trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
21.10.2006
Từ Huy
Phê phán…
 
Sau khi đọc kỹ bài của Margaret Nguyen, sau khi đã xem xét kỹ những chỗ mà Margaret Nguyen cho là những lỗi học trò trung học, tôi có mấy điều cần nói sau đây:


1. Đúng là tôi có những sơ suất, nhầm lẫn. Và tôi cho rằng những sai sót và nhầm lẫn đó là điều kiện cần thiết để tôi có thể không còn sai sót trong nay mai. Chắc chắn chẳng bao giờ tôi đạt tới sự hoàn thiện trong công việc cả. Chắc chắn tôi vẫn tiếp tục nhầm lẫn (rất tiếc ý trứ danh này không phải do tự tôi nghĩ ra). Nhưng điều đó không ngăn cản tôi tiếp tục công việc mà tôi thấy cần. Tôi có thể «tự ve vuốt» (dùng lại chữ của Kristeva) mình bằng ý nghĩ là những dịch giả «nghiêm túc và tài năng» (dùng lại chữ của Margaret Nguyen) và kỳ cựu như Trần Thiện Đạo [1] cũng còn có lúc nhầm lẫn thì một người mới bắt đầu vào nghề như tôi có sai hoặc nhầm cũng là chuyện bình thường. Nhưng tôi sẽ không dùng ý nghĩ ấy để tự vuốt ve mình làm gì. Bởi vì người ta chỉ không mắc sai lầm với một điều kiện duy nhất: không làm gì cả. Điều quan trọng là có thái độ như thế nào đối với những sai sót đó: lờ đi, phủ nhận (không thừa nhận mình sai sót), đối diện với chúng để sửa chữa chúng. Cá nhân tôi lựa chọn giải pháp thứ ba.


2. Tại sao lại có những dòng mang tính chất tự bạch như vậy? Điều này liên quan đến thái độ [2] của người làm công việc «dọn vườn»: thái độ phủ nhận sạch trơn công sức của người khác, khinh thường miệt thị người khác; tự coi mình là thầy đi giảng bài cho những học trò trung học ngu dốt; lấy một vài lỗi trong bản dịch để phủ nhận sạch trơn giá trị của bản dịch đó. Đó chính là thái độ của Margaret Nguyen. Thái độ này có thể không mấy tác động đến những người từng trải. Nhưng chính thái độ đó có thể khiến cho những người mới bắt đầu công việc dịch cảm thấy ngại ngùng một khi đặt bút dịch tác phẩm, nhất là những tác phẩm đầu tiên; một thái độ như vậy đối với người viết phê bình có thể sẽ khiến cho một vài người cảm thấy ngại ngùng khi đặt bút viết những bài phê bình đầu tiên. Mà nếu như không có những bản dịch đầu tiên, những bài viết đầu tiên đó thì sẽ không bao giờ có những bài tiếp theo cả. Thái độ đó có thể sẽ góp phần khiến cho đội ngũ dịch đã hiếm hoi sẽ càng hiếm hoi hơn, nhất là trong điều kiện nhuận bút dịch như hiện nay.

Trong bài dọn vườn này, dù rất trịch thượng (coi thường toàn bộ cộng đồng Pháp ngữ, coi trình độ Pháp ngữ xứ ta chẳng khác gì «mực nước sông Hồng mùa cạn»), và kiêu căng, tự tin (tự coi mình là người làm công việc «giảng cho học trò trung học»), Margaret Nguyen cũng không tránh khỏi nhầm lẫn:

Tôi dẫn lại ở đây một câu mà Margaret Nguyen đã dùng để phê phán tôi và đưa ra giải pháp của mình:

«De telle sorte qu’il m’arrive parfois, en rentrant de New York, après le feu des débats autour de mon travail de représentante de la french theory, de me prendre moi-même pour une intellectuelle… française. Comme il m’arrive aussi, lorsque la xénophobie de ce vieux pays me blesse, de caresser l’idée de m’installer définitivement à l’étranger ».

Margaret Nguyen cho rằng câu dịch của tôi (đoạn in đậm): «ve vuốt ý nghĩ là tôi đang thật sự ở nước ngoài» đã «khiến ý nghĩa của câu thay đổi hoàn toàn»; và cho rằng cần phải dịch: «tôi cũng đôi lần ve vuốt ý nghĩ là sẽ định cư hẳn ở nước ngoài». Thực tế đề xuất của Margaret Nguyen mới thực sự làm thay đổi ý nghĩa của câu.

Để hiểu câu này, cần biết rằng Julia Kristeva (gốc Bulgarie) đã sống ở Pháp cho đến nay là khoảng năm mươi năm. Nước Pháp đã cho bà quốc tịch và bà đã trở thành người đại diện cho french theory, nhưng nước Pháp có xem bà thực sự là người Pháp? Nếu Margaret Nguyen có thể cảm thấy đôi chút ngậm ngùi trong thái độ của Kristeva thì sẽ hiểu tại sao bà nói «tôi tự xem mình là một nữ trí thức… Pháp» (Xin lưu ý dấu ba chấm…). Vì thế mà bà nói rằng chỉ ở Mỹ bà mới thực sự cảm thấy lòng hiếu khách. Vì thế mà bà mới nói đến sự bài ngoại của nước Pháp. Và «khi» mà sự bài ngoại của nước Pháp làm bà tổn thương, bà đã chống lại nó bằng cách tự ve vuốt với ý nghĩ «tôi đang thực sự ở nước ngoài», có nghĩa là bà cũng không chịu coi nước Pháp là đất nước của bà, đối với bà nó là «nước ngoài». «définitivement» ở đây được hiểu là «thực sự», chứ không thể hiểu là «định cư hẳn» như diễn giải của Margaret Nguyen. Nếu dịch là «sẽ định cư hẳn ở nước ngoài» như Margaret Nguyen, thì phải hiểu Kristeva như thế nào đây? Phải hiểu rằng bà coi nước Pháp là đất nước của bà (vì cho đến lúc đó bà vẫn ở nước Pháp, thậm chí cho đến nay), và bà sẽ bỏ nước Pháp để sang sống ở một nước khác (một «nước ngoài»)  trong nay mai? Và ý nghĩ đó không chỉ đến một lần mà là «đôi lần» (tức là nhiều lần theo cách dịch của Margaret Nguyen, chắc là Margaret Nguyen không thể phủ nhận được rằng từ «đôi lần» này là từ bị thêm vào, bởi vì trong văn bản, từ «lorsque» của Kristeva chỉ có thể hiểu là «khi», một trạng từ chỉ thời điểm, nó nhấn mạnh ý: bà chỉ ve vuốt ý nghĩ đó khi sự bài ngoại của nước Pháp làm bà tổn thương mà thôi). Đáng tiếc Kristeva hoàn toàn không có ý nghĩ mà Margaret Nguyen gán cho bà. Ít ra là trong đoạn văn đang được nhắc đến ở đây.

Tuy nhiên không vì sự nhầm lẫn này mà tôi có thể kết luận rằng trình độ Pháp văn của Margaret Nguyen chỉ thuộc mức độ «học trò». Với một sự nhầm lẫn như vậy Margaret Nguyen vẫn có quyền góp ý cho người khác nếu phát hiện thấy lỗi của họ. Điều mà tôi có thể nói là: việc có thể nhìn thấy lỗi của người khác không đảm bảo rằng chính mình không mắc lỗi. Margaret Nguyen cũng có thể mắc những sai sót hoàn toàn giống như những sai sót mà ông/bà đã chỉ ra trong bản dịch của tôi.

Những điều tôi nói đây không dùng để biện hộ cho tình trạng dịch sai, dịch ẩu tràn lan hiện nay, cũng không dùng để biện hộ cho những sai và nhầm của tôi. Những điều tôi nói đây thực chất là để ủng hộ cho việc chống lại tình trạng trượt dốc của chất lượng dịch thuật, mà với tư cách là một người dịch, chính tôi cũng phải chịu trách nhiệm; đồng thời để ủng hộ cho việc chống lại một niềm tin vững chắc rằng: cả xã hội sai lầm còn riêng mình ta thì không.

Nhân đây tôi tự cho phép mình mở ngoặc đơn bộc lộ một vài suy nghĩ mang tính chất vụn vặt về vấn đề phê phán, một hiện tượng đang trở nên phổ biến.

Không thể phủ nhận sự cần thiết của phê phán, dù nó được thực hiện với cung cách nào, hình thức nào (dù với ý thức xây dựng ở tầm chiến lược, hay ý thức săm soi, vạch lá tìm sâu…); dù với mục đích nào (để trao đổi về học thuật hay để chứng tỏ sự giỏi giang của người phê phán và sự kém cỏi của người bị phê phán…); dù với động cơ nào (động cơ khoa học hay động cơ cá nhân nhằm thoả mãn một ẩn ức nào đó…). Nhưng quan trọng hơn, cần nghĩ đến hiệu quả của nó, hiện nay phê phán đạt được những hiệu quả như thế nào? Có thể nói là không mấy lạc quan. Tại sao? Ở đây tôi thử đưa ra một vài lý giải, phiến diện và vụn vặt.

Khi phê phán xã hội hoặc phê phán người khác thường người phê phán tự giả định mình đứng cao hơn, mình hoàn hảo hơn đối tượng bị phê phán. (Xin lưu ý rằng tôi đang nói đến hiện tượng phê phán diễn ra trên báo chí của chúng ta hiện nay, đặc biệt là phê phán trong lĩnh vực văn học). Chỉ có đối tượng bị phê phán là cần phải xem lại vấn đề, cần phải chịu trách nhiệm về những việc không ổn của hiện tại, còn những người đứng ra phê phán, một khi đã có khả năng phê phán thì tự coi mình đã là đại diện của chân lý, và nằm ngoài những hiện tượng đáng bị phê phán. 

Thực vậy sao?

Nếu thực như vậy thì đã không có chuyện: toàn bộ các cá nhân trong xã hội có thể phê phán lẫn nhau nhưng thực trạng của toàn xã hội vẫn không hề thay đổi. Vì thay đổi không phải là nhu cầu nội tại, mà thay đổi là nhu cầu mà ta gán cho người khác: người khác cần phải thay đổi chứ không phải là chính ta. Người khác tiêu cực, người khác lạc hậu, người khác sai lầm, người khác có vấn đề. Ta thì không, vì thế mà ta có thể phê phán người khác.

Do đó, nếu tất cả mọi người cùng đứng ngoài để nhìn vấn đề từ cái «ta» hoàn hảo của chính mình thì rốt cuộc sẽ chẳng có một thay đổi nào.

Vậy nên phê phán chỉ có thể phát huy tác dụng khi nó kết hợp được với tự phê phán. Chỉ có sự tự phê phán mới thực sự giúp cho phê phán đạt tới một hiệu quả mong muốn. Sự tự nhận thức, tự phê bình đòi hỏi một thái độ can đảm, dũng cảm và cầu thị hơn rất nhiều so với việc phê bình các vấn đề xã hội hay phê bình người khác. Bởi vì lúc đó, các vấn đề xã hội và các vấn đề của người khác sẽ được nhận thức như là vấn đề của chính mình. Lúc đó sự thay đổi sẽ trở thành nhu cầu nội tại, và nhu cầu đó sẽ kích thích hoặc bắt buộc cá nhân phải thay đổi. Thực tế, cả xã hội chỉ có thể thay đổi khi các cá nhân cấu thành nên nó thay đổi. Sẽ chẳng khó khăn gì khi hình dung viễn cảnh của một xã hội ở đó các cá nhân của nó cùng đóng vai trò người phê phán và cùng ngồi chờ người khác thay đổi: không khó khăn gì cũng đoán được sự chờ đợi đó sẽ kéo dài trong bao lâu. Và trong khi chờ Godot, với niềm tin vào bản thân không suy chuyển, ta lại tiếp tục phê phán lẫn nhau, nếu ở các phòng khách không đủ thì ta kéo nhau lên báo chí. Dù trong ánh điện của các phòng khách, hay giữa ánh sáng ban ngày của báo chí, một khi ta chưa trở thành đối tượng trung tâm của sự phê phán, một khi ta còn là người cầm cân nảy mực của chân lý để phê phán những đối tượng ngoài mình, thì lúc đó sự phê phán vẫn chưa có hiệu quả thực sự. Và trong trường hợp đó phải xem lại định nghĩa về «phê phán».

Cuối cùng, nếu phê phán không kết hợp với hành động thì kết cục sẽ là: phê phán… để phê phán. Đơn cử một ví dụ: Hội nghị lý luận phê bình diễn ra mỗi năm một lần, chứ nếu diễn ra mỗi tháng một lần để các nhà phê bình cùng nhau nhận diện và phê phán thực trạng phê bình đến tận cùng, đến lúc không còn một nhược điểm nào bị bỏ sót, cũng sẽ không làm thay đổi diện mạo nền phê bình nếu như không có những hoạt động nghiên cứu cụ thể thực tiễn mang tính chất xây dựng, nhằm tạo nên một diện mạo phê bình mới.

Ở đây câu hỏi đặt ra là: ta nên lựa chọn giải pháp nào: hoặc không làm gì cả để không mắc sai lầm và để có quyền phê phán sự sai lầm của người khác, để có quyền phê phán tình trạng lạc hậu hiện tại; hoặc bắt tay vào làm một việc gì đó, một việc có thể làm thay đổi thực trạng và chấp nhận những sai lầm có thể xảy ra hoặc những sai lầm không thể tránh khỏi trong quá trình hành động, chấp nhận bị phê phán?

Những luận điểm trên đây của tôi hoàn toàn không liên quan đến những người đang âm thầm lặng lẽ làm việc. Họ có thể đã từng hoặc chưa từng có mặt trên các báo điện tử. Những người đã dùng chính công việc của mình như một sự phê phán, để chống lại cả một tập quán trì trệ của xã hội. Những người đã dùng chính công việc của mình như một sự phê phán chính mình, phủ nhận chính mình, để tạo ra chính mình như những giá trị mới, điển hình như trường hợp cố Giáo sư Đỗ Đức Hiểu. Theo tôi, đó là sự phê phán đúng nghĩa nhất.

Để kết luận, tôi nhắc lại rằng trong công việc của mình, dù hết sức cố gắng để đạt tới sự chính xác trong khả năng có thể, tôi vẫn sẽ tiếp tục có những nhầm lẫn, thiếu sót, cho dù đó là việc gì, dịch thuật hay nghiên cứu. Và những sai sót có thể xảy ra hoặc tất yếu phải xảy ra ấy sẽ không ngăn cản tôi tiếp tục công việc. Vì thế tôi viết bài này như một lời cảm ơn trước dành cho tất cả những góp ý mà quý vị dành cho tôi sau này, bất cứ ở đâu và vào lúc nào. Tất cả những người viết góp ý cho tôi đều có thể nhận ở đây thái độ chính thức của tôi (đặc biệt là khi tôi không có điều kiện trả lời): tôi sẽ ghi nhận và cảm ơn sự góp ý của quý vị, tôi sẽ ghi nhận và cảm ơn sự phê phán của quý vị; và sẽ gửi trả quý vị thái độ miệt thị, coi thường [3] (trong trường hợp có những thái độ như vậy); đồng thời cũng gửi trả quý vị những phê phán, góp ý thiếu chính xác [4] (trong trường hợp có những phê phán mang tính chất như vậy, những phê phán thiếu chính xác được viết ra với niềm tin rằng chúng hoàn toàn chính xác).

Paris 20-10-2006

© 2006 talawas




[1]Điều «ly kỳ» (dùng lại chữ của Margaret Nguyen) là: khi tôi vào eVăn để kiểm tra lại bài viết của Trần Thiện Đạo «Sigmund Freud – thiên tài hay bịp bợm» trong đó có những sai sót về dịch, thì bài viết đó đã không cánh mà bay. Trong khi những bài phê bình bài viết đó thì vẫn còn. Tôi viết những dòng này vào lúc 15 giờ 45 phút ngày 20-10-2006. Nói rõ như vậy để đề phòng trường hợp: eVăn có thể bỏ xuống bất kỳ lúc nào và cũng có thể đưa lên bất kỳ lúc nào, do vậy khi bài của tôi với những dòng này được đăng ở talawas, thì không loại trừ khả năng bài viết của Trần Thiện Đạo đã lại có mặt ở eVăn, như chưa hề biến mất. Tuy nhiên, dù sao, tôi hy vọng sự biến mất của bài viết của Trần Thiện Đạo chỉ là nhất thời do lỗi kỹ thuật. Nếu không thì mấy chữ copyright eVăn sẽ chẳng có ý nghĩa gì, và những cuộc tranh luận trên eVăn cũng chẳng có ý nghĩa gì, một khi bài vở cứ tự tiện biến mất không kèn không trống như vậy. Liên quan đến vấn đề này hình như eVăn vẫn còn nợ một số tác giả, trong đó có tôi, một lời giải thích về việc bài của họ đăng trên eVăn đã bị bóc đi âm thầm từ lúc nào không rõ. Trong những trường hợp như thế, việc nói đến quyền tác giả chỉ là trò trẻ con không hơn không kém. Vậy mà khẩu hiệu của eVăn là gì? Tinh thần thế giới! Trên thế giới người ta không có quyền đối xử với tác giả như vậy. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận vấn đề từ mọi khía cạnh có thể để tránh những quy kết vội vàng: có thể chính tác giả Trần Thiện Đạo đã đề nghị bóc bài xuống. Trong trường hợp đó, ít nhất eVăn cũng có thể thông báo với độc giả như talawas đã làm với bài của Trường Nhân. Tuy nhiên trong trường hợp này, cũng cần đặt vấn đề rằng: liệu eVăn có quyền bóc gỡ những bài viết là trung tâm của một cuộc tranh luận? Giả định: nếu bây giờ tôi đề nghị talawas bóc bài dịch Kristeva của tôi xuống và talawas chấp nhận thì những phê bình của Margaret Nguyễn chẳng khác gì những lời vu khống, vì độc giả chẳng còn biết lấy gì để đối chiếu. Điều tương tự như vậy sẽ xảy ra đối với những bài viết xung quanh bài của Trần Thiện Đạo về «nạn phân tâm», khi mà giờ đây bài viết của Trần Thiện Đạo không còn ở đó nữa.
[2]Tôi nhắc lại: ở đây tôi nói đến «thái độ», chứ không nói đến bản thân công việc «dọn vườn», vì «dọn vườn» là một công việc luôn luôn cần thiết và đặc biệt cần thiết trong tình trạng dịch thuật hiện nay.
[3]Như Cao Việt Dũng đã từng trả lại một chữ «nghe» cho Margaret Nguyen.
[4]Như trường hợp góp ý sai về câu văn của Kristeva đã dẫn trong bài này.