trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
25.5.2006
Nguyễn Huệ Chi
Phúc đáp ông Trương Công Anh về biện pháp chống tham nhũng
 
Bài góp ý của ông [1] làm cho tôi rất vui. Thú thật khi nhận được Văn hóa Nghệ An số 75, tôi vừa mừng vừa có phần áy náy. Mừng vì một bài viết tôi đăng trên mạng [2] , tuy cũng được mấy bài khác nhắc đến nhưng đều ở xa quê hương Nghệ Tĩnh, nay Nghệ Tĩnh lại chủ động công bố cho bạn đọc tham khảo, thì còn gì hào hứng bằng. Nói chuyện chống tham nhũng cũng là muốn nói tiếng nói gan ruột của những đứa con xứ Nghệ trước nạn nước tầy đình. Thế mà chính xứ Nghệ tiếp nhận và truyền đi lời của đứa con xa xứ thì quả là đồng thanh đồng khí. Song lại cũng áy náy bởi bài viết của tôi vốn khá dài, do “điều kiện in ấn” nên Văn hóa Nghệ An đã phải rút lại thật ngắn. Tôi cứ sợ người đọc nghĩ mình bôi bác, viết chẳng đến đầu đến đũa, chỉ dám chống tham nhũng vài chiêu hình thức gọi là cho có chống mà thôi. May được ông trao đổi, nhiều ý ông đã bổ sung cho cái phần vốn bị lược đi nên đọc vào bài ông, gánh buồn trong tôi cất hẳn. Một vài điều bàn lại dưới đây cũng chỉ cốt giúp chúng ta càng thêm hiểu nhau, trong vấn nạn chung mà không một cá nhân nào có quyền tự coi mình là người ngoài cuộc.

Trước hết ông Trương Công Anh cho rằng cách nói của tôi: “tham nhũng là chuyện đã xưa như trái đất” không chuẩn xác lắm. Có dễ đúng. Tôi chỉ dùng cụm từ ấy theo một thói quen mà người phương Tây hay dùng và người mình lâu nay cũng hay bắt chước: “vieux (vieille) comme la terre / ancien (ancienne) comme la terre”, thế thôi, nhưng cụm từ này vô hại và cũng không sai lắm có phải không ông. Tham nhũng đúng là chỉ mới nẩy sinh cùng với nhà nước chứ trước khi có nhà nước sơ khai, con người tuy sống bầy đàn với nhau mà mỗi thành viên làm ra chỉ mới đủ bỏ vào miệng mình thì lấy đâu khẩu phần thừa mà tham nhũng được. Tuy nhiên, nói “xưa như trái đất” cũng là muốn nói điều này: chống tham nhũng thực hết sức khó khăn, bởi nó đã ăn sâu bén rễ cùng với mọi thể chế cai trị của loài người rồi, thậm chí trở thành căn tính của loài người nữa, đối phó chỉ bằng hô hào tu dưỡng đạo đức, để “làm thuần khiết” phẩm chất người có chức quyền mà không tính đến những thiết chế hiệu lực giám định họ, sẽ chỉ là mơ tưởng hão. Cùng với các bước đi của lịch sử, những mô hình xã hội càng hủ lậu, độc tài thì tệ nạn tham nhũng càng nặng, còn những mô hình xã hội công nghiệp tiên tiến, có sự nâng đỡ bởi sức mạnh dân chủ được thể chế hóa thì hiệu quả chống tham nhũng càng cao hơn, chẳng hạn nhiều nước Bắc Âu năm này năm khác luôn luôn được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp vào tốp những nước trong sạch hàng đầu. Mặt khác, do tham nhũng đã có từ xưa nên nơi đâu trên trái đất cũng có nó, bàn biện pháp chống nó mà không tính đến yếu tố lịch sử-cụ thể cũng dễ rơi vào chung chung, sinh ra nhàm và sáo rỗng. Đấy là một vài điều lưu ý đầu tiên.

Từ những ý trên, khoanh vùng vào Việt Nam, tôi đề xuất quan điểm của mình, rằng đây là một môi trường khác rất xa với nhiều vùng khác. Chắc ông cũng hiểu rõ, môi trường cần tính tới là môi trường chính trị-xã hội của đất nước. Chúng ta có một nhà nước phải thực hiện nhiều chức năng đan xen trong nhiều thời đoạn lịch sử. Từ nhà nước dân chủ cộng hòa buổi trứng nước đến nhà nước dân chủ cộng hòa lấy công nông binh làm nòng cốt trong chiến tranh chống Pháp, rồi nhà nước dân chủ cộng hòa kiêm bao cấp xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh chống Mỹ, đến nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa hoàn toàn bao cấp sau hòa bình, và nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa nhưng lại quản lý nền kinh tế thị trường có định hướng thời đổi mới. Nội hàm phức tạp, bản chất nhà nước hiện ra ở mặt này mặt kia cũng quá phức tạp. Nhận thức không theo kịp thực tế, sự chuyển đổi tổ chức bộ máy cho tương thích trong mỗi giai đoạn do đó đã không được giải quyết kịp thời và đúng đắn. Từ trung ương đến địa phương cơ cấu nhà nước ngày một cồng kềnh đến mức đáng sợ (ông thử xem một tỉnh như Nghệ An hay Hà Tĩnh, ngày xưa có bao nhiêu quan chức mà nay có bao nhiêu, có phình ra đến hàng ngàn lần hay không?). Rất nhiều cơ chế hết sức bất cập, vô lý như cơ chế tiền lương là một trò cười thảm hại khiến cán bộ dù muốn thanh liêm cũng vẫn phải kiếm chác; cơ chế chi tiêu thanh toán “nghiệt” và “nới” đều không đúng thực chất, để lộ rất nhiều khe hở, nhìn khâu nào cũng dễ giả mạo giấy tờ, bớt xén ăn cắp công quỹ; cơ chế ngân sách đâu đâu cũng phải “xin cho” bắt buộc đi kèm thói tệ đút lót, chia chác, “lại quả” phần trăm từ nhỏ đến lớn trong mọi ngành quản lý; cơ chế đề bạt cất nhắc không chút công khai, không theo thang giá trị phổ biến của một xã hội phát triển bình thường, không cốt chọn người tài mà chọn lý lịch, đảng viên, đáp ứng “cơ cấu”, biết chiều ý cấp trên, thế là nhanh chóng chuyển sang tiêu chuẩn vây cánh, thân quen, nhất là chịu lo lót cái khoản “đầu tiên” cho thật “cộm” (ông hẳn còn nhớ cách đây khoảng mươi lăm năm người ta kháo nhau, một Bí thư Tỉnh ủy TH chết bất thình lình, đâu như Ban Tổ chức đến kiểm kê tài liệu, mở tủ ra mới tá hỏa vì tủ chồng chất hàng đống phong bì đếm không xuể, chiếc lép nhất cũng 30.000 USD? Ông hẳn cũng nghe câu chuyện đồn miệng râm ran về ngài TDH từng ra giá mỗi chức Bộ trưởng, Thứ trưởng phải “cống” cho ngài bao nhiêu tỷ đồng? Không có bột sao gột nên hồ trong những chuyện “thật như đùa” loại ấy!). Luật pháp thì lại lỏng lẻo, đúng hơn là không có luật, nhất là luật kinh tế, luật tài chính, luật đầu tư, luật phát triển, luật ngành nghề, luật quan hệ quốc tế... cho mãi đến sát gần đây vẫn triển khai làm luật chưa xong. Đấy chẳng phải là điều kiện để tham nhũng sinh sôi nẩy nở tràn lan và lũng đoạn khủng khiếp hay sao? Trong bài viết của tôi, tôi có nói ở Việt Nam hiện nay “tham nhũng hoành hành không phải với từng cá nhân mà đang làm ruỗng mục cả một hệ thống, bám lấy hệ thống mà khoét gặm”. Một nhà nước phải “gồng mình” như vậy, lại là sản phẩm của chế độ độc đảng, nói như Văn Như Cương “nhà nước là của Đảng, do Đảng và vì Đảng”, thì Đảng kiểm soát nhà nước cũng là tự kiểm soát mình, dù có đặt ra cơ quan chống tham nhũng đi nữa liệu có khác gì trao quyền xử án cho những người luôn luôn có tiềm năng trở thành tội nhân? (Cứ nghe trao đổi ở các phiên họp Quốc hội trước nay, miệng của mấy vị Bộ trưởng có liên quan xa gần đến những chuyện “làm ăn”, “thất thoát” trả lời việc gì cũng biến báo “như tép nhảy” cốt đùn đẩy trách nhiệm thì biết lòng dạ họ... thật thà đến đâu!!!). Trong một bài viết của TS Lê Đăng Doanh, tôi nhớ, ông có phán đoán, những hiện tượng tham nhũng đã bị phát hiện chỉ mới chiếm khoảng 5% tổng tệ nạn tham nhũng trong toàn quốc. Chính đấy là tình trạng tiến thoái lưỡng nan theo tôi chưa tìm được lời giải chuẩn xác của việc chống tham nhũng ở nước ta.

Trong phần hiến kế, tôi có nói phải dựa hẳn vào dân nhằm kiểm soát bộ máy nhà nước thì mới mong tìm được đáp án cho bài toán vô cùng hắc búa. Cả ông và tôi đều thống nhất: “dân” đúng là thành phần miễn nhiễm với bệnh tham nhũng. Nhưng ông có phần lo lắng khi trao quyền chống tham nhũng cho những người dân bất kỳ nào đấy, sợ lại biến họ thành “ông dân bà dân”, tức là lại có cơ hội để tham nhũng dễ dàng. Không hẳn thế đâu. Có lẽ đó là cách nghĩ vẫn vướng vào nếp tư duy cũ: Đảng nhắm lấy một số người có khả năng sắm vai trò “tượng trưng”, đưa họ vào bộ máy công quyền để họ thanh tra trở lại chính bộ máy công quyền ấy. Thế thì muôn đời cũng không có lối ra. Chỗ này tôi quan niệm có khác ông. Phải để cho người dân giám sát nhà nước theo Hiến pháp quy định kia. Người dân phải có mặt ở trong Quốc hội nhưng không phải là theo quy trình bầu bán hiện nay: Đảng cử dân bầu. Mà trước tiên, Quốc hội phải có vị trí độc lập của nó, do nhiều lực lượng khác nhau trong xã hội hợp thành. Dân được lập hội, lập đoàn không cần thông qua Mặt trận Tổ quốc hay một tổ chức nào tương tự (về điều này hẳn là đã đến lúc cần tu chính Hiến pháp nếu điều 69 và các điều khoản khác của Hiến pháp 1992 bị coi là chưa đủ cơ sở). Hội đoàn của dân chọn đại biểu ứng cử vào Quốc hội bình đẳng với đại biểu của Đảng, tham gia thực tế vào các cơ quan chống tham nhũng, và không ăn lương nhà nước mà ăn lương của các hội đoàn do mình đại diện. Có thế dân mới đủ bản lĩnh kiểm tra các cơ quan nhà nước do Đảng cử. Các “ông dân bà dân” này nhất định không trở thành người của Đảng và không bị tha hóa vì quyền lợi nhận từ tay nhà nước ban cho. Nói thẳng ra, ba cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp có đứng độc lập với nhau thì mới kiềm chế được lẫn nhau. Tất nhiên lúc đó, chế độ độc đảng sẽ chuyển thành chế độ xã hội dân chủ đa đảng không thể nào khác được, mặc dù Đảng Cộng sản do uy tín của mình rất có thể vẫn được dân tín nhiệm đứng ra thành lập chính phủ. Ông nghĩ, bấy giờ tham nhũng có dám ngang nhiên thò chiếc vòi bạch tuộc của nó vào khắp nơi mọi chốn đến sát tận thâm cung như hiện tình nữa không, hay là sẽ buộc phải giảm thiểu tối đa? Vấn đề là Đảng Cộng sản nhìn nhận yêu cầu “chia sẻ quyền hành” nặng nề hay thanh thỏa, tỏ ra “biết người biết mình” đến đâu, cũng tức là Đảng Cộng sản biết tỉnh táo ý thức về nguy cơ và trách nhiệm của tệ nạn tham nhũng đến mức nào?

Nếu thống nhất với nhau trên mục tiêu vừa bàn, thiết tưởng phần cuối mà ông coi là trọng tâm không khó khăn gì không đi đến nhất trí. Tôi thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam cần thực sự nêu tấm gương đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng như ông nói: “phải dựa vào sức mạnh của chính mình, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân để tiến hành cuộc đấu tranh này”. Đảng cũng cần “thực sự vững mạnh trong sạch”, “phải lấy việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng làm nhân tố quyết định để đưa đất nước vượt qua nghèo nàn lạc hậu, để chiến thắng chính mình”. Những điều kiện đó là tiên quyết để Đảng giữ vững tín nhiệm trước dân, giúp dân giành cho Đảng đa số phiếu bầu trong Quốc hội qua các cuộc bầu cử công khai, dân chủ, và giúp Đảng đàng hoàng đứng ra thành lập chính phủ điều hành đất nước. Nhưng nếu nghĩ chỉ với những điều kiện đó không thôi là đủ để chống tham nhũng, không cần phải “cách mạng” hẳn hệ thống quốc hội, tư pháp, hành pháp theo hướng đã nói, thì chúng ta lại quay về với ngõ cụt mà như ở phần đầu tôi có nêu thành nguyên lý: tham nhũng từ xa xưa vốn đã là cốt tính của mọi cơ chế nhà nước, cũng đã là cốt tính của loài người trong mọi xã hội có nhu cầu và lợi ích khác nhau. Đảng cũng là người chứ nào phải là thánh nhân. Nếu không đặt Đảng vào những bộ luật của xã hội dân sự nằm ngoài luật Đảng thì nâng cao đạo đức đến bao nhiêu đội ngũ cán bộ Đảng cũng vẫn tiếp tục thoái hóa biến chất, và chắc chắn Đảng vẫn sẽ là chỗ dựa cho nhà nước tự tung tự tác, dẫn đến hình thành những tập đoàn mafia quốc gia và quốc tế, làm sụp đổ hoàn toàn sự nghiệp của dân tộc và cả chính sự nghiệp của Đảng. Ông hãy thử suy ngẫm một chút, những chuyện vừa diễn ra vội vàng như thông báo sớm kết luận về Đoàn Mạnh Giao vô can trong quan hệ với các đối tượng bị khởi tố trước ngày bước vào Đại hội X, cũng như việc họp báo gần đây tuyên bố tướng Cao Ngọc Oánh - người từng gọi ngót chín mươi cuộc điện thoại cho Tôn Anh Dũng - không hề nhận tiền ở Dũng, rồi bữa tiệc do Dũng và ông Oánh tổ chức thết đãi các quan chức chính phủ không dính dáng đến việc chạy án cho Bùi Tiến Dũng, và một tiệc khác tại nhà hàng Phố Núi do Nguyễn Mậu Thôn lo liệu không có mặt đại tá Lê Văn Nam ở Bộ Công an, cũng không có chuyện dấm dúi tiền nong, rồi nữa con trai tướng Nguyễn Khánh Toàn không mượn chiếc xe con sang trọng của PMU 18... nói chơi cho vui thì không sao, còn nói vào tâm khảm người dân và tầng lớp trí thức thì “tác dụng ngược” thế nào ai mà chẳng thấy (một câu hỏi vẫn còn tấy lên như cái u chưa sinh thiết: con rể của một vị “cấp côi” hàng đầu quyền lực trót được bố trí chức Chánh Văn phòng ở tập đoàn PMU 18 tuy được lờ đi không nhắc, nhưng chính ở cái chỗ khó lòng bịt nổi là “miệng thế” có phải vẫn cứ là mẩu xương hóc “khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào”?). Đảng chưa tính cho hết những nghịch lý mà chắc chắn mình sẽ gánh lấy phần hậu quả tệ hại [3] .

Hà Nội ngày 10 tháng 5 năm 2005

© 2006 talawas


[1]Tức bài “Đôi điều xin thưa góp về chống tham nhũng”. Văn hóa Nghệ An số 5-2006.
[2]Tức bài “Nhân đọc ‘Bọn tham nhũng chống Đảng’ của Văn Như Cương“ trên mạng talawas 11-4-2006.
[3]Mới đây lại có tin Dự thảo Luật thuế thu nhập đối với thu nhập cá nhân sẽ bắt buộc người có thu nhập mỗi tháng từ 1 triệu đồng (60 USD) cũng đã phải đóng thuế. Quả là luật pháp Việt Nam đối với người nghèo nghiêm minh hết chỗ nói. Chỉ không hiểu số 1176 vị đại biểu được đeo thẻ bài vào dự Đại hội Đảng vừa qua có đến một nửa đã và sẽ “tự nguyện” đóng thuế thu nhập mỗi tháng mỗi vị từ mấy chục triệu trở lên cho đến hàng trăm triệu đồng không đây? Nếu được thế thì cũng đã là phúc cho nước nhà.