trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.1.2007
Nhất Linh
Giòng sông Thanh Thuỷ
(ChÆ°Æ¡ng 35, 36, 37, 38)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Chương ba mươi lăm

Nam đưa tiễn Thanh và Ngọc ra tận chiếc cầu đá trước kia đã tiễn Nghệ. Nàng giơ tay vẫy Thanh rồi lủi thủi trở về. Tự nhiên nàng thấy thương Thanh; biết tính quả quyết của Ngọc nàng chắc đi dọc đường, Thanh sẽ bị Ngọc thủ tiêu vì như Ngọc đã nói: chàng có chứng cớ chắc chắn Thanh là nữ cán bộ lợi hại của Việt Minh. Nam hối hận. Đúng như lời Ngọc nói, nàng không được dự vào những công việc không liên quan tới việc nàng phụ trách đón tiếp các anh em qua lại, có đủ giấy má.

Chiều hôm ấy, bưu tín cuộc đưa nàng một bức điện từ Côn Minh gửi về. Đó là một bức mật mã. Nàng lấy cuốn tra mật mã ngồi loay hoay dịch ra nguyên văn:

“Chắc chắn Thanh không phải Việt Minh. Thủ tiêu Thanh tức giết oan một mạng người, hại cho công việc cùng tính mệnh các anh em ở biên giới. Ngọc phải tuyệt đối tuân theo lệnh này. Chị Nam đánh điện ngay đi Ma-Lì-Pố báo Ngọc rõ nếu Ngọc đã rời khỏi Văn Sơn. Nếu cần phải theo kịp Ngọc báo tin.
Ký: Tường”

Nam ngồi lặng người đi một lát. Đuổi theo Ngọc, nàng có thể bỏ hết công việc nhưng không biết Ngọc đi đường trên hay đường dưới, ngủ trọ ở đâu; vả lại nàng có đi thì cũng chỉ mấy giờ đồng hồ nữa trời đã tối. Nàng ra ngay bưu tín cuộc gọi điện thoại về Ma-Lì-Pố và báo cho Tính lệnh của Tường. Nam cũng còn hy vọng vì lần trước đi khỏi Ma-Lì-Pố Ngọc mới ra tay thủ tiêu Nghệ. Đường từ đây về Ma-Lì-Pố không có chỗ thuận tiện chỉ trừ Ngọc đưa Thanh theo đường dưới qua đèo ông Tháo.

Quả nhiên, Ngọc đưa Thanh theo đường dưới, đúng như Nam dự đoán.

Ngoài bi-đông nước của Ngọc, Thanh mua sẵn mấy quả dưa chuột cho vào túi vai đeo. Dốc trên đèo ông Tháo quả đúng với tin đồn thật là một cái dốc tai ác. Thanh để đầu trần, đường lại vừa dốc vừa nắng, gần một cây số không có bóng mát nào.

Ngọc trêu nàng nên đi thật nhanh và bỏ xa Thanh. Thỉnh thoảng chàng ngừng lại đợi Thanh đến, Thanh thở hổn hển, mồ hôi ướt đẫm trán, hai gò má và cả mặt nàng đều đỏ hồng. Tới chỗ Ngọc đứng nàng cũng dừng lại mỉm cười ngượng nghịu, lấy hai tay hất tóc ở cổ lên cho mát. Mái tóc nàng nóng bỏng mà hôm đó lại không có một ngọn gió nào, nàng xoã cả tóc cho rối bời. Ngọc trông như một con ma dại.

“Anh cho tôi mượn mùi-soa của anh che đầu.”

Ngọc lấy bi-đông nước, tu cạn chỗ còn lại rồi dốc bi-đông vẫy vẫy để tỏ cho Thanh biết là không còn một giọt.

“Gần đây có suối nào không anh?”

“Chị trông thì đủ biết, đồi cao lại phẳng như thế này đào đâu ra nước. Cỏ không có, những vũng nước phân trâu cũng không có nữa.”

Thanh lấy ra một quả đưa chuột lớn cắn rồi nhai ngấu nghiến một lúc hết.

“Hừ, mát ruột quá. Ngọt bằng mười lần lựu Mông Tự. “

Trong túi vải, Thanh còn một quả nữa nhưng nàng nói với Ngọc:

“Thế là nước cũng hết, dưa cũng hết, từ đây tới suối còn bao lâu nữa?”

Ngọc cởi áo ngoài cho vào túi quàng rồi trả lời:

“Còn đi nửa giờ nữa. Xuống dốc lại nguy hiểm hơn lên nhiều. Nếu tôi đi một mình, tôi chạy vèo xuống chỉ độ mười phút. Thế nào chị Thanh, chị còn thích đi biên giới nữa không?”

Thanh ngồi xuống đất nói:

“Đi thế này thú chứ, còn hơn là nấu bếp nhiều. Anh ngồi xuống đây nghỉ chân đã. Tôi thì ăn no mát ruột, bao giờ tới hàng cơm thì tới mà cũng chẳng cần vào quán cơm tốn tiền. Sáng nay tôi đã nắm cơm sẵn, đem nhiều ruốc lắm... Thế nào anh không cho mượn mùi soa à?”

Ngọc lấy cái khăn mùi soa của mình trải xuống đất rồi ngồi cạnh Thanh. Thanh nói trống không:

“Phong lưu công tử nhỉ?’’

Nàng lấy chiếc khăn nhỏ của nàng trùm lên tóc:

“Không có gió cần gì buộc. À, nhưng thế này tiện hơn.’’

Thanh hất tóc ở sau gáy lên, lấy khăn buộc túm lại, để một ít tóc xoè ra trán thành cái mái hiên che nắng. Nàng cho tay vào túi lấy ra quả dưa chuột cuối cùng, nhìn trộm Ngọc một cái rồi đưa lên môi. Nàng thấy Ngọc giật mình toan giằng lấy. Thanh giấu nhanh quả dưa ra sau lưng:

“Tôi đã nói trước là không có thổ phỉ nào tàn ác như anh. Y như rằng.’’

Ngọc vội vàng nhấc người kéo chiếc khăn gấp tư rồi lại dùng làm quạt phe phẩy vào má Thanh. Thanh ngửa má đón lấy những hơi gió không lấy gì làm mát lắm ấy rồi mỉm cười:

“Thổ phỉ nịnh đầm.’’

Ngọc nói:

“Đấy chị xem thổ phỉ cũng biết dùng lối ngoại giao muôn mặt của anh Tường. Nhưng không ngoại giao gì nữa, quả dưa để dành đến lúc xuống hết dốc có suối trong bóng mát, ăn cơm nóng với ruốc xong, chị ăn một nửa tráng miệng như thế công bằng nhất.’’

“Công bằng thổ phỉ! Nước suối trong là của chung mọi người, lát nữa anh cấm tôi uống được à?’’

Thanh vừa nói vừa ăn dưa một cách ngon lành. Ăn gần hết một nửa nàng lấy giấy bịt đầu cắn giở rồi nhét vào túi vải, đầu có giấy cho xuống dưới. Nói đúng ra là hai tờ giấy do Quân cấp. Nàng mỉm cười tinh nghịch, nghĩ thầm:

“Tài thánh Ngọc cũng không ngờ được đó chính là hai tờ giấy của Quân cấp cho. Ngọc có giằng lấy túi vải rút quả dưa ra thì hai tờ giấy vẫn nằm yên trong túi.’’

Rồi nàng nói với Ngọc:

“Thích nhỉ!’’

“Chị bảo ăn dưa chuột một mình thích hay thích thổ phỉ nịnh đầm hay thích đèo ông Tháo.’’

“Tôi thích đèo ông Tháo, lần về thế nào cũng qua đây một lần nữa. Nào ta đi thôi. Mười một giờ rồi.

Thanh đi trước để mặc Ngọc loay hoay mãi mới quàng được túi lên vai. Xuống cái dốc gần như dựng ngược, không trông thấy chân đèo, nàng chạy phăng phăng; quay cổ nhìn lên Ngọc còn ở tít trên đèo cao.’’

Tới chân đèo một dòng sông chảy ngang. Tuy là sông nhưng vì nước cạn nên chỉ có một dòng nhỏ chảy ở phía bên kia; về phía chân đèo là một bãi cát trắng khô. Thanh chạy lên bãi cát bốc hơi nóng. Chắc ít người qua lại vì ngoài vết chân nàng tuyệt nhiên không có vết chân nào khác. Thanh đưa mắt nhìn thấy bên kia sông có một vòm cây um tùm. Nàng nghĩ thầm:
“Chắc Ngọc thủ tiêu Nghệ và Tứ ở trong những bụi cây kia. Ở đây xa làng xóm, một phát súng có thể kết liễu đời nàng, có khi không cần súng nữa, Ngọc chỉ vờ hôn mình rồi bóp cổ mình cho đến khi...’’

Thanh tháo hài sảo lội qua dòng nước trong và nông, nhìn thấy rõ đáy. Lúc đó Ngọc cũng vừa xuống tới bãi cát, nói to:

“Chị đợi tôi với. Chị có thấy cái vòm cây phía tay phải không? Ở đây ngồi ăn cơm thật tuyệt.’’

Thanh ngừng lại vì bờ sông lở và rất cao. Tìm được chỗ víu, Thanh cất người trèo lên; ở xa xa có một căn nhà lợp ngói đã cũ. Nàng định trèo hẳn lên bờ rồi chạy thật nhanh đến căn nhà, vừa chạy vừa gọi to vì có mấy người đi lại ở một thửa ruộng gần đó. Nhưng Thanh lại bỏ tay níu, tụt xuống đứng ở giữa dòng đợi Ngọc đến. Ngọc có vẻ mừng rỡ đến gần chỗ Thanh đứng:

“Chị Thanh. Nước trong không? Chị muốn uống nước, rửa mặt tha hồ. Để tôi đứng cuối dòng khỏi làm vẩn đục nước của chị.’’

Thanh vén tay áo lên, cúi xuống cho cả hai tay ngâm trong nước rồi sấp nước lên tóc lên mặt.

“Mát quá. Trời nắng thế này mà sao nước lại mát, anh Ngọc nhỉ?’’

“Tại nước chảy mạnh. Nhưng chỗ vòm cây kia vừa có bóng râm mát, lại có những hòn đá rất đẹp, ngồi đấy tha hồ rửa mặt rửa tay. Nếu chị muốn tắm, tôi sẽ nằm xuống cỏ, vờ nhắm mắt lại. Khi nào chị tắm xong tôi sẽ nhắm mắt thật.’’

“A, ngoài việc thổ phỉ ăn uống, thổ phỉ tim cô Phương, anh còn kiêm cả thổ phỉ nhìn nữa. Thôi bây giờ tôi đói rồi, ta ra chỗ vòm cây anh nói để ăn cơm. Nhưng ăn cơm bên cạnh cảnh hai bộ xương tôi thấy mất cả ngon.

Ngọc nhẩy lên bờ trước rồi cúi người cầm lấy tay Thanh kéo lên. Tới nơi Ngọc đưa Thanh đến đứng chỗ thảm cỏ đã ngồi với Nghệ và Tứ:

“Bây giờ chị thử đi tìm xem trong các bụi rậm có xương xẩu gì không?’’

Thanh nhìn qua cũng biết các bụi rậm không có gì. Nàng bảo Ngọc:

“Anh chắc đổi chỗ luôn, nếu cứ một nơi thì ‘đống xương vô định đã cao bằng đầu’.’’

Ngọc nói:

“Chị thấy chỗ này có tốt không? Bóng thật mát mà nền cỏ rất phẳng; ăn xong chị muốn nghỉ trưa cũng được. Bây giờ chị hãy nằm nghỉ một lát đợi đúng ngọ ăn cơm thì vừa.’’

Chàng lấy cái túi vải đặt làm gối rồi mời Thanh:

“Chị nằm nghỉ.’’

Ngọc ngồi xuống bên cạnh, lưng tựa vào gốc cây. Thấy Thanh miệng cứ lẩm bẩm chàng hỏi:

“Chắc chị nghĩ thơ.’’

Không tôi nhại Kiều. Để tôi ngâm anh nghe nhé. Ở đây thì không có ma nào rình nghe trộm, tha hồ ngâm to những câu thơ tuyệt diệu của tôi.’’

Rồi nàng cất tiếng ngâm:

"Đống xương vô định đã cao bằng đầu !
Tội chi để tiếng về sau,
Ngàn năm ai có khen đâu giết người.
Sẵn nơi bóng mát cùng ngồi,
Nắm cơm gói ruốc, hai người cùng ăn,
Cùng nguyền giữ tấm lòng Nhân.
Tình yêu Tổ Quốc, tình thân bạn bầy;
Thành công tìm chốn am mây
Đôi lòng gửi với cỏ cây trọn đời..."

Ngọc hạ thấp hai hàng mi, lặng yên nghe tiếng ngâm trong, ấm áp và hơi buồn của Thanh. Thế là mộng chàng ôm ấp hơn một năm đã thành sự thực. Qua lời thơ, Ngọc đã hiểu được rõ Thanh; chàng ngâm lại hai câu “Cùng nguyền giữ tấm lòng nhân, tình yêu Tổ quốc tình thân bạn bầy’’ để tỏ cho Thanh biết là lòng chàng cũng nghĩ như Thanh. Chàng thấy Thanh hơi hé đôi môi ngước mắt nhìn mình. Ngọc nghĩ lúc đó nếu chàng cúi xuống, làm như sửa lại cái túi vải để Thanh gối cho êm đầu hơn thì chắc Thanh sẽ thuận, nhưng cũng như mọi lần khác, có một thứ gì ngăn chàng lai: hai tâm hồn đã gặp nhau và tình yêu thanh cao quá. Hôm đến thăm lăng Đường Kế Nghiêu ôm ngang lưng dìu Thanh đi, nghĩ lại chàng cũng thấy đã phạm một tội làm vẩn đục tình yêu giữa hai người. Chàng nói để che cảm động:

“Đi hài sảo sạn dính chân, ra suối đi chị Thanh, rồi giở cơm nắm ra ăn thì vừa.’’

Thanh ngồi dậy:

“Sao tôi không thấy đói, chắc có lẽ vì muốn báo thù anh uống hết cả bi-đông nước, nên phải cố nuốt vội vàng một quả rưỡi dưa chuột nên đâm ngang dạ. Tôi ra rửa chân thôi, không tắm đâu, sợ thổ phỉ.’’

Ngọc bật cười. Hai người ra ngồi trên những hòn đá nước chẩy uốn quanh. Thanh rửa mặt rồi cúi xuống nước gội đầu nhưng vẫn để nguyên tóc ướt. Nàng thả chân cho dòng nước đẩy dần đi; một lúc sau nàng lại gạt chân ngược trở lại, để những vòng sóng tròn nổi lên chung quanh bắp chân rồi nhìn Ngọc cười vui vẻ ngây thơ như một cô bé lần đầu tiên được thấy suối chỉ muốn nghịch nước. Thực ra đây là lần đầu tiên Thanh được vầy nước ở một dòng suối. Bận giúp cha mẹ trông nom cửa hàng lại lấy chồng sớm nên nàng không được đi lên mạn ngược; lúc sang Vân Nam thì đường xe lửa chưa phá, nàng chỉ được trông thấy suối hoặc thác trong chốc lát. Nàng bảo Ngọc:

“Anh đưa khăn tôi giặt cho vì lúc nãy anh ngồi lên chắc là bẩn lắm. Trải trên đá phơi độ một lát, khô ngay... Anh Ngọc này, nghĩ lại tôi mới thấy lòng mình nhân nhưng khó mà nhân được nếu còn ở trong cái guồng máy. Hoạ chăng chỉ có một cách tìm nơi am thanh cảnh vắng.’’

Ngọc nói:

“Chị mà là sư nữ thì cũng khó lòng yên thân, một là các chàng công tử sẽ quấy rầy cô sư trẻ hai là chị nhập vào đoàn Phật giáo cứu quốc của Việt Minh. Tốt nhất chị hoá thành cô Mèo hay cô Lô-Lô lên ở tít trên đỉnh núi cao, còn cách sống thì không lo vì chị biết nghề chữa thuốc và đỡ đẻ. Thỉnh thoảng tôi sẽ lên núi đưa chị giấy công tác của anh Tường hay của chi bộ trưởng Vị Tha. Làm cô gái Mèo đi bộ leo núi chắc giỏi lắm, chị sẽ giữ việc liên lạc như tôi rồi chị tuyên truyền người Mèo vào giúp việc; người Mèo bắn súng hoả mai tụi Tây cũng phải sợ. Chị sẽ lập một đạo quân Mèo rồi bắn giết người như ngoé. Chị chắc còn nhớ vụ người Mèo nổi loạn năm nào... Cái guồng máy lại quay tuy là guồng máy Mèo hay guồng máy Lô Lô. Chị giỏi Kiều chắc còn nhớ mấy câu thơ ở cuối sách: ‘Đã mang lấy nghiệp vào thân’. Chị làm cái gì cũng tài lắm mà chữ tài lại liền với chữ tai một vần. Chẳng qua là định mệnh là số kiếp; giá chị chỉ như cô Phương, hiền lành như con thỏ non, nhưng nghĩ kỹ có tài còn đỡ, thỏ non rất dễ bị người ta ăn thịt, làm civet–lapin...’’

Thanh quay lại:

“Anh bây giờ cũng đâm ra triết lý triết lung.’’

Rồi nàng cất tiếng ngâm: ‘Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài’ và bảo Ngọc:

“Nhưng lòng tôi lại ác lắm, phải nói ác căn ở tại lòng ta mới đúng, mà như anh đã nói lại có tài nữa...
Ngồi nghỉ một lúc bây giờ đã thấy đói rồi. Ta vào ‘bóng mát ta ngồi, nắm cơm gói ruốc hai người cùng ăn’, no bụng nói chuyện gì cũng lạc quan hơn.’’
Tuy đã no nhưng Ngọc cũng ghé vào hàng cơm hai chị em cô Thổ ở Sin-Chang. Cô lớn ngửng lên nhìn Ngọc rồi chạy ra đon đả.

“Vừa đúng một năm chẵn mới lại gặp cậu. Cậu xơi gì?’’

Thấy Thanh cùng ngồi xuống một bàn, cô Thổ nói tiếp bằng tiếng Tàu vì tưởng là người Vân Nam:

“Cậu này tôi vẫn gọi đùa là cậu ‘Quân không phải quân, dân không phải dân’.’’

Thanh tiếp lời cô Thổ bằng tiếng Vân Nam:

“... tức là cách mệnh An Nam. Nhưng ông này đâu có phải cách mệnh. Đó là chính tông thổ phỉ. Mà thổ phỉ trái tim các thiếu nữ thì nhạy nhất. Cô nên đề phòng.”

Để muốn khỏi lộ, lúc ngồi uống nước chè và ăn bánh, Thanh toàn nói tiếng Tàu với Ngọc.

Đi mau nên bốn giờ chiều Thanh và Ngọc đã tới quán ngủ trọ ở Chong-Sin-Kiêu. Ngọc đưa Thanh ra cái suối năm ngoái ngồi nói chuyện với Tứ rồi chàng quay về ngay để Thanh tắm. Lúc Thanh trở về Ngọc lại ra suối.

Đêm hôm ấy hai người thức nói chuyện rất khuya mới đi nghỉ. Thanh không đi quen nên thấy hai đầu gối mỏi rời và chân phồng lên ở những chỗ cọ xát vào quai hài sảo.

Sáng hôm sau Ngọc có ý đi muộn để Thanh ngủ trưa, lúc đến dòng suối có nhiều rau cải soong thì vào quãng mười một giờ trời nắng gắt Thanh chắc khát và uống nước suối mới ngon. Thấy Thanh đau chân đi chậm, Ngọc cũng đi chậm lại. Lần này, cái bi-đông nước chè đem theo hai người thay phiên nhau uống. Trước khi đi Thanh đã ra phố xem có dưa chuột mua phòng xa Ngọc trêu mình nhưng kiếm mãi không hàng nào có.

Đến mười giờ thì cái bi-đông đã cạn, Thanh nói:

“Thôi bây giờ lại giải tán chi bộ Vị tha quay trở lại chi bộ Ích kỷ. Tôi nhận thấy mỗi lần tu, anh tu gấp hai tôi. Vị tha gì anh! Chi bộ hai người tốt hơn hết là chia làm hai chi bộ một người, như thế chi bộ nào cũng vừa ích kỷ vừa vị tha.”

“Không được, phải đợi khi tới Ma-Lì-Pố tôi đánh điện xin phép anh Tường đã. Giải tán một chi bộ đâu phải là chuyện chơi.”

Thanh cau mũi:

“Biết đâu đã tới Ma-Lì-Pố. Hay có đến thì chỉ còn một chi bộ và một người. Bây giờ tôi khát quá rồi, làm thế nào bây giờ?”

Đi độ hai cây số nữa, Thanh reo lên:

“Suối, suối.”

Nàng chạy ra nằm rạp xuống bờ cỏ rồi gục mặt vào nước. Lúc ngửng lên nàng thấy Ngọc cũng nằm rạp xuống cỏ. Ngọc hỏi:

“Chị có nhớ bài thơ: ‘Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương giang vĩ’ không?”

“Thơ với thẩn gì anh! Anh cho tôi mượn cái bi-đông đây. Lần này tôi giữ bi-đông, tôi uống hai lần thì anh uống một lần. Đường sá tôi không biết, anh cậy thế làm tôi suýt chết khát mấy lần rồi.”

Ngọc uống một ngụm rồi quay nhìn Thanh:

“Tôi lại xuất khẩu thành chương đọc chị nghe. Chị đừng tưởng thơ tôi kém thơ chị.”

Rồi chàng ngâm bài thơ đã thuộc lòng và đã làm từ năm trước:

“Suối rừng một dải nước trong,
Người đầu suối, kẻ cuối dòng, ai ơi.
Bờ xanh, người sát cạnh người
Đôi lòng cùng uống nước xuôi một dòng.”

Thanh nói:

“Thơ dịch hay đấy chứ, chắc lại cóp bài dịch của ai cũng như bài thơ ‘Đêm trăng thoảng có ai trong gió’. Anh thì chỉ biết có ăn, ‘ăn cắp’ cả văn thơ người khác. Hai chữ ‘đôi lòng’ tôi mới thoáng đọc hôm qua, anh đã thổ phỉ ngay rồi.”

Ngọc cười:

“Phải đấy, nói đến ăn tôi lại nghĩ đến rau cải soong. Phía trên kia nhiều lắm.”

Đến chỗ nhiều rau, Ngọc lấy tay đẩy các cây cải đến trước mặt Thanh:

“Cán bộ phụ nữ hoả đầu phu! Rửa đi.

Thanh rửa xong cây nào lại cho vào miệng nhai. Nàng nói:

“Rất tiếc ở đây không có ga Pô-Si, không có tỏi gà.”

“Chị cố rửa thật nhiều, độ nửa giờ nữa thì đến hàng cơm cô Quảng Đông. Mình sẽ gọi một đĩa gà quay.”

Thanh nói:

“Anh thật có số đào hoa. Hết cô Phưong đến hai chị em cô Thổ xinh đẹp; bây giờ lại cô gái Quảng Đông chắc còn xinh hơn. Cả chị Nam nữa, anh đừng tưởng giấu được tôi.’’

Lúc tới Nicou-yang, cô gái Quảng Đông đương đứng ở cửa hàng chạy ra đón chào Ngọc. Thấy cô hàng cũng khá xinh, lại nhớ mặt người khách hàng sau một năm xa cách, Thanh nhìn Ngọc mỉm cười và nháy mắt một cái.

Cô hàng bưng lên một đĩa gà xào thơm tho. Ngọc lấy rau cải soong ra bảo cô hàng trộn dầu dấm. Thanh chỉ ăn thịt gà thôi vì nàng vẫn đóng vai người Tàu, tuy thèm rau mà đành phải nhịn.

Rời khỏi hàng ăn, hai người đi thong thả phần vì Thanh đau chân, phần vì con đường đẹp quá, đi quanh co men theo nửa chừng sườn những đồi đất đỏ mọc toàn thông.

Đến một chỗ cao nhất, quá Song-Ku-Kô, Ngọc bảo Thanh ngồi xuống hòn đá bên vệ đường, lấy tay chỉ:

“Chị trông phía xa có một dẫy núi cao cây cối rậm rạp, hai bên có hai quả núi thấp hơn trơ trọi. Dẫy núi có nhiều cây là núi ở trong nước. Tuy chị chưa được sờ vào cỏ trên đất nước nhà cho mát tay như ý mong mỏi nhưng chị đã trông thấy nước Việt Nam rồi.”

Thanh nhìn theo ngón tay chỉ của Ngọc, hỏi:

“Có phải dẫy núi kia không, nhưng sao anh biết?”

Ngọc đáp:

“Tôi đã đi qua đây đến chục lần. Đấy là dẫy núi bên kia sông Thanh Thuỷ. Ở bên ta có sở Kiểm Lâm cấm ngặt chặt cây, ở bên này mạnh ai người nấy đốn rừng, không có luật lệ gì cả.”

Thanh nhìn dẫy núi một lúc rồi nói với Ngọc:

“Thảo nào tôi trông có cái gì khác khác.”

Ngọc thấy Thanh ngồi yên lặng lâu lắm. Trời đã về chiều nắng tắt dần trên các ngọn đồi. Một cơn gió lành lạnh từ ở phía dẫy núi rậm cây thổi lại. Thanh nghĩ thầm:

“Gió này cũng là gió từ trong nước thổi ra.”

Nàng ngồi thẳng lên hít mạnh làn gió, cảm thấy như phổi nàng đương thấm nhuần không khí của quê hương. Ngọc đứng mãi cũng chồn chân; chàng tháo túi quàng vai rồi ngồi xuống cạnh Thanh. Hai người trầm lặng sợ nếu cất tiếng sẽ làm huyên động một thứ gì rất cao đẹp thiêng liêng. Thỉnh thoảng gió lại thổi tới chỗ hai người ngồi như từ rất xa đưa đến, như đã xào xạc trong bụi tre ở cổng làng cũ làm rung rung những tà áo và lành lạnh trong lòng những người thân yêu bấy lâu xa cách.
Ngọc nhìn Thanh; hai mắt nàng mở to hình như hơi ướt lệ. Chàng đứng lên nói giọng đùa:

“Nếu có ngày trở lại đây tôi sẽ đem theo ít sơn viết lên hòn đá này mấy chữ: Hòn Vọng Quốc.”


Chương ba mươi sáu

Trời xâm xẩm tối. Thanh và Ngọc tới công tác trạm Ma-Lì-Pố. Hân đương đứng tựa cửa nhận ngay ra Ngọc. Thấy Ngọc chỉ tay về phía công tác trạm, quay mặt nói chuyện với một thiếu nữ mặc áo Tàu, Hân hiểu ngay chạy ra đón, nhưng đáng lẽ nói với Ngọc như mọi lần, Hân lại nhìn Thanh, reo lên:

“Cô Thanh! Cô Thanh!”

Ngọc không hiểu tại sao Hân lại biết tên Thanh và nét mặt Hân tỏ vẻ mừng rỡ rối rít mất cả bản tính điềm tĩnh xưa nay. Hân hỏi Thanh:

“Cô có phải đồng chí Kim không?”

Thanh gật đầu nhưng nàng ngạc nhiên hết sức vì Ngọc chưa giới thiệu nàng; vì cớ gì ông già tóc bạc kia lại biết nàng và gặp nàng lại tỏ vẻ vui mừng cuống quýt, hai tay run run giơ ra đỡ lấy cái túi vải.

Lúc đó Ngọc mới giới thiệu:

“Lão đồng chí Hân giúp việc ở công tác trạm. Đây là đồng chí Kim.”

Hân nói:

“Chúng tôi đợi mãi, sao bây giờ chú mới tới.”

Ngọc đáp:

“Tại đồng chí Kim đau chân với lại chúng tôi ngồi chơi mãi ở hòn Vọng Quốc.”

Hân chẳng hiểu hòn Vọng Quốc ở đâu lẩm bẩm:

“Làm gì có hòn Vọng Quốc. Từ ba giờ đến giờ chúng tôi ở đây chỉ vọng cô Kim.”

Tính nghe tiếng cũng chạy ra và cũng như Hân làm như không biết Ngọc là ai, reo lên:

“Chị Thanh!”

Rồi không nói thêm nửa lời chàng bỏ chạy thật mau ra bưu tín cuộc, gọi điện thoại về Văn Sơn. Vừa gọi xong đã có tiếng Nam ở trong máy nghe vì Nam ở Văn Sơn cũng sốt ruột bỏ cả khách chữa bệnh ra ngồi đợi sẵn ở bưu tín cuộc chờ Tính gọi điện thoại về. Nghe xong Nam đánh điện ngay đi Mông Tự dặn Lăng cấp tốc báo Tường ở Côn Minh biết là Thanh đã tới Ma-Lì-Pố bình yên vô sự. Nam trở về nhà trong người như dứt được một gánh nặng; nàng lẩm bẩm:

“Tốn bao nhiêu tiền giây thép. Lấy tên là Kim có khác, thảo nào đắt như vàng.”

Hân đưa Thanh và Ngọc lên gác, hỏi Thanh:

“Cô đã đói chưa. Nếu đói thì tôi đi làm thức ăn ngay trong khi đợi chú Tính ra bưu cuộc về.”

Thanh đáp:

“Chúng tôi chưa đói đâu. Hôm nay ăn gì đấy, ‘bô’ để tôi xuống bếp giúp ‘bô’ một tay. Tôi là nữ cán bộ của hoả đầu phu của anh Ninh, nổi tiếng là giỏi nhất vì đoàn chỉ có một mình tôi.”

Lại đến Hân ngạc nhiên vì Thanh gọi ngay mình là bô. Thanh cười tiếp theo:

“Tôi có tính hay làm nũng vòi quà. Bây giờ để tôi xuống bếp lục xem có những thức ăn gì – dưa chua hay tàu xì tôi đã ngấy lắm rồi – Bô chạy đi mua cho tôi dăm bát phở chua hay phở cừu nếu có và mươi cái tỏi gà. Bây giờ không gọi bô là bô nữa mà gọi là bố. Tôi xin nhận làm con gái nuôi của bố bắt đầu từ hôm nay, con gái nuôi độc nhất của bố.”

Rồi nàng xuống bếp bưng lên một chậu nước đầy nhìn Ngọc:

“Mời đồng chí rửa mặt.”

Nàng quay lại phía Hân:

“Bố thắp cho con thêm một cái đèn nữa. Hôm nay phải ăn mừng con mới và bố mới.”

Hân tủm tỉm cười, lấy cây đèn lớn nhất.

Lúc Tính về thì đã thấy Thanh thân mật cười nói vui vẻ với Hân như hai bố con thật, lâu ngày mới gặp nhau. Công tác trạm mất hết cả vẻ lạnh lẽo âm u mọi ngày.

Khi Thanh đương ở dưới bếp làm cơm, Ngọc hỏi nhỏ Tính và Hân:

“Từ lúc tới tôi nghĩ nát óc vẫn không hiểu thêm tí gì?”

Tính kể cho Ngọc nghe việc Tường đánh điện về Văn Sơn, nỗi lo lắng của Nam, sự chờ đợi của chàng và Hân, nhất là nỗi lo sợ của hai người khi đợi mãi không thấy ai tới, yên trí là Ngọc đã thủ tiêu Thanh hoặc chính Ngọc đã bị Thanh bỏ thuốc độc vì Nam có nói Thanh đã học qua trường thuốc lại rất tinh khôn lợi hại. Ngọc lúc đó mới vỡ lẽ, chàng nói:

“Tôi có chứng cớ chắc chắn, mắt tôi đã thấy rõ ràng người của Quân cấp giấy cho Thanh, hai tờ tất cả. Tờ kia chắc là cấp cho tôi. Quân muốn dùng Thanh để cùng tôi về Hà Giang dễ dàng liên lạc với số cán bộ bí mật rồi Thanh sẽ báo cáo cho Việt Minh biết tên người cùng địa chỉ. Nếu Thanh phản thì ngoài tôi ra còn thêm mấy chục cán bộ nữa bị giết. Thân tôi không cần nhưng nếu tôi lầm thì tội tôi còn nặng hơn Hoàng. Nhưng tôi đã biết Thanh từ hơn một năm nay: Thanh không thể là cộng sản được, cũng như tôi không thể là cộng sản. Anh Tường còn sáng suốt hơn tôi nhiều vì anh ấy chỉ mới quen Thanh được vài tháng. Song bổn phận tôi cần phải báo cáo với anh Tường trước khi đi. Hồi năm ngoái anh Ninh cũng đã xét đúng về Thanh và chịu chia sẻ trách nhiệm với tôi về việc Nghệ. Bây giờ tôi đã được anh Tường cho phép, việc ấy phải làm đúng theo lệnh của Hải ngoại Bộ. Tôi sống hay chết bây giờ không phải là việc cần để tâm. Việc chỉ có thể hỏng nếu Thanh không đủ đương đầu với Việt Minh nhưng Thanh còn nhiều thủ đoạn và khôn khéo gấp mấy tôi. Thanh có thể đối phó được...”

Thanh bưng lên và mọi người đều ngạc nhiên thấy rất có nhiều thức ăn. Hân nheo mắt cười:

“Con gái giỏi hơn bố nhiều.”

Sáng hôm sau, Ngọc ra đảng bộ Trung Hoa trình giấy má. Hân tiễn Thanh và Ngọc một thôi đường. Lúc chia tay Hân nói:

“Con gái tôi đi có thể không về nữa. Phải hết sức đề phòng. Tôi có một thứ quà rất quí đợi cô ra sẽ đưa. Lúc đó tha hồ làm nũng, tha hồ vòi.”

Hân tủm tỉm cười, tiếp theo:

“Lúc ra nhớ đưa cả chàng rể của bố ra. Về cùng về mà ra cùng ra cho đủ đôi.”

Thanh nguýt Ngọc một cái:

“Chàng rể gì cái anh chàng này. Ích kỷ số một. Thôi bố ở lại, vợ chồng chúng con đi. Hôm nào thư thả mời bố về Hà Giang...”

Thanh kiễng chân hôn một cái thật kêu lên trán Hân rồi vẫy tay nói tiếng Pháp:

“A bientôt, papa!’ [1]

Hân quay về vừa đi vừa lắc đầu:

“Con gái tôi Tây quá.”

Khi Hân đi đã xa Thanh cười bảo Ngọc:

“Ông ‘via’ của em đã bằng lòng rồi đấy. Chắc ông cụ chỉ thách một tấm vàng lá cắt đôi anh vẫn giấu kỹ trong ví để làm kỷ niệm.”

Ngọc cũng cười đáp lại:

“Tôi đâu có phải hạng người cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Với lại tôi còn đợi ý kiến cô Phương. Tôi rất mến Hân nhưng không phải vì thế mà làm rể hờ lấy cô con gái ma của Hân. Nào bây giờ chị quyết định hẳn đi, theo lối buôn lậu hay qua cầu sắt.”

“Tôi đã nhất quyết từ lâu, đi qua cầu sắt. Lính Việt Minh gác cầu chắc cho tôi là một người đàn bà Tàu theo chồng sang Việt Nam, còn anh chắc họ cho là một tên lính đào ngũ trốn sang Việt Nam đem theo một bà vợ Tàu xấu như ma nhưng trong người đầy vàng.”

Ngọc nói:

“Nếu vậy đi bộ mười lăm cây số nữa qua khỏi chỗ...”

Thấy Ngọc ngập ngừng, Thanh tiếp theo:

“Qua chỗ hai bộ xương khô. Phải đấy lát nữa anh đưa tôi rẽ qua, không có xẻng cuốc thì tôi sẽ lấy tay bới cát để chôn tình nhân của tôi vậy.”

Hai giờ sau sắp qua chỗ ấy Ngọc đi chậm lại, trù trừ. Chàng không thể đang tâm nhìn lại chỗ mà chàng đã phạm một tội lớn nhất trong các tội. Nhìn Ngọc vẻ mặt buồn rầu tư lự, Thanh hiểu ngay. Thấy có một con đường mòn rẽ về phía tay phải đi qua một khu rừng tuy nhỏ nhưng rậm rạp, Thanh biết ngay là chỗ ấy. Nàng bảo Ngọc:

“Tôi mỏi chân quá rồi, vào đây nghỉ một lát đã may ra có suối tôi rửa mặt cho mát rồi lấy thêm nước vì cái bi-đông của anh xem chừng muốn cạn.”

Ngọc nói:

“Sao chị ác thế? Câu ‘cùng nguyền giữ tấm lòng nhân’ của chị để đâu?”

Thanh đoán là nếu Ngọc muốn thủ tiêu mình thì chỗ này là chỗ tiện nhất. Nàng lại có cái cảm giác giống như cảm giác khi ở nhà Nam nàng nằm giả vờ ngủ nghe tiếng Ngọc gọi khẽ nàng rồi đưa nàng cốc cà–phê. Hôm ấy có lẽ Ngọc chưa tiện ra tay vì biết nàng đã học trường thuốc nhưng ở đây Ngọc muốn giết nàng dễ như không, có khi không cần tốn một viên đạn. Việc đón tiếp vui vẻ của Hân, việc Ngọc trù trừ không rủ nàng rẽ vào con đường nhỏ này biết đâu không là những mưu mô đã xếp đặt trước. Thanh quả quyết bước vào con đường nhỏ đi vòng một quãng tới chỗ bãi cỏ có bóng mát mà nàng đoán là chỗ Tứ và Nghệ đã ngồi xuống nghỉ và uống cà-phê. Thanh tháo túi ở vai ra rồi ngồi tựa vào gốc cây nhìn Ngọc đi tới. Trí nàng nghĩ thật mau: cũng có thể chưa phải lúc; Ngọc muốn lợi dụng nàng để về Hà Giang, đi lại tự do ở biên giới nhờ tấm giấy của Quân cấp. Nàng vui vẻ nói với Ngọc:

“Chỗ này mát quá. Anh ngồi xuống đây nghỉ một lát nữa. Để tôi đi tìm xem có suối không.”

Thanh nói rồi đi luôn; nàng đi vòng vào phía trong. Qua những cành cây, một dòng suối chảy ở tận dưới vực sâu ánh nước lấp lánh như những ngôi sao trông như trôi mà vẫn đứng nguyên một chỗ. Bãi cỏ hẹp dần; Thanh để ý nhìn kỹ ở cách mươi thước có một số cành cây cụt nhưng vết sước đã đen lại. “Đích rồi”. Thanh rẽ cành lá tiến về phía những cành cây cụt ngọn. Tới nơi Thanh cúi xuống; sườn núi như một bức vách thẳng; ở tận dưới xa có mấy tảng đá lớn nằm ngổn ngang cạnh bờ suối. Thanh định níu tay vào một gốc cây nhưng cây bị mối xông đã mọt; nàng ngồi xuống rồi chống hai tay thò đầu ra ngoài nhìn thấy chân vách núi cùng mấy cành khô vút ngổn ngang giữa hai tảng đá lớn. Dưới một cành cây lớn có ba ống xương trắng dài cạnh những mẩu xương vụn. Đã học qua nên Thanh biết ngay đấy là ống chân và bàn chân người. Nhưng chân Tứ hay chân Nghệ? Tứ cao hơn Nghệ, hai ông xương dài kia chắc là xương của chân Tứ. Thanh ngồi yên lặng, hai tay chống đã mỏi nhưng nàng không để ý. Trí nàng nghĩ gì nàng cũng không biết; nàng chỉ thấy một cảm giác trống không và rộng bao la, trong đó hiện ra rõ hơn hết một câu hỏi:

“Vì cớ gì?”

Tuy tự hỏi nhưng nàng cũng không nghĩ đến trả lời. Cảm giác trống không và rộng bao la biến đi lúc nào nàng không hay và một nỗi buồn thương dần dần dâng lên trong tâm hồn nàng. Thanh không biết nước mắt ứa ra từ bao giờ; nàng khóc, nức nở khóc mà không rõ khóc vì thương ai, thương Tứ, thương cho chính nàng hay thương chung cho số kiếp con người.

Đợi mãi không thấy Thanh trở lại, Ngọc biết là nàng đã tìm được mấy ống xương chân của Tứ và Nghệ. Đã hơn một năm lá cây chắc đã khô và rụng hết. Chàng đi gần như chạy ra chỗ vách đá: Thanh ngồi ôm mặt, lưng rung rung, hai vai đưa lên đưa xuống. Biết là Thanh khóc chàng ngồi xuống bên cạnh, kéo tay nàng cầm trong tay mình:

“Chị cố tìm ra chỗ này làm gì. Những việc như thế chỉ có cách quên đi là hơn. Chị đã biết những nỗi đau khổ của tôi về Tứ trong một năm nay rồi. Còn về Nghệ tôi cũng đau khổ nhưng việc cần làm vẫn phải làm.”

Thanh nhìn Ngọc qua làn nước mắt. Nàng thấy đã đến lúc nói cho Ngọc hiểu hết nhưng miệng nàng chỉ thốt ra được câu:

 “Em là cán bộ Việt Minh.’’

Thanh rút ở túi áo trong ra hai tờ giấy và đưa Ngọc xem. Ngọc nói:

“Tôi biết cả rồi.’’

Thanh nghĩ thầm không có cơ hội nào bằng cơ hội này để nàng biết rõ lòng Ngọc đối với nàng, biết một cách chắc chắn không mảy may nghi ngờ, không dựa vào những lời nói mơ hồ hay những cử chỉ cũng mơ hồ như vẻ mặt sợ hãi của Ngọc ở lan can chùa Tây Sơn, như hôm ở chùa Cá má Ngọc chạm vào má nàng, hơi nóng hai người truyền lẫn sang nhau, việc chàng ôm ngang lưng nàng trong khi choáng váng say rượu ở lăng Đường Kế Nghiêu, bởi vì đây, nàng đem cả sự sống chết để đổi lấy một câu trả lời âm thầm nhưng chắc chắn hơn cả lời Ngọc nói ra thành tiếng: “Anh yêu em’’.
“Tôi đã tuyên thệ gia nhập Việt Minh từ lâu. Tôi biết anh sẽ giết tôi ở đây nhưng trước khi chết tôi muốn tỏ cho anh biết là một cán bộ Việt Minh can trường, không sợ chết. Trước khi anh ra tay tôi cần nói rõ ý định của tôi và nói thẳng với anh rằng anh đừng hy vọng gì lợi dụng được tôi. Anh đã biết thừa sự liên lạc của tôi với Quân, việc Quân cấp giấy cho tôi, mà anh đã trông thấy tận mắt qua khe hở sàn gác, lúc tôi lên anh vờ vĩnh ngắm hoa lựu nở; bằng chứng đã sẵn, anh đã định liệu báo cho Tường biết là dọc đường anh sẽ thủ tiêu tôi. Việc mưu mô với Nam đánh thuốc mê tôi ở Văn Sơn... Nhưng anh không biết khi ở nhà Tường, bao nhiêu biên bản các cuộc hội họp sau khi đoàn đại biểu ở Trùng Khánh về tôi đã cóp được hết... Anh có để ý khi trở về, đoàn khi về mất một người... người ấy đã chạy theo Pháp. Cái anh chàng mắt sâu râu rậm tay lúc nào cũng cầm cái ba-toong... nhưng nói thế anh đủ rõ... đấy là chuyện cũ. Bây giờ ...’’

Thanh ngừng lại.

“Bây giờ tôi có nhiệm vụ – cũng như nhiệm vụ Nghệ nằm dưới kia – đưa anh về Hà Giang để phá tan hệ thống tổ chức bí mật của Ninh. Bây giờ việc ấy anh và anh Tường đã khám phá ra được. Kể các anh cũng giỏi. Anh và Nam định mưu sát tôi nhưng anh Tường đã trông xa hơn vì anh cho là anh ấy và anh đã được cảm tình của tôi. Hôm nay chưa chắc anh giết tôi vì có lệnh anh Tường ở Côn Minh về bảo dùng tôi để anh đi lại tự do cứu thêm được những người còn ở trong bí mật... Có đúng thế không?’’

Ngọc nhìn Thanh kinh ngạc không hiểu sao Thanh lại biết đúng như vậy. Thanh không đợi Ngọc trả lời, tiếp tục nói:

“Tôi đưa anh về Hà Giang. Có nhiều cách làm anh phải chỉ chỗ các đồng chí của anh. Nếu anh gan dạ, mà tôi biết anh gan dạ lắm, thì anh sẽ bị giết. Bây giờ chỉ có hai đường thôi, một là tôi giết anh, hai là anh giết tôi.’’

Thấy Ngọc cho tay vào chỗ giắt bao súng, Thanh nói tiếp luôn:

“Anh không cần tốn đạn, anh chỉ đẩy tôi một cái xuống dưới chân vách đá này...’’

Thanh ngồi thẳng lên, ngả người về phía vực thẩm, mắt nhìn Ngọc như chờ đợi... Ngọc rút khẩu súng ra rồi đặt vào lòng Thanh. Yên lặng một lúc, thấy Thanh không cầm lấy súng, chàng thản nhiên nói:

“Tôi đợi chị.’’

Thanh cầm lấy khẩu súng mân mê trong tay một lát rồi đưa trả lại Ngọc.

“Bây giờ tôi với anh cùng về Hà Giang nếu có chết thì cùng chết.’’

Nàng cúi xuống vách đá, nhìn hai ống xương dài của Tứ rồi đứng lên nói:

“Chúng tôi sẽ gặp anh.’’

Hai người ra chỗ gốc cây quàng túi lên vai rồi rẽ ra đường lớn, yên lặng rảo bước đi, không ai nói với ai một tiếng nào. Đến chỗ rẽ xuống bến đò, Ngọc lấy tay chỉ một con đường mòn:

“Đây là đường xuống bến đò buôn lậu.’’

Hai người cứ đi thẳng theo con đường lớn về cầu sắt Thanh Thuỷ. Đi độ dăm cây số nữa tới Biên-Pao-Ka, Ngọc đưa Thanh vào một nhà quen. Chàng định nghỉ lại đấy một đêm, một đêm cuối cùng ở đất Trung Hoa trước khi cùng Thanh đi vào chỗ chết.


Chương ba mươi bẩy

Người vợ đi vắng ở nhà chỉ có người chồng mắt loà. Ngọc đưa tiền bảo người chồng gọi cô bé nhà bên cạnh đi mua ít trứng gà và sang làm cơm giúp.

Thanh ngồi yên ở bực cửa mắt nhìn ra khu vườn không nghĩ đến việc phụ giúp cô bé thổi cơm, làm các thức ăn. Vẻ mặt nàng nghiêm trang. Thế là điều nàng đã hằng mong mỏi muốn biết nhất trong đời, nàng đã biết rõ. Ngọc yêu nàng, chắc chắn yêu nàng cũng như nàng yêu Ngọc. Cùng với nỗi vui tràn ngập cả tâm hồn nàng thấy dần dần xen vào một sự chán nản lạ lùng. Nàng không thiết gì, không thiết cả sống nữa. Điều mà nàng tìm kiếm nàng đã thấy, đời nàng không còn mục đích gì, như đến đây là hết, chỉ còn sự trống rỗng mông mênh. Thanh nhìn Ngọc đứng dựa ở cột nhà bếp, thản nhiên hờ hững như nhìn mặt người xa lạ, không có liên quan gì đến mình. Tình yêu Ngọc nàng nhận thấy rõ đến đây đã chết hẳn trong lòng nàng. Nàng bảo Ngọc:

“Ăn xong ta cần phải sang Thanh Thuỷ ngay.’’

Ngọc bàn:

“Để sáng mai tiện hơn vì từ Thanh Thuỷ còn phải đi bộ hai mươi cây số nữa mới tới Hà Giang. Mà từ đây về cầu sắt cũng phải hai tiếng đồng hồ nữa.’’

Như cái máy, Thanh nói:

“Tôi có linh tính là cần phải sang ngay.’’

Nàng đứng dậy cho tay vào túi áo rồi gọi Ngọc lại gần:

“Đây giấy của anh. Cần phải giữ riêng lỡ hai người lạc nhau. Còn túi vải thì anh gửi lại nhà này. Đem sang không tiện.’’

Ăn cơm xong Thanh giục Ngọc đi ngay.

Đến bốn giờ chiều hai người đi khỏi Bắc Bảo nơi có bộ đội Tàu đóng, xuống một cái dốc cao đi một thôi đường nữa thấy hiện ra cái lô-cốt bỏ hoang, bên kia dòng sông Thanh Thuỷ nước chẩy xiết dưới chiếc cầu sắt.

Thanh tiến lên trước và khi qua chỗ lính Việt Minh nàng cứ đi thẳng, thản nhiên như một người Tàu vẫn thường qua lại cầu đã nhiều lần. Ngọc đi sau Thanh mấy bước. Vì bộ đội Tàu vẫn thường qua lại nên lính gác để hai người đi qua tưởng như một người lính Tàu cùng sang với vợ. Họ chỉ hơi lấy làm lạ là người lính Tàu trẻ ấy lại có cô vợ nhan sắc như vậy.

Thanh quay lại nói với Ngọc bằng tiếng Vân Nam:

“Đi mau một chút kẻo tới nơi thì trời tối.’’

Ngọc cũng đáp lại bằng tiếng Vân Nam:

“Ngày kia tôi phải về. Đội trưởng chỉ cho phép thế thôi.’’

“Cũng kịp chán lo gì.’’

Hai người nói chuyện phòng xa người lính gác biết tiếng Tàu chăng.

Đi được bẩy cây số hiện ra một cái làng nhỏ, chung quanh có những thửa ruộng lúa chín. Dân Thổ trong làng đương đập lúa ở giữa những cái cót uốn tròn. Văng vẳng có tiếng người hát. Trời về chiều, mặt trời đã gần lặn chiếu vàng cánh đồng lúa. Ở một cái lạch suối có mấy cô gái Thổ đương rửa chân tay, cười đùa nói chuyện vui vẻ. Việt Quốc qua, Việt Minh lại nhưng đời sống của dân vẫn tiếp tục như thường. Vẫn là cảnh hoà bình xa hẳn sự giết chóc lẫn nhau vừa mới xẩy ra cách đây không lâu ở Hà Giang. Trên một thân cây có một tờ giấy dán bị xé rách gần hết, Ngọc còn đọc được mấy chữ viết tay đã nhoè đề: “Tuyên cáo của Việt Nam Quốc...”

Bỗng Thanh đứng dừng lại hỏi Ngọc:

“Từ đây về nhà người đồng chí Thổ của anh, đường đi ra sao? Có phải qua chỗ lính gác nữa không?”

Ngọc đáp:

“Không phải qua. Nhưng còn đi đường nào tôi không rõ.

“Anh thử hỏi đường mấy cô rửa chân kia, chắc họ biết. Đêm ta về đấy ngủ. Như thế tiện nhất, tôi đã nghĩ kỹ rồi. Còn như hỏi họ bằng tiếng Việt hay tiếng Thổ là tuỳ ý anh. Lính Tàu ở biên giới thiếu gì người Thổ, thiếu gì người biết tiếng Việt.”

Ngọc rẽ xuống bờ ruộng, đi về phía mấy cô Thổ đứng. Lúc trở lại, Ngọc bảo Thanh đi được nhưng phải quay về Thanh Thuỷ; khi cách cầu sắt độ một cây số thì có đường tắt.

“Thế thì ta quay trở lại.”

Gần tám giờ tối mới tới. Nhờ có ánh trăng mười tư nên đi không khó khăn gì. Ngọc gọi cổng rồi hai người lên cầu thang. Long có nhà, đương ngồi với bà mẹ gần bếp lửa. Sau khi hỏi hết tình hình, Ngọc cho Thanh biết là Việt Minh chưa kịp nghĩ tới làng này và chính Long là người đứng lên tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc sẵn sàng ủng hộ Việt Minh, để làm bức bình phong che đậy tổ chức bí mật. Đã liên lạc được với các anh em từ Thanh Thuỷ đến Hoàng Su Phì, Pakha và Bảo Hà còn ở trong Việt Quốc. Ngọc giới thiệu Thanh với Long rồi đưa giấy của Quân cấp cho Long coi.

Vì đêm trời lạnh, Thanh ngồi gần lửa cho ấm nhưng không bắt chuyện với bà mẹ Long. Nàng vẫn có dáng tư lự và tránh không nhìn Ngọc. Ngọc tuy thấy thái độ của Thanh khác hẳn nhưng chàng cho là vì đương làm việc trong một hoàn cảnh nguy hiểm đặc biệt, tinh thần căng quá độ nên Thanh không vui cười tinh nghịch nữa và cũng không dám nghĩ đến những sự yêu đương.

Ngọc dặn Long cho ngay một ít anh em hơi lộ qua bến đò buôn lậu sang công tác trạm Ma-Lì-Pố rồi sáng sớm hôm sau cùng Thanh đi Hà Giang vào ra mắt Tỉnh đảng Bộ trưởng và đưa trình giấy của Quân. Thanh biết chắc là Quân chưa liên lạc được với Hà Nội, mà dẫu có liên lạc được cũng còn lâu mới có chỉ thị của Tổng bộ lên tới Hà Giang. Hai người yêu cầu cấp giấy để đi lại tự do từ Đồng Văn về Hoàng Su Phì. Sau khi đã báo cho một số cán bộ lộ liễu và dặn cách thức sang đất Tàu liên lạc với ai, Thanh và Ngọc trở lại Hà Giang.

Gần đến tỉnh, Thanh dặn Ngọc:

“Anh làm như về chậm, rồi đi ngay đến nhà đồng chí Long đợi tôi ở đấy. Tình hình ra sao tôi sẽ báo anh ngay.”

Thanh lại nhà riêng Văn, nhân viên phụ trách mật vụ của Việt Minh. Nàng đã mượn được của bọn chị em trong phụ nữ cứu quốc một bộ quần áo ta. Tuy về Hà Giang nước độc nhưng nàng vẫn giữ được sức khoẻ, đôi má không đánh phấn cũng vẫn ửng hồng như hồi còn ở Mông Tự. Hỏi chuyện lân la nàng đã biết được rằng Tuyên Quang đã liên lạc được với Quân qua Hà Nội và biết rõ nhiệm vụ nàng cốt dụ Ngọc về để đi sâu vào tổ chức bí mật của Việt Quốc ở biên giới. Nàng nói:

“Công việc đã tiến hành khả quan. Tôi đã biết gần hết chỉ còn miền Hoàng Su Phì...”

Văn ngắt lời:

“Tôi còn đương dò xét vì sao nhiều cán bộ Việt quốc do tôi điều tra ra, đã bỏ đi đâu mất từ hôm Kim về đây. Tôi e đồng chí bị Kim đánh lừa.”

Thanh cười:

“Họ sợ thì họ chuồn. Có một số đã sang Ma-Li-Pố vì lúc tôi đi với Ngọc đến thì họ đã chuồn mấy hôm trước rồi.”

Yên lặng một lúc rồi Văn nói:

“Còn tên Long ở gần Thanh Thuỷ nữa. Hắn đứng ra tổ chức Thanh niên Cứu quốc nhưng sự thực thì... tôi định cho người đi bắt anh ta đêm nay.”

Thanh ngắt lời:

“Long ấy tôi biết rõ hơn đồng chí nữa. Đấy là đầu mối để lùng ra hết thẩy tụi nó từ Thanh Thuỷ tới Hoàng Su Phì. Tôi đợi Kim rồi sẽ cùng đi với Long. Bắt Long chỉ bắt được một người. Mai Kim về tôi sẽ đi ngay rồi tôi báo cho đồng chí tóm cả một xâu dài.”

Nàng lại cất tiếng cười:

“Nếu mai Kim không về đồng chí sẽ cho đi với tôi một cán bộ mới ở vùng xuôi lên như vậy họ không biết mặt, tôi sẽ giới thiệu là người của Kim. Khẩu hiệu của họ, Kim đã nói hết cho tôi hay. Thôi bây giờ tôi về nhà bà chủ giây thép nghỉ. Hôm nay bà ấy làm tiệc mừng tôi mới về.

Thanh đứng lên vươn vai, hai mắt nàng sáng long lanh nhìn Văn. Nàng về nhà dây thép nói với ông bà Sự vì bận công tác gấp nên không dự tiệc mừng được. Nàng đổi ra mặc bộ áo Tàu lam sẫm rồi đi thẳng về phía Thanh Thuỷ. Lính gác biết nàng nên không ai hỏi giấy. Tuy vậy nàng cũng thấy tim đập mạnh. Ra khỏi trạm lính gác Thanh đi mau gần như chạy. Trăng hạ tuần, trời lại có mây, ánh sáng chỉ mờ mờ song nàng cũng nhận ra được đường cánh đồng cạnh làng Thổ lúa đã gặt hết qua luỹ tre thấp thoáng có ánh đèn nhà ai. Lúc tới làng Long ở thì gần mười một giờ đêm.

Thanh gõ cửa theo hiệu đã định sẵn. Bà mẹ Long ra mở cửa nói là Long đi vắng hôm sau mới về. Thanh dặn bà mẹ cho người đi ngay báo Long tạm ẩn nấp rồi tìm cách sang Ma-Li-Pố. Nàng đánh thức Ngọc dậy:

“Biến rồi. Cần phải đi ngay sang đất Tàu.”

Ngọc hỏi qua tình hình nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói:

“Nhưng bây giờ một giờ sáng, lấy cớ gì mà qua cầu.”

Thanh ngồi xuống suy nghĩ trong khi Ngọc mặc quần áo nhà binh Tàu:

“Được anh cứ đi với tôi. Chúng mình sẽ nói là sang gặp lão tri huyện Khai Hoá để điều đình về việc họ đào mốc lấn sang đất mình. Anh cởi áo nhà binh Tàu ra chỉ mặc áo len với sơ mi thôi.”

Trong khi đó thì Văn cảm vì sắc đẹp của Thanh nên muốn đợi khi bà chủ nhà dây thép ăn tiệc mừng xong sẽ kiếm cớ ghé qua để uống cà-phê và gặp mặt Thanh nói chuyện. Lúc tới nơi, Văn ngồi nói chuyện với hai ông bà chủ dây thép, uống hết cốc cà-phê nhưng tuyệt nhiên không thấy Thanh ở trên gác xuống. Chàng hỏi:

“Đồng chí Thanh hôm nay mới về chắc mệt, ăn tiệc xong chắc đi ngủ sớm.”

Bà Sự cười nói:

“Các anh chỉ khéo vờ vĩnh. Chị Thanh đi công tác gấp thành thử vợ chồng chúng tôi bị ế cơm.”

“Thế à?”

Văn chợt hiểu ngay. Chàng kiếu từ rồi ra trạm gác đường đi Thanh Thuỷ hỏi mấy người lính gác:

“Có ai qua đây không? Có nữ đồng chí Thanh đi qua đây không?’’

Lính ở bóp gác nói:

“Tôi không biết tên nhưng có cô gì ở đoàn phụ nữ, hôm nọ diễn kịch ở chợ... cô ấy mặc áo Tàu vừa đi qua đây độ gần một giờ đồng hồ.”

Văn gọi hai người lính ở trong bóp ra:

“Hai đồng chí đem súng đi ngay với tôi. Đi ngay có việc khẩn cấp.”


Chương ba mươi tám

Thanh và Ngọc tới cầu. Lính gác giữ lại hỏi. Ngọc đưa giấy ra nói:

“Chúng tôi phải sang ngay gặp viên tri huyện Khai Hoá ở Ma-Lì-Pố để điều đình về việc họ xe dịch mốc số 13. Cần phải đi sớm để sáng mai gặp viên Tri huyện, chiều mai về ngay báo cáo cùng đồng chí Tỉnh Bộ Trưởng. Đây là đồng chí Thanh, ở với tôi bên Côn Minh đã lâu năm tiếng Tàu thạo lắm.”

Lính đòi xem giấy của Thanh. Cả hai người không những có giấy của Tỉnh Đảng bộ Hà Giang lại có cả giấy ở Côn Minh cấp nên lính chào rồi để hai người đi.

Vừa qua khỏi cầu được quãng xa, quay lại thì có ánh đèn pin ở bên kia sông Thanh Thuỷ rọi sang rồi tắt ngay. Một tiếng súng nổ vang trong đêm thanh vắng. Vì có ánh trăng mờ và mầu trắng chiếc áo len cùng màu vàng nhạt quần nhà binh của Ngọc nên lính bắn luôn hai phát nữa. Thanh mặc áo lam sẫm lẫn với cỏ nên Văn không trông thấy.

Đến phát súng thứ ba Ngọc ngã khuỵu chân xuống. Chàng cố bò đến chỗ có một mô đất dài chạy theo dọc đường. Ngọc nói:

“Chị đừng ra, chị đừng ra!”

Nhưng Thanh đã chạy đến vực chàng lên, tay ôm ngang lưng rồi dìu chàng về mô đất. Văn trông thấy một bóng sẫm bên cạnh bóng trắng mờ của áo Ngọc. Chàng đoán ngay đó là Thanh, miệng lẩm bẩm:

“Quân phản bội” rồi ra lệnh cho lính bắn:

“Nhắm thật kỹ.”

Một phát súng nổ. Thanh nói:

“Em cũng bị rồi.”

Nàng giơ tay trái ôm lấy ngực nhưng tay phải vẫn nắm chặt lấy vai Ngọc. Chân nàng chắc không việc gì vì nàng vẫn dìu Ngọc rất nhanh về phía mô đất, lấy thân hình che cho Ngọc. Hai người vừa đi khuất sau mô đất thì tiếng súng ở bên kia sông bắt đầu im.

Thanh đặt Ngọc ngồi tựa vào thành đất, hai chân Ngọc duỗi thẳng; máu ra ướt cả ống quần và hơi loang lên áo sơ mi. Nàng vén dần ống quần Ngọc lên nhưng vì chỗ bị thương ở trên cao nàng không biết là ở bắp đùi, ở hông hay ở bụng dưới. Nàng nắn vào bụng và hông, hỏi Ngọc:

“Anh có thấy đau không?”

Ngọc lắc đầu rồi hỏi:

“Chị bị thương ở đâu?”

“Chắc tôi bị ở cạnh sườn.”

Thanh cởi áo ngoài ra và giơ tay trái lên rồi cúi nhìn xuống máu đỏ loang cả một bên áo cánh. Không may, lúc đó mây đen ở đâu kéo đến nghịt trời, ánh trăng gần như không có nữa, trông ra chỉ một màu trắng đục như sương mờ. Thanh nhìn kỹ thì quả là sương đêm bắt đầu xuống bao phủ quanh hai người. Thanh nói:

“Anh dựa đầu vào đây rồi để yên chân đừng động đậy. “

Nàng giơ tay phải để Ngọc tựa làm gối rồi cả hai đều yên lặng. Một lúc sau Ngọc nói:

“Bị thương ở đâu cũng chẳng quan trọng. Bây giờ không có súng bắn sang nữa, nhưng biết đâu tụi Việt Minh không qua cầu rồi cho mình vài báng súng. Nhưng rất có thể tụi họ tưởng chị không việc gì mà hai người đã đi đến đây chắc có thể chạy rất xa rồi; có khi họ tưởng chúng mình chạy đi báo bộ đội Tàu đóng ở Bắc Bảo.”

Ngọc rút súng lục cầm sẵn ở tay:

“Họ tất cả có vài ba tên lính, nếu họ sang đây, chưa chắc đã một tên lính nào về được. Mây đen phủ kín mặt trăng và sương bắt đầu xuống là một lợi thế cho mình. Chúng ta sẽ chống cự đến viên đạn cuối cùng; nếu có bị chắc họ sẽ phải khiêng chúng mình qua cầu và chôn ở bên ấy. Việt Minh có bao giờ chịu đào đất để chôn người. Sẵn những cái hố của tụi Nhật họ chỉ việc ẩy mình xuống rồi lấp qua. Tôi với chị thế là vô hình chung được chôn cùng một huyệt.”

Thanh cởi hẳn áo ngoài của nàng ra, bảo Ngọc xé thành từng tấm dài rồi quấn chặt lấy chân Ngọc từ hông xuống tận đầu gối. Còn một nửa, nàng bảo Ngọc quấn quanh ngực mình. Hai người mệt lả cùng dựa vào thành mô đất, đầu Ngọc vẫn gối lên cánh tay Thanh. Ngọc ngả đầu về phía má Thanh, khẽ nói:

“Tôi thấy mệt lắm.”

“Tại anh mất nhiều máu quá.”

Yên lặng một lúc rồi Ngọc nói nhỏ dần:

“Tôi không sống được... trước khi chết tôi định nói một câu với chị, đã bao lần tôi định nói nhưng lại thôi...”

Thanh nghiêng đầu, má nàng gần chạm má Ngọc:

“Tôi đã hiểu, nhưng câu ấy đừng bao giờ anh nói ra; tôi cũng đã rất nhiều lần muốn nói với anh đúng câu anh định nói nhưng không bao giờ tôi nói. Có một điều lạ, chính tôi cũng không hiểu tại sao; chắc anh còn nhớ hôm tôi khóc ở chỗ Tứ bị giết rồi đến ở nhà người Tàu loà không? Hôm ấy chắc anh cũng nhận thấy tôi như người mất hồn; xin thú thực với anh là lúc đó tôi thấy... tôi thấy tình tôi yêu anh đã chết hẳn rồi. Đêm nay tôi mới biết là tôi đã lầm, khi tôi đi nhanh như chạy từ Hà Giang đến Thanh Thuỷ, chân vấp vào đá đến chảy máu mà không hay để báo tin anh biết là có biến...”

Sương mù xuống một lúc một dầy. Hai người như xa hẳn, thoát hẳn mọi thứ, cùng ngồi yên đợi cái chết. Ngọc nói:

“Này chị, tôi còn nhớ hôm ở Tả Quán Lầu bàn đến lúc phạm nhân trước khi chết cần nhìn một thứ gì đẹp, nghe một điệu nhạc hay những tiếng ngâm thơ.”

“Để tôi sẽ ngâm anh nghe bài thơ anh làm khi bắt đầu biết yêu... mà có lẽ anh và cả tôi nữa đều nghe lại lần cuối cùng trong đời.”

Thanh để hết cả tâm hồn khe khẽ ngâm, tiếng thoảng nhẹ như hơi gió trong đêm trăng sương mù:

“Đêm sương thoảng tiếng ai trong gió,
Lòng hỏi lòng biết có hay không?
Hay chăng tiếng vọng mơ mòng
Của lòng mình nói cho lòng mình nghe...”

Tiếng ngâm dứt đã từ lâu nhưng dư âm còn vang mãi trong hồn Ngọc. Tự nhiên chàng nghĩ đến hôm đi chơi hồ, Thanh ngâm bài phú Xích Bích và nói bây giờ còn đâu Tào Tháo, Chu Du nhưng câu thơ hay của Tô Đông Pha và ánh trăng trên dòng sông Xích Bích thì còn mãi mãi. Chàng nghĩ Thanh và chàng có thể lát nữa sẽ chết; Việt Quốc, Việt Minh ám hại lẫn nhau cũng không còn nữa. Nhưng tiếng ngâm của người yêu thì như mãi mãi bàng bạc trong không gian của những đêm sương lạnh.

“Chị có thấy lạnh không?”

Thanh chạm má mình vào má Ngọc; nàng thấy hai làn da thấm hơi lạnh lẫn nhau như hai linh hồn cùng hoà làm một để lát nữa tan đi trong cái mênh mông của hư vô.


*


Trời đã sáng màu sương trở thành trắng đục rồi tan dần. Trên một vài cây thông nắng đã bắt đầu lao xao ở những đầu lá đọng sương. Thanh cúi xuống nhìn chỗ vết thương của Ngọc rồi nói:

“Anh bị thương ở đùi thì không chết đâu. Tôi cũng chỉ bị đạn sướt qua ngoài sườn không sao.”

Ngọc hỏi:

“Thế bị ở đâu mới chết?”

Thanh mỉm cười:

“Bị ở tim.”

Sương đã tan hết, trời cao và rộng bao la. Hai người cùng yên lặng nhìn màu xanh của nền trời không vẩn một đám mây, ngơ ngác như lấy làm lạ rằng còn được trông thấy ánh sáng của thế gian. Ngọc nhấc đầu khỏi cánh tay Thanh, xoay mặt về phía nàng rồi nắm chặt hai bàn tay người yêu trong tay mình, nói:

“Không có chị thì tôi đã chết rồi.”

Thanh mỉm cười rất nhẹ rồi đáp lại:

“Không có anh thì tôi cũng không sống được.”

Nàng mím miệng cắn một bên môi; chiếc răng cửa mỗi lúc cắn một mạnh hơn cho đến khi môi nàng rơm rớm máu. Hàng lông mi dài và cong của nàng thong thả hạ thấp xuống, hàng mi dưới lại vòng lên như cười và con ngươi nàng hơi rung rung sáng. Mắt nàng Ngọc cảm thấy như đương ngắm một thứ gì đẹp lắm. Ngọc định cúi xuống hôn vào hai con mắt thân yêu ấy, hai con mắt mà chàng cảm thấy như là biểu hiệu cho sự sung sướng của cả một đời chàng. Một lúc sau Thanh ngước mắt hỏi:

“Nếu chúng mình sống sót thì chúng mình sẽ làm gì?”

Ngọc đáp:

“Thì lại chui đầu vào cái ‘guồng máy’.”

Thanh ngẫm nghĩ rồi gật đầu, mắt thoáng một tia vui tinh nghịch:

“Nếu không có guồng máy nào nữa em cũng phải cố bịa ra một cái để em với anh có chỗ chui vào.”

- Hết -

© 2007 talawas



[1]Sẽ gặp bố, một ngày gần đây.
Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thuá»·, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Má»›i tái bản tại Hoa Kỳ. Bản Ä‘iện tá»­ do ông Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của gia đình tác giả.