trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.9.2007
Richard Pipes
Chủ nghĩa cộng sản
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6 
 
II. Chủ nghĩa Lenin

Bắt đầu từ năm 1709, khi Peter Đại Đế đánh bại người Thuỵ Điển tại Poltava và chấm dứt giai đoạn bá quyền của họ ở vùng Ban-tích, nước Nga được coi và cũng tự coi là một siêu cường và đòi hỏi vị trí của mình như một siêu cường trên lục địa châu Âu.

Ở khía cạnh nào đó, đòi hỏi này là chính đáng. Saint-Peterburg, thủ đô của nước Nga được xây dựng theo hình mẫu của Amsterdam, trên thực tế là một thành phố châu Âu, còn giới thượng lưu Nga, nói thông thạo tiếng Pháp, không xa lạ gì với văn hoá phương Tây. Văn học, nhạc, nghệ thuật và khoa học Nga xuất hiện vào thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX có thể so sánh với văn hoá châu Âu và trong một vài lĩnh vực còn đi tiên phong, điều này dễ gây ra ngộ nhận.

Nhưng nền văn hoá cao đó chỉ là tài sản của một giai tầng hạn hẹp của xã hội, đấy là giới quí tộc, trí thức và tầng lớp quan chức cao cấp. Ba phần tư dân chúng của đế chế là nông dân, mà phần đông trong số họ vẫn sống trong một thế giới riêng, chưa hề bị nền văn minh châu Âu đụng chạm tới. Họ không có tiếng nói chung với những người có học, thậm chí còn coi giới trí thức như người ngoại quốc. Đa số nông dân Nga không phải là các điền chủ, tự canh tác trên khoảnh đất của mình; họ là thành viên của các công xã nông thôn và thường phân chia lại ruộng đất theo định kì, tuỳ thuộc vào sự thay đổi số nhân khẩu trong từng gia đình. Theo quan niệm của nông dân thì ruộng đất không phải là hàng hoá mà là nguồn sống; chỉ có những người canh tác mới có quyền sở hữu ruộng đất.

Nông dân còn có đặc điểm là bảo thủ, trung thành với Hoàng đế và nhà thờ Chính thống giáo. Chỉ có một khía cạnh và là khía cạnh duy nhất, trong đó người nông dân có thể trở thành động lực của cách mạng, mà cụ thể là: họ là những người không đủ ruộng đất canh tác. Người nông dân Nga không phải là giai cấp vô sản bị áp bức ở nông thôn: vào năm 1916 họ chiếm tới 89,1% đất canh tác tại phần châu Âu của nước Nga [1] . Nhưng số lượng nông dân lại tăng nhanh hơn phần diện tích canh tác nằm dưới quyền sử dụng của họ: nếu giữa thế kỉ XIX một diện tích đất dành cho hai nhân khẩu thì sau 50 năm phải nuôi đến ba nhân khẩu. Phương pháp quảng canh truyền thống cùng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt làm cho năng suất không cao. Nông dân tin rằng một ngày nào đó Sa hoàng, mà họ coi là người chủ hợp pháp của toàn bộ đất đai, sẽ thu hồi đất của địa chủ và cả những nông dân sở hữu ruộng đất để phân chia cho các công xã. Nếu ông ta không làm như thế, đầu những năm 1890 đã xuất hiện những mối ngờ vực là ông ta không làm như thế, thì nông dân sẵn sàng chiếm ruộng đất bằng bạo lực. Các tác nhân khác cũng góp phần ngăn chặn việc biến Nga thành một nước phương Tây. Trong suốt quá trình lịch sử của mình chính quyền Nga là một chính thể chuyên chế, Sa hoàng không chỉ có toàn quyền trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp mà còn sở hữu toàn bộ đất nước theo đúng nghĩa đen của từ này, ông ta có thể sử dụng cả nhân tài và vật lực của quốc gia theo ý mình; đấy là một chế độ mà Marx Weber, nhà xã hội học Đức, gọi là “làng xã”. Việc quản lí đế chế được giao cho tầng lớp quan lại, cùng với lực lượng cảnh sát và quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự, họ không bao giờ phải báo cáo hay chịu trách nhiệm gì trước dân chúng. Cho đến năm 1905, khi các phong trào nổi dậy của dân chúng buộc Sa hoàng phải ban bố hiến pháp và các quyền dân sự, người dân Nga có thể bị bắt và lưu đày mà không cần xét xử chỉ vì những suy tư về việc thay đổi chế độ đương thời.

Cuối thế kỉ XVIII sở hữu tư nhân về ruộng đất mới được áp dụng ở nước Nga, mà cũng chỉ giới quí tộc mới được hưởng quyền này, còn trước đó tất cả ruộng đất đều là sở hữu của nhà vua. Trong khi đó ở phương Tây, ngay từ thời Trung cổ phần lớn ruộng đất đã thuộc quyền sở hữu tư nhân. Các thiết chế pháp lí, thường phát triển song hành với quyền tư hữu, cũng xuất hiện muộn: các bộ luật đầu tiên xuất hiện vào năm 1830 và mãi đến năm 1860 mới có các toà án thực sự. Cho đến lúc đó đa số người dân Nga vẫn là nông nô của nhà nước hay của tầng lớp quí tộc, nông dân không được hưởng quyền tư pháp và quyền sở hữu tài sản. Các cơ quan đại diện có mục đích ngăn chặn bớt quyền lực của ngai vàng xuất hiện vào năm 1906, nghĩa là chậm một thế kỉ so với quốc hội phương Tây. Chưa có bộ luật dân sự. Điều đó chứng tỏ rằng đa số người Nga cũng như các dân tộc bị họ cai trị không thể trông cậy gì được nơi chính phủ của mình. Họ phục tùng vì không có con đường nào khác, lí tưởng của họ là vô chính phủ.

Các Sa hoàng, trong khi bóp nghẹt đất nước như thế nhưng lại muốn giữ địa vị siêu cường, đã buộc phải thực hiện những bước đi mà chắc chắn sẽ làm lung lay quyền lực của chính hoàng gia. Các trường đại học Nga, trong khi tiến hành công việc phổ biến kiến thức và phương pháp tư duy có tính phê phán, đã góp phần tạo ra một tầng lớp công dân không chấp nhận việc bóp nghẹt tự do ngôn luận. Alexander Herzen đã viết về nan đề của thế hệ ông như sau:

Người ta dạy chúng tôi kiến thức, người ta gieo vào lòng chúng tôi ước mơ, khát vọng và nỗi đau của thế giới đương đại, nhưng sau đó họ lại hạ lệnh: ‘Hãy tiếp tục làm nô lệ, tiếp tục là những người câm, những người bất động nếu không các ngươi sẽ chết’.”

Chính sách mâu thuẫn như thế đã tạo ra một tầng lớp trí thức đặc trưng bởi thái độ thù địch với tất cả trật tự xã hội và thể chế chính trị hiện hành; họ tin rằng hành động như thế chính là cách nói thay cho người dân thấp cổ bé miệng. Môi trường hoạt động của các nhà cách mạng, từ những “thánh tông đồ” của các biện pháp bất bạo động đến những kẻ khủng bố cực đoan, không phải là công trường hay nhà máy mà chính là các trường đại học.

Các Sa hoàng còn khuyến khích phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, đây cũng là chính sách góp phần làm lung lay hệ thống quyền lực của ngai vàng. Nước Nga đã thua các nước dân chủ và công nghiệp hoá trong cuộc chiến tranh Krym năm 1854-1855, cuộc chiến tranh được tiến hành ngay trên lãnh thổ của mình. Thất bại nhục nhã này một lần nữa chứng tỏ rằng trong thế giới hiện đại, một nước thiếu nền công nghiệp và hệ thống giao thông vận tải phát triển thì không thể tranh giành hay giữ được vị thế siêu cường. Thất bại đã thúc đẩy các Sa hoàng khuyến khích phát triển cả công nghiệp lẫn hệ thống giao thông bằng nguồn vốn trong và ngoài nước. Hậu quả là đã xuất hiện các trung tâm ra quyết định không còn phụ thuộc vào chính phủ và bộ máy quan liêu nữa.

Giáo dục phát triển, công nghiệp hoá và nguồn nhân vật lực đáp ứng cho tham vọng của nước Nga đã xói mòn quyền lực của chế độ đối với đất nước.

Chính hoàn cảnh như thế giúp ta hiểu được vì sao cách mạng cộng sản, theo Marx phải diễn ra ở các nước phương Tây công nghiệp hoá, lại nổ ra ở nước Nga nông nghiệp. Ở Nga không có các tác nhân ngăn chặn những cuộc cách mạng xã hội: đấy là sự tôn trọng pháp luật và tôn trọng quyền tư hữu, ngoài ra ở phương Tây dân chúng còn có tinh thần tôn trọng chính phủ vì chính phủ của họ luôn bảo vệ quyền tự do của người dân và các thiết chế xã hội. Tầng lớp trí thức cấp tiến say mê lí tưởng một bên và giai cấp nông dân, những người luôn khát khao chiếm đoạt lấy một mảnh ruộng riêng, một bên, đã tạo ra tình trạng căng thẳng thường trực, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào, nhất là khi chính phủ trung ương rơi vào tình trạng khó khăn. Ở đây các tác nhân kinh tế mà Marx và Engels đưa ra chẳng có vai trò gì.

Các điều kiện đưa nước Nga đến cách mạng cũng chính là các điều kiện quyết định hình thức của chế độ cộng sản sẽ xuất hiện tại đây. Hoá ra chủ nghĩa xã hội được đưa vào đất nước chưa hề biết đến những truyền thống có thể giúp đạt được lí tưởng do Marx đặt ra sẽ tự phát và nhanh chóng tiếp thu những khía cạnh xấu xa nhất của chế độ Sa hoàng mà nó vừa lật đổ. Ở phương Tây các khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa ngày một mờ nhạt dần và trở thành một phần không thể tách rời của những người theo phái tự do phóng khoáng thì ở Nga và các nước ngoài phương Tây lại được lái theo những khái niệm quen thuộc về quyền lực vô giới hạn của nhà nước đối với các công dân và tài sản của họ. Chủ nghĩa toàn trị Xôviết, sinh ra từ hạt giống Mác-xít, nhưng được gieo trên cánh đồng làng xã của chế độ Sa hoàng, đã hình thành như thế đấy.

Phong trào cách mạng Nga xuất hiện trong những năm 1870, dưới ảnh hưởng của các học thuyết vô chính phủ và xã hội chủ nghĩa phương Tây, đã tìm được các đồ đệ chủ yếu trong hàng ngũ sinh viên. Những người trẻ tuổi đó thâm nhập về nông thôn, tưởng rằng sẽ được nông dân đón tiếp nồng hậu, nhưng họ đã thất vọng. Hoá ra nông dân không chỉ căm thù những người hàng xóm giầu có hơn, những người được gọi là “kulak”, mà chính họ cũng lại muốn trở thành những người như thế. Họ tin Sa Hoàng, tin rằng ông ta sẽ chia ruộng đất cho họ.

Thất vọng, đa số những người trẻ tuổi đã bỏ về thành phố và rời bỏ phong trào. Nhưng một nhóm nhỏ, liên kết thành đảng gọi là “Ý dân”; đảng này tập trung tất cả cố gắng vào việc làm cho nhân dân không còn sợ hãi và kính trọng Sa hoàng nữa. Để đạt mục đích đó họ bắt đầu bằng những vụ ám sát các viên chức cao cấp của chính phủ. “Ý dân” là tổ chức đầu tiên trong lịch sử gây ra hàng loạt các vụ khủng bố chính trị. Tháng 3 năm 1881 đảng này đã ám sát Sa hoàng Alexander II, một ông vua mà trước đấy 20 năm đã thực hiện việc giải phóng những người nông nô Nga. Vụ ám sát không đạt được mục đích. Nó còn có tác dụng ngược: không những không kêu gọi được nhân dân vùng lên chống lại chế độ, vụ ám sát còn làm cho nhiều người bất mãn và làm mất niềm tin vào các biện pháp cách mạng trong một thời gian.

Phong trào dân chủ-xã hội thâm nhập vào nước Nga trong những năm 1890. Phong trào này có sức hấp dẫn vì trong mười năm đó nước Nga đã trải qua quá trình công nghiệp hoá một cách nhanh chóng, khả năng xuất hiện một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với những hậu quả xã hội đi kèm với nó, được Marx mô tả trong Tư bản, đang đến rất gần. Tại các trường đại học, các nhóm thanh niên có xu hướng dân chủ-xã hội mọc lên như nấm sau mưa, các nhóm này coi khủng bố là sách lược không có tương lai, họ hi vọng vào quá trình phát triển tự nhiên của nền kinh tế. Cùng với thời gian, thành viên của các nhóm này tin rằng nước Nga đang trải qua tất cả các mâu thuẫn đặc trưng của chủ nghĩa tư bản và nhất định sẽ nổ ra cách mạng.

Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga được thành lập tại một đại hội bí mật, bị cảnh sát giải tán, vào năm 1898. Tuyên ngôn của đại hội, do Peter Struve viết, nói rằng nước Nga sẽ giành được tự do không phải bằng những cố gắng của giai cấp tư sản khiếp nhược mà bằng sức mạnh của giai cấp công nhân công nghiệp. Giai cấp công nhân sẽ giải phóng đất nước khỏi chế độ độc tài và khai phá con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ý tưởng này sẽ trở thành luận điểm chủ yếu của phong trào dân chủ xã hội Nga: cách mạng sẽ trải qua hai giai đoạn; giai đoạn thứ nhất có nhiệm vụ lật đổ chế độ chuyên chế Sa hoàng và thành lập chế độ dân chủ “tư sản”, giai đoạn hai có nhiệm vụ lật đổ chính chế độ này và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là chiến lược sao chép phương châm của Marx và Engels, hai ông này từng kêu gọi lập các liên minh chiến thuật với các lực lượng dân chủ tự do trong cuộc đấu tranh chống lại các chế độ độc tài.

Về mặt hình thức, Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga được thành lập tại đại hội ở London vào năm 1903. Ngay tại đây phong trào đã chia thành hai phái, một phái do Martov đứng đầu được mệnh danh là “Menshevik”, phái kia do Lenin đứng đầu, mệnh danh là “Bolshevik”. Dù đã có những cố gắng hoà giải nhưng hai phái này không bao giờ hoà thuận được vì thái độ thù địch không khoan nhượng của Lenin đối với bất kì người nào có ý chống lại sự lãnh đạo của ông ta. Vì người ta thường liên tưởng “chủ nghĩa cộng sản” với tên tuổi của Lenin và Đảng của ông ta, xin dừng lại một chút và xem xét kĩ hơn con người này, một người từng có ảnh hưởng bao trùm đối với nền chính trị thế giới trong suốt thế kỉ XX.

Vladimir Ilych Ulyanov Lenin sinh năm 1870 tại thành phố Simbirsk; bố ông vốn xuất thân từ thành phần quí tộc nên được bổ nhiệm làm thanh tra viên trong ngành giáo dục và cũng là một người có quan điểm bảo thủ và rất trung thành với nhà thờ Chính thống giáo. Trong buổi hoàng hôn của đế chế Nga, rõ ràng là con cái của những gia đình quan chức cao cấp như thế cảm thấy như có lỗi vì những đặc quyền đặc lợi và dễ trở thành những người có tư tưởng cấp tiến. Năm 1887 người anh của Lenin tên là Alexander đã bị kết án tử hình vì tham gia vào vụ mưu sát Sa hoàng Alexander III. Các chị em gái của Lenin cũng không tránh được rắc rối và cũng từng bị tù đày. Nhưng trong những năm còn học phổ thông Lenin không hề quan tâm đến chính trị: là một học sinh có năng khiếu, cậu học trò Volodia mỗi năm lại lên một lớp và năm nào cũng được nhận bằng khen không những vì đã có thành tích trong học tập mà còn chứng tỏ là một học trò ngoan.

Rắc rối xuất hiện vào năm 1887, đấy là năm Lenin thi vào trường đại học tổng hợp Kazan. Cảnh sát bắt đầu chú ý đến Lenin khi ông tham gia vào những vụ lộn xộn của sinh viên nhằm phản đối các qui định của nhà trường. Sau khi bị nhận diện là em của một kẻ khủng bố đã bị tử hình, Lenin bị đuổi học và mặc dù bà mẹ đã nhiều lần làm đơn xin, ông ta không bao giờ được nhận trở lại trường nữa. Lenin phải ăn không ngồi rồi suốt ba năm trời, lòng căm thù chế độ cũng ngày một dâng cao. Chỉ vì một lỗi nhỏ mà chế độ trừng phạt một cách quá nghiêm khắc và như thế đã chặn đứng vĩnh viễn con đường hoạn lộ của ông ta. Ông ta không chỉ căm thù chế độ mà còn căm thù “giai cấp tư sản”, giai cấp đã chối bỏ gia đình ông chỉ vì có một người anh bị tử hình. Điều đó đã biến ông ta thành một nhà cách mạng cuồng tín, một người quyết tâm đập phá tan tành chế độ chính trị và xã hội hiện hành. Như vậy nghĩa là nhiệt tình cách mạng của Lenin không phải xuất phát từ lòng yêu thương giai cấp cần lao. Trên thực tế, năm 1891-1892 ở vùng Volga xảy ra nạn đói thì chỉ có ông ta là người trí thức duy nhất trong vùng phản đối việc giúp đỡ những người nông dân nghèo đói vì cho rằng nạn đói có vai trò tích cực trong việc phá huỷ nền kinh tế tiểu nông cổ truyền, dọn đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệt tình cách mạng của ông ta cũng không được hâm nóng bởi viễn kiến về một tương lai tươi sáng hơn. Struve, người từng cộng tác với Lenin trong những năm 1890, sau này đã viết rằng đặc điểm chủ yếu của Lenin là lòng hận thù. Tố chất bẩm sinh đó của con người Lenin, một người mà động lực chủ yếu là sự ác cảm và thù địch đối với tất cả những gì xa lạ, dù đấy là những giai cấp hay các dân tộc và sắc tộc khác, đã có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống chính trị thế giới trong suốt thế kỉ XX .

Năm 1891 chính quyền đã tỏ ra độ lượng và cho phép Lenin thi lấy bằng luật sư như một thí sinh tự do. Lenin thi đỗ và chuyển về sống tại Saint-Petersburg. Ông ta có làm công việc tranh tụng một thời gian, nhưng đấy chỉ là bức bình phong cho hoạt động cách mạng của ông ta mà thôi. Những người dân chủ xã hội ở đây không những không coi Lenin là một người Mác-xít mà còn coi là một người thuộc phái “Ý dân”, một kẻ ủng hộ khủng bố, một kẻ nôn nóng, muốn bắt đầu cách mạng ngay mà không chờ cho chủ nghĩa tư bản phát triển chín muồi. Qua giao tiếp với những người được chuẩn bị kĩ lưỡng hơn về mặt lí luận, có thời gian Lenin đã ngả sang tư tưởng về hai giai đoạn cách mạng. Là một người có kỉ luật, năng nổ và hết mình vì sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội, Lenin nhanh chóng giành được địa vị cao trong phong trào dân chủ xã hội đang còn trong vòng bí mật.

Vì những vụ sách động công nhân đình công, năm 1896 Lenin bị bắt và bị đầy đi Sibiri. Ông ta sống trong ngôi nhà thuê của một gia đình nông dân, tiện nghi khá đầy đủ, với người vợ chưa cưới là Nadezhda Krupskaya. Trong ba năm đó ông ta chuyên tâm vào việc viết lách, dịch và trao đổi thư từ với bạn bè. Trong những năm Lenin bị lưu đầy (1897-1900) thì ở Đức nổi lên phong trào xét lại chủ nghĩa Marx và từ đó phong trào này thâm nhập vào nước Nga. Cương lĩnh xét lại làm Lenin choáng váng, coi đây là sự phản bội lại cái học thuyết đã biến ông ta thành một người xã hội chủ nghĩa. Ông ta còn cảm thấy cay đắng hơn khi nhận ra rằng phong trào công nhân đang hình thành ở Nga lại thiên về các hoạt động công đoàn theo đường lối hoà bình chứ không có ý định lật đổ chủ nghĩa tư bản. Diễn biến của các sự kiện như thế đã làm Lenin rơi vào một cuộc khủng hoảng nội tâm sâu sắc. Cuối cùng ông ta tự khẳng định rằng nếu không đưa được những người dân chủ xã hội quay sang con đường cách mạng thì chính ông ta sẽ li khai và thành lập đảng riêng của mình.

Vừa ra khỏi tù, Lenin lập tức đi sang Đức và cùng với Martov lập ra tờ báo Tia lửa nhỏ nhằm truyền bá chủ nghĩa Marx chính thống, chống lại trào lưu xét lại lúc đó. Nhưng chính cách hiểu chủ nghĩa Marx của ông ta lại chẳng chính thống một chút nào. Năm 1902, với tác phẩm Làm gì?, Lenin đã đưa ra những luận điểm chủ yếu của cái học thuyết mà sau này được gọi là chủ nghĩa Bolshevik. Trong tác phẩm này ông ta đã phủ nhận một cách dứt khoát quan điểm chủ yếu của chủ nghĩa Marx nói rằng nhất định giai cấp công nhân sẽ nổi dậy: tự giai cấp công nhân sẽ không vượt qua khuôn khổ của các hoạt động công đoàn, ông ta khẳng định như thế. Nhiệt tình cách mạng phải được đưa vào từ bên ngoài, phải nhờ vào một đảng cố kết của những nhà cách mạng chuyên nghiệp. Mặc dù Lenin không nói rõ, nhưng những nhà cách mạng chuyên nghiệp phải là các trí thức, vì công nhân không có thì giờ và cũng chẳng có kiến thức để làm các công việc như thế. Trên thực tế, ban lãnh đạo đảng của Lenin chỉ có một người từng là công nhân, nhưng lại là chỉ điểm của cảnh sát.

Năm 1903, Lenin đến đại hội với tinh thần sẵn sàng chia rẽ đảng và đoạn tuyệt với đa số có xu hướng hoà bình chủ nghĩa. Về mặt hình thức thì nguyên nhân của sự chia rẽ là do Lenin đòi hỏi rằng một người muốn trở thành đảng viên thì không những phải ủng hộ cương lĩnh của đảng mà còn phải cống hiến trọn đời cho hoạt động cách mạng nữa. Một đảng được tổ chức như một đạo quân, với hệ thống kỉ luật và phục tùng tuyệt đối sẽ lãnh đạo chứ không phải theo đuôi phong trào công nhân. Vừa giành được một đa số tạm thời tại đại hội, Lenin lập tức gọi phái của mình là “Bolshevik”, nghĩa là đa số, còn những người phản đối ông ta, dưới sự dẫn dắt của Martov, đành chấp nhận nhãn hiệu “Menshevik” (thiểu số).

Lịch sử mười năm tiếp theo của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga chứa đầy các âm mưu và những cuộc cãi vã nhảm nhí. Lenin gọi những người Menshevik là “bọn phản bội”, “bọn đầu hàng” và những danh từ mang tính nhục mạ tương tự như thế. Muốn lập đảng của những nhà cách mạng chuyên nghiệp thì cần phải có tiền, Lenin đã kiếm tiền bằng những cách phải nói là chẳng hay ho gì, kể cả cướp bóc và tranh đoạt tài sản của người khác.

Ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Lenin đã đưa ra hai lí thuyết mới. Thứ nhất, nước Nga không cần cách mạng tư sản vì chủ nghĩa tư bản đã làm đất nước chấn động và đã sẵn sàng thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa rồi. Thứ hai, trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chế độ hiện hành, những người xã hội có thể tham gia liên minh tạm thời với mọi lực lượng, tức là những lực lượng vì quyền lợi của mình mà đấu tranh chống lại chế độ hiện hành, đặc biệt là nông dân và các dân tộc thiểu số.

Những người Mác-xít coi nông dân là giai cấp “tiểu tư sản” và vì vậy về bản chất là kẻ thù của giai cấp công nhân công nghiệp. Nhưng Lenin lại cho rằng người nông dân chỉ ước mong có ruộng đất và sẵn sàng đứng lên làm cách mạng, ông ta tin rằng chỉ cần nắm được quyền lực là có thể buộc nông dân phải đi theo bằng cách quốc hữu hoá ruộng đất. Còn về các sắc dân thiểu số thì Lenin cũng như tất cả những người theo trường phái xã hội chủ nghĩa đều coi thường mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc. Nhưng ông ta cũng cho rằng tinh thần dân tộc của người Ba Lan, người Phần Lan và các sắc dân thiểu số khác lại góp phần vào việc lật đổ chế độ. Vì vậy, ông ta đã hứa bảo đảm cho tất cả các dân tộc nằm dưới sự cai trị của người Nga quyền dân tộc tự quyết, kể cả quyền thành lập nhà nước độc lập. Trả lời câu hỏi có phải như thế là “Ban-căng hoá” nước Nga, ông ta nói rằng các mối liên kết kinh tế gắn bó đế chế Nga mạnh đến nỗi khuynh hướng phân liệt không thể có cơ may thành công, mà nếu có một hai khu vực biên thuỳ nào đó làm được chuyện này thì vẫn có thể dùng vũ lực để bắt họ quay trở lại vì “quyền vô sản tự quyết” phải cao hơn “quyền dân tộc tự quyết”.

Từ năm 1900 đến năm 1917 Lenin hầu như chỉ sống ở nước ngoài. Dù ở Đức, ở Áo, Ý hay Thuỵ Sĩ ông ta đều tìm cách chia rẽ Quốc tế II như đã từng chia rẽ Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, nhưng kết quả không đáng là bao. Ông ta vẫn giữ mối liên hệ với các đệ tử ở Nga và dành nhiều thời gian viết báo để mạt sát những người bất đồng quan điểm. Trừ những học trò gần gũi – ông ta thường cố gắng thuyết phục khi những người này lầm lạc – tất cả những người bất đồng ý kiến đều bị ông ta gọi là bọn phản bội giai cấp công nhân.

Suốt thời gian đó ông ta chỉ về Nga có một lần, đấy là trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng năm 1905. Lợi dụng những quyền tự do được chế độ nới rộng trong thời kì cách mạng, các đảng viên Bolshevik lập tức công khai thành lập các tổ chức của mình. Quần chúng không ủng hộ bất kì phái dân chủ xã hội nào: năm 1907 tổng số đảng viên của tất cả các phái cũng chỉ là 84.000 người, khi cách mạng rơi vào thoái trào thì con số này cũng giảm, năm 1910 chỉ còn lại 10.000 đảng viên, đấy là trong một nước có 150 triệu dân. Những người ủng hộ Bolshevik đa phần là dân Nga, còn những người thiểu số, thí dụ như người Do Thái hoặc Gruzia, thì ngả về phía Menshevik. Cả hai phái đều chẳng có mấy công nhân, đa số đảng viên đều thuộc tầng lớp trí thức.

Chiến tranh thế giới xảy ra. Những người dân chủ xã hội Nga, cả Bolshevik lẫn Menshevik, là những người duy nhất, nếu không kể đến người Serbi, biểu quyết phản đối ngân sách chiến tranh. Các đảng viên Bolshevik, đại biểu quốc hội đều bị bắt và bị lưu đầy vì tội hoạt động đối lập. Tổ chức đảng của họ gần như không còn.

Lập trường của Lenin là rất rõ ràng: phải biến chiến tranh giữa các nước thành chiến tranh giữa các giai cấp. Giai cấp công nhân các nước không được bắn giết lẫn nhau mà phải quay súng chống lại những kẻ bóc lột mình. Có một số người thuộc Quốc tế II ủng hộ quan điểm này, họ lập tức tụ họp ở Thuỵ Sĩ, một nước giữ thái độ trung lập. Người Nga có một phái đoàn rất mạnh tại các cuộc gặp gỡ này và Lenin đã giành được quyền lãnh đạo các thành phần cấp tiến cánh tả. Mặc dù các nghị quyết do ông ta đề xuất đã không được thông qua, nhưng ông đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các cuộc thảo luận và những cuộc thảo luận này là cơ sở cho việc thành lập Quốc tế III hay còn gọi là Quốc tế Cộng sản vào năm 1919.

Nước Nga là đồng minh của Anh và Pháp. Nga tham gia liên minh vì sợ rằng Đức và Áo sẽ mở rộng sang phía Đông và phía Nam và sẽ chiếm một phần lãnh thổ, biến Nga thành một nước loại hai. Pháp phải hợp tác với Nga là vì sợ Đức, Pháp chỉ có thể đứng vững được nếu Đức phải chiến đấu trên cả hai mặt trận. Thoả thuận Pháp kí với Nga có điều khoản là Nga sẽ tấn công Đức và tiến nhanh về hướng Berlin một khi quân Đức tràn vào Pháp.

Nhưng hoá ra kế hoạch của các bên tham chiến đều không được thực hiện. Kế hoạch của Đức là giành thắng lợi nhanh chóng trên mặt trận phía Tây và sau đó chuyển sang mặt trận phía Đông để tiêu diệt quân Nga đã thất bại: chiến dịch bên phía Tây trở thành những trận đánh giành giật nhau từng chiến hào và không biết bao giờ mới kết thúc. Trong khi đó quân Nga tấn công mãnh liệt trên mặt trận Đông Phổ, nhưng bị rơi vào bẫy và thất bại.

Cuối năm 1914 Bộ Chỉ huy tối cao Đức kết luận rằng họ chỉ có thể chiến thắng nếu đánh bại Nga và sau đó sẽ tập trung toàn lực cho mặt trận phía Tây. Mùa xuân năm 1915 liên quân Đức-Áo tấn công Ba Lan, lúc đó thuộc Nga, và đẩy quân Nga lùi sâu hàng trăm kilomet. Mặc dù lực lượng quân sự chủ yếu vẫn được bảo toàn và trên danh nghĩa Nga vẫn còn tham chiến nhưng nước này đã đánh mất những khu vực giầu có và đông dân nhất.

Thất bại đã làm cho cả những người phóng khoáng lẫn những người bảo thủ bất bình. Các đại biểu quốc hội (Duma) thuộc phe phóng khoáng đòi chính phủ giao chọ họ quyền bổ nhiệm các bộ trưởng. Những người bảo thủ thì muốn Sa hoàng Nikolai II thoái vị và nhường ngôi cho một hoàng thân có năng lực hơn. Trong quân đội cũng như trong dân chúng loan truyền các tin đồn về những hành động phản bội trong tầng lớp chóp bu: người ta nghi ngờ Hoàng hậu, vốn là một người Đức, chuyển bí mật quân sự cho kẻ thù. Chính phủ còn gặp khó khăn hơn nữa vì nạn lạm phát ở các thành phố, hoạt động đường sắt bị rối loạn gây ra nạn thiếu lương thực và nhiên liệu, nhất là tại Petrograd (Saint-Petersburg cũ). Các tin tức xấu từ mặt trận đưa về cùng với những bất mãn về chính trị và khó khăn về kinh tế trong các thành phố (nông thôn vẫn yên tĩnh vì nông dân được lợi khi giá lương thực leo thang) đã tạo ra tình thế cách mạng ngay trong những tháng cuối năm 1916.

Có thể nói rằng cuộc Cách mạng năm 1917 đã bắt đầu vào tháng 11 năm trước khi chính phủ chịu áp lực rất lớn từ cả thành phần phóng khoáng lẫn thành phần bảo thủ trong Duma quốc gia. Maliukov, lãnh tụ phe phóng khoáng, tố cáo chính phủ phản bội. Những cuộc tấn công như thế của giới chính trị cao cấp làm cho đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, mọi người đều tin rằng đã đến lúc phải có những biện pháp quyết liệt. Trong khi đó Sa hoàng, một người tin vào số mệnh, đã chẳng đưa ra được biện pháp củng cố quyền lực nào.

Sự bất mãn của đơn vị đồn trú ở Petrogard vào tháng 3 năm 1917 đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng. Đơn vị này gồm toàn lính quân dịch đã lớn tuổi, đáng lẽ không còn phải đi nghĩa vụ nữa; họ đã nổi loạn khi được lệnh bắn vào đám đông tay không tấc sắt. Vì sợ cuộc bạo loạn sẽ lan ra mặt trận, để cứu nước Nga khỏi thất bại nhãn tiền, các tướng lĩnh đã thuyết phục Sa hoàng thoái vị. Là một người yêu nước, ông nghe theo lời khuyên và thoái vị vào ngày 15 tháng Ba.

Ngay sau khi Sa hoàng thoái vị, quyền lực được chuyển vào tay chính phủ lâm thời. Cũng thời gian đó những người trí thức theo phái xã hội chủ nghĩa thành lập ở Petrogard Xôviết đại biểu binh lính và thợ thuyền. Xôviết có trách nhiệm theo dõi hoạt động của “chính phủ tư sản”, không để cho nó thực hiện chính sách phản động. Trong suốt bảy tháng sau đó, nước Nga được quản lí bởi - nếu có thể gọi đó là một sự quản lí – hai chính quyền song song tồn tại, trong đó Xôviết luôn tìm cách làm mất uy tín của chính phủ nhưng lại chẳng chịu bất kì trách nhiệm nào. Những người trí thức xã hội chủ nghĩa nắm các Xôviết đã cố tình phá hoại quân đội bằng cách giảm bớt quyền lực của các sĩ quan, họ cho rằng các sĩ quan chính là lực lượng phản cách mạng. Trong khi đó họ lại đòi phải chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.

Chính phủ lâm thời hứa sẽ sớm tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến để tạo ra các cơ quan quyền lực của nền cộng hoà, nhưng vì có quá nhiều việc khẩn cấp nên cuộc bầu cử cứ bị hoãn đi hoãn lại mãi. Công việc cải cách ruộng đất cũng được tiến hành rất chậm. Quá sốt ruột, nông dân bắt đầu tấn công các trang trại, còn binh lính thì bỏ mặt trận về nhà để không lỡ dịp nhận phần trong vụ tái phân phối ruộng đất đang sắp diễn ra. Các dân tộc thiểu số cũng bắt đầu đòi quyền tự quản, có cả những trường hợp đòi được độc lập hoàn toàn. Trong lúc đó chính phủ lâm thời tiếp tục kêu gọi tiến hành chiến tranh, một cuộc chiến ngày càng mất lòng dân hơn. Chính quyền chứ không phải tình đoàn kết xã hội đã giữ cho nước Nga thống nhất trong hàng thế kỉ, nay quyền lực ấy không còn, đất nước trượt dần vào cảnh hỗn loạn vô chính phủ.

Đấy chính là vận may của Lenin. Đầu năm 1917 ông ta vẫn còn sống ở Thuỵ Sĩ. Vừa nhận được tin về cuộc Cách mạng tháng Ba, ông ta lập tức đánh điện cho các đồ đệ ở Nga, hạ lệnh cho họ bất tín nhiệm chính phủ lâm thời, không được liên minh với các đảng xã hội chủ nghĩa khác và tiến hành vũ trang cho công nhân. Ông ta chỉ muốn mau chóng quay về để nắm trực tiếp quyền điều hành cách mạng.

Người Đức và người Áo, bị kìm chân trên mặt trận phía Tây trong một cuộc chiến hao người tốn của, đã theo dõi rất kĩ mọi động tĩnh của các di dân phản chiến người Nga, trong đó có Lenin. Lenin đã liên hệ với đại sứ quán Đức ở Thuỵ Sĩ để nhờ giúp đỡ trong chuyện trở về nước. Berlin không chỉ cho ông ta và những người xã hội chủ nghĩa khác đi qua nước Đức mà còn cung cấp cho ông ta tiền để khôi phục hoạt động của đảng. Lenin, một người không bao giờ quan tâm đến nguồn gốc của đồng tiền, miễn là đồng tiền đó phục vụ cho mục đích của ông ta, đã nhận lời. Sau đó, qua trung gian và rất kín đáo, ông ta được người Đức bảo trợ suốt một năm rưỡi.

Vừa về đến Petrograd, Lenin đã vội vã tập trung tấn công một cách không khoan nhượng vào chính phủ lâm thời, đòi phải lật đổ chính phủ này ngay lập tức: không được để cho nó thiết lập ở Nga chế độ “tư bản”, tức là ông ta có ý kiến trái ngược hẳn với những người Menshevik và đa số ủng hộ viên của chính mình. Tháng 7 năm 1917 Đảng Bolshevik đã thực hiện một cuộc đảo chính, nhưng chính phủ đã kịp thời đập tan vụ bạo loạn và sau đó cho công bố một loạt thông tin tình báo về mối liên hệ của Lenin với Đức. Đã có lệnh bắt giam Lenin và một loạt lãnh tụ Bolshevik khác, kể cả Trotsky, một người vừa ra nhập đảng của Lenin trước đó không lâu. Trotsky bị bắt, nhưng Lenin thì kịp trốn qua Phần Lan và ẩn náu ở đó cho mãi đến sát ngày đảo chính vào tháng 11 năm 1917 mới trở về.

Lenin không được nhiều người ủng hộ, nhưng họ là những người rất đoàn kết và thực hiện nghiêm chỉnh mọi chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương. Không đảng nào có tổ chức chặt chẽ như thế: Đảng Dân chủ Cách mạng tuy được lòng quần chúng hơn, nhưng tổ chức lại lỏng lẻo, không đủ sức động viên quần chúng. Menshevik và những đảng theo đường lối dân chủ lập hiến khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Hơn nữa, chỉ có Lenin là có khát vọng nắm quyền lực, ngoài ông ta ra thì không có chính khách nổi tiếng nào sẵn sàng nhận lãnh trách niệm quản lí một đất nước đã mất kiểm soát về mọi phuơng diện. Lenin, người suốt đời chuẩn bị cho giây phút ấy, đã theo dõi sát sao sự phát triển của các sự kiện và chọn được đúng giờ phút ra đòn.

Đấy là cuối mùa hè, khi Aleksander Kerensky, trên danh nghĩa là một nhà độc tài nhưng ít quyền lực, bất hoà với tướng Lavr Kornilov, tổng chỉ huy quân đội Nga, vu cho ông ta chuẩn bị đảo chính. Vì những hành động thiếu trách nhiệm như thế, Kerensky đánh mất sự ủng hộ của quân đội, một điều tối quan trọng nếu những người Bolshevik có ý định cướp chính quyền. Ông ta lại còn dung túng Đảng Bolshevik như thả họ ra khỏi nhà tù và phát vũ khí để họ chiến đấu chống lại cuộc bạo loạn giả định của Kornilov. Đảng Bolshevik đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Xôviết, Lenin coi đây là tín hiệu để ra đòn quyết định. Nghị quyết về việc cướp chính quyền được thông qua tại cuộc họp bí mật của các lãnh tụ Bolshevik vào đêm ngày 23 sáng ngày 24 tháng 10 năm 1917. Lenin phải đấu tranh rất lâu mới thuyết phục được những người dao động, họ sợ sẽ lại thất bại như hồi tháng 7.

Cuộc đảo chính diễn ra vào ngày 7 tháng 11, các đơn vị thân Bolshevik đã chiếm được tất cả các công sở ở thủ đô mà không phải bắn một phát súng nào. Ở Moskva có xảy ra vài cuộc đụng độ, còn tại các vùng khác việc chuyển giao quyền lực diễn ra một cách êm thấm. Sau này Lenin nói rằng việc cướp chính quyền ở Nga dễ dàng chẳng khác gì “nhặt một cái lông chim”. Nguyên nhân ở đây là việc cướp chính quyền được ông ta che đậy một cách khéo léo bằng khẩu hiệu “tất cả chính quyền về tay Xôviết”, một khẩu hiệu hứa hẹn nền dân chủ nhân dân chứ không phải một chính quyền chuyên chính. Ngay cả những đảng theo xu hướng xã hội chủ nghĩa cạnh tranh với Lenin, những người vốn nghi ngờ ông ta cũng không tỏ ra lo lắng vì họ tin rằng chế độ chuyên chính độc đảng không thể đứng vững được lâu, trước sau gì cũng sẽ phải nhường chỗ cho liên hiệp các đảng xã hội chủ nghĩa mà thôi. Họ chấp nhận để Lenin sử dụng quyền lực một thời gian, miễn là không xảy ra nội chiến vì như thế sẽ chỉ có lợi “cho lực lượng phản cách mạng”.

Kết quả là những người Bolshevik nắm được quyền lực trong suốt 74 năm trời. Như vậy nghĩa là chế độ cộng sản được thiết lập ở Nga không phải là do kết quả của một cuộc khởi nghĩa của quần chúng: nó được áp đặt từ trên xuống bởi một nhúm người nấp sau các khẩu hiệu dân chủ. Yếu tố mà ai cũng thấy đó đã ghi dấu ấn lên toàn bộ lịch sử chế độ cộng sản tại Nga.

Xem xét vụ cướp chính quyền của những người cộng sản trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó ta sẽ cảm thấy kinh ngạc vì sự liều lĩnh của họ. Tất cả các lãnh tụ cộng sản đều chưa hề có kinh nghiệm quản lí hành chính trong bất kì lĩnh vực nào, thế mà họ sẵn sàng nhận trách nhiệm quản lí đất nước có diện tích lớn nhất thế giới. Không hề có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng họ lập tức tiến hành quốc hữu hoá toàn bộ nền kinh tế đứng thứ năm thế giới, nghĩa là họ sẵn sàng nhận trách nhiệm lãnh đạo nó. Về nguyên tắc họ coi giai cấp tư sản và các điền chủ là kẻ thù, còn trên thực tế đa số nông dân và trí thức cũng bị coi là kẻ thù của giai cấp công nhân công nghiệp, họ tự nhận mình là người đại diện của giai cấp này. Công nhân chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, nhiều nhất cũng chỉ từ một đến hai phần trăm dân số. Công nhân đã ít như thế, mà số công nhân theo Bolshevik còn ít hơn nhiều: ngay trước cuộc đảo chính tháng 11 chỉ có 5,3% công nhân là đảng viên Bolshevik [2] . Điều đó có nghĩa là chính quyền mới không có sự lựa chọn nào khác ngoài chế độ chuyên chính, nhưng đấy không phải là chuyên chính vô sản mà là chuyên chính đối với giai cấp vô sản và tất cả các giai cấp khác. Sau một thời gian nền chuyên chính này đã biến thành chế độ toàn trị. Như vậy nghĩa là chuyên chính xuất phát từ bản chất của cuộc đảo chính Bolshevik. Nếu những người cộng sản muốn giữ quyền lực thì họ buộc phải cai trị bằng những biện pháp chuyên chế tàn bạo, không bao giờ họ dám buông lỏng. Và đây cũng trở thành nguyên tắc của các chế độ cộng sản sinh ra sau này.

Lenin hiểu là đang áp đặt cho đất nước một chế độ độc tài cực kì tàn nhẫn, nhưng lương tâm ông ta không hề cắn rứt. Lenin định nghĩa mọi chế độ “chuyên chính”, trong đó có “chuyên chính vô sản” là “một chính quyền dựa trực tiếp vào vũ lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào [3] ”. Ông ta sẵn sàng áp dụng những biện pháp khủng bố khốc liệt nhất nhằm tiêu diệt các kẻ thù cũng như doạ dẫm dân chúng. Ông ta làm như thế một phần là do thái độ thờ ơ đối với đời sống của con người và một phần là do lịch sử đã dạy rằng các cuộc cách mạng trong quá khứ thường thất bại là vì đã dừng lại ở giữa đường, không tiêu diệt hết kẻ thù giai cấp, để cho chúng tập hợp lại lực lượng. Bạo lực – dùng bạo lực một cách phổ biến và tàn bạo (hình dung từ thường được ông ta sử dụng) - sẽ tạo nền móng cho chế độ mới. Nhưng ông ta tin rằng bạo lực sẽ không kéo dài: có lần ông ta đã dẫn lời Machiavelli: “Nếu vì mục đích chính trị mà cần áp dụng một số biện pháp tàn bạo thì phải làm một cách kiên quyết và thật nhanh vì quần chúng không thể chịu nổi bạo lực trong một thời gian dài”. Trái ngược với dự đoán của ông ta, bạo lực đã trở thành đặc điểm thường trực của chế độ do ông ta lập nên.

Thái độ quyết liệt và năng lực hoạt động của Lenin trái ngược hoàn toàn với sự bất lực của chính phủ lâm thời vừa bị lật đổ. Ông ta lập tức quyết định ngày bầu cử quốc hội. Đảng Bolshevik chỉ nhận được 24% số phiếu, trong khi Đảng Xã hội Cách mạng có số phiếu bầu hơn gấp hai lần rưỡi. Nhưng đấy không phải là điều ông ta bận tâm: tuyên bố rằng đa số binh lính và công nhân bầu cho Đảng Bolshevik, ông ta chỉ để cho quốc hội vừa được bầu họp đúng một ngày và sau đó giải tán. Chính phủ do ông ta thành lập, gọi là Xôviết Dân uỷ, lúc đầu còn có những người thuộc Đảng Xã hội Cách mạng cánh tả, nhưng sau đó chỉ gồm toàn đảng viên Bolshevik. Thực chất đây chỉ là cơ quan-bình phong, có trách nhiệm thực hiện các mệnh lệnh của Đảng Bolshevik mà thôi. Ông ta bãi bỏ tất cả các thủ tục pháp lí, chuyển công việc xét xử vào tay các toà án cách mạng, do những người không có kiến thức nhưng “giác ngộ cách mạng” lãnh đạo, cũng như vào tay cảnh sát mật vừa được thành lập, lấy tên là Uỷ ban Khẩn cấp (Cheka). Khủng bố bắt đầu ngay từ khi Lenin vừa cướp được chính quyền.

Nhận thức được rằng việc thành lập một cơ sở chính trị vững chắc và thực hiện cương lĩnh cách mạng phải cần thời gian, tháng 3 năm 1918 Lenin hạ lệnh cho các cộng sự kí ở Brest-Litovsk một hoà ước rất mất lòng dân với Đức, Áo, Thổ và Bulgaria, nhường cho các nước này những vùng lãnh thổ rộng lớn.

Ông ta phát động cuộc nội chiến như là một cách khơi mào cách mạng thế giới. Sau này những người Bolshevik đã gán cho bọn phản cách mạng trong và ngoài nước là đã gây ra cuộc nội chiến làm tan hoang nước Nga và giết chết mấy triệu mạng người. Nhưng như chúng ta đã thấy, từ trước năm 1917 việc biến chiến tranh giữa các nước thành nội chiến giữa các giai cấp là một trong những luận điểm cơ bản của đường lối Bolshevik. Trotsky đã công nhận như thế khi viết: “Chính quyền Xô viết là một cuộc nội chiến có tổ chức”. Có thể nói rằng những người Bolshevik cướp chính quyền ở nước Nga là để phát động cuộc nội chiến. Ban đầu, Lenin đã sử dụng các khẩu hiệu vô chính phủ nhằm tranh thủ sự ủng hộ hay ít nhất cũng vô hiệu hoá giai cấp công nhân và nông dân. Ông ta khuyến khích nông dân cướp và chia nhau ruộng đất không chỉ thuộc quyền sở hữu của nhà nước hay địa chủ mà cả ruộng đất của những người nông dân khác. Sắc lệnh, công bố vào ngày đảo chính, tuyên bố quốc hữu hoá toàn bộ ruộng đất, nhưng tạm thời không động đến phần đất do nông dân canh tác. Ông ta khuyến khích công nhân chiếm các nhà máy xí nghiệp; đây là lập trường của các công hội, chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa Marx. Nhưng đấy chỉ là những biện pháp tạm thời, một khi chính quyền được củng cố ông ta sẽ đoạn tuyệt ngay. Vì mục đích cuối cùng của ông ta là quốc hữu hoá toàn bộ nhân tài vật lực của quốc gia, buộc toàn bộ nền kinh tế phải tuân theo một kế hoạch duy nhất.

Chúng ta sẽ không dừng lại lâu trong giai đoạn lịch sử từ năm 1917 đến năm 1920. Chỉ xin nói rằng cộng sản - từ năm 1918 những người Bolshevik tự gọi mình như thế - đã thắng, một phần vì kiểm soát được các khu vực dân cư đông đúc với những nguồn lực to lớn về công nghiệp (và quân sự), một phần vì các nước phương Tây đã không dành cho “Bạch vệ” một sự ủng hộ đúng mức. Trong thời gian nội chiến và sau đó không lâu chế độ của Lenin đã giành lại phần lớn vùng biên thuỳ như Ukraine, Kavkaz và Trung Á, là những vùng trước đó đã tách khỏi Nga. Các vùng này được hợp nhất với Nga và hình thành Liên bang Cộng hoà Xô viết Xã hội Chủ nghĩa vào năm 1924. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Nga với tổng hành dinh ở Moskva đã quản lí tất cả các vùng đất của đế chế vừa được thành lập. Đại diện của các tổ chức Đảng có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, thực hiện nhiệm vụ “mao mạch” của chế độ - theo cách nói của Mussolini, kẻ đã xây dựng chế độ phát xít theo mô hình của Lenin. Không một tổ chức xã hội nào có thể tránh được sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhà nước độc đảng đầu tiên trong lịch sử đã xuất hiện như thế đấy.


*


Cộng sản đã giữ được chính quyền nhưng lại chịu thất bại trong hầu hết các lĩnh vực khác. Hoá ra cuộc sống chẳng ăn nhập gì với lí thuyết. Nhưng họ không chịu công nhận rằng mình sai: nếu công việc diễn ra không như ý, họ không những không chịu nhân nhượng mà còn sử dụng bạo lực điên cuồng hơn. Việc công nhận sai lầm nhất định sẽ làm lung lay toàn bộ cơ sở học thuyết vì họ cho rằng các bộ phận cấu thành học thuyết đã được kiểm chứng một cách khoa học.

Trước hết xin nói về nhà nước.

Việc xuất hiện bộ máy quan liêu đồ sộ, tự tư tự lợi và không thể kiểm soát nổi là một trong những thất vọng của Lenin. Theo lí thuyết Mác-xít thì nhà nước chỉ là công bộc của giai cấp nắm quyền sở hữu tư liệu sản xuất, bản thân nhà nước không có quyền lợi riêng tư nào. Chỉ có thể nói đấy là một sự ngu tín vì lịch sử thế giới, kể từ thời các Pharaoh Ai Cập, có đầy dẫy các chứng cớ chứng tỏ rằng các viên chức nhà nước quan tâm trước hết đến quyền lợi của chính mình, họ đã từng tạo ra những nhóm ảnh hưởng có quyền lực, nhiều khi còn mạnh hơn cả giai cấp hữu sản. Sự phát triển với tốc độ chóng mặt của bộ máy quan liêu Xôviết, một bộ máy do Lenin tạo ra, đã làm ông ta phát hoảng. Cùng với việc Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo toàn diện đời sống của đất nước, quốc hữu hoá toàn bộ nền công nghiệp, hệ thống bán buôn và bán lẻ, phương tiện giao thông vận tải và dịch vụ, văn hoá và giáo dục thì tầng lớp viên chức thay thế cho các chủ sở hữu tư nhân và các nhà quản lí cũ cũng phát triển theo cấp số nhân. Chỉ xin dẫn ra một thí dụ, đấy là tổ chức chịu trách nhiệm quản lí ngành công nghiệp, gọi là Hội đồng Kinh tế Tối cao, vào năm 1921 đã có hai trăm năm mươi ngàn viên chức, trong khi sản xuất công nghiệp chỉ bằng một phần năm năm 1913. Năm 1928 bộ máy quan liêu của Đảng và nhà nước có tổng số 4 triệu viên chức.

Người ta chui vào hàng ngũ công chức Xôviết - nhiều người đã từng phục vụ chế độ cũ – là vì làm ở đây thì được an toàn và đủ sống. Chẳng bao lâu sau họ đã tạo thành một giai tầng đặc biệt, giai tầng đặt quyền lợi tập thể của mình cao hơn chẳng những quyền lợi của toàn dân mà còn cao hơn cả quyền lợi của chủ nghĩa cộng sản mà trên danh nghĩa họ phải phục vụ.

Stalin là người đầu tiên nhận thức được rằng có thể sử dụng sức mạnh tiềm tàng của bộ máy quan liêu Xôviết làm vũ khí nhằm củng cố địa vị của mình. Ông ta là một người học hành không đến nơi đến chốn, đã từng bị đuổi khỏi trường dòng, nhưng được Lenin tin cậy vì có biệt tài trong lĩnh vực tổ chức và rất trung thành với cá nhân lãnh tụ. Khác với Trotsky, hay Kamenev, Zinoviev; Stalin luôn luôn tôn trọng các ý kiến của Lenin và trong khi những người kia viết sách hay diễn thuyết thì ông ta lặng lẽ quan sát tầng lớp cán bộ. Càng ngày Lenin càng đưa ông ta lên các chức vụ cao hơn, đến năm 1922 thì đặt ông ta vào chiếc ghế Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tạo cho ông ta điều kiện kiểm soát toàn bộ công tác cán bộ của Đảng.

Stalin sử dụng ngay vị trí của mình để thăng chức cho những người trung thành với mình, những người mà ông ta có thể dựa dẫm trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo, cuộc tỉ thí này nhất định sẽ diễn ra nay mai vì sức khoẻ của Lenin đang xấu đi từng ngày. Chính ông ta là người tạo ra thiết chế gọi là Nomenclatura: tầng lớp cán bộ cộng sản có thể được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền và hưởng các ưu đãi như được vào những cửa hàng đặc biệt, được chữa trong những bệnh viện cao cấp, có các khu nghỉ mát riêng, thậm chí có cả thợ may riêng. Chính việc tạo ra tầng lớp ưu tú đặc quyền đặc lợi đó đã giữ cho chế độ cộng sản tồn tại trong suốt bảy mươi năm, buộc giai cấp những kẻ làm công việc quản lí đó phải coi việc bảo vệ chế độ là quyền lợi sống còn của mình. Nhưng chính sách đó lại đã biến lí tưởng cộng sản thành những lời nói suông.

Việc quản lí nền kinh tế cũng làm những người Bolshevik thất vọng không kém. Sách báo xã hội chủ nghĩa bảo họ rằng chủ nghĩa tư bản, chỉ chạy theo lợi nhuận, không thể hữu hiệu bằng nền kinh tế do nhà nước nắm độc quyền. Họ cho rằng xí nghiệp càng lớn thì càng hiệu quả. Họ còn tin rằng không dùng tiền vẫn có thể quản lí được nền kinh tế.

Nhưng hoá ra tất cả các luận điểm đó đều sai. Mọi cố gắng nhằm ép buộc nền kinh tế tuân theo một kế hoạch duy nhất đều thất bại. Việc đưa công nhân rồi sau đó là các cán bộ Đảng nắm quyền quản lí xí nghiệp đã làm cho năng suất lao động ngày một giảm đi. Dùng các uỷ ban khẩn cấp (Cheka) để bóp chết tư thương cũng không đạt kết quả vì người sản xuất và thương lái đã tìm mọi cách lách luật; thị trường tự do mà những người cộng sản coi là bản chất của chủ nghĩa tư bản và quyết tâm tiêu diệt, không những không biến mất mà đi vào hoạt động chợ đen. Chẳng bao lâu sau kinh tế ngầm đã lớn hơn nền kinh tế chính thức. Lạm pháp phi mã, do cố tình tung ra một lượng tiền giấy quá lớn, đến năm 1923 người dân có tiền gửi tiết kiệm đã hoàn toàn trắng tay, giá cả so với năm 1917 đã tăng hơn 100 triệu lần. Nhưng bãi bỏ tiền tệ lại làm cho ngân sách và việc thanh toán giữa các xí nghiệp không thể thực hiện được.

Cách quản lí mang tính nghiệp dư như thế cộng với nội chiến đã dẫn đến kết quả là tất cả các chỉ tiêu sản xuất đều sụt giảm một cách không thể cứu vãn được. Năm 1920 tổng sản phẩm của ngành công nghiệp nặng chỉ bằng 20% năm 1913; than còn 27%, sắt 2,4%. Năm 1921 số công nhân làm việc trong ngành công nghiệp giảm một nửa, mức sống của họ giảm chỉ bằng một phần ba trước chiến tranh [4] . Một chuyên gia cộng sản nói rằng kinh tế Liên Xô giai đoạn 1917-1920 đã rơi vào một thảm hoạ “chưa từng có trong lịch sử [5]

Trong điều kiện tan hoang như thế, bản năng sinh tồn đã mách bảo Lenin là phải sử dụng các đội hành quyết. Isaak Steinberg, một đảng viên cách mạng xã hội cánh tả, có thời là dân uỷ tư pháp trong chính phủ Bolshevik đã mô tả một cuộc họp của Hội đồng Dân uỷ vào tháng 2 năm 1918 như sau: Lenin đưa ra dự thảo nghị định “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!”, trong đó có yêu cầu bắn “tại trận”, nghĩa là không cần xét xử, một loạt tội phạm được gọi một cách chung chung là “gián điệp của kẻ thù, bọn ăn cắp, bọn lưu manh, tuyên truyền phản cách mạng và gián điệp của Đức”. Steinberg phát biểu phản đối nghị định vì nó chứa đựng “mối đe doạ… những vụ khủng bố mà hậu quả không thể lường được”. Lenin nhân danh chính nghĩa của cách mạng, bác bỏ phản đối của tôi. Quá tuyệt vọng, tôi phải kêu lên: “Thế thì chúng ta còn dùng tên Dân uỷ Tư pháp làm gì? Hãy gọi thẳng là Dân uỷ Huỷ diệt Xã hội là xong”. Mặt Lenin bỗng tươi tỉnh hẳn lên, ông ta bảo: “Nói hay quá… đúng là phải như thế đấy… nhưng nói như thế thì không được [6] ”.

Sụt giảm sản lượng lương thực là bi đát nhất.

Như đã nói bên trên, cộng sản cũng như những người Mác-xít khác coi nông dân là giai cấp tiểu tư sản, kẻ thù không đội trời chung của giai cấp công nhân, mặc dù đa số công nhân Nga xuất thân từ nông thôn và vẫn giữ quan hệ gắn bó với nông thôn. Cộng sản tuyên chiến với nông dân nhằm hai mục đích: cướp đoạt lương thực cho thành phố và Hồng quân và mở rộng quyền lực của mình về nông thôn là vùng mà cuộc đảo chính chưa hề động chạm tới.

Mùa hè năm 1918 Moskva bắt đầu chiến dịch tịch thu lúa mì, nông dân không chịu bán lúa mì cho chính phủ vì giá quy định quá thấp. “Uỷ hội dân nghèo” được thành lập tại các làng xã, các uỷ hội này sẽ giúp chính phủ tước đoạt những người nông dân có của ăn của để (kulak), bị nghi là có hành vi che giấu lương thực. Uỷ hội dân nghèo sẽ được chia một phần lương thực tước đoạt được. Moskva còn gửi về nông thôn các đội vũ trang để làm công việc gọi là “thanh tra lương thực thừa”. Các vụ đụng độ giữa nông dân, nhiều người đã từng đi lính, với các đơn vị thu gom lương thực diễn ra thường xuyên. Nhiều vùng rơi vào nội chiến, một cuộc nội chiến còn thảm khốc hơn cả chiến tranh giữa Hồng quân và Bạch vệ. Bất cứ người nông dân nào chống lại chính quyền Xôviết cũng đều bị Lenin gọi là kulak, ông ta nổi điên và hạ lệnh tiến hành những vụ tàn sát qui mô lớn. Chỉ xin dẫn ra dưới đây hai chỉ thị của ông ta, cả hai đều diễn ra vào tháng 8 năm 1918, chỉ thị thứ nhất lấy từ bài nói chuyện của ông ta với công nhân, chỉ thị thứ hai là một tài liệu mật gửi cho các cán bộ Đảng tỉnh Penzen:

Kulak căm thù chính quyền Xôviết và sẵn sàng bóp cổ, sẵn sàng cắt cổ hàng trăm ngàn công nhân… Hoặc là kulak cắt cổ rất nhiều công nhân hoặc là công nhân đập tan cuộc bạo loạn của kulak, cuộc bạo loạn của thiểu số dân chuyên nghề ăn cướp chống lại chính quyền của nhân dân lao động… Kulak là bọn bóc lột thô lỗ nhất, tàn bạo nhất, man rợ nhất… Bọn uống máu người đó đã làm giầu trên sự đói khổ của nhân dân trong thời chiến… Bọn nhện độc đó đã béo lên vì bóc lột những người nông dân bị phá sản trong thời chiến, béo lên vì bóc lột những người công nhân đói khát. Những con đỉa đó đã hút máu quần chúng lao động, chúng càng giầu thì công nhân trong các thành phố và các công xưởng càng đói khát thêm. Những con quỉ hút máu người đó đã giành được các khu đất của địa chủ, chúng tiếp tục nô dịch những người nông dân nghèo khổ.

Hãy thẳng tay với bọn kulak! Hãy giết chết chúng! [7]

Các đồng chí! Phải đàn áp cuộc bạo loạn của kulak ở năm huyện một cách không khoan nhượng. Lợi ích của cách mạng đòi hỏi phải làm như thế vì bây giờ là ‘trận cuối cùng với kulak’. Cần phải cho mọi người thấy.

Treo cổ (nhất định phải treo cổ để cho dân chúng thấy) ít nhất là 100 tên kulak, bọn nhà giầu, bọn hút máu người.

Công bố tên tuổi bọn chúng.

Tịch thu tất cả lúa mì của chúng.

Bắt con tin, như bức điện hôm qua đã nói.

Phải làm sao để cách cả trăm dặm nhân dân vẫn nhìn thấy, run sợ, biết và thét lên:

Bóp cổ bọn hút máu người, bọn kulak.

Điện cho biết đã nhận được và quá trình thực hiện.

Lenin

P/S. Phải tìm cho được những người mạnh mẽ.” [8]

Đáp lại những cuộc đàn áp chống lại nông dân, cả người giầu lẫn người nghèo, là sự sụt giảm diện tích canh tác vì nông dân không muốn “dư thừa” để khỏi bị tịch thu. Đồng thời vì ngựa đã bị đưa ra mặt trận, sức kéo giảm cũng dẫn đến năng suất giảm. Sản lượng ngũ cốc giảm từ 78,2 triệu tấn vào năm 1913 xuống còn 48,2 triệu tấn vào năm 1920.

Đầu năm 1921 tất cả những vấn đề mà chính phủ của Lenin tự khoác lên vai, vì muốn gán ghép chủ nghĩa cộng sản cho một đất nước phần nhiều là phản động - đấy là theo lời của chính ông ta, đều trở thành cực kì căng thẳng. Tháng giêng, Kronstadt, căn cứ hải quân gần Petrograd vốn là dinh luỹ của chủ nghĩa cộng sản, nổi loạn và ra lời kêu gọi nhân dân đứng lên chấm dứt chế độ độc tài cộng sản. Đồng thời ở Petrograd cũng diễn ra các cuộc bãi công phản đối nạn thiếu lương thực. Những cuộc khởi nghĩa nông dân làm rung chuyển tỉnh Tambov.

Không do dự, Lenin đã hạ lệnh đàn áp những vụ bạo loạn một cách cực kì khốc liệt, kể cả sử dụng hơi ngạt. Nhưng ông ta cũng buộc phải thú nhận rằng biện pháp quân sự không thôi thì chưa đủ. Đầu năm 1921 ông ta tuyên bố áp dụng chính sách kinh tế mới (NEP) mà điểm quan trọng nhất là bãi bỏ việc tịch thu lương thực: từ nay trở đi nông dân chỉ phải đóng thuế bằng hiện vật và được quyền bán số lương thực thừa trên thị trường tự do. Chính phủ cũng cho phép buôn bán và sản xuất hàng tiêu dùng một cách hạn chế. Nhưng chính phủ vẫn giữ kiềm kiểm soát cái mà họ gọi là “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh, mà cụ thể là công nghiệp nặng, ngoại thương, ngân hàng, phương tiện giao thông và liên lạc.

Nhưng đã quá muộn, những nhượng bộ đó không đủ sức ngăn chặn nạn đói, chưa một nước châu Âu nào từng trải qua một nạn đói khủng khiếp đến như thế. Do hạn hán, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 5,2 triệu nạn nhân và hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều nếu tổ chức ARA, một tổ chức của Hoa Kì do Herbert Hoover, tổng thống tương lai của Hoa Kì, không kịp thời giúp đỡ. Tổ chức này đã cung cấp lương thực cho 25 triệu người.

Công việc khôi phục trong giai đoạn NEP diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Năm 1928 sản lượng ngũ cốc đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1913.

Nhiều người ở Nga cũng như bên ngoài nước này cho rằng NEP chính là sự từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Người ta đã bắt đầu nói đến “Termidor Nga”, ám chỉ những sự kiện diễn ra vào năm 1794, dẫn đến sự sụp đổ và hành hình những người Jacobin ở Pháp. Nhưng sự so sánh ở đây hoá ra khập khiễng: Thứ nhất, những người Jacobin Nga nắm chắc quyền lực; thứ hai, họ coi những nhượng bộ đó chỉ là một cú giải lao tạm thời. Các sự kiện đã diễn ra đúng như thế.

Bolshevik cướp được chính quyền vì thời thế đã tạo cho họ cơ hội. Họ không có ý định thu mình trong biên giới quốc gia, họ tin rằng nếu không xuất khẩu được cách mạng sang các nước đã công nghiệp hoá thì họ sẽ không thể trụ được trước những cuộc tấn công khi lực lượng tư bản quốc tế liên hiệp lại. Lenin đã nói một cách công khai: “Chúng ta luôn biết rằng trong một nước thì không thể thực hiện được sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa [9] ”. Trong diễn văn đọc vào năm 1920, ông ta đã nói đến khía cạnh quốc tế của cách mạng Nga một cách không úp mở như sau:

“(Tháng 11 năm 1917) chúng ta đã biết rằng chiến thắng của chúng ta sẽ vững chắc khi, và chỉ khi sự nghiệp của chúng ta giành được thắng lợi trên toàn thế giới [10]

Cho nên về mặt đối nội, bên trong biên giới, cộng sản là một nhà nước cực kì bảo thủ, không chấp nhận bất kì sáng kiến nào từ bên dưới, nhưng ở nước ngoài và chỉ ở nước ngoài, thì họ lại thi hành chính sách cấp tiến, kích động chính cái khối quần chúng mà ở trong nước họ đã cố tình bịt miệng.

Mưu toan xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản sang các nước bại trận ở Trung Âu được bắt đầu ngay vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới I. Tháng 1 năm 1919, Moskva tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Đức, nhưng đã bị đè bẹp ngay sau đó. Ở Hung, cộng sản đã giành được kết quả khả quan hơn, chính quyền cộng sản đứng vững được nửa năm năm 1919 vì Nga hứa sẽ bảo vệ nếu quân đội Rumania can thiệp. Chính quyền tay sai bù nhìn đã sụp đổ sau khi Nga không thực hiện lời hứa. Các mưu toan tương tự cũng được thực hiện ở các nước khác, thí dụ như ở Wien, nhưng ở đây họ đã bị bóp chết ngay từ trong trứng nước.

Sự kiện đáng thất vọng hơn cả trong việc xuất khẩu cách mạng diễn ra vào năm 1920. Tháng 4 năm đó, nhằm ngăn chặn sự phục hồi đế chế Nga và nhằm tách Ukraine ra khỏi Liên Xô, Ba Lan liên kết với những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Ukraine tấn công nước này. Nhưng dân Ukraine đã không nổi dậy như Ba Lan hi vọng và họ đã phải mau chóng rút lui.

Khi Hồng quân tiến đến biên giới Ba Lan, Bộ Chính trị phải quyết định: dừng lại hay tiếp tục tiến sang phía Tây. Lenin kiên quyết đòi phải tiếp tục tấn công và cũng như mọi khi, ông ta đã thuyết phục được những người phản đối. Ông ta tin rằng tình hình ở Đức và Anh đã chín muồi, cuộc thâm nhập của lực lượng vũ trang cộng sản sẽ khơi mào cho cách mạng bùng nổ. Mùa hè năm 1920 Hồng quân, có các chính uỷ người gốc Ba Lan đi theo, đặt chân lên đất Ba Lan. Hồng quân kêu gọi công nhân và nông dân Ba Lan đứng lên giành lấy tài sản của tư sản và địa chủ, ở Nga những khẩu hiệu này tỏ ra rất có hiệu quả. Nhưng ở Ba Lan tất cả các giai cấp đều đứng lên bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được. Trong trận đánh dưới chân thành Warsava, một trong những trận đánh quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại, người Ba Lan đã đập tan và đẩy lùi được Hồng quân.

Lenin không thể che giấu thất vọng. “Người Ba Lan coi Hồng quân là kẻ thù chứ không phải những người anh em, những người giải phóng họ”, ông ta cay đắng nói.

Trong tình cảm, suy nghĩ và hành động, họ đã chứng tỏ là những tên đế quốc, những kẻ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa chứ không phải là những người cách mạng, những người xã hội chủ nghĩa. Cách mạng đã không diễn ra ở Ba Lan, như chúng ta từng hi vọng. Công nhân và nông dân đã bảo vệ kẻ thù giai cấp của mình, họ buộc những người lính Hồng quân dũng cảm của chúng ta phải chịu đói khát, họ đã phục kích và đánh đến chết các chiến sĩ của chúng ta [11] ”.

Kết luận được ông ta rút ra là: không bao giờ được sử dụng Hồng quân như là biện pháp xuất khẩu cách mạng nữa. Thay vào đó, cần phải tìm mọi cách giúp đỡ những người cộng sản tại mỗi nước, kể cả giúp đỡ về mặt tài chính.

Và đây là bài học thứ hai của ông ta: muốn xuất khẩu cách mạng ra bên ngoài biên giới Nga thì tốt nhất là phát động một cuộc chiến tranh thế giới mới. Trong cuộc chiến tranh này, nước Nga Xôviết phải giữ vai trò trung lập và chỉ tham gia khi hai bên đã cùng kiệt sức. Từ năm 1921 Moskva bí mật hợp tác quân sự với Đức chính là nhằm mục đích như thế.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Naum Jasny, The Socialized Agriculture of ‘the USSR’ (Stanford, 1949, p. 145-146)
[2]Richard Pipes, A Concise History of the Russian Revolution (New York, 1995)
[3]V. I. Lenin, Toàn tập, tập 41, trang 383
[4]Richard Pipes, Cách mạng Nga, tập 2, (Moskva 1994), trang 381-382
[5]L. N. Kristman, Giai đoạn anh hùng của cuộc cách mạng Nga vĩ đại (Moskva, 1926), trang 166
[6]Issac Steinberg, In the Workshop of the Revolution (London, 1995) p. 145
[7]V. I. Lenin, Toàn tập, tập 37, trang 39-41
[8]V. I. Lenin, Những tài liệu chưa được biết đến: 1891-1922 (Moskva, 1999), trang 246
[9]A. G. Latyshev, Lenin được giải mật (Moskva, 1996), trang 40. Bài này không được đưa vào Toàn tập của Lenin.
[10]V. I. Lenin, Toàn tập, tập 42, trang 1
[11]Clara Zetkin, Reminiscences of Lenin (London 1929)
Nguồn: dịch từ