trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
16.10.2008
Jonathan Littell
Ghi chép từ Gruzia
Phạm Toàn dịch
 1   2 
 
“Nước Nga không bao giờ phản bội bạn bè!”

Theo các nhà báo từng biết rõ Tskhinvali từ trước chiến tranh, vấn đề khó khăn ở chỗ khu phố này đã bị ném bom từ năm 1991, sau đó chỉ được xây dựng lại rất ít; và trong một cuộc viếng thăm chớp nhoáng thế này thì thật khó mà phân biệt đâu là những tàn phá cũ và đâu là những tàn phá mới, hoặc đâu là những tai hại do bom Gruzia ném xuống ngày 7 và 8 tháng Tám với bom của Nga khi phản công lại vào ngày 9 và ngày 10. Hỏi dân ở đây cũng chẳng hơn gì, vì bất cứ câu hỏi nào hơi cần đến độ chính xác một chút đều gây nên những phản ứng loạn thần kinh trầm trọng, như thể hỏi như vậy là hồ nghi không có chuyện “diệt chủng” mà tất cả họ ở đây đều đã phải trải qua. “Người Gruzia định giết hết chúng tôi. Ơn Chúa, nước Nga đã cứu chúng tôi,” Fatima Tadtaeva, một nghệ sĩ sống ở khu phố này lớn tiếng kết tội như vậy trước khi giải thích rằng người em họ Fedel Tadtaev của bà cùng vợ và ba con nhỏ đã bị một xe bọc thép Gruzia giết chết khi họ định dùng ô tô tháo chạy. “Các ông có đến dự mít-tinh đấy chứ?” Bà nói, và chia tay chúng tôi khá đột ngột.

Cuộc “mít-tinh”, một cuộc biểu tình chính trị tại quảng trường trung tâm với những diễn văn của nhà lãnh đạo người Ossetia Kokoity và những thành viên khác trong chính phủ của ông ta là một trong những lý do chủ yếu để tổ chức cuộc viếng thăm này cho chúng tôi. Tôi lơ đãng nghe họ diễn thuyết, Kokoity lăng mạ người Gruzia: “Nếu trước ngày 7 tháng tám còn có chút khả năng thương lượng dù là mong manh thì bây giờ khả năng đó hoàn toàn không có nữa!” Và tôi đi lang thang trong đám đông, giữa những người dân thường xếp hàng trật tự tay cầm cờ và băng-rôn, giữa những người dân binh Ossetia, trong đó nhiều người còn mặc quân phục Gruzia một cách lạc lõng giữa chốn này, những bộ áo quần rằn ri vừa mới từ sa mạc Irak trở về.

Qua mé bên kia khán đài, tôi rơi vào một nhóm nhà báo Nga đến từ Vladikavkaz, thủ đô Bắc Ossetia. Họ được chiều chuộng hơn chúng tôi, được đi xe buýt, hơn nữa còn được mời bữa ăn nóng có súp kasha với thịt do nhà bếp dã chiến phục vụ, và tôi cũng nhào vô liền. Mít-tinh tiếp tục, Anatoly Barankevich, một sĩ quan Nga chuyên nghiệp “được biệt phái” sang làm thư ký Uỷ ban An ninh Nam Ossetia, lên diễn đàn nói bằng giọng đầy tin tưởng: “Nước Nga không bao giờ phản bội bạn bè!” Sasha thì đã lại đi quanh gào to lên để tập hợp cánh nhà báo “của ông ta” – những ký giả lần đầu được tới Liên Xô cũ, đang ô a mắt tròn mắt dẹt trước mọi chuyện. Còn những ai đã hiểu rõ vùng này thì thấy khung cảnh hơi có vẻ hề, mọi người cùng nhau vừa pha trò vừa bình luận về các chi tiết.

Đoàn tham quan tiếp tục đến thăm căn cứ của lực lượng giữ gìn hoà bình, viết tắt theo tiếng Nga là MS (Mirotvorcheskie sily), nằm ở tây-nam thành phố, đã bị Gruzia công phá tan tành. Đứng trước toà nhà bị bom đạn bầm dập và cháy đen thui có những vòng hoa đỏ đính băng tựa vào, đại tá Igor Konachenkov, người điều khiển đoàn tham quan chúng tôi, nói về những tổn thất của MS với 15 người chết và chừng 150 bị thương, mà ông nói rằng đã bị tiến công một cách đớn hèn khi bom ném lúc họ đang ngon giấc. Với ông, không còn gì để hồ nghi rằng phe Gruzia đã làm mọi việc có toan tính: “Đã một nửa năm rồi, quân MS chúng tôi cảnh báo người Gruzia chuẩn bị chiến tranh: họ huy động quân lực, tích trữ vũ khí đạn dược. Hiển nhiên là họ chuẩn bị tiến công.”

Trong khi phần lớn các nhà báo chụp ảnh các cảnh tàn phá hoặc bị xua đuổi bởi một chú Sasha càng lúc càng điên rồ, tôi đi sâu vào bên trong căn cứ, thấy lính đang chữa xe bọc thép hoặc nằm ngủ trước những toà nhà bớt bị tàn phá. Một nhóm mời tôi nhâm nhi rượu chacha (một loại rượu đế địa phương có độ cồn chừng 60°) nhắm với kompot, hoa quả khô ướp muối, và họ kể cho tôi nghe tỉ mỉ trận đánh căn cứ. Họ là lính chuyên nghiệp tham gia ở đây một năm với mức lương tháng 770 euro; thực ra thì tất cả bọn họ đều đã ở trong tình trạng báo động từ khi phía Gruzia bắt đầu tiến công thành phố vào đêm 7 tháng Tám, và những thiệt hại đầu tiên của họ là vào sáng ngày 8 tháng Tám khi quân địch bắt đầu dùng pháo binh bắn vào căn cứ. Một phần căn cứ bị mất, buộc họ phải đi bộ mà di tản; chỉ khi phản công lớn vào ngày 10 tháng Tám thì đống hoàng tàn này mới được tái chiếm.

Người Gruzia không chối là đã tiến công quân MS: căn cứ này che chắn cho pháo binh Ossetia từ trên cao bắn xuống đầu họ, và họ khẳng định là không còn chọn lựa nào khác hơn là đánh trả. Nhưng họ giảm việc bắn vào thành phố tới mức thấp nhất, khẳng định lại chỉ đánh vào chỗ có quân đội mặc dù chứng cứ thì chống lại điều này. Ban tối khi trở về Tbilisi, tôi thấy trong sảnh của khách sạn Marriott một tấm ảnh lớn thành phố Tskhinvali chụp từ trên không, do Patrick Worms cho treo ở đây, chỉ rõ sáu chỗ bị trúng trọng pháo Gruzia (với những thanh minh biện bạch cho từng trường hợp một). Tuy nhiên, lúc đi đường tới gần làng Tkviavi – Lomaia hôm trước đã rất cẩn thận không cho chúng tôi biết điều này –, Sasha đã chỉ cho chúng tôi thấy một vị trí pháo binh Gruzia từ đó họ bắn tên lửa Grad; những tên lửa cỡ 122 mm này phóng hàng loạt nổi tiếng là không chính xác, và đem dùng chúng bắn vào một thành phố đông dân, theo ngôn từ pháp lý, có thể được coi là bắn phá bừa bãi không phân biệt gì hết. Tại đây, những hòm đựng tên lửa rỗng có đóng nhãn hiệu Tiệp Khắc được chất đống, và tôi đếm được khoảng 540 quả; Konachenkov khẳng định với tôi rằng có năm địa điểm pháo binh như thế, nhưng không cho chúng tôi xem. Dĩ nhiên người Gruzia khẳng định là chỉ dùng tên lửa Grad chống lại xe bọc thép Nga ở tầm làng Zhava và họ dùng vũ khí chính xác hơn để bắn phá thành phố Tskhinvali như đại bác tự hành Dana 152 mm của Tiệp Khắc: lại thêm một thông tin khó mà kiểm chứng được.

Cái đinh của chuyến tham quan quỷ thuật là buổi hoà nhạc cổ điển của Valery Gherghiev và dàn nhạc của Nhà hát Marinsky thành phố Sankt-Peterburg diễn ra ban tối trước toà nhà Nghị viện địa phương đổ nát. Đã nhiều năm rồi, dân Gruzia tìm cách mời Gherghiev, một người gốc Bắc Ossetia và là người bạn lớn của Putin tới Tbilisi để hoà nhạc “hoà giải hoà hợp” mà không mời được. Bây giờ, tại Tskhinvali, xung quanh đầy con trẻ, ông ta sẽ có cuộc hoà nhạc được truyền phát qua ti-vi Nga, được mở màn bằng bài diễn văn của ông bằng tiếng Nga và tiếng Anh về “nạn diệt chủng” do người Gruzia thực hiện, được ông coi tương đương với cuộc khủng bố [toà Tháp Đôi ở Mỹ] ngày 11 tháng Chín, và mặc dù guồng máy ngoại giao Ossetia đã chỉ nói đến 133 thường dân bị chết thôi, song ông này vẫn dùng con số đưa ra từ ban đầu là 2000 nạn nhân.

Đúng trước khi đi ngang cửa thăm dò kim khí để vào khu vực hoà nhạc, tôi bỗng mót đái và tôi đi ngang đám đông chiến binh Ossetia tụ tập ở đó để tìm nhà toa-lét. Ba bà ngồi trên bậu cửa một toà nhà chỉ cho tôi địa điểm ở tầng trên. Khi ấy, không hề biết rằng đây là trụ sở Bộ Nội vụ (Nam Ossetia), tôi cứ đi lên và chẳng thấy ai hỏi han gì cả. Một sĩ quan ăn mặc quân phục ngồi trong văn phòng ngay trước mặt tôi, và tôi kiên nhẫn nhìn qua cửa sổ: ngay bên dưới, trong một khoảnh sân được tạo thành một cái lồng lớn, ở đó chen chúc chừng bốn năm chục thường dân, hiển nhiên đó là người Gruzia và phần lớn rõ ràng là đã cao tuổi.

Tôi dùng điện thoại di động nhanh chóng chộp mấy kiểu ảnh, trong đó có một kiểu cho thấy ở cảnh nền phía sau là cờ quạt và ánh sáng buổi hoà nhạc: những người con tin kia cũng đang nghe nhạc cùng với chúng tôi. “Ở đây, điều kiện không được tốt,” viên sĩ quan đi ra và biện bạch với tôi; chắc hẳn ông ta nghĩ tôi than phiền chuyện ỉa đái chứ không nghĩ tới các con tin kia. Bản thân cuộc hoà nhạc cũng là một trò cao cả tuyệt vời của nền tuyên truyền thuần túy Xô-viết: một đám đông rất có tổ chức gồm các cụ già và con nít cầm nến và chân dung những người đã chết trong gia đình họ, những quân nhân phất phất những lá cờ mới toanh, và những nhà báo nữa. Việc truyền hình trực tiếp được chuyển cảnh đan xen giữa hình ảnh dàn nhạc và những gương mặt đẫm nước mắt cùng hình ảnh thành phố hoang tàn.

Tất cả mọi thứ, cho đến chương trình hoà nhạc cũng được tính toán chi li: mở đầu là phần 2 của bản giao hưởng số 5 của Chaikovsky, buồn bã, u sầu; rồi đến phần trống của bản giao hưởng số 7 của Shostakovich soạn năm 1943 trong thời kỳ Leningrad bị bao vây, hào hùng, mãnh liệt, ngoan cường. Song than ôi Sasha lại không cho chúng tôi nghe đoạn cuối: “Time to go! Time to go!” (“Đến giờ phải đi rồi!”)

Trong chuyến đi này, có lẽ điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là quân đội Nga. Những quân nhân Nga tôi từng biết năm 1996 ở Chechnya chủ yếu là lính nghĩa vụ, hầu như là nhãi ranh đói khát và sợ sệt; còn cái quân đội (Nga) hồi năm 1999-2000 là những tên lính đánh thuê rượu chè, tàn bạo, đồi bại, những tên đi lính theo hợp đồng được tuyển từ cặn bã xã hội Nga, những kẻ sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” thì tha hồ muốn làm gì thì làm. Viên sĩ quan duy nhất lương thiện và chững chạc tôi gặp vào thời đó cuối cùng bị lính của mình giết chết vì anh cản trở họ buôn lậu. Lính Nga triển khai lần này ở Gruzia thì trái ngược hẳn: có kỷ luật, tương đối lịch thiệp, chuyên nghiệp, tự tin.

Tại một trong những làng tôi tới thăm cùng với Lomaia, tôi có dịp tiếp cận viên hạ sĩ quan chỉ huy nhóm lính hộ tống người Nga, một người thuộc sư đoàn không vận Pskov số 76 nổi tiếng, một đơn vị tinh nhuệ, để mời anh ta một điếu thuốc lá, và được anh nhẹ nhàng từ chối. “Hay nhỉ? Lính mà không hút, chưa bao giờ thấy vậy đó,” tôi nói đùa. Lãnh đạm, súng AK chéo trên tay, anh ta nói: “Bây giờ không hút thuốc và chơi thể thao mới là hợp thời. Ông biết không, thời kỳ tan vỡ Liên Xô, tất cả mọi người xoay ra hút thuốc và uống rượu, sống buông thả. Nhưng bây giờ khi nước Nga đã vực dậy, con người tự kiềm chế tốt hơn nhiều.” Những binh linh đóng ở bên trong và chung quanh thành phố Gori cũng tỏ ra tự tin, biết kiềm chế tương tự.

Buổi sáng đầu tiên ở Gori trước khi lên đường cùng với Lomaia, tôi đến với những binh sĩ gác cây cầu trung tâm thành phố, vốn là lính của sư đoàn 42 có bản doanh ở Shali bên Chechnya, để nêu ra với họ câu hỏi gây nhức nhối cho mọi người ở đây, câu hỏi về thời gian rút quân như đã được ông Medvedev hứa hẹn. “Nghe nói lính của các ông sẽ thay thế chúng tôi,” viên trung úy của họ đến bên tôi và hỏi ngay trước khi tôi kịp nói với anh ta. “Ông có tin tức gì không? Ông biết chuyện gì không? Ông có biết chúng tôi sẽ rút đi không?” Thất vọng vì tôi trả lời không biết gì cả, anh ta quay đi làm việc riêng, có vẻ bứt rứt và nóng nẩy nhưng làm việc hiệu quả thật sự, anh ra lệnh cho lính của mình sắp xếp đồ đoàn, rồi đứng vào vị trí và đẩy một chiếc xe bọc thép. “Chán lắm rồi, về thôi,” Oleg – một người lính quê vùng Altai – nói thêm. Không một ai trong những con người đó cảm thấy mình là kẻ chiếm đóng, và rất nhiều người chấp nhận cách giải thích chính thức của các cấp chỉ huy, nhất là các binh sĩ theo đạo Hồi, trong đó nhiều người quê ở vùng Bắc Kavkaz.

Chốt kiểm soát ở Igoeti do một trung úy trẻ người Ingushetia chỉ huy tên là Musa. Anh ta đóng quân ở Khankala gần Grozny thủ phủ của Chechnya, một căn cứ khổng lồ mà binh sĩ không bao giờ được ra ngoài; (ở đó) những công việc bẩn thỉu đều thực hiện bởi binh lính của tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov, người rõ ràng là có quan hệ căng thẳng với họ. Tôi hỏi Musa về việc lính của xứ anh đến Gruzia giúp người Ossetia – năm 1992, đã có một cuộc chiến tranh ngắn nhưng bạo liệt giữa người Ingushetia và người Bắc Ossetia được Moskva ủng hộ, và những vết sẹo của cuộc chiến đó vẫn còn thấy rõ ở vùng Ingushetia – và cuối cùng thì anh cũng bộc lộ đôi điều tâm sự: “Khi được lệnh đi sang đây, tôi báo tin cho bạn bè: ‘Tao ra trận đây.’ Bọn bạn hỏi đi bảo vệ bọn Ossetia hay bọn Gruzia. Tôi nói bảo vệ bọn Ossetia. Bọn bạn bảo tôi: ‘Mày là thằng ngu, thằng hèn.’ Tôi bảo chúng nó: ‘Không phải lỗi tại tao, đây là mệnh lệnh,’ thì chúng nói: ‘Cũng vậy thôi, mày là thằng hèn, mày biết bọn chúng đã làm gì với dân chúng mình, mày việc gì phải bảo vệ bọn chúng.’”

Ngay cả lực lượng trinh sát quân sự đặc nhiệm Chechnya vốn bị coi là đã gây ra vô số điều xấu ở Chechnya thì khi qua đây cũng tỏ ra là “có tư cách”. Một tối kia, gần bức tượng Stalin ở Gori, tôi thấy sáu quân nhân phần lớn để râu xồm, quân phục cũ kỹ nhưng súng ống đàng hoàng, từ trên chiếc xe buýt nhỏ bước xuống và trách cứ dân địa phương: “Bọn tôi đóng quân ở hồ nuôi cá lối vào thành phố, cá ở đó đang sắp chết cả rồi. Các ông bà có biết ai là chuyên gia nuôi cá có thể tới đó được không? Phải có thức ăn cho cá, cá đang chết, đã ba ngày nay chúng tôi cho cá ăn nhưng bây giờ chẳng còn gì nữa, cử ngay người đến, được chứ? Zhalko za rybu (= tiếc cho lũ cá), cá đẹp lắm, phải cho nó ăn.” Và khi một trong những người Gruzia ở đó đáp lại rằng: “Đồng ý, sáng mai chúng tôi đến, nhưng tìm gặp các anh bằng cách nào đây?” “Cứ hỏi tiểu đoàn Zapad, tất cả mọi người đều biết chúng tôi ấy mà.”


Cuộc chiến cân não

Tướng Vyacheslav Nikolaevich Borisov tư lệnh của họ lại là một sĩ quan thuộc trường phái cũ. Béo tốt, da dẻ đỏ au, tính tình buông thả, mặt bự lên vì rượu, ngôn từ ngồn ngộn chất bạo hành, ấy thế nhưng lại là một sĩ cực kỳ cao cấp, nhân vật số 2 chỉ huy các lực lượng không vận Nga, biệt phái sang Gruzia cùng lính dù của ông chỉ để phục vụ chiến dịch này. Việc phối hợp giữa Borisov và tướng Marat Kulakhmetov chỉ huy quân MS (gìn giữ hoà bình) đóng ở Nam Ossetia thì khó mà tách bạch ra cho được; như thể họ hành động song song, và cả hai đều phải báo cáo lên tướng Serghei Makarov đứng đầu bộ tham mưu và bề ngoài có vẻ như là một trong những người cao cấp nhất của bộ tư lệnh hành quân đánh chiếm Gruzia. Tướng Borisov, cáo già nhưng khéo che đậy, lợi dụng rất giỏi những chỗ nhập nhằng về tổ chức đó khi thương thảo với người Gruzia về việc khi nào rút quân hết khỏi thành phố Gori. Một bữa kia Kakha Lomaia cho tôi biết: “Ông ta không ngừng bảo tôi: Tôi không quyết định được, trên tôi còn có rất nhiều cấp trên nữa. Tôi sẵn sàng nhúc nhích nhưng lại chưa có lệnh. Đây là một trò chơi. Có sự nhập nhằng về tổ chức, nhưng họ đều lợi dụng chỗ nhập nhằng đó để mà dềnh dàng thêm.”

Vào cái tuần lễ thứ hai của cuộc xung đột này, thực sự đang là chiến tranh cân não. Kể từ khi có hiệp định sau cuộc thương thảo của Nicolas Sarkozy, lực lượng quân đội Nga lý ra phải rút “về những vị trí trước đây”, chí ít là rút khỏi vùng lãnh thổ đích thị là của Gruzia. Thế nhưng các chốt kiểm soát của lính Nga vẫn chặn con xa lộ Tbilisi - Gori - Poti nối hai đầu của đất nước và bóp nghẹt việc chuyên chở hàng hóa giao thương tại đây, chặn luôn cả các nhà báo và những viện trợ nhân đạo, chặn ngay cả những quan chức ngoại giao cao cấp phương Tây; ngày cuối tuần vừa rồi, người Nga còn cho nổ mìn phá cây cầu đường sắt chính của nước này, cắt luôn phương tiện vận tải đường sắt không chỉ với Tbilisi mà cả với Armenia và Azerbaijan.

Cuối cùng thì người Nga kiểm soát toàn bộ vùng có các làng nằm từ Bắc thành phố Gori mà chúng tôi đi thăm hôm thứ Ba ngày 19 vừa rồi, và rành rành là họ không làm gì cả để ngăn chặn những hành động phá phách cướp bóc của dân binh Ossetia, trong khi lại ngăn chặn người Gruzia bảo vệ những dân thường bị đe dọa. Lính Nga cũng cướp bóc có hệ thống những nơi họ đóng, cướp đi cho tới cả bồn cầu nhà toa-lét và bồn rửa bát đĩa: “Đối với Borisov, cướp bóc là luật lệ chiến tranh”, Lomaia nói. Ông lo ngại những hậu quả kinh tế do cuộc bao vây của người Nga: đất nước này không chỉ bị cắt làm đôi, người Nga còn kiểm soát cả Poti, hải cảng duy nhất cho toàn bộ giao thương quốc tế và một phần dầu mỏ xuất cảng của Bakou.

Nước Arménia mà gần như toàn bộ hàng hoá nhập cảng đều quá cảnh Gruzia thì gần như đang ngạt thở; cử chỉ thiện chí đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ cho mở biên giới Thổ - Armenia chỉ giúp được phần nào thôi, và tối nào thì Lomaia cũng phải báo cáo vắn tắt với người đồng nhiệm bên Armenia Arthur Baghdassarian rằng: “Vâng, thưa ông Baghdassarian, xin chào ông một buổi tối tốt lành... Không, chẳng có gì thay đổi cả, bọn họ vẫn không chịu đi... Vâng, chúng tôi rất lo. Cây cầu à? Chúng tôi đang làm chuyện đó. Bọn họ cũng làm chúng tôi nghẹt thở, hải cảng Poti đầy ắp, không có gì nhúc nhắc hết. Vâng, vâng, tôi sẽ giữ liên lạc với ông. Xin chúc ông một buổi tối tốt lành, thưa ông Baghdassarian. Hẹn ông ngày mai ạ.”

Tình hình hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát. Thứ Tư ngày 20, Lomaia tìm cách quay lại thăm các làng ở mạn Bắc thành phố Gori cùng với một đoàn xe cứu trợ mới và một số nhà báo. Tới chốt kiểm soát đầu tiên, viên sĩ quan trực bữa trước còn tuân lệnh răm rắp các lính dù của Borisov, nay thì từ chối thẳng thừng không cho chúng tôi đi qua. “Tôi không nằm dưới quyền tướng Borisov, anh ta khẳng định như vậy với Lomaia. Vùng trách nhiệm của ông ấy chấm hết chỗ kia (anh ta trỏ về hướng Gori). Tôi thì lại thuộc quyền tướng Koulakhmetov bây giờ chịu trách nhiệm toàn bộ vùng này. Yêu cầu của ông chưa được giải quyết.” Ngay trong ngày, được hỏi qua điện thoại, Borisov quả quyết với Lomaia rằng ông ta không còn là chỉ huy nữa. “Dấu hiệu cực xấu,” Lomaia chán nản bình luận, “tôi hết sức mệt mỏi về tinh thần rồi. Hôm qua tôi còn lạc quan, nhưng hôm nay tôi hoàn toàn mệt mỏi.”

Vào khoảng 17 giờ, không báo trước gì hết, tất cả các chốt kiểm soát của quân Nga đều đóng cửa và biến rất nhanh. Tại trụ sở chính quyền, các quan chức Gruzia họp lại, người nào cũng bứt rứt. Lomaia lo sợ bọn cướp bóc người Ossetia lợi dụng khoảng trống quyền lực để nhảy vào Gori. “Thế cảnh sát của các ông đâu?” Tôi hỏi. “Tôi không còn biết làm gì nữa. Từ hôm qua ở Moskva người Nga không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng sẽ có khiêu khích khi quân đội họ rút đi. Tôi e rằng đây lại là một cái bẫy.” Ông khó có thể nói toạc mọi điều với Tbilisi: các đường dây đều không an toàn, người Nga nghe được hết.” “Còn anh, Jonathan,” ông bỗng gọi tôi khi đang bước lên bậc toà nhà hành chính, “anh khuyên tôi nên làm gì bây giờ?” Tôi ngập ngừng: “Tôi không biết nữa... Nếu thực sự các ông lo sợ cho an ninh của thành phố, thì cứ cho điều cảnh sát của các ông tới. Các ông không thể gọi cho tướng Borisov và hỏi xem ông ta có đồng ý hay không à?” Ông im lặng lắng nghe tôi nói rồi đi khuất trong toà nhà.

Trước toà thị chính, giữa các bậc và cái lưng tượng Stalin, có chừng hơn chục người vô công rồi nghề, trong đó có Vladimir Vardzelashvili, thống đốc trẻ của vùng Gori, một cựu cầu thủ rất hào hoa, mặc áo lụa hồng có khuy cổ tay áo mạ vàng. Đến 19 giờ 30, một người đi ô tô tới và đưa cho anh ta một máy ảnh lớn. Lado, mọi người đều gọi anh ta thế, cho tôi xem màn hình máy ảnh: “Coi đi.” Đó là ảnh căn cứ không quân mới (của Gruzia) nằm ở phía tây thành phố, căn cứ hoàn toàn mới toanh khi quân của tướng Borisov tới chiếm thành phố Gori, và từ đó bị quân chiếm đóng cướp bóc một cách hệ thống. “Coi đi.” Anh zum cận cảnh vào tấm hình cái cửa một trong những toà nhà màu xanh nhạt của căn cứ. “Đó.” Giữa cái cửa kính, rành rành thấy một bóng mầu trắng nhòe, trên các cửa khác cũng thế. “Bọn họ cho nổ mìn căn cứ. Họ rút đi, nhưng họ cho nổ tung hết rồi mới rút.”

Nhiều ngày nay rồi, Lomaia thương thảo với tướng Borisov xin ông ta tha cho cái căn cứ này, nói rõ là vì cần đến những khu doanh trại đó làm chỗ trú cho dân di tản; nhưng Moskva đã thề sẽ phá tan cơ sở hạ tầng quân sự của Gruzia, và Borisov cũng thấy run. Lomaia đi ra xa lộ để xem xét các chốt kiểm soát, tôi cũng đi theo: tất cả các chốt đã biến mất, chúng tôi bắt gặp một đoàn dài xe tải và xe bọc thép của Nga đậu bên đường, chất đầy đồ gỗ cướp được. Trở lại Gori, trời tối, gió mạnh và trời đầy mây; thống đốc Lado ngồi trên bậc bệ pho tượng Stalin, xung quanh là những người vừa hút thuốc vừa tranh luận.

Tối muộn, Lado cùng Lomaia và các quan chức khác họp trong phòng làm việc của ông, nơi có những ghế dài bọc da đen hiệu Ikea mới cứng, một ti-vi màn hình phẳng, trên tường treo tấm bản đồ to vẽ cả vùng, vô số ảnh tượng Chúa và vũ khí lạ làm giả, một thanh kiếm samurai, một súng lục thế kỷ 19, một quả chùy thời Trung cổ. Cuộc họp kéo dài bàn về những vấn đề cung cấp lương thực cho thành phố, phục hồi các tuyến xe buýt về các làng lân cận một khi xác định được chắc chắn quân Nga thực sự rút quân.

Đến 21 giờ 30, nghe tiếng động cơ gầm rú trên quảng trường, mọi người cả quan chức, nhà báo, bảo vệ đều nhao ra cửa sổ để coi: một đoàn xe bọc thép hạng nhẹ của Nga đi ngang toà nhà, rồi những đoàn nữa tiếp theo. Lomaia âu sầu và căng thẳng cho người đi nắm tình hình: các chốt kiểm soát đã dựng lại hết rồi, bọn vừa rồi là lính mới, chúng có tư lệnh mới. Ông lắc đầu: “Họ chơi trò mèo vờn chuột với ta.” Khuya chút nữa, mọi người lại ra bậc bệ tượng Stalin. Vardzelashvili kể cho chúng tôi rằng ban chiều tướng Borisov gọi điện cho anh: “Tại sao anh không cho điều cảnh sát tới?” Ông ta hỏi tôi thế. “Gde vasha politsia? (= Cảnh sát của các anh đâu cả?) Cho điều cảnh sát của các anh tới đi.” Lomaia cười nửa miệng kéo tôi ra nói riêng: “Anh thấy đó, Jonathan, anh cho tôi lời khuyên trật khấc rồi. Bây giờ thì tôi tin là họ khiêu khích. Nếu ta điều cảnh sát tới thì bây giờ cảnh sát bị họ tóm gọn rồi.” Mọi người thấy đói, Vardzelashvili dẫn mấy nhà báo còn ở lại thành phố tới nhà anh, một căn hộ ốp gỗ rất mốt anh thuê từ khi bị đưa lên bệ phóng và trở thành thống đốc; bữa ăn bình thường, xúc xích, súp kacha, khoai, cà chua, bánh mì, nhưng sau rồi anh thò ra một chai cô-nhắc Pháp: “Tôi có một bộ sưu tập hai trăm nhãn hiệu”, anh khoe khi mọi người uống và hút thuốc. Anh nói đến Stalin, người vẫn được nhiều cư dân thành phố ngưỡng vọng: “Chẳng hiểu sao bọn họ vẫn còn cứ mơ màng về chuyện đó. Nếu chỉ một mình tôi quyết định được, thì tôi cho san bằng pho tượng đó rồi. Tôi ghét Stalin. Chính tại ông ta mà bây giờ mình ở trong cái cảnh khốn nạn này, chính ông ta tạo ra những chuyện này, nào Abkhazia, nào Ossetia... Năm 1952 ông ta còn đem Sochi cho Nga, đủ chuyện.”

Mãi đến nửa đêm, chủ đề Stalin vẫn còn dơ dáng lộn vào câu chuyện của chúng tôi. Chúng tôi vừa mới cùng Lomaia và các chú bảo vệ “đi tua” trong thành phố vắng như tha ma. Trở lại quảng trường, trong khi Lomaia tiếp tục đi tua, cùng với Vardzelashvili chúng tôi đợi một trong những đồng nghiệp của anh mở cửa một nhà trọ cho chúng tôi qua đêm. Ngồi đợi dài dưới trời mưa lây phây, hai anh chàng người Nga say rượu phóng xe com-măng-ca ầm ầm lao đến, nói như rống lên: “Chúng tôi lạc đường. Đi Tskhinvali lối nào, chỉ giúp được không?” Một cuộc trò chuyện lạ lùng diễn ra giữa họ và Vardzelashvili. “Giờ này các anh còn ở đây làm gì?” Một trong hai người Nga hỏi, giọng hơi có vẻ khiêu khích. “Chúng tôi canh chừng thành phố,” Lado nhẹ nhàng đáp lại. “Canh cái gì? Thành phố nguyên vẹn, nhìn đi coi. Đây là Stalin của các anh, vẫn đứng thẳng đó. Cái này không hạ xuống được. Chính ông ta đã cứu thành phố các anh. Phải cảm ơn ông ta.” Anh ta càng lúc càng nổi nóng: “Các anh thấy Tskhinvali chưa? 1500 phụ nữ bị chết!” Lado không có phản ứng gì, anh cử một người dẫn đường cho hai người Nga kia. Sáng hôm sau, chúng tôi thức giấc trong một cái khách sạn rệu rã, trong tiếng mưa rơi nhè nhẹ.


“Ở Gori, chớ bỏ qua cơ hội nhấm nháp…”

Không khí trong lành, có tiếng lạo xạo lạ lùng: ngoài đường, một nhân viên thành phố đẩy chiếc xe và cái xẻng nhỏ đang cần cù quét bồn hoa bên đường. Lomaia phải đi gặp các quan chức Nam Ossetia thảo luận chuyện trao đổi con tin dân sự, ông đồng ý cho tôi đi cùng. Tối trước, sau cuộc trao đổi tù binh tiến hành dưới sự bảo trợ của đại sứ Pháp Eric Fournier, phía Gruzia trao cho Nga hai xác lính, trong đó có một phi công bị bắn hạ; hôm nay họ hy vọng người phía Ossetia sẽ đem dân thường tới trao trả. Cuộc họp lẽ ra sẽ tiến hành tại một nhà hàng nằm trên đồi cao bên ngoài thành phố; để cho Lomaia – bao quanh bởi bốn bảo vệ – ngồi gọi và nghe điện thoại, tôi xuống nhà bếp xin một quả táo và một khúc bánh mì: ở Gori vào những ngày này, tốt nhất là đừng bỏ qua một cơ hội nào mà lại không nhấm nháp chút gì. Nhưng cuộc họp lại bị hoãn nên chúng tôi quay về thành phố. Sẽ họp vào đầu giờ chiều ở bệnh viên quân đội.

Borisov đến cùng vài ba người tháp tùng, trong đó có một viên tướng khác cũng ở quân chủng không vận, và một người tên là Sanakoev tự giới thiệu là “cố vấn nhân quyền” của “tổng thống” Kokoity. Sanakoev đến cùng với hai xe ca chở đầy thường dân Gruzia, phụ nữ, cụ già và trẻ nhỏ. Mọi người bắt tay nhau trước khi lên phòng họp. Phái đoàn Gruzia gồm có Lomaia, một thứ trưởng quốc phòng, và Guivi Targamadze – đứng đầu Uỷ ban An ninh Quốc phòng của nghị viện, một người thân cận của Saakashvili. Ngồi sau cái lưng to bè bè của Targamadze, tôi là người duy nhất không có danh nghĩa chính thức trong phòng, cũng là người duy nhất không được giới thiệu; suốt cuộc họp, viên tướng thứ hai không ngừng nhìn xéo về phía tôi, chắc hẳn ông ta nghĩ tôi là cố vấn Mỹ. Không khí cuộc họp lịch thiệp, nghi thức, mọi người khi lên tiếng đều gọi nhau trịnh trọng bằng họ và tên đệm, nào ngài David Gheorghievich, nào ngài Vyacheslav Nikolaevich; do đấy mà tôi biết Kakha là một vị có danh xưng là ngài Aleksandr Borisovich.

Borisov ngồi giữa điều khiển cuộc họp. Ông ta ít ngắt lời người khác, nhưng luôn luôn ngắn gọn, quyết đoán và tương đối khéo léo mỗi khi cuộc thương thuyết có nguy cơ sa lầy. Trước khi thả nốt những con tin thường dân như những người tôi bắt gặp trong cái lồng ở Tskhinvali, Sanakoev đòi hỏi người Gruzia thả không chỉ những dân binh bị bắt trong chiến đấu – điều mà người Gruzia sẵn sàng làm ngay – mà còn đòi thả hai chục tội phạm hình sự người Ossetia bị giam ở Gruzia nhiều năm nay. Targamadze càu nhàu nói rằng sao lại thảo luận chuyện đó, còn Sanakoev ngượng ngùng giải thích: “Tôi không muốn chính trị hoá tình hình, nhưng xin các ông hiểu cho, nếu tôi trở về tay không, tiến trình này sẽ gặp khó khăn...” “Chỉ tổng thống mới có quyền quyết định chuyện này,” Targamadze phản đối, “những tên tội phạm đó đều bị xét xử và tuyên án, không thể thả chúng tùy tiện theo cách đó.” Sau rồi Borisov giải quyết vấn đề như sau: “Ladno (được rồi). Ta đừng có nhùng nhằng vì vài ba thằng ăn cắp ô tô. Hãy làm một danh sách A và một danh sách B, trả cho họ lũ kẻ cắp và lũ nghiện ma túy, lũ khác thì giữ lại. Như vậy cả hai bên đều hài lòng.”

Sau đó bàn về chuyện Nga rút quân: Borisov xác định họ vừa mới rút khỏi Gori và nhanh chóng phác cho Lomaia thấy đại khái một bản đồ về cuộc triển khai quân đội sắp tới gọi là “để bảo đảm an ninh”: một đường bên ngoài gồm tám trạm đóng thành vòng cung cách biên giới Ossetia từ 10 đến 15 km. (Khi tôi ngồi viết những dòng này, các chốt đó vẫn còn nguyên, kể cả chốt nằm bên xa lộ. Nếu Medvedev giữ lời như đã nói với Sarkozy, từ nay cho đến 10 tháng mười quân Nga sẽ phải rút hết.) Lomaia khi đó yêu cầu Borisov giải thích những sự kiện tối hôm trước, tức là chuyện quân Nga rút đi sớm vài giờ rồi trở lại chiếm các chốt. Viên tướng cười sặc sụa, nhăn nhở một chút: “Chuyện vặt ấy mà. Viên tướng chỉ huy sư đoàn 42 thay tôi còn trẻ, chả biết gì sất. Bảo cất đi một trạm gác cho đoàn xe qua thì anh ta cho rút hết. Makarov cáu lắm, furax lắm đấy (ông ta làm một cử chỉ tục tĩu), thế là lại phải cho đặt lại, các bạn thấy đó, các chốt đều được đặt lại cả rồi. Có vậy thôi.” Thật không? Ngay lập tức sau cuộc họp, ông ta giải thích cho một nhà báo ở Gori rằng chính phía Gruzia yêu cầu ông cho đặt lại các chốt: “Họ nói với tôi rằng họ không thể nào tự tổ chức bảo đảm an ninh được.”

Hôm sau, thứ Tư ngày 22, hạn định rút quân Nga như Medvedev hứa, trò chơi đó vẫn tiếp tục. Tại các chốt kiểm soát trên xa lộ, các nhà báo đứng chuyện gẫu với cánh lính và chờ. Không ai được đi qua chốt, nhưng tôi gặp Vardzelashvili đi về Gori và ông đưa tôi theo. Cả buổi chiều chúng tôi chỉ đi quanh chờ đợi chẳng biết làm gì. Lomaia đang ở Tbilisi. Ở bệnh viện, vị thứ trưởng (quốc phòng) họp chiều qua lại trao đổi với Sanakoev, lại mặc cả đổi một xe thường dân lấy năm dân binh Ossetia trong đó có một dân binh rõ ràng là đã sống dở chết dở trong các nhà tù Gruzia, người này sẽ phải nhập bệnh viện luôn ngay sau khi được thả; một dân binh khác có vợ đón, cứ ve vuốt hoài bàn tay chồng trong khi con mắt anh ta ngơ ngáo nhìn vào khoảng trống không; chẳng có cách gì hỏi họ một câu, luôn luôn có người đi kèm xua các nhà báo ra.

Cùng với một nữ đồng nghiệp, chúng tôi cố thuyết phục Sanakoev đưa chúng tôi về Tskhinvali: “Các vị luôn luôn than phiền rằng truyền thông phương Tây thiên vị, nhưng các vị lại không cho chúng tôi đến tại chỗ! Làm sao chúng tôi có thể viết khách quan khi chỉ có mặt ở một phía?” “Đúng thế, đúng thế, nhưng tôi phải hỏi cấp trên, tôi không quyết định được, gọi cho tôi nhé.” Cuối cùng, khi được ngồi trong thùng xe đầy nhà báo Mỹ, đi ngoằn ngoèo trên xa lộ, khi tới Gori thì tôi được chứng kiến những đoàn quân Nga cuối cùng rút đi trên những xe thùng cảnh sát, họ đi vòng vèo khoa trương quanh thành phố trước khi đi ngang thành phố và biến.

Các vị trí đóng quân Nga đều đã bị rút bỏ. Chập tối thì Lomaia tới và tổ chức ngay một cuộc họp báo: chốt cuối cùng sẽ rút trong vòng một giờ nữa, sau đó là cảnh sát sẽ kiểm soát toàn bộ thành phố. Một tiếng nổ lớn vang lên ở xa, phía căn cứ quân sự mới, tôi nhào ra xem cùng với Lomaia: quân Nga sau khi rút khỏi căn cứ đã cho nổ tung một kho đạn. Đang nhìn đám cháy trong đêm tối, lại bất ngờ nghe tiếng nổ thứ hai. Đám vệ sỹ chạy nháo tới che chắn cho Lomaia trong lúc ông đang cáu giận. Chúng tôi nhìn đám cháy một lát nữa, lại có các vụ nổ tiếp theo, một nhà quay phim đưa máy ra quay. Sau đó tôi tới bệnh viên quân đội cùng Lomaia, ông sẽ đưa tôi cùng chị bạn đồng nghiệp về lại Tbilisi.

Chúng tôi bàn luận về chính trị, Lomaia hỏi ý kiến tôi về khả năng Gruzia vào NATO sau mọi sự kiện như thế, và tôi đã nói với ông ý kiến một nhà ngoại giao ở châu Âu: “Ở khối NATO, điều người ta thắc mắc là liệu có tin được không vào một quốc gia đã khởi động chiến tranh mà không báo trước cho đồng minh. Các chính phủ châu Âu không tin các vị. Và tôi phải nói thêm rằng rất nhiều người ở phương Tây cho rằng tổng thống của các vị là anh điên, không thể tin cậy được.” Vừa nghe tôi nói thế, Lomaia nhảy dựng lên: “Điên à? Ai điên?” “À... có những người nói rằng Misha điên.” “Misha ấy à? Tổng thống ấy à? Điên ư?” Bị chọc thẳng cánh, rõ ràng là bị sốc, ông đột ngột bỏ đi và mất hút trong bệnh viện. Nửa tiếng sau ông đi ra và lẳng lặng đưa chúng tôi lên ô tô của ông.

Trên xa lộ, đèn pha ô tô đâm thủng vào đêm tối, Lomaia bấm số gọi sang Armenia cho Baghdassarian, rồi gọi cho những ai đó người Gruzia, tiếp đó là im lặng kéo dài. Đột nhiên ông quay sang tôi: “Ông biết đấy, Jonathan ạ,” ông nhẹ nhàng bắt đầu, “từ nãy tới giờ tôi cứ nghĩ hoài về điều ông nói. Tôi hiểu rằng Misha có thể làm mọi người lo ngại. Nói một cách khách quan, ông ấy... không phải là một người hoàn toàn cân bằng.” (Ông dùng hai bàn tay làm một cử chỉ về sự cân bằng; chị đồng nghiệp và tôi im lặng ngồi nghe.) “Ông ấy... không ai đoán trước được, lại rất dễ xúc động. Đó không phải là những phẩm chất được cá nhân tôi đánh giá cao ở ông. Nhưng... ông nên hiểu rằng, đôi khi cần có con người nào đó có thể... làm được, làm những chuyện mà chẳng ai khác sẽ làm. Hoặc vẫn làm những điều như mọi người làm nhưng làm theo cách mới mẻ. Và Misha là như thế. Tất cả mọi người coi ông là điên vì đã lôi cuốn chúng tôi chống đối lại cái quốc gia to xác hùng cường là nước Nga. Thì cứ cho là cái đất nước bé nhỏ này không có quyền đối đầu với một quốc gia quá to lớn và quá nguy hiểm. Và chúng tôi lại ở vào một thời điểm khi toàn bộ tình hình thế giới đang đổi thay. Cái tình hình khi nước Mỹ là thế lực đơn cực duy nhất đang đổi thay, mà sự đổi thay đó là có lý do, vì những sai lầm của Mỹ ư, vì dầu hỏa và khí đốt ư, vì tất cả, và bây giờ Nga và các nước khác cảm thấy đã tới lúc họ xác định lại tình hình, xác định lại môi trường quốc tế. Còn chúng tôi... chúng tôi đã chết mất bao nhiêu sinh mạng, chúng tôi đã hy sinh biết bao sinh mạng, có thể chỉ để thế giới biết rõ điều đó, biết rõ cái nước Nga là như thế nào, để cho rút cục lại thế giới phải bắt đầu hành xử theo cách khác trong cái tình hình mới này bằng một phương cách tử tế.”

Giọng ông càng lúc càng xúc động, càng đầy niềm tin; ngay cả khi tôi không chấp nhận cách ông trình bày sự vật, cách ông lý giải vấn đề, tôi vẫn phải thừa nhận rằng những lời ông nói là xuất phát từ đáy lòng, ông nói là vì ông thực sự có niềm tin, đó không phải là để quảng bá (để “spin”), mà là nói lên cái chân lý tự ông rút ra, cái chân lý của chính cuộc đời ông. “Nước Gruzia đã hy sinh để cộng đồng quốc tế cuối cùng hiểu rõ trước mặt mình có cái gì và cần phải hành động ra sao. Gruzia hy sinh để mở mắt cho thế giới này.”


Sự lại giống của thời đại Stalin

Bài viết có thể dừng ở đây, nhưng nói thêm vài ba điều về viễn cảnh cũng chẳng hại gì, vì thế mà tôi muốn kể ra đây lời lẽ hằn học của một dân binh Ossetia, đội mũ nồi có hình Che Guevara, mà tôi bắt gặp sáng hôm sau tại chốt kiểm soát đi vào Akhalgori, một thành phố nhỏ của Gruzia mà người Ossetia mới giành được quyền kiểm soát. Nhìn tôi uống cốc bia địa phương sản xuất, anh ta hỏi: “Ngon chứ?” “Cũng được.” “Không, không ngon. Anh biết vì sao không? Vì đó là bia Gruzia. Chỉ vì lý do đó thôi.”

Ở Sukhumi, ngày thứ Ba tuần sau, việc Nga công bố Abkhazia độc lập tạo ra một niềm vui tràn trề: “Ngay khi Medvedev vừa mở miệng nói, tất cả giới trẻ thành phố đều xuống đường, bóp còi xe, hò hát, bắn chỉ thiên, vác cờ đi khắp các ngả,” Manana Gurgulia phụ trách văn phòng thông tin Abkhazia Apsnypress kể cho tôi nghe khi tôi tới đây hôm thứ Tư.

Và cuộc vui còn tiếp diễn: đêm xuống, sau một trận pháo hoa lớn do Moskva tặng, thanh niên lại tụ tập trên quảng trường lớn trước Toà nhà Xô-viết bị đốt cháy và bỏ hoang từ năm 1993, họ đứng trên các thùng xe mà múa bụng và nhẩy những điệu vũ vùng Kavkaz điên cuồng, ma ám, những điệu dân vũ buồn và đẹp. Các vũ công bỏ hết giầy ra, trai cũng như gái quay tròn xoắn lấy nhau, người nào cũng đẹp, duyên dáng và vui. Nhìn họ ở đây, thì thấy những định kiến của người Gruzia về vùng đất này giống như một “sự lại giống của thời đại Stalin”, theo cách nói giễu của bộ trưởng ngoại giao Abkhazia Serghei Shamba.

Khác với người Ossetia, người Abkhazia có một chính quyền thực sự, có một tình cảm dân tộc thực sự, và họ không bị lừa bịp trước những tham vọng của Nga: “Chắc rồi, nguy cơ trở thành thuộc địa là rõ rồi,” Shamba thừa nhận. “Nhưng nếu chúng tôi chỉ có một lựa chọn giữa Gruzia và Nga, thì chúng tôi sẽ chọn Nga.” Nước Nga không định cho ai chọn lựa cả; bộ trưởng ngoại giao Nga Lavrov nói một cách cứng rắn: “Thế giới có thể đánh dấu chữ thập lên sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia”. Putin thì bổ sung thêm bằng một cách nói chẳng ai bắt chước nổi: “Các vị nghĩ rằng có thể quệt nước mũi rớt rãi dính máu và cúi đầu xuống ư?” Còn kết luận của Medvedev – “Saakashvili là một thây ma chính trị” – đã khiến mọi người cảm thấy rõ ràng rằng câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Nhưng tôi muốn dành lời nói cuối cùng cho Régis Genté, một nhà báo Pháp đã sống lâu năm ở Tbilisi: “Người Gruzia nên quên những ám ảnh đối với những nước cộng hoà ly khai ít ra là trong vòng mươi mười lăm năm nữa đi. Họ hãy tập trung vào phát triển đất nước về kinh tế, về các thiết chế, về nền dân chủ. Thời gian trôi, và người Gruzia sẽ có mọi điều họ từng muốn có chỉ bằng bạo lực.”


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: “Carnet de route en Georgie”, Le Monde 2, 03-10-08