trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
24.10.2008
Martin M. Simecka
Người sở hữu chiếc chìa khóa
Trần Kh. dịch
 
Không một năm nào trong suốt 19 năm qua, sau sự sụp đổ của Khối Cộng sản Đông Âu, mà không có những hồ sơ mật của quá khứ được đưa ra ánh sáng, trong đó giới trí thức, văn nghệ sĩ Đông Âu không chỉ hiện ra trong tư cách nạn nhân, mà còn trong tư cách thủ phạm, kẻ đồng loã, kẻ tiếp tay cho chính quyền toàn trị và bộ máy nhà nước công an trị trấn áp và tiêu diệt những người khác chính kiến. Năm nay, trong câu chuyện kể mãi chưa dứt về những vụ phản bội và chỉ điểm cay đắng ấy xuất hiện một nhân vật mới: nhà văn gốc Tiệp nổi tiếng thế giới Milan Kundera. Chúng tôi giới thiệu bài viết sau đây, mong chuyển đến độc giả Việt Nam phần nào sự quan tâm đặc biệt của giới báo chí và truyền thông quốc tế đối với vụ bóc trần này, nhất là khi báo chí tại Việt Nam cho đến ngày hôm nay không hề có một dòng tin nào đề cập.
talawas
Milan Kundera - Ảnh: Profimedia.cz

Hành vi tố giác được ghi lại trong một biên bản của cảnh sát này nằm chìm khuất dưới núi hồ sơ lưu trữ hơn năm mươi năm trời. Chứng từ được phát hiện một cách tình cờ này đã cho chúng ta biết một câu chuyện xảy ra vào năm 1950 mà trong đấy, số phận đã đưa đẩy đường đời của hai người trẻ thuộc cùng thế hệ gặp nhau chỉ một lần duy nhất. Sau đó, một kẻ phải vào tù nhiều năm, trong lúc người kia thì trở thành một tác giả nổi danh thế giới.

Năm 1949, Miroslav Dvořáček trốn thoát được đến Đức và đã được huấn luyện - dưới sự chỉ huy của người Mỹ - bởi một nhóm huấn luyện viên người Tiệp, mà trong số đó có nhiều người là anh hùng thời chiến. Sau đấy Dvořáček đã có thể quay trở về Tiệp Khắc như một gián điệp đưa tin. Một trong những chuyến trở về ấy là một chuyến đi định mệnh - Dvořáček bị tố giác bởi một sinh viên trẻ và phải ngồi tù mười bốn năm, suýt tí nữa thì đã phải chịu án tử hình. Hiện ông sống tại Thụy Điển. Người đàn ông đã chỉ điểm ông tên là Milan Kundera và hiện đang sống ở Pháp. Các tác phẩm văn chương của Kundera đã có ảnh hưởng lên nhiều thế hệ người đọc trên toàn thế giới. Vì thế cũng hợp lẽ để đặt ra ba câu hỏi dưới đây.


Hồ sơ cảnh sát số: 624/1950-II - Chứng từ của việc tố giác?
Câu hỏi thứ nhất: Liệu ông ta có được quyền giấu kín quá khứ của mình hay không?

Tố giác là một hành vi xấu xa được các thể chế toàn trị nâng lên hàng phẩm hạnh, và cũng trở thành cơ sở để các thể chế ấy thực thi quyền lực. Có lẽ hoàn toàn không phải là chuyện tình cờ, khi hành vi tố giác đóng một vai trò rất quan trọng trong các tác phẩm của Kundera. Chính nó là một kiểu lực đẩy cho tình tiết câu chuyện trong tiểu thuyết đầu tiên của ông có tên Trò đùa cợt (1969). Đấy là câu chuyện về một sinh viên bị một người bạn tố giác chỉ vì anh ta đã viết một thông tin châm biếm trên một tấm bưu thiếp, sau đó anh đã bị đuổi khỏi đại học và phải đi lao động khổ sai ở một vùng mỏ. Toan tính trả thù của người sinh viên ấy sau khi ra tù đã kết thúc bằng một sự thất bại. Tố giác (Phản bội) cũng là đề tài trung tâm trong bài thơ Tháng Năm cuối cùng (1955) [1] của Kundera, và lời giải cho kết cục của vở kịch nổi tiếng một thời của ông mang tên Người sở hữu những chiếc chìa khóa (1963) cũng dựa trên việc tố giác v.v... Bởi thế có nhiều khả năng là Kundera đã gián tiếp thú nhận hành động xấu xa của mình qua các cốt truyện mà ở đấy, ông đã quăng các nhân vật của mình một cách không thương xót vào mạng lưới của sự bội phản và những sự kiện lịch sử trọng đại.

Bên cạnh Václav Havel, Kundera là một trong những người Czech nổi tiếng nhất hiện vẫn còn sống. Từ những năm 1950, ông đã thành công trong việc gầy dựng cho mình hình ảnh của một nhà văn sẽ không bao giờ chịu để mình lại bị rơi một lần nữa vào những điều không tưởng. Ông đã luôn luôn từ khước vai trò là một "nhân vật của công chúng". Tuy nhiên - trong quá khứ - ông đã từng nhiều lần dấn thân để tranh đấu nhiệt tình cho nhân phẩm và tự do: Ông đã làm việc ấy trong bài phát biểu trước đại hội các nhà văn, trong cuộc tranh luận về "số phận Czech" hoặc bằng những bài tiểu luận ông đã viết về đề tài Trung Âu.

Tất cả những chuyện ấy dĩ nhiên là ông đã không thể làm được nếu ông công khai thú nhận hành vi tố giác của mình, bởi vì qua đó vầng hào quang của một thẩm quyền đạo đức sẽ bị tước mất. Bây giờ thì mọi chuyện đà quá trễ, Kundera đã để tuột mất cơ hội để nói về mình, không như Günter Grass, một đồng nghiệp cùng thế hệ với ông, đã làm trong một thời gian ngắn trước đây.


Câu hỏi thứ hai: Bí mật của ông đã phản ánh như thế nào trong cuộc đời và tác phẩm?

Chúng ta không biết là Kundera đã "quên" hay là đã sống và ý thức rõ từng ngày trong sáu thập niên dài đằng đẵng vừa qua những chuyện mình đã làm. Trong một tiểu luận viết về đề tài tiểu thuyết và khả năng thế chỗ cho triết học của nó, ông đã đặt câu hỏi: "Tội ác có nghĩa gì, khi nhân vật Hugenau của Broch [2] không chỉ không hối hận vì những hành động sát nhân của hắn ta, mà thậm chí cũng chẳng còn nhớ đến những tội ác của mình?“

Việc ông không đủ khả năng để thú nhận hành vi đã làm trong quá khứ của mình cũng có thể là lời giải thích cho chuyện Kundera đã tuyệt đối kiên trì và không thỏa hiệp trong việc tự cắt đứt mình ra khỏi quê hương và ngôn ngữ mẹ của ông. Đồng thời, việc ông dứt khoát chối bỏ quá khứ của chính mình xem ra cũng có liên quan đến việc ông là người bảo vệ nhiệt tình cho tính độc lập của tiểu thuyết: Người ta không được phép đọc một cuốn tiểu thuyết trong mối liên hệ với tác giả. Như ông đã viết trong bài tiểu luận có tên Di sản bị mất giá của Cervantes [3] , chức năng đạo đức duy nhất của tiểu thuyết là "khám phá ra những sự kiện chưa từng được biết đến trong sự hiện hữu của con người", nhưng tuyệt đối không được phép để những sự kiện ấy bị làm vấy bẩn bằng việc khám phá những điều chưa biết tới trong đời sống của chính tác giả tiểu thuyết.

Ngay từ năm 1985 tại Jerusalem, Kundera đã giải thích trong bài nói chuyện cuối cùng của mình trước công chúng [4] , rằng "người viết tiểu thuyết - theo Flaubert - là kẻ tìm cách tự biến mất đằng sau tác phẩm của mình. Và biến mình đằng sau tác phẩm của mình có nghĩa là: khước từ vai trò là một nhân vật của công chúng." Ông vẫn thường xuyên trở lại với chủ đề này và là người luôn bảo vệ cuồng nhiệt và tài hoa cho cái quyền của tác giả được trở thành vô hình vô tướng đằng sau quyển tiểu thuyết của mình, cũng như cái bổn phận phải che giấu trước độc giả "tất cả những chiếc chìa khóa khả dĩ có thể làm hé lộ nguồn cảm hứng của tác giả." Theo quan điểm của Kundera, thì giáo sư người Mỹ Jeffrey Meyers đã "hủy hại" tác phẩm của Hemingway qua việc ông ấy ra sức kiếm tìm những nhân vật có thực đã từng tồn tại xung quanh Hemingway. Bằng việc này Meyers đã biến các tác phẩm của Hemingway thành một tiểu thuyết-chìa khóa (roman à clef) duy nhất; các nhân vật hư cấu bỗng biến thành những con người thật và người viết tiểu sử trở thành kẻ đem tác giả ra tòa vì những vi phạm đạo đức.


Câu hỏi thứ ba: Tha thứ hay trừng phạt?

Điều nghịch lý là những nỗ lực đáng lưu ý đầy tính trí thức của Kundera để chống lại tất cả những ai muốn kiếm tìm những chiếc chìa khóa xem chừng hiện nay đang quay trở lại tấn công chính ông. Những hành vi không đẹp đẽ của ông trong một thời đã xa có thể trở thành chiếc chìa khóa để đọc và hiểu lại tất cả các văn bản của ông. Đối với một tác giả như Kundera, người chuyên lo lắng đến độ ám ảnh về việc diễn giải văn bản của mình, thì đây có thể là một sự trừng phạt nặng nề nhất - tác giả trở thành nhân vật trong tiểu thuyết. Và càng nặng nề hơn khi ông tin rằng "tiểu thuyết - cũng như toàn bộ các loại hình văn hóa đang càng ngày càng rơi vào tay truyền thông đại chúng; chính truyền thông - như là những tác nhân tích cực trong việc đồng bộ hóa lịch sử hành tinh chúng ta - đang củng cố và lèo lái tiến trình giản lược hóa."

Kundera đã cố gắng ngăn chặn sự "giản lược hóa" ấy bằng mọi cách. Ông không chịu tiếp xúc với giới truyền thông (may lắm ông chỉ gởi cho báo giới một bài phỏng vấn mà ông đã soạn ra câu hỏi rồi tự trả lời, như bài phỏng vấn mới đây đăng trên nhật báo MF Dnes) và thu mình trong một đời tư hoàn toàn khép kín. Những điều mà giờ đây có lẽ sẽ đến với một kẻ đã ở ngưỡng tuổi tám mươi quả là một trò đùa cợt thô bạo của số phận, và hẳn ông cũng nên chấp nhận sự đùa cợt này - với tất cả "chất thi ca cười cợt nhạo báng" của nó. Câu chuyện u ám về sự phản bội từ thời tuổi trẻ - sáu mươi năm sau, bỗng bước ra ánh sáng như một bóng ma - thích hợp một cách tuyệt hảo với cái nhìn đậm chất Kundera (kunderaesk) về một thế giới ở đó "con người suy nghĩ và Thượng đế thì cười".

Kundera thường không cho các nhân vật của mình được hưởng sự tha thứ hay một sự thanh tẩy (catharsis). Nhưng xã hội loài người, trong đó có xã hội Czech, cần sự tha thứ - và chính là để rồi có thể trải nghiệm được sự thanh tẩy. Không có sự sẵn sàng và thẳng thắn của Kundera thì sự việc sẽ trở thành phức tạp.


Những anh hùng

Kundera không phải là nhân vật chính trong câu chuyện với những cái bẫy gợi nhớ đến những bi kịch cổ đại này. Nhân vật anh hùng là Miroslav Dvořáček, người đã bước vào cuộc chiến đấu chống lại cái "vũ trụ toàn trị" - để dùng một lối diễn đạt của Milan Kundera. Mãi cho đến tận hôm nay, Dvořáček vẫn không biết ai là kẻ đã phản bội ông, ông cũng chưa một lần nói về mười bốn năm tù đày ngay cả với những người con của mình. Và cũng cho đến bây giờ, Iva Militká vẫn còn bị dằn vặt bởi ý nghĩ rằng mình đã phá hỏng cuộc đời của một con người - dẫu là không chủ ý - chỉ vì cảnh sát đã rình sẵn ở căn phòng của bà trong ký túc xá sinh viên để bắt Dvořáček. Còn nhiều nhân vật khác trong câu chuyện phức tạp này có thể được xem – và không chút cường điệu cảm xúc - là những anh hùng của Czech.

Số phận của họ là cánh cửa sổ mở vào quá khứ Tiệp, nó phải được mở tung ra. Đấy là điều mà chúng ta còn nợ những con người ấy và chính chúng ta. Những năm năm mươi đã sản sinh ra đủ các kiểu tội lỗi, chúng vẫn còn gây đau buồn trong xã hội ta mãi đến tận hôm nay, nhưng đồng thời cũng đã tạo ra những anh hùng, họ có thể giúp chúng ta giải thoát được mình ra khỏi bóng hình của những tội lỗi ấy, để có thể trải nghiệm một cuộc thanh tẩy. Chúng ta chỉ cần phải phát hiện ra họ.



Martin M. Simecka, Tổng biên tập của tuần báo Respekt (Cộng hòa Czech), là tờ tạp chí đã công bố kết quả nghiên cứu của nhà sử học Adam Hradilek [5] thuộc Viện Nghiên cứu các Thể chế Toàn trị (ÚSTR) với nội dung cáo buộc Kundera đã từng tố giác với cảnh sát một người chống chế độ vào năm 1950. Kundera đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này, gọi đấy là "một cuộc mưu sát tác giả" và đòi tạp chí Respekt phải xin lỗi. Trong những ngày vừa qua, một số người đã lên tiếng bảo vệ ông [6] , trong số đó có sử gia văn học Zdenek Pesat. Với tư cách là chứng nhân của thời điểm ấy, Pesat bảo rằng người đã mật báo với cảnh sát không phải là Kundera mà là Miroslav Dlask (nay đã mất), lúc bấy giờ là bạn trai và về sau trở thành chồng của bà Iva Militká.

Tạp chí RespektViện Nghiên cứu các Thể chế Toàn trị vẫn tin vào tài liệu đã được phát hiện mà tính xác thực của nó đã được các chuyên gia của Viện Lịch sử Quân sự chứng nhận. (Người dịch)


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Bài thơ viết về huyền thoại Julius Fučík (1909-1943), nhà văn, nhà báo cộng sản Tiệp với tác phẩm nổi tiếng Viết dưới giá treo cổ, mà ngày nay người ta biết là ấn bản lưu hành chính thức của tác phẩm này không phải là nguyên bản, những đoạn không thích hợp với hình ảnh của một người kháng chiến cộng sản kiên cường đã bị cắt bỏ. Fučík bị chính quyền Quốc xã bắt và xử tử hình tại Berlin vào tháng 9 năm 1943. (Tất cả các chú thích là của người dịch.)
[2]Hermann Broch (1886-1951), nhà văn Áo. Hugenau là tên một nhân vật trong tiểu thuyết bộ ba Die Schlafwandler (Những kẻ mộng du) của Broch.
Xem thêm: Milan Kundera - "Nghệ thuật tiểu thuyết" (Phần thứ ba), bản dịch của Nguyên Ngọc đăng trên talawas: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2953&rb=08
[3]Xem thêm: Milan Kundera - "Nghệ thuật tiểu thuyết" (Phần thứ nhất), bản dịch của Nguyên Ngọc: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2906&rb=08
[4]Xem thêm: Milan Kundera - "Nghệ thuật tiểu thuyết" (Phần thứ bảy), bản dịch của Nguyên Ngọc: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2958&rb=08
[5]Bản dịch tiếng Anh của bài viết rất chi tiết này đã được đưa lên trang mạng của tạp chí Respekt: http://english.respekt.cz/Milan-Kunderas-denunciation-2742.html
[6]Bài của nhà văn Pháp Yasmina Reza đăng trên báo Le Monde: http://www.lemonde.fr/opinions/article/2008/10/17/milan-kundera-ou-l-offense-du-silence-par-yasmina-reza_1108120_3232.html
Bài của Václav Havel (với lời nhắn nhủ các nhà sử học trẻ Czech) đăng trên Respekt, đã được dịch sang tiếng Anh và đăng tại đây:
http://www.salon.eu.sk/article.php?article=732-two-messages-english
Bài của nhà văn Đức Rolf Schneider đăng trên báo Die Welt: http://www.welt.de/welt_print/article2593334/Auch-Prager-Akten-ist-nicht-zu-trauen.html
Nguồn: Perlentaucher - ngày 15.10.2008 (Bản tiếng Đức, dịch từ bài viết đăng trên tạp chí Respekt: http://www.perlentaucher.de/artikel/4999.html)