trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
25.7.2008
Ursula Gauthier
Vì sao Trung Quốc làm người ta sợ hãi?
 
Napoléon đã thốt lên: "Khi Trung Quốc bừng tỉnh, trái đất sẽ rung chuyển". Kể từ đó, Đế chế Trung Hoa, các quan lại bí hiểm và dân tộc đông đảo của họ nuôi dưỡng những ảo ảnh. Và thế là những phản kháng ngoan cố ở Tây Tạng và một ngọn lửa Olympic chập chờn đang làm thức tỉnh những nỗi lo sợ tồi tệ nhất. Liệu chúng có xảy ra không? Tạp chí Le Nouvel Observateur điểm qua sự cất cánh mới của Trung Quốc và mở cuộc tranh luận với hai nhà Trung Quốc học lỗi lạc để không nhầm lẫn giữa những tác hại của một chế độ chuyên quyền với số phận của một tầng lớp dân chúng bị lên án một cách bất công. [1]
Cho tới cách đây vài tuần, theo người châu Âu, nước đe dọa sự ổn định trên thế giới nhiều nhất là Mỹ. Kể từ các cuộc nổi dậy ở Lhasa và những thăng trầm của ngọn lửa Olympic, nhận thức đã thay đổi. Theo một cuộc thăm dò dư luận Harris được thực hiện trong thời gian từ 28/3 tới 8/4, mối nguy hiểm chung số 1 là Trung Quốc. Trung Quốc đang chiếm Tây Tạng, bóc lột hàng triệu người lao động không có quyền, bỏ tù những người bào chữa kém nhất, bán ra các sản phẩm độc hại hoặc không hợp pháp, và là đất nước mà gần tới Thế vận hội Olympic, có tham vọng rước ngọn lửa Olympic trong tiếng vỗ tay tán thưởng của toàn thế giới. Cứ như là không có việc gì xảy ra vậy.

Đối với người Pháp tôn thờ việc ghét Mỹ, rước hụt bó đuốc trên đường phố Paris đã đánh dấu một bước ngoặt. Mới hôm qua, Trung Quốc đã xuất hiện như một câu chuyện thành công tuyệt vời, một chiếc đầu máy xe lửa Trời cho đối với sự tăng trưởng trên thế giới, một mô hình cực kỳ hiện đại táo bạo. Sững sờ vì sự đột biến của con thằn lằn cộng sản thành siêu cường của thế kỷ 21, người ta đánh cuộc về những quân chủ bài của họ mà không hoàn toàn quên những khuyết tật của họ. Không cuồng tín Trung Quốc, người ta đã bị quyến rũ bởi cảnh tượng phi thường về sự cải biến của họ…

Chỉ cần một ngày đường là sự thần diệu lập tức biến mất. Một tốp người ăn mặc kiểu trang phục khoác ngoài xanh da trời của vận động viên với cặp kính đen trên những khuôn mặt không cởi mở: chính hình ảnh lạnh lùng này hiện ra khi người ta nói đến Đế chế Đỏ. Và chính David Douillet [2] là người biểu lộ rõ nhất tình cảm chung: "Nếu họ cư xử như vậy ở Paris thì người ta tự hỏi liệu ở nước họ, họ sẽ cư xử như thế nào?".

Phía Trung Quốc, với một sự chênh lệch do cứng rắn trong việc kiểm soát thông tin gây ra, sự thất vọng cũng thật tàn nhẫn. Dư luận Trung Quốc đã bàng hoàng phát hiện ra, sự thù địch không che đậy của một dân tộc - người Pháp - tuy với dân tộc này, họ tự cảm thấy có nhiều điểm gần gũi nhất. Từ "gáo nước lạnh" này sẽ xuất hiện nữ anh hùng đầu tiên của Thế vận hội 2008. Những bức ảnh của vận động viên chạy tiếp sức Jin Jing [金晶/Kim Tinh], một nữ vận động viên điền kinh tàn tật đương đầu với những người biểu tình thân Tây Tạng, những người thử cướp bó đuốc của cô mà không có kết quả, làm cho các đám đông người Trung Quốc rơi lệ. "Thiên thần trên chiếc xe lăn" đã trở thành biểu tượng của một dân tộc dũng cảm và bị xúc phạm, bị tất cả mọi người ruồng bỏ, bị những kẻ thù nhẫn tâm tấn công một cách tàn ác.

Ngày nay, sự giận dữ và oán hận tràn ngập các diễn đàn, nhất là các diễn đàn về trẻ em được nuông chiều của sự màu nhiệm Trung Quốc, những "ông vua con" tin rằng tất cả đều phải vì chúng. Một tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hoang tưởng, điên rồ, khiến người ta ngơ ngác, toát lên, không cần giữ gìn. Nhất định phải bắt những người Paris bẩn thỉu này trả giá về "tội khi quân" của họ. Sự trùng phạt kiểu dân gian từ đó tập trung vào 122 siêu thị Carrefour ở Trung Quốc, với lý do là một trong những cổ đông của tập đoàn này đã "đưa quá nhiều tiền cho bè lũ Dalai Lama"… Bernard Arnault [3] đã phủ nhận điều này nhưng những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục. Nhà viết tiểu thuyết vĩ đại Yu Hua [余華/Dư Hoa] [4] giải thích: "Những người của dân tộc này nhận thấy ở Thế vận hội một cơ hội đặc biệt để chơi bời phóng túng sau 30 năm lao động liên tục. Không ai hiểu tại sao thế giới lại muốn chúng tôi hủy hoại thú vui của mình."

Còn về phần các quan lại của Bắc Kinh, mọi điều đều khiến cho người ta nghĩ rằng họ đang thao túng một nỗi thất vọng tập thể sâu xa, đồng thời tìm cách kiểm soát nó nhằm tránh quá khích. Năm 2005, một phong trào chống Nhật đã nhanh chóng quay trở lại chống chính phủ. Nhưng những dịp để nhận được sự tán đồng chung là quá hiếm hoi, đáng để khích động ngấm ngầm sự tức giận chính đáng của dân tộc này. Chỉ cần nhắc lại quá khứ mới đây, khi Trung Quốc làm mồi cho những khao khát của tất cả các nước đế quốc, từ việc ám chỉ "chiến tranh nha phiến". Các cuộc chiến bất công này diễn ra giữa thế kỷ 19, do nước Anh, muốn mở cửa việc buôn bán nha phiến cho Trung Quốc. Kết quả là: toàn dân bị nghiện một cách cố ý, đất nước thì bị các cường quốc đang chia nhau thuộc địa bắt phải đóng góp tốn kém, sự bùng nổ của thống nhất quốc gia vì lợi ích của các lãnh chúa chiến tranh… Rồi cuộc xâm lược của Nhật Bản năm 1931 và những bạo tàn đi theo nó.

Những sự tàn phá này đã được dạy cho trẻ em, được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đi nhắc lại, được ca tụng trong các chuỗi phim truyền hình. Chúng giải thích tính nhạy cảm hời hợt và những cơn dân tộc chủ nghĩa đột ngột. Nhưng rất ít người Trung Quốc hiểu rằng câu chuyện trong những cuốn sách giáo khoa và những cuộc tọa đàm đã bị cắt xén bớt. Chẳng hạn, họ không biết rằng các phong trào do Mao phát động sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập đã khiến nhiều người ở đất nước họ thiệt mạng hơn là 15 năm chiếm đóng quân sự của Nhật Bản. Họ lờ mờ biết rằng lịch sử của họ là "kẻ ngốn mạng sống", họ không biết những thói quen xấu của các nhà lãnh đạo của họ đã góp bao nhiêu vào điều đó.

Tất cả những người đã thử sửa chữa điều đó đã phải trả giá đắt. Vị tổng biên tập nổi tiếng Li Datong [李大同/Lí Đại Đồng] đã bị cách chức năm 2005 vì đã cho xuất bản những bài báo tranh cãi về lịch sử chính thức. Và ở Tây Tạng, giáo sư lịch sử Dolma Kyab [卓史确, bút danh Lobsang Kelsang Gyatso] đã bị kết án 10 năm tù. Tội của ông là dám viết lịch sử của Tây Tạng không phù hợp với sự thật của Nhà nước (ở đây nói về một bản thảo chép tay chưa bao giờ được công bố).

Khi sự tranh cãi lan tới các đám đông ở Paris hay London, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh trả lời bằng những giọng chuyên quyền như nhau, bằng những diễn văn đầy tuyên truyền lừa dối và coi thường sự thật như nhau. Francesco Sisci, phóng viên của tờ La Stampa tại Bắc Kinh và là nhà phân tích tinh tế về các bí quyết của Bắc Kinh giải thích: "Sự thật là các nhà lãnh đạo Trung Quốc không biết cư xử thế nào trước những phần tử không phải là người Hán (dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc), dù họ là người Tây Tạng hay châu Âu. Họ không hiểu tại sao bị người ta phỉ nhổ ở Lhasa mặc dù họ đã đầu tư hàng tỷ, cũng không hiểu tại sao thế giới lại công khai chế giễu khi họ đã làm tất cả để hòa nhập vào sự hiệp đồng của các dân tộc". Có phải họ không có ý thức lo lắng bởi tính cố chấp, tự kỷ và giáo điều của họ? "Không hoàn toàn như vậy. Ngược lại họ tự cảm thấy bị tấn công và oan uổng." Làm thế nào để giải thích sự không thích đáng của nhận thức này? Đối với Sisci, những người có thẩm quyền quyết định của Trung Quốc thiếu hiểu biết tối thiểu về thế giới và ngược lại. "Thực ra, mặc dù có hàng đám chuyên gia được đào tạo ở những trường đại học nước ngoài tốt nhất nhưng họ luôn không hiểu sự vận hành của thế giới. Họ chưa chín muồi về mặt tâm lý và văn hóa để đảm đương qui chế cường quốc hàng đầu mà họ nghĩ là xứng đáng."

Là một quốc gia thực dân cũ, chúng ta không thích sự đô hộ của Mỹ, tất nhiên chúng ta sẽ khó mà tán thành sự ra đời của một người khổng lồ mới.



[1]Đây là Lời toà soạn của tạp chí Le Nouvel Observateur. Bản dịch đăng trên Thông tấn xã Việt Nam chỉ gồm bài của Ursula Gauthier. Phần phát biểu của Doan Bui không có trong bản dịch. Bản dịch không đề tên dịch giả. (talawas)
[2]Võ sĩ Judo Pháp
[3]Tỷ phú Pháp, Chairman của Moët Hennessy Louis Vuitton và Christian Dior SA
[4]Tác giả của Huynh đệ - tiểu thuyết của Dư Hoa, NXB Quân đội nhân dân và Phải sống (được Trương Nghệ Mưu dựng phim và giành giải tại Cannes 1994).
Nguồn: Nguyên bản tiếng Pháp đăng trên Le Nouvel Observateur n° 2268, du 24 au 30 avril, 2008. Bản tiếng Việt của Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo chủ nhật số: 26-TTX, ngày 29/6/08, tr. 13-15.