Thư gởi ông Nguyễn Văn Lục, tác giả bà i viết Hiện trạng lão hóa nơi các nhà văn hải ngoại
Ngày 22 tháng Giêng năm 2005
Kính chào Ông,
Tôi là một người đọc bình thường, không phải là người viết văn, nên chỉ có khả năng viết được những lá thư để chia sẻ với các tác giả thôi ông à! Thành ra, sau khi đọc bài viết
Hiện trạng lão hoá nơi các nhà văn hải ngoại của ông, tôi xin mạo muội viết lá thư này mong chia sẻ với ông vài cảm nghĩ riêng của mình hơn là tranh luận cùng ông về một đề tài mà tôi nghĩ nó quá lớn lao so với vốn hiểu biết của một người đọc già nua như tôi, đó là bàn về nhà văn và văn chương nơi hải ngoại này.
Thưa Ông,
Trong bài viết của ông, nếu tôi không lầm, thì có ba vấn đề chính mà ông nêu lên nhằm chứng minh cho nhận định của mình, đó là “
đề tài”, “tuổi của nhà văn” và “tuổi của người đọc”. Và tôi cũng xin được nương theo đó mà giãi bày cùng ông vài ý nhỏ của mình.
Trước hết
“lão hóa về đề tài”. Về tiêu đề này không có gì mới ông à! Thời nào, đời nào, các văn nhân thi sĩ cũng ca ngợi về các đề tài chung quanh mình. Cũng tình yêu, trăng sao mây nước. Ði xa hơn họ còn phản ảnh về những bức tranh xã hội mà họ đã trải qua. Bởi một lẽ hết sức giản dị là trước khi trở thành nghệ sĩ, các tác giả của những tác phẩm góp mặt với đời đólà một con người. Nhà văn hơn ai hết là chứng nhân của thời đại mà họ đang sống. Tác phẩm của họ nếu không phản ảnh được xã hội mà họ trải qua thì tốt nhất họ chớ nên quấy rầy văn chương và người đọc làm gì. Chắc ông cũng đồng ý với nhiều người là “
trái đất thì xưa”, không có gì mới; nhưng có ai hiểu nổi cơn động đất sóng thần vùng Nam Á châu vừa rồi với bao nỗi kinh hoàng không? Và rồi sẽ còn bao nhiêu biến động khác của trời đất và lòng người nữa đây? Và ai sẽ là người ghi lại hết những biến dịch của vũ trụ này, nếu không là các văn nhân nghệ sĩ?
Các tác giả mà ông nêu trong bài viết, tôi nghĩ chắc ông có lẽ chưa đọc hết những gì các nhà văn ấy viết. Bởi một lẽ giản dị là tôi chỉ nhẩm tính, với số lượng trang giấy in của hằng trăm, hằng ngàn cuốn sách đó, nếu một người đọc chăm chú có lẽ cả đời đọc chưa hết nổi, mặc dù ông chưa ghi hết các tên sách khác. Ông làm tôi nhớ, có một người bạn kể lại là có người khoe với anh là ông ta có trên mười ngàn cuốn sách, mà đa phần là sách bằng tiếng Tây, tiếng Mỹ. Tôi nghĩ trong bụng, ông chủ của hơn mười ngàn cuốn sách ấy là một vị hoàng đế tái sinh và các trang sách là hằng trăm, hằng ngàn nàng cung phi mỹ nữ cả đời ủ dột. Nếu chúng biết cất tiếng kêu, có lẽ nhân loại này sẽ có hằng trăm, hằng ngàn bản “
cung oán ngâm khúc tân thời” .
Xin được lấy một thí dụ, bộ
Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác dày gần 3.000 trang, một người đọc bình thường như tôi phải mất hai năm; còn cuốn Cửu Long cạn dòng Biển Ðông dậy sóng của Ngô Thế Vinh in lần đầu 649 trang, lần tái bản 724 trang, tôi đọc rất mê vì tác giả viết về con sông mà tôi uống nước, vùng đất mà tôi cày ruộng nuôi mình, nhưng tôi cũng phải mất ba tháng trời nghiền ngẫm mới xong trang cuối; còn những cuốn sách dày khác của Nam Dao, Hoàng Khởi Phong, Trần Doãn Nho, Nguyễn Xuân Hoàng... thì ôi thôi muốn đọc xong phải lâu lắm, không phải vì tuổi tác, vì chán đề tài, vì không hay mà vì không có nhiều thời gian để đọc cho kịp ông à! Mà khi mình đọc chưa hết hay chỉ điểm qua cái tựa không thôi mà nhận định rằng “
lão hoá về đề tài”, có lẽ người đọc đòi hỏi nhà văn nên đi xa hành tinh này may ra mới có đề tài mới. Chừng đó, ông và tôi, có lẽ cũng nên sang thế giới bên kia mà tìm đọc những tác phẩm mới và lạ của họ.
Thứ đến là tuổi của nhà văn. Về phần này ông làm tôi nhớ sau những năm chạy giặc Tây, lúc bấy giờ nhà cửa vườn tược ở làng quê tôi rất tiêu điều, khi tía má tôi bồng chống đàn con trở lại làng quê xưa, thì ôi thôi ruộng hoang đồng trống. May sao, trong vườn cam nhà tôi còn sót lại một gốc cam Tàu, năm ba gốc dừa lão cao lêu nghêu giữa trời. Lúc bấy giờ tôi còn rất nhỏ, tuổi thơ nhà quê khờ dại lắm ông, tôi hay chạy theo chân tía tôi và hỏi: “
Sao tía không đốn cây cam lão đó đi tía?” Tía tôi trả lời rất hiền:
”Cam của ông nội con trồng. Cam lão nhưng trái ngọt lắm con.” Rồi tôi lại hỏi về mấy cây dừa. Tía tôi cũng trả lời: “
Những cây dừa lão ấy của ông nội con trồng. Giờ trái nó không lớn nhưng nước dừa lão ngọt lắm!” Lúc bấy giờ nghe tía tôi nói vậy mình hay vậy vì cái thời của tôi cha mẹ nói là nói trúng, con cái chỉ nghe và vâng lời, không đứa nào dám cãi lời. Nhưng về sau, khi tuổi đời lớn thêm chút nữa, rồi vào đời qua những năm tháng lận đận giữa dòng đời nhiều sóng vỗ nước dâng, tôi càng nghĩ câu trả lời của tía tôi ngày xưa vô cùng thâm thúy. Và tôi hiểu tại sao miền quê tôi người ta vừa trồng dừa tơ, vừa trồng cam chiết nhánh, cam sành nhưng người ta vẫn giữ những hàng dừa lão, những gốc cam trồng bằng hột giống, những gốc cau lão cao lêu nghêu in bóng xuống dòng sông nước ngọt bốn mùa.
Khi ông viết về tuổi đời của nhà văn, ông có thấy lòng mình tàn nhẫn quá không khi ông phải dùng những chữ “
không làm nên cơm cháo gì”.
Thêm vào đó, ông lại nhận định một phần nhà văn hải ngoại bắt đầu viết văn quá trễ, có người khởi đầu ở tuổi 60, trung bình tuổi cũng trên 40; nhưng ông cũng quên một điều là tuần trăng mật của đôi tân lang và tân giai nhân mới cưới nhau năm 20 tuổi và tuần trăng mật của một đôi uyên ương ở tuổi 50, chắc gì ai hạnh phúc hơn ai. Trăng mật thì không mới nhưng niềm hoan lạc chắc cũng nồng nàn không thua gì nhau. Tuổi trẻ có cái lợi là nhìn đời theo nhãn quan trẻ và người già giàu có ở chất liệu mà họ đã tích lũy được nhiều năm. Tựu trung tác phẩm hay không phải do nhà văn bắt đầu sớm hay muộn, mà do cách diễn đạt của họ, vì viết vốn dĩ là một cách diễn đạt ý tưởng, không hơn không kém.
Thứ ba là
“tình trạng lão hóa ngay chính nơi độc giả” mà ông nêu ra như một lý do chính đáng, theo ông văn học hải ngoại không khá. Thật ra, điều mà ông nêu ra về tuổi tác của người đọc, chúng tôi nghĩ nhà văn chắc họ không chỉ viết cho người đọc hải ngoại này không thôi ông à; mà các văn nhân còn kỳ vọng một ngày nào đó các trang sách của họ sẽ được đến với người đọc trong nước. Bởi lẽ, chúng tôi tin văn học hải ngoại còn là những trang sách còn rất mới và rất hấp dẫn với người đọc trong nước và văn học sử Việt Nam sẽ không là văn học sử Việt Nam nếu các nhà viết văn học sử bỏ quên mảng văn học quý báu này.
Sau cùng tôi xin được phép kể cùng ông câu chuyện vui hồi năm 1970, nhớ lại năm tôi mới cưới vợ, một hôm về quê vợ ở Tân Châu thăm bà dì, năm ấy bà dì bảy mươi tuổi, đã hơi lẫn. Mấy đứa cháu đến chơi mới nói như một lời hỏi thăm: “Dì Hai năm nay già quá rồi”. Bà dì nghe cháu nói vậy, rồi bà cười cười, tay mân mê vạt áo trả lời: ”Tôi không biết thế nào gọi là già?”.
Trân trọng,
Lương Thư Trung
© 2005 talawas