trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
2.11.2008
Kiệt Tấn
Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa
 1   2   3   4   5 
 
Bài 3 (tiếp theo)

Ý THỨC TRONG PHẬT GIÁO

Có bao nhiêu “thức” trong Phật giáo?

Luận về ý thức, quan điểm của triết lý (Sartre) và của khoa học thần kinh đã được phân tích và đối chiếu: rất là khác biệt nhau. Nhưng về phần mình, Phật giáo nghĩ gì và nói gì về ý thức? Tuy đặt câu hỏi là đặt vậy thôi, nhưng người viết không dám lạm bàn. Bởi lẽ Duy thức học là môn khó khăn nhứt và hóc búa nhứt của Phật học. Để tránh lầm lạc, trước khi trình bày quan điểm riêng của mình, người viết xin trích dẫn lại đây những đoạn giảng giải liên quan đến Bát Nhã Tâm Kinh của hai vị am tường về Phật học, đó là Sa môn Thích Thiện Hoa và Thích Như Điển. Trước hết, để cho việc trình bày các điều giảng giải được mạch lạc, xin nhắc lại đầy các trích đoạn của Bát Nhã Tâm Kinh đã được dẫn ở đầu Bài 1, sau đó sẽ bổ túc thêm phần giảng giải. Sau khi bổ túc, sẽ đem đối chiếu quan niệm của Phật giáo với các quan niệm của triết lý và khoa học.

“Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng hành thức (…) vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới(… ) vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc (…)”

Bản dịch sang tiếng Việt trích đoạn trên của Tâm Kinh và định nghĩa của các từ ngữ sử dụng trong kinh này đã được trình bày trong Bài 1. Người viết xin bổ túc thêm các đoạn giảng giải về nghĩa kinh của Sa Môn Thích Thiện Hoa, và đặc biệt là các điểm liên quan tới ý thức:

Phần giải thích từ ngữ

“Ngũ uẩn”, hay là “năm uẩn” gồm: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Tất cả sự vật trong vũ trụ không ngoài thế giới và chúng sanh. Cõi sống của chúng sanh không ngoài Sắc (vật chất) và Tâm (tinh thần). Sắc tức là sắc uẩn. Tâm tức là bốn uẩn: thọ, tưởng, hành, thức (xem thêm giải thích “Bát Nhã Tâm Kinh”, Bài 1).

Bát Nhã Tâm Kinh nói: “năm uẩn” tức là bên Duy thức nói “94 pháp hữu vi”. Kinh nói “không” hay “không tướng”, tức là bên Duy thức nói “sáu pháp vô vi”.

Tâm Kinh nói “sắc bất dị không” và nói “sắc tức thị không” là nói: “pháp hữu vi (tướng) không khác với pháp vô vi (tánh)”, và nói: “pháp hữu vi tức là pháp vô vi”.

SẮC tức là sắc uẩn. Các vật chất chứa nhóm lại thành ra những hình tướng, như thân thể và cảnh vật, gọi chung là sắc uẩn.

Sắc uẩn gồm năm căn và sáu trần.

Năm căn là: nhãn căn (mắt), nhĩ căn (tai), tỷ căn (mũi), thiệt căn (lưỡi), và thân căn (thân thể).
Sáu trần là: sắc trần (thấy), thanh trần (tiếng), hương trần (mùi), vị trần (vị), xúc trần (thân xác), và pháp trần (ý).

Pháp trần là cảnh giới do ý thức nhận biết, tức là “vô biểu sắc”. Sắc này không biểu lộ ra ngoài, nhưng đối với nội tâm, tức là đối với ý thức, thì nó được nhận biết rõ ràng (Chú thích của người viết: Pháp trần tuy thuộc về cảnh giới trừu tượng (vô biểu sắc, nội tâm, ý thức), nhưng lại nằm trong nhóm “sắc uẩn”, tức là vật chất. Điểm này sẽ được khai triển ở phần sau của bài viết).

THỨC tức là Thức uẩn. Thức nghĩa là hiểu biết phân biệt, có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Thức chia làm 6 loại: Nhãn thức (cái biết của mắt), nhĩ thức (tai), tỷ thức (mũi), thiệt thức (lưỡi), thân thức (thân), và ý thức. Ngoài ra, còn có thêm 2 thức cuối cùng là “mạt-na thức” và “a-lại-da thức”.

Ý thức là cái biết của ý, phân biệt các pháp trần thuộc cảnh giới nội tâm.

Mạt-na thức là cái biết thứ bảy, chấp thức thứ tám làm “ngã” (cái “ta”).

A-lại-da thức là cái biết thứ tám, chứa chủng tử các pháp.

Kinh dạy: “… Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách… Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Phần giảng giải

KHÔNG tức là “Không tướng (Bát Nhã)” Cái “không” đây không phải là hư không, ngoan không, hay cái “không” đối đãi với cái “có”. Cái “không” đây là bản tánh thanh tịnh không có hình tướng (không tướng hoặc tướng không). Vì nó không sanh diệt, không hư dối nên cũng gọi là “chơn không” hay thật tướng, chân tướng, chơn tánh, chơn tâm, chơn như…

Phật dạy: Chúng sanh vì mê muội bản thể chơn tâm thanh tịnh của mình nên vọng hiện ra thế giới chúng sanh, tức là cảnh giới của chúng ta đang sống đây (cảnh giới đại mộng). Cũng giống như người chiêm bao (tiểu mộng), chúng sanh vọng chấp cảnh trong chiêm bao là cảnh thật nên sanh ra buồn vui, mừng giận…, vì vậy nên gọi là “điên đảo mộng tưởng”.

Nói rõ hơn, tuy đồng bản thể với chơn tâm thanh tịnh, nhưng chúng sanh vì vô minh mà sinh ra mộng tưởng điên đảo, do đó thấy có năm uẩn tức là thế giới của chúng sanh, rồi theo cảnh đại mộng này mà thọ khổ.

Trái lại, Bồ tát là bậc đã giác ngộ (đã thức giấc đại mộng), nên Ngài dùng trí tuệ Bát nhã mà soi thấy cảnh đại mộng này (tức là năm uẩn hay các pháp) đều không có thật, vốn chỉ do tâm vọng chấp mà hiện ra. Do đó, Ngài không còn thọ các nỗi khổ của cảnh đại mộng nầy nữa (độ nhứt thiết khổ ách).
Tóm lại:

Vì chúng sanh còn mê muội, nên từ “tánh không” mà hiện ra “sắc tướng”, bởi vậy mà nói “sắc chẳng khác với không” hoặc “sắc tức là không”

Vì Bồ tát đã giác ngộ nên từ “sắc tướng” quay trở về với “tánh không”, bởi vậy mà nói “không chẳng khác với sắc”, hoặc “không tức là sắc”.

“Ngũ uẩn giai không” có nghĩa “năm uẩn đều không”: Hàng Nhị thừa phá cái “chấp ngã” nhưng còn “chấp pháp”: nghĩa là thấy không có cái “ngã”, nhưng vẫn còn thấy có “năm uẩn”. Với hàng Đại thừa Bồ tát thì ngã và pháp đều bị phá hết, vì vậy mà “ngã” không còn mà “năm uẩn” cũng không.

Kết luận: Nói “ngũ uẩn giai không” tức là nói “thế giới và chúng sanh hay tất cả sự vật trong vũ trụ đều không”. Thích Thiện Hoa

Sắc không / Không sắc

Kinh dạy: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” có nghĩa “có tức là không, không tức là có”. Điều này đối với một người có cái logique Tây Phương thì vô cùng nghịch lý, khó hiểu và cũng khó lòng mà chấp nhận. Để làm sáng tỏ điểm này, người viết xin mượn giải thích và ví dụ sau đây trích từ quyển “Có và Không” (Sein und Nichtsein) của đạo hữu Thích Như Điển:

Tại sao “có tức là không?” Như chúng ta thấy đó, mọi vật tồn tại nơi thế gian đều không có gì chắc thật, luôn luôn thay đổi và luôn luôn biến hoá. Con người chỉ an trụ trong những giây phút ngắn ngủi, rồi quên đi, tưởng rằng chúng “có” thật, nhưng trên thực tế lại là “không”. Tuy rằng không đó, nhưng những vi trần nhỏ li ti, những biến động của gió, của không khí sẽ làm cho từ chỗ không biến thành có, vân vân…

Cho đến sự cảm nhận nơi tâm thức, tư tưởng của mỗi người cũng giống như vậy thôi. Sự tạo tác, sự biến đổi của tâm thức cũng đều như vậy cả. Nghĩa là không có cái gì dừng lại và không có vật gì là không biến đổi. Tâm chúng ta luôn thay đổi và tư tưởng của chúng ta thì niệm niệm sinh diệt. Do vậy mà “có cũng như không, không cũng như có” là thế.

Ví dụ ta đứng trên một bờ hồ, chúng ta thấy thân hình của mình soi bóng xuống dưới mặt nước. Nếu ta tự hỏi: “Đó là ai?” Dĩ nhiên ta sẽ trả lời là “ta”, nhưng trên thực tế không phải là “ta”. Vì đó chỉ là ảnh hiện của cái “ta” mà thôi. Vì lẽ khi sóng dội đến, hay mặt nước bị một hòn sỏi làm gợn sóng thì hình hài kia không phải là của “ta” nữa. Do vậy mà nói “có tức là không”.

Đến câu hỏi thứ hai ta tự đặt ra cho mình: “Vậy thì ai ở dưới mặt nước đó, nếu không phải là “ta”? Như thế đó từ cái “không biến thành có” và từ cái “có lại biến thành không”. Và chính những sự thay đổi này làm cho chúng ta bị phân biệt. Thế rồi bị rơi vào vòng “ngã chấp”“chấp pháp”. Thích Như Điển

(Chú thích: Các chỗ viết đứng là do người viết thêm vào để nhấn mạnh)

Sự vận hành của ý thức

Sau khi trích dẫn các phần giảng giải về Tâm Kinh, thử tìm hiểu quan niệm về “ý thức” của Phật giáo và đối chiếu nó với quan niệm của triết lý và khoa học. Đề tài ý thức không tập trung vào một tiết mục riêng biệt nào mà rải rác đó đây trong phần giảng giải. Trở lại cái “chú thích” của người viết về Pháp trần trong bài giảng của Thích Thiện Hoa.

Pháp trần tuy thuộc về cảnh giới trừu tượng (vô biểu sắc, nội tâm, ý thức), nhưng lại nằm trong nhóm “sắc uẩn”, tức là vật chất. Sắc uẩn bao gồm 5 giác quan và 6 loại cảnh giới được 5 giác quan vật chất và giác quan phi vật chất thứ sáu là ý thức nhận biết. Như vậy cảnh giới vừa có loại vật chất (sắc uẩn), vừa có loại trừu tượng (pháp trần). Pháp trần được định nghĩa như là cảnh giới do ý thức (nội tâm) nhận biết. Như thế đó, “ý thức” là gạch nối giữa ba phần: “cảnh giới (vật chất và phi vật chất) - giác quan (vật chất) - nội tâm (phi vật chất)”. Ý thức là tiến trình của “bộ ba” bất khả phân ly này, nếu thiếu một món thì tiến trình ý thức sẽ bị tê liệt.

Lấy thí dụ như cảnh giới là một cảnh vườn có hoa có bướm. Giác quan là mắt thấy. Não bộ (nội tâm) của người ngắm cảnh là chỗ trụ của ý thức. Nếu không có cảnh hoa bướm thì không có vấn đề thấy cảnh, do đó cũng chẳng có vấn đề ý thức. Nếu có cảnh hoa bướm mà không có mắt thấy thì sẽ không có ý thức (giống như người mù đứng trước vườn hoa). Nếu có cảnh hoa bướm, có mắt thấy mà không có não bộ (nội tâm) để diễn giải thì sẽ không có ý thức. Đó là trường hợp của cái “caméra vidéo” canh chừng. Nó chỉ làm công việc ghi nhận hình ảnh đơn thuần, không có động tác “thấy” đúng nghĩa ở đây. Vì vậy không có vấn đề cái caméra ý thức cảnh giới hoa bướm. Chỉ người canh gác mới thực sự “thấy” hình ảnh được caméra ghi nhận trên màn ảnh rồi diễn giải và ý thức tình trạng an ninh nơi chỗ canh gác. Nghĩa là người canh gác đóng vai não bộ (hoặc nội tâm) để ý thức cảnh giới qua cái caméra.

Như thế đó, trong tiến trình của bộ ba “cảnh giới-giác quan-nội tâm”, nếu thiếu một món thì không thể nào có cái tính chất “đột hiện”ý thức được. Husserl nói: “Ý thức là ý thức về một cái gì đó”. Mệnh đề này chỉ nói về đối tượng của ý thức, nhưng không đề cập tới chủ thể và phương tiện của ý thức. Muốn cho quan niệm về “ý thức” được trọn vẹn, cần phải bổ túc: “Ý thức là ý thức về một cái gì đó, qua một cái gì đó, và bởi một cái gì đó”. Không có một chỗ trống nào cho “hư vô” ở đây. Và ý thức theo quan niệm Phật giáo cũng không có quyền năng “hư vô hoá”. Nó chỉ giúp cho con người hiểu biết thế giới trong đó mình sống và hướng dẫn hành động thích nghi. Như vậy, quan niệm “ý thức” của Phật giáo rất xa lạ so với quan niệm của Sartre. Cái ý thức của Sartre thì toàn năng, le lói và xếp sòng. Còn cái ý thức của chúng sanh trong Phật giáo thì rất thường tình, dễ bị mê lầm và vọng chấp, chấp ngã, chấp pháp, như đã thấy trong phần giảng giải của Thích Thiện Hoa và Thích Như Điển. Chính vì tính chất dễ “mê lầm” này của ý thức mà chúng sanh thọ khổ không dứt.

Nhưng xã hội Âu Mỹ vốn tôn thờ cá nhân chủ nghĩa “Tôi! Tôi! Và Tôi!”, và tôn thờ tự do dưới mọi hình thức (tự do làm, tự do tiêu thụ, tự do ô nhiễm, tự do hưởng lạc, tự do “quậy”…) tới mức gần như vô trách nhiệm, không có bổn phận gì với một ai hết, ngay cả với thế hệ con cháu mình. Trong một xã hội kiểu đó, nói chuyện xoá bỏ cái “ngã chấp” là nói chuyện với người điếc (nói chuyện với đầu gối!). Mặc dù bây giờ nhân loại đang đối đầu với những vấn đề nan giải ngút trời như nạn ô nhiễm, nạn khan hiếm nhiên liệu, khan hiếm thực phẩm, trái đất sốt nóng, thời tiết hỗn loạn… nhưng hình như mọi người chỉ nói hờ một câu cho lương tâm được nhẹ đi chút đỉnh rồi lại tiếp tục lao đầu vào cái chủ nghĩa “Tôi! Tôi! Và Tôi!” Chết sống mặc bây, tiền thầy bỏ túi. “Après moi, le déluge!”

Trở lại cái quan niệm “ý thức” trong khoa học. Như đã nói ở phần trước, khoa thần kinh đã đi tới quan niệm ý thức như là tiến trình của biện chứng tam giác “não bộ-thân thể-môi sinh”, không thể tách rời. Về phần mình, Phật giáo cũng đã nhận thấy ý thức như là kết quả “liên tạo tác” của bộ ba “cảnh giới-giác quan-nội tâm”. Sự trùng hợp giữa hai quan niệm nầy rất là hiển nhiên: môi sinh và cảnh giới, thân thể và giác quan, não bộ và nội tâm. Phật giáo ra đời cách đây hơn 2500 năm. Thời đó chưa có khoa học chính xác, nói chi tới khoa thần kinh học. Phật giáo đã đi tới quan niệm ý thức của mình qua sự phân tích và lập luận bằng trí tuệ. Khoa học đã rút tỉa quan niệm ý thức của mình từ trắc nghiệm và khảo sát (sau Phật giáo 2500) và đã xác nhận quan niệm của Phật giáo.

Cần nói rõ là Phật giáo không đề cao cái “trí tuệ” (esprit) thông thường. Điều mà Phật giáo hướng tới là “Trí Huệ Bát Nhã” (Prajnà, sagesse), một Trí Huệ không bị nhiễm trược, mê lầm và vọng chấp. Còn cái trí tuệ đời thường của con người như hiện nay, theo người viết, nó còn ở trình độ khôn vặt. Một loại trí khôn chỉ nhằm phục vụ cho cá nhân mình và phe đảng mình. Cái trí khôn mà người đời gọi lầm là thông minh này, một mình nó, không giải quyết được gì hết. Nó tạo vấn đề nhiều hơn là giải quyết. Bằng chứng: đối đầu với những vấn đề nan giải do trí “thông minh” tạo ra hiện nay, con người đứng trước ngõ cụt. Vì sao? Vì muốn giải quyết hiệu quả các vấn đề, bên cạnh trí thông minh, con người cần phải có thêm lòng tốt, có thêm thiện tâm. Điều nầy không có gì mới lạ, nhưng nó vẫn đúng. Bởi lẽ đem trí thông minh mà phục vụ cho cái xấu, phục vụ cho lòng ích kỷ, “Tôi! Tôi! Và Tôi!” thì nó trở nên vô cùng nguy hiểm và vô cùng khủng khiếp: Đệ nhứt Thế chiến, Đệ nhị Thế chiến và đe doạ chiến tranh nguyên tử đã và đang chứng minh cho điều đó một cách hùng hồn. Kể từ lúc đời sống xuất hiện trên trái đất cho đến giờ (4 tỉ năm!) đã có nhiều loài bị tuyệt chủng. Nhưng tuyệt chủng vì trái đất biến đổi, môi sinh biến đổi, chớ không do loài bị tuyệt chủng trực tiếp gây ra. Nhưng với con người, loài tự cho rằng mình có “đỉnh cao trí tuệ” thì khác. Nếu chẳng may (?) nó bị tuyệt chủng thì bởi đâu? Có phải là bởi con người tự đưa loài người (và nhiều loài khác) tới tuyệt chủng?

Hiện nay, thay vì đem lòng tốt ra để mà giải quyết các vấn đề, con người lại sử dụng đạo đức giả và đểu ác, cynisme. Tới mức đạo đức giả và đểu ác trở thành lối cư xử bình thường trong mọi lãnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, tài chánh, xã giao, ngoại giao, vân vân. Không cư xử như vậy là người bất thường. Có lẽ người viết nói quá trớn. Hy vọng là như vậy. Tuy nhiên đợi đến bây giờ mới tìm cách giải quyết thực sự các vấn đề của con người, e rằng đã có hơi quá muộn. Cho tới bây giờ, thay vì giải quyết, con người chỉ dời chỗ vấn đề, hoặc thay thế vấn đề này bằng một vấn đề khác, có khi còn lớn hơn. Nhưng thực sự giải quyết thì không!

BUỒN NÔN, SARTRE THƠ THẨN…

Bản chất, “en soi” và “pour soi”

“Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa”, đó là tựa đề của bài viết này. Khi đặt ra cái tiêu đề đó, người viết đã nhận thấy thấp thoáng một vài điều “là lạ” trong kinh nghiệm Buồn Nôn (La Nausée) của Sartre, vốn là một triết gia Tây Phương đặc ruột. Thử trở lại cái kinh nghiệm buồn nôn của Sartre. Nhân vật Roquentin sống kinh nghiệm này không ai khác hơn là Sartre. Sartre đã diễn tả biến chuyển tâm lý và cảm nghĩ của mình khi ngồi trong công viên, đối diện với cái rễ cây như sau:

“Nếu có ai đó hỏi tôi hiện hữu là gì, có lẽ tôi sẽ trả lời một cách thành thật rằng nó chẳng là gì cả, nó chỉ vỏn vẹn là một hình thể trống rỗng ghép lên sự vật từ phía bên ngoài mà không làm thay đổi một mảy may nào bản chất của sự vật”.

Một biến chuyển gì đó đang xảy ra trong cách cảm nhận thế giới của Sartre về hiện hữu. Nhưng điều gì? Sartre cảm thấy hiện hữu như là “một hình thể trống rỗng ghép lên sự vật từ phía bên ngoài”. Có điều gì đó không ổn. Hiện hữu phải là cái gì tự nó có đó, tự nó là như vậy, cái gì nằm bên trong chớ sao lại nằm bên ngoài? Sartre đã lẫn lộn hiện hữu với cái dáng dấp bên ngoài, cái giả tưởng chăng? Hay là đã lẫn lộn hiện hữu của cái rễ cây với cái tên gọi của nó, cái giả danh? Vì cái giả tướng, cái giả danh chỉ là cái bên ngoài, nó “không làm thay đổi một mảy may nào bản chất của sự vật”. Vì bản chất là cái nằm bên trong. Nhưng cái bản chất phải có thiệt thì mới có thể nói chuyện thay đổi bản chất. Khi nói tới “bản chất của sự vật”, có phải Sartre tin rằng mỗi sự vật đều có một bản chất riêng của mình: cái rễ cây có cái bản chất của cái rễ cây, cái băng ghế có cái bản chất của băng ghế, Sartre có cái bản chất của Sartre?

Nhưng cái rễ cây, nó bắt đầu từ chỗ nào và chấm dứt ở chỗ nào, đâu là giới hạn thực sự của nó? Trọn vẹn cái cây có bản chất riêng. Thân cây, nhánh cây, lá cây, rễ cây…, mỗi phần đều có bản chất riêng? Bản chất của rễ cây liên hệ với bản chất của trọn cây như thế nào? Như vậy, bản chất của sự vật có thiệt chăng? Giả thử trưa nay đem cái rễ cây chặt ra làm 3 khúc, vậy thì mỗi khúc sẽ lại có một bản chất riêng, nghĩa là sẽ có 3 bản chất mới? Bây giờ, nếu đem cái rễ cây đốt thành tro thì cái bản chất của nó có bị cháy theo không? Và ta sẽ có hàng triệu cái bản chất mới cho hàng triệu bụi tro mới? Nếu đem tro khuấy tan trong nước thì cái bản chất của tro nó trở thành cái gì? Như vậy, có cái gì thiệt sự là bản chất riêng của từng sự vật hay không? Chẳng hạn như cái “bản chất rễ cây” là có thiệt? Hoặc là cái “bản chất Sartre” là có thiệt?

Sau này, khi đã nghiền ngẫm, sâu rộng về hiện hữu, Sartre đã bày đặt ra một ý niệm rất là đặc biệt: Hữu thể gồm có 2 vùng hoàn toàn tách biệt nhau bởi “hư vô”. Vùng “en soi” là phần vật chất, và vùng “pour soi” là ý thức của hữu thể. Trở lại trường hợp cái rễ cây: rễ cây cũng là một hữu thể, vậy nó có cái “en soi” và cái “pour soi” (tức là ý thức) của riêng nó hay không? Và ai sẽ là người đem cái hư vô chắn ngang để chia vùng trong cái rễ cây?

“En soi” là phần vật chất, tương đối còn dễ nhận biết. Nhưng còn cái “pour soi”, cái ý thức của cái rễ cây, nó là cái gì? Và cái ý thức rễ cây nó có quyền năng “hư vô hoá” hay không? Hơn nữa, lại còn có cái “bản chất” của rễ cây. Cái bản chất này thuộc về “en soi” hay thuộc về “pour soi”? Hay là (nằm vùng) thuộc về cả 2 vùng?

Thơ thẩn trước cổng chùa

Lại tiếp tục đặt vấn đề “lẩm cẩm”: Nếu bây giờ đem rễ cây chặt ra làm 3 khúc, thì sẽ có 3 cái “en soi” và 3 cái “pour soi” mới? Rồi đem đốt đi, rồi hoà tan tro vào nước, vân vân… Thiệt là nhức cái đầu! Có lẽ vì vậy mà không thấy Sartre bàn về cái vấn đề vạn vật biến thiên này. Nghĩa là bàn về cái lẽ “vô thường” của vạn vật, của vạn pháp. Sartre lý luận như thể là sự vật bị ngưng đọng, bất biến trong dòng thời gian: cái rễ sẽ vẫn muôn đời là cái rễ cây, cái băng ghế muôn đời là cái băng ghế, cây marronnier muôn đời là cây marronnier, Sartre muôn đời là Sartre (dù thời 5 tuổi hay thời 30 tuổi gì cũng vậy), cái “en soi”“pour soi” của Sartre vẫn không thay đổi. Nếu nó thay đổi thì lúc nào Sartre mới là Sartre thực sự? Và khi ta nói “Sartre” thì là Sartre nào mới được? Bởi không nhận được cái lẽ vô thường nên đối với Sartre sự vật nào cũng đều có thực tướng (hình tướng thiệt), có bản chất thiệt, có “en soi” thiệt, có “pour soi” thiệt riêng biệt của mình. Nhưng dưới nhãn quan của Phật Giáo thì sự vật, vạn pháp đều là vô thường và đều là giả tướng, nghĩa là cái hình tướng ta ngó thấy trước mắt là hình tướng giả. Do đó, cái “en soi” theo nghĩa của Sartre cũng là “en soi” giả, cái “pour soi” cũng là “pour soi” giả.

Nếu nghiền ngẫm cho thiệt kỹ và nếu có nhơn duyên đưa tới có lẽ Sartre đã khám phá ra cái lẽ vô thường và cái “tánh không” của vạn vật. Khi đó cái rễ cây (hay sự vật/hữu thể nói chung) sẽ không còn cái tướng giả, không còn cái tên giả, sẽ mất đi hết những thứ lỉnh kỉnh gọi là “bản chất” riêng, “en soi” riêng, “pour soi” riêng. Và cái “hư vô” riêng cũng mất theo luôn, dĩ nhiên (cái này thì quá dễ!) Bởi lẽ Sartre không bước thêm bước nữa nên mới nói “Sartre thơ thẩn trước cổng chùa”. Sao không đẩy cổng mà bước vô chùa hả triết gia? “A di đà Phật! Xin mời”. (Nhắc lại: “Không” là bản tánh thanh tịnh sáng suốt, không có các hình tướng, nên còn gọi là “không tướng” hay “Bát Nhã chơn không”. Các pháp không có tánh riêng của mình. Tánh chung của các pháp là “không”).

Tuy nhiên, trong cái kinh nghiệm “buồn nôn” của mình, Sartre cũng đã tiến đi khá xa trên con đường nhận diện ra chân tướng, nhận diện ra cái tướng thật của sự vật đằng sau cái tướng riêng hư giả:
“Hiện hữu thình lình được vén màn. Chính nó là cái “chất bột” của sự vật, cái rễ cây nầy được nhồi nặn trong chất hiện hữu. Hoặc đúng hơn, cái rễ cây, hàng rào của khu vườn, băng ghế, loại cỏ mọc lơ thơ trên thảm cỏ, tất cả đều tan biến; cái đa dạng của sự vật, tính cá biệt của chúng chỉ là cái dáng dấp bên ngoài, một lớp sơn. Lớp sơn đã tan chảy, chỉ còn lại những khối chất quái dị và mềm nhão, hỗn độn – trần truồng, một sự trần truồng kinh khiếp và tục tĩu”.

“Thiện tai! Thiện tai!” Sartre đã lột được cái lớp vỏ bên ngoài, lột được cái tướng giả của sự vật. Cái tướng riêng có vẻ khác biệt bên ngoài của mỗi sự vật đã biến mất. Mọi vật trở nên cùng một dạng, đồng một tướng. Quá tốt! Nhưng sau khi lột xong, Sartre đã bắt gặp gì bên dưới? Than ôi! Bắt gặp… “những khối chất quái dị, mềm nhão hỗn độn”. Sartre vẫn chưa nhận ra cái tướng thật, cái “tướng không” không phân biệt của sự vật. Tiếc thay! Tiếc thay! Tuy đã nhận ra cái chất hiện hữu chung của sự vật, nhận ra cái “chất bột” của hiện hữu, nền tảng và đồng bản thể, Sartre vẫn còn thấy có khối chất nầy, có khối chất nọ, những khối chất riêng rẽ “quái dị, mềm nhão và hỗn độn”. Do đó, thay vì khám phá ra cái chất sống hiển nhiên và hồn nhiên tràn ngập khắp nơi, cái hiện hữu đồng thể giản dị lan rộng khắp cùng vũ trụ, cái hiện hữu sờ sờ, rạng rỡ, mầu nhiệm, Sartre chỉ thấy được trước mắt mình những khối chất “trần truồng, một sự trần truồng kinh khiếp và tục tĩu”. Khi phát hiện ra được cái “chất bột” của sự vật, cái chất cấu tạo chung của hiện hữu, Sartre đã gần như nắm bắt được cái “tính đồng thể” của sự vật, cái “tướng không”“tánh không” của mọi pháp.

Từ cái “chất bột” của hiện hữu, vũ trụ nặn ra các hình tướng. Xong, thu hồi trở lại. Rồi lại nặn ra các hình tướng khác. Và cứ như thế… Nó giống như ta tháo ráp các lego đơn thể, đồng tính và đồng dạng, tháo hình tướng này, ráp hình tướng khác. Để rồi lại tháo, lại ráp… Bất tận. Vũ trụ cũng giống như một thân thể mà mỗi ngân hà, mỗi lỗ đen, mỗi ngôi sao, mỗi hành tinh, mỗi vẩn thạch, mỗi bụi sao… là não óc, là tim gan, là phèo ruột, là mắt mũi, là răng tóc, là lỗ chưn lông của một thân thể. Tất cả các thiên thể đều đồng một chất, tất cả các bộ phận đều được cấu tạo bởi cùng một loại tế bào. Tuy khác mà lại giống nhau, tuy giống mà lại khác nhau. Như thế đó, mọi vật, mọi pháp không có hình tướng riêng bền chặt của mình. Mọi pháp chỉ là vô thường và đều là vô thường. Và chính cái đổi thay làm nên đời sống. Cái hằng thường, cái bất biến là cái chết tuyệt đối.

Thay vì việc khám phá ra “chất bột” hiện hữu khiến cho Sartre buông xả, đằng này nó lại càng thúc đẩy Sartre bám chặt hơn, cố thủ hơn, vọng chấp hơn vào các hình tướng. Sartre “chấp ngã” nên vẫn thấy có mình. Và “chấp pháp”, nên vẫn còn thấy có các khối chất riêng rẽ. Do đó mà thấy có mình đang đối đầu với những khối chất có tướng riêng “quái dị mềm nhão, hỗn độn, kinh khiếp và tục tĩu”. Vì vậy, Sartre cảm thấy mình bị đe doạ, khiếp sợ, và buồn nôn.

Than ôi! Hiện hữu mà là kinh khiếp và tục tĩu được ư? Kể từ khi thế giới là thế giới, tất cả những gì đã và đang hiện hữu đều là tục tĩu hết sao, kể cả Sartre? Cái tâm vọng chấp của Sartre tới đây là đã lên đến tuyệt đỉnh. Cái logique cartésienne, cái “đỉnh cao trí tuệ” nó bóp méo hiện hữu, nó bóp méo cuộc đời khủng khiếp như thế đó! Thay vì la toáng lên: “Hiện hữu là tục tĩu!” lẽ ra Sartre phải hét lên om sòm: “Đỉnh cao trí tuệ là tục tĩu!” Cái “đỉnh cao” nó tục tĩu là vì bởi nó “thấy tục tĩu” ngay cả ở những chỗ không có một chút gì là tục tĩu hết ráo: cái rễ cây, hàng rào, khu vườn, băng ghế, thảm cỏ. Các sự vật hết sức tầm thường và vô hại này nó tục tĩu ở chỗ nào? Và kinh khiếp ở chỗ nào? Sự tục tĩu tưởng tượng, nghĩ cho kỹ, nó thực sự chỉ nằm trong đầu của “đỉnh cao”. Cái “đỉnh cao” mang kè kè cái tục tĩu trong đầu của mình như một tật nguyền, như một chứng bịnh nan y. Như vậy mà gọi là “đỉnh cao” được ư? Chính cái “đỉnh cao” nầy đã hiếp dâm cái rễ cây, chính cái logique cartésienne nầy đã hiếp dâm hữu thể và bắt buộc nó phải có lý do để hiện hữu, bắt buộc nó phải có ý nghĩa. Ý nghĩa nhưng phải là ý nghĩa phù hợp với cảm quan và cái logique của mình. Cuộc hiếp dâm đã thất bại: Lý do hiện hữu không phát sinh, ý nghĩa không phát sinh. Thất vọng thảm hại! Thất vọng hoàn toàn! Vì vậy, Sartre đâm ra buồn nôn và tuyên bố: “Hữu thể là phi lý!” Hữu thể phi lý, hay người tuyên bố phi lý?

Cái phản ứng buồn nôn của Roquentin/Sartre trong công viên trĩu nặng chủ quan, cảm tính và bắt nguồn từ tâm lý. Nó không có tính cách triết lý hay siêu hình gì cho lắm. Nhưng khi Sartre phát huy và khai triển kinh nghiệm buồn nôn này thành triết thuyết “Hiện Sinh” lấy hư vô và phi lý làm nền tảng (“hiện hữu là phi lý và chỉ đi tới hư vô”), Sartre đã sa lầy ý niệm, sa lầy chữ nghĩa, sa lầy triết lý. “Thiện tai! Thiện tai!” Sartre đã đứng trước cổng chùa, Sartre đã thấp thoáng thấy được mái chùa, nhưng tiếc thay Sartre vẫn chưa đẩy cổng bước vào chùa để gặp gỡ cái tướng thật, cái chơn tướng của sự vật. Vì lẽ đó mà nói “Sartre thơ thẩn trước cổng chùa” là vậy.

Nếu trong công viên, sau khi gột rửa lớp sơn hư nguỵ bên ngoài của sự vật, gỡ bỏ cái giả tướng, giả danh, Sartre cũng tự vứt bỏ lớp vỏ của mình, vứt bỏ cái giả tướng của mình, và vứt bỏ luôn cái tên “Sartre” của mình!… Khi đó, Sartre sẽ trở thành một khối chất vô danh giống như những khối chất vô danh khác trong công viên. Hơn thế nữa, Sartre hoà nhập hiện hữu của mình vào mọi khối để sau cùng trở thành một “chất hiện hữu” đồng bản thể của tất cả mọi pháp, cái “tướng không”, cái “tánh không” của tất cả mọi pháp. Nhưng than ôi! Từ bỏ cái “ngã” của mình là một điều khủng khiếp nhứt trong cái thế giới mà “Tôi! Tôi! Và Tôi” của Tây phương ngự trị. Sartre làm nổi chăng?

TO BE OR NOT TO BE

Tự tử một cách nghiêm chỉnh

Khi khảo sát và định hướng cho hành động, con người ít khi đặt mình trong một môi sinh có kẻ khác, có muôn loài, có thiên nhiên vây quanh, và tìm cách sống hoà thuận với môi sinh của mình. Con người mê mẩn ngắm nghía cái “lỗ rún” của mình và lắng nghe thiệt kỹ xem nó đòi hỏi cái gì? Nghe xong, con người lấy làm hài lòng và vô cùng đắc ý, rồi nhân danh cái lỗ rún của tôi, đoạn chuyển sang “nhân danh TÔI”, nhân danh cái tự do tuyệt đối của tôi, nhân danh cái “đỉnh cao” trí tuệ của tôi, nhân danh cái tham vọng của tôi, nhân danh vợ con tôi, nhân danh đạo tôi, nhân danh đảng tôi, nhân danh… “của tôi”“của tôi” mà đòi hỏi đủ hết mọi thứ, mà bắt tất cả phải phục vụ cho TÔI, mà nổi loạn với tất cả, mà bạo động với tất cả. Và rốt cuộc tự hại mình trong bạo động đó.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, Thượng Đế hãy liệu hồn: “Nếu nhà Ngươi mà dám trái ý TA thì TA sẽ tự tử để phản đối, Thượng Đế sẽ… bỏ mẹ! Nghe rõ chưa?” Thượng Đế đừng có tưởng bở mình tạo ra con người rồi mà làm Trời! Ta đã có, đang có, sẽ có và vẫn luôn luôn có tự do để cãi lại Trời: “Tự do tự tử!” Bắt tui sống trái với ý tui đâu có được. Ông là ai mà dám đòi rớ tới cái lỗ rún của tui? Bộ hổng nghe Đại “đặt kịch” (!) sĩ Shakespeare phán: “To be or not to be, that’s the question!” hay sao? Ông cho tui “to be”, nhưng đâu có nhằm nhò gì. Tui dẹp bỏ cái một. Và chính đó mới là cái “quét sân”! Thuốc chuột rẻ rề, tui cho ông biết để mà liệu hồn, đừng có chọc tui xì nẹt.

Bộ ông điếc hay sao mà hổng nghe đại văn hào Phú Lang Sa Camus phán: “Chỉ có một vấn đề triết học nghiêm chỉnh: Tự tử!” Sống đâu có nghiêm chỉnh (đồ bỏ!). Chỉ có “Chết vì tự tử” mới nghiêm chỉnh. Chết mà ngậm cười là chết lãng nhách. Lúc chết mặt mũi phải quạu đeo, cù mãi chả chịu cười, như vậy mới đúng cái kiểu “chết triết lý” nghiêm chỉnh, tốt nghiệp Sorbonne, hay đại học Nietzsche (cái tên khó viết bỏ mẹ!) Đời sống đâu có đáng sống. Chỉ có “Chết” mới là đáng sống: sống cái kinh nghiệm chết! Chết, nhưng đâu phải bạ đâu chết đó, chết đầu đường xó chợ, chết lãng nhách. Phải chết vì tự tử mới đúng là có ý nghĩa, mới là lên hương le lói, mới thiệt sự là chết nghiêm chỉnh, và mới thiệt sự là nghiêm chỉnh để mà chết. Di chúc: “Không nhận tiền và vòng hoa phúng điếu của bất cứ những ai cười mỉm chi”. Chết vì tự tử là kinh nghiệm sống nghiêm chỉnh đỉnh cao năm bờ oan! Tuy biết vậy nhưng mà Camus không được toại nguyện. Camus chết, đã đành. Nhưng chết (không nghiêm chỉnh) vì đụng xe chớ không phải chết (nghiêm chỉnh) vì tự tử. Thiệt là uổng cả cuộc đời! Bởi lẽ “chết vì tự tử” nó mới nghiêm chỉnh và le lói hơn nhiều. Còn chết vì đụng xe thì ối thôi! ai chết mà chẳng được.

Ngoài ra, khi bàn về kiếp người, Sartre đã xạc cà rây một câu ngắn xỉn mà đi tuốt luốt vào văn học sử thế giới: “Con người là một đam mê vô ích!” Vô ích? Nhưng “có ích” là như thế nào thì không nghe ông nói. Đam mê, nhưng mà đam mê cái gì? Đam mê phi lý? Đam mê hư vô? Hay đam mê tự tử? Chính cái “đỉnh cao” nó cho phép con người sống trong hoang tưởng. Cái hoang tưởng đó nó tác hại khủng khiếp trên đời sống địa cầu, trong đó có cả con người, dĩ nhiên. Tuy phán một câu xanh dờn về kiếp người như vậy, nhưng rốt cuộc cũng như Camus, Sartre không được toại nguyện: chết vì đam mê, cho dù là đam mê vô ích. Sartre chết rất hữu ích: chết vì quá già! Sích kên đoi wê ri ôn! Mới biết, khi rớ tới mấy ông triết Tây là chỉ có từ chết tới bị thương. Gẫm lại, khi C.Lévi-Strauss nhận định về Sartre và cho rằng “con người hiện đại tự chiêm ngưỡng và tự đạt tới tột khoái với chính mình” quả thiệt là quá đúng! Cái đó, tâm lý học gọi là “thủ dâm trí tuệ”. “Đỉnh cao trí tuệ” mà xuất tinh thì phải biết! Chắc không thua gì Châu Du hộc máu thời Tam Quốc. Cho dù không tự tử chắc cũng bắt buộc phải đáp liền chuyến tàu cao tốc về chầu Diêm Vương gấp gấp để tránh thượng mã phong mà bỏ mạng dọc đường.

Trở về với chính mình

Ngoài cái thái độ rứt mình ra khỏi môi sinh, con người còn có một thát độ hiu hiu khác nữa: Tự cắt mình ra khỏi dòng tiến hoá. Không xem con người như một giai đoạn phù du trong dòng biến dịch của Trời Đất. Rồi nó sẽ qua, cũng như tất cả mọi giai đoạn khác, cũng như tất cả muôn loài, cũng như tất cả muôn vật. Con người cũng nằm trong cái lẽ Vô Thường của Trời Đất. Trời Đất không có một lý do riêng biệt nào để ưu đãi con người hết ráo. Thay vì vậy, nhờ cái “đỉnh cao”, con người vô cùng đắc chí và cảm thấy bỗng nhiên “đùng một cái”! Con người hiên ngang giáng trần với cái “đỉnh cao trí tuệ” (nặng mùi!) rồi hiu hiu tấn phong mình lên ngồi “chúa tể” (ăn bám) muôn loài và tự nhận mình ngang xương là “sở hữu chủ” trái đất, mặc dù con người chỉ là một loài ăn nhờ ở đậu. Chưa hết. Lại còn ngất ngưởng cho rằng vũ trụ chỉ tiến hoá để đưa tới sự xuất hiện của Con Người, nghĩa là của con khỉ lai căn Homo sapiens. Cả 13,7 tỉ năm trường đằng đẳng sau cái Big Bang rầm trời chỉ để đẻ ra con khỉ không có lông, trên là răng, dưới là dái! Chấm hết. Terminus! Không thể nào tiến xa hơn được nữa. Xưa nay trong Trời Đất chưa từng thấy một thái độ nào xuẩn ngốc hơn thái độ đó. Cái “chấp ngã” đã cho phép cái thằng người nhỏ nhít thổi cái chất hư vô vào THẰNG TÔI cho nó phình ra lớn hơn cả vũ trụ! Rồi cái THẰNG TÔI hiu hiu đòi đâm nổ mặt trời, đòi thét vỡ không gian, đòi ám sát Thượng Đế, đòi hiếp dâm trái đất, đòi vọc cu voi, đòi lấp đít ruồi, đòi hư vô hoá tiệm café, đòi leo tít lên tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn mà hú một tiếng thiệt dài cho vũ trụ lạnh buốt đóng băng thành… cục nước đá cho con nít uống xi rô mau lớn để mà tiếp tục đâm nổ luôn mặt trăng cho nó đủ bộ bình tích. Than ôi! Cái huyền thoại Chúa Khỉ bay lên chín từng mây để đánh Trời cũng là nằm trong cái nghĩa đó vậy.

Chớ lầm lẫn hành động xoá bỏ “ngã chấp” với sự tha hoá. Tha hoá là đánh mất cái “tôi” của mình một cách vô ý thức. Trong khi đó, từ bỏ cái ngã của mình là một hành động tự nguyện và có ý thức cao nhứt: đó là sự trở về với cái gốc nguyên thủy của vũ trụ, trở về với cội nguồn hằng cửu nhiên nhiên tự tại của mọi pháp. Nó không thường còn, cũng chẳng vô thường. Nó là Như Vậy: nó là cái Gốc. Thế thôi. Đại khái như là cái “Big Bang”, nhưng không hẳn như vậy. Là ngay trước cái Big Bang. Không thể dùng trí tuệ đời thường mà hiểu được. Chỉ có thể dùng trực giác mà cảm nhận. Cái kinh nghiệm nầy nằm ngoài ngôn ngữ. Cũng như một đêm trong sáng, ngó lên trăng sao mà bỗng chợt thấy mình.

Thử dùng một ẩn dụ để tìm hiểu kinh nghiệm buồn nôn của Sartre trong công viên. Khi Sartre đã lột rửa lớp sơn bên ngoài của cái rễ cây, hàng rào, băng ghế, thảm cỏ… thì các sự vật này trở thành những khối chất vô danh, giống như những tảng băng đồng thể chất trôi nổi bập bềnh trên đại dương. Tiến về xích đạo, các tảng băng này tan dần, và trở thành những khối nước. Thay vì khối nước nào cũng chỉ là nước của đại dương (vũ trụ). Sartre vẫn còn thấy cái khối nước này là của tảng băng nầy, cái khối nước kia là của tảng băng kia, cái khối nước nọ là của tảng băng nọ. Rồi dưới mắt của Sartre, và ngay cả trong ý thức mình, những khối nước đồng thể chất này bỗng trở nên “quái dị, hỗn độn, kinh khiếp”, và trên hết, “trần truồng và tục tĩu”. Phải công nhận đây là một lối nhìn (một vũ trụ quan) cực cùng kỳ lạ! Một cái vũ trụ quan đúng là “quái dị và tục tĩu”!

Giả như khi đó Sartre chợt nhận thức và vứt bỏ cái giả tướng, vứt bỏ luôn cái tên “Sartre” của mình để trở thành một tảng băng vô danh đang tan chảy, cũng giống như mọi tảng băng khác. Để rồi cái khối nước mang tên “Sartre” giả danh và giả tướng ngày xưa hoà hợp cùng các khối nước vô danh khác mà nhập thể vào “đại dương hiện hữu” đời đời của vạn pháp: Như giọt nước cuối cùng trở về với đại dương mẹ của muôn loài. Nếu được như vậy, Sartre sẽ thình lình đạt một “tiểu ngộ” hoát nhiên bừng sáng. Khi đó, nói có giọt nước cũng sai mà nói không có giọt nước cũng không đúng. Nói mất giọt nước “ngã chấp” để được cả đại dương cũng sai luôn. Nếu nói được, thì còn ai ở đó để mà được? Không có “được” một cái gì hết ráo! Và cũng chẳng có “tiểu ngộ”, cũng chẳng có “đại ngộ”. Đó chỉ là một sự “Trở Về”. Một sự trở về của Nó với chính Nó. Chẳng có ai là chủ thể cho cái được, và cũng chẳng có được một cái gì hết. Chỉ có đại dương trở về với đại dương. Đại dương vẫn là đại dương từ đời đời kiếp kiếp. Thế nhưng, tuy đại dương tự “tánh không” là phẳng lặng, mà gió chướng nghiệp vẫn khiến cho chúng sanh cứ trùng trùng duyên khởi. Đợt này nối đợt kia, sóng lớn sóng nhỏ tiếp nối nhau mà dấy lên không dứt. Khi còn một dợn sóng lăn tăn, cho dù là tiểu ly, cũng không thể nói là đại dương đã hoàn toàn yên lặng. Thì nói “tiểu ngộ”, nói “đại ngộ” mới biết nói ra làm sao? Cái gì “ngộ”?“ngộ” cái gì? Tâm Kinh dạy: “Vô trí diệc vô đắc”, “không có Trí tu chứng, và cũng không có đạo quả để chứng đắc”, là nghĩa như vậy chăng?

Tiếc thay! Tiếc thay! Cơ hội ngàn năm Sartre đã bỏ lỡ! Và ngàn năm, còn buồn nôn, Sartre vẫn hãy còn thơ thẩn trước cổng chùa!

Ý CHÍNH

Tóm lược các ý chính trong phần BA:
  • Cái cung cách điển hình của triết học Tây Phương là tôn vinh cái “đỉnh cao trí tuệ”, tôn vinh cái “cogito ergo sum”.
  • Dựa trên nền tảng “en soi”“pour soi” (vốn là tuyệt đối không có gì hết) mà Sartre dựng cái lâu đài “L’Être et le Néant” thì liệu cái lâu đài đó có bị đe doạ sụp đổ ngay từ đầu?
  • Sartre ý niệm một ý thức có toàn năng và quyền năng “hư vô hoá”. Và theo Sartre, hư vô chính là cái tên gọi khác của tự do.
  • Phật giáo và khoa thần kinh đã gặp gỡ nhau ở quan niệm ý thức như là tiến trình của bộ ba “cảnh giới-giác quan-nội tâm” hoặc “não bộ-thân thể-môi sinh”: Ý thức là ý thức về một cái gì đó, qua một cái gì đó, và bằng một cái gì đó.
  • “Không” là bản tánh thanh tịnh sáng suốt, không có các hình tướng, nên còn gọi là “không tướng” hay “Bát Nhã chơn không”. Tánh chung của các pháp là “tánh không”.
  • Chẳng có “tiểu ngộ” cũng không có “đại ngộ”. Chỉ có sự “Trở Về” của Nó với chính Nó. Chẳng có gì được, và cũng chẳng có được một cái gì hết. Tâm Kinh: “Vô trí diệc vô đắc”.
  • Khi dừng lại ở kinh nghiệm buồn nôn, Sartre đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm để nhận thức cái “tánh không” của vạn vật: Sartre hãy còn thơ thẩn trước cổng chùa.

BẤT KHẢ TƯ NGHÌ

“Không” là bản tánh thanh tịnh sáng suốt, không có các hình tướng, nên còn gọi là “không tướng” hay “Bát Nhã chơn không”. Vì nó không sanh diệt, không hư dối nên cũng gọi là “chơn không, chơn tướng, thật tướng.

“Không tướng” là như vậy, và như vậy là “không tướng”? Thiệt vậy sao? Nhưng thế nào là thanh tịnh? So với gì mà thanh tịnh? Thế nào là sáng suốt? So với gì mà sáng suốt? Nếu so với động mà thấy tịnh thì là tịnh thiệt sao? Nếu so với dơ mà thấy sạch thì là sạch thiệt sao? Nhưng nếu không so sánh thì có thể nói gì được chăng? Nếu không thể nói thì làm sao có đối thoại, làm sao có truyền đạt tư tưởng? Phải có nói trước khi đi tới yên lặng để cảm thức.

Còn nói là còn trong vòng đối đãi, nhị nguyên. Ngôn ngữ con người vốn nó như vậy. “Bất nhị”“không hai”, nhưng không phải là Một. Nói “Một” là còn đếm. Muốn đếm phải có hai, ba, bốn… nhiều, nhiều lắm, hằng hà, sa số. Bất nhị thì chẳng còn ai đếm, và cũng bởi nó “không hai” nên không thể đếm được. Đếm là vô nghĩa. Vì vậy không thể nói Bất nhị là “Một”.
Ngôn ngữ là qui ước, tự nó không có nghĩa lý gì. Muốn hiểu nghĩa của ngôn ngữ thì lại phải dùng ngôn ngữ. Dùng chữ để cắt nghĩa chữ. Dùng lời để giải thích lời. Lòng vòng. Chẳng đi tới đâu. Muốn biết điều gì thì phải thực sự trải nghiệm điều đó. Muốn biết nóng như thế nào thì phải lấy tay mà sờ. Muốn biết ngọt tới mức nào thì phải lấy lưỡi mà nếm. Lấy lời mà diễn tả, làm sao biết được nóng, biết được ngọt? Chưa hiểu thì còn nói. Một khi đã hiểu rồi thì không còn gì để nói nữa. Im lặng mà cảm thức.

Còn trong nhị nguyên mới có thể nói. Còn vọng chấp mới có thể nói. Dùng ngôn ngữ để diễn tả sự thật cũng giống như mang găng võ sĩ mà dạo dương cầm “Khúc Nhạc Trăng” của Beethoven. Thì thử hỏi diễn tả được gì? Ngôn ngữ vốn hữu hạn. Còn vũ trụ thì vô biên. Dùng hữu hạn để diễn tả vô biên, như dùng ly uống nước để mà chứa đại dương, phỏng đặng chăng? Sự thật của vũ trụ nằm ngoài ngôn ngữ. Nó vô ngôn, không thể nghĩ bàn. “Bất khả tư nghì”.

Phật dạy: “Như Lai nói thật tướng tức không phải thật tướng, chỉ tạm gọi là thật tướng”. Sau 49 năm thuyết pháp, trước khi nhập diệt, Phật dạy:

“Ta chưa nói một lời.” Bagnolet, ngoại ô Paris, tháng Tư 2008


Tài liệu tham khảo

  1. Jean Paul Sartre: La nausée (Gallimard 1938, Poche)
  2. A. Cohen – Solal: Sartre, 1905 –1980 (Gallimard 1990, Follio)
  3. Thích Thiện Hoa: Kinh Kim Cang & Bát nhã Tâm kinh (Dịch & giảng 1965)
  4. Thích Như Điển: Có & Không (Sein und Nichtsein, PL– 254 –TC 2000)
  5. Magazine Littéraire (HS – no7): J. P. Sartre
  6. Le Point (HS – no17): Penser L’Homme: Sartre, Camus, Foucault, Lévinas…
  7. Yves Coppens: L’Odyssée de L’espèce (Hachette 2003, Poche)
  8. 3è millénaire (no65): Quel est le sens de l’existence? (no71): Vide et Création (no 87): Illusion et Réalité
  9. La Recherche (Dossiers no30): La Conscience – (no343): Les Dimensions cachées de l’Univers
  10. Sciences & Vie (no1029): Le Vide – (no1079): Le Hasard.

Nguồn: Tạp chí Tân Văn, số 15, tháng 9/2008