã biết tự phê phán quá khứ của mình. Cần nói thêm là Pháp, quê hương của những nhà trí thức Marxist, chỉ có 1 cuốn sách của R. Pipes được dịch là cuốn Cách mạng Nga, in năm 1993.


3. Trần Thiện Huy

Ngay từ câu đầu trong bài "Sự thảm hại của bộ môn phản biện Marx" ông Trần Thiện Huy đã tự phô trương là có ngụ ý đặt tên "sự thảm hại..." cho bài viết của mình để bàn dân thiên hạ biết đây sẽ là một tác phẩm "nối tiếp tác phẩm nổi danh của Marx Sự nghèo nàn trong triết học". Tiếp theo đó, ông còn nói một câu bất hủ "Ông K. Marx đáng ghen tị kia... có hai điều mà người viết (TTH) không làm sao có nổi: một là trí tuệ vĩ đại, hai là có những đối thủ có tầm vóc vĩ nhân như Proudhon". Đọc những câu này tôi thấy Bác Hồ khiêm nhường hơn nhiều. Bác chỉ làm thơ ví von với Đức Thánh Trần chứ chưa bao giờ có ý ghen tị với ông Karl Marx.

Tôi không dám bàn về kiến thức Marxist cũng như cách lí luận của ông Trần Thiện Huy vì nhiều người đã bàn rồi. Còn kiến thức tổng quát của ông thì thú thật, tôi không biết đo lường bằng cách nào. Biện chứng duy vật lịch sử của Marx, thuyết tương đối không-thời-gian của Einstein cũng không giúp tôi được gì để hiểu những lập luận của ông.

Tôi chỉ xin nhắc lại là Machiavelli sinh năm 1469 cuối thời Trung cổ, chẳng liên quan gì đến ông Marx sinh 350 năm sau. Ghép ba ông với nhau: Machiavelli, một mưu sĩ chuyên nghề nghĩ những mánh khoé xảo quyệt nham hiểm cho dòng họ Medicis cuối thời Trung cổ đầu thời Phục hưng thế kỷ thứ XV-XVI, Locke, nhà triết học Anh thế kỷ thứ XVII chủ xướng quân chủ lập hiến, Montesquieu, nhà xã hội học Pháp chủ xướng tam quyền phân lập thế kỷ thứ XVIII và phong cho 3 ông sống ở 3 thời đại hoàn toàn khác nhau này là "những người mà nền dân chủ tư sản coi là bậc khai phá" thì chỉ có những bậc tiến sĩ nhà ta mới nghĩ ra được. Nếu muốn so sánh thì óc Machiavelli là óc Tào Tháo, còn mưu kế, chiến thuật lắt léo, thì Machiavelli thời Phục hưng của Tây kém xa Tôn Tử thời phong kiến của Tàu. Nhiều học giả còn nói là cuốn Lịch sử thành Florence của Machiavelli viết năm 1520 báo hiệu Duy vật lịch sử của Marx (như vậy Machiavelli là bậc thày của Marx thì cớ gì mà Marx lại phải đả phá?), và Lenin từ trước tới nay vẫn được coi là machiavélique, vì đối với Âu Tây, những người dùng những thủ đoạn xảo quyệt, nham hiểm, lừa lọc để làm chính trị đều bị mang cái tính từ "machavielique". Tính từ này đã trở thành rất thông thường trong tiếng nói hàng ngày. Câu khuyên bất hủ của Machiavell là "Nếu giết được kẻ thù của mình thì giết luôn đi. Còn không giết được thì phải biến nó thành bạn" vẫn còn được áp dụng ở nhiều nơi. Nhắc tới Machiavelli, vô tình ông Trần Thiện Huy đã nhắc luôn đến "ai đó" đã thực thi nhiều lần lời khuyên này ở Việt Nam.

Luôn tiện tôi cũng xin hỏi ông Trần Thiện Huy nghĩa của từ ngữ Latinh trong câu ông viết "... hay chủ trương là bắt họ đấm ngực mea menda; mea menda..." Tra từ điển Latinh chỉ thấy "menda" có nghĩa là nói lộn, cóp lộn. Trước nay tôi chỉ thấy mấy bà đầm ngoan đạo trong nhà thờ tự đấm ngực than mea culpa, mea culpa (lỗi tại tôi mọi đàng, lỗi tại tôi mọi đàng). Hay ông cố ý dùng từ la tinh "menda" để tự đập ngực mình vỉ đã nói lộn chép lộn?


4. Đinh Viết Tứ

Thật là lí thú đọc hai bài viết của ông Đinh Viết Tứ:

Trong bài "Thử nghĩ qua sự chê bai của van den Haag về Marx" ông bắt đầu bằng ngợi khen Marx và qua Marx gián tiếp khen chủ nghĩa tư bản đã biết áp dụng Marx để rồi chê các bậc sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội (khoa học) đã không biết "trồng cây Marx". Tôi xin trích vài câu trong bài: (Marx)"đã và đang đóng góp rất nhiều cho sự hoàn thành chủ nghĩa tư bản... người công nhân càng ngày càng được bảo đảm quyền lợi qua những hệ thống luật pháp, những quy định về số giờ làm việc, chế độ lương bổng, bảo đảm tiền lương tối thiểu, lập quỹ an sinh, trích xuất dự phòng thất nghiệp, hình thành quỹ phúc lợi... đó là những thành quả rực rỡ nhờ sự châm ngòi của chủ nghiã Marx-Engels"... "những người không biết trồng cây K. Marx khiến cây trở thành bất hạnh và mọc cao lại là Lenin Stalin, Mao Trạch Đông". Ông còn khuyên "chúng ta đừng nên bị ám ảnh bởi những cụm từ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mà thêm rắc rối tâm trí". Tôi không biết có ai ở Việt Nam dám thực hiện lời khuyên này không!

Đọc "Ý kiến ngắn trả lời ông Nguyễn Nguyễn", tôi có dịp ôn lại những bài mình đã được học từ trước: Ngoài những trích dẫn từ những bản dịch của nhà xuất bản Sự Thật, ông lấy gần như nguyên xi những câu tán tụng Marx sẵn có trong cuốn Giáo trình Chủ nghĩa Xã hội Khoa học mà cả sinh viên Việt Nam lẫn các ông thày của họ đều đã thuộc lòng. Tôi xin so sánh những câu ông Đinh Viết Tứ viết và những câu trong cuốn giáo trình nên trên: "Chủ nghĩa Marx là cả một tổng hợp đề bao la... mà nổi bật là phần biện chứng duy vật lịch sử và thuyết giá trị thặng dư..." (Đinh Viết Tứ) / "Chủ nghĩa được Các Mác sáng lập dựa trên hai phát kiến vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và thuyết giá trị thặng dư...". (Giáo trình đã dẫn, tr. 27); "Chủ nghĩa Marx... có thừa kế 3 luồng tư tưởng là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp" (Đinh Viết Tứ) / "Chủ nghĩa Mác được hình thành trên cơ sở kế thừa... triết học cổ điển Đức, kinh tế học chính trị cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Sau này Lê Nin...". (Giáo trình đã dẫn, tr. 29)

Nhưng có hai chi tiết khiến người đọc có chút tinh tế nhận ra ngay là ông, không biết vô tình hay cố ý, đã bỏ quên tính từ không tưởng trong chủ nghĩa xã hội Pháp và đã cắt bỏ cái đuôi Lenin luôn luôn có mặt trong những cụm từ "triết học Marx-Lenin" và "kinh tế chính trị học Marx-Lenin". Những cái "quên" này nguy hiểm lắm vì, ngoài chủ nghĩa xã hội khoa học của ta thì những chủ nghĩa xã hội khác đều là không tưởng cả. Và chủ nghĩa của ta là Marx-Lein. Bỏ Lenin, để một mình Marx, là theo chủ nghĩa xét lại!

Tôi cũng xin đưa vài nhận xét về kiến thức triết học của ông Đinh Viết Tứ: Ông khẳng định một cách ngon lành: "triết học... bất cứ ở trình độ nào (từ lúc nói sõi) ai cũng cảm thấy như mình đã có thể thảo luận được". Và cũng để tránh những thảo luận loại "các thiên thần có giới tính đực hay cái", ông khẳng định chủ nghĩa Marx mang cả hai giới tính: "chủ nghĩa Marx đầy tính triết học khoa học". Ông còn dẫn chứng thêm triết học Karl Jaspers, nhưng tôi chắc chắn là chỉ với trình độ "nói sõi" thì không thể hiểu được ông triết gia hiện sinh, kiêm thần học, cựu bác sĩ thần kinh này. Và cũng không phải vì ông Jaspers cũng mang tên Karl mà ông có dây mơ rễ má gì với ông Karl Marx kể cả trong triết học.

Tôi cũng xin thưa với hai ông Trần Thiện Huy và Đinh Viết Tứ là tôi không có thành kiến gì về hai ông cả và xin thứ lỗi nếu những điều tôi viết trên đây có thể làm hai ông phật lòng.

Để kết luận, tôi xin trở lại đầu đề bài viết là có ẩn ý gì nằm sau những cuộc tranh luận trên talawas không? Tôi có thể trả lời là có nhiều ẩn ý:

Ẩn ý của những người chống chủ nghĩa cộng sản Marx-Lenin Việt Nam:

Những người này phần nhiều đã có kinh nghiệm sống trong chế độ cộng sản nên suy luận là nhổ cỏ phải nhổ tận rễ. Rễ là lí thuyết Marx phải nhổ để chế độ Marx -Lenin không còn tiếp tục mọc mầm dưới cái dạng gọi là "đổi mới" mà thật ra chỉ là cắt cái ngọn Lenin.

Ẩn ý của ông Lữ Phương:

Tôi từ trước tới nay vẫn cảm phục ông Lữ Phương về kiến thức Marxist mà ông đã thâu nhận được qua các nhà Marxist Pháp mà người cuối cùng trong lò đào tạo Đại học Sư phạm Ulm Paris đã qua đời năm 90 là ông Althusser, nếu không kể ông Derrida. Nếu tôi không lầm, ông Lữ Phương đã bị khốn khổ vì ông muốn phân biệt Marx với Lenin, mặc dầu ông có theo Đảng ra bưng năm 68. Ông vẫn kiên cường bảo vệ triết học Marx nên ông đã đả kích R. Pipes. Nhưng tôi e rằng trong Ban Tư tưởng Đảng cũng chẳng có ai có trình độ để hiểu Marx của ông; vả lại Đảng chỉ cần danh hiệu Marx để giữ thể diện với bà con trong nước chứ đâu có cần vay mượn dù chỉ một chút của Marx.

Tôi cũng xin thêm chút ý kiến: Theo tôi, thể chế Dân chủ Xã hội thoát thai từ Đệ nhị Quốc tế do chính F. Engels là người chủ xướng năm 1889 là điểm thành công nhất trong lý thuyết của Marx: Cuối thế kỷ XIX, đầu XX ở Bắc Âu, các hiệp hội, các công đoàn những người làm công ăn lương mà Marx gọi là "les prolétaires" đã biết sử dụng một phần trong lý thuyết của Marx như một công cụ để đấu tranh với giới chủ và đi đến thoả hiệp tay đôi, cân bằng về kinh tế cũng như xã hội. Có thể gọi thoả hiệp đó là thể chế dân chủ xã hội trong đó nhà nước chỉ đứng vai trọng tài. Lấy lý thuyết của Marx làm đường lối duy nhất, hay làm lý tưởng, đã đưa đến chế độ cộng sản. Dùng Marx như một công cụ đấu tranh, đã đưa những người dân chủ xã hội tới thành công. Nhưng trong điều kiện kinh tế và xã hội hiện nay, công cụ Marx đã quá thời. Vả lại, không lẽ ở Việt Nam những người "làm công" sẽ có đủ khả năng tạo ra những công đoàn, dùng lý thuyết của Marx làm công cụ đấu tranh với Đảng, chủ nhân của mình?

Nhận xét lí thú cuối cùng của tôi và cũng làm tôi hãnh diện là "phản biện Marx", "phản biện phản biện Marx", "tán dương Marx" cũng đều "trăm hoa đua nở" trên talawas cả. talawas đúng là thế giới đại đồng của Marx.

© 2007 talawas