Trong vài năm qua đã có những sơ sở xuất bản trong nước cho in và phát hành một số tác phẩm của người Việt hải ngoại. Vì thế không phải là điều ngạc nhiên khi nhà xuất bản Trẻ cho in tập sách
Hành trình của một kinh tế gia Việt (Tâm bút) của tiến sĩ Phạm Ðỗ Chí, một chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt và cũng là một cây viết quen thuộc trong làng báo Việt ngữ hải ngoại.
Ðây không phải là tác phẩm đầu tiên của Phạm Ðỗ Chí. Ông từng viết cho các báo Việt ngữ với bút hiệu Phạm Ðỗ Thăng Long và đã cho ra đời một tập bút ký hơn mười năm trước. Những năm gần đây ông cùng với một số nhà kinh tế Việt ở quê nhà và tại một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Úc biên soạn ba quyển sách bàn về kinh tế Việt Nam
[2] cũng đã được xuất bản trong nước.
Tâm bút gồm những bút ký và một số bài phân tích tình hình kinh tế Việt Nam, Trung Quốc và thế giới sau biến cố 11 tháng 9. Nếu ba quyển sách chuyên đề kinh tế đã xuất bản mang nặng chất xám và nghiêng hẳn về nghiên cứu thì
Tâm bút, như ý của tiểu tựa tập sách, chứa đựng những suy nghĩ và ước vọng tiềm ẩn trong tim, mà nói theo ngôn từ bình dân là tấm lòng của tác giả đối với một quê hương Việt Nam còn lạc hậu, kém phát triển đến mủi lòng khiến tác giả cảm thấy niềm tự hào con Rồng cháu Tiên của người Việt chưa được đặt đúng chỗ: "Chúng ta chưa xứng đáng xưng danh con Rồng cháu Tiên khi nào đất nước mình còn nghèo và tụt hậu so với các nước láng giềng châu Á."
Việt Nam không chỉ kém mở mang so với các nước lân bang. "Vị trí tụt hậu của Việt Nam, có lẽ chỉ khá hơn vài nước châu Phi trên bản đồ thế giới" là so sánh giữa đất nước mình với những quốc gia tác giả đã tiếp cận như Togo, Niger hay Mauritania là nơi ông đã sống, làm việc, hay ghé qua trong những dịp tham dự hội nghị về kinh tế và phát triển. Với kinh nghiệm ba năm làm đại diện thường trực của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tại Togo, một nước ở phía tây châu Phi (không phải trung Phi như trong sách đã ghi), niềm tủi hổ vì một nước Việt Nam nghèo nàn còn dấy lên mạnh mẽ khi tác giả nghe các chuyên gia kinh tế hết lời ca ngợi những con rồng của châu Á là Nam Hàn, Ðài Loan, Singapore, Nhật Bản tại những hội nghị.
Gần gũi quê nhà hơn, ông làm đại diện cho cùng một cơ quan tài chính quốc tế tại Lào, vì thế những quan sát và nỗi dày vò trong tim của tác giả khi nhìn về quê hương có những giá trị thực tế. Ông kể chuyện gặp gỡ, bàn luận với Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Lào về kinh tế hơn mười năm trước đây xem ra cũng giống như hai ba năm trước cựu tổng bí thư Ðỗ Mười, trong ban cố vấn tối cao của đảng, đã hỏi cặn kẽ những chuyên viên kinh tế Việt về từng điều khoản trong bản hiệp định thương mại Mỹ-Việt để rồi, vì không đủ kiến thức kinh tế, nên các nhà lãnh đạo Việt Nam đã quyết định đình hoãn việc ký hiệp định đến hơn cả năm. Vì lãnh đạo thiếu kiến thức và một phần còn mang những nghi ngờ, đặc biệt đối với người Mỹ, nên tác giả cũng như nhiều Việt kiều khác muốn mang tài năng đóng góp cho đất nước cảm nhận mình như là "người lạ" trong môi trường làm việc ở Việt Nam.
Ðể đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng phát triển lừng khừng, theo tác giả nhà nước cần quyết tâm thúc đẩy đổi mới kinh tế mạnh mẽ hơn bằng việc giảm khu vực quốc doanh, nâng cấp các hoạt động tư doanh, vì ông đã chính mắt nhìn thấy ở nhiều quốc gia kém mở mang những đầu tư do chính phủ thực hiện thường là lãng phí, bị tham nhũng đục khoét và kém hiệu quả; tự do kinh doanh và sản xuất sẽ giúp kinh tế tăng trưởng; cải tiến thủ tục hành chính rườm rà, bớt việc kiểm soát, gây khó dễ để thu hút đầu tư nước ngoài; cải tổ hệ thống luật pháp hầu đem đến một xã hội công dân, pháp trị kẻo không sẽ dẫn đến một nền kinh tế "tư bản rừng" như có người đang lo ngại.
Ðó cũng là những đề nghị mà những nhà kinh tế, đại diện những định chế tài chánh quốc tế có mặt tại Việt Nam đã khuyến cáo từ chục năm qua. Nhưng liệu những nhà lãnh đạo Việt Nam có nhìn ra không? Theo tác giả, tương lai kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào "tấm lòng" của những người lãnh đạo để họ "cởi trói" nền kinh tế một lần nữa và tấm lòng của mọi người Việt, kể cả người Việt hải ngoại, muốn góp phần xây dựng đất nước. Về những cố gắng đóng góp của người Việt hải ngoại, tác giả nhận xét Trung Quốc và Do Thái thành công trong việc mời gọi con dân của họ về giúp nước, còn Việt kiều về nước làm ăn vẫn chưa được tin tưởng và còn bị coi như người xa lạ.
Hành trình trong đời của giáo sư Phạm Ðỗ Chí và sự ra đời của
Tâm bút bắt đầu từ những ngày tác giả còn ở bậc trung học đệ nhị cấp tại trường Chu Văn An, Sài Gòn, với ham mê làm báo học trò, và khi những hoài bão của tuổi trẻ về quê hương bắt đầu nảy sinh dù trong một đất nước khói lửa chiến tranh là những ước mơ góp phần xây dựng. Sau tú tài 2, tác giả đã học y khoa một năm ở Sài Gòn, nhưng lại đổi ý và theo đuổi ngành kinh tế tại một đại học Canada, rồi qua Mỹ học thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế ở Wharton School, Ðại học Pennsylvania.
Tâm bút ghi nhận những điều rất thực, từ những trận bão cát ở vùng sa mạc Sahara, những cơn mưa rào trên đất Togo, hay con sông Mekong ở khúc phân chia hai xứ Lào - Thái sao nhỏ hẹp làm tác giả ước mình được thành chiếc thuyền mong manh xuôi nguồn về cố hương, rồi những nỗi niềm riêng của tác giả trong ngày 11 tháng 9 kinh hoàng năm nào khi đang trên đường trở về đất Mỹ từ Paris. Người đọc cũng thoáng thấy nếp sống, những nét văn hóa của người Việt ở trong và ngoài nước, thấy cuộc sống quá khứ trung lưu của gia đình tác giả, thấy tình cảm, cách làm việc của con người thay đổi theo hoàn cảnh sống. Nhưng
Tâm bút thiếu cái hình ảnh của đa số con người Việt Nam còn nghèo khó hiện tại, chẳng hạn như cảnh thôn quê nghèo hay những đứa trẻ lam lũ kiếm ăn, những người ăn xin hay những bác đạp xích lô trên đường phố ở Hà Nội, Ðà Nẵng, Sài Gòn, dù tác giả đã ghi lại nhiều chi tiết khác ở những nơi đó.
Với
Tâm bút, tiến sĩ Phạm Ðỗ Chí còn muốn trả món nợ tinh thần đối với thầy Thích Nhất Hạnh, tác giả cuốn sách
Nói với tuổi hai mươi, nhưng tên thầy không được nhắc đến trong sách, hay đã bị kiểm duyệt chăng? Sách của thầy Nhất Hạnh xuất bản cách đây gần 40 năm là những tâm tình gửi cho đoàn thanh niên của Trường Thanh niên phụng sự Xã hội Sài Gòn. Cuốn sách này, kể từ khi cậu học sinh Phạm Ðỗ Chí bắt gặp lần đầu ở tuổi 15, 16 đã trở thành sách dẫn đường cho tác giả trong cuộc sống có nhiều vô thường mà tác giả đã lấy đó làm theo: học cho hết mình, mà vui chơi cũng trọn nghĩa ân tình với thân nhân, bạn bè; vào đời thì đam mê với công việc và đem hết khả năng ra giúp đời.
Ðã thành tài, được bôn ba nhiều chân trời góc biển, nay tác giả muốn truyền lại ít nhiều kiến thức, kinh nghiệm và một tấm lòng rộng mở có thể nói như là "nước tuôn ra bể lại mưa về nguồn" cho những thế hệ sau mà người đọc tìm thấy trong
Tâm bút.
[1]Hành trình của một kinh tế gia Việt (Tâm bút) của Phạm Ðỗ Chí, 158 trang, Nhà xuất bản Trẻ, Sài Gòn, 2003.
[2]Ba quyển sách đó là: Ðánh thức con rồng ngủ quên, Phạm Ðỗ Chí và Trần Nam Bình đồng chủ biên, 2001; Những vấn đề kinh tế Việt Nam: Thử thách và hội nhập, Phạm Ðỗ Chí, Trần Nam Bình và Vũ Quang Việt đồng chủ biên, 2002; Làm gì cho nông thôn Việt Nam?, Phạm Ðỗ Chí, Ðặng Kim Sơn, Trần Nam Bình và Nguyễn Tiến Triển đồng chủ biên, 2003