Trần Kh. dịch
Chất kháng sinh tìm thấy trong thịt gia súc, thuốc diệt côn trùng được dùng làm chất bảo quản thực phẩm, thuỷ ngân trong nước uống: bằng một công trình nghiên cứu kiên trì và tỉ mỉ, tác giả Trung Quốc Chu Kình (
Zhou Qing, 周勍)
[1] đã chỉ ra cho chúng ta thấy, bằng phương thức nào nền kỹ nghệ thực phẩm Trung Quốc đã đầu độc đất nước này và lòng tham lợi nhuận quá độ đã huỷ hoại cuộc sống của con người ở đấy như thế nào. *
Đấy là một đề tài chứa ngòi nổ chính trị, dù mới thoạt nghe thì câu chuyện chỉ xoay quanh vấn đề lương thực thực phẩm. Nhà báo Chu Kình - đồng thời cũng là một nhà bất đồng chính kiến - đã cần hai năm trời cho công việc điều nghiên của mình, ông đã trò chuyện với những nhà buôn thực phẩm và chủ nhà hàng ăn uống, cũng như đã phỏng vấn các chủ trại nuôi cá, nông dân và các nhà quản lý những nhà máy chế biến lương thực. Một công việc đầy mạo hiểm:
"Việc này còn nguy hiểm hơn là đi truy nã những kẻ buôn ma tuý", ông Chu hồi tưởng.
Năm 2006, ông
được trao giải "Lettres Ulysses Award for the Art of Reportage"
[2] , một giải thưởng được bảo trợ bởi quỹ Aventis Foundation và Viện Goethe, trị giá tổng cộng 100.000 Dollar. Giám đốc Jakob Köllhofer của tổ chức Đức - Hoa Kỳ với trụ sở ở thành phố Heidelberg (Đức) này đã hết lời ca ngợi nhà văn Chu Kình:
"Điều quan trọng là ta còn nghe được những tiếng nói cảnh báo như thế, khi mà ngoài ra người ta chỉ có thể nhận được những tin tức đã bị lèo lái bởi nhà nước." Những gì mà nhà báo này đã phát hiện không chừng có thể thích hợp để làm nổ ra một cuộc cách mạng. Bởi những mô tả chi tiết của ông về thực trạng của nền kỹ nghệ thực phẩm Trung Quốc đã phơi bày ra nhiều chuyện thực sự kinh hoàng. Nhà văn Chu Kình đã vẽ ra trong cuốn sách của ông bức tranh u ám của một hệ thống mafia tán tận lương tâm và không sợ hãi trước bất kỳ một điều gì: thuốc ngừa thai được sử dụng để làm cho cá chóng tăng trưởng, chất diệt côn trùng cực độc hại DDT được dùng để giữ cho dưa leo tươi lâu hơn, hoóc-môn được thêm vào như chất phụ gia của thực phẩm, muối ăn thì nhiễm độc tố và những liều lượng lớn đến độ phi lý của chất kháng sinh tìm thấy ở trong thịt.
"Người ta trộn vào bất kể thứ gì", ông Chu cho biết,
"điều quyết định duy nhất là nó góp phần làm giảm chi phí sản xuất". So với những chuyện ghê gớm này thì những nhà chế biến thịt quá hạn của Đức
[3] không chừng còn có thể được coi như là một "hợp tác xã sản xuất rau thịt sạch không sử dụng hoá chất".
Lòng tham lợi nhuận không kiềm chế Điều oái ăm là ngay tại Trung Quốc, nơi mà từ nhiều ngàn năm nay chuyện ẩm thực là một thành tố quan trọng của văn hoá sống và hưởng thụ, thì lòng tham lợi nhuận không kiềm chế đã gây ra một thảm hoạ về thực phẩm ở mức độ mà ta không thể nào tưởng tượng ra được, ông Chu đã giải thích như thế trong bài phát biểu của ông nhân dịp nhận giải.
"Tôi chỉ có thể khuyên rằng: Quí ngài đừng bao giờ nên đi ăn ở nhà hàng (tại Trung Quốc)". Nguy cơ bị bắt quả tang khi người ta làm những điều ám muội này thực ra là rất nhỏ, ông Chu bảo như thế:
"Tất cả mọi điều rồi cũng sẽ được chủ động cho 'chìm xuồng’ trong guồng máy hành chính quan liêu khổng lồ của Trung Quốc." Những điều được tường thuật này thoạt nghe cứ như là một câu chuyện cường điệu - nhưng đấy lại là sự thật. Ngay cả hệ thống báo chí Trung Quốc bị lệ thuộc vào sự chỉ đạo của nhà nước cũng đã dần dà chủ động hơn trong việc phê phán mạnh mẽ những vụ bê bối liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đầu tháng mười hai này, lãnh đạo hành chính của thành phố Thượng Hải đã ra lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm của nhà máy chế biến lương thực
Shanghai Meilin Food Company, sau khi người ta phát giác ra hoá chất gây ung thư trong món thịt heo đóng hộp của nhà máy này. Trước đó, vào tháng bảy năm nay ông
Trịnh Tiêu Du (Zheng Xiaoyu)
[4] cũng đã bị tử hình, vị cục trưởng Cục Giám sảt Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm nhà nước này bị cáo buộc là đã nhận hối lộ trong việc cấp giấy phép bào chế cho nhiều dược phẩm giả mạo, trong đó có một số thuốc có tác dụng phụ dẫn đến tử vong.
Trẻ em là những kẻ phải gánh chịu nhiều nhất, ông Chu kể: Nhiều bé gái bước vào tuổi dậy thì sớm hơn bình thường đến bốn năm, và nhiều nam thanh niên thì mắc chứng vô sinh. Thức ăn cho trẻ sơ sinh bị nhiễm độc dẫn đến những biến đổi dị dạng trong cơ thể cũng như nhiều căn bệnh trầm trọng. Ông Chu ước đoán là mỗi năm có từ 200.000 đến 400.000 người là nạn nhân của thực phẩm nhiễm độc. Một phần ba của những ca bệnh ung thư tại Trung Quốc - và con số này gia tăng hàng năm với chỉ số đếm bằng "hàng chục" - có nguyên nhân là những thức ăn có chứa độc tố.
Ông Chu hy vọng vào một cuộc cách mạng Đây không phải là lần đầu tiên ông Chu được biết đến như một người phê phán chế độ. Ông là một trong những người hoạt động tích cực của phong trào phản kháng mồng Tư tháng Năm, phong trào này bị dẹp tan năm 1989 bằng cuộc thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn và ông đã bị xử hai năm tù, theo lời ông kể thì trong quãng thời gian hai năm này, người ta đã nhốt ông 52 ngày trong một xà lim biệt giam không ánh sáng.
Sau khi được trả tự do, ông đã sáng lập một tờ báo, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì buộc phải đình bản vì áp lực nặng nề của cơ quan công quyền. Từ đó đến nay ông chuyên viết sách. Bằng cách này ông thường xuyên đề cập về những đề tài có nội dung chỉ trích chế độ, chẳng hạn như những trường hợp vi phạm nhân quyền hay những vụ bê bối trong việc bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp tính (SARS).
Hẳn là ông cũng đã suy nghĩ cặn kẽ khi chọn tên cho cuốn sách của mình:
What Kind of God? [5] Thượng đế kiểu gì đây? -
"Câu tục ngữ truyền thống Trung Hoa 'Dân dĩ thực vi thiên'
[6] cho ta thấy chuyện ăn uống có vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống thường nhật. Ngày nay người ta thường làm việc trước máy vi tính nên chỉ cần gõ chữ 'thực phẩm’ hay 'ẩm thực’ vào trong một 'máy tra tìm' tiếng Hoa là có thể nhận ra được ngay rằng, trước hơn hết, những từ như 'an toàn’ và 'nhiễm độc’ sẽ xuất hiện trong danh sách kết quả hiển thị. Ở đất nước mà người ta thường hãnh diện về nghệ thuật bếp núc độc đáo của xứ mình thì đấy quả là một điều cực kỳ mai mỉa", ông Chu nói.
"Người dân bình thường chẳng hay biết một chút gì về những điều tệ hại này", tác giả cuốn sách nói tiếp.
"Nếu dân chúng nhận chân được thực trạng này thì chắc sẽ có một cuộc cách mạng. Đến lúc đó thì chẳng có ai ngăn được cơn thịnh nộ của nhân dân nữa." Từ nhiều ngàn năm nay quyền lực của những kẻ thống trị ở Trung Quốc lệ thuộc vào việc họ có khả năng tạo cho người dân có một cuộc sống no đủ hay không.
"Cách mạng", vẫn theo lời ông Chu,
"không hình thành từ những mâu thuẫn chính trị - mà nó phát sinh là do dân chúng không có đủ gạo để mà ăn." Dầu sao ông Chu chỉ có thể hy vọng là những điều ông phát hiện sẽ được truyền miệng rộng rãi trong các tầng lớp dân chúng ở Trung Quốc. Bởi cuốn sách của ông đã bị cấm lưu hành ngay sau khi nó được công bố.
Nguồn: Spiegel Online, 15.12.2007 (
http://www.spiegel.de/wirtschaft/0,1518,522693,00.html)
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
[1]Xem:
http://www.lettre-ulysses-award.org/authors06/zhou_qing.html (Tất cả mọi chú thích đều của người dịch)
[2]Chu Kình là một trong nhiều người được nhận giải này cho năm 2006, xem:
http://www.lettre-ulysses-award.org/news.html[3]Năm 2007, tại Đức đã xảy ra nhiều vụ xì-căng-đan buôn bán và chế biến thịt gia súc đã quá hạn sử dụng với khối lượng lớn
[4]Xem:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh_Ti%C3%AAu_Du và:
http://en.wikipedia.org/wiki/Zheng_Xiaoyu[5]Độc giả có thể đọc 1 trích đoạn (tiếng Anh) của phóng sự này tại địa chỉ:
http://www.opendemocracy.net/arts-Literature/china_food_3949.jsp[6]Vâng, "thiên" chứ không phải "tiên", dịch trung thành theo bài báo tiếng Đức. Về hai thể dạng của câu tục ngữ này, độc giả có thể đọc thêm bài viết khá... vui của nhà thơ Dư Thị Hoàn đăng tại đây:
http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/29/ContentID/6973/Default.aspxThế mà ông Chu Kình lại cắc cớ, khuyên thiên hạ chớ có dại dột mà đặt chân vào một nhà hàng ăn tại Trung Quốc.