trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
5.4.2007
Đào Vũ
Tính cách vô lại và bộ mặt chính trị nhơ nhớp của Phan Khôi ngày nay
 
Câu chuyện lai lịch một biệt hiệu

Nhân dân Quảng Nam quen gọi Phan Khôi là “con cóc già”. Dĩ nhiên không phải vì Phan Khôi đi bằng bốn chân như con cóc, (rõ ràng Phan Khôi vẫn còn đi hai chân) mà là chính vì cả cuộc đời nhơ nhớp của Phan Khôi.

Chả biết có thật hay không, nhưng bà con Quảng Nam vẫn thường tin rằng “con cóc già” có thể cắn chết người, nó là một giống vật nguy hiểm. Đối với nhân dân Quảng Nam, nhất là đối với nhân dân miền xung quanh Bảo An, Phan Khôi trước đây cũng là một người rất nguy hiểm. Bởi vậy người ta đã tặng cho Phan Khôi biệt hiệu ấy tự bao giờ không biết.

Phan Khôi con quan, cháu quan chính tông dòng dõi nhà quan như Phan Khôi đã tự báo trong truyện “Ông Năm chuột”. Có điều Phan Khôi chưa tự báo là Phan Khôi còn đã là một đại địa chủ chiếm đoạt bao nhiêu mẫu nương dâu. Một đồng chí cùng quê với Phan Khôi [1] kể lại cho biết rằng:

Con sông Thu Bồn cứ lở bên Cu Nhí, Bắc Nhị, Bình Lam, Kỳ Lam, bồi một mình bên Bảo An, làng của Phan Khôi. Bãi bồi ấy có đến hàng trăm mẫu. Đất tốt vô cùng. Trồng dâu chăn tằm phải bắc thang hái lá, trồng ngô lừa cả đàn trâu vào tìm không không thấy. Nhưng nhân dân cả vùng vẫn rất đói khổ. Vì bờ bãi phì nhiêu những nhà như Phan Khôi đã chiếm cả, nhất là Phan Khôi. Bồi đến đâu, Phan Khôi có tiền, có thể chống ba-toong về chỏ tay cắm đến đấy. Chỉ nhà Phan Khôi mới có được bao nhiêu xe trâu kéo nước, mới bắc được kè đặt guồng gió lấy nước tưới dâu. Nhà Phan Khôi cửa cao sân rộng nhất làng Bảo An, là một cơ sở chăn tằm rất lớn. Bà con địa phương thường đồn rằng nhà Phan Khôi nuôi tằm thu bạc thước. Sự thật có đúng như lời đồn ấy không, không chắc chắn; nhưng có điều chắc chắn ai cũng biết, đó là chuyện Phan Khôi làm báo lấy tiền về tậu ruộng, đó là chuyện Phan Khôi có lấy thế Tây về làng đàn áp, bóc lột nhân dân xung quanh làng Bảo An. Và nhân dân địa phương đối với Phan Khôi đã có một mối thù không đội trời chung. (Chẳng tin Phan Khôi cứ thử về quê hương mà xem!)

Đồng chí cùng quê với Phan Khôi ôn lại chuyện nhân dân địa phương căm thù định đến tàn phá nhà Phan Khôi từ phong trào bình dân, cho biết, ý định ấy đến mãi sau cách mạng mới thực hiện được: những nương dâu phì nhiêu kia của Phan Khôi bà con nông dân đã giành lấy về tay chia nhau trồng trọt, tre nhà Phan Khôi vì căm thù, bà con đốn không còn một gốc, nhà của Phan Khôi, bà con đập lấy gạch về xây bao nhiêu hầm khắp làng để che chở cho dân làng kháng chiến trường kỳ. - Giữa Phan Khôi và nông dân địa phương, từ bao lâu đã diễn ra một cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt.


Những danh từ mỹ miều nhưng lừa bịp

Không biết tại làm sao Phan Khôi có thể làm cho một số người mắc lừa tin rằng y “tiết tháo”, “trung thực”, “khảng khái”… Đó là những danh từ rất đẹp trong tiếng mẹ đẻ của chúng ta, nhưng đối với Phan Khôi, đó là những danh từ hoàn toàn lừa bịp.

Tính cách thật của Phan Khôi chỉ có thể nói rằng rất bẩn thỉu.

Đại khái như Phan Khôi bấy nay không ưa gì Đảng của chúng ta. Vốn là một người hay xỏ xiên vặt, y gọi Đảng ta là “cái Đảng” thế này thế khác. Có người vặn lại: sao lại gọi là “cái Đảng”, tiếng “cái” ấy có cần thiết gì đâu? Phan Khôi sẽ thủng thẳng trả lời: tiếng “cái” ấy cũng như “le, la, les” của tiếng Pháp mà thôi.

Hoặc Phan Khôi chê báo Nhân dân là dốt. Hỏi tại sao thì y đáp: Mao Trạch Đông báo Nhân dân vẫn in một chữ trạch không viết hoa, thế là dốt. Tôi tự nhiên nhớ lại một hình ảnh đồng chí nhà văn Liên Xô có dùng trong buổi nói chuyện hôm trước: Hình ảnh một người đứng trước một tòa lâu đài, nhìn thấy trên tường một lỗ đinh, người đó cứ nhìn sâu mãi vào lỗ đinh kia mà kêu la lên đây là một sự hoang tàn ghê gớm. Cái kiểu của Phan Khôi cũng là như vậy.

Cái mà có người bị mắc lừa cho là tính thẳng của Phan Khôi đại khái là những biểu hiện như thế này:

Anh đi qua phòng y mà sơ ý không đóng chặt cửa, y sẽ có gan gọi lại bắt anh đóng chặt lại giả y. Nếu chẳng may anh gặp y mà hỏi: bác xơi cơm chưa. Y sẽ trả lời: để nhường ông xơi, tôi ăn rồi, – để tỏ ý phản đối tiếng “xơi”. Hoặc chẳng may hơn nữa anh đang ăn cơm, thấy y đi qua mà chào bằng câu: mời bác xơi cơm. Y sẽ bảo đó là “xỏ lá kiểu Bắc kỳ”. Y không thể quan niệm được đó là một lời chào mời, đó là một biểu hiện tỏ tình tỏ nghĩa trong tập tục của đồng bào miền Bắc.

Anh mời Phan Khôi ăn cơm, nếu không vừa ý, y có thể chửi vỗ mặt. Thời kháng chiến, ở nhà sàn với đồng bào thiểu số, y có thể đái ra nhà người ta; y có thể cứ nằm ườn ra giữa nhà, mặc mọi người xunh quanh qua lại làm việc tấp nập; nhường cho y gian nhà tốt, kín đáo (mà thường ngày đồng bào thiểu số vẫn giành cho phụ nữ trong nhà) thì y sẽ chửi tại sao lại để cho y nằm chỗ phụ nữ?

Những chuyện như thế rất nhiều. Nếu coi những chuyện ấy là “khảng khái” thì quả là Phan Khôi “khảng khái” lắm vậy.

Cũng có thể nói Phan Khôi có tính bướng, cãi với ai thì không muốn nghe người ta, chỉ muốn nói lấy một mình. Hoặc trái lại như có đồng chí đã từng nhận xét rất đúng: khi nào mình cãi thì y làm thinh, khi mình làm thinh thì y nói rất bậy. Cái thứ bướng ấy chẳng qua như tính cách một con chuột già chui vào một cái sừng trâu, chui càng vào đầu nhọn vừa đặc vừa tối, người ta bảo cho chuột hay rằng: “Chuột chui nhầm hướng rồi.” Nhưng con chuột ấy gân cổ lên mà cãi lại: “Tôi mà lại có thể nhầm được ư?” Cái thứ bướng ấy của Phan Khôi chỉ tiếc rằng không phải là bướng để chống với phong kiến, đế quốc (sự thật lại hoàn toàn trái lại, tôi sẽ nói ở dưới), mà quay trở lại bướng vặt với ý thức chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân.

Phan Khôi thường hay đọc mấy câu này:

Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.

Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, Phan Khôi phải chăng là hạng người thứ nhì mà người ta phải sợ đó vậy?

Không kể bọn Nhân văn và bọn Ngô Đình Diệm đã phong cho Phan Khôi là “dũng cảm”, là “anh hùng của ba trăm nô lệ” ấy thì y chỉ còn biết lấy một việc sau đây để chứng minh. Đó là, trải qua cả một giai đoạn “cách mạng” lớn lao của đời Phan Khôi, y đã dám “dũng cảm” gọi một anh thợ bạc giỏi nghề xoay xở, đánh tráo là “Ông Năm chuột”.

Phan Khôi còn là người giở mặt như giở bàn tay. Đồng chí Thế Lữ có kể một câu chuyện rằng: Trên một đoạn đường cùng đi Phú thọ, Phan Khôi toàn một giọng nói xấu, đặc biệt là nói xấu thậm tệ ông N.K., một người đã giúp cho Phan Khôi rất nhiều để xuất bản sách. Chính đang khi nói thì lại gặp đúng ngay ông N.K. Phan Khôi lập tức có thể quên ngay được những điều mình vừa nói và lập tức ngửa tay xin tiền tiêu. Ông N.K. móc túi cho tiền. Phan Khôi xòe cả năm ngón tay ra lấy tiền, miệng nói không ngớt “mét-xì, mét-xì”. [2]

Một chuyện khác với đồng chí Hoài Thanh cũng chứng tỏ tính cách ấy của Phan Khôi.

Ngày 2-11-1955, Phan Khôi có tặng đồng chí Hoài Thanh một cuốn sách dịch với lời đề tặng đầy tình nghĩa: “Tặng hai bác Hoài Thanh, Phan Thị Nga, nhắc lại cái tình bạn hai mươi năm nay, nhất là cùng cam khổ trong thời kỳ kháng chiến.” Nhưng chỉ ngay sau đó ít lâu, trong lớp học mười tám ngày của văn nghệ, Phan Khôi đã có thể vu cáo đồng chí Hoài Thanh thậm tệ.

Lớp học qua rồi, đồng chí Hoài Thanh đến tận phòng riêng của y ôn tồn hỏi xem y có ý kiến gì đối với mình xin cứ nói, đôi bên trao đổi với nhau tìm ra lẽ phải. Phan Khôi bỗng trở nên rất hồn hậu vồn vã nói với đồng chí Hoài Thanh:

“Không, không, tôi với bác biết nhau từ lâu, tôi nói là nói người khác kia, chứ tôi với bác, tôi bao giờ cũng kính trọng bác.”

Nhưng chỉ ngay sau đó ít ngày, trong buổi đồng chí Tố Hữu tới gặp riêng Phan Khôi thì Phan Khôi lại nói với đồng chí Tố Hữu: Thế nào cũng phải hạ Hoài Thanh, Xuân Diệu xuống, không thể để được.

Người xấu khác có thể căn cứ vào một chút sự thật để vu cáo. Phan Khôi vu cáo không cần cả một chút sự thật ấy nữa. Người xấu khác có thể căn cứ vào một chút lập lờ giữa trắng và đen để đổi trắng thay đen, Phan Khôi không cần cả một chút lập lờ ấy để đổi trắng thay đen, để giở mặt như con bài tây.

Bằng giấy trắng mực đen, gần đây trong tập Giai phẩm mùa Thu, với bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, Phan Khôi đã một lần nữa phơi bày tính cách rất bẩn thỉu ấy của mình.

Trong bài đó, Phan Khôi đã dựng đứng hay xuyên tạc rất nhiều, nhưng cũng chính ngay trong bài đó, y có thể lôm la lên rằng: “Tôi nói ra đây tưởng không có ai ác đến nỗi bảo tôi là dựng đứng hay xuyên tạc như bên địch.” (trang 6).

Hoặc cũng trong bài đó, theo Phan Khôi, để đáp lại câu của ông Nguyễn Tuân hỏi: “Nói như thế để viser (ám chỉ) ai?” Phan Khôi nghĩ: “Tôi lấy làm lạ, tôi sao lại có tâm địa xỏ lá đến nỗi mỗi khi nói phải có ám chỉ ai mới được.” (trang 7). Sự thật Phan Khôi có tâm địa xỏ lá hay không, Phan Khôi có hay ví von để xỏ xiên hay không? Chỉ nội trong bài ấy thôi của Phan Khôi, chúng ta cũng đã thấy y đã ví sự lãnh đạo của chế độ dân chủ cộng hòa như quan trường thủa Thiệu Trị Tự Đức (trang 8); đã ví thời đại này với thời đại Gia Long (trang 12); y đã ví bác Tú Mỡ như ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng ở một sân rồng nọ (trang 11); y đã ví đồng chí Nguyễn Đình Thi với Bạch Thái Bưởi (trang 12); y đã ví đồng chí Hoài Thanh với Phạm Quỳnh (trang 16) v.v…

Thật là trắng trợn và cũng thật là mỉa mai!

Nhưng Phan Khôi còn có thể trắng trợn hơn nữa trong những lời bỉ ổi của y để nói về cái gọi là “vụ giải thưởng văn học 1954-55” (những trang 13, 14, 15, 16 trong Giai phẩm mùa Thu).

Sau khi công bố giải thưởng, có một số người thắc mắc về giải thưởng của hai tập thơ Ngôi sao (giải nhì) và Người chiến sĩ (giải ba), cho là cao quá. Phan Khôi mặc dù trong Ban chấm giải, nhưng muốn nhân dịp này đả kích vào giải thưởng văn học của ta, đồng thời tự đề cao mình là sáng suốt hơn người khác, y đã bất chấp sự thật, viết trên Giai phẩm: “Hôm bình định về thơ, tôi phản đối tập Ngôi sao đứng giải nhì”… “Phải biểu quyết (về tập Ngôi sao) thì tôi đứng về thiểu số, mà nhớ hình như thiểu số tuyệt đối.” …. “Ngày 20-8-1956, thình lình có cuộc họp Ban chấm giải, tôi phát hiện thêm ra một sự gian lận: Bao nhiêu lời phản đối của tôi về tập Ngôi sao đều bị bỏ hết, không ghi vào biên bản.

Nhưng sự thật là như thế nào? – Sự thật là chính Phan Khôi cũng đã bỏ phiếu tán thành Ngôi sao giải nhì. Bạn Yến Lan, thư ký của Ban chấm giải đã viết rất rõ trong bài “Một vài sự thật chung quanh “vụ giải thưởng văn học 1954-55” (đăng báo Văn nghệ số 139 ngày 20-9-56). “Biểu quyết cuối cùng là ông Phan Khôi đã đồng ý Ngôi sao ở giải nhì” (Yến Lan).

Còn về việc biên bản gian lận, sự thật là một sự vu cáo đê tiện. Chính một số ý kiến không tán thành của Phan Khôi về Ngôi sao, biên bản có ghi rõ ràng: những nào Ngôi sao của Xuân Diệu phần trước kém…; nhiều câu đọc chậm hiểu…; còn ít đoạn chen vào đôi câu tầm thường… Biên bản còn ghi tiếp cả những đoạn ý kiến sau đây của Phan Khôi: “Phần thứ hai (từ 1953 về sau) thơ có thể nói là xứng đáng với cái tên của một nhà thơ nổi tiếng về trước, nguyên do là nhờ quá trình cải tạo trong chỉnh huấn.”

Bạn Yến Lan đã đăng lại toàn đoạn ý kiến ấy đầy đủ hơn trong bài nói trên, (tôi xin phép không chép lại ở đây). Trước khi viết bài này tôi cũng đã đối chiếu lại với tập hồ sơ biên bản hiện còn lưu, tôi thấy những điều bạn Yến Lan ghi lại về Phan Khôi là đúng sự thật.

Đến tập thơ Người chiến sĩ, Phan Khôi viết: “Hôm thượng tuần tháng 6, tôi nằm trong Bệnh viện C, thấy mấy anh bộ đội đọc tập thơ Người chiến sĩ của Hồ Khải Đại mà chê rằng dở quá, tôi bèn mượn xem thì thấy quả thật là dở quá. Thế mà nó được giải ba văn học. Tập thơ này, tôi ở trong Ban chung khảo chưa hề thấy mặt nó, sau cùng chỉ nhận được thông tri nói nguyên ở giải khuyến khích, nay tương lên giải ba. Ai tương lên? Thế có lạ không?

Tôi không thể tin ở sự lú lẫn của Phan Khôi.

Tôi lại xin trích một đoạn bài báo của bạn Yến Lan: “Sự thật thì như thế nào? Sự thật là trong các cuộc họp chung khảo về thơ, cụ thể những ngày 24-1-56, 28-2-56, 29-2-56, là những ngày có cuộc họp bàn chung về thơ, trong đó có cả thơ của Hồ Khải Đại, và ông Phan Khôi không hề vắng mặt. Trong một cuộc gần sau hết buổi tranh cãi về giải nhì, đến tranh cãi về giải ba, ông Hoài Thanh đã đề cử một số bài thơ của Hồ Khải Đại để bênh vực ý kiến nhận định của ông về giá trị một số bài của tập thơ này; nhiều người vỗ tay, chẳng nhớ ông Phan Khôi có vỗ tay hay không, nhưng theo tôi biết chắc chắn ông không tỏ thái độ phản đối.”… Sau một đoạn nữa kể quá trình tỷ mỉ sự định giải về tập thơ, bạn Yến Lan kết luận viết: “Như thế nghĩa là ông Phan Khôi đã có mặt vừa trong cuộc họp có ông Hoài Thanh đọc thơ Hồ Khải Đại, vừa có mặt trong buổi biểu quyết cuối cùng này.”

Đối chiếu một chút với sự thật như thế, chúng ta đã thấy rất rõ tính chất ăn không nói có của Phan Khôi. Chính y tán thành giải nhì cho Ngôi sao nhưng có thể nói ngược lại là mình phản đối, còn bịa ra là mình bị thiểu số tuyệt đối. Chính y có tham gia bàn bạc biểu quyết về thơ Hồ Khải Đại, nhưng y có thể giở mặt nói rằng mình “chưa hề thấy mặt nó ” và còn giả ngây dại “Ai tương lên? Thế có lạ không?” Chính y là kẻ gian lận xấu xa nhất, nhưng y có thể ngậm máu phun người hô hoán lên rằng “biên bản gian lận”. Không những thế y còn có gan viết thư lên cả đồng chí Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam kêu lên sự gian lận vu cáo đó. Một mặt y kiện lên tận Trung ương như vậy về sự biên bản gian lận, cũng có nghĩa là Thư ký Ban chấm thi là Yến Lan gian lận; nhưng một mặt khác là thế nào? “Ông Phan Khôi đã biểu hiện thật là thành khẩn, thân mật, khi ông tìm đến tôi trong phòng tôi làm việc, gọi riêng ra một góc, nói nhỏ rằng: “Anh cứ yên tâm, tôi không kiện anh đâu”. (Yến Lan, vẫn trong bài báo nói trên).

Nói tóm lại thực chất tính cách Phan Khôi là úp mặt vào sự thật, úp mặt vào sự thật một cách nhẫn tâm như úp mặt vào bàn đèn thuốc phiện, miễn là làm sao đạt được chút ít gì đấy có lợi cho mình về tiền tài, danh vị… Phan Khôi không những không “trung thực” không “khảng khái”… gì hết mà chính là tráo trở, xỏ xiên hơn cả mọi người tráo trở xỏ xiên khác. Phan Khôi ngày xưa độc quyền ngón làm báo đập đầu ăn vạ, ngày nay, y cũng định giở lại cái trò lỗi thời ấy. Cái thời mà Phan Khôi kiếm chác được bằng các ngón ấy đã vĩnh viễn qua rồi.


Hạ cái mũ ấy xuống

Chỉ có Ngô Đình Diệm đã phong cho Phan Khôi là “nhà cách mạng lão thành”, thật là chụp cho Phan Khôi cái mũ to quá chính y cũng phải từ chối không nhận được. Thủy chung cả cuộc đời của y, cho tới bây giờ, y chỉ có thành tích phản cách mạng, phản Tổ quốc, chống Cộng sản.

Thực vậy, từ xưa đến giờ, Phan Khôi vẫn là người chống cộng đầy nhiệt tình và thâm thúy. Ngày ở Xuân Áng y đã có lần nói trắng điều đó ra mồm.

Lùi về quá khứ, cuộc đời của Phan Khôi đã có nhiều lần chống cộng. Bạn Hồng Quảng đã có lần nhắc lại một ý kiến của Phan Khôi viết lên báo Tràng An (1935) gọi phong trào Xô viết Nghệ an vô cùng oanh liệt của lịch sử dân tộc chúng ta là“loạn Cộng sản”. Các đồng chí khoảng lứa tuổi với Phan Khôi bảo cho tôi biết rằng bài “Đống lửa rơm” y hay ngâm nga chính cũng là để ám chỉ Xô viết Nghệ an:

Ngổi rồi đốt đống lửa rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận Thiên Tào
Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?

Theo Phan Khôi, phong trào cách mạng chỉ như đống lửa rơm. Cũng theo y khói lửa ấy không thơm gì. Điều đó chứng tỏ rằng từ sớm lắm, Phan Khôi đã không cùng chỗ đứng với nhân dân quần chúng, trái lại đã đứng về phía đối địch. Tôi rất tiếc không có dưới tay báo Phụ nữ thời đàm năm 1936 để tìm đọc lại số đặc biệt chống Đệ tam quốc tế (như có bạn mách tôi) để bây giờ đây nói chuyện lại với Phan Khôi.

Cho tới rất gần đây, trong dịp sang thăm Trung Quốc dự lễ kỷ niệm Lỗ Tấn, có lần tới thăm Hội nhà văn Quảng Châu, trong bữa tiệc rượu chiêu đãi, các bạn đưa giấy cho Phan Khôi làm thơ, y đã nhìn một nữ đồng chí Trung Quốc viết một câu ý nói mong tới chủ nghĩa cộng sản để sẽ được cộng thê (?).

Tôi không nói tới khía thô tục đến bỉ ổi của lời nói ấy, mà chỉ định lấy chuyện đó chứng minh thêm con mắt thù hằn của Phan Khôi đối với chủ nghĩa Cộng sản. Đối với y, thực ra cuộc đời sa đọa nươm nhà cô đầu thuốc phiện của y trong chế độ cũ, cuộc đời y mấy thê mấy thiếp, tưởng đúng đã là nghĩa cộng thê như ý muốn rồi việc gì còn phải vu cáo cho chế độ cộng sản?

Đối với cộng sản thì như vậy, còn đối với triều đình phong kiến thì sao? Có nhẽ “nhà nho tiết tháo Phan Khôi” chống vua quan lắm chăng? Tiếc thay tôi đi hỏi nhiều người cao tuổi và tìm qua sách báo đều chỉ được biết rằng Phan Khôi có khi dám chửi quan, nhưng đều là những viên quan không ác, chửi để khiêu khích với mục đích cuối cùng là nặn túi. Duy chỉ có một lần trên báo Tràng An của Phan Khôi, Phan Khôi đã có lần chửi Tôn Thất Thuyết. Chỉ tiếc rằng thảm hại cho Phan Khôi, hành động của Tôn Thất Thuyết ngày 23 tháng năm âm lịch tức là ngày 5-7-1885 lại là hành động chống Pháp, dẫu có mặt chưa toàn vẹn, nhưng vẫn là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước.

Một việc đó cũng đủ cắt nghĩa không phải Phan Khôi chống cộng sản vì tinh thần quốc gia. Trái trở lại nếu không nói Phan Khôi liếm giầy đế quốc thì cũng phải nói cho đúng rằng y ôm chân đế quốc Pháp như đười ươi giữ ống. Chả thế mà sau Cách mạng thành công, để luôn luôn tưởng nhớ đến “mẫu quốc”, Phan Khôi còn đặt tên cho con nhỏ của mình là Phan Lang Sa (nghĩa là Pháp)! Câu nói của Phan Khôi đồng chí Hoàng Châu Ký vừa nhắc lại ở báo Nhân dân “ Dân An Nam không có nguyện vọng nào khác ngoài việc yêu cầu Chính phủ Pháp cai trị cho tốt.” Phan Khôi còn nhớ chăng? Việc Phan Khôi lớn tiếng chống phong trào đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt của giới nhà báo trước kia, lấy cớ rằng trình độ trí thức của người An Nam mình còn kém, nếu bỏ kiểm duyệt, mình viết sai Tây nó bắt thì sao, mục đích của Phan Khôi là để bảo vệ cho chế độ kiểm duyệt ấy được duy trì, chắc Phan Khôi cũng chưa quên? Tất cả những quan hệ bên trong của Phan Khôi đối với bọn trùm mật thám tây Mác-ti, Cút-xô, Xô-nhi… và các quan thày chánh sứ, đốc lý Tây v.v… thời trước như thế nào? Tôi hậu sinh không làm sao nói cho tường tận được; chỉ có lương tâm của Phan Khôi – dù cái lương tâm ấy đã mờ ám vì khói thuốc phiện đến đâu chăng nữa – mới trả lời được tường tận mà thôi.

Thủy chung trong cả cuộc đời Phan Khôi, Phan Khôi chỉ biết có hết lời ca ngợi cái kiếp vong nô của mình dưới thời Pháp thuộc, coi như một kiếp sống tự do, lý tưởng nhất của Phan Khôi:

“Tôi không quên chúc phước cho tôi vì tôi được làm một người tự do độc lập về tư tưởng ở thời đại này.”

Phan Khôi đã viết như vậy trong bài Sự lập thân của thanh niên nam nữ đời nay” (đăng trong Phụ nữ tân văn 1931), và trong một bài khác, Phan Khôi viết:

“Tôi phải lấy sự sanh ra ở đời này làm may mắn. Tôi phải đổ hết thảy bao nhiêu lạc quan của tôi ở thời đại này.”

Dưới thời thuộc Pháp, Phan Khôi ca ngợi mình cũng được tự do cũng không có gì lạ, vì thực tình Phan Khôi được tự do vu cáo cho cộng sản, được tự do làm đầy tớ cho đế quốc xâm lược, được tự do làm báo bịp bợm, được tự do lấy ba vợ, được tự do đi cô đầu và hút thuốc phiện v.v… Phan Khôi lấy sự sinh ra ở đời thời thuộc Pháp làm may mắn quả có lý lắm vậy!

Vậy thì, thôi, hãy hạ cái mũ bằng hàng mã Ngô Đình Diệm phong cho ấy, để mọi người thấy bộ mặt chính trị thật của Phan Khôi, bộ mặt nhơ nhớp của một kẻ năm lần phản quốc, một kẻ “An Nam” miệt thị dân tộc bằng đủ các danh từ xấu nhất (hèn kém, ngu dốt v.v…), bằng cả những hình ảnh xấu nhất như Phan Khôi đã từng dùng: “Đại phàm là chó thì phải ăn cứt; không ăn cứt hà vị chó? Người An Nam đều là chó, không ăn cứt hà vị người An Nam?”

Vô lại đến nước ấy thì thật không ai bằng Phan Khôi!


Một người chạy loạn

Kháng chiến bùng nổ. Phan Khôi đi theo kháng chiến. Nói cho đúng hơn, chúng ta đưa Phan Khôi đi theo kháng chiến từ đầu chí cuối. Đảng ta đến cùng vẫn là muốn quên đi cái quá khứ của Phan Khôi, vẫn là muốn cải tạo cho y trở lại sống quãng đời cuối cùng của mình cho sạch sẽ. Nhưng bây giờ ngồi bình tĩnh ôn lại, y đi theo kháng chiến chỉ làm một người khách xấu, hoặc nói cho đúng hơn theo kháng chiến, Phan Khôi chỉ là một người chạy loạn.

Tôi là người có cùng sống một cơ quan với Phan Khôi trong thời kỳ kháng chiến, tôi biết chắc chắn rằng cơ quan đối với y bao giờ cũng dành những ưu tiên lớn. Anh em có thiếu thốn đến đâu, nhưng Phan Khôi vẫn có thức ăn riêng, anh em có túi bụi đến đâu, Phan Khôi vẫn nhàn hạ. Mỗi lần di chuyển cơ quan, vấn đề di chuyển Phan Khôi đều được đặt trước trong kế hoạch. Phan Khôi đối xử với anh em giúp việc quái ác như thế nào, nhưng Phan Khôi vẫn có đồng chí cần vụ, rượu cho Phan Khôi không thiếu, cái áo ấm, cái ba-toong chu tất. Phan Khôi đau dạ dày phải cáng đi mổ; Trung ương Đảng gửi về cho những thứ thuốc quý nhất, hiếm nhất trong kháng chiến, dẫu dù thuốc men điều trị cho bao nhiêu cán bộ cao cấp, bao nhiêu người có công với cách mạng rất thiếu thốn. Tôi nhớ trong số thuốc gửi về Chiêm hóa cho Phan Khôi có hai ống thuốc máu bột, Phan Khôi chỉ dùng hết một ống, còn một ống đã dùng để cứu sống được một đồng chí cán bộ chúng ta. Đảng tổ chức cho Phan Khôi học tập, chỉ cho Phan Khôi bát nước trong mà uống, quãng đường quang mà đi.

Vậy mà Phan Khôi đã đền đáp lại sự đối xử ấy của nhân dân bằng thái độ đi kháng chiến như thế nào?

Một người khách nhiễu dân về cái bệnh hút xách của mình. Cơ quan rời tới đâu, hoặc chỉ đi qua nơi nào, Phan Khôi đã đánh hơi tìm ngay được “phi trường”, nơi để cưỡi tàu bay lên mây xuống gió, để hút thuốc phiện. Hút rồi gây gổ với dân, dân phàn nàn, các đồng chí phụ trách nhắc nhở, có lần Phan Khôi đã đòi “cho tôi xin một cái giấy thông hành”. Để đi đâu, chúng ta đều đã biết.

Phan Khôi đi theo kháng chiến, nhưng không phải là người kháng chiến, chỉ là một người:

Tuổi già thêm bệnh hoạn,
Kháng chiến thấy thừa ta.
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra.

(“Hớt tóc trong bệnh viện” – Phan Khôi - 1952)

Cái thế đứng ngõ ngoài ấy phát triển đến đối lập. Có một lần Phan Khôi làm sai bị phê bình, y nhắc lại câu: “Đương quân chi thời, ngô hà lập ngôn” (Đương lúc thời thế của anh, tôi còn biết nói sao). Thật chẳng khác gì cái điệp khúc sau này của Nhân văn “Bạn cố tình đến thế, tôi còn biết nói sao.”

Cái tâm địa của một kẻ đối địch chẳng qua yếm thế phải tạm theo ta của Phan Khôi còn được bộc lộ trong những bài thơ bằng Hán văn của y.

Trong bài thơ Đường vịnh cảnh kháng chiến có mấy câu:

Một mình trước cảnh xanh núi rừng
Ta ngồi ngồi ngạo nghễ với bầy chim bầy vượn
Vì ta chạy loạn mà tình cờ gặp cảnh lâm tuyền.

(Thế Lữ dịch ý)

Nhất là trong bài thơ vịnh cảnh ba mươi Tết ở Yên dã, tâm địa ấy của Phan Khôi càng rõ ràng hơn nữa:

Một mình đêm giao thừa
Đến ngọn đèn làm bầu bạn cũng không có
Đắp lên thân suy tàn một tấm chăn kép
Chợp mắt mơ là nhằm miếng chua cay.
Có vợ con mà cam sống chia cách
Không sinh kế đành phải ăn nhờ
Nghe tiếng gà mừng vùng dậy
Kháng chiến bốn lần gặp xuân rồi.

(Thế Lữ dịch)

Vì không đứng cùng một chỗ với nhân dân, nên Phan Khôi nhìn tất cả đều ảm đạm, đến nỗi sống trong lòng cuộc kháng chiến vĩ đại đến thế, Phan Khôi không thấy gì cả mà chỉ thấy làm lạ “loạn lạc như vậy mà không có trộm cướp”.

Một mặt khác, còn có những hiện tượng chứng tỏ tâm địa đầu hàng phản bội của Phan Khôi.

Trong kháng chiến, có lần cơ quan bị hãm trong vòng vây của giặc. Ban ngày cơ quan cứ phải tản tất cả vào rừng. Có điều lạ là vào rừng không bao giờ thấy Phan Khôi đâu cả; bao giờ y cũng lánh đi một chỗ riêng với một người nữa tôi không tiện nói tên. Anh em hỏi Phan Khôi về việc đó, Phan Khôi bảo như thế mới là đúng. Anh em bảo như vậy nguy hiểm, một hai người lớ ngớ sợ Tây nó có thể bắt được. Phan Khôi đáp không sợ Tây bắt.

Vì sao lại không sợ? Mãi về sau anh em mới được biết Phan Khôi thổ lộ lý do đó với một người thân tín:

“Tôi đã định bụng, nếu có bị Tây bắt, tôi sẽ có một vũ khí xưng: Moa [3] , Phan Khôi đây!”

Phải rồi, một người đã từng trung thành với “mẫu quốc” như vậy, nay nếu phản bội kháng chiến, chắc “mẫu quốc” lại hoan nghênh thôi.

Một số anh em muốn đi tìm lại xem trong suốt thời kỳ kháng chiến, “nhà báo lão thành” ấy có viết được dòng chữ lớn nhỏ nào đả kích đế quốc Pháp xâm lược, ca ngợi nhân dân kháng chiến hay không? Nhưng anh em tìm toát mồ hôi mà không thấy.

Tôi được biết Phan Khôi trong kháng chiến có viết một số bài tạp văn nghiên cứu về sinh hoạt. Sau khi hòa bình lập lại, y có đưa cho nhà xuất bản văn nghệ (nhưng không xuất bản). Đồng chí Chế Lan Viên lúc ấy có đọc bản thảo kia, kể lại cho tôi nghe đại khái trong đó có những ý xuyên tạc, thí dụ về “cây chó đẻ” ngoài việc có nơi gọi là “cây cộng sản”, Phan Khôi bảo còn có nơi gọi là “cây cụ Hồ”; thí dụ “con chim bắt cô trói cột” ở Quảng Nam người ta còn gọi là chim “bắt nhau trói buộc” y nói vì thời gian ấy Quốc dân Đảng phản động trong đó đang bị bắt; Phan Khôi còn nói thêm sau ra Bắc cũng lại thấy “con chim bắt nhau trói buộc” ấy và kết luận “con chim ấy nó đi ngược đường với tôi”

Đồng chí Chế Lan Viên lúc ấy có phân tích nhiều mặt về nhứng ám ý xấu xa, phản động trong những “tìm tòi” ấy của Phan Khôi; và tỏ ý rất công phẫn. Chúng tôi cũng đồng tình.

Nói tóm lại, sinh hoạt tư tưởng, thái độ chính trị, trước tác của Phan Khôi trong thời kỳ kháng chiến là như vậy. Tôi cho rằng dẫu thế chăng nữa, cuộc kháng chiến cũng đã cho Phan Khôi một quãng đời tương đối sạch sẽ trong cả cuộc đời bẩn thỉu của Phan Khôi, cuộc đời toàn những đảo điên phản trắc. Chỉ có điều là, chúng ta có quyền không cho Phan Khôi được mang cái xưng hiệu rất vẻ vang là “người kháng chiến” vì Phan Khôi đã không xứng đáng.


Lần phản quốc mới nhất

Hòa bình lập lại, Phan Khôi trở về Hà Nội, ngất nghểu với cái mũ phớt, cái ba-toong, lập lờ khó hiểu với đôi mắt trắng dã, hai hàm răng cải mả. Cơ quan Hội Văn nghệ bố trí cho Phan Khôi những điều kiện sinh hoạt và làm việc tốt nhất. Hình như Phan Khôi có làm được một việc có ích: Phan Khôi đưa xuất bản sách dịch giới thiệu Lỗ Tấn. Nhưng, chỉ tiếc rằng sau này kiểm tra lại, người ta mới biết Phan Khôi đã xuyên tạc Lỗ Tấn [4] . Và xét cho cùng Phan Khôi có dịch Lỗ Tấn chẳng qua cũng như ngày trước Phan Khôi đã để năm ấy qua năm khác dịch Kinh Thánh cho một cơ quan truyền đạo ngoại quốc, lĩnh những món tiền rất to để tậu ruộng nương, sinh cơ lập nghiệp lớn ở quê.

Đáng tiếc hơn nữa, trong mấy năm qua, Phan Khôi đã có những hành tung xấu xa mà tính chất, mục đích là tiến công điên cuồng vào Đảng Lao động Việt Nam, chống Tổ quốc, chống chế độ, chống xã hội chủ nghĩa.

Trước hết, người ta thấy Phan Khôi hay được một người trước kia cũng viết văn cũng từng “bẹp tai” với Phan Khôi ở Việt Bắc, sau đó “dinh tê” vào thành cho đến khi hòa bình trở lại, lại đến lôi kéo Phan Khôi đi hút thuốc phiện và phao tin đồn nhảm. Ai cũng biết rằng bẹp tai bên ngọn đèn dầu lạc, khói tuôn ra là tuôn theo cả bao nhiêu lời tối tăm bạc ác.

Hoặc có những việc đại khái như Phan Khôi được con mụ phù thủy Thụy An lui tới sâm nhung nâng giấc v.v…

Nguy hiểm hơn nữa Phan Khôi đã bắt đầu cả một loạt hành động phá hoại cách mạng.

Người ta đã thấy mòi của những hành vi phản động sau này từ những mẩu kiểu “Nghiến răng” của Phan Khôi hoặc từ cách ký tên Tơ-hông-reo của y đăng trong tuần báo Văn nghệ cũ. (Tại sao trong thời Pháp thuộc Phan Khôi nguyện làm Thông reo [5] mà bây giờ lại đổi thành Tơ-hông-reo, có phải chăng Phan Khôi muốn dùng kiểu nói Nam bộ để nói Phan Khôi không reo nữa chứ gì?)

Cho đến lớp học mười tám ngày của văn nghệ, Phan Khôi đứng lên phất ngọn cờ phản động mục nát của mình, tập hợp xung quanh một số những phần tử sau này là Nhân văn–Giai phẩm. Phan Khôi vu cáo cho lãnh đạo ở tổ 2, Phan Khôi định đọc tham luận của tổ 2 (sau Nguyễn Hữu Đang đọc thay), Phan Khôi phát ngôn rất thâm độc ở buổi lễ tổng kết lớp học.

Gặp lúc trong nước ta mắc sai lầm trong cải cách ruộng đất, ngoài nước nổ ra những vụ Hung-ga-ri, Ba Lan, Phan Khôi tưởng thời cơ đã đến, tưởng bầu trời Phan Khôi đã hửng nắng, đã tiếc tuổi mình già mất rồi, nhưng vẫn tự nhủ còn hành động được thì cứ hành động:

Nắng chiều có đẹp.
Tiếc tài gần chạng vạng,
Mặc dù gần chạng vạng,
Nắng được thì cứ nắng.

(Nắng chiều” – Giai phẩm mùa Thu - 1956)

Phan Khôi càng trắng trợn càng điên cuồng đi lôi bè kéo cánh, phát ngôn độc ác, hành động phá hoại. Trong chuyện này, có một chuyện xảy ra sau này cũng thành “giai thoại” trong giới văn nghệ, đó là chuyện đồng chí Chế Lan Viên chửi cho Phan Khôi một trận ở trụ sở Hội Văn nghệ.

Muốn tranh thủ đồng chí Chế Lan Viên, Phan Khôi nói với chị Chế Lan Viên nên về khuyên Bảo Anh ấy đừng đi theo lãnh đạo, ít ra cũng nên trung lập như Cao Miên ấy; Hồ Viết Thắng đổ rồi, bên Đại học đang sôi nổi v.v… Đồng chí Chế Lan Viên biết chuyện, lên tận phòng của y cho một bữa nên thân. Những nào: Đừng cậy già mà nói láo, đây ba mươi năm nữa cũng già, đồ đốn mạt đồ hèn v.v… Phan Khôi đáp: “Vâng, tôi hèn!” Và, sớm hôm sau, Nguyễn Hữu Đang đã bò đến, Trần Duy đã bò đến Hội Văn nghệ nói với đồng chí Chế Lan Viên làm gì mà “nóng” quá.

Không “nóng”, nghĩa là để mặc lào già ấy ra sức hành động phá hoại chứ gì? Chúng ta thử đọc lại xem trong Giai phẩm mùa Thu, Phan Khôi đã đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng ta cay độc như thế nào?

Thôi thì Phan Khôi vu cáo Đảng ta tiêu diệt thứ tự do không hề có của văn nghệ sĩ (!) (trang 6), Đảng ta tiêu diệt cá tính của nghệ thuật, quá trớn, xâm phạm vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ (!) (trang 6 và 9); Thường vụ Hội Văn nghệ xỏ sẹo văn nghệ dắt đi, bẻ bai bẻ họe như bà già đối với nàng dâu (!) (trang 10); nguyên nhân của vụ Giai phẩm là do lãnh đạo (!) (trang 19); lãnh đạo nắm độc quyền ngôn luận, cả vú lấp miệng em (!) (trang 13), mọi người đã bị vú lấp (trang 16) v.v…

Bây giờ chúng ta ai ai cũng đã rõ thứ tự do của bọn Phan Khôi đòi lấy được chỉ là thứ tự do tách rời chính trị, tự do phản quốc, tự do làm con ngựa già phục vụ cho giai cấp tư sản, tự do làm cơ quan tác động tinh thần của Mỹ - Diệm ở miền Bắc.

Thực ra thứ tự do ấy Phan Khôi đã có. Bằng chứng hiển nhiên là Phan Khôi đã sánh vai với Trần Duy, một gã trước kia đã làm mật thám cho Pháp, chủ trương tờ báo Nhân văn rất phản động, mà Chính phủ đã sáng suốt đóng cửa từ số số 6.

Về báo Nhân văn, tôi xin miễn nói lại ở đây, vì tôn chỉ mục đích, tính chất, luận điệu, nhân vật, nguồn tài chính, tác hại của nó, sự hoan ngênh của địch ở miền Nam v.v… cả một năm trời vừa qua, chúng ta đã nói nhiều và đều biết rõ.

Riêng Phan Khôi, qua quá trình mưu toan ra báo Cái chổi, ra báo Thượng vàng hạ cám định nhằm bới móc vu cáo chế độ ta, đến lần làm chủ nhiệm báo Nhân văn, thân chinh tự tay đi bán ngoài phố, đến việc sang Trung Quốc dự lễ kỷ niệm Lỗ Tấn, bất cứ đi đến đâu, bất cứ nhân nói chuyện gì, Phan Khôi cũng tìm cách nói xấu Chính phủ ta, đả kích vào chế độ ta (như anh chị em giới văn nghệ đã được nghe đồng chí Tế Hanh cùng đi với Phan Khôi về báo cáo) thì, chúng ta có thể kết luận Phan Khôi có đầy đủ tiêu chuẩn của một tên phản quốc lần thứ năm.


Hậu Nhân văn hay những phá hoại hiện hành

Báo Nhân văn bị đóng cửa, cả phong trào quần chúng nổi dậy chống luận điệu và hành động phá hoại của nhóm Nhân văn–Giai phẩm vẫn chưa làm Phan Khôi tỉnh ngộ. Y đóng cửa trong buồng, bầm gan tím ruột thâm thù chế độ ta và tiếp tục hành động phá hoại, Một trong những thủ đoạn Phan Khôi sử dụng trong lúc này là làm thơ phản động bí mật lưu hành bằng cách đọc lén lút hoặc chép tay chuyền cho nhau, hoặc luồn đi để câu những bài họa lại.

Phan Khôi tất nhiên căm thù phong trào cải cách ruộng đất của ta, bởi vậy ta có làm sai, sửa sai, nhưng Phan Khôi vẫn tiếp tục đả kích:

Sửa sai sửa lại sửa đi
Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai.

(thơ Phan Khôi đọc riêng cho Hoàng Cầm nghe)

Phan Khôi cứ nhắm mắt nói càn vu khống vì y có đi đến đâu đâu mà biết tình hình nông thôn của ta sau sửa sai như thế nào; vây xung quanh y là những phần tử Nhân văn–Giai phẩm cũng chằng đi đâu hết làm sao y biết được sự thực của tình hình thực tế khách quan; y không hề bao giờ ra khỏi phòng, nếu có ra là đi tìm ánh sáng của ngọn đèn dầu lạc mà thôi!

Phan Khôi rất hằn học khi thấy Đảng ta đoàn kết được đông đảo văn nghệ sĩ yêu nước, nhất là khi thấy cả những văn nghệ sĩ ngoài Đảng cũng tự nguyện đứng dưới ngọn cờ của Đảng, phục vụ nhân dân, lập được thành tích, được Đảng ta khuyến khích cổ lệ.

Phan Khôi làm thơ gửi bác Tú Mỡ:

Ở sở Phi-năng có một thày
Già đời chẳng được cái mề đay
Nay cái mề-đay thày đã được
Với đời thày hết giọng chua cay.


Phải nhận thực rằng cái lối “gí điện” ấy (danh từ của nhóm Nhân văn) trong một lúc cũng có làm bác Tú Mỡ suy nghĩ vẩn vơ, nhưng cuối cùng, hẳn Phan Khôi có đọc bài thơ vạch mặt Phan Khôi đăng ở báo Cứu quốc gần đây của Tú Mỡ!

Phan Khôi tiếp tục đả kích một nhà nghệ sĩ khác cũng được tặng huân chương:

Mó vào sách vở tay xoa mỡ
Bước đến thực hành cẳng trơ xương
Tội nghiệp huân chương không biết nói
Đáng câu số mệnh nghĩ mà thương.

Mục đích của Phan Khôi là muốn “kích” văn nghệ sĩ đi theo con đường chống Đảng, chống chế độ như Phan Khôi, là muốn chia rẽ văn nghệ sĩ tách rời với Đảng. Nhưng sự thật là bọn Phan Khôi càng điên cuồng, những người văn nghệ sĩ chân chính càng đoàn kết phấn đấu cho chân lý của Đảng.

Tiếp tục luồng thơ ấy, Phan Khôi khai thác đề tài từ những việc nhỏ như việc giá quả chanh, từ con rùa, con lợn đến việc y lên 70 tuổi.

Phan Khôi tự ví mình với con rùa than van rằng “sống lâu chỉ để đội bia chùa”, lại tự phỉnh nịnh “mấy phen ma vật mà không chết”, rồi kết luận bằng bốn câu phản động:

Nhồi sọ báng nhau trăm bộ sách
Còng lưng thồ nặng chín triều vua
Giật mình trước mắt nền dân chủ
Hắt cái bia đi kẻo trái mùa.

Phan Khôi cũng nên tự biết sống lâu cả ba triều đại mà triều đại nào cũng làm tên phản quốc như vậy thì tuổi nhiều chỉ thêm nặng tội thật; nếu Phan Khôi không cố tình coi nền dân chủ như thù địch thì sao phải giật mình, Phan Khôi hãy đừng tự nịnh mình mà nên nhìn thẳng vào tội lỗi:


Chống Pháp lại đi ôm đít Pháp
Chửi vua rút cuộc liếm giầy vua
Há mồm lại nói nền dân chủ
Đạo đức ba que quả trái mùa.

(“Thơ họa Con rùa đá” của Tế Hanh - 1957)

Sau khi Nhân văn bị đóng cửa, Phan Khôi đã bộc lộ tim gan của mình rất rõ qua bài vịnh con lợn bị trói. Y tự ví mình với con lợn và kêu rằng bị chằng trói không được tự do:

Đánh đùng một cái
Kêu éc éc ngay
Bịt mồm bịt miệng
Trói chân trói tay.

Đúng, chúng ta cũng không cần úp mở gì mà nói cho Phan Khôi biết rằng nhân dân nhất định không cho Phan Khôi thứ tự do phản quốc. Chúng ta nhất định phải bịt những cái mồm vu cáo lại, trói những bàn tay phá hoại lại. Chúng ta cảnh cáo bọn Phan Khôi để họ biết rằng con đường họ đang đi là con đường nguy hiểm, dẫn họ đến chỗ chết, họ phải dừng lại nếu họ thực biết nền dân chủ chuyên chính của nhân dân không cho họ làm liều:

Từ đây đến cái dao
Chẳng còn xa là bao

(“Con lợn”)

Trong bài thơ quả chanh, Phan Khôi có đoạn viết:

Anh bếp nhà ông nước bạn
Mua một trăm quả mười hai vạn
…………………………………………….
Thôi đừng nói nữa mà tôi tủi
Là người Việt Nam giữa Hà Nội
Mùa bức chả được ăn quả chanh.

Phan Khôi muốn đả kích vào chính sách kinh tế, chủ trương xuất nhập khẩu của ta, cho đấy là nguyên nhân làm cao giá sinh hoạt; Phan Khôi muốn đả kích vào mối bang giao hữu nghị giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, muốn gây sự thù hằn đối với các đồng chí nước bạn sang giúp ta một cách vô tư; Phan Khôi làm ra bộ thiểu não “mùa bức chả được ăn quả chanh”, có được quả chanh “cắt vào nước rau húp lại chan”… Nhưng những luận điệu ấy không lừa bịp được ai, nó chỉ cho thấy thêm bộ mặt thật của Phan Khôi, bộ mặt của một kẻ kiên quyết chống Tổ quốc, chống Đảng, chống xã hội chủ nghĩa đến cùng, bộ mặt của một kẻ lừa bịp, mồm nói không được ăn quả chanh nhưng sự thực là mềm môi uống sâm, hút thuốc phiện.

Còn bài thơ có lẽ nhiều người họa nhất là bài tự chúc thọ 70 của Phan Khôi. Phan Khôi tự vịnh:

Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi
Thọ ta ta chúc nỏ phiền ai

Phan Khôi tiếp:

Khờ khạo một mình khua trống bỏi
Ngại ngùng lắm lúc sợ thân voi
Sống thêm cho kẻ ưa mời chén
Cho kẻ không ưa mặt cứ gai.

Một tên già đời phản quốc hòng ai chúc thọ? Còn cái “bướng” của Phan Khôi, chúng ta phải nói lại một lần nữa rằng bướng với nhân dân, quỳ gối trước đế quốc xâm lược chỉ là cái bướng nhục, cái bướng của một “con chó ăn cứt”. Hãy đừng đem “cái tuổi văn chương bốn chục ngoài” ra lừa bịp ai, sự thực người ta đối với Phan Khôi như thế này đây:

Đã lộ mặt rồi mẹ đĩ ơi
Giả vờ đạo đức chẳng lừa ai
Bán buôn chữ nghĩa ba thời đại
Mặc cả văn chương bốn chục ngoài
Cương trực ngoài môi khi xuống chó
Anh hùng lỗ miệng lúc lên voi
Tưởng bao khói thuốc trôi qua họng
Giờ báo Nhân văn lại mắc gai.

(họa "Chúc thọ 70" của Phan Khôi)


Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chớ hòng ai
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-gích, trước cam làm kiếp chó
Nhân văn, nay lại hít gì voi
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời chẳng biết gai.
(thơ họa của Nguyễn Công Hoan - 1957)


Phan Khôi hãy trở lại làm kiếp người

Chúng ta sẵn sàng quên đi tất cả cái quá khứ thối tha của Phan Khôi, nhưng thái độ cố tình phản quốc một cách tự giác của Phan Khôi bắt buộc chúng ta phải ôn lại. Bây giờ Phan Khôi đã thành kẻ thù địch của nhân dân, của cách mạng, sự ôn lại ấy giúp chúng ta thấy tính cách phản trắc, ăn không nói có của Phan Khôi, thấy bộ mặt chính trị phản động nhơ nhớp của Phan Khôi để không mắc lừa những luận điệu xảo trá lừa bịp của y.

Đối với Phan Khôi, hãy chấm dứt kiếp chuột, kiếp chó, kiếp rùa, kiếp lợn của mình đi, hãy đừng làm con cóc già nữa, mà phải cúi mặt xuống đầu hàng nhân dân vô điều kiện, hãy ngay thật trở lại làm kiếp người.



[1]Tức là đồng chí Hứa Minh vốn là du kích chiến đấu bảo vệ vùng Bảo An, hiện nay tập kết ra Bắc, công tác tại Vụ nghệ thuật Bộ Văn hóa. Đ. V.
[2]Tức là tiếng Pháp merci, merci nghĩa là cảm ơn cảm ơn.
[3]Tức là moi tiếng Pháp, nghĩa là tôi – Đ. V.
[4]Các bạn Lê Xuân Vũ, Xuân Lê đã có bài riêng nói về vấn đề này (sẽ giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ) tôi xin phép lướt qua – Đ. V.
[5]Một trong những bút danh của Phan Khôi thời Pháp – Đ. V.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5, năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn-Giai phẩm, trang 16-31. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.