trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
20.3.2006
Nguyá»…n Trung LÆ°Æ¡ng
Về năng lực cải hoá dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam
 
Trong thời gian gần đây một loạt bài của ông Nguyễn Trung đăng trên báo điện tử trong nước đã được công luận đặc biệt lưu ý [1] . Tại đây ông giãi bày nỗi trăn trở của một đảng viên trung thành trước thực trạng của đất nước và nhân dịp đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới ông kêu gọi Đảng phải cố “vượt ra khỏi cái bóng” của mình để ứng đáp những đòi hỏi cấp thiết của thời đại.

Lời lẽ tâm huyết, thành khẩn của ông Nguyễn Trung chắc đã làm cho bạn đọc rất cảm kích, nhưng nếu tỉnh táo đọc ta có thể xác định ngay rằng tất cả những hiện tượng lệch lạc ông chỉ trích cũng như những phương cách trị liệu ông đề nghị không có gì mới và trong mấy năm gần đây đã là đề tài thường trực trên nhiều cơ quan ngôn luận trong và ngoài nước. Trọng tâm nghị luận là vấn đề phát huy dân chủ đa nguyên và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát huy dân chủ ấy.

Thiếu dân chủ không phải là hiện tượng mới đột xuất hôm nay mà đã có một truyền thống lâu dài trong quá trình phát triển của các Đảng Cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Bản báo cáo nổi tiếng của Nikita Khrushchev “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó” tại Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng hai năm 1956 là một bản cáo trạng tính vô dân chủ điển hình trong nội bộ một Đảng Cộng sản. Tại Việt Nam ngay vào tháng hai năm 1951 bản “Báo cáo chính trị ở đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng” đã chỉ trích những “khuyết điểm khá phổ thông và nghiêm trọng” sau đây:

“Ấy là những bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần.

Bệnh chủ quan tỏ ra ở tư tưởng cho rằng trường kỳ kháng chiến có thể trở thành đoản kỳ kháng chiến.

Bệnh quan liêu tỏ ra ở chỗ thích giấy tờ, xa quần chúng, không điều tra nghiên cứu, không kiểm tra theo rõi việc thi hành, không học tập kinh nghiệm của quần chúng.

Bệnh mệnh lệnh tỏ ra ở chỗ hay dựa vào chính quyền mà bắt dân làm, ít tuyên truyền giải thích cho dân tự giác, tự động.

Bệnh hẹp hòi tỏ ra ở chỗ đối với người ngoài Đảng nhiều khi quá khắt khe, hoặc phớt người ta đi, không chịu bàn bạc hỏi han ý kiến.

Còn bệnh công thần thì tỏ ra như thế này:
  • Cậy mình có ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm. Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng.
  • Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan chính phủ.” [2]
Sau hơn nửa thế kỷ những nhận định phê phán trên vẫn chưa thuộc vào quá khứ. Ngược lại, các “khuyết điểm” này rõ ràng vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí ngày càng bành trướng, nhưng khác với xưa là những “khuyết điểm” ấy hôm nay không còn là “căn bệnh” nữa (bởi tính bất bình thường) mà đã trở thành yếu tố cấu thành thực tại chính trị và xã hội Việt Nam. Nguyên nhân nào đã biến Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên chỉ là một công cụ chính trị, thành chủ thể thống trị toàn bộ xã hội, biến quốc gia Việt Nam thành “nhà nước gia sản” của Đảng [3] , thiết lập một chế độ quan liên chưa từng có trong lịch sử tiến hoá xã hội nhân loại: trên cơ sở tập thể hoá và quốc hữu hoá đã biến đại đa số mọi thành phần lao động (nông dân, công nhân, nhân viên) phụ thuộc hẳn hoặc phần lớn vào chế độ bổng lộc, cấp phát của nhà nước. Nạn cửa quyền, tham nhũng đang hoành hành là một hiện tượng chính trị xã hội liên quan trực tiếp đến quá trình bành trướng sự lạm dụng guồng máy nhà nước có tính hệ thống của Đảng, chứ không phải chỉ là vấn đề khuyết điểm cá nhân, vấn đề thiếu đạo đức. Cũng vì thế mà những phong trào chống nạn cửa quyền, tham nhũng, tuy được phát động hằng chu kỳ một, cho đến nay không hề đem lại một thành quả nào cả; còn động viên hô hào tu luyện theo ngũ thường dân tuý của ông Hồ Chí Minh (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư) thì tất nhiên là hoàn toàn vô hiệu quả.

Có lẽ chúng ta có thể xác định thống nhất là công cuộc “đổi mới”, bắt đầu cách đây hơn 20 năm, cho đến nay đã dần dần đưa Việt Nam vào đà phát triển toàn cầu, nhưng xét kỹ thì sự thay đổi này thực chất chỉ mới là một sự thay đổi chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại, còn bản thân Đảng Cộng sản vẫn bất di bất dịch. Theo phân tích của ông Nguyễn Trung thì đà phát triển của Việt Nam hôm nay đang ở trong một tình thế rất thuận lợi nên ông gọi là “thời cơ vàng.” Ông đưa ra luận đề: “thời cơ vàng” đòi hỏi phải có một Đảng Cộng sản Việt Nam “vàng”, tức là một Đảng Cộng sản dám vượt qua cái bóng của mình để tiến lên một giai đoạn mới trong công cuộc “đổi mới” mà nội dung chính của nó là phát huy dân chủ, phát huy tinh thần tự lập, óc sáng tạo của từng người dân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Ông Nguyễn Trung, cũng như rất nhiều người trong và ngoài Đảng (đại đa số chăng?), trước sau vẫn đặt cả niềm tin và hy vọng của mình vào khả năng sáng suốt của Đảng, vào năng lực cải hoá của Đảng; ngắn gọn: vào một chế độ độc đảng khai sáng.

Vậy cái bóng mà Đảng Cộng sản phải vượt qua là gì? Liệu Đảng có thể vượt qua cái bóng ấy hay không để có thể thực hiện được chức năng lãnh đạo trong thời kỳ phát triển quá độ hiện nay tương tự như các chính đảng trong hệ thống nhất đảng tại Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc đã thành công trong thời gian qua. Tìm hiểu trả lời được các câu hỏi ấy sẽ giúp ta đánh giá được sự cần thiết hay thừa thãi của một chính thể dân chủ đa nguyên cho Việt Nam hôm nay.

Như chúng ta biết, hệ thống đảng phái mà hôm nay không thể thiếu được trong sinh hoạt chính trị trên toàn thế giới, hình thành ở nước Anh vào thế kỷ 18. Đấy là những tổ chức công khai dài hạn do những người cùng chí hướng thành lập với mục đích cạnh tranh giành quyền. Đọc đến câu này tôi e rằng các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lắc đầu, bĩu môi mà phán rằng mục đích của Đảng sao lại có thể tầm thường đến thế và họ không khỏi không tự mãn với tính ưu việt của Đảng mình, với lý tưởng giải phóng nhân loại cao cả của họ. Quả vậy, mục đích lập đảng chính trị ở nước Anh rất khiêm tốn, hoàn toàn thực dụng cũng như trần tục, nhưng sẽ lầm to nếu ta xem đó là một nhược điểm. Thực ra đấy chính là một ưu điểm vô giá, hoặc nếu ta muốn, là sự ưu việt của hệ thống chính đảng kiểu này. Lý do cũng rất tầm thường giản dị: mỗi người dân có thể kiểm chứng hoạt động của một chính đảng qua thường nghiệm. Sự thành công hay thất bại của một chính đảng phụ thuộc vào tính thực tế của một đường lối chính sách chứ không phải chỉ là những lời hứa hão huyền, tư biện không ai kiểm chứng nổi. Chính trị là một lãnh vực sinh hoạt nhân sự chứ không phải thiên sự, không thể biện minh bởi những lý do tín ngưỡng, siêu việt, như nhân danh tôn giáo, thiên mệnh hay sứ mệnh của một quyền lực trừu tượng nào. Lý do chính đáng độc nhất cho mọi hoạt động chính trị rút cục là sự biểu quyết của cử tri.

Không phải tình cờ mà mô hình chính đảng kiểu thực dụng này đã được tạo thành tại nước Anh. Đây chính là quê hương của chủ nghĩa thực dụng, lấy thường nghiệm là cơ sở khởi nguyên cho tư duy, suy luận, một quan điểm và cũng là một phương pháp đã góp phần quyết định cho sự hình thành thời đại khoa học kỹ thuật và hình thái xã hội hiện đại. Óc tư duy chính trị thực dụng đã lập nên một tập quán sinh hoạt chính trị văn minh giúp nước Anh ổn định bền bỉ từ hơn hai thế kỷ nay (!) và chấm dứt hẳn được tình cảnh huynh đệ tương tàn kéo dài triền miên trước đó. Tập quán dân chủ ấy đã dần dần phổ biến tại nhiều nước Âu Mỹ và hôm nay trên phạm vi toàn cầu.

Khác với mô hình chính đảng thực dụng này mà trong đó đảng chỉ là một công cụ chính trị không hơn không kém, Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng “kiểu mới” như Lenin đã gọi như thế. Trong quá trình phát triển của phong trào cộng sản, nền tảng tổ chức một đảng cộng sản “kiểu mới”, tức là đảng mác-xít lê-nin-nít, đã được đúc kết thành quy phạm và phổ biến qua chương 2, tiết 4 trong bộ văn kiện kinh điển “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (Bôn-sê-vich) [4] . Những quy phạm ấy đã được xem là tiêu chuẩn để đánh giá một đảng cộng sản.

Theo đó thì đảng cộng sản:

  • là một đảng chính trị lấy chủ nghĩa Mác-Lê làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Trong thực tiễn cương vị siêu việt của một hệ tư tưởng đã đưa đến sự hình thành chủ nghĩa giáo điều, đưa đến sự sùng bái chủ nghĩa Mác-Lê như một thánh giáo. Giáo điều đã làm cho tư duy bế tắc, kìm hãm mọi khả năng khai sáng.

  • là đội tiên phong của giai cấp công nhân và vì thế đảng viên là những người có “trình độ giác ngộ”, “ý thức” cao. Trong thực tiễn quan điểm này, dù muốn hay không, đã biến công dân thành hai hạng: Hạng công dân đảng viên là hạng ưu tú “có ý thức”; hạng công dân không phải là đảng viên thuộc vào hạng quần chúng không đủ “ý thức” mà đảng có thể sử dụng họ tuỳ cơ ứng biến. Quan điểm này là nguồn gốc của tính vô dân chủ của đảng cộng sản đối với môi trường xã hội chung quanh mình.

  • lấy dân chủ tập trung làm nguyên tắc tổ chức. Trong thực tiễn đây là chiêu bài để thi hành triệt để chính sách chỉ định trong lãnh vực điều hành nhân sự: thành phần lãnh đạo từ cấp dưới lên cấp trên (như bộ chính tri, trung ương đảng) được xác định qua chỉ định chứ không qua bầu cử. Ngay việc gia nhập đảng cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ định của đảng. Trong lãnh vực hành sự đảng thi hành triệt chính sách chỉ thị: cấp dưới phục tùng tuyệt đối cấp trên. Đây là nguồn gốc của sự vô dân chủ trong nội bộ đảng. Nguyên tắc dân chủ tập trung đã tạo nên một cơ cấu tôn ti trật tự chặt chẽ.
Trang bị bằng chủ nghĩa Mác-Lê, “đỉnh cao của ý thức thời đại” đảng cộng sản không theo đuổi mục đích thực dụng mà là mục đích tư biện: giải phóng nhân loại và đưa nhân loại đến xã hội cộng sản vô giai cấp cực lạc. Tính cứu thế và tính tận thế (eschatology: chốn cộng sản cực lạc là giai đoạn cuối cùng của lịch sử) của chủ nghĩa Mác-Lê đượm màu sắc tôn giáo, có một sức quyến rũ rất lớn và đấy cũng là một trong những nguyên nhân đã tạo nên một niềm tin “bao la” như một tín ngưỡng, nhưng mù quáng mà ta thường gặp ở những người cộng sản. Trong lịch sử thế kỷ XX, đảng cộng sản không phải là chính đảng kiểu cứu thế độc nhất. Tại châu Âu còn có một phong trào chính trị toàn trị khác cũng dựa trên nền tảng một ý thức hệ cứu thế chủ đạo và trên cơ sở tổ chức tập trung. Đó là phong trào phát-xít ở Đức, Ý và Tây Ban Nha mà điển hình là Đảng Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia (Nationalsozialistische Partei) tại Đức dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler. Đảng phát-xít này tự phong cho mình sứ mệnh “giải phóng” dân tộc Đức khỏi “ảnh hưởng ngoại lai”, thiết lập chế độ độc đảng được hỗ trợ bằng những cuộc phát động phong trào quần chúng với những chiêu bài dân tuý như “tổ quốc Đức trên hết”, đòi hỏi phải xây dựng một nền văn hoá “đậm đà bản sắc dân tộc Đức” và đã lôi kéo không ít nhân dân Đức từ mọi thành phần xã hội. Tuy nhiên lịch sử thế kỷ thứ XX đã cho ta một bài học quý báu: Nơi nào có đảng kiểu cứu thế lên cầm quyền thì nơi đó hoàn toàn không có dân chủ, chỉ tạo nên một sự ổn định chính trị giả tạo và sự cáo chung của các chế độ ấy đã để lại một sự tàn lụi tinh thần, đạo đức thảm khốc như ở Đức (1945), Liên Xô và các nước Đông Âu (cuối những năm 80 thế kỷ trước).

Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng kiểu cứu thế. Từ khi thành lập (năm 1930) đến nay Đảng phải đương đầu với nhiều tình thế khác nhau: hoạt động bí mật (đến năm 1945), tự giải tán để tiếp tục hoạt động bí mật trong thời kỳ đầu của chiến tranh chống Pháp (1946-1951), tái lập (1951), lên cầm quyền tại miền Bắc (1954), sửa “sai lầm’’ trong cải cách ruộng đất (1956), đối phó với phong trào đối lập “Nhân văn - Giai phẩm” (1956-1958), chiến tranh “giải phóng Miền Nam” (1962-1975), lên cầm quyền toàn quốc (1975), khủng hoảng và cáo chung của khối xã hội chủ nghĩa toàn cầu (1989), “đổi mới” (từ 20 năm nay). Trong tất cả những tình thế vừa kể trên, một mặt Đảng đã thay đổi nhiều chiến lược cũng như chính sách để đáp ứng với thời cơ, nhưng một mặt khác guồng máy Đảng vẫn hoạt động đều đặn mà không hề thay đổi nguyên tắc tổ chức vô dân chủ của một đảng mác-xít lê-nin-nít. Ba yếu tố: cương vị độc tôn của chủ nghĩa Mác-Lê, đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của xã hội, dân chủ tập trung là nguyên tắc tổ chức, trước sau vẫn là ba yếu tố cấu thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đã trở thành bản thể của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đấy chính là cái bóng mà ông Nguyễn Trung cũng như nhiều người khác hy vọng là Đảng phải vượt qua.

Tất cả những chiến lược và chính sách từ trước đến nay được đưa ra thực hiện đều có tác dụng củng cố và tăng cường vai trò của Đảng, duy chỉ có một ngoại lệ: Nhìn một cách khách quan chính sách “đổi mới” mở đường cho sự phát triển kinh tế thị trường mâu thuẫn với bản thể của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan điểm của ông Nguyễn Đức Bình về “vấn đề tiêu chuẩn đảng viên” chính là biểu hiện của mâu thuẫn này [5] . Ông cho rằng, đảng viên không được phép “làm kinh tế tư bản tư nhân” vì nó sẽ làm mất “bản chất công nhân của Đảng”. Ông cũng không muốn che đậy mâu thuẫn ấy với luận điệu chính thống là “phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, và ông trân trọng đề nghị nên gọi lại nền kinh tế ấy là “một nền kinh tế thị trường có kế hoạch”(!). Cách gọi này lại càng lủng củng hơn, tính tự mâu thuẫn càng lộ liễu hơn (contradictio in adjecto); nó đã để lộ rõ sự lúng túng của lối tư duy giáo điều trước tình hình mới.

Phát triển một nền kinh tế thị trường hợp với luận lý của nó thì hậu quả tất nhiên là sự hình thành một xã hội tư sản. Đảng Cộng sản được thành lập và tranh đấu với mục đích tiêu diệt cái hình thái xã hội mà chính sách “đổi mới” đang giúp nó tái sinh. Đảng Cộng sản Việt Nam tự mâu thuẫn với chính mình rồi và mâu thuẫn này ngày càng trở nên hiển nhiên.

Vấn đề đặt ra ở đây là vào thời buổi này, thành phần lãnh đạo Đảng hôm nay có đủ bản lĩnh, óc sáng suốt để tự cải hoá, vượt qua khỏi bóng của mình mặc dù ý thức được rằng qua đó một đảng dựa trên nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê phải giải thể.

Như ta biết, trong thời kỳ đầu, vào những năm 40 thành phần lãnh đạo là một sự hội tụ của những người cùng chí hướng nhưng tư duy độc lập và có lý lịch khác nhau. Họ đã đến với Đảng Cộng sản qua một quá trình tự quyết, tự lựa chọn. Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng xuất xứ từ các thành phần xã hội khác nhau, được đào luyện trong những lãnh vực khác nhau, hành nghề và hoạt động chính trị tại những địa điểm khác nhau, có kinh nghiệm sống khác nhau trước khi cùng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Đảng. Tóm lại họ là những người chưa bị gò giũa bởi guồng máy Đảng nên còn có góc, có cạnh, có bản lĩnh vững vàng. Thành phần lãnh đạo hôm nay, năm 2005, là sản phẩm của guồng máy Đảng. Họ là một nhóm người được đúc cùng một lò, cùng chung một khuôn lý lịch: vào Đảng bởi chỉ định chứ không phải bởi tự lựa chọn, được huấn luyện cùng sách cùng thầy, cùng chung con đường danh vọng bằng cách luồn qua guồng máy tôn ti trật tự của Đảng từ cấp dưới lên cấp trên. Tóm lại: Họ là con đẻ nội hôn của guồng máy Đảng. Không cần phải là một nhà tâm lý xã hội uyên bác ta cũng có thể xác định được bản lãnh của họ: Thường tình họ chỉ có thể là những người cơ hội chủ nghĩa nhẵn nhụi, nhưng lão luyện với “quy luật tự bảo tồn địa vị”. Để tránh hiểu lầm: Sự diễn đạt trên đây không nhằm mục đích miệt thị hay bôi nhọ bất kỳ một cá nhân nào, nó chỉ nêu ra một hiện tượng xã hội học mà mỗi một người trong chúng ta, cùng trong một môi trường tương tự, dù muốn hay không cũng sẽ bị chi phối; đây cũng không phải là thành quả của tài tư biện của người viết mà là nhận thức xã hội học về tổ chức đảng, đạt được qua khảo cứu của Robert Michels vào đầu thế kỷ 20 [6] , và nay đã thành kiến thức chung trong xã hội học. Một ví dụ minh hoạ cho luận đề trên là vụ “Tố cáo Tổng cục 2 và tướng Lê Đức Anh” của các vị tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Nam Khánh đã lọt ra được công luận vào cuối năm 2004 [7] . Qua tài liệu tiết lộ, ta có thể nhận thấy rõ ràng đây là một cuộc tranh chấp địa vị cùng một kiểu thường xuyên xảy ra trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản (không những chỉ riêng Việt Nam). Điển hình là động cơ chính trị không rõ ràng và hoàn toàn thứ yếu, nhưng nó rất quy mô, bao hàm những thao tác có tính chiến lược chiến thuật, rất chu đáo và rất tổn phí thời gian. Tất cả công sức ấy bỏ ra chỉ nhằm mỗi mục đích bôi nhọ cá nhân của đối thủ để trả miếng lẫn nhau. Qua đó họ tự trung hoà lẫn nhau và theo thói thường những ai đã quá bận bịu với chuyện nội bộ cá nhân trong quy mô cỡ đó thì khó còn đủ sức lực để bận tâm giải quyết những vấn đề lớn lao khác.

Cũng vì thế ta không ngạc nhiên là chính sách “đổi mới” không xuất phát từ sự “sáng suốt” của thành phần lãnh đạo trung ương của Đảng. “Đổi mới” là thành quả đấu tranh của các lực lượng Đảng địa phương chống lại đường lối kinh tế bao cấp của trung ương Đảng, khởi nguyên từ những hành động “làm chui”, “xé rào” trong những năm 80 của thế kỷ trước. Ở đây, chúng ta cần nhớ lại là một trong những nguyên nhân đưa đến sự khủng hoảng và suy tàn của khối xã hội chủ nghĩa là sự bế tắc của hệ thống kinh tế. Đường lối kinh tế quốc doanh và tập thể hoá làm sức sản xuất tê liệt, dần dần không đáp ứng nổi nhu cầu bổng lộc và cấp phát ngày càng tăng của một xã hội quan liêu cồng kềnh lãng phí. Vào những năm 80 thế kỷ trước Liên Xô, Đông Đức và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã bước vào thời kỳ vỡ nợ: hết của cải để phân phối, cấp phát. Đây cũng là tình trạng của Việt Nam trong những năm 80 thế kỷ trước: sắp sửa phải lấy lúa giống ra xài. Là phản ứng chống lại sự bao cấp mù quáng của trung ương một số địa phương, Nam cũng như Bắc, đã phải “xé rào”, “làm chui” để cứu vãn tình thế . Theo nguyên tắc thì đây là những hành vi “chống Đảng” và trong thực tế nhiều nơi đã phải ngưng “làm chui”, “xé rào” sau khi trung ương can thiệp. Trong tình thế đó tính cát cứ của các đảng bộ Nam Bộ, đặc biệt là của Sài Gòn, đã trở thành yếu tố chính trị quyết định. Họ đã vật lộn với bộ máy trung ương bao cấp, làm hậu thuẫn cho phong trào “làm chui”, “xé rào”nẩy nở, rồi mở rộng thành công cuộc “đổi mới” hôm nay. Ta có thể hiểu được niềm tự hào của ông Trần Bạch Đằng khi ông kiểm điểm lại thành tích “đổi mới” các thập niên vừa qua và đã gọi Sài Gòn là “thành phố anh hùng”; “anh hùng” không phải vì chống ngoại xâm mà “anh hùng” vì đã có gan đương đầu với một Đảng bao cấp ngoan cố. [8]

Lịch sử phát triển nhà nước nói chung có thể xem là lịch sử của sự giằng co giữa xu thế tập quyền và xu thế cát cứ, trong đó cát cứ thường có chức năng hỗ trợ, hậu thuẫn cho những khuynh hướng phát triển bột phát, mới lạ. Sự cát cứ của các đảng bộ Nam Bộ đã thực hiện chức năng đó, mở đường cho công cuộc “đổi mới”; sự cát cứ của đảng bộ Thượng Hải đã mở đường cho phong trào canh tân hiện đại hoá Trung Quốc hôm nay. Nhìn lùi xa vào lịch sử ta sẽ nhận thấy rằng tính cát cứ của chế độ phong kiến ở châu Âu đã là một yếu tố quyết định hỗ trợ cho sự hình thành chủ nghĩa tư bản, trong khi chế độ tập quyền Trung Quốc đã bóp nghẹt mọi khuynh hướng phát triển mới mặc dù trong một thời gian dài cùng trong thời đại ấy trình độ khoa học kỹ thuật tại Trung Quốc đã từng cao hơn các nước châu Âu. Cát cứ như thế là một thành phần bổ sung cho tập quyền, biểu hiện sự phát triển phong phú đa dạng của một quốc gia và về mặt chính trị là một yếu tố đa nguyên. Tại Việt Nam, xu thế cát cứ hình như đang trở thành một lối thoát khỏi đường lối tập quyền bao biện của Đảng mà sự phát triển trội lên của vùng Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời gian gần đây với sự hậu thuẫn của đảng bộ địa phương có thể xem là một ví dụ điển hình.

Một mặt khác, chúng ta đang là nhân chứng của sự hình thành một tầng lớp trung lưu mới mà tiền đồ của họ gắn liền với nền kinh tế thị trường chứ không phụ thuộc vào ân sủng của Đảng. Không cần biết Đảng là ai họ vẫn có thể thành đạt trên đường lập nghiệp lập danh. Lần đầu tiên trong nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một tầng lớp xã hội tồn tại không phụ thuộc vào chế độ bổng lộc và cấp phát của Đảng; hơn nữa: thành phần ấy ngày càng phát triển thành một lực lượng trụ cột của xã hội Việt Nam mà Đảng khó có thể lũng đoạn nổi.

Ngạn ngữ ta có câu: „Ném lao thì phải theo lao”; Đảng Cộng sản Việt Nam đã ném lao nhưng với bản chất hạn chế của mình Đảng không đủ sức theo lao, không đủ thẩm quyền, chủ quan cũng như khách quan, để đồng hoá quyền lợi của một lực lượng xã hội mới đang tiến lên với quyền lợi của mình. Tiến thoái lưỡng nan chăng? Sự bất đồng này là nguyên nhân của một sự khẩn trương chính trị cần phải được khắc phục. Đa nguyên rõ ràng không phải là một đòi hỏi chủ quan phiêu lưu tuỳ tiện mà là một đòi hỏi khách quan cấp thiết của chính trường Việt Nam. Cần phải khắc phục mâu thuẫn ấy thế nào? Hoặc là bằng cách thanh trừ với nguyên lý hủ lậu của Lenin là “ai diệt ai” để tiếp tục duy trì sự ổn định giả tạo và sẽ đưa đến sự cáo chung của công cuộc “đổi mới”, một điều mà cục diện phát triển trong nước cũng như thế giới không cho phép. Hoặc là bằng cách thoả hiệp với nguyên lý “hoà nhi bất đồng”, mà “hoà” không phải bởi lý do chiến thuật chiến lược mà là bởi thức thời, sáng suốt để có thể chủ động, kiên quyết đi đến một sự “nhượng bộ lịch sử”. Đấy là, nếu muốn nói vậy, sứ mệnh còn lại đối với Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay; đấy là một giải pháp của sự khôn ngoan, giải pháp của sự minh triết.

Đọc bản “Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam” tôi không thể không nhớ lại Hegel đã có lần viết về sự cáo chung của một thời đại như sau: “Khi triết học lại vẽ màu xám của mình lên trên màu xám thì một hình thù của cuộc sống đã cằn cỗi rồi, vẽ xám lên xám không làm nó trẻ lại được mà chỉ để nó lộ liễu ra; chẳng phải con chim cú của nữ thần Minerva chỉ cất cánh bay vào lúc màn đêm phủ xuống.” [9] Theo thần thoại Hy-Lạp Minerva là nữ thần của minh triết và chim cú cũng là biểu tượng của minh triết.

Tháng ba 2006

© 2006 talawas


[1]Nguyễn Trung, Thời cơ vàng: Vận hội mới. Trên mạng: www.tuoitre.com.vn, ngày 12.01.2006; Thời cơ vàng: Vượt qua cái bóng của mình. Trên mạng: www.tuoitre.com.vn, ngày 17.01.2006; Thời cơ vàng của Đảng ta. Trên mạng: www.vietnamnet.vn, 09.01.2006; Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Đột phá và tăng tốc” với ông Nguyễn Trung. Trên mạng: www.vietnamnet.vn, ngày 24.01.2006.
[2]Ban Tuyên huấn Trung ương/Vụ Biên soạn, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Trích văn kiện Đảng, Tập II. Hà Nội: Nxb Sách giáo khoa Mác-Lê Nin, 1978, tr. 230.
[3]Với danh từ “nhà nước gia sản”(Patrimonialstaat) Max Weber đã khái quát hiện tượng phôi thai của nhà nước quan liêu mà trong đó người cầm quyền đã xem nhà nước như tư hữu của mình. Xem: Max Weber, Wirtschaft und Gesellschaft (Kinh tế và xã hội). Tübingen: Mohr Verlag, 1972, từ tr. 679.
[4]Xin mở ngoặc: Văn kiện này là bửu bối của các nhà lý luận mác-xít của đảng, là nền tảng đào luyện lý thuyết cho họ. Tất cả kiến thức về chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mao Trạch Đông và của các “lý thuyết gia” của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ hạn chế vào khoảng hơn 30 trang trình bày trong chương IV, tiết 2 của văn kiện này. Đây cũng là một trong những nguồn gốc của cái gọi là chủ nghĩa Marx thông tục vì giản đơn hoá một cách thô bạo tư tưởng của Marx.
[5]Nguyễn Đức Bình, „Xây đựng Đảng ta thật vững mạnh“. Trên mạng: www.nhandan.com.vn, ngày 23.02.2006.
[6]Robert Michels, Zur Soziologie des Parteiwesens in der modernen Demokratie (Đóng góp vào xã hội học nghiên cứu về tổ chức đảng trong nền dân chủ hiện đại). Stuttgart: Kröner Verlag, 1957.
[7]Xem: Diễn Đàn (Paris), số 143, 09.2004, tr. 13-16; số 145, 11.2004, tr. 1 và tr. 4; số 149, 03.2005, tr. 8-10.
[8]Trần Bạch Đằng, „Luận anh hùng“. Trong: Tuổi Trẻ, số xuân Bính Tuất 2006, tr. 4.
[9]“Wenn die Philosophie ihr Grau in Grau mahlt, dann ist eine Gestalt des Lebens alt geworden, und mit Grau in Grau lässt sie sich nicht verjüngen, sondern nur erkennen; die Eule der Minerva beginnt erst mit der einbrechenden Dämmerung ihren Flug”. Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Grundlinien der Philosophie des Rechts. Vorrede (Triết học pháp lý đại cương. Lời nói đầu) . Frankfurt/Berlin/Wien: Ullstein Verlag, 1972, tr. 14.