trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thaoTư tưởngTriết học
10.12.2004
Gordon Marino
Đấm bốc và giảng đường đại học
Võ Tấn Phong dịch
 
“Hãy biết mình” là câu châm ngôn của Socrates, nhưng Tyler Durden, nhân vật chính trong phim Fight Club, hỏi: “Anh có thể biết gì về mình nếu chưa từng đánh nhau?” Mặc dầu các huấn luyện viên của thuật thâm mình tím mẩy này rụt lại khi ai đó nói đấm bốc [1] là đánh nhau, không còn nghi ngờ gì nữa môn đấm bốc đẩy anh vào chỗ phải đối diện với chính mình rất rõ. Hãy đấm một cú móc trái hoặc hãy bước vào vũ đài, và chẳng chóng thì chầy anh sẽ biết anh có thuộc tạng người sẽ gượng dậy nổi hay không.

Suốt một thập kỷ, tôi đã dạy cả đấm bốc và triết học. Những đồng nghiệp đại học của tôi đôi khi phản ứng trước sự dính dáng của tôi với ngành khoa học ngọt ngào này bằng những nhát đấm trí tuệ và chút nhã nhặn chiếu cố. Vài năm trước ở một hội nghị triết học, tôi đã nói là tôi phải về sớm để quay lại trường, làm việc với ba võ sĩ của tôi từ Học Viện Quân Sự Virginia – những người sẽ dự thi vô địch Hội Đấm Bốc Đại Học Toàn Quốc. Bị sốc khi biết rằng có một cuộc thi đấu đại học như thế, một nữ giáo sư đã trách: “Làm sao một người mang chí hướng phát triển trí tuệ lại dính dáng tới một thứ thể thao mà học sinh đấm vỡ óc nhau?” Tôi đã giải thích rằng các đấu thủ mang mũ bảo vệ đầu và dùng găng đấu được độn nhiều bông nặng đến nửa ký-lô trong thi đấu cũng như trong luyện tập, bà ta vẫn không chịu. “Mũ hay không mũ”, bà ta trả lời, “thì óc của anh cũng tung lắc. Tệ hơn nữa, anh tuyên truyền bạo lực”.

Tôi phản đối rằng nếu bạo lực được định nghĩa là cố tình hại một người khác, thì tôi đã nhìn thấy quá đủ những chuyện như thế trong võ đài triết học rồi. Ở trường đại học nơi tôi học cao học, các hội thảo không có gì khác hơn là những trận đấu súng hàn lâm mà mục đích là bắn ra một câu hỏi để hạ thấp giảng viên. Tôi đã chỉ ra: “Tôi thậm chí còn thấy các triết gia tự kiềm chế mình để khỏi vỗ tay tán thưởng một câu nhận xét đã làm choáng người diễn giả và làm anh ta cảm thấy ngu ngốc”. Tôi tiếp tục lý lẽ rằng ra đấm và chịu đấm giúp anh cảm thấy an toàn hơn trong cuộc đời, và rằng người nào không dễ bị kẻ khác đe doạ thì nói chung ít đe dọa kẻ khác hơn. Bà ta không nuốt trôi chút nào lý lẽ đó. Rồi tôi đã sai lầm khi lấy mình ra làm thí dụ khi lưu ý rằng tôi đã đấm bốc năm này qua năm khác và vẫn có thể suy luận mạch lạc. Chuyện đó đem lại cho tôi một nụ cười mỉm và một cái vỗ nhẹ vào cổ tay.

Nếu tôi bị quẳng vào vũ đài hôm nay và phải bảo vệ môn võ tự vệ trước thái độ giễu cợt của một vài nhà hàn lâm, tôi sẽ có ít nhất hai đồng nghiệp về phe tôi. Trong Thể xác & Tâm hồn: Ghi chép của một võ sĩ đấm bốc tập sự (Oxford University Press, 2004) người được giải thưởng MacArthur, Loïc Wacquant, một giáo sư xã hội học ở New School University, mô tả sự rèn luyện cảm động mà ông được huấn luyện trong ba năm trời ở một phòng tập đấm bốc ở phía nam Chicago. Giáo sư Wacquant, người được đai đỏ do lòng can đảm vì đã tham dự giải Găng Vàng Chicago nổi tiếng, khẳng định rằng những câu lạc bộ đấm bốc là đất thánh của trật tự, hòa thuận, và bình an trong một thế giới hỗn loạn. Theo Wacquant, mà tên trên võ đài là “Louie Túi bụi”, thì phòng tập là “một trường dạy đạo đức theo ý Durkheim, nghĩa là một bộ máy được thiết kế để tạo ra ý chí kỷ luật, sự gắn bó đồng đội, kính trọng người khác cũng như bản thân, và tự do ý chí, những thứ vốn không thể thiếu được để thăng hoa trong ngành đấm bốc”. Bộ máy này thường làm việc tốt đến nỗi nó tôi rèn nên một loại tình yêu quý lẫn nhau thường thiếu trong những giảng đường mát lạnh của học viện. Khi ông rời Chicago để học hậu tiến sĩ ở Harvard, Wacquant đã ở trong tình trạng hoảng loạn vì phải rời cái gia đình đấm đá của ông. Ông viết: “Trong lúc say mê chìm đắm đó, tôi thậm chí đôi lúc đã nghĩ đến chuyện bỏ cả sự nghiệp học viện của tôi để ‘trở thành đấu thủ nhà nghề’ và bằng cách đó ở lại với bạn bè tôi ở phòng tập và với huấn luyện viên, DeeDee Armour, người đã trở thành một người cha thứ hai của tôi”.

Carlo Rotella, một phó giáo sư Anh văn và chủ nhiệm phân ban Hoa Kỳ học ở Boston College và tác giả của Cắt giờ: Giáo dục đánh nhau (Houghton Mifflin, 2003), đã dành một năm ghi chép ở phòng tập của cựu vô địch hạng nặng Larry Holmes. Rotella cho rằng đời sống chỉ là gây tổn thương hoặc bị tổn thương, và rằng có ít khóa học nào trong đời sống chuẩn bị tinh thần cho ta để đối diện với cơn lốc ngoài kia như đấm bốc. Trong phần giới thiệu cho một trong những cuốn sách hay nhất về đấm bốc, Rotella lưu ý:

“Càng dấn sâu vào các trận đấu, anh càng khám phá nhiều thứ dường như mới nhìn qua thì không có gì liên quan đến đấm bốc. Những bài học về khoảng cách và sức lực, hay giữ lại một phần sức lực của mình ngay cả khi đấu nhau kịch liệt, là những bài học không chỉ về cách một võ sĩ hành xử với đối thủ mà cũng là cách một người hành xử với người khác như thế nào. Các trận đấu dạy ta nhiều bài học như thế - về các đức hạnh và các giới hạn của mánh khóe, về sự cần thiết phải phân biệt ý nghĩa và các sự kiện rành rành do gói ghém chúng trong những chuyện kể và màn trình diễn, về bị thương tổn và bị già đi, về khoảng cách và thâm tình, và đặc biệt là về chính nền giáo dục: đấm bốc huấn luyện không ngừng về dạy và học tri thức và những hậu quả của nó”.

Tuy nhiên, tôi nghĩ lời bảo vệ cho đấm bốc hay nhất đến từ Aristotle [2] . Trong Nichomachean Ethics của ông, Aristotle đưa ra danh sách nổi tiếng của ông về những đức hạnh đạo đức. Bất kỳ lúc nào tôi dạy phần này của lớp Đạo đức (Ethics) tôi luôn bắt đầu bằng việc hỏi sinh viên họ nghĩ gì về các thành phần của đạo đức. Sự tôn trọng, lòng trắc ẩn, tính trung thực, sự công bằng, và lòng khoan thứ luôn luôn tuôn ra nhanh chóng lên bảng đen, tiếp theo là tính sáng tạo và khiếu hài hước. Tôi thường phải thúc họ để suy luận ra “can đảm”. Và rồi tôi quát hỏi: “Làm sao anh có thể trung thực hay công bằng mãi nếu anh không có dũng khí để chịu một đòn?”

Aristotle viết rằng phát triển một đức hạnh đạo đức yêu cầu phải thực hành những lựa chọn và những cảm xúc phù hợp với đức hạnh đó. Do đó, đại học ngày nay thường có đủ loại họp mặt tập luyện giúp phát triển đức khoan thứ, chẳng hạn, bằng cách làm cho học sinh cảm thấy thoải mái với những người đến từ nền các nền văn hóa khác nhau. Nhưng nơi nào tập luyện đức can đảm, một đức hạnh mà Nelson Mandela [3] , John McCain [4] , và những những người khác đã cho là tìm được từ đấm bốc?

Theo Aristotle, can đảm là khoảng giữa của không-sợ và sợ quá mức. Khả năng biết sợ là thiết yếu để sống một đời sống đạo đức, nhưng khó mà biết được làm thế nào có thể kiên trì đi theo tiêu chuẩn đạo đức của anh dưới áp lực khi mà anh được cách li khỏi mọi nỗi sợ hãi. Đấm bốc cho người ta thực hành sợ hãi. Dĩ nhiên cũng có những tên côn đồ can đảm. Sự can đảm thể xác không bảo đảm sẽ đưa đến việc kiên định đấu tranh cho một nguyên tắc. Tuy nhiên, trong một vị thế đạo đức khó khăn, tôi sẽ có xu hướng tin tưởng vào người nào cảm thấy mình đang bước vào võ đài hơn là người chỉ trải qua nguy hiểm của người khác, ngồi ghế coi video.

Thực ra, đấm bốc là một môn thể thao phổ thông giữa các đại học cho đến những năm đầu thập niên 1960, khi một trận đấu có người chết và những chuyện về các võ sĩ bán chuyên nghiệp đóng giả sinh viên đã hạ gục môn thể thao này. Vào năm 1976 đấm bốc ở đại học được hồi sinh với vai trò là môn thể thao câu lạc bộ, và ngày nay, dưới sự yểm hộ của Hội Đấm Bốc USA (cơ quan điều hành nền đấm bốc nghiệp dư của Mỹ), Hiệp Hội Đấm Bốc Đại Học Quốc Gia bao gồm 30 đội của các đại học. Mỗi tháng tư, các giải vô địch vùng, miền và quốc gia được tổ chức. Mới đây tôi nói chuyện với Maja Cavlovic, một nữ võ sĩ từ Estonia vừa tốt nghiệp Học Viện Quân Sự Virginia mùa xuân này. Là một tay đấm mạnh, cô Cavlovic suy gẫm: “Đấm bốc đã giúp tôi học cách làm thế nào điều khiển cảm xúc của tôi. Anh bước vào đó và anh sợ hãi ghê gớm, và rồi tất cả những rèn luyện của anh tiếp tục phần còn lại”.

Người hai lần đạt giải vô địch hạng nặng George Foreman [5] đồng ý với Cavlovic. Cùng với việc là một nhà kinh doanh vô cùng thành đạt, Foreman điều khiển một câu lạc bộ lớn dành cho thanh thiếu niên bên ngoài Houston với một chương trình đấm bốc sôi động. Bởi Foreman cũng là một mục sư, tôi hỏi ông: “Làm sao ông có thể thỏa hiệp giữa việc dạy bọn trẻ quăng ra một cú đấm nốc-ao với lời dạy của Giê-su rằng chúng ta nên chìa má bên kia ra?” Forman cười khùng khục và giải thích: “Để thành công trên võ đài anh phải điều khiển được cảm xúc của anh – nó gồm cả giận dữ nữa. Và những đứa trẻ nào theo đuổi nó đến cùng thì ít hung bạo hơn khi chúng bước vào đây”.

Người Mỹ phần lớn sống trong một nền văn hóa phóng xả trong đó cảm xúc mạnh mẽ và sự bộc phát được tôn sùng. Ngoài việc được bảo ban rằng những cảm giác có vấn đề là các bệnh y khoa, thanh thiếu niên của chúng ta ít khi được giáo dục phải điều chỉnh lại cảm xúc của chúng. Kết quả là, có rất ít cơ hội để chống đỡ với những cảm xúc mạnh như giận dữ và sợ hãi. Trên sàn đấu, những cảm xúc mạnh mẽ đó thường xuyên đấm vào mặt anh, nhưng nếu anh muốn tiếp tục đấm, anh học được bài học là đừng để bị đập liên tiếp bằng các cảm xúc của anh. Vẫn tiếp tục thủ thế trong khi anh muốn nhảy ra khỏi sàn đấu có thể rất là phóng khích. Sau khi anh ta thắng trận đầu tiên, tôi hỏi Karl Pennau, một học sinh của trường St. Olaf mà tôi huấn luyện, rằng điều gì anh ta thâu lượm được từ sự học tập môn khoa học ngọt ngào này. Anh ta trả lời: “Tập đánh bốc đã cho tôi rất nhiều thứ hơn là đơn thuần chơi một môn thể thao. Nó là một trò chơi cứng rắn, nhưng được huấn luyện và lên võ đài, tôi sẽ không bao giờ nghĩ rằng có điều gì mà tôi không thể làm được nữa”.

Cựu võ sĩ đấm bốc, Gordon Marino là giáo sư triết học, phụ trách Thư viện Kierkegaard, và phụ tá huấn luyện viên bóng bầu dục ở Saint Olaf College. Ông cũng huấn luyện võ sĩ đấm bốc nghiệp dư.


© 2004 talawas


[1]Boxing: môn đấm bốc, hay quyền Anh
[2]Aristotle (384-322 trước Công Nguyên): nhà triết học Hy Lap, học trò của Plato, và thầy dạy của Alexander Đại Đế
[3]Nelson Mandela (1918-): nhà tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc người Nam Phi, cựu tổng thống Nam Phi, giải Nobel hòa bình 1993
[4]John McCain (1936-): thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, tù binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
[5]George Foreman (1949-): vô địch thế giới đấm bốc hạng nặng năm 1973 và 1994.