trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
2.1.2007
Nhất Linh
Giòng sông Thanh Thuỷ
(ChÆ°Æ¡ng 4, 5, 6)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Chương bốn

Trời đã về đêm. Trên con đường phố tối đen đưa đến nhà Thanh, Ngọc rảo bước đi mau. Gió lạnh ban đêm thổi mạnh nhưng Ngọc quên cả lạnh tuy chàng chỉ mặc một chiếc áo sơ-mi mỏng. Lòng chàng háo hức như những khi có một việc rất quan trọng xẩy ra cho Đảng và rất nguy hiểm cho chàng. Tự nhiên, từ trong thâm tâm Ngọc chợt thấy một nỗi vui đương nẩy nở khiến chàng choáng váng.

Lúc tới nhà Thanh, cửa hàng còn hé mở để đợi vài người khách Trung Hoa đi chơi khuya. Thấy Ngọc vào Thanh hỏi:

“Anh lại muốn uống cà-phê nữa? Hôm nay cốc thứ mấy rồi?”

quanh không có khách nào và tuy biết Thanh chỉ ở có một mình, Ngọc cũng không ngần ngại bảo Thanh như ra lệnh:

"Cô đóng ngay cửa hàng lại."

Thanh đứng trân trân, không nhúc nhích, ngơ ngác về lời nói lạ lùng của Ngọc. Ngọc không lưỡng lự lấy tay tự cài then cửa rồi bảo Thanh:

"Cô tắt hết các nến đi. Chỉ để một cái thôi rồi cô đem đèn lên gác với tôi."

Thanh nhìn Ngọc tưởng như chàng mới hoá điên, song nàng cũng làm theo lời Ngọc bảo, vì không có cách nào khác. Lên tới nửa cầu thang, Ngọc hỏi:

"Nhà cô còn gạo không? Có lạp-xường không?"

Thanh nghĩ thầm chắc Ngọc hoá điên thật rồi. Cây nến nàng cầm nghiêng hẳn đi, rỏ giọt xuống bàn tay mà nàng không để ý tới.

Lên gác, Ngọc ngồi xuống cái ghế mây bảo Thanh:

"Đêm nay tôi ngủ ở đây với cô. Ngủ suốt đêm. Cô cầm đèn xuống rồi pha hai cốc phin, một cốc cho cô, một cốc cho tôi. Cà-phê thì chắc cô còn nhiều. À nhưng tôi cũng cần phải xuống nhà theo cô, nhỡ... Nào ta cùng xuống."

Lúc Thanh đang loay hoay pha cà-phê, Ngọc hỏi:

"Sao tôi hỏi cô không trả lời. Nhà cô còn bao nhiêu gạo, có lạp xường không?"

Thanh đáp:

"Nhà lúc nào chẳng có gạo. Chắc anh muốn ăn cơm với lạp xường nhưng tiếc rằng nhà tôi chỉ có ruốc."

"Ruốc cũng được, nhưng ăn cơm với ruốc mãi chắc là xót ruột. Ruốc với gạo có đủ ăn trong nửa tháng không?"

Lên trên gác, khi hai người ngồi đối diện uống cà-phê, Thanh mới hỏi:

"Anh định hỏi thế làm gì?"

Ngọc không đáp lại câu Thanh hỏi; chàng dịu giọng nói:

"Cô có muốn cho tôi sống không?"

Thanh bất giác mỉm cười:

"Tiền anh vừa đưa tôi để trừ dần vào tiền uống cà-phê, anh chết có lẽ lợi cho tôi hơn."

"Này cô Thanh, tôi không đùa đâu, nếu cô muốn tôi sống thì từ đêm nay cho đến khi tôi về, cô không được đi ra khỏi nhà, cô phải chịu khó xót ruột ăn cơm với ruốc, còn cửa hiệu thì cô đóng nó lại. Có lẽ lúc này cô nên ốm, nhất là bị sốt rét thương hàn thì tiện quá. Hay là tôi bảo anh Bình tiêm cho cô, ốm như thế đỡ phải ăn."

Thanh lại mỉm cười:

"Thế ra anh muốn tôi ốm. Tôi chết để anh sống lấy một mình! Anh muốn tôi ăn cơm với ruốc, không ra khỏi nhà trong nửa tháng lại ốm bệnh thương hàn như thế để làm gì? Anh chưa trả lời câu tôi hỏi anh."

Ngọc uống một hớp cà-phê rồi nói:

"Tại sao? Tôi không thể nào nói cho cô rõ được."

Thanh ra mắc lấy một chiếc áo len đàn bà đưa cho Ngọc:

"Anh mặc tạm."

Nàng lại ngồi xuống ghế, ngắm Ngọc xỏ hai tay vào chiếc áo đàn bà rồi bật lên cười. Bây giờ thì nàng đã biết không phải Ngọc lên cơn điên.

Nàng nói:

"Tôi hiểu cả rồi. Anh nghi ngờ tôi, hay đúng ra anh bắt buộc nghi tôi, chứ thực ra anh không nghi. Tôi hiểu. Các anh khác nghi ngờ tôi, sợ tôi báo cho Tứ với Nghệ biết hoặc ra bưu tín cuộc đánh điện đi Khai Viễn cho các đồng chí ở đó. Nhưng anh không nghĩ tới chỗ nhà chỉ có tôi là đàn bà ở một mình mà anh lại đòi ngủ ở đây suốt đêm. Anh không sợ làm xấu tiếng tôi à? Phiền một nỗi nhà chỉ có cái giường nhỏ với một cái màn. Anh định bảo người tiêm cho tôi ốm thì bây giờ đã có muỗi tiêm cho tôi thay người rồi, chắc là anh bằng lòng lắm."

Ngọc nói:

"Cô cứ vào giường nằm, tôi, tôi sẽ thức suốt đêm nay."

"Nhưng sáng mai anh phải dậy sớm mà con đường đi Văn Sơn nghe nói xấu lắm. Anh cần nghỉ hơn tôi. Tôi, tôi có nửa tháng tha hồ ngủ, tha hồ ăn cơm ruốc, tha hồ uống cà-phê của cô Thanh ngon nhất Mộng Tự. Còn thực ra tôi là cô hay là bà, đố anh đoán được."

Ngọc lấy bao thuốc lá Lucky, rút ra hai điếu.

"Mời chị xơi."

Lần đầu tiên chàng gọi Thanh là chị như những nữ đồng chí khác. Thanh cũng để ý đến việc đổi lối xưng hô của Ngọc; nàng nhíu lông mày châm thuốc vào ngọn nến rồi nói:

"Anh chắc đoán tôi là bà, nên mới đổi lối xưng hô, gọi tôi bằng chị, hay là anh coi tôi như một nữ đồng chí. Tôi đồng chí gì với anh, một người đến để canh gác tôi, mà lại đòi canh gác suốt cả đêm. Cũng may người canh ngục của tôi mai lại đi sớm."

Ngọc nói:

"Thật đấy, sở dĩ tôi gọi chị bằng chị là vì bắt đầu từ đêm nay tôi coi chị như một đồng chí. Sáng ngày tôi đã thành thực kể rõ đời riêng của tôi và vì cớ gì tôi sang đây làm cách mệnh. Bây giờ chị cũng kể qua cho tôi hay tại sao chị sang đây. Lúc chiều, chị có bảo đời chị lại còn khổ hơn cả đời tôi nữa."

Ở ngoài, trời bắt đầu đổ mưa to. Ngọc và Thanh cùng nói một lúc, giọng vui mừng:

“May quá.”

Ngọc nói:

“May vì tôi có ngủ quên chị cũng không đi đâu được.”

“Còn tôi may vì cái giếng sau vườn của tôi đầy nước, tôi có phải ở nhà một tháng cũng không lo chết khát. Anh giam tôi nửa tháng mà anh chỉ nghĩ đến cơm và lạp xường thôi. Trời mưa, vườn rau của tôi chắc tốt, tôi không phải xót ruột vì ăn cơm với ruốc. Tôi có ba luống rau cải xanh và cúc tần, ăn tha hồ mát ruột. Nào bây giờ tôi kể qua đời tôi cho anh nghe. Tôi đã có chồng và trước khi lấy chồng tôi cũng đã yêu như anh yêu cô Thuý của anh.

Lúc mới lấy chồng, tôi có nhiều của hồi môn lắm. Thầy mẹ tôi mở hiệu vàng đã lâu năm nên rất giầu có. Về sau nhà tôi ham mê cờ bạc, cá ngựa, tằng tịu với không biết bao nhiêu là cô, và có lúc bao đến bốn năm cô. Tôi không nghi ngờ gì cả. Vẫn yêu chồng như khi mới lấy. Tôi lại có tính thích chiều chồng; nhà tôi vì vậy cứ mượn cớ này cớ khác nói là cần nhiều tiền lo lót để chạy một chân ‘tri huyện tắt’. Dần dà vốn liếng, tư trang của tôi hết sạch. Thầy mẹ tôi lại bị bệnh chết trong vòng một tháng. Đau đớn nhất cho tôi là chồng tôi đã đánh lừa tôi một cách khả ố, đã đưa tôi ra kiện tại toà đòi ly dị.

Tôi sống trơ vơ trong cảnh túng thiếu, đến lúc biết rõ sự thực về hành động của chồng tôi thì tôi đâm chán ghét hết thẩy mọi thứ, thù ghét bất kỳ người đàn ông nào. Nhân có người bạn gái sang Vân Nam buôn đào, tôi liền đi theo sang đây để buôn bán. Ý tôi lúc đó không muốn về nước nữa. Ở lại Côn Minh mượn vốn người bạn gái đi mua rau, mua đào gửi về cho bạn bán. Lâu dần tôi có một số vốn khá lớn, nên về Mông Tự mở hiệu cà-phê, chỉ cần hoà vốn và sống một đời yên thân. Tôi không ngờ sống cô độc mãi cũng buồn và lắm lúc muốn về quê thăm mộ thầy mẹ tôi, thăm lại nơi làng cũ, ở đấy tôi đã sống một đời thật sung sướng trước khi lấy chồng. Tôi đã yêu, tôi đã bị người yêu lừa, không như anh, dầu sao cũng còn được giữ lại một kỷ niệm tuy đau buồn nhưng vẫn tốt đẹp về mối tình đầu trong đời mình. Anh, anh đã tìm đưọc một con đường đi, còn tôi...”

Thanh nói xong lấy khăn tay chấm lên hai khoé mắt. Nàng khóc vì đau khổ, nhớ bố mẹ, nhớ quê hương nhưng cũng vì uất ức bị chồng cũ lừa. Có một điều Thanh không nói ra là nàng đã gia nhập Việt Minh như một số người quốc gia yêu nước khác. Đúng như lời nàng đã nói với Ngọc, nàng cũng bị cái “guồng máy” cách mệnh lôi cuốn; nàng cũng đã cảm thấy đương bị lừa một lần nữa nhưng lần này thì tuy biết, nàng cũng không thoát khỏi. Rồi một ngày kia, gặp Ngọc đến hàng mình uống cà-phê, nàng đem lòng yêu, yêu tha thiết nhưng lại đau đớn thấy Ngọc yêu Phương.

Thanh cúi mặt tay bóp trán:

“Đời em khổ lắm. Khổ mà không thấy có một hy vọng gì ở đời nữa.”

Nói xong Thanh nức nở khóc và để cho nước mắt giàn giụa trên hai gò má. Ngọc yên lặng đợi cho Thanh khóc cho hết cơn. Ở ngoài nhà vẫn mưa to gió lớn.

“Chị Thanh này, sao chị không làm như tôi. Đời vẫn còn nhiều hy vọng, nhiều cái đáng làm để quên. Những tức giận, đau buồn dầu sao cũng là nhỏ đối với việc lớn mình định làm. Nếu chị quyết tâm thì tôi sẽ giới thiệu chị, để chị giúp vào công việc chung. Chị sẽ vào chi bộ của tôi vào làm việc cùng với tôi; ý kiến chị thế nào?”

Thanh nói:

“Không thể được. Tôi chán hết thảy, mà sống yên ổn như thế này cũng buồn. Tôi cám ơn anh nhưng rất tiếc không thể nhận lời anh được.”

“Vì cớ gì?”

“Không vì cớ gì cả. Tôi không thích. Anh cứ theo chí hướng của anh rồi anh kể những công việc anh làm cho tôi nghe. Nếu lần này không đi với anh được thì để lần khác vậy; nhưng tôi chỉ thích đi ngao du, còn dự vào công việc cách mệnh thì tôi xin chịu. Tôi sẽ đợi anh về, và tôi tin chắc thế nào anh cũng sống mà về; trong lúc anh đi tôi xin cam đoan không ra khỏi nhà và ăn cơm với ruốc, lỡ anh đi có hỏng việc, anh bị giết, không ai đổ tội cho tôi được và nhất là anh khỏi mang tiếng xấu. Mai anh đi rồi thế nào lại chẳng có các anh khác đến rình tôi, rình, tha hồ rình, miễn là đừng bắt tôi phải ngủ chung nhà mỗi đêm với một người. Mà đừng có anh nào nhân cơ hội đến uống quỵt cà-phê. Nếu uống quỵt thì tôi sẽ lấy số tiền của anh vừa đưa tôi trừ đi. Tôi cũng còn lãi chán.”

Thanh vừa nói vừa cười trong nước mắt. Nàng bảo Ngọc:

“Hay là ta thức suốt đêm nay nói chuyện. Anh có đi đường mệt thì mặc kệ anh. Còn tôi thì trong nửa tháng bế quan toả cảng, ngồi ro ró, chẳng có ai để nói chuyện nữa. Thức suốt đêm nay, mai chẳng cần ai tiêm tôi cũng ốm, tôi đóng cửa hiệu ngủ lỳ cho sướng thân. Anh nghĩ thế nào?”

“Thì thức suốt đêm. Mai tôi đi, ngồi ngủ trên xe cả ngày, vả lại tôi khoẻ sức lắm. Thức vài ba đêm liền vẫn đi được ba mươi cây số một ngày. Nhưng cần nhất là phải có cà–phê thật đặc. Khuya lát nữa chị phải nấu cháo ăn; chắc ăn cháo hoa với ruốc thì ngon tuyệt. Sáng sớm mai tôi ở đây về qua nhà rồi ra thẳng xe.”

Chàng hát vui vẻ:

“Ăn cháo hoa... hay là... là ăn ruốc."

Thanh nhìn Ngọc:

“Mai thế nào anh chẳng qua nhà cô Phương.”

“Chị nói tôi mới nghĩ tới. Qua làm gì?”

“Để từ biệt chứ.”

Ngọc tắc lưỡi một cái:

“Số là cô ấy định biếu tôi cái áo len nhưng như ngữ ấy đan thì cũng phải dăm bẩy ngày mới xong. Vả lại tôi đã có sẵn áo rét khác rồi.”

Thanh nhìn vào ngực Ngọc:

“Hay là anh mặc cái áo len này đi. Tôi biếu anh đấy.”

“Chị bảo tôi mặc áo len đàn bà này à?”

“Mặc ở trong cho ấm ai biết đâu.”

“Vâng, chị cho thì tôi xin nhận để mặc trong người cho ấm. Nhưng chị lấy gì mặc.”

“Anh chẳng cần lo; tôi đan một cái khác như thế đỡ buồn. Ở nhà ốm giả vờ, cứ nằm lỳ trong chăn thì cần gì áo. À, hay là tôi sốt rét nằm trong chăn rên khừ khừ?”

Hai người cùng bật cười và câu chuyện mỗi lúc một thêm thân mật. Thanh đứng dậy nói:

“Để tôi xuống pha thêm hai cốc cà-phê nữa, tối nay tôi uống thi với anh. Rồi anh kể chuyện về đời anh tỷ mỷ cho tôi nghe. Tôi cũng đem chuyện đời tôi lúc còn nhỏ kể anh nghe cho vui.”

Đêm ấy hai người thức suốt đêm, mải nói chuyện quên cả mệt. Tang tảng sáng thì trời tạnh.

Thanh mở cửa sổ rồi bảo Ngọc:

“Anh ngắm cây lựu đẹp của anh một lần nữa cho đỡ nhớ. Khi anh về, tôi để dành một quả chín ngon nhất để anh xơi.”

người cùng ngắm cây lựu ngoài vườn. Trời trong; gió hơi lành lạnh thổi qua cửa sổ. Ngọc đứng lên:

“Thôi tôi đi kẻo trễ. Chúc chị ở lại mạnh giỏi.”

Thanh cười, đôi mắt sáng và trong:

“Anh chúc tôi ốm thương hàn thì tiện việc cho anh hơn.”

“Vâng, thì chúc chị ở lại ốm thật nặng.”

Thanh nói:

“Cám ơn anh. Thôi anh đi."

"Chị ở lại. Độ mươi hôm nữa tôi về. Chị cứ tin chắc là tôi về."

Hai người yên lặng nhìn nhau một lúc lâu rồi Ngọc xuống thang gác. Tới chân cầu thang, chàng ngước mắt nhìn lên thấy Thanh cũng đứng tựa vào tường như sáng hôm qua nhìn theo. Ngọc giơ tay vẫy rồi mở cửa đi ra phố.

Một lúc sau Thanh cũng xuống nhà dưới, đóng cửa lại. Nàng gục đầu vào cánh cửa, môi nở một nụ cười sung sướng. Rồi nàng lên gác đắp chăn tận cổ nghĩ vơ vẩn. Đương thiu thiu, bỗng có tiếng gõ cửa. Thanh đoán là người của Việt Quốc vờ đến uống cà-phê để dò xét nàng. Thanh hỏi từ trên gác xuống:

"Ai đấy?"

"Tôi đây, Lăng đây. Sao hôm nay cô mở hàng muộn thế?"

Thanh cất tiếng nói thật to:

"Hôm nay tôi đóng cửa hiệu. Anh chịu khó đi hàng khác vậy. Tôi đương ốm thập tử nhất sinh. Tôi vừa bị sốt rét ngã nước, vừa bị thương hàn. Đúng mười lăm hôm nữa thì tôi khỏi.”

Nàng úp mặt xuống gối, cười vui vẻ.


Chương năm

Ngọc về qua nhà lấy túi đồ đạc. Xuân còn ngủ nhưng Việt đã dậy. Chàng viết vội một lá thư cho Ninh nói chàng biết chắc chắn Thanh là người quốc gia, nhất định không phải cộng sản rồi đưa cho Việt, dặn Việt trao tận tay Ninh. Ngọc quàng túi lên vai:

“Em đi đây.”

“Chắc chú về biên giới. Chú được đi công tác luôn, còn tôi cứ phải ngồi mãi ở đây bàn suông. Lắm lúc tôi cũng muốn đi như chú.”

Ngọc chào Việt:

“Lần khác anh sẽ đi với em. Anh nói em gửi lời thăm chị. Mong anh mượn được vốn mở cửa hàng bán cơm Tây cho bộ đội Mỹ để em được ăn súp luôn. Súp hôm qua chị nấu khéo quá. Em chắc Mỹ cũng phải khen ngon. Nhưng nếu anh mở được hiệu ăn thì anh lại phải ở lại Mông Tự. Nhưng giúp anh kinh tài cho Đảng thì còn ích lợi cho đoàn thể hơn việc chạy loăng quăng như em. Anh em gọi đùa em là ‘Ngọc châu chấu’ quả thật không oan.”

Ngọc bắt tay Việt rồi theo con đường ra chỗ đoàn xe Mỹ thường đậu để đi Khai Viễn. Ra đến nơi, Minh, giao thông viên đưa chàng giấy phép của bộ đội Mỹ. Nghệ và Tứ đương đứng đợi, lẫn trong bọn người Tàu. Ngọc nhận ngay ra Tứ và Nghệ. Tự nhiên chàng thấy có thiện cảm với Tứ và ác cảm với Nghệ.

Chàng tiến lại gần hai người:

“Chắc hai anh là đồng chí Tứ và Nghệ... Các anh đã có giấy đi xe chưa?”

Tứ đáp:

“Đã có đủ rồi. Chắc độ mưòi lăm phút nữa thì xe chạy. Tất cả có ba xe. Chúng ta lên cả một xe, dọc đường nói chuyện cho vui.”

Ngọc đáp:

“Vâng.”

Rồi chàng tự giới thiệu:

“Còn tôi là Ngọc."

Tứ hỏi:

"Độ bao giờ thì tới Văn Sơn?"

Ngọc đáp:

"Độ bốn giờ chiều ngày mai gì đó. Đường qua nhiều đèo nhỏ rất khó đi. Nhưng phong cảnh đẹp lắm. Các anh chắc chưa đi đường ấy bao giờ. Tôi đi đã thuộc đường lắm rồi. Chắc anh Ninh đã đưa đủ tiền các anh ăn dọc đường. Các anh đã mua thức ăn đem theo chưa? Người Mỹ họ có sẵn thức ăn hộp, có khi hứng chí họ đỗ ở dọc đường bắn chim chơi, mình không phòng bị có khi phải nhịn đói.”

Tứ đáp:

“Anh Ninh đã có dặn. Tới Khai Viễn, tôi sẽ mua đủ thức ăn trước. Bánh mì, cá hộp. Nếu họ lại đỗ xe chỗ có phố xá, mình vào làm một tợp rượu thì thật khoái. Chú thích uống rượu không?”

Tuy không thích, Ngọc cũng đáp:

“Thích chứ, mặc dầu đoàn thể cấm nhưng đi công tác thì tha hồ.”

Tứ vỗ vào cái bi-đông đeo ở thắt lưng:

“Tôi đã phòng xa đem theo ít ‘cổ chíu chẩu’. Anh Nghệ có đeo một bi-đông cà-phê pha sẵn.”

Ngọc vỗ vai Nghệ, nói giọng vui vẻ:

“Các anh khá đấy, còn tôi đã có sẵn một bi-đông chè Tàu. Đến Văn Sơn thì tha hồ có cà-phê ngon. Tôi sẽ đưa các anh đến nhà một nữ đồng chí khá xinh, chị Nam làm khán hộ, đỡ đẻ. Có một hiệu ‘cô sèo mi siển’ ngon có tiếng ở Cổng Nam; tôi sẽ đưa các anh lại chén một bữa, đã có chị Nam thết. Ở công tác trạm Ma-Lì-Pố thì hơi khổ một chút, chắc anh Ninh đã nói rõ các anh hiểu rồi. Thôi ta lên xe. À này, đến biên giới ta không nên qua cầu sông Thanh Thuỷ vì có lính gác. Tôi sẽ đưa hai anh đi theo con đường buôn lậu có mảng con chở qua sông Thanh Thuỷ rồi vào nhà đồng chí Long, người Thổ ở ngay cạnh biên giới, ở đấy anh Long sẽ đưa các anh đi đâu là tuỳ ý hai anh, tuỳ công việc anh Ninh giao phó. Tôi sẽ lại qua sông trở về đất Tàu để báo cáo là các anh đã tới đích được yên ổn. Chắc anh Ninh đã đưa hai anh quần áo Thổ để dễ đi lại."

Nghệ nói:

"Có đủ cả. Anh Ninh thật là chu đáo."

Ngọc dắt tay Tứ và Nghệ:

"Chúng ta lên xe cam-nhông này. Có chở nhiều bao bột mì, chúng mình có chỗ ngồi, lúc muốn ngủ cũng nhiều chỗ ngả lưng."

Lúc đoàn xe chạy ngang qua hai quả đồi thông thì Ninh đã đứng sẵn đấy. Khi xe ba người chạy qua, Ninh giơ tay vẫy rồi giơ ngón tay cái lên, miệng nói ‘tinh hao’ [1] theo lệ thường của dân quê Trung Hoa mỗi khi gặp người Mỹ hay xe Mỹ đi qua. Chiều tối khi xe đến Khai Viễn, ba người ngủ ở nhà Khai, thư ký trưởng Đảng bộ Khai Viễn, ở phố Hán Vũ và tuyệt đối không được không được đi đến nhà ai theo lời Ninh đã dặn kỹ. Sáng sớm hôm sau, Khai đưa ba người ra chỗ xe Mỹ đậu.

Đoàn xe mỗi lúc một lên cao. Tới cái đèo cao nhất vùng có nhiều dốc nguy hiểm vì đêm trước trời mưa nên đường lầy lội và rất trơn. Cũng may các xe đã có mắc dây xích vào bánh. Tứ tỏ vẻ sợ nhưng Ngọc vì đã thuộc đường nên nhìn xuống chân đèo ngắm cảnh núi non hùng vĩ, trùng điệp dần dần hiện ra.

Chàng nói một mình:

"Đi bao nhiêu lần mà vẫn thấy cảnh đẹp quá."

Ngọc nghĩ đến Thanh và tiếc những lúc này không có Thanh cùng đi bên cạnh để cùng ngắm phong cảnh. Chắc Thanh can đảm, không sợ hãi như Tứ. Thanh – chàng đoán vậy – chắc có một tâm hồn thi sĩ biết thưởng thức những cảnh đẹp vĩ đại và nhất là vẻ đẹp hoang dại của những thôn xóm người Mèo ở sườn núi, những khóm mai cao toả ra như những cụm lông gà cắm trên đầu các chổi phất trần, những con đường đỏ ngoằn ngoèo trông xa như những sợi chỉ hồng trên nền cỏ xanh, lúc ẩn lúc hiện, đưa tâm trí Ngọc đến những thế giới xa xôi, bí ẩn mà có lẽ không bao giờ chàng bước chân tới. Ngọc mỉm cười nghĩ thầm:

"Mặc dầu mình là ‘Ngọc châu chấu’."

Chàng nói với Nghệ:

"Anh cho tôi một ít cà-phê chị Khai pha."

Chàng đỡ lấy cái bi-đông Nghệ đưa cho, uống một ngụm rồi nói:

"Cà-phê này không được ngon lắm."

Ngọc quay lại phía Tứ:

"Hai anh khi ở Mông Tự có biết hiệu cà-phê nào ngon nhất không?"

Nghệ đáp lời thay Tứ:

"Tôi chỉ theo lệnh anh Ninh đến ở Mông Tự ít lâu cho kín đáo nên không đi đâu. Anh chắc sành hơn."

"Ở Mông Tự chỉ có cà-phê cô Thanh là ngon nhất, anh đã đến đấy uống chưa?"

Nghệ đáp:

"Tôi chưa đến."

Ngọc vặn nút bi-đông đưa trả lại Nghệ rồi bảo Tứ:

"Cô Thanh là người của anh Ninh phái về. Tay ấy giỏi lắm. Cũng đồng chí cả mà; tôi ở Mông Tự luôn, lại thường sáng nào cũng đến uống cà-phê mà cũng không hay. Anh Ninh nói ra tôi mới rõ. Tay ấy mà dùng đi công tác lúc này thực là đắc lực. Rất tiếc chuyến này anh Ninh không phái về trong nước để cùng đi với hai anh cho vui."

Chàng thấy cần phải nói nhiều về Thanh nên tiếp theo bảo Tứ và Nghệ:

"Cô ấy trông xinh lắm, sắc sảo mà có tài ứng biến. Đi với hai anh chắc là giúp được nhiều việc cho hai anh. Tôi chắc anh Ninh sẽ phái Thanh về Hoàng Su Phì hay Lào Kay."

Nghệ nói:

"Tôi chưa được nghe nói đến cô Thanh ở Mông Tự bao giờ."

"Khi hai anh về nước làm xong phận sự rồi, có khi nào trở lại Mông Tự, tôi sẽ đưa hai anh đến thưởng thức cà-phê phin và giới thiệu hai anh với Thanh."

Tứ nói:

"Về chuyến này chưa dám chắc là lại sang được. Tụi chó săn của Pháp lợi hại lắm, lại còn tụi Nhật nữa."

Ngọc bảo cả Tứ và Nghệ:

"Anh Ninh có dặn tôi hai tháng sau sẽ lại sang đón các anh ở nhà đồng chí Long ở Thanh Thuỷ. Tôi sẽ lại đưa hai anh về Khai Viễn rồi lên Côn Minh. Chúng mình sẽ đi xe lửa xuống Mông Tự qua nhà đồng chí Thanh thưởng thức cà-phê phin."

Tới giờ ăn cơm, quả nhiên đoàn xe Mỹ ngừng lại trên một quãng đường vắng, chung quanh núi bao bọc. Ngọc thấy người lái xe Mỹ và một người lính Mỹ bên cạnh, lấy ra mỗi người một cái hộp giấy trắng. Chàng tò mò nhìn qua cửa sổ ngăn cách phía trước với phía sau xe. Hai người lính Mỹ mở hộp giấy trong đó để mấy viên đường bọc giấy bóng, một thỏi súc-cù-là, độ dăm cái bánh bích-quy và một hộp phó-mát. Họ ăn bánh, ăn phó- mát, nhai đường như nhai kẹo, nốc cà-phê ở trong bi-đông, rồi họ vác súng xuống xe, làm một vài cử động thể thao cho giãn xương giãn cốt.

Trông năm sáu người lính hớt tóc cao đi lại trên đường, Ngọc có cảm tưởng như họ là những đứa trẻ con, ngây ngô và ngây thơ nhưng có ngầm một vẻ gì cương quyết, cứng rắn. Kiếm không được một con chim nào, họ nhắm một mô đá trên hòn núi cao, cây cối rậm rạp rồi thi nhau nhả đạn. Họ có vẻ như những đứa bé đùa nghịch chơi. Họ không bao giờ nghĩ rằng trên núi đá ấy có thể có những người Mèo đi kiếm củi. Ngọc trong lòng lo phấp phỏng và bùi ngùi thương hại vơ vẩn cho người nào xấu số bị trúng đạn chết mà không ai hay.

Mặc dầu trước đây, Ngọc đã được Ninh đưa vào một trường huấn luyện của Mỹ ở Côn Minh, suốt ngày tha hồ bắn, bắn mỏi cả tay, điếc cả tai, nhưng chàng vẫn thấy bọn lính Mỹ đùa nghịch bắn chơi lên núi là phí đạn trong thời kỳ chiến tranh. Thấy họ bắn mãi không trúng cái mô đá nhỏ trên đỉnh núi, Ngọc vụt nẩy ra ý nghĩ ngộ nghĩnh mượn súng của họ. Ngọc bắn rất giỏi, chàng chắc chỉ bắn độ hai phát là trúng mô đá, nhưng chàng nghĩ việc ấy có thể ngăn cản công tác hiện tại nên lại thôi. Vả lại chàng không muốn tỏ cho Tứ và Nghệ biết là chàng bắn giỏi. Ninh đã dặn chàng không được đeo súng lục đi, trong khi đó Ninh giao cho Tứ và Nghệ mỗi người một khẩu, làm như vậy để tỏ ra chàng chỉ là một người đi đường thông thạo, và chỉ là một liên lạc viên quèn, thế thôi, để Tứ và Nghệ khỏi nghi ngờ.

Đúng ba giờ chiều đoàn xe qua Hong-Tu-Chay bắt đầu lên một cái đèo cao; ở dưới chân đèo hiện ra một vùng thung lũng rộng rãi. Chàng nhận ra con đường đi Mã Quan tức con đường về Hoàng Su Phì. Khỏi đèo là tới Văn Sơn.

Ngọc dẫn Tứ và Nghệ đến nhà Nam nhưng nhà khoá cửa ngoài. Hỏi bên cạnh mới biết Nam đi đỡ đẻ độ năm sáu giờ chiều mới về. Ngọc rủ Tứ và Nghệ vào một hiệu ăn để đợi và gọi nửa cân rượu với ít đồ nhắm. Chàng có cái cảm tưởng như mình là một tay hảo hán đời xưa, vào một tửu quán gọi rượu thết hai vị công tử – "hai tay lâu la" – chàng mỉm cười nghĩ thầm như vậy.

Mới uống một ít, Ngọc đã ngà ngà say; chàng ngả lưng xuống một cái ghế dài định ngủ một giấc, mặc Tứ ngồi ăn uống một mình. Nghệ thì không uống rượu và ăn rất ít. Đặt mình xuống, Ngọc ngủ ngay vì đêm trước chàng đã thức sáng đêm nói chuyện với Thanh và đi dọc đường mải ngắm phong cảnh chàng đã quên cả ngủ.

Sáu giờ chiều, tới nhà Nam thì Nam cũng vừa đi đỡ đẻ về. Ngọc giới thiệu:

“Chị Nam, đây là đồng chí Nghệ, còn đây là đồng chí Tứ do anh Ninh phái về nước công tác, độ hai tháng lại trở lên Côn Minh.”

Chàng nói giọng đùa:

“Còn tôi là đồng chí Ngọc châu chấu, có nhiệm vụ đưa hai đồng chí về nước. Chị Nam ạ, sao hôm nay tôi thèm ăn cháo lòng thế. Chị phải thết chúng tôi một bữa đêm nay, đi đường ăn bánh mì, đồ hộp xót ruột quá.”

Nam nói:

“Tôi ở một xó hẻo lánh này được gặp các anh thật là vui quá. Các anh xơi gì tôi sẽ thết. Tôi lại được cái may là đêm trước mưa to, nhiều chỗ cầu ngập các anh phải ở lại ít bữa đợi nước rút.”

Ngọc biết Ninh chưa cho Nam hay về việc Tứ và Nghệ vì Nam vui mừng một cách chân thật như là được gặp mặt đồng chí. Trong việc này, Ngọc lại thấy cảm phục Ninh hơn, vì Nam không biết nên vồn vã Tứ và Nghệ rất ân cần tự nhiên.


Chương sáu

Sáng hôm sau, Ngọc rủ Nam vào đảng bộ Trung Hoa Quốc dân Đảng để xin đảng bộ cấp giấy về biên giới.

Tới một chỗ vắng, Ngọc khẽ bảo Nam:

“Tứ và Nghệ không phải đồng chí đâu.”

Rồi Ngọc kể cho Nam nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Nam nói:

“Chú không lo. Tôi rất tự nhiên. Quen rồi mà. Chú không biết chính tôi, tôi đã thủ tiêu một tay cộng sản lợi hại ở Trùng Khánh về qua đây, độ hai tháng trước.”

Ngọc mở to mắt kinh ngạc. Cuộc đời của Nam, Ngọc đã rõ hết. Nam là con một ông quản, làm y tá, vì nhà sa sút lên lấy một người Tàu và vì thế nên theo chồng sang Văn Sơn. Về sau chồng mất, nàng ở hẳn lại đó và quanh vùng ấy ai cũng đến xin thuốc coi nàng như một y sĩ vì dân Tàu ở biên giới vẫn thường cho những người học ở Hà Nội là những người giỏi. Về sau Nam gia nhập Việt Quốc; nhà nàng chỉ là chỗ anh em đi lại nghỉ chân trước khi đi công tác trạm Ma-Lì-Pố hay Mã Quan. Nàng lại là người rất hiền lành thế mà bây giờ nàng cũng giết người, không khác gì chàng.

Ngọc rủ Nam vào một quán nước trà vắng vẻ rồi hỏi Nam về việc thủ tiêu tay cộng sản.

Nam cho biết là một hôm có một người đàn ông lạ mặt đến thăm nàng vì nội vùng Văn Sơn chỉ có mình nàng là Việt kiều lại biết về thuốc men mà người đàn ông lại bị bệnh. Nam cũng lấy tình đồng hương cho ở nhà mình dưỡng bệnh và tìm cách chữa thuốc. Một buổi trưa nhân lúc ngủ, người đàn ông ấy để rơi ra bên cạnh một cái ví dầy cộm. Tự nhiên linh tính báo nàng biết có cái gì khả nghi. Nàng mở ví rút giấy tờ ra coi mới biết người ấy tên là Vương Đức; xem tới một bức thư nàng mới rõ Đức là một tay Việt cộng cao cấp ở Trùng Khánh làm thư ký riêng cho Chu Ân Lai lúc đó là đại diện của Trung cộng từ Diên An đến Trùng Khánh để liên lạc với Tưởng Giới Thạch. Khi Nam biết rõ, nàng lại đặt cái ví vào chỗ cũ rồi lẳng lặng bỏ xuống nhà dưới, đợi khi Đức tỉnh dậy có gọi nàng mới lên.

Hai hôm sau, Nam cho thuốc độc vào ống tiêm. Nàng tiêm vào mạch máu của Đức, vừa tiêm vừa mỉm cười bảo Đức:

“Thuốc này tốt, cầy cục mãi mới mua được của bộ đội Mỹ.”

Nam chấm bông rồi bảo Đức:

“Bây giờ ông nằm nghỉ đi, đợi thuốc ngấm, chỉ đợi hai mũi nữa là bách bệnh tiêu tán.”

Tiêm xong, Nam đứng bên cạnh giường Đức đợi. Một lúc sau Đức nói:

“Tiêm thuốc mới này tôi thấy trong người khó chịu hơn trước.”

Vì Nam không thành thạo lắm về thuốc độc nên trái với dự đoán của nàng, Đức không chết, chỉ quằn quại người, hai mắt tuy lờ đờ nhưng vẫn mở trừng trừng nhìn Nam. Nam đoán có một tia nghi ngờ trong vẻ mắt nhìn của Đức và thấy Đức há miệng ú ớ nói, nhưng lại nói tiếng Quan Hoả chứ không phải tiếng Việt. Sợ Đức nói to thành tiếng và hàng xóm bên kia bức tường ván nghe thấy, nên Nam vội cúi xuống lấy bông nhét vào đầy miệng Đức. Mắt Đức vẫn mở to nhìn nàng và một cánh tay đang cựa quậy như cố nhấc lên để kéo bông ra.

Nam trèo lên giường miệng nói tiếng Tàu:

“Ông Đức! Ông Đức ơi, lai tỉnh!”

Nàng cố gọi thật to cho hàng xóm nghe thấy, rồi nhẩy lên người Đức; hai chân giẫm lên hai bàn tay Đức, nàng lấy hết sức bóp cổ; cứ như thế nàng nghiến răng bóp, bóp mãi cho đến khi mặt Đức phình ra và hai con mắt trợn ngược lên lờ đờ dần. Nam từ từ thả lỏng hai bàn tay. Thấy Đức không cựa quậy, yên lặng nằm ngửa, hai con mắt chỉ còn lòng trắng, Nam mới dám chắc là Đức đã chết hẳn. Nàng rút bông ở miệng Đức ra vứt lẫn với các nắm bông khác rồi bắt đầu gọi to bằng tiếng Tàu địa phương, cố ý cho hai bên hàng xóm nghe thấy:

“Ông Đức ơi. Ông chết ở đây tứ cố vô thân, lạy Trời Phật phù hộ cho ông sống lại. Tôi không ngờ đâu bệnh ông lại hiểm nghèo thế, ông lại chóng chết như thế.”

Tiếng người Tàu bên hàng xóm hỏi vọng sang:

“Gì thế bà Lương?”

Lương là tên chồng quá cố của Nam.

“Bà chủ Minh Đạt ạ. Ông đồng hương của tôi chết rồi.”

“Rõ tội nghiệp. Nhưng bà cũng đừng lấy thế làm phiền. Bà mà không chữa nổi thì các ông ở nhà thương đây cũng bó tay, hoạ may có bác sĩ Mỹ ở trường bay.”

Nam đáp:

“Bây giờ thì chậm quá rồi.”

Nàng gọi bà Minh Đạt:

“Bà sang ngay giúp tôi một tay.”

Nói xong, Nam mở ví lấy những giấy má quan trọng của Đức cất đi nhưng tiền thì để lại rồi cho ví vào túi áo Đức.

Lúc bà Minh Đạt sang, Nam lấy một cái gương nhỏ áp vào mặt Đức rồi đưa bà Minh Đạt coi. Bà Minh Đạt không hiểu gì, tưởng Nam làm theo tục lệ riêng của nước mình. Nam giảng giải:

"Mặt gương vẫn trong như thường; nếu còn thở thì hơi nước ở mồm mũi ra sẽ làm gương mờ đi."

Nam lại cúi xuống áp tai vào ngực bên trái nghe, một tay bắt mạch cho Đức rồi nói với bà hàng xóm:

"Ông bạn tôi chết hẳn rồi. Bà xem chân tay lạnh ngắt."

Tuy có Nam là y tá nhưng bà Minh Đạt cũng không dám đến gần xác Đức. Bà ra chỗ bàn thờ thắp hương để đuổi ám khí. Nam vuốt mắt Đức, lấy mấy ngọn nến ra thắp rồi cắm ở hai bên đầu giường. Nàng mặc quần áo, bảo bà Minh Đạt:

"Bà đi với tôi ra huyện trình. Tôi nhờ bà làm chứng. Thủ tục cần phải thế."

Ra huyện Nam chỉ phải trình báo qua loa rồi được cấp giấy chôn cất. Nàng mua chiếc áo quan thuê phu đám ma đem chôn ngay Đức hôm đó.

Nam kể xong, Ngọc đưa mắt nhìn Nam.

Chàng chưa hiểu được tại sao một người đàn bà nhu mì như Nam lại có thể giết người mà lại tự ý giết một cách độc ác như thế. Chàng thốt nhớ lại câu Thanh nói: "Bị cái guồng máy nó lôi kéo" và ngẫm nghĩ thảo nào Thanh từ chối việc chàng mời tham gia cách mệnh. Ý nghĩ về cái xấu tốt ở đời lại lảng vảng trong đầu óc chàng. Dẫu sao chàng cũng nhận thấy rõ là Nam cũng như chàng, cũng như Tứ và Nghệ đều là những người tốt, có lòng nhân đạo. Ngọc nhớ lại việc chàng tha thứ cho Chuân khi Chuân pha nước vào rượu.

Ngay lúc Nam kể cho chàng nghe về việc giết Đức chàng không khỏi ghê tởm vì lòng độc ác của con người; chàng thấy thương hại cho Đức khi bị Nam bóp cổ; đôi mắt mờ ấy biết đâu đã không đau khổ vì không hiểu và biết đâu Đức không có cha mẹ, vợ con hay một người yêu và trước khi chết đã không nghĩ tới những người thân yêu đó.

Bỗng Ngọc chợt nẩy ra một ý nghĩ:

"Hay là..."

Nhưng chàng ngừng lại, nói một mình:

"Một người chết bệnh còn có thể được. Nay lại hai người cùng chết bệnh một lúc, thế nào các cơ quan Tàu chẳng sinh nghi."

Nam nói:

"Tôi cũng chợt nẩy ra ý nghĩ ấy nhưng tôi thấy không xuôi. Tôi sẽ pha cà-phê nước cốt để chú đem đi. Chú nên cẩn thận, việc không thành thì từ nay về sau chắc không bao giờ gặp chú nữa."

Tuy trời đã tạnh ráo nhưng nước sông chẩy sau nhà Nam mỗi lúc một lên cao. Tối hôm đó trên căn gác của nhà Nam, bốn người ngồi nhắm rượu với lòng lợn, nói chuyện vui vẻ như là đã quen biết nhau từ lâu. Trước khi đi ngủ, Nam nói:

"Trong khi đợi nước rút, sáng mai mời mấy anh đi ăn 'cô sèo mi siển’ ở Cổng Nam."

Tứ và Nghệ ngủ ở buồng dưới nhà còn Ngọc ngủ ở một giường nhỏ cạnh Nam trên gác. Hai người không dám trò chuyện sợ dưới nhà Tứ và Nghệ nghe thấy. Trước khi khép cửa màn, Ngọc nháy Nam một cái; Nam đương xếp dọn đồ đạc cũng mỉm cười và nháy lại Ngọc. Tuy hai người trẻ tuổi nằm ngủ cạnh nhau, một người đàn bà goá khá đẹp và một chàng thanh niên xinh trai nhưng cả hai đều không nghĩ gì đến những điều thường tình.

Ngọc nằm một lúc rồi thiêm thiếp ngủ; nét mặt chàng dưới ánh ngọn nến lờ mờ Nam thấy có một vẻ đẹp thơ ngây như trẻ con. Nam ngừng tay đứng ngắm Ngọc một lúc lâu, rồi nàng tắt đèn nằm xuống giường mình kê cạnh giường Ngọc.

Đêm ấy độ ba giờ sáng, nghe tiếng người trong phố xôn xao, Nam thức dậy nhìn ra cửa sổ thấy nước đã tràn ngập đường. Nàng mở màn giường Ngọc, ngồi xuống cạnh và lấy tay lay chàng. Thoáng trong một lúc Nam có cái ý nghĩ nằm xuống cạnh Ngọc, nhưng nàng giữ được ngay, gọi to:

"Chú dậy đi, nước ngập cả phố rồi."

Nàng ra thắp nến rồi bảo Ngọc:

"Ta xuống khênh các đồ đạc ở dưới nhà lên. Nước này không khéo ngập cao nửa nhà dưới."

Xếp dọn xong, cả bốn người đều ngồi đợi sáng và xem tình hình nước lũ tràn về. Tới sáng thì quả nhiên nước vào ngập nửa nhà dưới. Nam nói:

"Hôm nay thì các anh ăn cơm không với ít muối. Tôi thết."

Rồi nàng cất tiếng cười vui vẻ.


[1]Tinh hao: nghĩa là hoan nghênh.
Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thuá»·, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Má»›i tái bản tại Hoa Kỳ. Bản Ä‘iện tá»­ do ông Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của gia đình tác giả.