Xã há»™iÄá»i sống hiện đại Loạt bài: Ngà y Báo chà Việt Nam 21 tháng Sáu
17.12.2003
Quốc Việt
Tinh thần thiết thực tiểu nông
Khởi điểm bài viết của N. Xu rất thuyết phục về một văn hoá hướng cá nhân và văn hoá hướng cộng đồng. Thế nhưng càng về cuối thì N. Xu lại càng xa rời khỏi cái điểm khởi đầu của mình và càng thể hiện rõ ràng cái văn hoá hướng cộng đồng của mình. Càng về cuối bài viết của mình, N. Xu càng tỏ ra mâu thuẫn với chính mình trong khi dường như phê phán tính định hướng cộng đồng của sự phát triển cá nhân, thì lại bênh vực chỉ những cố gắng có vẻ bổ ích cho cộng đồng. Tất nhiên, bổ ích theo cách đánh giá của N. Xu. Trên thực tế, tập hợp N những đánh giá bổ ích kiểu như N. Xu sẽ tạo thành sức ép tập thể lên định hướng sáng tạo của một cá nhân.
Kết quả là một điều hoàn toàn khả đoán: vì khư khư nỗi lo hướng cộng đồng, nên sự phát triển cá nhân dẫn đến một con đường là sự hạ thấp chuẩn mực cho phù hợp với các yêu cầu của cộng đồng, sự bóp nghẹt tinh thần sáng tạo, và nỗi lo sai lệch định hướng.
N. Xu có thể đã đúng khi cho rằng các vĩ nhân của chúng ta có thể đã kết thúc bằng những điều hoặc là cao xa khó hiểu, hoặc là xa rời thực tế. Điều đó không gây ngạc nhiên: bi kịch của những cái đầu định đi tìm cho mình một chỗ đứng cá nhân, nhưng vẫn không thoát nổi vòng kiềm tỏa của sức ép cộng đồng, của những đòi hỏi phải bổ ích. Còn gì bổ ích hơn những phát biểu phục vụ những giá trị chính thống? Còn gì an toàn hơn những phát biểu hoặc là không ai hiểu nổi, hoặc là đúng trong mọi trường hợp?
Những phát biểu của N. Xu về Beethoven, Mark Twain đặt bên cạnh những yêu cầu đối với Talawas, với Thường Quán, Đỗ Kh. … chính là những đặc trưng cho một tinh thần định hướng cộng đồng. Trần Đình Hượu thì gọi đó là tinh thần thiết thực. Tôi thì muốn thêm vào đó hai chữ tiểu nông. Nếu N. Xu để ý kĩ hơn đến văn hoá phương Tây thì sẽ nhận ra một điều rằng bên cạnh những đại văn hào, đại triết gia, đại nhạc sĩ mà phương Tây đã sinh ra cho thế giới thì cũng có nhiều hơn thế nhiều lần những ý nghĩ điên rồ, những sáng tác vạn lần vô bổ, những cá tính bệnh hoạn, và những tìm tòi bế tắc có giá tính bằng đời người. Một tinh thần thiết thực tiểu nông có sẵn lòng chấp nhận điều đó không? Tôi e rằng không, hay chưa sẵn sàng cho điều đó. Một tinh thần thiết thực tiểu nông không sẵn sàng chấp nhận những sáng tác, tìm tòi vô bổ. Một tinh thần thiết thực tiểu nông không chấp nhận việc phê phán những cố gắng mang lại lợi ích cho cộng đồng, dù sai khi so sánh với các tiêu chuẩn cao hơn. Một tinh thần thiết thực tiểu nông luôn luôn có một ý nghĩ: méo mó, có hơn không. Và tệ hơn, một ý nghĩ khác: nếu anh không có, thì nhất thiết không được chê méo. Mong chờ một Freud, Einstein trong những điều kiện như vậy là một điều hoang tưởng.
Có một điều thú vị là các tranh luận gần đây của talawas đều có thể đặt vào trong cái băn khoăn của N. Xu. Patrick Razelenberg (PR) thì gọi tên điều đó là sự dễ dãi, sự tự bằng lòng với mọi chuẩn mực, miễn là nó thiết thực. Chính xác như một người Đức. Bản thân Trần Đình Hượu (TDH) là một trường hợp điển hình mà có lẽ đó chính là lí do để PR viết về ông. Tôi tin rằng TDH là một nhà nghiên cứu lớn, nhưng là một nhà nghiên cứu Việt nam, cho người Việt nam. Vì thấm nhuần tư tưởng phục vụ cộng đồng, ông đã hoặc vô tình, hoặc cố ý hi sinh một số chuẩn mực (so với tư duy phương Tây) trong việc trình bày và khái quát các tư tưởng của mình. Sự đa dạng trong phong cách trình bày của TDH, như học trò của ông đề cao, đáng tiếc lại chỉ có thể là hệ quả của việc thường xuyên phải hi sinh để thoả mãn yêu cầu thiết thực và bổ ích. Đáng tiếc hơn cả là việc điều đó lại có thể trở thành một chuẩn mực được đề cao.
Tinh thần thiết thực tiểu nông có lẽ cũng không hoàn toàn xấu. Tôi còn cho rằng vì có nó nên mới có tên nước Việt Nam ngày nay. Chỉ có điều nếu muốn hướng tới hiện đại thì nó không còn phù hợp. Có lẽ tất cả đều biết là không phù hợp nhưng tất cả lại vẫn đang bị nó chi phối, có lẽ chỉ trừ PR vì anh là một ông "Tây ngố".
Khi tôi suy nghĩ lâu hơn về cái tinh thần thiết thực tiểu nông của mình, tôi cho rằng nó bắt nguồn từ lối sống làng xã họ tộc phân tán mà khép kín. Ở trong làng, đơn giản là người ta không cần đến một hệ tư tưởng khoa học nào cả, chỉ những gạn lọc đơn giản bổ ích của nó mà thôi. Ở trong làng, một ông thầy đồ muốn dạy tư tưởng phải tìm một ngôn ngữ phù hợp. Ở trong làng, cá nhân và sáng tạo là một cái gì đó vừa xa vời, viển vông, vừa nguy hiểm. Ở trong làng, không có chân lí, chỉ có quan hệ và tình nghĩa. Ở trong làng, không có mĩ thuật, học thuật, hoặc các loại thuật khác nếu như không làm cho dân làng có một vụ gặt bội thu. Thánh Gióng của chúng ta tan giặc phải bay về trời bởi nếu ở lại thì ông sẽ phải lấy vợ, đi cày và phục dịch các vị tiên chỉ. Cho dù có cùng một mơ ước như Nguyễn Phan Thịnh, tôi vẫn không thể hình dung được tại sao một ngôi làng lại phải cần đến một Tháng Gióng trong thời bình. Hãy tưởng tượng rằng điều duy nhất ông ấy có thể làm là phá tan cái làng thân yêu của chúng ta ra thôi.
Câu hỏi khiêu khích của PR về sự sáng tạo và nhu cầu thiết thực, quả là một khiêu khích đắt giá. Tuy nhiên nếu gắn cái nhu cầu thiết thực ấy vào một hoàn cảnh sinh hoạt bản điạ đặc trưng thì có thể thấy rằng câu hỏi của PR không mâu thuẫn với nhu cầu thiết thực. Tinh thần sáng tạo trong chiến tranh chính là Thánh Gióng của chúng tôi, vụt dậy trong những hoàn cảnh thiết thực đe doạ tới sự sống còn. Sau khi hết giặc thì tinh thần sáng tạo ấy bay về trời. Có thể PR không để ý là thiết thực có những chuẩn mực khác nhau để đánh giá mức độ của nó trong những hoàn cảnh khác nhau, hay là những bổ ích khác nhau trong những điều kiện khác nhau thì khác nhau. Trong cách nhìn nhận như vậy thì Thánh Gióng của chúng tôi là một tiền lệ không tạo ra ngoại lệ. Câu chuyện ấy là một thông điệp văn hoá có một sức khái quát rất cao về sức sáng tạo của một tinh thần thiết thực tiểu nông. Tôi cho rằng Thánh Gióng không ở lại trần vì Việt Nam thời đó không có những nhà quí tộc có đủ cơm gạo để nuôi ông ấy đằng đẵng trong thời bình, khi nguồn thu nhập duy nhất là mấy sào ruộng chiêm mùa ngập hạn; cũng không có những đô thị đủ lớn để ông ấy có thể lên đó xung vào đội quân nhập cư làm phu xây dựng vô thời hạn, trong khi chờ đợi một cuộc xâm lược mới mà bằng con mắt thiết thực tiểu nông thì không biết bao giờ nó xảy ra và không biết có xảy ra hay không. PR, đọc nhiều sách sử mà còn dám kết luận một cách hoang đường như thế về một "huyền thoại mối đe doạ phương Bắc" thì hà cớ gì cái tinh thần thiết thực tiểu nông trong thời bình lại phải chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai. Rõ ràng cách giải quyết trường hợp Thánh Gióng cũng xuất phát từ một nhu cầu thiết thực.
Tuy đã nhắc đến một cách xác đáng về tinh thần sáng tạo và tự do, nhận xét của PR về tính vô bổ của sáng tạo có vẻ như đã cung cấp một vũ khí rất tốt cho những người cổ vũ cho một đường lối sáng tạo bổ ích. Tôi không cho rằng vấn đề của sáng tạo lại là tính vô bổ. Xét cho cùng, nếu như sáng tạo có vấn đề là tính vô bổ (?: "vấn đề" được dùng một cách dễ dãi và không rõ ràng) thì tại sao lại phải khuyến khích và mất công bàn cãi về nó nhiều như vậy? Nếu vô bổ thì tại sao cần phải đòi hỏi cao trong sáng tạo? Làm sao có thể tin rằng có sự khác nhau giữa khẳng định sáng tạo là vô bổ và lời phán quyết sáng tạo phải bổ ích.
Có thể, theo cái mạch phân tích trước đó của PR thì phải nói là: vấn đề của sáng tạo là tinh thần tự do và niềm tin về sự hiện hữu của một chân lí. Cả sự đòi hỏi cao đối với chuẩn mực cũng được xây dựng dựa trên nền tảng của tự do. Tôi tin rằng nếu như những bài viết của TDH được có những ý kiến như của PR ngay từ khi chúng mới hình thành thì chúng đã khác nhiều so với cái đang được đọc hôm nay. Đòi hỏi cao đối với chuẩn mực hay với sáng tác chỉ có thể hình thành trên cơ sở những cọ sát, những tranh luận, và những sai lầm. Thánh Gióng phải bay về trời vì mãi mãi là một cậu bé ba tuổi không biết nói. Phải chăng Tháng Gióng không nói bởi sợ mình sẽ nói những câu ngây ngô hoặc vô bổ, như mọi đứa trẻ bình thường khác?
Mâu thuẫn chủ yếu của N. Xu ở đây nằm trọn trong ước mơ Thánh Gióng: một vĩ nhân hiện đại không nói không rằng, không chấp nhận phê phán, phù hợp chính thống, và luôn bổ ích.
© 2003 talawas
|