trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
9.6.2007
Nguyễn Hữu Vinh
Mò mẫm làng báo chí
 
“... Nếu bắt tôi phải quyết định chọn giữa một chính phủ không có báo chí hay báo chí mà không có chính phủ, thì tôi sẽ không do dự lấy một phút khi quyết định lựa chọn điều thứ hai,” [1] tổng thống đời thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Thomas Jefferson đề cao vai trò truyền thông bằng một kiểu ví von rất “Mẽo” như vậy cách đây 220 năm. Và 50 năm sau đó, một tờ báo đã dám miệt thị tổng thống, rằng “… ngôn ngữ của Jackson là thứ ngôn ngữ của kẻ chuyên chế... Tham vọng là tội ác của ông, và ông sẽ bị trừng phạt vì nó... sớm muộn ông sẽ phải trả lại những gì ông đã kiếm chác được...” [2] Vào thời đó, ở xứ Đại Việt - Việt Nam, những khái niệm “chính phủ”, “báo chí” chưa hề xuất hiện.

Cho đến hôm nay, cách nhìn báo chí của nước Mỹ vẫn không thay đổi nhiều. Nhưng ở Việt Nam, kể từ tờ Gia Ðịnh báo ra đời cách đây ngót gần thế kỷ rưỡi, đã có những biến đổi kỳ diệu, dù mới thiên về hình thức. Duy có điều, ở Việt Nam hiện nay, báo chí và chính phủ tuy hai mà một. Nhưng không thể vì không có báo chí tư nhân mà có thể để làng báo bao năm nay tiếp tục mang cái vẻ “bình chân như vại”, nửa như những cơ quan công quyền, nửa giống mậu dịch bán hàng thời bao cấp. Theo lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc “không được tư nhân hoá báo chí” là “phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước ta”. [3] Ðiều này có nghĩa ta cũng cần dự liệu sớm thời điểm khi “điều kiện” cho phép, để khỏi lâm vào cảnh “nước đến chân mới nhảy”.

Trên cả nước, có khoảng 600 tờ báo, tạp chí, 60 đài phát thanh truyền hình, cùng 12000 nhà báo. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của một số báo điện tử, báo ảnh, nhiều kênh truyền hình cùng những sô giải trí, clip quảng cáo. Mặc dù chuyện tham nhũng, tội phạm, oan trái của người dân… được đưa thoải mái hơn, nhưng những yêu cầu đổi mới căn bản về chất dường như vẫn chập chờn lúc tiến, lúc lùi. Báo chí nói tới những trì trệ, tiêu cực của mọi ngành, địa phương, nhưng có mấy khi làng báo tự kiểm, tự nói về mình?

Trong bài viết ngắn này, tôi thử mày mò thâm nhập để khơi gợi chút gì, hòng giúp những người đang nắm cái vũ khí được mệnh danh là “quyền lực thứ tư” này có ít phút nhìn lại mình.


1. Mạnh
  • Ðóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Thậm chí, trong mắt người dân, báo chí dường như chiếm vị trí chính yếu trên mặt trận này.

  • Quần chúng đặt tin tưởng vào báo chí hơn những năm trước rất nhiều trong việc bảo vệ quyền lợi cho họ.

  • Thông tin nhanh chóng, đa dạng. Nhờ tốc độ phát triển của công nghệ tin học, đặc biệt là internet, mà việc tiếp nhận, trao đổi, phản hồi giữa các báo, với bên ngoài và với độc giả vô cùng thuận lợi.

  • Nhờ nền kinh tế thị trường phát triển, tận dụng được quảng cáo để tăng nguồn thu, và nhờ vậy, tạo được diện mạo sống động hơn (đặc biệt phía Nam).

  • Phát triển khá nhanh về giải trí (chủ yếu ở báo hình).

  • Chính phủ đã phải dựa vào báo chí rất nhiều để nắm bắt những hiện tượng “không ổn” ở các ngành, địa phương, trong những văn bản pháp luật.

2. Yếu
  • Luật Báo chí [4] :

    • Vẫn còn coi nhẹ tiếng nói của nhân dân. Ví dụ trong Điều 1, câu “là diễn đàn của nhân dân” được đặt cuối cùng, sau “cơ quan ngôn luận của các tổ chức... cơ quan...”; Điều 6: “... làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân” cũng được đặt sau, thứ yếu so với nhiều nhiệm vụ, quyền hạn khác.

    • Chưa có biện pháp chế tài cụ thể về nhiều hành vi vi phạm, từ quyền tự do báo chí của công dân… cho đến việc bảo vệ nhà báo. Ví dụ, trong Điều 5, khoản 2 có ghi rõ: “Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nói rõ lý do”. Nhưng trên thực tế thì điều khoản này thường bị vi phạm.

    • Nhiệm vụ, quyền hạn mới chỉ là “thông tin”, “tuyên truyền”, “phản ánh”, “phát hiện” chứ không thấy có “phản biện”. Ðặc biệt, với những vấn đề như “đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật” thì chỉ là “tuyên truyền, phổ biến”, trong khi, lẽ ra, phản biện phải là một thế mạnh của báo chí, đáp ứng nhu cầu vô cùng quan trọng cho xã hội đang trong bước chập chững thay đổi mô hình kinh tế, hội nhập với thế giới. Trong Luật sửa đổi 1999 có bổ sung thì cũng vẫn rất “yếu”. Theo luật này, báo chí chỉ nhằm “góp phần xây dựng và bảo vệ”, chứ không có truyền đạt đòi hỏi (mệnh lệnh thông qua Quốc hội, trưng cầu dân ý) của nhân dân, nhân sĩ trí thức, dư luận quốc tế để sửa đổi, hoàn thiện, huỷ bỏ. Hơn nữa, trong phần sửa đổi về nhiệm vụ, quyền hạn, trong luật 1999, sau câu “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới”, lại có thêm đoạn “phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân”. Vì “phù hợp với lợi ích” ở đây là bất định tính, dễ bị diễn giải tuỳ tiện để kết án việc “thông tin trung thực”, phần sửa đổi khó hiểu này đã “bó” người làm báo, nhất là trong nhiệm vụ chống tiêu cực đang vô cùng quan trọng mà nguy nan hiện nay.

    Ngoài ra, còn rất nhiều chi tiết (quá chung chung, mơ hồ, bất hợp lý) đáng nói, cần sửa một cách căn bản, thậm chí cần có một luật Báo chí hoàn toàn mới, nhưng trong phạm vi một bài báo không thể nêu hết.
  • Xuất phát từ việc ngay những văn bản pháp luật còn coi nhẹ vai trò quần chúng trong mối tương tác với báo chí, vai trò thẩm định, phản biện của giới trí thức, học giả với đường lối chính sách, nên trên thực tế, nhiệm vụ minh hoạ, tuyên truyền... “từ trên xuống” của nhà nước vẫn được đặt nặng, và coi nhẹ việc phản ánh nhiều chiều của dân chúng “từ dưới lên” (không khác mấy cái thời “đêm trước đổi mới”), trong khi lẽ ra việc sau phải quan trọng hơn. Ðiều này thực chất trái với chủ trương, đường lối “lấy dân làm gốc” của đảng. Hậu quả thấy rõ là xa rời dân, không đặt quyền lợi của dân lên trên hết, sai lầm trong đường lối, chủ chương, chính sách, pháp luật v.v…

  • Cơ chế:

    • Cơ quan quản lý nhiều tầng nấc chồng chéo, thiếu kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành, mà luật lại chưa hoàn thiện, nên dễ nảy sinh những cản trở. Chẳng hạn, do phải lệ thuộc nhiều vào cơ quan chủ quản, đặc biệt về tổ chức và chuyên môn, nên dễ bị ảnh hưởng tới tính khách quan, và gặp khó khăn trong phát triển. Hơn nữa, báo chí hay phải làm công cụ tô hồng danh tiếng, bao che sai trái yếu kém cho ngành, địa phương, thậm chí cả cá nhân lãnh đạo.

    • Địa vị độc quyền thông tin làm nảy sinh thói ù lì chủ quan, không đổi mới, cải cách hành chính mạnh mẽ.

    • Còn bị nhiều hạn chế không đáng có về quảng cáo, kinh doanh, thu chi tài chính, mức lương, nhuận bút, công tác phí vừa thấp, lại cứng nhắc, không khuyến khích được năng lực, nỗ lực cá nhân cũng như chất lượng tin, bài. Ðiều này dễ khiến nảy sinh những tiêu cực ngay trong đội ngũ nhà báo. Ðã thế, lại thêm những tốn kém dàn trải vì mỗi ngành, địa phương đều phải có báo riêng (được bao cấp, và vì vậy hiệu quả rất thấp). Sắp tới, báo chí sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như chi phí bản quyền, áp lực giá cả, cạnh tranh, cắt giảm biên chế, ngân sách, người đọc có nhiều chọn lựa và đòi hỏi cao hơn v.v… trong khi ta hoàn toàn chưa có một chiến lược cho mô hình tổ chức, hoạt động thích ứng với một nền kinh tế thị trường, ngoài dự định to tát mà “rỗng” là thành lập những “tập đoàn báo chí”.

Tóm lại, hầu như báo chí vẫn đang phải tự “bơi” trong hoàn cảnh ngày càng khắc nghiệt.
  • Phong cách:

    • Đa số báo vẫn theo lối mòn cũ kỹ, hoặc nặng tính tuyên truyền áp đặt, xơ cứng, khô khan, hoặc hàn lâm, mà ít quan tâm tới tính hiện đại, tính thẩm mỹ, từ hình thức (logo, slogan, dàn trang, phối màu, ảnh, quảng cáo, hình ảnh truyền hình...) cho tới cách đưa tin, bình luận bằng lối văn mô phạm, sáo rỗng, khoa trương, ồn ào, thậm chí uốn éo giả dối (việc phóng sự, phỏng vấn bị sắp đặt, dàn cảnh đẹp mắt mà cứng nhắc, học thuộc trước câu trả lời... rất phổ biến), thiếu hẳn chất nhẹ nhàng mộc mạc, bình dân, hài hước nhưng tinh tế để gần với đại đa số quần chúng độc giả, trong khi thị hiếu đọc, nhu cầu giải trí, kiến thức tổng quát của họ đã có những thay đổi ghê gớm chỉ trong khoảng mươi năm qua, điển hình là đọc, nghe, xem trực tuyến.

    • Bị nhiều vấn đề được coi là “nhạy cảm”, “vùng cấm”, “huý kỵ” chi phối (liệu đây có phải là “tàn dư phong kiến”?), tạo áp lực vô hình nằm ngoài quy định của luật pháp mà không dám mạnh dạn thay đổi (ví dụ chuyện đưa tin các vị lãnh đạo phải nhiều, phải là trang nhất, đầu giờ thời sự).

  • Ý thức “tự kiểm duyệt” vẫn đè nặng tầng tầng lớp lớp từ khâu viết tới khâu biên tập và duyệt. Người viết luôn phải rón rén “nhìn trước ngó sau”, nặn bóp câu chữ, rào đón ý tưởng, vừa làm vừa sợ. Món ăn tinh thần tới người đọc, do đó, chẳng còn thơm ngon hương vị tự nhiên nữa. Điều này một phần do “quán tính”, phần vì những lối suy diễn văn bản luật không thống nhất, tuỳ tiện và lối quản lý chồng chéo không rõ ràng. Kết quả là chất lượng bài vở, điều kiện vận hành tờ báo, kể cả cảm hứng sáng tạo v.v… đều bị ảnh hưởng.

  • Chưa tận dụng ưu thế của công nghệ hiện đại và lối làm việc khoa học: từ việc thiết kế, dàn trang, chế bản, biên tập, thu thanh, dựng hình, thu thập thông tin, lưu trữ, truy xuất dữ liệu, đến cách vận hành, quan hệ nội bộ, bên ngoài... Vì vậy, việc tổ chức, hình thức, nội dung tin, bài của nhiều báo, đài còn rất nghèo nàn, thô mộc, ngô nghê, luộm thuộm, tạm bợ, chắp vá, chưa thay đổi mấy so với hàng chục năm trước.

  • Ít chịu học hỏi quốc tế. Nếu so sánh một tờ báo, một kênh truyền hình của ta với nước ngoài là quá rõ. Trong khi đó, ta chỉ cần “bắt chước” họ qua kênh truyền hình, mạng internet là cũng được khá nhiều, chưa nói đến việc bỏ tiền sang tận nơi học. Đơn cử: chỉ xem những Talk Show trên CCTV9 của Trung Quốc cũng đủ thấy “thèm”, chưa kể đến “Larry King Live” trên CNN.

  • Vai trò của hội ngành nghề rất mờ nhạt:

    • Chưa hề thấy một vụ nào do hội đứng ra bênh vực hay giúp khởi kiện để bảo vệ những nhà báo, toà báo bị cản trở tác nghiệp.

    • Báo của hội yếu, cả về lượng lẫn chất. Trong khi đó, trên mạng lại có hẳn một trang báo vô vụ lợi của cá nhân chuyên trao đổi về nghề báo. Thiết nghĩ, đây là điều hội cần tự vấn.

    • Hội chỉ vừa như thứ “trang sức”, vừa là sân sau, “bãi hạ cánh” của các cơ quan quản lý.

Khi được hỏi về những thách thức trước thực tế là những trang báo điện tử ở nước ngoài, nhiều lợi thế hơn hẳn trong nước, nhưng lại có những thông tin không có lợi, thậm chí chống lại nhà nước Việt Nam, đang ngày càng phát triển, trong khi đó, quản lý chặt thông tin trên báo trong nước thì dễ, nhưng trên trang web ở nước ngoài thì không thể, nên rõ ràng là biện pháp quản thông tin đang trở nên ít tác dụng, thứ trưởng bộ Văn hoá - Thông tin Đỗ Quý Doãn nói: “... điều quan trọng nhất chính là chúng ta giáo dục ý thức và thẩm mỹ của con người. Để chính mỗi con người có thể lựa chọn đúng nhất việc làm của họ.” Ông còn nói, “Ta không thể ngăn chặn mà ta phải đưa ra quan điểm của ta có tính thuyết phục cao...” Rồi ông gợi ý, “... phương thức cung cấp thông tin của nhiều trang web, tờ báo hay những hãng thông tấn nước ngoài là rất giỏi... Chính vì thế mà chúng ta chủ trương cải tiến cách đưa tin, giảm bớt những thông tin lễ tân”. [5] Ðây là một cách nhìn nhận khá khoáng đạt, mạnh dạn, ít nhiều góp phần khích lệ các nhà báo, cũng là lời tự nhắc nhở nhau của những nhà quản lý cần tránh sử dụng biện pháp cứng nhắc, dễ thành phản tác dụng, hạn chế vai trò của truyền thông.

Nhưng đã 3 năm trôi qua, có vẻ như những ý kiến cởi mở đó vẫn chưa được thể hiện mấy trên thực tế. Chúng ta cần những đồng thuận cao hơn, rộng rãi hơn nữa.

© 2007 talawas


[1]Xem Deborah Potter, Hướng dẫn nghề làm báo độc lập, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin 2006, trang 12.
[2]Xem Tocqueville, Nền Dân trị Mỹ, Nhà xuất bản Tri thức 2007, Quyển 1, trang 365.
[3]Xem “Giao lưu trực tuyến của Thủ tướng với nhân dân”, báo Tuổi Trẻ ngày 9-2-2007.
[4]Luật Báo chí 1989, và (sửa đổi bổ sung) 1999.
[5]Báo Văn nghệ số 23, ngày 5-6-2004. Phần chữ in đậm là do người viết muốn nhấn mạnh.