trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
21.10.2008
Trương Nhân Tuấn
Trao đổi với ông Lê Công Phụng về lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và hai hiệp ước biên giới Việt – Trung
 1   2 
 
Ông Lê Công Phụng, đương kim Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Biên giới, vừa qua có trả lời phỏng vấn của nhà báo Lý Kiến Trúc tại California. Buổi phỏng vấn này được truyền thanh lại trên radio Châu Á Tự do (RFA) vào đầu tháng 10 năm 2008. Trong buổi phỏng vấn ông Phụng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải và về hai hiệp ước biên giới mà Việt Nam (VN) đã ký kết với Trung Quốc (TQ). Ghi nhận đầu tiên của người viết, khác hẳn với thái độ cường điệu, hống hách, đôi lúc rất thiếu học… thường thấy của các cán bộ cao hay trung cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ông Phụng đã tỏ ra là một người ôn hòa, cởi mở; với lối nói chuyện mạch lạc, giọng điệu nhẹ nhàng, như là lời tâm tình với bạn bè hơn là trả lời phỏng vấn, ông Phụng đã gây một sự ngạc nhiên thích thú cho người nghe. Tôi nghĩ ông Phụng đã chinh phục được tình cảm ở nhiều người. Tuy nhiên, về nội dung buổi nói chuyện có nhiều điều cần phải bàn lại. Xin phép được thưa cùng ông Phụng đôi điều.


1. Về các chi tiết lịch sử 

1.1. Tôi thấy ông Phụng nói sai vài chi tiết nhỏ về lịch sử. Ông nói rằng các công ước Pháp - Thanh về phân định biên giới giữa VN và TQ ký vào năm 1888 và nghị định thư ký vào năm 1892.

Thực ra Pháp và nhà Thanh ký kết 2 công ước về biên giới VN, đó là công ước phân định biên giới giữa TQ và Bắc Kỳ: "Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin", do ông Constans ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 và công ước bổ túc "Convention additionnelle à la Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin" ngày 20 tháng 6 năm 1895 cũng do ông Gérard ký tại Bắc Kinh, chứ không phải là năm 1888 như ông Phụng đã nói. Ðường biên giới Việt - Trung được chính thức công nhận về phía Pháp qua giác thư (mémorandum) của Phủ Toàn quyền gởi cho Tổng lý Nha môn (tương đương Bộ Ngoại giao hiện nay) ngày 23 tháng 9 năm 1897: "Ainsi est fixée à jamais, et dans des sentiments d’éternelle concorde, la frontière entre l’Annam et la Chine." (Như vậy quyết định vĩnh viễn và trong tình hoà hảo muôn đời đường biên giới giữa An Nam và Trung Quốc). Phía TQ cũng công nhận chính thức đường biên giới qua giác thư của Tổng lý Nha môn trả lời Phủ Toàn quyền ngày 2 tháng 10 năm 1897. Không có "nghị định thư" nào ký năm 1892 như ông Phụng đã nói.


1.2. Về quan niệm lịch sử đường biên giới Việt – Trung, ông Phụng nói rằng trong lịch sử giữa hai nước VN và TQ, chưa bao giờ nhà nước hai bên ký kết những hiệp ước về biên giới, ngoài hai hiệp định đã ký. Hai hiệp định này là Hiệp định Phân định Biên giới Trên đất liền ký ngày 30 tháng 12 năm 1999 và Hiệp định Phân định Lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ ký ngày 25 tháng 12 năm 2000.

Tôi nghĩ không chắc là như vậy.

Bởi vì, ta biết rằng, cho đến giữa thế kỷ thứ 19, về thuật ngữ chuyên môn, VN cũng như TQ đều không có một khái niệm cụ thể về đường biên giới (đường phân chia lãnh thổ, đất đai). Ngôn ngữ VN cũng như TQ không có từ "biên tuyến". Thay vào đó ta chỉ có các từ biên cương, cương dịch, biên thùy, biên viễn, biên cảnh, biên giới, biên viên, biên địa... Biên giới ở đây chỉ có nghĩa là "vùng ngoài".

Mặt khác, khái niệm về đường biên giới (frontière, boundary) theo công pháp quốc tế chỉ mới có từ hồi đầu thế kỷ 20. Đây là một thuật ngữ mới.

Khái niệm về biên tuyến không có, luật quốc tế cũng chưa có, đương nhiên sẽ không có các "hiệp định"  hay "hiệp ước" về biên giới, hiểu theo ý nghĩa đương thời. Ông Phụng nói như thế thì không sai nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa.

Thực tế thì hai dân tộc Việt – Hán, cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, đều đã có một khái niệm về chủ quyền lãnh thổ từ thời xa xưa, hiện hữu từ nhiều ngàn năm trước. Dân tộc VN thể hiện nhiều cách quyền chủ quyền nước mình. Một thí dụ cụ thể, ta có thể nhắc lại bài thơ của Lý Thường Kiệt trong trận đánh với nhà Tống tại sông Như Nguyệt năm 1077, mà ta có thể xem như là bản "Tuyên ngôn độc lập" đầu tiên của VN:

Nam quốc sơn hà Nam Ðế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bài thơ này có thể người VN nào cũng thuộc. Lãnh thổ của "nước Nam do vua nước Nam trị vì, việc này sách trời đã ghi rõ. Kẻ nào mạo muội xâm phạm thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thảm bại". Lãnh thổ nước Nam đó được xác định theo bộ Hồng Đức bản đồ, thực hiện dưới triều Lê Thánh Tôn (1460-1497):
  • An Nam đồ thuyết (Những gì ghi trên bản đồ An Nam)
  • An Nam chi địa (đất đai An Nam)
  • Tây khóa Ai Lao (phía Tây chặn ngang xứ Ai Lao)
  • Ðông chí hải tận (phía Ðông chạm đến tận biển)
  • Bắc du lưỡng Quảng (phía Bắc vượt qua hai xứ Quảng)
  • Nam khống Chiêm Thành (phía Nam kềm chế Chiêm Thành).
Đặc biệt, lịch sử VN đã có những trường hợp “phân định biên giới” với TQ, cụ thể và rạch ròi, phù hợp với quốc tế công pháp như các kết ước hiện thời. Các đường biên giới đó, đúng ra là các đoạn biên giới đó, đã hiện hữu từ ngàn năm trước, dân chúng hai nước biết rõ và tôn trọng nó, các kết ước của thời đại sau này chỉ xác định lại.

Trường hợp đất Tụ Long, phân định năm 1728, đường biên giới là sông Ðổ Chú. Con sông này phân chia tổng Tụ Long thuộc Tuyên Quang với phủ Khai Hóa tỉnh Vân Nam. Biên giới vùng này được xác định năm Ung Chính thứ 6, có ghi lại qua các bộ chính sử như Đại Thanh nhứt thống chí của TQ và bộ Kiến văn tiểu lục (tác giả Lê Quí Đôn) của VN.

Ta cùng có một số các thí dụ khác: sông Ðàm Lân biên giới động Kim Lạc; sông Mang Khê là biên giới của động Liễu Cát; sông Tam Kỳ là biên giới của động Tư Lâm (Tư Phù); sông Cổ Sâm là biên giới của động Cổ Sâm… phân biệt lãnh thổ VN với đất Tàu. Ta cũng có thể nhắc đến núi Phân Mao, phía đông nam phủ Khâm Châu, có trụ đồng Mã Viện dựng lên vào năm 41 Tây Lịch, đánh dấu biên giới tỉnh Quảng Ðông (TQ) với Việt Nam.

Ta cũng nên biết trong khoảng thời gian đàm phán Pháp - Thanh (1885-1887), chiếu theo điều 3 hiệp ước Thiên Tân 1885, mục tiêu là để xác định đường biên giới hiện trạng, tức là đường biên giới hiện hữu trước đó giữa hai nước Việt - Trung. Điều này cho thấy hai nước VN và TQ đã hiện hữu một đường biên giới lịch sử trước năm 1887 và các bên Pháp, Thanh công nhận đường biên giới này. Các địa danh vừa nói như núi Phân Mao, động La Phù v.v… đều được Pháp lập hồ sơ, tìm kiếm và xác định vị trí trên bản đồ. Ngoại trừ một số vùng đất của VN như tổng Tụ Long (Tuyên Quang, nay là Hà Giang), tổng Đèo Lương (Cao Bằng), các xã thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng (Hải Ninh), mũi Bạch Long (phía bắc Hải Ninh) v.v… đã bị Pháp nhượng cho TQ để có quyền lợi kinh tế, phía bên nhà Thanh cũng công nhận giá trị pháp lý của một số đoạn biên giới này trong công ước đã được hai bên long trọng ký kết ngày 26 tháng 6 năm 1887.

Tuy nhiên, các đoạn biên giới đó (như đoạn qua núi Phân Mao) đã không được tôn trọng trong lúc phân giới, cắm mốc. Nguyên do từ sự trí trá, gian lận của các quan lại nhà Thanh, họ tìm cách tráo tên, hay đổi tên các địa danh, đổi tên sông suối, núi… thậm chí mua chuộc hay hăm dọa dân chúng địa phương để giành lấy các vùng đất này về họ. Đến thời kỳ phân giới, cắm mốc (1888-1897), người ta vô phương thiết lập lại được đường biên giới lịch sử một cách chính xác.

Công cuộc phân định và phân giới kéo dài tổng cộng 12 năm, chỉ để xác định lại đường biên giới đã hiện hữu từ trước. Điều này cho thấy biết bao khó khăn mà phía người Hoa đã gây ra cho Pháp. Cuối cùng VN bị mất cho TQ một số đất ước lượng đến 4.000 km².

Học giả Charles Fourniau, chuyên gia nghiên cứu biên giới VN, công nhận sự hiện hữu của đường biên giới lịch sử giữa VN và TQ. Theo ông đường biên giới VN và TQ theo công ước 1887, ngoài một số điểm đã bị Pháp trao đổi cho TQ để lấy quyền lợi kinh tế, là thể hiện một thực tế lịch sử giữa hai nước từ thời xa xưa.

Trung Tá Bonifacy, trong một tiểu luận nghiên cứu về tổng Tụ Long viết vào thập niên 30, đã lên án nước Pháp làm mất đất Tụ Long của VN. Ông cho rằng người Việt từ ngàn năm qua đã biết cách bảo vệ đất đai của họ trước kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Nói thế cũng là công nhận sự hiện hữu của đường biên giới lịch sử giữa VN và TQ trước khi Pháp sang đô hộ VN.

Nhắc lại lịch sử dông dài như thế để kết luận rằng: trước 1887 VN và TQ đã hiện hữu một đường biên giới lịch sử. Điều 3 hiệp ước Thiên Tân 1885 có nội dung là xác định lại đường biên giới đó.

Lời phát biểu của ông Phụng tuy đúng nhưng không có ý nghĩa. Trước khi có công pháp quốc tế thì các nước kế cận cũng đã có những qui định, tức luật riêng của hai bên để xác định lãnh địa của nước họ rồi. Ta gọi các qui ước thành văn hay bất thành văn đó là "qui ước về biên giới". Các hiệp ước ký kết sau khi công pháp quốc tế hiện hữu là chỉ để "pháp lý hóa, công pháp hóa" một thực tế đã hiện hữu và ràng buộc giữa hai nước từ ngàn xưa mà thôi.

Trên tinh thần đó rõ ràng VN và TQ đã nhiều lần "phân định" biên giới trong quá khứ.


2. Ghi nhận về quá trình đàm phán các hiệp ước biên giới 

Về Vịnh Bắc Việt (VBV), ngày 15 tháng 8 năm 1974 hai nước bắt đầu đàm phán tại Bắc Kinh về việc phân định lãnh hải trong VBV. Việc đàm phán kéo dài và trải qua nhiều giai đoạn: 1974-1975, 1977-1978 và 1992-2000. Hiệp định Phân định VBV được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước là ông Nguyễn Dy Niên và Đường Gia Triền ký kết vào ngày 25 tháng 12 năm 2000. Như thế, nếu tính thời gian từ đàm phán cho đến lúc ký thì mất 26 năm, chưa tính khoản thời gian chờ quốc hội thông qua (thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2004) và chủ tịch nước ký Nghị Định Thư công bố nghị quyết (Chủ tịch Trần Đức Lương ký ngày 24 tháng 6 năm 2004). Tổng cộng thời gian từ lúc đàm phán cho đến khi hiệp định có hiệu lực là 30 năm.
Về biên giới trên bộ, phía Trung Quốc (TQ) đề nghị phân định lại với VN ngày 18-3-1975 nhưng đến ngày 7 tháng 10 năm 1977 hai bên mới bắt đầu đàm phán. Hiệp định mặc dầu đã được ký kết ngày 30 tháng 12 năm 1999, nhưng việc cắm mốc giới đến ngày hôm nay, tháng 10 năm 2008 mà vẫn chưa xong. Tính từ năm 1977, bắt đầu đàm phán đến hôm nay là 31 năm, hiệp định phân định biên giới vẫn chưa hoàn tất.

Ông Lê Công Phụng cho biết việc phân định biên giới VN và TQ dựa trên bộ bản đồ của công ước Pháp-Thanh 1887. Hai bên thiết lập bản đồ của nước mình trên căn bản của bộ bản đồ này, sau đó so sánh với nhau, kết quả hai bên chênh lệch 227km² tại 64 điểm. Việc phân định lại biên giới, theo ông Phụng, là chỉ để phân chia 227 km² đất và xác định biên giới ở 64 điểm đó. Ta thấy, Pháp đã mất 12 năm chỉ để xác định lại một đường biên giới đã hiện hữu từ trước. Ngày nay, VN và TQ đã mất 31 năm, mà vẫn chưa xong, chỉ để xác định và phân chia 227km² ở 64 điểm trên một đường biên giới đã được xác định rõ rệt.

Bất kỳ cuộc đàm phán về biên giới nào cũng khó khăn. Nhưng đặc biệt với phía TQ thì việc khó khăn phải nói rất là lớn.


3. Về các tranh chấp trên đất liền

3.1. Về tọa độ các đỉnh cao: Về các "đỉnh cao", sau cuộc chiến 1979, ông Phụng cho biết, TQ rút về nhưng giữ lại 27 đỉnh. Sau đàm phán lần 1, TQ trả 15 đỉnh, giữ lại 12 đỉnh. Lần 2 trả 6 giữ lại 6. Và đây là quyết định chung cuộc. Lý do ông Phụng đưa ra là phía TQ đã xây công sự trên đó, nên phải nhượng cho TQ.

Ông Phụng nói rằng nhờ thuơng lượng, đường biên giới đi qua các đỉnh đó (6 đỉnh) và không phe nào được xây cất công sự cách biên giới 100m.

Có một số điểm chưa rõ rệt mà có lẽ ông Phụng không muốn nói ra.

Nói rằng phía TQ không trả lại 6 đỉnh cao là do TQ đã xây các công sự trên đó, VN phải nhượng thôi. Nhưng nếu vậy, làm thế nào để tôn trọng điều ước xác định đường biên giới đi qua các đỉnh mà không bên nào được xây cất cách đường biên 100m? Phải chăng các công sự mà TQ đã xây phải đập phá đi? Nhưng nếu phải đập phá đi thì TQ còn viện lý gì để giành đỉnh cao đó cho họ?

Tôi nhận thấy có điều không rõ rệt ở các giải thích này. Nếu có thể thì xin ông Phụng có thể nói rõ hơn: đường biên giới có đi qua các đỉnh đó hay không? Hay là có các điều khoản đặc biệt cho các đỉnh này? Các đỉnh cao này cách biên giới cũ là bao xa? Đường biên giới mới làm cho VN mất tại các đỉnh cao này là bao nhiêu km²?


3.2. Về biên giới vùng Nam Quan: lần nào cũng vậy, ông Phụng nói rằng đường biên giới Pháp - Thanh đi về phía nam của Nam Quan, đường biên giới 1999 cũng đi về phía nam của Nam Quan, không có vấn đề mất đất tại đây. Nhưng tiếc là lần nào cũng vậy, các ký giả không ai đặt câu hỏi đường biên giới đi về phía nam nhưng cách cổng Nam Quan là bao nhiêu mét?

Theo các biên bản phân giới của công ước Pháp - Thanh 1887 (xem hình 1), đường biên giới khu vực Nam Quan cách cổng 100m. Mốc này cắm trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng Nam Quan 100m (xem hình 2, 3). Mốc mang số 18, tên Trấn Nam Quan Ngoại.

Hình 1 – Biên bản số 4. Nguyên văn ghi lại như sau:

Commission de délimitation des frontière de la Chine et du Tonkin
Procès-verbal N° 4
La Commission de Délimitation Franco-Chinoise a reconnu, le sept avril mil huit cent quatre-vingt-six, qu’à partir du point situé à cent mètres en avant de la Porte de Nam-Quan, sur la route de Nam-Quan à Ðồng-Ðăng, la frontière remonte à l’Ouest jusqu’au sommet de la montagne rocheuse sur lequel est situé le fort marqué A sur le croquis ci-joint, suit à partir de ce fort le haut de la muraille rocheuse qui domine la route de Ðồng-Ðăng jusqu’au point marqué B sur le croquis. Ce point B se trouve à l’endroit où le sentier qui, se détachant de la route de Ðồng-Ðăng à Nam-Quan, conduit au village de Lung-Ngieu, coupe la muraille rocheuse. Elle suit ensuite ce même chemin jusqu’au la Porte du village de Lung-Ngieu. A partir de cette Porte elle reprend le haut des rochers qui contournent le cirque du village de Lung-Ngieu pour arriver à un point marqué C. Du point C elle se dirige à l’Ouest jusqu’à la Porte de Kida…

Tác giả tạm dịch và chú giải thêm như sau:

"Ủy ban Pháp - Trung Phân định Biên giới nhìn nhận, nhằm ngày Bẩy tháng Tư năm một ngàn tám trăm tám mươi sáu, từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng (cột số 18 – tác giả), đường biên giới theo hướng Tây đi lên đến đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A ở trên sơ đồ kèm theo đây, sau đó đường biên giới từ điểm này theo đường đỉnh cao của bức tường núi đá nhìn xuống con đường Ðồng Ðăng cho đến điểm B đánh dấu trên sơ đồ (cột số 17 – tác giả). Ðiểm B là điểm mà con đường mòn - đường mòn này là một nhánh rẽ của con đường Ðồng Ðăng đi Nam Quan - dẫn đi đến làng Lung Ngieu (Lũng Ngọ 隴午, còn viết là Lộng 弄 – tác giả) cắt bức tường núi đá. Ðường biên giới theo con đường mòn cho đến cổng làng Lung Ngieu. Từ cổng, đường biên giới đi lên ngọn rặng núi đá bọc quanh thung lũng làng Lung Ngieu để đi đến điểm C (cột số 16 – tác giả). Từ điểm C đường biên giới đi về hướng Tây cho đến cửa Ki Da (trên bản đồ ghi Khua-Da, có lẽ là Cửa Du, tức ải Du).

Hình 2: Biên bản cắm mốc viết tay của đại uý Didelot, đoạn từ Chí Mã đến Nam Quan. Dòng cuối: "à 100m en avant de la porte de Nam Quan sur le chemin de Dong Dang". Số 20 phía trước là số thứ tự các mốc được cắm, không phải là số cột mốc. Các cột mốc vùng Quảng Tây chỉ được mang số theo biên bản ngày 19 tháng 6 năm 1894 do quí ông Gallieni và ông Famin thành lập.

Hình 3: Biên bản cắm mốc, tiếng Hán

Tài liệu do nhà nước công bố có tựa đề: "Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay" do NXB Sự Thật xuất bản năm 1979, hiện lưu trữ tại một số thư viện Hoa Kỳ và Pháp, có ghi một số dữ kiện về việc TQ lấn đất ở Nam Quan ở trang 10 (xem hình 4) như sau:

Hình 4

"Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt- Trung đến Yên Viên, gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt-Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề nghị chính phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều chỉnh lại điểm nối ray cho phù hợp với đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét. Cho đến nay họ vẫn trắng trợn ngụy biện rằng khu vực hơn 300m đường sắt đó là đất Trung Quốc với lập luận rằng ‘không thể có đường sắt nuớc này đặt trên lãnh thổ nước khác.’

Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam-Quan 100m trên đường Quốc Lộ để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột mốc ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này.

Như vậy, họ đã lấn chiếm một khu vực liên hoàn từ đường sắt sang đường bộ thuộc xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam…"

Ông Phụng nghĩ gì về tài liệu này? Và ông cũng nên cho mọi người biết biết đường biên giới hiện nay chạy phía nam cổng Nam Quan nhưng cách cổng là bao nhiêu mét?

(Còn 1 kì)

© 2008 talawas